XÓA ĐI NHỮNG MẶC CẢM - Tác giả: Nguyễn Bá Bách (Bắc Ninh)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
XÓA ĐI NHỮNG
MẶC CẢM
*
Muốn thành đạt, bạn cần phải luôn quan tâm và học hỏi ở những người xung quMuốn thành đạt, bạn cần phải luôn quan tâm và học hỏi ở những người xung quanh. Bạn hãy quan sát và phân tích cẩn thận phong cách sống của người khác để từ đó rút ra cho mình nguyên lý của sự thành công và áp dụng vào thực tế cuộc sống. Một khi bạn chịu khó nghiên cứu kỹ những người xung quanh bạn sẽ nhận thấy một điều rằng, những người không thành đạt đều là những người mắc phải bệnh tâm lý, đó là bệnh mặc cảm. Mặc cảm là một yếu tố phân biệt sự khác nhau giữa một người luôn đi đây đi đó và một người luôn giam mình trong bốn bức tường. Bạn hãy nhìn vào cuộc sống thành đạt bạn sẽ phát hiện thấy một điều là: Những người thành đạt hoàn toàn có thể dựa vào những lý do của người tầm thường để biện hộ cho việc tại sao mình không làm thế này thế nọ nhưng họ đã không bao giờ làm như vậy.
Cũng giống như bất cứ một căn bệnh nào khác, mặc cảm cũng xuất
(Tác giả Nguyễn Bá Bách)
phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc cảm có thể xuất phát từ sức khoẻ, thiếu sự giáo dục đầy đủ, hay cũng có thể xuất phát từ sự kém may mắn trong cuộc sống, quá già, quá trẻ.v.v... Mặc cảm biểu hiện ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là mặc cảm về sức khoẻ, về trí thông minh, về tuổi tác và về vận may.
Ở đây, chúng tôi xin đưa ra 4 dạng mặc cảm phổ biến nhất, thường gặp nhất để các bạn tham khảo cho mình.
- Sức khoẻ không tốt: Mặc cảm về sức khoẻ được thể hiện qua nhiều cách, từ cách nói chung chung "Tôi cảm thấy không được khoẻ" đến cách nói cụ thể "Tôi đang bị bệnh này hay bệnh kia". Những người này thường dựa vào lý do sức khoẻ để biện hộ cho việc tại sao họ không làm điều mình muốn, không dám nhận những công việc đòi hỏi cao hơn.v.v... Nhưng có một câu hỏi cần đặt ra là liệu có phải lúc nào sức khoẻ không tốt cũng là lý do xác đáng không? Bạn hãy nghĩ lại xem trên đời này mấy ai mà hoàn toàn khoẻ mạnh. Người không bị bệnh này thì cũng bị bệnh kia và nếu như tất cả họ đều mặc cảm về điều đó thì thử hỏi họ có thành công trong cuộc sống không? Tất nhiên câu trả lời sẽ là không.
Nếu bạn đã không may rơi vào sự mặc cảm về sức khoẻ, chúng tôi khuyên các bạn hãy làm những điều sau đây để đánh bại sự mặc cảm đó:
1 - Không nên nói về sức khoẻ hiện tại của bạn là không tốt.
2 - Không nên lo lắng quá nhiều về sức khoẻ hiện tại của mình.
3- Thành thật lấy làm biết ơn sức khoẻ mình vẫn còn được như ngày nay.
4 - Hãy luôn nhắc nhở mình: Hãy hoạt động để sống còn hơn là để chết dần chết mòn. Bạn phải biết tận hưởng cuộc sống, đừng lãng phí nó.
- Mặc cảm về trí thông minh: Đây là loại mặc cảm rất phổ biến, nó phổ biến đến nỗi phần lớn mọi người đều mắc phải mặc dù ở mức độ khác nhau. Những người mặc cảm về trí thông minh thường mặc cảm một cách thầm lặng. Có những người không nói ra là họ không đủ trí thông minh nhưng thật sự trong thâm tâm họ lại nghĩ vậy. Đa số chúng ta đều phạm phải hai sai lầm cơ bản sau khi đánh giá về trí thông minh.
- Chúng ta đánh giá quá thấp năng lực, trí tuệ của bản thân.
- Chúng ta đánh giá quá cao năng lực và trí tuệ của người khác.
Chính vì thế, mặc cảm nhiều khi chỉ là sự dối lòng mình. Những người mặc cảm về trí thông minh sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội có thể dẫn họ tới sự thành công. Bởi vì, họ cứ nghĩ rằng để làm được việc đó phải thông minh mới được. Trái lại, có những người không quá đề cao trí thông minh bẩm sinh nhưng biết chớp lấy cơ hội thì sẽ thành công. Còn các bạn, nếu như các bạn kém thông minh hơn người khác thì cũng đừng vì thế mà vội nảy sinh sự mặc cảm. Hãy biết tìm cách khắc phục nó, chả thế mà ông cha ta đã từng nói "Cần cù bù thông minh". Hãy biết phát huy những nhân tố tích cực trong con người bạn, bạn sẽ tự tin và dành chiến thắng.
Sau đây là một số cách chúng tôi đưa ra cho các bạn nhằm giúp các bạn có thể thoát khỏi căn bệnh này.
1 - Đừng bao giờ đánh giá thấp trí thông minh của mình và đánh giá quá cao trí thông minh của người khác.
2 - Mỗi ngày hãy tự nhắc đi nhắc lại vài lần câu: "Thái độ của tôi quan trọng hơn trí thông minh của tôi"
3- Bạn phải luôn nhớ rằng khả năng độc lập suy nghĩ có giá trị hơn nhiều so với khả năng học thuộc lòng, máy móc các con số và sự kiện. Hãy luôn biết sáng tạo và đề xuất ý kiến.
4 - Mặc cảm về tuổi tác: Những người mắc căn bệnh này thường cho rằng tôi còn quá trẻ hay quá già đối với những công việc trước mắt. Trong đó mặc cảm về tuổi già là phổ biến nhất. Chính mặc cảm tuổi tác đã khép laị cơ hội tốt đẹp cho biết bao nhiêu người. Tuổi tác đã làm họ không đủ tự tin và dấn tới họ không quan tâm và hứng thú tới công việc đang làm hay chẳng buồn thử sức với công việc mới. Nếu các bạn cứ nghĩ rằng mình quá trẻ hay quá già chưa đủ hoặc không còn đủ sức làm được công việc được giao thì tuổi trẻ và tuổi già trở thành một vật cản trên con đường thăng tiến của bạn. Thực tế cho ta thấy, có rất nhiều bạn trẻ cứ than phiền rằng, mình bị kìm hãm chỉ vì tuổi còn quá trẻ. Làm như vậy vô tình bạn đã tự đưa mình vào trong tính thế nguy hiểm, kẻ xấu sẽ lợi dụng điều đó để tiến lên trước bạn. Tuy nhiên, cũng có những người nếu thực sự tin tưởng bạn người ta sẽ không làm như vậy. Họ sẽ giao cho bạn những trọng trách cao hơn, nếu bạn có đủ tự tin và năng lực thì tuổi trẻ sẽ là một cơ hội lớn cho bạn để bạn có điều kiện khẳng định chính bản thân mình.
Để vượt qua được mặc cảm về tuổi tác bạn hãy làm những việc sau:
- Hãy có cách nhìn nhận tích cực đối với tuổi tác hiện nay của bạn. Hãy nghĩ mình vẫn còn trẻ chứ đừng cho rằng mình đã già.
Hãy luôn lạc quan, tạo được cho mình niềm hăng say về cảm giác trẻ trung.
- Hãy tính xem mình còn bao nhiêu năm sự nghiệp nữa. Nên nhớ rằng một người 30 tuổi vẫn còn 80% cuộc đời sự nghiệp trước mắt, một người 50 tuổi vẫn còn 40% những năm đầy cơ hội và dịp may.
- Nên dành khoảng thời gian trong tương lai để tập trung vào điều bạn thật sự mong muốn làm. Sẽ chỉ là quá muộn nếu bạn cứ lãng phí thời gian cho nhiều ý nghĩ tiêu cực với ý niệm là "mình đã quá muộn để làm việc đó". Hãy bắt tay vào công việc cần làm và muốn làm ngay. Đừng vì mặc cảm mà chần chừ, do dự. Có như vậy bạn mới có thể thành công được.
- Hãy chấp nhận thuyết nhân quả. Hãy nhìn lại cái mà bạn vẫn làm tưởng là "may mắn" bạn sẽ thấy, đó không phải là may mắn mà chính là sự chuẩn bị chu đáo, sự sắp xếp kế hoạch cẩn thận của chính bạn. Hãy nhìn lại cái mà bạn lầm tưởng là không may, bạn sẽ tìm ra được những nguyên nhân cụ thể. Muốn thành công bạn hãy học hỏi và rút kinh nghiệm từ những thất bại, nếu không mãi mãi bạn chỉ là một kẻ tầm thường.
- Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng thành công sẽ đến với bạn một cách tự nhiên mà phải bằng chính mồ hôi nước mắt và công sức của bạn. Thành công chỉ đến với những ai hiểu và biết áp dụng những nguyên lý vào thực tế cuộc sống. Bạn hãy tập trung phát huy những phẩm chất tốt đẹp của bạn, điều này sẽ giúp bạn thành công. Đừng chờ đợi sự may mắn làm thay đổi cuộc đời bạn, bản thân may mắn không tạo cho nó có khả năng làm được việc ấy.
Chúc các bạn thành công.
*.                                      
NGUYỄN BÁ BÁCH
Địa chỉ: Tổ 6, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội.
Email: nb.bach@gmail.com
Điện thoại: 0913.510.502

.






…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét