(Nguồn ảnh: internet) |
Những đền, chùa linh
thiêng
Ở VIỆT NAM
Việc những ngày đầu xuân đến đền chùa để cầu xin tài lộc, cầu duyên lứa
đôi, cầu con cái, cầu quan chức... là tập tục ngàn đời được người dân tín
ngưỡng. May mắn thì người cầu sẽ có được như mong đợi. Tuy nhiên, không phải
tất cả đều ‘cầu được ước thấy’ mà do cái phúc của mình nhiều hay ít mà được kết
quả tương xứng với cái phúc đấy.
Nhân dịp đón chào năm mới, Vũ Thị hương Mai tổng hợp những ngôi đền, chùa
linh thiêng về cầu duyên, cầu con, cầu quan lộc... ở Việt Nam để bạn đọc cùng
tham khảo.
1: Chùa Hà (Hà Nội)
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà,
lập thành cụm di tích đình - chùa Hà nằm trên mảnh đất, trước kia thuộc làng
Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, thôn Trung, phường Dịch Vọng,
quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Không biết từ bao giờ mà người ta thường rỉ tai nhau về một địa điểm mà ai
cũng cho rằng là nơi cầu duyên linh thiêng bậc nhất Hà Nội nói chung và Việt Nam
nói riêng. Nên cứ như vậy những người đang “lận đận” chuyện tình duyên thường
ghé thăm chùa Hà để sớm tìm thấy một nửa tương lai của mình.
Theo truyền thuyết : Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông (trị vì
1460-1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã
cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460.
Du khách đến lễ Chùa Hà, ngoài việc tìm tới sự trong lặng nơi cõi Phật, ai
cũng cầu nguyện một tình duyên trọn vẹn. Người đang yêu mong tình yêu đẹp mãi,
hạnh phúc mãi; kẻ cô đơn mong sớm tìm được một nửa còn lại. Người già thì cầu
mong sức khỏe, bình an cho gia đình. Ai cũng tin Đức Phật từ bi cũng như Thánh
Mẫu trên cao sẽ thấu hiểu được lòng mỗi người.
Nhiều nhất là thanh niên nam nữ không chỉ ngày rằm, mùng một hay đầu năm
mới mới đến chùa thắp hương cầu xin mà dường như quanh năm, chùa lúc nào cũng
đông khách. Dọc con phố dẫn vào chùa Hà, ngoài các lễ vật được bày bán, hoa
hồng được bán khá nhiều (có thể hoa hồng được xem là loài hoa dành cho tình
yêu, thích hợp cho việc “cầu duyên”). Ngoài ra, để phục vụ cho các “tình yêu”,
các cặp đôi vòng, nhẫn cũng được các chủ hàng bày bán.
2: Phủ Tây Hồ (Hà Nội)
Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây; nay thuộc phường Quảng An,
quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Việt Nam . Phủ thờ Liễu Hạnh Công chúa,
một nhân vật trong truyền thuyết, và là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín
ngưỡng của người Việt. Theo truyền thuyết, phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ
17 nhưng có thể có muộn hơn. Vì trong các sách nói về di tích của Thăng Long –
Hà Nội cổ ra đời đầu thế kỷ 20 như Thăng Long cổ tích khảo, Long Biên bách nhị
vịnh, Tây Hồ chí, Hà Thành linh tích cổ lục,…đều không ghi chép về di tích này.
Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp
bằng di tích Lịch sử-Văn hóa ngày 13 tháng 2 năm 1996. Ngoài ra, tại sân phủ có
một cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là “cây di sản Việt Nam”, và ở kề bên
phủ còn có đền Kim Ngưu thờ Trâu Vàng theo truyền thuyết.
Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống
đình chùa của Hà Nội. Chính vì điều này mà ngày người ta đi Phủ Tây Hồ không
chỉ để cầu tài lộc mà còn để cầu duyên. Đến phủ Tây Hồ không thiếu những bạn
gái, bạn trai lững thững đi một mình đầy tâm trạng.
3: Am Mị Nương (Hà Nội)
Am Mỵ Nương nằm trong chùa Cổ Loa (Hà Nội). Trong chùa, có am nhỏ thờ một
bức tượng không đầu được trang trí rất đẹp và sang trọng. Theo người dân sống
tại đây, bức tượng này là thờ công chúa Mỵ Châu bị vua cha chém đầu vì tội phản
bội trong truyền thuyết xa xưa.
Câu chuyện tình cảm sắt son, chung thủy của nàng Mỵ Nương cùng Trọng Thủy
khi xưa đã khiến bao người cảm động, tin tưởng rằng đến nơi đây cầu duyên sẽ
được linh ứng. Cứ thế, một đồn mười, người ta đổ về đây mong kiếm tìm hạnh
phúc”. Chính vì vậy am Mỵ Nương được người đời truyền tụng là rất có ứng nghiệm
trong cầu duyên và hạnh phúc gia đình.
4: Chùa Phúc Khánh (Hà Nội)
Chiều muộn, chùa Phúc Khánh (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn không thiếu những
đôi trẻ hay cô gái đi lễ. Vẻ mặt đầy âu lo, Dung (giáo viên dạy Văn tại Hà Nội)
khẽ nhắm mắt và chắp tay vái trước các ban thờ với xấp tiền lẻ trong tay. Lễ
xong, cô ngồi trầm ngâm ở bậc thềm chùa, rút thẻ trong túi ra đọc.
Dung lo lắng kể: “Lẽ ra hôm nay mình chỉ định đi rút thẻ đầu năm. Nhưng
thầy bảo quẻ thẻ nói rằng tình duyên năm nay có trục trặc. Nếu mình không thành
tâm cầu duyên ở nhiều chùa thì khả năng tan vỡ rất cao, không thì người chồng
tương lai cũng sinh tính trăng hoa, hư hỏng”. Việc cầu duyên nằm ngoài dự định
lần đi chùa này của Dung.
Tâm trạng chung của những cô gái chàng trai khi đi khấn cầu duyên có khi là niềm vui được trong tay nhau đi
lễ chùa, có khi là nỗi lo lắng, khổ sở… Nhưng điều mà họ cảm thấy được rõ nhất
chính là sự bình yên trong tâm hồn. Từ đó, họ tin vào điều mình nguyện cầu sẽ
thành sự thực.
5: Chùa Hương (Hà Nội)
Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương
Sơn là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ
Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Quần
thể di tích danh lam thắng cảnh chùa Hương bao gồm 18 đền chùa, hang động nằm
rải rác ở 4 thôn Yến Vĩ, Đục Khê, Hội Xá và Phú Yên thuộc xã Hương Sơn, huyện
Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Di tích chùa Hương mang đậm nét văn hóa Phật giáo
Việt Nam .
Nơi đây, từ ngàn xưa đã có câu “Bầu trời cảnh Bụt”. Chùa Hương đang được đề cử
là 1 trong Top 10 điểm du lịch tâm linh thu hút du khách nhất ở Việt Nam .
Chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh được nhiều người tin tưởng để cầu
sức khỏe, công danh, tài lộc… và cũng là 1 trong số những điểm hiếm hoi để cầu
con ở Miền Bắc.….
06: Chùa Đá (Hưng Yên)
Theo Đặng Xuân Xuyến trong Vào Chùa Lễ Phật - Những Điều Cần Biết:
“Cách thị trấn Ân Thi (Hưng Yên) chừng
1km về phía thị trấn Kẻ Sặt (Hải Dương), thuộc thôn Đỗ Hạ, xã Quang Vinh, huyện
Ân Thi, tỉnh Hưng Yên có một ngôi chùa được gọi là chùa Đá.
Tương truyền vào thời Lý, có cô thôn nữ đẹp
người đẹp nết của làng được hoàng cung tuyển chọn làm thiếp yêu cho vua. Vào
ngày cô dời làng lên xa giá về cung, bỗng xuất hiện đám mây ngũ sắc, hình dáng
tựa con rồng xanh, như đang ngồi che chở cho cô, theo cô về triều. Dân làng cho
đó là điềm lành nên hoan hỷ lắm, liền lấy điềm đó đổi tên làng thành làng Đỗ Xá
.
Sau khi sinh cho triều Lý một hoàng tử, cô thôn
nữ làng Đỗ Xá không bệnh mà tự dưng hóa. Đêm đó, trời đổ mưa như trút nước.
Sáng ra, dân làng thấy trên khúc sông đầu làng nổi lên những phiến đá, cột đá,
kèo đá... đủ xây dựng một ngôi chùa. Dân làng cho rằng trời đất cảm thương bà
liền dùng những đồ đá đó dựng lên ngôi chùa, để thờ cúng bà, gọi đó là chùa Đá.
Và làng Đỗ Xá được triều đình đổi tên là làng Đá từ đó.
Việc thờ tự ở ngôi chùa Đá cũng giống các
ngôi chùa khác ở Bắc Bộ, cũng theo tín ngưỡng tứ phủ.
Gian chính điện thờ Phật. Hai bên chính điện
thờ Đức Ông, Đức Thánh Hiền, Thành Hoàng và Hồ Chủ Tịch.
Gian thờ Mẫu nằm bên cạnh, hơi chếch về phía
sau chính điện. Ngoài việc thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Quan Ngũ Hổ, gian thờ Mẫu còn
thờ Bà Chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần Triều...
Những ngày đầu tháng, đầu năm âm lịch, dân
trong vùng đến lễ Phật, lễ Mẫu.... để cầu xin tài lộc.”. Theo tác giả Đặng Xuân Xuyến thì ngôi chùa
(làng) Đá rất linh ứng trong việc cầu con và cầu duyên.
07:
Đền Ủng (Hưng Yên)
Theo Đặng Xuân Xuyến trong Vào Chùa Lễ Phật - Những Điều Cần
Biết: “Đền Phù Ủng toạ lạc tại làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh
Hưng Yên. Là đền thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão - danh tướng đời Trần - người có
công lớn, giúp Trần Hưng Đạo trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông
và Ai Lao.
Trong quần thể di tích thờ danh tướng Phạm
Ngũ Lão tại Phù Ủng, có lăng Phạm Tiên Công (thân sinh ra danh nhân Phạm Ngũ
Lão), đền Nhũ Mẫu (mẹ nuôi tướng quân Phạm Ngũ Lão), đền Tĩnh Huệ công chúa
(con gái tướng quân Phạm Ngũ Lão), theo lối kiến trúc thời Nguyễn. Ngoài ra còn
có lăng Vũ Hồng Lượng (quan dưới triều Lê), kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá
thời Hậu Lê (thế kỷ 17).
Hàng năm, từ 11 - 15 tháng Giêng âm lịch, dân
làng thường mở hội, để tưởng nhớ công lao của vị danh tướng yêu nước. Đây cũng
là lễ kỉ niệm ngày ra quân của tướng quân Phạm Ngũ Lão năm xưa.
Vào các ngày hội, mọi người sắm lễ vào dâng
hương, cầu xin tướng quân phù hộ cho gia đình có được may mắn, sức khỏe. Người
ta tin rằng mọi lời khấn cầu sẽ được linh nghiệm. Người ta cũng thành tâm xin
thẻ để biết được cửa nhà, gia sự trong một năm như thế nào. Thường thì người ta
hay xin thẻ ở gian thờ Mẫu, hy vọng sẽ được Mẫu linh ứng, chở che cho cả năm
được tai qua nạn khỏi, sức khỏe dồi dào, tài lộc sung túc...
Một nét đặc sắc ở lễ hội đền Phù Ủng là khi rước,
nhân dân thường chen nhau chui qua gầm kiệu với ý nghĩa cầu mong sẽ thực hiện
được những điều mong muốn lớn lao trong đời.”
08: Đền Mẫu Hoa Dương (Hưng Yên)
Theo Đặng Xuân Xuyến trong Vào Chùa Lễ Phật - Những Điều Cần Biết: “Đền
Mẫu (còn gọi đền Hoa Dương) toạ lạc ở phố Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành
phố Hưng Yên, được xây dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên
(1279), được dân gian truyền tụng là ngôi đền linh thiêng có tiếng.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XIII khi quân Nguyên
xâm lược nhà Tống, vua và hoàng tộc nhà Tống (Trung Quốc) xuống thuyền tháo
chạy về phương Nam lánh nạn. Vì không chịu khuất phục trước sự truy bức của
quân Nguyên, vua Tống và một số người trong hoàng cung nhảy xuống biển tự vẫn.
Thi thể của Dương Quý Phi trôi dạt về vùng cửa sông Phố Hiến, được người dân
nước Việt chôn cất chu đáo. Người nội thị của triều đình Bắc quốc là quan thái
giám họ Du trong cơn loạn lạc tới Phố Hiến, được nhân dân địa phương giúp đỡ đã
tập hợp những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ, lập nên làng Hoa
Dương. Khi thái giám mất, dân làng tôn làm thành hoàng làng, ngôi mộ được giữ
gìn trong khuôn viên của đình Hiến.
Đền Mẫu thờ Dương Quý Phi ở thị xã Hưng Yên được
dân gian ca tụng là một trong những ngôi đền linh thiêng ở miền Bắc về cầu tình
duyên, cầu con cái và cầu của cải.
Lễ hội đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15
tháng 3 âm lịch. Trong ngày hội, sân đền tổ chức thi đấu cờ, thi đấu tổ tôm,
chọi gà; buổi tối hát chầu văn, hầu đồng.”
09: Đền Kiếp Bạc (Hải Dương)
Trong tâm thức dân gian, Hưng Đạo Đại Vương được vinh danh là đức Thánh
Trần và đồng nhất Ngài với Ngọc Hoàng thượng đế, từ đó tạo nên một dòng đạo Nội
- đạo Thanh đồng, mà đức Thánh Trần là giáo chủ.
Suốt mấy trăm năm qua, Đức Thánh Trần đã thực sự có ảnh hưởng sâu đậm
tới đời sống tâm linh của người dân Việt. Nhất là tín ngưỡng hầu đồng, ban
ấn... ở đền Kiếp Bạc.
Dân gian tin rằng, muốn cầu được thăng quan tiến chức thì xin ấn Triều
triều Hưng Đạo vương chi ấn, hoặc Quốc pháp Đại vương; cầu được sinh con, cầu
xin việc trừ tà sát quỷ, diệt giặc dã, giữa bệnh, thì xin ấn Phi thiên thần
kiếm linh phù.
Sau khi làm lễ ban ấn, nhân dân xin ấn về treo ở nhà và tin rằng sẽ gặp
được nhiều may mắn.
10: Đền Sình (Hải Dương)
Đền Sinh thờ thần Phi Bồng là con của đôi vợ chồng trên vì những chiến công
hiển hách. Đền tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc, xã Lê Lợi, huyện Chí Linh, Hải
Dương.
Chuyện kể rằng, xưa có hai vợ chồng Chu Thức và Hoàng Thị Ba hiếm muộn, đã
bước sang tuổi ngũ, lục tuần mà vẫn chưa có con nối dõi. Một hôm, hai người hai
người ngủ tại chùa thì mộng thấy một vị sứ giả đến ứng mộng nói rằng: “Ta là
Sơn Thần, phụng sắc chỉ Ngọc Hoàng giáng trần báo cho vợ chồng ngươi biết là
sau này sẽ có sao xuống đầu thai vào nhà ngươi để giúp dân, cứu nước!”. Quả
thật sáng hôm sau, họ bước ra khỏi cửa chùa thì thấy một vết chân người rất
lớn. Ông Chu ướm thử không vừa, bà Ba ướm vào thì tự nhiên vết chân biến mất,
về nhà một thời gian sau, bà Ba có thai, sinh ra một cậu con trai khôi ngô tuấn
tú, đặt tên Hiên, hiệu Phúc Uy. Lớn lên, người này làm được rất nhiều việc lớn,
phò vua giúp nước… nên được lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn, gọi là Phi Bổng.
Nghi thức cầu tự tại đền Sinh bắt nguồn từ thế kỷ thứ VI và được lưu truyền
đến tận ngày nay. Theo đó, trong đền có một phiến đá là Đức Thánh mẫu Thạch
Bàn, đá cao chừng 3m, rộng khoảng 5m có hình dáng như người phụ nữ đang nằm
ngửa lúc lâm bồn. Người vô sinh hiếm muộn đến đây cầu con đều sờ vào phiến đá
với mong muốn xin được phước lành.
11: Chùa Đô Mỹ (Thanh Hóa)
Sư thầy Thích Đàm Hưng trụ trì chùa Đô Mỹ (xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh
Thanh Hóa) cho hay, nơi đây nhiều điều kỳ lạ nhưng có thật.
Theo thống kê của thầy Hưng thì có rất nhiều vợ chồng hiếm muộn đến nhờ
thầy làm lễ, sau đó có con. “Nhiều lắm, tôi chưa thể thống kê hết trong lúc
này. Trong tỉnh, ngoài tỉnh đều có cả. Có gia đình không có con do chồng hoặc
vợ bị bệnh. Có vợ chồng khỏe mạnh bình thường, nhưng cưới nhau nhiều năm vẫn
không có con. Vì thế, họ đã tìm về chùa, nhờ tôi làm lễ để cầu kiếm mụn con”,
thầy Hưng cho biết.
Theo thầy Hưng, không phải ai đến cầu cũng có con. Quan trọng họ đến cầu
phải chân thành. Những gia đình cầu được con nhờ họ có đức tin lớn. Đặc biệt,
họ phải là người có duyên với chùa thì cầu mới được như ý muốn.
12: Chùa Ngọc Hoàng (Sài Gòn)
Tại chùa Ngọc Hoàng, phòng thờ ông Tơ, bà Nguyệt, Kim Hoa thánh mẫu là nơi
được cúng bái đông đúc nhất nên người ta hay đi chùa Ngọc Hoàng cầu con. Vì
theo lời đồn đại, chỉ cần thành tâm và sờ vào tượng ông Tơ, bà Nguyệt, Thánh
mẫu sẽ cầu được con, cầu được tình duyên mau tới. Chính vì thế, mỗi dịp lễ,
Tết, và cả ngày thường người dân đều đổ về chùa Ngọc Hoàng cầu con rất đông.
Người dân muốn cầu con thì đến phòng thờ Kim Hoa thánh mẫu và 12 bà mụ nằm
phía bên trái chánh điện. Ở đây, luôn có người của nhà chùa túc trực để hướng
dẫn khách thập phương cách cúng bái.
13: Chùa Từ Quang (Sài Gòn)
Chùa được xây dựng từ rất lâu đời, hiện do hòa thượng Thích Nhất Hạnh làm
trụ trì. Địa chỉ: Ven quốc lộ 1, đoạn đi qua xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.
HCM.
Lễ vật “cầu con” ở chùa cũng khá độc đáo, khi đến cầu con, bạn chỉ cần mang
theo những món đồ, vật dụng dành cho trẻ em như: sữa, bánh ngọt, áo quần em bé
(tùy theo nếu bạn muốn xin con trai, con gái), đồ chơi trẻ em…
Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, trụ trì chùa Từ Quang, cho biết từ năm 2000,
chùa bắt đầu thờ hương linh trẻ con vô danh. Đa phần là con của các công nhân gần
đó nạo phá. Trước đây, ngày thường có vài người đến cầu siêu, thắp hương nhưng
không hiểu sao gần đây Phật tử đến nhiều. Vào ngày rằm lên đên vài ngàn người,
đứng kín cả sân.
Chùa Từ Quang, từ năm 2009 đến nay luôn là điểm đến quen thuộc ngày Tết
Trung thu của những ông bố bà mẹ tìm về sám hối lương tâm chỉ vì những phút
nông nổi mà đã ra tay tước đoạt quyền sống những đứa con của mình.
*.
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của
tác giả gửi qua email ngày 20.12.2016
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét