LÊN ĐƯỜNG ĐỊNH CƯ - Truyện ký Trần Đức Phổ (Canada)

Leave a Comment

 


LÊN ĐƯỜNG ĐỊNH CƯ

 

(Tác giả Trần Đức Phổ)

Cuộc sống ở trại tị nạn rất nghiệt ngã, nhất là đối với những người trẻ tuổi độc thân không có thân nhân ở nước ngoài để hỗ trợ về mặt tinh thần cũng như vật chất. Do đó không ít người tuyệt vọng, nghĩ quẩn làm những điều dại dột.

Ngay tại ngã rẽ con đường đi vào Zone D, chỗ cây cổ thụ, có một cái miếu nhỏ thờ Hai cô gái xấu số. Theo lời người trên đảo kể lại, ngôi miếu này có khá lâu. Câu chuyện của Hai chị em thật bi thảm. Lúc vượt biên bị hải tặc cưỡng bức; lên đảo không có thân nhân ở nước ngoài, lại bị phái đoàn từ chối cho tái định cư nên cả hai phẫn uất tự vẫn tại nơi cành cây cổ thụ ấy. Đồng bào trên đảo rỉ tai nhau là ngôi miếu rất linh thiêng. Nhiều người đi ngang qua đây ban đêm đều tỏ ra kiêng dè, sợ hãi. Tuy hai cô không có thân nhân, nhưng đồng bào tị nạn trên đảo vì thương xót cảnh ngộ, và muốn cầu xin các cô phù hộ sớm được đi định cư nên đến thắp nhang cúng bái thường xuyên. Dạo tôi ở đảo dường như mỗi lần đi ngang qua nơi này đều thấy khói nhang nghi ngút. Tôi theo đạo thờ cúng ông bà. Thế nhưng lên đảo, bạn bè rủ đi chùa, đi nhà thờ, hoặc đi thánh thất tôi đều không từ chối. Tôi cũng đã cùng bạn bè đến thắp hương ở Miếu Hai Cô cầu mong được sớm rời đảo.

Một câu chuyện khác cũng có nhiều người biết đến. Đó là chuyện hai anh em thủy thủ nhà kia nửa đêm đột nhập bến tàu. Họ tìm đúng chiếc tàu cá của họ, nổ máy chạy ra biển tìm đường hồi hương. Căn nguyên hai anh này là chủ tàu đánh cá Nha Trang. Họ chở người vượt biển. Lúc cho đổ bộ vào đảo vắng thì bị hải quân Nam Dương bắt. Cả đoàn thủy thủ được đưa về đảo Galang cho tị nạn. Hai anh em chủ tàu không muốn ở lại vì nhớ vợ, nhớ con. Vả lại trình độ văn hóa thấp, học tiếng anh không vào, cộng thêm không có thân nhân nước ngoài, nên họ nản chí quyết làm liều một phen. Hai anh em tẩu thoát được vài tiếng đồng hồ thì bị hải quân rượt theo bắt lại. Cả hai bị giam cầm trên đảo. Chiếc tàu bị tháo máy làm sắt vụn. 

Chuyện không như ý ở đảo chắc còn rất nhiều người gặp phải. Riêng tôi vì chơi bạn không chọn lựa nên cũng vướng vào cảnh lao tù. Phòng tôi ở có ba người. Kim và tôi không có thân nhân nước ngoài nên chịu khó học Anh văn và làm thiện nguyện để mong sớm được tái định cư. Huệ có một người anh trai ở Mỹ bảo lãnh, nhưng giấy tờ trục trặc sao đó mà hơn hai năm vẫn chưa được đi. Thỉnh thoảng anh trai nó gửi sang một ít tiền để nó tiêu xài.

Một buổi chiều, nấu cơm xong không có gì ăn, thấy vậy, thằng Huệ mới rủ thằng Kim và thằng Lỳ ra siêu thị của bọn Nam Dương nua thịt hộp. Đương lúc tôi ở nhà ngồi không một mình cũng buồn nên đứng dậy cùng đi với bọn chúng. Thằng Huệ khuyên tôi:

- Anh Thư ở nhà đi, đi làm chi cho đông!

Thằng Kim nói xen vào:

- Đông vui mà!

Thế là tôi cùng đi với bọn chúng ra một siêu thị cạnh con đường trục của đảo. Tại cửa siêu thị, thằng Huệ bảo tôi:

- Anh Thư cứ đứng ngoài này, để bọn tui vào trong.

Nghe lời hắn, tôi đứng lại ngoài cửa. Siêu thị nằm trên một quả đồi thấp, ngay tại một khúc cua hình cánh cung của con đường chính trên đảo. Đứng ở vị trí này mà ngắm nhìn cảnh quang một góc Galang II thì quá tuyệt. Con đường nhựa đen tuyền uốn khúc, nằm vắt ngang qua sườn đồi đât đỏ.  Xéo về phía trái, bên kia đường là dãy chợ của người Việt Nam. Đối diện với dãy lều chợ có quán cà phê. Tiếng nhạc bolero từ đó vọng sang réo rắt. Người ra vào đông đúc. Phóng tầm mắt xa hơn bắt gặp những mái tôn xỉn màu của dãy barracks Zone A. Xa hơn chút nữa là rừng cây xanh rì, ngập trong ánh nắng chiều tà. Hai tay thọc túi quần, tôi đưa mắt thưởng ngoạn phong cảnh nên thơ trước mặt lúc trời sắp hoàng hôn. Cảm giác thật là thư thái. Chừng mười lăm phút sau, ba đứa trở ra, tay thằng Huệ xách một cái túi ny lông, bên trong có hai hộp thịt. Ba đứa nói cười vui vẻ. Cả bọn kéo nhau ra về.

Tối hôm đó đang ngủ, nửa đêm bỗng có tiếng gõ cửa. Thằng Kim ngồi dậy mở cánh cửa gỗ. Tôi vẫn còn đang nằm trong mùng nhưng đã thức. Một vệt đèn pin quét vào mặt tôi.

Có tiếng quât to:

- Tất cả ngồi dậy, và đi ra khỏi phòng!

- Các anh là...? – Thằng Kim lí nhí hỏi giọng ngái ngủ.

- Nhân viên phòng trật tự. – Có tiếng một người trả lời.

Tôi và thằng Kim bước xuống cầu thang gỗ. Tối nay không thấy thằng Huệ ngủ ở nhà. Hai người trên phòng cũng bước xuống theo sau chúng tôi. Sau đó họ lên gõ cửa phòng thằng Lỳ. Lát sau thằng Lỳ cùng bọn họ bước xuống cầu thang đứng cạnh bên hai đứa tôi. Trời đêm, sương trắng nhờ nhờ lạnh giá, ánh đèn nơi đầu dãy barraxks vàng vọt. Tôi xoa xoa hai tay vào mặt, xuýt xoa.

Bốn gã nhân viên dẫn ba đứa chúng tôi về phòng trật tự. Đến nơi mỗi đứa bị đưa vào một căn phòng tối om. Sau khi tôi bước vào phòng, một anh nhân viên liền đứng chặn ngay cửa ra vào. Chặp sau có thêm hai nhân viên khác đến. Họ mang theo cây đèn hột vịt, cái bàn con, mấy tờ giấy và cây bút máy. Một tên trong bọn đặt cái bàn xuống cạnh cửa ra vào, để giấy bút và cái đèn lên. Xong, một tên bước ra ngoài còn một tên ở lại xách đến cho tôi chiếc ghế đẩu và ra lệnh:

- Ngồi xuống đó viết bản tự khai đi! – Nói rồi hắn đứng trước mặt tôi như chờ đợi.

Tôi thật sự chẳng hiểu điều gì đã xảy ra, và cũng chẳng biết hắn bảo mình khai điều gì nên nhìn anh ta ngập ngừng giây lát rồi hỏi dò :

- Tôi... phải khai... chuyện gì bây giờ?

- Chiều nay mày đã làm gì thì khai nấy!

Tôi không biết anh ta nói về vấn đề gì, nên không hề cầm bút lên. Chợt tôi nghe phòng bên cạnh tiếng thằng Lỳ bật khóc hu hu. Tôi giật mình, nghĩ bụng chắc là thằng Lỳ bị đánh hội đồng rồi! Cơ thể nó khỏe và rắn chắc thế mà chịu đòn không nổi huống hồ là tôi! Cái cảnh bị đánh hội đồng tôi đã từng chứng kiến một lần lúc còn ở doanh trại bộ đội dưới chân đèo Mang Giang. Hôm đó một tân binh đào ngũ bị bắt về cũng bị ba bốn người chỉ huy đứng vòng quanh đấm đá tới tấp. Tiếng khóc đầy đau đớn của thằng Lỳ chẳng khác gì tiếng khóc của thằng Phong  lính tân binh đào ngũ thuở đó. Một cái gì lạnh toát chạy dọc sống lưng tôi.Tôi vội cầm lấy cây bút rồi viết in hoa ba chữ “Bản tự Khai”. Phía dưới ghi đầy đủ họ tên, và ngày tháng năm sinh, cùng địa chỉ barrack mà tôi đang ở. Viết xong những thứ đó, tôi không biết phải viết gì thêm nữa. Anh nhân viên trật tự kía nhìn tôi không kìm được tức giận hét:

- Mày có chịu viết không?

Tôi đáp:

- Tôi không biết viết... – Tôi chưa nói hết câu, thằng kia đã xấn tới ra đòn đấm tới tấp vào người tôi. Tôi xiểng niểng, bật ngửa người ra sau suýt té, miệng la lên oai oái. Tên nhân viên trật tự chỉ muốn đánh cảnh cáo tôi nên đấm mấy cái rồi ngừng lại, trừng mắt hăm he:

- Khôn hồn thì khai ra!

Lúc đó đầu óc tôi nghĩ: Ước gì mình có công phu như Lý Tiểu Long hoặc Jackie Chan để đập cho thằng này một trận. Buồn thay, đó chỉ là ao ước! Biết mình thân yếu thế cô, tôi nói với nó như van xin:

- Thật tình em không biết gì cả. Anh cứ nói đại khái chuyện gì đã xảy ra để em theo đó mà viết.

Thằng kia còn đang lưỡng lự thì hai thằng khác đến. Tôi nghe chúng nói nhỏ với nhau đại khái là thằng Lỳ đã khai rồi. Một thằng đến gần, nhìn vào tờ giấy của tôi, rồi nói:- Chiều qua, mấy đứa mày đến siêu thị ăn cắp đồ như thế nào thằng Huệ đã khai hết rồi. Mày đứng canh ở cửa còn mấy thằng kia vào lấy phải không?

A!... Thì ra là thế! Bây giờ tôi mới vỡ lẽ chúng nó bắt tôi vì lý do gì. Thật tình tôi không phải được thằng Huệ phân công gác cửa, cũng không biết bọn nó đi ăn cắp ở siêu thị. Tôi sắp được đi định cư Canada đâu có ngu gì làm chuyện xấu xa dại dột như thế? Ngộ nhỡ bị báo cáo lên Cao ủy thì sao? Nhưng cãi lại chỉ ăn no đòn. Đến nước này tôi đành tìm cách dựa theo lời nói của thằng kia và thêm mắm thêm muối vào cho xong bản khẩu cung. Tôi viết một mạch nội dung y chang lời mớm cung. Xong xuôi, đề ngày tháng và ký tên. Bọn chúng cầm xem có vẻ vừa ý. Sau đó, hai tên nhân viên dẫn tôi tới một dãy phòng có chấn song sắt và tống tôi vào căn ngoài cùng. Chúng khóa cửa lại rồi bỏ đi. Từ phòng bên cạnh thằng Lỳ đứng bên cửa song sắt hỏi tôi:

- Anh khai sao?

Tôi gắt:

- Tôi có biết gì đâu mà khai!

- Rồi nó có đánh anh không?

- Có!

Thằng Lỳ cười hì hì, khuyên tôi:

- Lần sau, chúng kêu anh lên bảo làm gì thì cứ làm theo cho khỏi bị đòn!

Một giờ chiều hôm sau, nhân viên trật tự xuống mở cửa nhà tù dẫn tôi lên văn phòng làm việc của Ban trật tự Galang II. Căn phòng không có ai cả. Anh ta chỉ cho tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu đặt trước một cái bàn làm việc bỏ trống. Trên bàn có mấy cuốn sách được xếp chồng lên nhau ngay ngắn. Tôi ngồi một lát thì có một người đàn ông từ cửa bước vào, đi vòng qua tôi, đến ngồi phía bên kia chiếc bàn. Tôi lén lén nhìn xem thử ông ta là người như thế nào. Trông dáng vẻ bề ngoài ông này hơi thấp, gầy. Tuổi tác đâu khoảng chừng ngũ tuần. Trên người mặc chiếc áo sơ mi màu đen, cộc tay. Nước da ngăm ngăm. Khuôn mặt xương, lộ rõ cặp lưỡng quyền cao. Trông ông ta khỏe mạnh rắn rỏi, và nghiêm nghị. Đôi mắt sáng quắc dễ làm người khác run sợ khi nhìn thẳng vào. Chưa ngồi xuống cái ghế dựa, ông đã nói to:

- Bây giờ không còn là cái thời cho nhà văn, nhà thơ vào sống trong tù để lấy tài liệu sáng tác như Duyên Anh đâu nhé! Đừng nên bắt chước làm chuyện dại dột!

Nghe ông ta nói, tôi muốn phì cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh của ông cho rằng bọn chúng tôi vào tù để tìm cảm hứng về du đãng như tác giả Điệu Ru Nước Mắt. Nhưng nhìn vẻ mặt chẳng có chút gì là pha trò của ông, tôi không dám cười! Ông ta ngồi xuống ghế rồi nói tiếp:

- Nghe họa sĩ Vị Ý nói anh cũng biết làm thơ, sao lại đi làm cái việc đáng xấu hổ kia?

Tôi bị xỉ nhục, hơi nóng mặt, trả lời hấp tấp nhưng  rành rọt từng chữ:

- Thưa chú, tôi bị oan!

Ông ta hừ một tiếng, nhìn xoáy vào tôi:

- Anh viết bản khai cung rành rành còn oan nỗi gì?

- Thưa chú... cháu viết theo lời các anh nhân viên trật tự nói lại; chứ thật tình cháu không biết gì về chuyện thằng Huệ ăn cắp mấy hộp thịt. – Tôi đổi cách xưng hô từ tôi sang cháu cho giọng điệu mềm mỏng dễ nghe hơn vì nghĩ rằng đây sẽ là cơ hội để mình nói ra nỗi oan Thị Kính.

Người đàn ông dường như bực mình vỗ vỗ tay lên mặt bàn, giọng ông ta sắc lạnh:

- Anh bảo anh bị ép cung à?

- Dạ! Cháu sợ bị đánh!

- Vậy anh có muốn xé tờ khẩu cung của mình không?

Mấy ý nghĩ lướt nhanh qua đầu tôi. Có phải ông này lừa mình xé tờ khai để buộc thêm tội không? Nhưng nếu mình xé nó đi sẽ chẳng còn chứng cứ buộc tội? Lưỡng lự một chút tôi đáp đầy vẻ thận trọng:

- Cháu đâu dám xé khẩu cung trước mặt chú!

- A! ... Anh này ngộ nhở! Bảo anh nhận tội, anh nói bị ép cung. Bảo anh xé tờ khai anh không xé. Tôi phải xử anh như thế nào đây?

Chộp ngay cơ hội để minh oan, tôi nói liền:

- Cháu không dám xé tờ khai. Nhưng nếu chú cho cháu đối chất với thằng Huệ và những đứa khác thì rõ mọi việc!

Người đàn ông ngửa lưng ra chiếc ghế dựa, nhìn tôi chăm chú một lát rồi nói.

- Tôi là trưởng phòng trật tự Galang II, đã từng làm thiếu tá cảnh sát Đô thành nên ai oan ai không tôi nhìn qua đã biết. Vụ này tôi xử, nếu đưa các anh cho tụi Nam Dương, chắc chắn các anh bị no đòn.

- Dạ... mọi chuyện nhờ chú giúp cho.

- Thôi! Khỏi đối chất đối chiết gì hết! Anh cứ về nhà. Có gì tôi sẽ gọi lên nói chuyện sau.

- Cháu cảm ơn chú!

Tôi bước ra khỏi căn phòng ngột ngạt kia. Ánh nắng chiều vàng ong lấp loáng trên con đường trải nhựa. Tôi nghũ bụng phải cảm ơn họa sĩ Vị Ý. Chắc có lẽ chú ấy đã đến đây  nói chuyện với ông trưởng phòng nên tôi mới được ra tù sớm thế. Một ngày tù nghìn thu ở ngoài. Cái cảm giác được tự do lâng lâng trong tôi.

Về đến barrack, tôi gặp một người đàn ông hàng xóm. Ông ta hỏi tôi:

- Anh ở Phòng trật tự về à?

- Sao chú biết?

- Sáng nay loa phóng thanh réo tên mấy đứa bây om sòm! Cả Galang II ai mà không biết!

- Họ nói gì?

- Ăn cắp vặt ở siêu thị.

Tôi xấu hổ muốn độn thổ.

- Có bị đánh không?

Tôi gật gật đầu.

- Anh nên làm đơn khiếu nại lên Cao ủy. Cho dù bọn anh có sai thì họ cũng không được quyền đánh đập các anh.

- Thôi chú ơi, được vạ thì má đã sưng! Thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện. Hơn nữa tôi cũng sắp đi định cư rồi! Không muốn thêm phiền toái!

Nghe tôi nói vậy, ông ta không nói gì, khoát tay, bỏ đi.

Gần tối thì thằng Kim và thằng Lỳ cũng về đến. Còn thằng Huệ hai hôm sau mới được thả ra. Gặp tôi, nó cười cười xin lỗi. Tôi nói nửa đùa nửa thật:

- Nhờ Huệ tôi mới nếm được mùi vị ở tù!

O O o

Một tháng sau, tôi có tên trong danh sách ròi đảo đi định cư Canada. Bọn tôi không có tiền để mở party. Nhưng ngày tôi lên đường, Kim, Huệ, Lỳ và cô bạn gái của y cái bụng giờ đã nhô lên khá cao cũng ra cầu tàu đưa tiễn. Lúc tàu ròi bến, tôi còn nghe tiếng chúng nó hét to:

- Đừng quên Galang!

- Đừng quên bọn mình!

Tôi không đáp lời, nhưng trong bụng thầm nghĩ: Làm sao quên được vùng đất đã cho mình chốn dung thân đầu tiên khi rời xa tổ quốc? Làm sao quên được cái cầu tàu đã đón đưa bao nhiêu bước chân người Việt Nam tị nạn? Hoặc những dãy barracks vách gỗ mái tôn là tổ ấm cho bao nhiêu lớp người mất quê hương? Rồi còn những chiếc dù đen, vật bất ly thân che nắng che mưa trên tay khách bộ hành ở đảo nữa chứ?

Làm sao quên được những người bạn chỉ sống chung một thời gian ngắn nhưng đã cùng chia ngọt, xẻ bùi, hoạn nạn có nhau? Làm sao quên được phút giây thất vọng, nản lòng khi bị phái đoàn từ chối? Hoặc niềm vui vỡ òa lúc nghe có tên gọi định cư trên loa phóng thanh?

Tôi sẽ mãi mãi nhớ về Galang!

Tôi sẽ luôn luôn nghĩ về các bạn!

Chiếc ca-nô rẽ nước chạy phăng phăng. Cách đây mười lăm tháng, tôi được đưa đến Galang, khi đó bị nhốt trong căn hầm một chiếc xà lan đông đúc. Vài trăm người mặt mũi phờ phạt, ủ ê, dưới ánh sáng mờ mờ từ những ngọn đèn vàng vọt. Hôm nay tôi rời đảo trên một chiếc ca-nô xinh xắn cùng với hơn chục con người mặt mày hớn hở, tươi cười, trong một buổi sớm mai tràn ngập nắng hồng. Phía trước mũi tàu tít tận chân trời là một vùng đất xa lạ đang đón chờ tôi. Quá khứ như những con sóng lượn nhấp nhô tiếp nối ùa về trong lòng. Niềm vui cùng với nỗi lo sợ đan xen vào nhau giống hệt cái ngày đầu tiên tôi cắp sách đến trường. Cũng nôn nao chờ đợi những điều mới lạ, cũng bơ vơ lạc lõng một thân một mình. Tâm trạng của chàng trai hai mươi ba tuổi đứng trước chân trời mới chẳng khác gì cậu bé đứng trước ông giáo già thuở nào. Biển rộng mênh mông, một màu xanh thăm thẳm. Thấp thoáng phía đường chân trời là đảo quốc Singgapore, nơi chiếc tàu chúng tôi đang hướng tới.

 Tôi quay lại nhìn Galang lần cuối. Chỉ còn thấy những dãy núi xanh uốn lượn như trường thành trên mặt biển bao la.

 

MỜI NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:

- Kim yêu - Truyện ngắn Đặng Xuân Xuyếnl

- Chuyện ngủ - Truyện ngắn Đặng Xuân Xuyếnl

- Chuyện cu Tố làng tôi - Truyên ngắn Đặng Xuân Xuyếnl

- Chàng lùn nể vợ - Truyện ngắn Đặng Xuân Xuyếnl

- Chuyện của gã khờ - Truyện ngắn Đặng Xuân Xuyếnl

- Gã khờ hay chàng ngốc Việt Nam còn sót lại ở thế kỷ XXI - Tác giả: Nguyễn Bàngl

- Cô Vương cưới vợ - Truyện ngắn Đặng Xuân Xuyếnl

- Cô Vương cưới vợ - Một truyện ngắn đầy ắp tiếng cười và đẹp tính nhân văn - Tác giả: Nguyễn Bàngl

- Cảm nhận khi đọc truyện ngắn “Cô Sướng cưới vợ” - Tác giả: Vũ Thị Hương Mail

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

TRẦN ĐỨC PHỔ

Địa chỉ: 819 Kleinburg Dr, London

tỉnh bang Ontario, Canada.

Email: ducphot946@gmail.com

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.02.2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét