THÁNG NĂM LÀ THÁNG NĂM NÀO - Tác giả: Hoàng Dân (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
THÁNG NĂM
LÀ THÁNG NĂM NÀO
*
THÁNG NĂM

Tháng năm nắng, tháng năm mưa
tháng năm vừa tới lại thừa tháng năm
đợi chờ héo mấy con trăng
buồn vung cá quẫy sủi tăm mặt hồ

lộc vừng chín ngọn sóng xô
rắc đầy mặt sóng, đỏ bờ xác hoa
chông chênh ghế đá một ta
đợi người, người mải đi xa hút trời

mặt hồ sóng rộn đầy vơi
ta ngồi đếm sóng vời vời dửng dưng
người đông trước mặt, sau lưng
hồn ta xoáy gió vỡ từng bóng mây

tháng năm vơi, tháng năm đầy
tháng năm trống rỗng nhường này… tháng năm!
*.
HOÀNG XUÂN HỌA 
LỜI BÌNH
Trước hết, “tháng năm” trong bài thơ này là tháng năm nào? Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn nhỉ?! Thế mới biết “giải mã” được tâm hồn thi sĩ đâu có dễ? Nhưng cứ phải hỏi vì trong thực tế, có ít nhất… ba “tháng năm” kia mà?
- Thứ nhất, là tháng 5 so với tháng 4, tháng 6… trong tổng số 12 tháng của một năm!
- Thứ hai, là tháng 5 nhuận!
- Thứ ba, là “tháng năm” với nghĩa là “thời gian không xác định”, ví
(Tác giả Hoàng Dân)
như: Tháng năm thì cứ vần xoay/ Ngồi buồn bấm đốt ngón tay thở dài; hoặc: Tháng năm dằng dặc vô hình/ Càng già càng thấy… giật mình… tháng năm… (Trích thơ của các CLB thơ hưu)
Tôi nương theo nghĩa “thời gian không xác định”. Vậy “Trách tháng năm” là trách thời gian theo cái lí của sự hoảng hốt:
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì theo sau
(Ca dao)
Khi cái sự già đã “phả hơi nóng hầm hập” vào gáy rồi thì mới chợt giật mình: Hóa ra ta đang sống những ngày tàn của một kiếp người?! Mà nguyên nhân khiến ta bị… già chính là… thời gian! Như thế, trách thời gian là quá đúng chứ còn gì?!
Cái ý “trách” ấy đã có ngay từ khổ thơ đầu:
Tháng năm nắng, tháng năm mưa
tháng năm vừa tới lại thừa tháng năm
đợi chờ héo mấy con trăng
buồn vung cá quẫy sủi tăm mặt hồ
Trong chuỗi thời gian vô định, trời thì khi nắng khi mưa, còn thời gian thì có lúc mong mỏi và có khi lại cảm thấy thừa thãi. Đời người (nhất là khi đã già), còn được “đợi chờ” là còn hạnh phúc! Đáng sợ là không còn gì để mà “đợi chờ” nữa! Thời gian sẽ đằng đẵng, vô vị và con người rất dễ bị chìm đắm trong những mặc cảm tiêu cực. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó, kể cả “đợi chờ”:
đợi chờ héo mấy con trăng
buồn vung cá quẫy sủi tăm mặt hồ
đợi chờ héo mấy con trăng” thì không còn là đợi chờ một cái gì đó tầm thường, mà phải là một điều gì đó lớn lao, cao cả! Và điều ấy chưa đến hay sẽ không bao giờ đến? Chỉ biết tâm trạng của chủ thể đợi chờ đã bị dồn nén, bị ức chế, bị thất vọng tới mức:
buồn vung cá quẫy sủi tăm mặt hồ
Khổ thơ thứ hai tiếp tục tô đậm tâm trạng thất vọng:
lộc vừng chín ngọn sóng xô
rắc đầy mặt sóng, đỏ bờ xác hoa
chông chênh ghế đá một ta
đợi người, người mải đi xa hút trời
Nỗi thất vọng đã gây ra một chấn động tâm lí thật ghê gớm:
chông chênh ghế đá một ta
Ta thường nghe câu cửa miệng “vững như bàn thạch”, vậy mà ở đây chỉ có “một ta” ngồi mà “chông chênh ghế đá”?!
Chữ “người” trong câu “đợi người, người mải đi xa hút trời” có thể hiểu: “Người” là người tri âm tri kỉ? “Người” là người tình lí tưởng? “Người” là minh chúa?... Nhưng, dù hệ qui chiếu của “người” là ai thì điều đó cũng chẳng có nghĩa lí gì, bởi “người mải đi xa hút trời” thì có khác gì “người hư vô”?!
Khổ thơ thứ ba thì đúng là tâm trạng hư vô rồi:
mặt hồ sóng rộn đầy vơi
ta ngồi đếm sóng vời vời dửng dưng
người đông trước mặt, sau lưng
hồn ta xoáy gió vỡ từng bóng mây
Nếu chỉ “ta ngồi đếm sóng vời vời dửng dưng” thì mới là cảm nhận về cái “chết” của ngoại cảnh; nhưng đến hai câu “người đông trước mặt, sau lưng/hồn ta xoáy gió vỡ từng bóng mây” thì tâm cảnh cũng “chết” nốt! Ngồi giữa đám đông những đồng loại vây quanh “trước mặt, sau lưng” mà vẫn cảm thấy cô đơn thì đúng là hư vô toàn phần rồi!
Khổ thơ cuối cùng với một câu lục bát đã “lật ngửa con bài” tư tưởng của thi sĩ:
tháng năm vơi, tháng năm đầy
tháng năm trống rỗng nhường này… tháng năm!
Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có một câu lục bát kinh điển:
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê
Nỗi sầu cá nhân thì có thể nguôi ngoai, nhưng nỗi sầu gắn với “Đau đớn thay phận đàn bà…” thì trở thành nỗi “thiên cổ hận” ám ảnh dai dẳng! Nỗi hận chất chứa, dồn nén chỉ chực chờ nổ tung; nhưng lại phải cố nén, phải nhẫn nhịn! Mà buộc phải nhẫn nhịn là bởi… bất lực! Cái thời gian phải chịu đựng sự dồn nén ấy quả là khủng khiếp!
Dẫn thơ cụ Nguyễn để khẳng định rằng, cái “tháng năm” trong bài thơ này đích thị là “thời gian” chứ không thể là “tháng 5” (một tháng có 31 ngày) được.
Thi sĩ nói đến sự thất thường trong cảm nhận về thời gian (tháng năm vơi, tháng năm đầy) để kết luận về sự vô nghĩa của nó:
tháng năm trống rỗng nhường này… tháng năm!
Một khi thời gian (tác nhân tạo dựng niềm hi vọng) đã vô nghĩa thì, hiển nhiên, sự tồn tại của con người cũng vô nghĩa! Phải thế chăng?!
*
Hà Nội, 25.02.2017
HOÀNG DÂN
Địa chỉ: Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội.
Email: haixuanxh@gmail.com
.







……………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email: haixuanxh@gmail.com gửi ngày 22.05.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét