Truyện sử Trung Quốc: VƯƠNG TRIỀU NGỤY - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

Leave a Comment
(Ngụy Văn Đế Tào Phi)
Truyện sử Trung Quốc: 
VƯƠNG TRIỀU NGỤY
*
Năm 220 Tào Tháo chết, con trưởng là Tào Phi phế bỏ vua cuối cùng của nhà Đông Hán là Hán Hiến Đế, Tào Phi tự lên ngôi hoàng đế quốc hiệu là Nguỵ, đóng đô ở Lạc Dương.
Nhà Ngụy tồn tại được 45 năm, truyền ngôi vua được 5 đời.

1. NGỤY VĂN ĐẾ
(187 - 226)
Nguỵ Văn Đế, tên là Tào Phi, sinh năm Đinh Mão 187, Tào Phi là con trưởng của Tào Tháo. Tào Tháo là một nhân vật có nhiều dư luận nhất trong lịch sử Trung Quốc, rõ ràng ông ta xứng đáng là hào kiệt hơn đời "nhưng về mặt gian trá nghi kỵ lại được người đời gọi là "gian hùng". Cuối thời Đông Hán, Tào Tháo làm đến chức thừa tướng. Năm Canh Tý 220 Tào Tháo chết, con Tào Tháo là Tào Phi ép bắt vua Hán Hiến Đế phải nhường ngôi cho mình, nhà Đông Hán đến đây bị diệt vong.
Tào Phi lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Nguỵ lấy hiệu là Nguỵ Văn Đế và Tào Phi sử dụng niên hiệu là Hoàng Sơ. Sau khi lên làm vua Tào Phi đã phong cho Tào Tháo (đã chết) làm Nguỵ Vũ Đế, tước "Nguỵ Cang" và được ban "cửu tích". Nếu như Tào Tháo rất bạo ngược thì Tào Phi không những đã bạo ngược lại còn xa xỉ nên nỗi thống khổ của nhân dân càng nặng thêm. Mới lên làm vua Tào Phi đã đem quân đánh Tôn Quyền ở Đông Ngô, nhưng bị thất bại, vì vậy nhân dân nhà Nguỵ lại phải chịu nhiều khốn khó hơn nữa.
Tào Phi là người ưa thích văn học. Trước khi làm vua Tào Phi vẫn thường giao hảo với các văn nhân, nhưng Tào Phi không giao hảo với người em ruột của mình, bởi vì Tào Phi biết rõ tài văn chương của mình kém xa Tào Thực (Tào Thực là một trong 10 đại văn hào của Trung Quốc). Và Tào Thực được Tào Tháo yêu quý, suýt nữa thì Tào Tháo đã phế  bỏ Tào Phi để lập Tào Thực làm người kế vị của mình sau này, vì vậy mà Tào Phi muốn diệt Tào Thực, sau khi lên làm vua Tào Phi đã bắt Tào Thực, đi bảy bước làm một bài thơ, rất may là Tào Thực đã làm được nên không bị Tào Phi bắt tội. Việc Tào Phi ưa thích văn học, mở rộng pháp cấm, không can dự đến ngôn luận tư tưởng người ta, dường như chịu ảnh hưởng tịch tĩnh vô vị của tư tưởng Lão - Trang(Lão Tử & Trang Tử) với tác phong phóng đạt, đưa đến tình trạng kẻ sĩ trong thiên hạ đều không coi trọng lễ pháp.
Xét về thực lực lúc bấy giờ thì vật lực nước Nguỵ của Tào Phi đều mạnh hơn nhiều lần so với hai nước còn lại là Thục Hán và Ngô, nhưng Tào Phi cũng biết rằng mình chưa thể thôn tính được hai nước đó. Vì vậy mà tại kinh đô Lạc Dương, Tào Phi bắt đầu lao vào ăn chơi truỵ lạc, cho nên vị hoàng đế này cũng chết sớm. Vào năm Bính Ngọ 226, Tào Phi bị bệnh nặng và mất, hưởng dương được 39 tuổi, tổng cộng Tào Phi chỉ làm vua được sáu năm.
Sau khi chết, Tào Phi được chôn ở Thủ Dương Lăng, Miếu hiệu gọi tắt là Nguỵ Văn Đế, con Tào Phi là Tào Duệ lên nối ngôi, tức là Nguỵ Minh Đế.

2. NGỤY MINH ĐẾ:
(205 - 239)
Nguỵ Minh Đế tên là Tào Tuấn, tự Nguyên Trọng, sinh năm Ất Dậu 205. Tào Tuấn là con trưởng của Nguỵ Văn Đế Tào Phi. Thân mẫu là Nhân Thị Hoàng Hậu. Nhân Thị trước đó là vợ của Viên Hy, Viên Hy là con thứ của Viên Thiệu. Năm 200 Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu và giết cả gia đình Viên Thiệu. Tào Phi lúc đó đang là thế tử thấy Nhân Thị xinh đẹp bèn cướp lấy làm vợ, sau đó Tào Phi phong cho Nhân Thị là Nhân Phu Nhân. Nhân Phu Nhân sinh ra Tào Tuấn. Từ nhỏ Tào Tuấn thông minh lắm, vì vậy Tào Phi rất yêu quý Tào Tuấn.
Nhưng về sau Tào Phi lấy con gái của Quách Vinh quê ở Quảng An, tôn làm quý phi. Quách Quý Phi vốn xinh đẹp tuyệt trần, nên cha nàng thường nói rằng: "Con gái ta là vua trong đám con gái". Bởi thế gọi là nữ vương. Từ khi Tào Phi lấy Quách Quý Phi, liền đem lòng yêu mến mà nhạt tình với Nhân Thị. Lúc đó Tào Phi mới lên ngôi vua nên đã phong cho Nhân Thị làm Hoàng hậu. Sau khi Hoàng Hậu bị Tào Phi lạnh nhạt không sủng ái nữa, Quách Quý Phi muốn nhân cơ hội đó bèn bàn nhau với Trương Thao cướp lấy ngôi hoàng hậu. Bấy giờ Tào Phi đang bệnh Trương Thao tâu rằng: - "Ở trong cung Nhân Hoàng Hậu bị đào được người bằng gỗ vông, trên có viết giờ sinh tháng đẻ của thiên tử để làm bùa trấn áp". Tào Phi giận lắm liền bắt Nhân Hoàng Hậu phải tự tử, rồi lập Quách Quý Phi làm hoàng hậu. Quách Hoàng hậu không có con liền nhận Tào Tuấn làm con nuôi, yêu thương như con đẻ, nhưng không lập Tào Tuấn làm thái tử.
Khi Tào Tuấn được 15 tuổi đó là năm Canh Tý 220 khi ấy vào mùa xuân, Tào Phi dẫn Tào Tuấn vào sâu trong núi. chợt có hai mẹ con con hươu chạy ra. Tào Phi bắn một phát Tào Tuấn đã giỏi nghề cung ngựa trúng con hươu mẹ ngã gục xuống. Con hươu con chạy tạt qua trước mặt Tào Tuấn. Tào phi gọi to lên rằng: "Con ta sao không bắn đi?". Tào Tuấn ngồi trên ngựa khóc nói: "Bệ hạ giết mẹ nó rồi, nỡ nào lại giết cả con nó nữa?". Tào phi nghe xong quẳng cung xuống đất nói rằng: - "Con ta thế mới thật là chúa nhân đức!". Chính vì vậy mà Tào Phi mới phong cho Tào Tuấn làm Bình Nguyên Vương.
Mùa hạ tháng 5 năm Bính Ngọ, năm 226, Nguỵ chủ Tào Phi mắc bệnh sốt rét, thuốc thang mãi không khỏi, bên cho gọi trung quân đại tướng quân Tào Chân, chấm Tây Đại tướng quân Trần Quần, phủ quân đại tướng quân Tư Mã Ý vào cung, đồng thời cho gọi cả Tào Tuấn đến. Tào Phi bảo với bọn Tài Chân rằng: - "Trẫm nay bệnh tình nguy lắm rồi, không sao sống được nữa. Con Trẫm tuổi còn thơ ấu, ba các người nên giúp nó cho khéo, chớ phụ bụng Trẫm, nếu một lòng giúp con Trẫm, thì Trẫm dẫu chết cũng yên tâm.". Nói xong, ứa nước mắt rồi mất, hưởng dương được 39 tuổi và ở ngôi được sáu năm.
Tào Phi mất. Bọn Tào Chân, Trần Quần và Tư Mã ý, một mặt làm lễ chôn cất Tào Phi, một mặt lập Tào Tuấn lên làm Đại Nguỵ Hoàng đế.
Tào Tuấn lên làm vua tức là Nguỵ Minh Đế. Lấy niên hiệu là Thái Hoà, đặt tên thuỵ mẹ là Nhân Thị làm văn chiếu hoàng hậu, phong Tào Chân làm đại tướng quân, Tào Hưu làm đại Tư mã, Hoa Hâm làm Thái Uý, Vương Lãng làm tư đồ, Trần Quần làm Tư không, và Tư Mã ý làm phiêu kỵ đại tướng quân. Còn các văn võ khác ai cũng được phong tặng cả. Nguỵ Đế còn đại xá cho thiên hạ.
Tào Tuấn lên làm vua không được bao lâu, thì bị thừa tướng của nước Thục là Khổng Minh Gia Cát Lượng đem quân ra Kỳ Sơn đánh thẳng vào Trung Nguyên. Tào Tuấn liền phong cho Tư Mã ý làm đại đô đốc đem quân chống cự, cuối cùng quân Nguỵ của do Tư Mã Ý lãnh đạo đã giành được thắng lợi. Nhưng cũng từ đó quyền hành bắt đầu rơi vào tay của Tư Mã Ý. Tuy nhiên Tư Mã Ý lúc đó chưa lộng quyền cho nên Nguỵ Đế Tào Tuấn còn có quyền quyết định mọi việc.
Nguỵ Minh Đế Tào Tuấn về sau nghe lời gièm pha, đã cho người giết chết Mao Hoàng Hậu. Và một đêm ở trong cung, đến canh ba Nguỵ Đế bỗng dưng một cơn gió lạnh thổi đến tắt mất ngọn đèn, thấy Mao Hoàng Hậu dẫn mười người cung nhân đến trước sập rồng khóc lóc đòi mạng. Nguỵ Minh Đế Tào Tuấn từ đó bị bệnh ốm, bèn sai Thị Trung Quang Lộc Đại Phu  là Lưu Phóng, Tôn Tư coi hết các việc trong viện cơ mật. Lại sai triệu con vua Văn Đế là Yên Vương Tào Vũ làm đại tướng quân giúp thái tử Tào Phương nhiếp chính. Tào Vũ là người hoà nhã khiêm nhường, không chịu lĩnh việc to ấy, cố từ không nhận, vì vậy Nguỵ Minh Đế phải cho Tào Vũ trở về nước Yên. Sau đó Nguỵ Minh Đế liền dùng con của Tào Chân là Tào Sảng làm đại tướng quân, quyền coi cả chính sự triều đình. Lúc đó Tư Mã Ý đang đóng quân ở Lạc Dương, cũng được Nguỵ Minh Đế Tào Tuấn cho mời về triều, khi Tư Mã Ý vào triều ra mắt Nguỵ Minh Đế Tào Tuấn, Tào Tuấn nói: - "Trẫm chỉ sợ không được trông thấy ngươi, nay trẫm thấy người rồi, dù chết cũng không giận gì nữa.". Sau đó Nguỵ Minh Đế Tào Tuấn cho đòi thái tử Tào Phương, đại tướng quân Tào Sảng, Thị Trung là bọn Lưu Phóng, Tôn Tư, đến cả trước long sàng. Nguỵ Minh Đế Tào Tuấn cầm tay Tư Mã Ý nói: - "Khi xưa Huyền Đức ở trong thanh Bạch Đế, lúc bệnh nguy, đem con thơ là Lưu Thiền giao phó cho Gia Cát Khổng Minh vì thế Khổng Minh phải hết lòng hết sức đến chết mới thôi, một nước nhỏ còn thế, huống chi nước lớn? Con thơ trẫm là Tào Phương mới có tám tuổi chưa coi nổi việc xã tắc. Thái uý và tôn huynh, cùng là Nguyên Huân cựu thần và nên hết sức giúp đỡ cho con trẫm, chớ phụ bụng trẫm mới được". Nguỵ Minh Đế Tào Tuấn, lại gọi Tào Phương vào bảo rằng: - “Trọng Đạt (tức Tư Mã Ý) với trẫm, cũng như một người, con phải kính trọng mới được.”. Nguỵ Minh Đế Tào Tuấn còn sai Tư Mã Ý bế  Tào Phương đến gần giường, Thái tử Tào Phương ôm mãi đầu Tư Mã Ý không buông tay. Nguỵ Minh Đế còn nói: - "Thái uý chớ quên cái tình quyến luyến của con trẫm hôm nay.". Nói xong nước mắt chảy xuống ròng ròng, mê man không nói được nữa, lấy tay trỏ vào thái tử một lát thì mất, ở ngôi được 13 năm từ năm Bính Ngọ 226 đến năm Kỷ Mùi 239 hưởng dương được 38 tuổi, bấy giờ là hạ tuần tháng 1 năm Cảnh Sơ thứ ba nhà Nguỵ sau khi chết Nguỵ Minh Đế Tào Tuấn được chôn ở Thủ Dương Lăng, miếu hiệu gọi tắt là Nguỵ Minh Đế.

3. NGỤY PHẾ ĐẾ:
(231 - 274)
Nguỵ Phế Đế tên là Tào Phương, tự là Lan Khanh sinh năm Tân Hợi 231, nguyên là con nuôi Tào Tuấn, chuyện bí mật ở trong cung không ai biết do đâu mà đến.
Nguỵ Minh Đế Tào Tuấn mất, Tào Phương lúc đó đang là thái tử được bọn Tư Mã Ý lập lên làm vua đó chính là Nguỵ Phế Đế.
Sau khi lên làm vua Nguỵ Phế Đế lấy niên hiệu là Chính Thuỷ. Và tôn tên thuỵ cha là Minh Đế táng ở Cao Bình, Tôn Quách hoàng hậu làm thái hậu. Quyền hành trong triều do Tào Sảng làm đại Tư Mã nắm giữ. Tư Mã Ý thì làm thái phó, nhưng thực chất thì Tư Mã Ý không có quyền hành gì.
Vào năm Kỷ Tỵ 249 Nguỵ Phế Đế Tào Phương đổi niên hiệu Chính Thuỷ thứ 10 là năm Gia Bình thứ nhất. Lúc bấy giờ Tào Sảng chuyên quyền suốt ngày rượu chè và kéo bè đảng vây cánh. Vì vậy quyền hành của Tào Sảng ngày càng lớn. Tào Sảng thường hay cùng bọn tay chân thân tín đi ra ngoài thành săn bắn. Và vào năm Gia Bình thứ nhất đó, Nguỵ Phế Đế đã cũng theo Tào Sảng ra ngoài thành săn bắn. Tư Mã Ý ở trong thành liền phát động cuộc binh biến và khuyên Tào Sảng giao nộp lại ấn tín quyền hành cho mình. Tào Sảng tin Tư Mã Ý đã nghe theo lời của Tư Mã Ý. Từ đó quyền hành lại về tay Tư Mã Ý. Nhưng qua việc tư này Tư Mã Ý đã thất hứa với Tào Sảng, vì vậy mà Tư Mã Ý về sau này thường bị người đời chê cười. Đồng thời cũng từ đó Tư Mã Ý bắt đầu chuyên quyền. Vì vậy mà Nguỵ Phế Đế Tào Phương đã bị khống chế. Sau khi Tư Mã Ý mất, Nguỵ Phế Đế Tào Phương sai làm tang lễ cực hậu, phong tặng đặt tên thuỵ tử tế, rồi phong cho Tư Mã Sư con trưởng Tư Mã Ý làm đại tướng quân. Tổng lĩnh các việc cơ mật, và Tư Mã Chiêu con thứ của Tư Mã Ý thì được phong làm phiêu ky tướng quân. Anh em Tư Mã Sư chuyên quyền trong triều, quần thần ai cũng phải sợ.     
Nguỵ Phế Đế Tào Phương mỗi khi thấy Tư Mã Sư vào chầu, sợ run cầm cập. Một lần Nguỵ Phế Đế Tào Phương mở chầu thấy Tào Sư đeo gươm lên điện, vội vàng xuống sập rồng đón vào, Tư Mã Sư cười nói rằng: - "Có lẽ đâu vua phải đón bày tôi xin bệ hạ cứ ngồi yên cho". Một lúc sau, các quan đến tâu việc, Tư Mã Sư xử đoán lấy không tâu với Nguỵ Phế Đế câu gì. Sau khi tan chầu, Tư Mã Sư nghênh ngang xuống điện, ngồi xe đi ra, quân hầu xúm quây vòng trong vòng ngoài, có hàng vài nghìn người.
Nguỵ Phế Đế Tào Phương lại vào hậu điện, nhìn trông tả hữu chỉ có ba người là Thái thuỷ Hạ Hầu Huyền, Trung Tư Lệnh Lý Phong và Quang Lộc đại phu Trương Thấp. Nguỵ Phế Đế Tào Phương bảo cận thị khi ra rồi dắt ba người vào mật thất bàn bạc. Nguỵ Phế Đế Tào Phương, khóc mà rằng: - "Tư Mã Sư coi trẫm như trẻ con, khinh các quan như cỏ rác, xã tắc nay mai tất mất về tay người ấy.”. Nói xong Nguỵ Phế Đế khóc hu hu, cả ba người là Hạ Hầu Huyền, Lý Phong và Trương Thấp cũng khóc theo, sau đó Nguỵ Phế Đế Tào Phương muốn ba người đó tìm cách giết chết anh em Tư Mã Sư, nên Nguỵ Phế Đế Tào Phương đã cởi ra một cái khăn lau mồ hôi thêu long phượng, cắm đầu ngón tay, lấy huyết viết chiếu, chiếu rằng: - "Anh em Tư Mã Sư, cùng cầm quyền to, sắp mưu việc thoán nghịch, nội là sắc chiếu làm ra, không do tự trẫm cả. Quân binh tướng sĩ các bộ, nên càng mang lòng trung nghĩa, trừ khử tặc thần để cứu xã tắc, khi nào thành công trẫm sẽ phong tước trọng thưởng cho.". Nhưng cuối cùng kế hoạch bị bại lộ. Tư Mã Sư hội cả quần thần lại nói rằng: - "Nay hoàng thượng hoang dâm vô đạo, ham mê nhà trò con hát, tin nghe lời dèm, lấp đường hiền sĩ, tội lại tệ hơn vua xương ấp nhà Hán, xét ra không làm nổi được chúa thiên hạ, ta xin theo lệ Y Doãn, Hắc Quang lập vua mới khác giữ xã tắc để cho thiên hạ được yên." và Tư Mã Sư đã quyết định phế bỏ Nguỵ Phế Đế Tào Phương phong cho tước Tề Vương như trước. Nguỵ Phế Đế lệnh cho Tào Phương lập tức phải dời khỏi kinh đô. Nguỵ Phế Đế Tào Phương ngồi trên xe khóc rầm rĩ đi ra.
Về sau Nguỵ Phế Đế Tào Phương mất vào năm Giáp Ngọ 274 hưởng dương được 43 tuổi.

4. NGỤY CAO QÚY HƯƠNG CÔNG:
(241 - 260).
Nguỵ Đế, tên là Tào Mao, tự là Ngạ Sĩ, sinh năm Tân Dậu 241.
Tào Mao là cháu vua Nguỵ Văn Đế (Tào Phi), tính tình hoà nhã kính cẩn khiêm nhường. Khi Tư Mã Sư phế Nguỵ Đế Tào Phương, liền cho người đi đón Tào Mao vào cung và rước Tào Mao lên đền thái cực lập làm vua mới, đó chính là Nguỵ Cao Quý Hương Công.
Sau khi lên làm vua Nguỵ Cao Quý Hương Công Tào Mao lấy niên hiệu là Chính Nguyên, đại xá cho thiên hạ, ban cho Đại tướng quân Tư Mã Sư một lưỡi việt vàng, vào triều không phải rảo bước, tâu việc không phải xưng tên, được đeo gươm lên điện, võ văn trăm quan cũng được phong thưởng.
Và cũng từ đó quyền hành đều nằm trọn trong tay anh em Tư Mã Sư nhưng một thời gian sau Tư Mã Sư bị đau mắt, mù không khỏi, mỗi đêm lại mơ thấy Hạ Hầu Huyền, Lý Phong và Trương Thấp đứng trước giường mình đòi mạng, vì vậy Tư Mã Sư tâm thần hoảng hốt bệnh tình ngày càng nặng, Tư Mã Sư giối giăng lại cho Tư Mã Chiêu, sau đó đưa ấn thụ cho Tư Mã Chiêu làm đại tướng quân, Tư Mã Sư nước mắt giàn gụa đầy mặt, kêu to được một tiếng, rồi bật nổ một con ngươi mà chết. Bấy giờ là tháng 2 năm chính Nguyên thứ 2 năm Bính Tý 256. Tư Mã Chiêu phát tang cho anh, rồi tâu với Nguỵ Cao Quý Hương Công Tào Mao. Mao sai sứ mang chiếu đến Hứa Xương, sai Tư Mã Chiêu tạm đóng ở Hứa Xương, để phòng Đông Ngô vào cướp. Sau đó Nguỵ Cao Quý Hương Công lại phong cho Tư Mã Chiêu làm đại tướng quân xét việc thượng thư. Từ đó công việc lớn nhỏ trong ngoài lại về cả tay Tư Mã Chiêu. Lúc bấy giờ Đại tướng quân Khương Duy nước Thục đem quân đánh ra Kỳ Sơn. Tư Mã Chiêu, liền sai bộ tướng là Đặng Ngãi đem quân chống lại, Nguỵ Cao Quý Hương Công phong cho Đặng Ngãi làm An tây tướng quân, ban cho cờ tiết, lĩnh chức bộ Đông Khương hiệu uý đóng binh ở các xứ Duy Châu và Lương Châu phòng bị quân Thục tân công.
Nguỵ Cao Quý Hương Công cải niên hiệu chính nguyên năm thứ ba làm năm Cam Lộ thứ nhất, đó là năm Bính Tý 256. Tư Mã Chiêu tự phong mình làm thiên hạ binh mã đại đô đốc. Khi ra vào thường có ba nghìn quân thiết giúp và kiêu tướng đi hộ vệ trước sau. Từ đó Tư Mã Chiêu thường có ý muốn cướp ngôi nhà Nguỵ.
Đến năm Cam Lộ thứ 5 tức năm Canh Thìn 260. Mùa hạ tháng tư, Tư Mã Chiêu đeo gươm lên điện, Nguỵ Cao Quý Hương Công Tào Mao đứng dậy đón chào. Quần thần tâu rằng: - “Công đức của đại tướng quân cao vời vời, nên phong làm Tấn Công gia lễ cửu ích.”. Nguỵ Cao Quý Hương Công Đế Tào Mao không nói gì. Tư Mã Chiêu thốt lên rằng: - “Cha con anh em nhà tôi ba đời, biết bao nhiêu công lao với nhà Nguỵ. Nay làm Tấn công không đúng hay sao?”. Nguỵ Cao Quý Hương Công Đế Tào Mao đáp rằng: - “Dám đâu chẳng vâng lời.”. Sau khi Tư Mã Chiêu rời khỏi điện, Nguỵ Cao Quý Hương Công Đế Tào Mao vào hậu cung cùng với thị trung Vương Thẩm, thượng thư Vương Kinh và tán Kỵ Thường Vương Nghiệp bàn bạc việc giết chết Tư Mã Chiêu, nhưng kế hoạch bị bại lộ. Nguỵ Cao Quý Hương Đế Tào Mao, sai quan hộ vệ là Tiêu Bá tụ tập quần túc vệ trong điện, cùng đầy tớ hầu hạ được hơn trăm người đánh trống hò reo tiến ra. Nguỵ Cao Quý Hương Công Đế Tào Mao trỏ gươm quát mắng rằng: - "Tao là thiên tử đây, chúng bay xông vào nơi cung đình, muốn giết  vua hay sao?". Cấm bình trông thấy vua không dám động nhưng tên bộ hạ của Tư Mã Chiêu là Thành Đế cầm ngọn kích xông thẳng đến trước xe vua. Nguỵ Cao Quý Hương Công Đế Tào Mao quát lên rằng: - "Thất phu dám xấc à?". Nguỵ Cao Quý Hương Công Đế Tào Mao vừa nói dứt lời thì bị Thành Đế đâm kích vào giữa ngực ngã sấp xuống dưới xe, lại bồi thêm một kích từ sau lưng suốt ra ngoài bụng. Nguỵ Cao Quý Hương Công Tào Mao chết ở cạnh đường. Quân của Tư Mã Chiêu về báo lại cho y. Y vào cung thấy Nguỵ Cao Quý Hương Công Tào Mao đã chết, Tư Mã Chiêu giả vờ thất kinh, đập đầu xuống khe mà khóc, rồi sai người báo với các đại thần sau đó Tư Mã Chiêu còn giả tảng khóc to, nói với các đại thần rằng: - "Việc hôm nay nên nghĩ thế nào bây giờ?". Các quân có người nói là nên chém chết Giả Sung đi vì việc này cũng có liên quan đến Giả Sung, nhưng Tư Mã Chiêu lại nói đó là do Thành Đế vô đạo đại nghịch, nên đem mổ bụng và giết cả họ nó đi, vì vậy mà Thành Đế đã bị cắt lưỡi mổ bụng và cả họ bị giết.
Còn Nguỵ Cao Quý Hương Công Đế Tào Mao thì được đem chôn ở Cao Bình Lăng đó là năm 260, Nguỵ Cao Quý Hương Công chết, hưởng dương được 19 tuổi. Tổng cộng làm vua được 6 năm. Miếu hiệu thường được gọi là Nguỵ Cao Quý Hương Công.

5. NGỤY NGUYÊN ĐẾ:
(246 - 265)
Nguỵ Nguyên Đế, tên là Tào Hoán, tự là Canh Danh, thân sinh là Yên Vương Tân Vũ, tức là cháu Tào Tháo. Tào Hoán sinh năm Bính Dần 246.
Năm Canh Thìn 260 Tư Mã Chiêu cho người giết chết vua Nguỵ Cao Quý Hương Công Tào Mao. Lúc đó Tào Hoán đang làm Thường đạo hương công ở Yên được Tư Mã Chiêu cho người đón vào cung lập lên làm hoàng đế, đó chính là Nguỵ Nguyên Đế.
Sau khi lên làm vua Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán lấy niên hiệu là Cảnh Nguyên. Phong cho Tư Mã Chiêu làm thừa tướng, tước tấn công, thưởng cho mười vạn quan tiền, một vạn tấm lụa, văn võ các quan đều được phong tước cả. Và từ đó công việc thiên hạ ở cả tay Tấn Vương. Năm 265 Tư Mã Chiêu sai Đặng Ngãi làm đại tướng, chung hội làm phó tướng đem quân đánh Thục và tiêu diệt được nước Thục. Vì vậy các đại thần trong triều nhà Nguỵ nhân Tư Mã Chiêu có công lấy được nước Thục, muốn tôn làm vương, mới vào tâu với Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán, Tào Hoán bấy giờ tuy làm thiên tử nhưng kỳ thực không được chủ trương việc gì, quyền chính đều do họ Tư Mã cả. Bởi thế Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán phải nghe theo và phong cho Tư Mã Chiêu làm Tấn Vương. Tư Mã Chiêu bèn đặt tên Thuỵ cha là Tư Mã Ý làm Tuyên Vương, anh là Tư Mã Sư làm Cảnh Vương. Tư Mã Chiêu còn lập con trưởng của mình là Tư Mã Viêm làm Thế Tử.
Nhưng ngay sau đó không lâu, tự nhiên Tư Mã Chiêu bị bệnh trúng phong, cấm khẩu không nói được. Và bệnh tình càng nguy lắm các đại thần đều vào vấn an. Tư Mã Chiêu không nói được gì, chỉ lấy tay trỏ vào thế tử Tư Mã Viêm rồi chết, đó là vào tháng 8 năm Ất Dậu 265. Và ngay hôm đó Tư Mã Viêm được lập lên làm Tấn Vương nối chức của Tư Mã Chiêu.
Sau khi lên làm  Tấn Vương, Tư Mã Viêm quyết định tiếm ngôi nhà Nguỵ. Một hôm Tư Mã Viêm đeo gươm vào cung. Bấy giờ Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán tâm thần hoảng hốt, ngồi đứng không yên, luôn mấy hôm không ra coi chầu. Tư Mã Viêm vào thẳng hậu cung, Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán vội vàng trụt xuống sập rồng đón vào. Tư Mã Viêm ngồi tử tế rồi hỏi rằng: - "Thiên hạ nhà Nguỵ do sức ai mà có?" Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán nói: - "Đó là nhờ ơn Tổ Phụ Tấn Vương (tức chỉ Tư Mã Chiêu) để lại cả đấy.". Tư Mã Viêm cười rằng: - "Tôi coi bệ hạ, văn không bàn được đạo lý, võ không sửa sang được việc nước, sao không nhường cho người tài đức làm chủ có được không?". Nguỵ Đế Tào Hoán giật mình im lặng không nói được gì. Lúc đó Giả Sung vốn là mưu sĩ của Tư Mã Chiêu, y khuyện Nguỵ Đế Tào Mao bắt chước việc vua Hán Hiến Đế khi trước, sửa sang lại đền thụ thiện, nhường ngôi cho Tấn Vương, như thế thì trên hợp lẽ giời, dưới thuận tình dân, mà bệ hạ cũng được an toàn, không ngại gì nữa.
Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán, nghe theo lời của Giả Sung, sai Giả Sung trực tiếp đắp đàn thụ thiện, kén ngày Giáp Tý tháng chạp năm Ất Dậu 265, Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán thân bưng ngọc tỉ truyền quốc, đứng ở trên đàn, đại hội trăm quan văn võ, mời Tấn Vương Tư Mã Viêm lên đàn, làm lễ trao nhường. Tư Mã Viêm chính thức lên ngôi lập nên nhà Tấn. Sau đó Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán xuống đàn mặc áo chầu đứng hàng đầu các quan. Và đến đây, nhà Nguỵ mới được thành lập từ năm 220 đến nay tồn tại được 45 năm, trải qua năm đời vua, nay đã bị nhà Tấn tiêu diệt.
Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán được Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm phong cho làm Trần Lưu Vương, cho ra ở ngoài thành Kim Dung, hạn phải đi ngay lập tức, nếu không có chiếu đòi, không được vào chầu. Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán khóc, lạy tạ trở ra. Và đến năm Nhâm Tuất 302, Nguỵ Nguyên Đế Tào Hoán mất, hưởng thọ 56 tuổi.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 28.12.2015 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét