(Nguồn ảnh: Internet) |
PHÂN TÍCH NHẠC PHẨM
MỘT ĐỜI NGƯỜI MỘT RỪNG CÂY
Tu tập Thiền buông xả giúp ta rũ bỏ quá khứ, quá
khứ của mặc cảm, quá khứ của nỗi đau, quá khứ của những thói quen, vốn không
có lợi cho mình và cho người thân thương, cho xã hội và cho cộng đồng.
THIỀN
VÔ NGÃ
Thiền vô ngã là một tiến trình quán chiếu
thấy rõ cái tôi vị kỷ mang lại nhiều rắc rối. Cái tôi dựng lên những Vạn Lý
Trường Thành giữa ta với thế giới, giữa ta với xã hội, giữa ta với con người
một cách hữu hình hay vô hình. Do đó quán chiếu về cái tôi giúp ta vượt qua
được những mặc cảm về quá khứ mà rất nhiều người bị vướng phải. Thiền giúp ta
có thêm năng lượng mới để sống bình an hơn, hạnh phúc hơn, giành những tình
thương cao quý cho người thân có quá trình gắn bó sâu sắc.
(Thượng tọa Thích Nhật Từ) |
Phần tu tập thiền vô ngã gắn liền với bài “Một Đời Người - Một Rừng Cây” do nhạc sĩ Trần Long Ẩn sáng tác:
“Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây.
Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người. Trẻ trung như cụm hoa
hồng, hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm khi gió về.
Cây đã mọc từ thuở nào, trên đồi núi thật cằn khô. Cây có
hiểu vì sao chim thường kéo về làm tổ. Và em như cụm lan mọc từ những cành cổ
thụ già kia. Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây sống gần nhau thân mới thẳng, có
một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương.
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. Ai
cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình, phải đâu may nhờ rủi chịu,
phải đâu trong đục cũng đành. Phải không anh? Phải không em.
Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi.
Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người ngày đêm canh giữ đất
trời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân”.
Tu tập Thiền buông xả giúp ta rũ bỏ quá
khứ, quá khứ của mặc cảm, quá khứ của nỗi đau, quá khứ của những thói quen,
vốn không có lợi cho mình và cho người thân thương, cho xã hội và cho cộng đồng.
Thực tập thiền buông xả có khả năng trị liệu
lớn. Giống như một vết mực trên một tờ giấy hay vết bẩn trên áo quần, có thể
được giặt rửa tẩy, khi làm đúng phương pháp ta trở thành con người có giá trị,
có chất lượng hạnh phúc, có tầm nhìn tương lai tươi sáng.
ĐỜI
NGƯỜI QUA HÌNH ẢNH RỪNG CÂY
Vô ngã theo Phật giáo trước nhất là cuộc sống
vị tha. Ta nhận diện rất rõ rằng ai quá chăm chút cái tôi sẽ có khuynh hướng
không nghĩ đến lợi ích của người khác. Nhạc gồm có bốn khổ, khổ đầu tiên phân
tích giá trị con người qua ẩn dụ đời người như một rừng cây: “Khi nghĩ về đời người tôi thường nghĩ về rừng cây”.
Rừng cây có cấu trúc không có cây nào quan
trọng số một và những cây còn lại là thứ yếu. Tất cả mỗi cây đều đóng vai trò
ngang nhau và đứng bên cạnh nhau tạo nên một rừng, có thể chặn được cơn lốc,
làm giảm các loại bão tố vốn có thể ảnh hưởng tới mùa màng, hoa màu, đời sống
kinh tế và cuộc sống. Nạn phá rừng hiện nay đang báo động đến mức độ đỏ
trên toàn cầu. Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang có ý thức kêu gọi tất cả
mọi người trồng rừng để bảo vệ môi trường sinh thái, như buồng phổi chúng ta
đang sinh sống.
Khi nghĩ một đời người với tương quan xã hội
mà trong đó mỗi người đóng vai trò giống như mỗi cây trong một rừng cây, tự
động ta có nhận thức kéo theo sau là “Tôi sống vì mọi người, mọi người sống trong tôn trọng lẫn
nhau”. Tôi tôn trọng mọi người và sự tương quan tôn trọng đó làm chúng ta yêu
quý nhau. Bất cứ một lời nói, việc làm, suy nghĩ gì, nếu không trực tiếp mang
lại lợi lạc cho người khác cũng không hề ảnh hưởng tiêu cực cho ai. Suy nghĩ về
một rừng cây như thường nghĩ về nhiều người. Các ngôi chùa Phật giáo trong chữ
Hán gọi là Tùng Lâm tức là rừng cây cổ thụ. Vì sao được gọi như thế, vì không
gian tâm linh của chùa gắn liền môi trường thiên nhiên. Khi có mặt trong không
gian như thế ta dễ dàng rũ bỏ các bụi phiền, không khí xanh trong làm chúng
ta có một sức sống mới.
Trại giam này lần trước được giám thị hướng
dẫn đi, tôi có cảm giác như là khu du lịch sinh thái tâm linh, có Phật đài, có
cây xanh thoáng mát, có hồ, cách trang trí rất đẹp. Khi sống trong không gian
như vậy, trước nhất ta có cơ hội khoanh vùng lại những không gian mà trước đây
ta từng liên hệ đến, tạo ra nhiều thói quen tiêu cực. Cho nên tránh né những
không gian tiêu cực là giúp ta có một không gian mới, một tầm nhìn mới.
Trong chùa chúng tôi thường nói đùa với nhau
“Chữ tù liền với chữ
tu một vần”. Chữ “Tù” có dấu huyền, nếu nhìn theo hình thù, nó
nghiêng về phía tay trái, tượng trưng cho quá khứ. Những quá khứ thiếu sự kiểm
soát, lời nói, suy nghĩ, việc làm, làm cho ta rắc rối ở hiện tại. Bây giờ, ta
chỉ cần làm một việc duy nhất là quên đi quá khứ đó, ta trở thành chữ tu.
Các tu sĩ chúng tôi mỗi năm phải dành 3 tháng
ẩn tu. Mỗi ngôi chùa với diện tích khoảng 500m2, có khoảng 20 đến 60 tu sĩ,
các giường san sát. Mỗi giường cách nhau khoảng 2 tấc, đầu giường có một bàn
làm việc, ngủ tại đó và làm việc tại đó. Không gian chật hẹp mà người tu thấy
vẫn tự do, thoải mái.
Quên đi quá khứ tức dấu “Huyền” thì có một
tương lai tươi sáng là chữ “Tu”. Tu đây là chuyển hóa, làm mới, giúp cho ta
hướng thượng, hướng thiện. Khi nghĩ về một rừng cây, ta phải có ý thức bảo vệ
nó. Nghĩ về rừng cây ta sẽ nghĩ đến nhiều người, trong số đó có rất nhiều người
thân thương hoặc ngược lại. Nếu nhìn về chiều dài của quá khứ, những người nam
trong cuộc đời, dầu ở Việt Nam
hoặc ở nước ngoài, ít nhất một lần trong kiếp nào đó từng làm cha, ông, chú
bác, cậu, anh, chồng, em trai, cháu trai, chắt trai của chúng ta. Những người
nữ từng là bà, mẹ, cô, dì, mợ, thím, vợ, con gái, chị gái, em gái, cháu gái,
chắt gái của chúng ta. Nghĩ tới một tương quan dài vô tận như thế, ta sống
trong đời biết tôn trọng và trân quý lẫn nhau, vì không bà con gần ở kiếp này
thì cũng từng là bà con xa. Vì vậy, khi nghĩ về một rừng cây với tương quan
nhiều người như thế, ta sống một cách có ý thức tích cực hơn.
Hãy thể hiện như trong bài ca “Trẻ trung như cụm hoa hồng”, tức sống làm sao người ta trân quý mình
như một đóa hoa có giá trị, được mọi người tôn trọng. Cái đẹp của hoa hồng đặc
biệt hơn các loài hoa khác. Ở xứ lạnh như miền Bắc, có thể tồn tại được khoảng
3 tuần cho đến 5 tuần. Sự trân quý dẫn đến thái độ chăm sóc, làm cho hoa hồng
đó tồn tại dài hơn. Nghĩ đến những người có đóng góp trên tinh thần Vô ngã và
phụng sự, ta có sự so sánh, ta cũng là một trong những người như thế. Trong
triết học Phật giáo có hai câu:
“Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ
Bất ưng tự khinh nhi thoái
khuất”.
Trên đời này có những bậc anh hùng, có những
nhà quân tử, có những bậc hiền triết, có những anh tài, có những người thành
công trong xã hội, có những người được cuộc đời ca tụng, thì tôi đây cũng là
một trong số người như thế, do vậy không được tự khinh thường mình, hành hạ
mình, bởi các mặc cảm quá khứ mà thành những người bị bỏ lại sau lưng. Đó là
một câu triết lý, khích lệ ta đi về phía trước. Để được như thế, ta “Hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm khi gió về”. Hồn nhiên ở đây được hiểu là trạng thái vô
tư. Vô tư không phải là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu bổn phận với người
thân, người thương, gia đình, xã hội, quốc gia. Vô tư ở đây là không nghĩ gì
đến cá nhân, nghĩ trên một tương quan giữa ta và người, giữa ta và người thân
thương, giữa ta và xã hội, giữa ta với cộng đồng. Ta phải có trách nhiệm với
lòng cam kết lớn. Suy nghĩ như thế, ta không ứng xử những gì mang tổn hại cho
người mà có lợi cho bản thân. Suy nghĩ đó được xem là động cơ để ta trở thành
một hoa hồng, sống một đời sống vô ngã và vị tha.
NGHỊCH
CẢNH
Khổ thứ hai trong bản nhạc nói đến giá trị
của nghịch cảnh. Nghịch cảnh thường là những chướng ngại vật khi đi trên đó
chúng ta dễ bị vấp ngã. Mỗi khi vấp ngã ta cảm thấy mệt mỏi, sợ hãi. Một số
người thiếu sự chịu đựng rơi vào tình trạng tuyệt vọng rất cao. Hãy vẫy tay
chào với những nỗi sợ hãi đó. Ta hãy thử đặt ra hai cơ hội lớn như nhạc sĩ Trần
Long Ẩn đưa ra trong bài ca của ông.
“Cây đã mọc từ thuở nào trên đồi núi thật cằn khô, cây có
hiểu vì sao chim thường kéo về làm tổ”.
Nhân dân Việt Nam có câu: “Đất lành chim đậu”. Cây có cành lá xum xuê, có thể chống lại
giông to bão lớn. Các loài chim nương tựa vào nhành cây quê hương của chúng,
bởi vì nó có sức che chở. Rất nhiều người trong chúng ta thường làm các việc đó
cho cha mẹ, cho ông bà, cho người thân thương, cho em út, con cháu của mình,
nhưng đôi lúc lại quên làm việc đó với những người khác trong xã hội. Đôi lúc
ta làm ngược lại với những gì ta làm cho người thân, người thương. Đó là việc
chưa làm ta thành người vô ngã đúng nghĩa. Ứng xử một cách tốt đẹp và tích cực
cho người thân như thế nào, ta được khích lệ ứng xử một cách cao thượng đối với
những người ngoài xã hội, vì theo quan điểm Phật giáo, họ cũng là người thân
yêu của ta trong một kiếp nào đó.
Khi làm một tàng cây lớn, không lo gì không
có tiếng chim ríu rít mỗi ngày. Để có giá trị đó ta chỉ cần trở thành một tàng
cây. Ta hãy đặt ra câu hỏi tại sao các cây cổ thụ không mọc ở đồng bằng mà lại
mọc ở trên núi, trên rừng không có nước? Nghịch cảnh tạo ra giá trị của con
người.
Hoa sen trở nên đặc biệt hơn các loài hoa
khác, có hương, nhụy, cánh, hạt là nhờ vào chất liệu bùn tanh. Nếu không có bùn
tanh, hoa sen không phải là hoa sen nữa, không có gì đặc biệt. Đứng về mọi
phương diện nó đều đặc biệt hơn các loài hoa còn lại. Về kinh tế ngó sen, cọng
sen có thể làm gỏi, nhiều món ăn. Lá sen dùng để gói bánh. Hạt sen chữa bệnh
mất ngủ, hỗ trợ tim. Tâm sen có chất an thần giúp ta khỏe mạnh và thư thái. Hầu
như không có gì trên cây sen bỏ đi. Hoa sen xuất thân từ bùn nhơ. Những cạm
bẫy, cám dỗ trong cuộc đời ta nên sánh như bùn nhơ hay đất khô cằn. Các cây cổ
thụ sống qua năm tháng trên đất khô cằn là một điều rất đặc biệt so với các
loài cây khác.
Những nơi nào có rừng cây thông, tuyệt nhiên
cỏ dại mọc lên không nổi. Cây bách, cây tùng làm cho các cỏ dại không thể mọc
được. Phật giáo dạy, mỗi người có tiềm năng đặc biệt, tiềm năng của tỉnh thức,
tiềm năng của thiên tài, tiềm năng của nghề nghiệp cao thượng, có sự dấn thân
cao thượng. Đôi lúc chúng ta để nó ngủ quên. Hãy đánh thức nó dậy.
Ta có năng lực và sử dụng năng lực cho người
thân thương, cho xã hội và cho cộng đồng. Muốn làm được như thế ta chỉ cần liên
tưởng đến rừng cây ở trên núi khô cằn lại có giá trị biết bao nhiêu. Nhà thơ,
họa sĩ, các nhạc sĩ ca tụng trong các tác phẩm của họ, hãy trở thành những cây
quý như thế. Trở thành cỏ dại hay những loại cây thông thường ta sẽ bị lãng
quên đi. Năng lực đó có sẵn trong mỗi người, chỉ cần ta khai thác sử dụng.
“Em như cụm lan mọc từ những cành cổ thụ già kia”. Nếu ai đã từng chơi lan sẽ thấy rằng những
gốc cổ thụ hoặc những cây có lỗ hốc, thông thường bị vứt bỏ đi. Đối với cái
nhìn của nhà nghệ thuật thì những lồi lõm của gỗ tự nhiên lại có giá trị thẩm
mỹ. Khi sử dụng đúng cách nó có giá trị về kinh tế, thẩm mỹ và ý nghĩa cho
cuộc đời.
Các bước ngoặc trong cuộc đời giống như một
cây có nhiều lỗ hốc. Mọi vật đừng vứt bỏ đi, vứt bỏ quá khứ thôi, đừng vứt bỏ
thân thể này. Nhiều người nghĩ rằng đời tôi lấm lem quá nhiều, gây nhiều khổ
đau cho mình cho người rồi, nên tôi nghĩ không còn gì để sống. Nghĩ như thế là
tự bất hiếu với cha mẹ, cha mẹ cho mình thân thể và sự sống, không thể phá hoại
được. Làm con người theo đạo Phật là quý nhất trong các loài động vật.
Loài cá Heo có chất xám gấp mấy lần so với
con người nhưng chúng không có ngôn ngữ hoàn thiện để truyền trao kinh nghiệm,
kiến thức. Chúng đâu có bàn tay để làm những việc chúng muốn, có đôi chân để đi
trên mặt đất và làm việc như một con người. Dù chất xám con người ít hơn nhưng
lại thành công hơn các loại cá Heo. Hãy biến những khúc mắc trong đời để trở
thành cụm lan mọc có giá trị từ khúc gỗ cằn, khô, già cỗi!
“Và tôi cũng nhớ hoài một loài cây, sống gần nhau thân
mới thẳng, có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ gìn đất quê
hương”.
Khi nghĩ mình là một cây để bảo vệ rừng quê
hương, ta có một cam kết, tinh thần trách nhiệm và cố gắng làm cái gì đó lợi
ích cho đất nước. Muốn làm được như thế chỉ cần nghĩ tôi phải là rừng để bảo
vệ sự xói mòn của bão lụt, hạn hán v.v… Tôi phải là cây để cho mạch nước quê
hương, đất mẹ Việt Nam
ngày càng được tươi mát. Tôi phải là cây lúa trong vô số cánh đồng lúa để người
thân thương và mọi người trong xã hội hiểu được giá trị của nó. Cứ nghĩ đến và
cam kết rằng tôi phải là một người trong số đó. Hưởng thì sẽ hết nhưng tạo ra
thì còn hoài.
DẤN
THÂN VÀ PHỤNG SỰ
Trong khổ thứ ba, Trần Long Ẩn đề cập đến
quan niệm cái tôi và chúng ta. Cái tôi là cái nhỏ bé, chúng ta là cái lớn. Ai
hướng tới cái tôi nhiều chừng nào, vẫy tay chào hạnh phúc nhiều chừng đó. Ai
hướng về phía chúng ta nhiều chừng nào, thì tinh thần tập thể, đoàn kết, hòa
hợp, tương thân, tương trợ, thân thương và giúp đỡ lẫn nhau có cơ hội nảy nở và
trở thành phương châm của đời sống: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.
Dấn thân phụng sự được xem là phương châm của
người Việt Nam
từ ngàn xưa. Khi quốc gia lâm nguy ai cũng có trách nhiệm, ngay cả những nhà sư
từ xa xưa đã có trách nhiệm: “Cởi áo cà sa khoác chiến bào”.
Lý - Trần được xem là hai thời đại hùng mạnh
của đất nước Việt Nam
trong quá khứ. Những vị vua gắn liền với nền minh triết Phật giáo khá nhiều,
những vị tướng lãnh cũng thấm nhuần tư tưởng Phật học, có chất hùng dũng, tinh
thần rộng lượng tha thứ, nhiệt huyết phụng sự và đóng góp rất cao. Chúng ta cố
gắng đừng “Chọn
việc nhẹ nhàng” mà hãy chọn những việc khó để tạo ra những giá trị đóng góp cho cuộc đời.
Sau khi học mấy năm với Khổng Tử, người cháu
và một học trò Khổng Tử được phân bổ về làm quan ở các tỉnh lỵ xa xôi. Thăm
Khổng Tử, người cháu của Khổng Tử than vãn:
- Thưa thầy! Từ lúc con được bổ làm quan, con
mất ba việc.
- Mất ba việc gì?
- Bận rộn công việc quá nên con không có thời
gian chăm sóc gia đình. Bận rộn với chuyện quốc sự, nên con không có thời gian
thăm những người thân thương. Bận rộn công việc nên con không còn thời gian lo
bản thân mình.
Sau đó, một học trò khác của Khổng Tử được
hỏi:
- Trong thời gian làm quan anh như thế nào?
- Từ lúc làm quan tới giờ con được 3 việc.
Đến nơi hẻo lánh có quá nhiều việc để làm, con có cơ hội đóng góp và trở thành
anh hùng. Đến những nơi chưa có được người quan tâm nhiều, ai cũng sợ những việc
nặng, nên con có cơ hội làm cho gia đình và họ tộc của con được hưng hỷ
bởi đóng góp tích cực của con. Khi đến những nơi như thế này dù rất bận rộn
nhưng con vẫn dành thời gian đi thăm người thân, người thương, bạn bè, nên tình
thân thương đã có không bị mất. Con sống với họ như thuở hôm nào.
Ta thấy trong cùng một hoàn cảnh khó khăn
giống như nhau, cháu Khổng Tử quên việc chăm sóc người thân nên mất tình thân.
Có mặt ở nơi khó khăn làm anh ta ngán ngẫm và người thân mệt mỏi với anh ta.
Trong khi người làm quan khác có cái nhìn
tích cực. Đến một nơi chưa khai hóa sẽ đóng góp nhiều hơn. Tới những nơi “dọn
sẵn ổ đẻ” thì quá dễ. Ta phải góp tay để tạo nên một công trình. Hằng ngày các
anh chị em được hướng dẫn đến khu vực này, khu vực nọ để làm các công việc công
ích. Có lúc các vị nghĩ là mệt mỏi, tại sao ta phải nai lưng làm từ sáng đến
chiều tối cho công việc mà mình không được hưởng lương gì cả?
Trong Phật giáo có khái niệm “công quả”, tức bỏ công sức ra để có được một phước quả. Làm việc
công ích trong trại giam là các vị đang làm công quả. Nghĩ rằng làm công ích để
được khoan hồng thì ta làm một cách bất đắc dĩ. Nghĩ ta đang làm công quả để
đem lại lợi lạc cho mình thì ta sẽ dấn thân nhiều hơn.
Quốc đảo Đài Loan thường bị bão và lụt. Người
dân Đài Loan tin vào Phật giáo rất lớn. Một năm họ tổ chức các trai đàn chẩn tế
với sự tham dự của 10.000 tu sĩ Phật giáo quốc tế và trong nước. Những anh chị
em phục vụ trong lễ trai đàn đó không phải là những người bình dân. Họ là những
giám đốc công ty, có vai trò xã hội cao. Đến với trai đàn đó họ đóng vai người
bình thường và phát tâm phụng sự cho khoảng 50.000 người tại một sân vận động
lớn của quốc gia. Họ đang làm công quả.
Nếu ta nghĩ tôi có vai trò vị trí xã hội cao,
tôi là người gia trưởng trong gia đình, tôi không phải làm các công việc này,
những người khác phải phục sự ta thì ta rất dễ dàng cáu gắt, khó khăn, ứng xử
kẻ trên và kẻ dưới nên tình người dần dần bị mất đi. Nghĩ rằng mình là người
lớn, hãy hy sinh làm những phần việc quan trọng, khó khăn nặng nhọc mà đàn em
của mình chưa có điều kiện làm, ta trở thành người có ý nghĩa và giá trị.
Rất nhiều người có suy nghĩ, tôi muốn làm dân
anh chị trong xã hội, nhưng anh chị đó phải được hiểu theo nghĩa tích cực là
phụng sự, đóng góp, trở thành những anh hùng, không phải anh chị theo nghĩa
đen, về phương diện xã hội đen. Chỉ cần thay đổi ý niệm tích cực, ta sẽ trở
thành người mới và không còn mặc cảm.
KHÔNG
NÊN TIN VÀO SỐ PHẬN
“Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình.
Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành. Phải không anh, phải
không em?”.
Đôi lúc các anh chị thử hỏi người thân, hay
người cùng phòng với mình: “Ta có phải là chiếc lục bình trôi rày đây mai đó, tùy thuộc vào thủy triều
lên xuống của con sông và nước?” Ai nghĩ rằng tôi như chiếc lục bình trôi là một sai lầm
lớn.
Triết học Phật giáo dạy ta không nên tin vào
số phận may rủi. Hãy rũ bỏ thái độ lệ thuộc và nô lệ các Thượng đế, các thần
linh. Ai lệ thuộc Thượng đế và thần linh sẽ có thói quen nghĩ rằng vận mệnh của
mình đã được sắp xếp. Tin vào như thế, ta không có ý niệm thay đổi bản thân.
Theo Phật giáo, ta là kiến trúc sư của cuộc đời mình. Ta đã tạo ra ngôi nhà
hạnh phúc hay khổ đau, đã dựng ra cột kèo, trang trí trong nhà ngoài phố. Ta
đã tạo dựng ra tất cả mọi thứ. Tốt hay xấu thì chính mình phải gánh lấy, không
ai khác thay thế vào. Dầu có theo tôn giáo nào, được bất cứ hứa hẹn gì ta cũng
phải biết rằng mình làm cái gì thì phải chịu hậu quả tốt xấu. Những hành động,
nếu thuận với đạo đức sẽ dẫn đến hạnh phúc, nếu nghịch với đạo đức ta sẽ gánh
lấy khổ đau, không ai khác. Do đó phải có niềm tin vào nhân quả đạo đức.
Có một gia đình nọ, người vợ mất sớm, người
cha đóng vai trò gà trống nuôi con. Vì vất vả công việc cộng với nỗi buồn nho
nhỏ làm cho ông mượn rượu để tìm quên. Không may, ông gặp phải những bạn nghiện
ma túy, tặng cho ông ma túy, rồi chia ngọt sẻ bùi với loại đam mê mới này. Ông
gây nghiện cho hai đứa con của ông, cuối cùng phải gỡ lịch vì gắn với đường dây
mua bán ma túy.
Hai đứa con ông lớn lên có hai hoàn cảnh
khác nhau. Một người dấn thân vào đội phòng chống tội phạm ma túy. Người còn
lại là kẻ nghiện ngập gấp đôi cha ruột mình. Hai anh em được hai nhà báo phỏng
vấn. “Hoàn
cảnh nào đã đưa đẩy các anh đến đời sống hiện nay?”. Người anh nghiện ma túy gấp đôi người cha
trả lời: “Vì tôi
có một người cha nghiện ngập nên tôi mới ra nông nỗi này”. Trong khi đó người em trả lời rằng: “Vì tôi có một người cha nghiện ngập, nên tôi phải phấn
đấu làm mới cuộc đời, để con cháu của tôi đời sau phải đẹp hơn, hạnh phúc hơn
cha tôi. Tôi phải làm việc có ý nghĩa để làm cho gia tộc của tôi từ đây về sau
không còn bị phân biệt đối xử như cha tôi”. Chúng ta thấy cũng một hoàn cảnh giống
nhau, người em nỗ lực thoát ra khỏi bế tắc, thương cha và muốn rửa hình ảnh xấu
của cha, nên anh đã nỗ lực dấn thân vào đội phòng chống tội phạm ma túy. Đó là
tấm gương đặc biệt. Còn người anh chấp nhận phận đời của mình như lục bình
trôi. Phó mặc cuộc đời mình cho bất hạnh là điều không nên. Vận mệnh nằm trong
lòng bàn tay, ta nắn theo kiểu gì nó ra hình ảnh kiểu đó. Giống như ta tạo ra
một khuôn của chén, ly, tách thế nào thì ra kiểu mẫu như thế thôi. Đầu tư cuộc
đời một cách khôn khéo, tốt đẹp, tích cực ta có một cuộc đời hạnh phúc. Phải
nghĩ đến tấm gương người em chuyển nghiệp trong câu chuyện vừa nêu.
“Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi,
xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người, ngày đêm canh giữ đất
rời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân”.
Lời tuyên bố của Trần Long Ẩn rất sâu sắc.
Chân lý không phải của anh hay của tôi. Chân lý của anh có thể lớn hơn chân lý
của tôi, chân lý của chị có thể khác với chân lý của tôi, nhưng chân lý của
chúng ta là một. Phần lớn chúng ta có thói quen nghĩ mình đúng, kẻ khác sai.
Khi mình nghĩ trong một tương quan như vậy, ta là người có khuynh hướng đối
lập. Đối lập diễn ra với lòng tham, sân hận và si mê, có thể dẫn đến đấu tranh
loại trừ. Đấu tranh loại trừ nào cũng dẫn đến tổn thất cho cả hai. Chân lý
thuộc về mọi người. Chân lý ở đây là luật pháp, đạo đức, niềm an vui, hạnh
phúc, quy luật khách quan, quy luật xã hội, sự vận hành của vũ trụ, không có
Thượng đế, không có thần linh, không có số phận an bài. Chân lý đó là tương
quan đa chiều của xã hội. Khi tiếp nhận chân lý thì ta có niềm tin hơn, không
còn giành giựt vì mình nữa mà sống vì mọi người. Đừng bao giờ an phận, chọn
sống một cuộc đời nhỏ nhoi, ích kỷ.
“Nhỏ nhoi” được hiểu là ích kỷ, vị lợi, lợi
ích bản thân, đôi lúc dẫm đạp lên hạnh phúc của tha nhân. Nếu không có những
thực tập về thiền vô ngã hay sống vị tha thì thói quen thông thường của chúng
ta là thế. Thực tập thiền sẽ giúp ta có cái nhìn tích cực hơn.
Ở đây nhạc sĩ đã đề nghị chúng ta hãy hát về
bạn bè. Hát về bản thân là tự bơm phồng mình lên. Cái tôi là vỏ sầu riêng, cái
tôi là dây kẽm gai, cái tôi là lựu đạn, cái tôi là bom, là súng ống, dao găm,
những mảnh miễng chai làm ta bị thương tật trong tương quan xã hội. Hãy nghĩ vì
mọi người, vì quốc gia, vì toàn thế giới thì chúng ta sẽ sống vì mọi người .
Bản nhạc dạy thanh niên phải biết vươn lên, “ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều
xuân”. Nghĩ được như thế thì sức sống năng động của tuổi trẻ làm ta đóng góp
nhiều mà mỗi khi nghĩ về nó, mình được quyền hãnh diện tự hào.
TƯ THẾ
NGỒI THIỀN
Khi thực tập thiền, ta xếp bằng bàn chân trái
đặt lên bàn chân phải hoặc bàn chân phải đặt lên bàn chân trái, ngồi trong tư
thế thoải mái, đừng gắng gượng, đè nén, gồng, vì gồng làm ta mỏi mệt. Lưng phải
thẳng đứng với mặt đất tạo thành 90 độ. Tầm mắt nhìn xuống sóng mũi, đừng quá
mở to, đừng khép kín. Khép kín mắt làm ta dễ buồn ngủ. Mở to mắt làm ta có
thói quen rong ruổi cảnh trần. Khi tiếp xúc với nhiều cảnh bên ngoài quá thì
tâm ta trỗi dậy những thói quen cũ, nên khó làm chủ được tâm.
Khi thực tập quý vị cố gắng theo dõi hơi
thở. Hơi thở gắn liền với hít vào thở ra. Hít vào một hơi thật sâu, ý thức rất
rõ ta đang nạp năng lượng thanh khí vào trong cơ thể để thay đổi máu, làm mới
nơ-ron thần kinh, có quá trình trao đổi chất tốt, để có được an bình hạnh phúc
ở hiện tại. Khi thở ra một hơi thật dài, ý thức rất rõ ta đang tống ra bên
ngoài các trượt khí. Tôi đang rũ bỏ những nỗi đau, vứt bỏ vào sọt rác những
bất hạnh trong quá khứ do tôi tạo nên. Tôi cam kết sau này rằng tôi sẽ là người
tốt hơn ngày hôm qua, tôi sẽ là một người rất mới. Quý vị cứ liên tưởng, hình
dung rõ như nắm cái gì đó trong bàn tay.
Ví dụ đây là cái gai tôi ôm nó trong lòng,
gai này sẽ làm cho lòng bàn tay rỉ máu, đau nhức. Mỗi tích tắc giữ lại nỗi đau
là mỗi tích tắc làm ta bất hạnh. Khi thực tập thiền, ta liên tưởng rằng tôi mở
lòng bàn tay ra để đưa các vết đau xuống đất, tôi vẫy tay chào các vết đau này
một cách vĩnh viễn. Các vết đau do tôi hiểu lầm, do tôi cố tình, do tôi bị mê
mờ, do tôi bị xúi dục, do tôi tùy hỷ với người khác, do tôi bị đặt vào cạm bẫy,
do những động cơ không tốt, do tôi chưa hiểu giá trị của cuộc sống và nhiều
nguyên nhân khác nữa. Tôi phải rũ bỏ nó dù với bất kỳ giá nào. Hãy cam kết như
thế, ta buông khổ đau rất dễ. Thực tập này rất đơn giản. Hít thở ra vào với
chánh niệm sẽ giúp ta rũ bỏ được những nỗi đau.
Thông thường khi các trầm uất, căng thẳng,
mặc cảm, dày vò tâm diễn ra làm cho thân thể này mệt mỏi. Hít thở thật sâu như
thế làm cho sự trao đổi chất diễn ra tốt nên căng thẳng được rũ bỏ đi. Ai bị
thoát vị đĩa đệm hay đau nhức xương khớp không cần phải ngồi, có thể đi thiền
hành từng bước chậm rãi, nhẹ nhàng thảnh thơi vào những giờ sau khi ăn cơm,
thay vì nằm liền sẽ dẫn tới béo phì, ngồi thường xuyên coi ti vi dẫn đến những
chứng bệnh về tim mạch.
Ta chỉ cần bỏ ra 15 phút đi bách bộ nhẹ
nhàng, thư thái, không nói chuyện và hít thở không khí trong lành, nhìn thấy
trời xanh, mây bạc, gió thổi, mây bay, chim líu lo, suối chảy, cây xào xạt
thông reo v.v... liên tưởng đến một tương lai xán lạn, một đời sống rất mới mẻ,
hạnh phúc tràn đầy. Luôn luôn nghĩ đến những hình ảnh như thế, việc thực tập đó
sẽ nạp vào trong tâm thức ta một lệnh điều khiển mới. Lệnh điều khiển này có
chức năng tự điều chỉnh những nhận thức, thói quen, suy nghĩ tiêu cực trước đây.
Mỗi ngày các anh chị dành ra ít nhất ba lần,
mỗi lần 15 phút trước khi đi ngủ, sau khi thức dậy, một lần trong ngày, thực
tập thiền, các vị sẽ thấy mình là người hoàn toàn mới. Trại giam chỉ có khả
năng “khoanh vùng” các thói quen xấu của kẻ xấu, cũng giống như tiêm vào trong
cơ thể thuốc phòng ngừa cho nó khỏi lây lan. Trại giam không có khả năng chuyển
hóa tất cả các thói quen. Mỗi giây, mỗi phút rũ bỏ thói quen xấu, ta được hạnh
phúc. Liên tưởng đến hình ảnh của lá sen, khi mưa trút đổ trên nó, nước sẽ bị
tuột xuống. Nếu không có gió lay động, lá được giữ yên lặng thì nước sẽ đọng
lại trên lá, sau bảy ngày lá sẽ bị úng thúi.
Trong cuộc đời ở quá khứ, hiện tại, có rất
nhiều giọt buồn, giọt đau, giọt sầu, giọt khổ, giọt tuyệt vọng, giọt căng
thẳng, giọt thất nghiệp, giọt sức ép kinh tế, giọt bất hạnh đời sống vợ chồng,
bất hạnh với tương quan xã hội... nhỏ trên lá sen tâm của mình. Nếu ta giữ
lại, chúng sẽ làm cho tâm bị úng thúi. Ta hãy liên tưởng đến lá sen không giữ
nước, chỉ cần nỗ lực bằng nhận thức sáng suốt, giống như một luồng gió đi
ngang qua lá sen. Các giọt nước bất hạnh sẽ bị đổ xuống đất, nhờ đó, ta có một
lá sen tươi mát.
TÂM LÀ
KIẾN TRÚC SƯ
Tâm là một kiến trúc sư của hành động và đời
sống. Hãy để tâm nghĩ đến sự hướng thượng, hướng thiện. Trại giam Phú Sơn này
có đài Phật tổ rất đẹp và hoành tráng. Trên nước Việt Nam và cả thế
giới chưa có một trại giam nào làm được như thế. Thái Lan là đất nước nụ cười,
Phật giáo được xem là Quốc giáo. Trong các trại giam đều có thực tập thiền
nhưng chưa có tượng Phật cao lớn, trang nghiêm. Tại sao phải đặt tượng Phật
trong các trại giam? Phật Thích Ca là biểu tượng “làm mới cuộc đời”, thay đổi
nhận thức, chuyển hóa các thói tiêu cực. Những nỗ lực cá nhân giúp ta trở thành
người có khả năng xây dựng được hạnh phúc. Mặc cảm làm ta chìm đắm trong nỗi
khổ niềm đau nhiều hơn, chẳng giải quyết được vấn đề gì. Đức Phật từng giúp
tướng cướp Angulimala, một người bạo động giết người trở thành một bậc Thánh.
Liên Hoa Sắc, một kỷ nữ hạng sang của bậc vua chúa, công tôn vương tử trở thành
một thánh nữ A-la-hán. Phật từng giúp Ưu Ba Li làm nghề hớt tóc trở thành những
bậc đạo đức chói sáng hơn các bậc thánh khác.
Trong quá khứ, ai cũng có cái này, cái nọ,
nếu không ở kiếp này cũng ở kiếp khác. Ta nên hướng đến tương lai để rạng rỡ
như “rừng mai
nở chiều xuân”. “Chiều” là phần gần kết thúc của một ngày. Trong cuộc đời, nếu không
nghĩ điều đến tích cực, thì những hành vi xấu sẽ có thể khép lại cuộc đời. Khi
khép lại với những bất hạnh thì tương lai sẽ kéo theo nhiều bất hạnh khác.
Người biết yêu quý bản thân, tôn trọng cha
mẹ, người thân thương thì hãy cố gắng thực tập thiền buông xả. Điều quan trọng
khi thực tập thiền buông xả là buông bỏ tất cả những nỗi đau, bất hạnh không
tốt cho mình, cho người, và xem khổ đau như rác. Không ai dại gì giữ rác trong
nhà, vì rác ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Những nỗi đau trong quá khứ là
rác trong cuộc sống, ta phải vứt nó đi, vứt càng sớm càng tốt, vứt vào một nơi
an toàn để nó không lây nhiễm sức khỏe cho người khác. Muốn vứt rác thì tâm ta
phải hướng thiện. Theo đức Phật hướng thiện gồm ba phương diện. Thứ nhất là từ
bỏ các điều không thiện và xấu ác. Thứ hai là phát tâm làm các việc lành. Thứ
ba là điều chỉnh động cơ tích cực, cao thượng, vô ngã, vị tha.
Ai làm được vế đầu tiên chưa phải là người
tốt. Hàng trăm triệu người hoặc thậm chí hàng tỉ người trên hành tinh này dầu
có theo tôn giáo hay không theo tôn giáo cũng từng là những người không làm ác.
Những người như thế chẳng có phước báu gì. Không làm điều ác thì không bị pháp
luật trừng trị. Vế thứ hai phải làm các điều lành là rất cần thiết. Làm các
điều lành để giúp xã hội thăng hoa, nhờ đó, có trách nhiệm với cha mẹ, với
người thân thương, vợ chồng, con cái, anh chị em và mọi người trong xã hội.
Làm tốt vẫn chưa đủ. Ta cần làm tốt với động
cơ trong sáng, làm tốt với tâm cao thượng. Làm tốt với ý niệm vì danh, vì lợi,
chỉ là tốt một phần. Cái tốt đó đề cao cái tôi. Cái tôi là một chướng ngại vật.
Ai làm tốt với cái tôi, người đó không được phước báu nhiều. Hãy hướng về tha
nhân, làm tốt cho người khác chính là làm tốt cho bản thân ta. Nỗ lực đạo đức
với ba phương diện như thế, ta sẽ vẫy tay chào quá khứ khổ đau. Ai vẫy tay chào
được quá khứ sẽ đón nhận được tương lai tươi sáng và hạnh phúc./.
*
Phú Sơn, ngày 30/04/2010
Thượng tọa THÍCH
NHẬT TỪ
Địa chỉ: Chùa Giác Ngộ, 92
Nguyễn Chí Thanh,
phường 3, quận 10, thành phố
Sài Gòn.
Email: thichnhattu@yahoo.com
.
.............................................................................................................
- Cập
nhật từ email tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 28.08.2016.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét