Vài trao đổi với ông Hoàng Dân về bài: THƠ HOÀNG XUÂN HỌA - TRÁCH THÁNG NĂM - Tác giả: Nguyễn Đăng Hành (Hà Nội)

1 comment

Vài trao đổi với ông Hoàng Dân về bài:
THƠ HOÀNG XUÂN HỌA
- TRÁCH THÁNG NĂM
*
THÁNG NĂM

Tháng năm nắng, tháng năm mưa
tháng năm vừa tới lại thừa tháng năm
đợi chờ héo mấy con trăng
buồn vung cá quẫy sủi tăm mặt hồ

lộc vừng chín ngọn sóng xô
rắc đầy mặt sóng, đỏ bờ xác hoa
chông chênh ghế đá một ta
đợi người, người mải đi xa hút trời

mặt hồ sóng rộn đầy vơi
ta ngồi đếm sóng vời vời dửng dưng
người đông trước mặt, sau lưng
hồn ta xoáy gió vỡ từng bóng mây

tháng năm vơi, tháng năm đầy
tháng năm trống rỗng nhường này… tháng năm!
*.
HOÀNG XUÂN HỌA 
LỜI BÌNH
Qua các trang mạng tôi gặp bài bình thơ nhan đề “Thơ Hoàng Xuân Họa - Trách Tháng Năm” của giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình Hoàng Dân (mời xem: /thang-nam-la-thang-nam-nao-tac-gia.html). Mở đầu, giáo sư thản nhiên tự tin lôi thước thời gian ra tẩn mẩn đo đếm... giải mã mà phán rằng: “Tôi nương theo nghĩa thời gian không xác định. Vậy tháng năm là thời gian. Trách tháng năm là trách tháng năm, theo cái lý của sự hoảng hốt.”. “Chơi xuân kẻo hết xuân đi/ cái già sang sộc nó thì theo sau”.
Tác giả dẫn cả khổ thơ đầu, giảng rằng: “Trong chuỗi thời gian vô định, trời thì khi nắng khi mưa, còn thời gian thì có lúc mong mỏi và có khi cảm thấy thừa thãi, đời người (nhất là khi đã già) thời gian sẽ đằng đẵng vô vị và con người rất dễ bị chìm đắm trong mặc cảm tiêu cực.”.
Ông dẫn tiếp: “Đợi chờ héo mấy con trăng/ buồn vui. Cá quẫy sủi tăm mặt hồ”. Rồi ông phán: “Khổ hai tô đậm thất vọng, nỗi thất vọng gây ra chấn động tâm lý thật ghê gớm”.
Khổ 3 ông quyết rằng: “... Ta ngồi đếm sóng vời vời dửng dưng” thì mới cảm nhận về cái chết của ngoại cảnh. Đến câu: “Người đông trước mắt sau lưng/ hồn ta soáy gió vỡ từng đám mây”, thì tâm cảnh cũng chết thật rồi, đúng là hư vô toàn phần rồi. Hai câu cuối: Tháng năm với tháng năm đầy/ tháng năm trống rỗng thế này tháng năm”, đến đây, giáo sư tổng điều động các cụ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương đến hỗ trợ mà kết luận xanh rờn: “Tháng năm trong bài này đích thị là thời gian chứ không thể là tháng năm có 31 ngày được… Một khi thời gian đã vô nghĩa thì hiển nhiên sự tồn tại của con người cũng vô nghĩa.”.
Tôi đọc đi đọc lại bài bình này, trong tôi cứ cảm thấy bứt rứt thế nào ấy, nó công thức, hời hợt, vô cảm, dửng dưng… chẳng ra lối bình văn theo bình giảng hay văn phân tích. Chẳng hiểu ông cắt ngang hay bổ dọc mà chẳng thấy cái sự khám phá, giải mã đâu, nó vẫn chưa hề động chạm bài thơ, nhà thơ, vẫn chưa gợi được ý tứ của bài… mà chỉ thấy ông giáo sư, tiến sĩ Hoàng Dân chồm hỗm phè phè trên trang giấy.
Thưa ông giáo sư, tiến sĩ Hoàng Dân! Thơ là gì? Ở đâu? Ra sao? Tôi xin trích dẫn lời cổ nhân đã dạy: “Thơ là từ cái vi đạt cái vĩ. Từ vi lượng ngôn ngữ phải đạt cái dung lượng lớn của ý tưởng, phải đắc ý vong ngôn, phải tinh đạt khí, khí đạt thần. Thi vô đạt hổ.” (Lê Quý Đôn). Hay như nhà thơ Va Le Ri E đã nói: “Từ cái vô thức liên kết với ý tưởng tạo thành nghệ thuật của thơ.”. Vậy ý nghĩa, ngữ nghĩa hình dung tưởng tượng cốt lõi bài thơ này ở đâu? Ra sao?
Theo tôi, bài thơ này là một bài thơ nẫu nà, đằm thắm, giọng thơ tưng tửng tràn trề đắm đuối. Lời thơ mới cũ đồng hòa, giản dị đời thường mà thăng hoa, cuồn cuộn hình ảnh, hình tượng, tạo ấn tượng gợi mở, ám ảnh…. Ví như câu “Đợi chờ héo mấy con trăng”, “mặt sóng, đỏ bờ xác hoa”, “ta ngồi đếm sóng vời vời dửng dưng”, và câu “hồn ta xoáy gió vỡ từng bóng mây” có xứng là những câu tài hoa găm trong trí nhớ không? Xin thưa, mới vào đề đã thấy nắng, mưa, cá, hồ thì đích thực là không gian trên cái trục thời gian. Những âm “ăm” trong cái chữ “năm” tuy đồng âm nhưng dị nghĩa, vừa là thời gian vừa là không gian, vừa cũ vừa mới, vừa hoài niệm, vừa khát khao. Vâng, tháng năm cũng có thể là tháng năm lịch sử sống động biến cố mất được, sử trường - cái không gian hòa cùng thời gian đầy kỷ niệm vui buồn, được mất, ảo thật mông lung. Bài thơ đã thoát khỏi kể lể ái ái ưu ưu, uẩn uẩn hoặc giả giọng hòa ca, thán ca để minh họa… Đây là những thước phim tư liệu, tài liệu giá trị đủ cả chân - thiện - mỹ. Một thi sĩ trắc ẩn hừng hừng hứng cảm ngất ngây đắm say tĩnh tọa trên ghế đá “Ga Li Tô” bên hồ Hoàn Kiếm, với cái lẵng hoa, cái cốc nước pha lê, cái tấm gương trong suốt của quốc gia đầy huyền sử mênh mang hoành tráng,... đâu phải ngồi trên tảng đá Thạch Bàn bên ao quê nước đọng như giáo sư tưởng tượng. Thi sĩ tọa ngẫm hồi ức, tưởng nhớ cháy bùng khao khát lý tưởng, niềm tin, nỗi lòng của một thời, một đời thoáng qua, chứ đâu phải là hình ảnh một ông lão vô công rồi nghề hoài cổ rên la ca thán, bất đồng bất mãn đổng giả như ông giáo sư, tiến sĩ Hoàng Dân đã lầm …. Không! Thực thì hứng cảm sôi động, có tư tưởng mênh mang mà thi vị, hoài niệm mà không hoài cổ, con chữ tuồn tuột mà sâu xa, thẳng băng mà sống động góc cạnh. Xin dẫn vài câu hình ảnh, hình tượng, ấn tượng rung cảm ám ảnh: “đợi chờ héo mấy con trăng/ buồn vung cá quẫy sủi tăm mặt hồ”, “lộc vừng chín ngọn sóng xô/ rắc đầy mặt sóng, đỏ bờ xác hoa” hoặc “mặt hồ sóng rộn đầy vơi/ ta ngồi đếm sóng vời vời dửng dưng” và “hồn ta xoáy gió vỡ từng bóng mây”. Vậy cái mặt hồ là tấm gương phản chiếu trời mây non nước… Lồng lộng bóng dáng thi nhân in xuống đáy hồ.
Thưa, những con dân đất Việt, lớp người tuổi đã ngoài 60 đã từng cống hiến làm nên lịch sử sẽ hồi hộp ngẫm ngợi, vỗ đùi thăng hoa cùng nhà thơ (từ khổ đầu) kêu gió gọi mưa dựng cả không gian, thời gian biến cố sống động và tổng kết (2 câu kết), ngẫm nghĩ sự được mất và chờ đợi khát khao của lão thi nhân với dòng người làm nên lịch sử.
Đọc bài thơ này, trong tôi bừng bừng sống lại cái ngày 17.05.1970 lên đường vào Nam đánh Mỹ. Nhớ cái ngày Quốc tế lao động, ngày 19.05 sinh nhật Bác và lúc 11 giờ 30, ngày 30.04.1075, chỉ hơn chục tiếng là sang cái ngày “Tháng năm nắng tháng năm mưa” nếu chưa từng trải thì chưa thấm mùi. Vâng. Thơ đọc mà không hiểu được thì vô vị nhưng nếu hiểu hết thì hết vị (Viên Mai). Chỉ tiếc típ bài thơ thừa chữ “Trách”, dễ gây dị ứng, thiếu gợi mở, gây căng cứng, làm người đọc dễ bị chệch hướng, sai mạch rối ý, loạn khí. Cụ Lê Quý Đôn đã chỉ: Thơ kiêng lộ mạch khí hăng…. Biết đâu đây là ý đồ nghệ thuật của lão thi nhân để nghi binh gây tò mò, tạo sốc với đọc giả?
Xin mượn câu nói của nhà thơ Trinh Đường để kết thúc bài viết này: “Xem thơ là ngắm nhìn cái bóng nhà dưới đáy hồ chứ đừng ngắm cái nhà trên mặt hồ.”
*
Hà Nội, 30 tháng 04.2017
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Điện thoại: 0166.467.78.26

.
.



……………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 30.04.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét:

  1. Nịnh nhau phải biết ghìm lời
    Đừng như trôn trẻ để đời mỉa mai

    Trả lờiXóa