(Nhà thơ "thần đồng" Trần Đăng Khoa - Nguồn ảnh: Internet) |
TƯỚNG NHÀ THƠ
MỞ RỘNG RA NỀN THƠ
(Tác giả Nguyễn Hoàng Đức) |
Đây chắc hẳn là một cách nói nửa đùa nửa thật, có nghĩa nó vừa khen lại vừa
chê. Vậy tôi xin qua đây bàn sâu hơn. Cách tôi bàn xin xác định không phải xem
tướng mạo thuần thúy mà là “xem mặt đặt
tên”, “trông giỏ bỏ thóc”, và
nhìn người đoán việc, dựa trên những gì của con người đã để lại dấu vết của sự
trưởng thành. Có nghĩa nó không thuần túy là tướng mạo mà còn là khoa học.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, hiển nhiên có một cái đầu tròn khá lớn. Một khuôn
mặt cũng tròn khá phúc hậu. Nhưng khuôn mặt đó giống một cánh đồng hơn là một
cao nguyên.
Và nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng là một nhà thơ rất thành công trên
phương
diện cánh đồng như những bài “Hạt
gạo làng ta” hay “Cua ngoi lên bờ, mẹ
em xuống cấy”, rồi “lá rơi rất mỏng
như là rơi nghiêng”… anh là nhà thần đồng đệ nhất trong lịch sử
Việt Nam, cũng như hàng đầu trên thế giới. Về đường quan chức anh cũng thành
công bậc nhất, là nhà thơ nhưng anh còn giữ chức vụ giám đốc đài phát thanh có
hình của Đài tiếng nói Việt Nam .
Danh tiếng của anh thì khỏi phải bàn, anh là chứng minh thư nhà văn cho toàn
thể các nhà văn quân đội. Dù đoàn nhà văn quân đội đi ít hay đông bao nhiêu,
khi được giới thiệu “đoàn nhà văn quân đội”, dân Việt đâu có yêu gì sách vở và
văn học, họ lơ đãng như không. Nhưng khi nghe nói “Kia kìa, Trần Đăng Khoa
kìa”. “Đâu đâu?” họ hỏi nhau và chỉ tay nháo nhác, và lập tức họ tin cái đoàn
đông đông này là đoàn nhà văn quân đội vì có chú thần đồng làm thơ từ bé.
Nhưng tướng mạo Trần Đăng Khoa hãm chỗ nào? Trong tướng mạo người ta nói
“Nhất thanh, nhì sắc, tam hình”, tức là: thứ nhất âm thanh, thứ nhì đến sắc
diện, thứ ba mới đến hình thù”. Tướng âm thanh rất quan trọng, thậm chí người
ta chỉ cần nghe qua bức tường, không cần thấy cũng đoán ra người sang kẻ hèn.
Giọng nói của Trần Đăng Khoa dù rất có duyên, rí rủm, tình củm, nhưng hơi bèn bẹt, toèn
toẹt, giống như người nhà quê hay đập chiếu xuống mặt ao… Tóm lại đó là giọng
lúa nước khá ẻo lả, với giọng đó người ta chỉ có thể làm thơ. Đó cũng là giọng
đặc trưng của khá nhiều người Việt, đặc biệt các nhà thơ. Nếu để ý kỹ các nhà
thơ Việt Nam
ít khi nói được mệnh đề dài, mà cứ hay ngắt dòng xuống câu như đang đọc một bài
thơ vậy. Nghe ít thì êm tai, nghe nhiều như nước đường, pha nhạt lờ lợ, gây
buồn ngủ và yếu đuối.
Từ Bắc vào Nam
càng đi càng thấy đặc điểm ngôn ngữ của người Việt. Từ Huế trở vào chẳng hạn,
nước sông nhiễm mặn, vì đất thấp, mặt sông thấp hơn mặt biển, nên bị nước biển
chảy ngược vào, nước ngọt thành nước lợ, nên giọng nói của người ta cũng bị lợ,
tính cách cũng “lợ” luôn. Người ta nói như hát và rất thích làm thơ. Vào miền Nam,
đất càng thấp, quanh Sài Gòn chẳng hạn, lau lách đìu hiu, nước và bờ nhòe nhoẹt
không phân biệt, người ta nói giọng rất võng như “ở trển” (ở trên), “ở trỏng”
(ở trong), “cổ ấy” (cô ấy)… Những đoàn ca nhạc hải ngoại, dù nhạc tây rất mạnh
mẽ nhưng khi cất tiếng hát thì toàn hát giọng thấp “xuống tông” nghe như hát
giả vờ.
Nói chung cái giọng của người Việt rất ẻo lả yếu ớt, nó thể hiện là giọng
lúa nước ở vùng trũng, không bao la quảng đại mã hiệp như giọng bình nguyên.
Đó cũng là giọng thiếu lý trí và khoa học. giọng như thế chỉ có thể làm thơ
với điệu ngâm nga của cảm xúc nhũn nhẽo.
Thêm một điều khác trong thực tế, tuy Trần Đăng Khoa là một thần đồng,
nhưng anh vẫn không vượt qua được thói quen “học nhi ưu tắc sĩ” của người Việt
và người Trung Quốc, là thần đồng nghĩa là người ta có sở trường cao nhất, vậy
mà anh lại không dùng sở trường quí nhất của mình. Người Trung Quốc và người
Việt nói chung đều từ mọi ngả đổ về “ăn cơn chúa múa tối ngày”. Học để làm
quan, buôn cũng để làm quan “mua quan bán tước”, đá cầu như Cao Cầu cũng để làm
quan, làm thơ như Lý Bạch cũng lọ mọ về kiếm tí quan trong triều… vì thế mà
không có nhà thơ chuyên nghiệp. Thêm nữa vì thể tạng người Việt yếu nên không
có ý chí để thành chuyên nghiệp trong bất kể việc gì, may ra có 1/1000 người có
chuyên môn vững vàng theo đuổi chuyên nghiệp từ đầu đến cuối.
Một con người vĩ đại là gì? Theo triết gia Hegel, đó chắc hẳn phải là người
dùng ý chí để trở thành con người mình hướng tới. Đấy là con người biến khả
năng của mình thành hiện thực giống như hạt giống thiên bẩm phải lớn lên nở hoa
kết trái. Vậy người ta đâu có thấy ý chí của Trần Đăng Khoa khi từ hạt giống
vươn lên. Ta được trời sinh ra làm cục sắt nhưng không mài làm sao thành kim?
Giờ đến tướng mạo của Hoàng Quang Thuận. Hiển nhiên anh ta có khuôn mặt
phương phi trên một cái đầu khá lớn. Nhưng mắc hãm tướng về “sắc diện”. Mặt anh ta đỏ ửng, và có
tướng “mặt trơ trán bóng”, hay như
nhân gian nói “thua thì mặt đỏ như vang,
được thì mặt vàng như nghệ”. Trong lịch sử Tầu, Kinh Kha kia có vẻ quân tử
lắm, nhưng khi nhìn thấy tần Thủy Hoàng sắc diện liền đó ửng, thế là bị chém
đầu, thật tiếc lắm thay! Có người còn phát hiện anh ta có tướng “diện bất sầu
tâm bất quảng”, nghĩa là mặt không buồn thì tâm không thể lớn. Vì mặt trơ nên
anh ta mới đi chép cả trăm bài thơ làm của mình. Giá anh ta chép bài biết sào
sáo, như trộn các bài với nhau thành một bài dài, thì cái ban giám khảo đọc
sách không gáy của hội không cách nào nhận ra (kỳ thực ngay cả khi anh ta chép
nguyên si, ban giám khảo có nhận ra đâu, lại còn đưa anh ta đi đề cử giải Nobel
).
Nhân bàn về “diện mạo” của Hoàng Quang Thuận, thấy rằng người Việt mắc bệnh
mặt tiền trầm trọng, như “nhà mặt phố, bố làm to”. Một ngôi nhà cao quí
thì kín cổng cao tường, từ đường vào đến cổng có khoảng cách, từ cổng qua vườn,
qua sân mới đến nhà, nhưng người Việt ở dạng buôn bán vặt nên rất thích nhà
trương ra mặt phố, vì người ta cần buôn bán chứ đâu cần ưu tư. Các nhà thơ thì
đổ lên mặt báo, lên mặt đài, lên mặt vô tuyến để kiếm tí danh tức thời hơn là
cái danh ở chiều sâu. Ở đời có nhiều đẳng cấp danh. Mặt tiền ra sân khấu là
diễn viên. Phía sau là đạo diễn. Phía sau nữa là tác giả kịch bản. Nhưng các
nhà thơ lèo tèo dăm câu ba chữ tiểu nông Việt chỉ thíc ăn xổi ở thì ăn ngay
tiến lên mặt báo, cũng là cơ quan quyền lực thứ tư để kiếm chút danh tức khắc.
Cho nên mới là nhà thơ không thể vượt qua được vai nhà báo.
Tại sao các nhà thơ Việt không mấy ai dám sống trọn vẹn thuần khiết với văn
chương? Trong dàn nhạc không phải nhạc cụ nào cũng có thể chơi một mình. Trống
chẳng hạn, nó không thể đọc tấu hay võ vẽ lâu nếu chỉ chơi một mình, cây kèn và
sáo hay violoncelle cũng vậy, chỉ có cây piano có thể độc tấu một mình
bởi lẽ nó có cả giai điệu và hòa thanh. Nó tự làm no đủ và đầy ắp chính mình.
Các nhà thơ Việt có giống không, khi người ta với chính mấy vần thơ lẻ đã không
thể tự tồn một cách độc lập phong phú mà cứ phải đứng vào dàn nhạc tập thể? Câu
trả lời là rất rõ.
Hoàng Quang Thuận không chỉ mắc tướng sắc diện, mà anh bị phá cách giữa
hình thức và tâm hồn, mặt mũi thì to lớn phương phi, trong khi lại ẻo lả mấy
vần thơ vụn, không khác gì một công-ten-nơ lớn lại đựng có một trăm viên sỏi - là những câu tứ tuyệt. Có những nhà
thơ đã đem thơ của mình ra sân khấu biểu diễn. Một anh bạn trẻ đi tham dự về có
nói: thơ ngắn quá không thể leo lên cao trào được.
Đúng vậy, một mét không thể là con đường lên dốc. Người ta phải đi độ dài
đủ nhiều để lên dốc. Đèo Pha Đin chẳng hạn, nó dài 36 km, đèo Hải Vân cũng dài
hơn vài chục cây số… nếu không lên đèo đổ dốc người ta sẽ không hiểu thế nào là
độ cao. Thơ Việt cũng vậy, nó quá ngắn để người ta được dâng lên dốc. Trong
tình ái, nếu không có độ căng thẳng của khao khát nằm trong tâm trí người ta sẽ
không thể đạt tới độ căng khoái lạc. Dây đàn phải đủ căng mới ra tiếng nhạc,
còn nếu trùng nó chỉ là tiếng dây thép. Khi hát, phải đạt đến độ cao nhất định,
thanh quản mới rung lên, khi đó mới tạo ra cảm xúc lớn. Thơ Việt hầu hết chỉ là
những đoản ca nghiệp dư, chưa có độ rung của thanh quản, chưa có độ căng của
cao trào xung đột mỹ học, làm sao đạt tới khoái cảm sung mãn?
Thơ nói chung chỉ dành cho những người ít học hay vô học vì mục đích đầu
tiên của nó là để truyền khẩu cho người mù chữ. Ở Hy lạp hàng vạn nhà thơ hát
rong chỉ để đọc văn vần dễ nhớ thay thế những tấm da thú viết chữ đắt tiền mà
các bình dân không thể mua. Và Homer xuất hiện đã xóa đi tên gọi của cả vạn nhà
thơ đoản ca. Ở Trung Quốc hàng vạn nhà thơ Đường kia không tụ hợp nổi một trăm
câu hay, và không thể đổi lấy một cái tên Ngô Thừa Ân viết Tây Du Ký. Trời ơi
cả vạn người không bằng một góc của người ta, tự hào kiêu hãnh làm gì cho nhọc
lòng ra!
Trong giá trị phổ quát nhà thơ có một tầm vóc bé nhất. Có một phương
ngôn, tầm vóc của ngôn ngữ qui định tầm vóc của mỗi con người. Nhà vật
lý có ngôn ngữ của nhà vật lý. Nhà hóa học có ngôn ngữ của nhà hóa học.
Nhà nông có ngôn ngữ đơn giản và nghèo nàn của nhà nông, và những nhà nông Việt
chiếm 90% dân số. Nhà thơ đa phần cũng từ 90% đó mà ra, nên ngôn ngữ cũng loanh
quanh đồng ruộng cá tôm như một nhà thơ có nhiều giải thú nhận: chúng ta chỉ là
tép riu.
Cuộc đời không bao giờ chỉ là nông nghiệp mà nó là ý chí toàn thể của triết
học, thần học, khoa học, kiến trúc, âm nhạc, hội họa, kỹ nghệ, thông tin…và
những điều khác nữa. Không ai bắt thơ chỉ giới hạn trong nông nghiệp, mà nhà
thơ phải leo dần lên tất cả những lãnh vực cao siêu của cuộc sống. Chỉ có thế
thơ mới trở nên tầm vóc và giá trị. Hàng trăm mẩu thơ viên sỏi cũng như những
đoản ca không cách gì đạt tới cao trào.
Thơ Việt làm sao lớn với các nhà thơ từ chối cả thiên bẩm quí báu của mình
đi săn tìm ghế và giải của cơ chế quyền lực xin chơ? Những chiếc đàn không thể
độc tấu một mình luôn hòa trộn vào tập thể để tìm sự ưu tiên của quyền lực thì
làm sao nó cất được lên lời ca mỹ học? Người phương Tây có câu, “mọi con dường
đều đổ về La Mã”, trong khi đó dường như các nhà thơ Việt sống theo phương
châm: mọi con đường đều đổ về dạ dầy. Ghế cao, giải cao mà không có tiêu chí mỹ
học chỉ là cách nối dài của dạ dầy mà thôi. Rút cục nhà nông lo trồng lúa trên
cánh đồng, rồi nhà thơ vẫn là nhà nông muốn gặt lúa danh lợi trên cánh đồng
giấy trắng. Nếu tâm hồn không nâng cấp, thì thơ cũng chỉ là cách gieo trồng lúa
mà thôi. Liệu chúng ta có cách trả lời nào khác hơn?
*
Hà Nội, 25 tháng 06.2013
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
Địa chỉ: Số nhà 100, đường Nguyễn Xiển
(ngã 4 Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển)
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: Paulnguyenhoangduc@gmail.com
.
....................................................................................................................
- Cập nhật theo
nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 01.06.2016.
- Bài viết không
thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét