ĐI TÌM VẺ ĐẸP TRONG 'TIỀM THỨC' - Tác giả: Trần Thanh Phương (Bình Định)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Nguyễn Văn Cương)
ĐI TÌM VẺ ĐẸP TRONG TIỀM THỨC
*
                               TIỀM THỨC

                        Áo bệt vào thân
                        thân bệt vào cỏ
                        khẩu AK đặt dọc bên mình

                        Anh đã bị kéo qua hàng chục ki lô mét đường
                        máu đã chảy đến giọt cuối cùng
                        cho tới khi bắt gặp trời xanh

                        Bị dẫn đi vòng quanh xác anh
                                  bọn trẻ chưa qua tiểu học chúng tôi
                                  không hiểu vì sao phải đi coi một người cộng sản bị bắn chết
                        không hiểu vì sao bay qua chỗ anh nằm
                                  chỉ toàn mây trắng

                       Chúng tôi nào hay mình và những đám mây kia
                                 đang cùng tiễn biệt
                       gương mặt một con người làm nên tương lai
     
                       Rất nhiều năm sau rất nhiều nét mặt
                       nhắc tôi nhớ gương mặt anh
                       nhưng không ai giống anh

                      Biết tìm đâu
                      vẻ thanh thản trong suốt ấy

                      khi người ta không nói về tương lai theo cách của anh
                      giữa thời buổi béo bở những hợp đồng
                                                                        những pha rửa tiền ngoạn mục

                      Vẻ thanh thản trong suốt ấy
                      ở đâu?

                      Bầu trời thao thức
*
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG
(Rút trong tập thơ Trong tĩnh lặng,
NXB Hội Nhà văn, 2005, trang 23-25)
LỜI BÌNH:
Bài thơ có kết cấu hai phần. Phần thứ nhất kể lại một câu chuyện trong
(Tác giả Trần Thanh Phương)
quá khứ mấy chục năm về trước, lúc tác giả hãy còn là một cô bé con đang học tiểu học. Bút pháp đặc tả làm cho những hình ảnh hiện lên rõ mồn một như ống kính máy quay ghi hình cận cảnh. "Áo bệt vào thân/ thân bệt vào cỏ/ khẩu AK đặt dọc bên mình". Đó là xác một chiến sĩ cách mạng - 
một người cộng sản theo cách gọi chung của phía chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ: “Anh đã bị kéo qua hàng chục ki lô mét đường/ máu đã chảy đến giọt cuối cùng/ cho tới khi bắt gặp trời xanh”. Người chiến sĩ bị thương rất nặng, nhưng còn bị bọn lính cột vào xe tải kéo qua khắp hang cùng ngõ hẻm để uy hiếp tinh thần dân chúng - Một hành động hết sức dã man tưởng chỉ có thể có ở thời phong kiến trung cổ. Cho đến  khi biết chắc người chiến sĩ đã chết hẳn, bọn chúng mới dừng lại, tháo dây, đặt cái xác nằm ngửa trên bãi cỏ trước cổng trường tiểu học. Do không có ai vuốt mắt nên hai mắt người chết vẫn mở trừng trừng nhìn thẳng vào trời xanh - Hình ảnh này gợi nhớ mấy câu thơ nói về người chiến sĩ giải phóng quân hy sinh lúc tuổi đời còn rất trẻ của Thanh Thảo: “Có những thằng con trai 18 tuổi/ Chưa từng biết nụ hôn người con gái/ Chưa biết những lo toan phức tạp ở đời/ Câu nói đượm nhiều hơi sách vở/ Khi nằm xuống/ Trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời” (Thử nói về hạnh phúc). Cả hai khổ thơ đều giàu tính tạo hình. Những câu thơ tiếp theo giúp ta hiểu được bọn lính đặt xác người chiến sĩ cách mạng lại đó để làm gì: “Bị đẫn đi vòng quanh xác anh/ bọn trẻ chưa qua tiểu học chúng tôi/ không hiểu vì sao phải đi coi một người cộng sản bị bắn chết”. Đúng là tâm hồn trong trắng trẻ thơ không thể nào hiểu được việc làm của người lớn. Nhưng chính nhờ sự trắng trong nhạy cảm mà các em thấy được dù không thể cắt nghĩa: “không hiểu vì sao bay qua chỗ anh nằm/ chỉ toàn mây trắng”. Câu thơ gợi ra một ngày đẹp trời, trên trời nhiều mây trắng bay và màu áo trắng học trò soi chiếu hòa quyện vào nhau đi vòng quanh cái xác: “Chúng tôi nào hay mình và những đóa mây kia/ đang cùng tiễn biệt/ gương mặt một con người làm nên tương lai”. Câu thơ cuối cùng làm ta nhớ đến ý thơ của Dương Hương Ly khi viết về sự hy sinh cao cả của người vợ yêu quý của chính thi sĩ: “Và anh biết khi bất thần trúng đạn/ Em đã ra đi với mắt cười thanh thản/ Bởi biết mình có mặt ở tương lai” (Bài thơ về hạnh phúc).
Phần thứ hai của bài thơ là những chiêm nghiệm về một vẻ đẹp bị mất tích:
                                    Rất nhiều năm sau rất nhiều nét mặt
                                    nhắc tôi nhớ tới gương mặt anh
                                    nhưng không ai giống anh
                                    biết tìm đâu
                                    vẻ thanh thản trong suốt ấy
Vẻ đẹp ấy đã không còn hiện hữu khi đất nước được vận hành theo cơ chế thị trường…, lòng người đổi thay, lối sống thực dụng dường như đã che lấp tất cả: “Khi người ta không nói về tương lai theo cách của anh/ giữa thời buổi béo bở những hợp đồng những pha rửa tiền ngoạn mục/ Vẻ thanh thản trong suốt ấy/ ở đâu?”. Một câu hỏi neo giữa trời xanh, neo giữa tâm hồn người ngụ ý nhắc nhở: vừa như cảnh tỉnh lại vừa như thảng thốt xót xa! Khổ thơ cuối cùng chỉ vỏn vẹn có bốn chữ “Bầu trời thao thức” kết lại bài thơ mà lại mở ra biết bao nỗi niềm, biết bao suy nghĩ về những nỗi bể dâu suy biến. Về nghệ thuật: Bài thơ được làm theo thể thơ tự do không vần, có sự biến hóa trong kết cấu, trong cách phân chia khổ thơ, câu thơ dồn nén, kiệm lời, đạt sự hàm súc. Thủ pháp láy lại nguyên câu (Vẻ thanh thản trong suốt ấy) và láy ý (Biết tìm đâu/ ở đâu) làm cho câu thơ có sức nặng như xoáy vào lòng người đọc…Tất cả điều đó đã làm cho bài thơ chuyển hẳn sang loại thơ “Trữ tình điệu nói” hiện đại (Thuật ngữ của GS.Trần Đình Sử dùng để phân biệt với loại thơ “Trữ tình điệu ngâm” truyền thống).
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây thì vẫn chưa thấy hết ý nghĩa của hình tượng thơ. Cô bé con Trần Thị Huyền Trang và lũ bạn học của cô bị bắt buộc “phải đi coi một người cộng sản bị bắn chết”. Mục đích uy hiếp tinh thần (bằng cái chết của người chiến sĩ cách mạng) của bọn lính đã thất bại  khi nó không gợi lên nỗi sợ hãi khiếp đảm ở lũ trẻ. Ngược lại, chính gương mặt “thanh thản trong suốt” của người chết đã “thôi miên” chúng và đọng lại trong tâm hồn trong trắng non tơ của cô bé Trang một vẻ đẹp hiện hữu có thật. Hình ảnh ấy như ánh chớp choáng ngợp, như một phát hiện kỳ diệu hằn sâu trong tâm trí cô bé đến nỗi suốt đời cô không sao quên được. Và suốt đời cô cứ âm thầm khắc khoải đi tìm những gương mặt giống như thế nhưng không bao giờ tìm được trong cuộc sống đời thường hôm nay: “Biết tìm đâu/ vẻ thanh thản trong suốt ấy”; “Vẻ thanh thản trong suốt ấy/ ở đâu?”. Câu hỏi vọng vào trời xanh nhưng không có câu trả lời! Vẻ đẹp một thời của biết bao những hy sinh cao cả, sẵn sàng xả thân cho nước non dân tộc trường tồn giờ đã không còn lại dấu vết nào trong những người đang sống hôm nay hay sao? Câu hỏi ấy làm cho cả bầu trời và lòng người cứ thao thức không yên. Có lẽ vẻ đẹp ấy đã lặn vào trong tiềm thức chăng? Nhưng tiềm thức là gì? Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê  Chủ biên)  cho biết tiềm thức là “hoạt động tâm lý của con người mà bản thân người ấy không ý thức được” (Nxb Đà Nẵng, 2001, trang 982). Còn theo Từ điển triết học (Matxcơva, 1986) tiềm thức là “những quá trình tâm lý tích cực không tham gia trực tiếp vào mối quan hệ chủ thể và hiện thực” (Dẫn theo Lê Lưu Oanh: Thơ trữ tình Việt Nam 1975-1990, Nxb ĐHQG Hà Nội, 1998, trang 132). Như vậy tức là tiềm thức thuộc trong cõi vô thức, là phần “sâu” hơn trong thế giới tinh thần của con người. Nó chỉ bất chợt hiện ra khi thôi miên, say rượu hay những lúc ngủ mơ mà thôi. Chả lẽ những vẻ đẹp cao cả kết tinh giá trị văn hóa tinh thần một thời giờ đã lùi sâu vào trong tiềm thức? Cũng giống như bóng đá: Hơn nửa thế kỷ trước chúng ta đã từng nhận huy chương vàng, lên ngôi vô địch đấu trường khu vực. Đó là sự thật. Còn từ bấy đến giờ kỷ lục ấy đã lùi vào tiềm thức, chỉ còn hiện ra trong những giấc mơ?
Nói tóm lại, bài thơ Tiềm thức của Trần Thị Huyền Trang là một nỗi niềm hoài niệm cái đẹp về một thời chưa xa của dân tộc. Nó chủ yếu vẫn nằm trong khuôn khổ của loại thơ hiện thực - thế sự chứ chưa chuyển hẳn sang loại thơ “đột hiện” từ trong cõi vô thức. Cả hai phần (hiển ngôn và hàm ngôn) thống nhất với nhau theo mạch trữ tình - suy nghiệm đạt tới sự đa nghĩa giàu sức gợi.
*
TRẦN THANH PHƯƠNG
Giảng viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Quy Nhơn
Địa chỉ: 170 An Dương Vương, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Email: rolanphuongnd@gmail.com
.





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 02.06.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét