SỰ HÌNH THÀNH GIA GIÁO - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
SỰ HÌNH THÀNH GIA GIÁO
*
Gia giáo là một vấn đề hình thành từ rất sớm trong các mối quan hệ gia đình thời cổ đại. Tuy nhiên thuật ngữ "gia giáo" lại xuất hiện khá muộn trong tiếng Hán. Sách "Sử ký", phần "Thân công liệt truyện" có đoạn ghi là: "Thân công sỉ chi, quy Lỗ, thoái cư gia giáo, chung thân bất xuất môn, phụ tạ tuyệt tân khách". Tạm dịch là: Thân Công môn tự thấy hổ thẹn bèn trở về nước Lỗ, ở nhà dạy học đóng cửa không ra ngoài, không tiếp khách. Như vậy thuật ngữ "gia giáo" xuất hiện lần đầu tiên với tư cách hiểu là dạy học ở nhà. Sau đó mấy trăm năm, vào thời Đường người ta lưu truyền rộng rãi một cuốn sách có tên là "Thái Công gia giáo" với nội dung là các phương pháp dạy dỗ cho con cháu các phép tắc trong gia đình. Đến lúc này thuật ngữ "gia giáo" mới được dùng với nghĩa như ngày nay. Tuy nhiên, trước khi có thuật ngữ '"gia giáo", người ta đã có một số cách nói khác như gia huấn, gia giới...và thuật ngữ "gia giáo" ra đời đã thâu tóm được vấn đề nên từ đó trở đi được dùng phổ biến để chỉ việc giáo dục con cái trong gia đình. Theo các nhà nghiên cứu thì sự hình thành và phát triển gia giáo có ảnh hưởng đến sự hình hành của nền giáo dục cộng đồng và giữa hai loại hình giáo dục này có một mối quan hệ mật thiết.
Nhiều nhà khoa học đã đưa ra quan điểm rằng gia giáo chỉ xuất hiện ở một trình độ tiến hoá nhất định của con người. Họ cho rằng gia giáo nói riêng và giáo dục nói chung có thể được hình thành từ trong sản xuất và sinh hoạt. Trong cuộc sống sinh hoạt, con người luôn có nhu cầu truyền lại cho cá thế hệ sau những kinh nghiệm quý báu. Đây gần như là một kỹ năng phát triển của loài người trong sự so sánh với các loài động vật. Sự truyền thụ kinh nghiệm này bắt đầu từ trong các thị tộc bộ lạc và giữa ông bà, cha mẹ cho con cháu. Sự giáo dục này là khởi nguồn của gia giáo. Theo các truyền thuyết cổ Trung Hoa thì từ thời nguyên thủy họ Toại Nhân đã dạy con người lấy lửa nấu chín thức ăn, Thần Nông dạy dân cày cấy; Hữu Sào dạy dân làm nhà.... Tất cả những hoạt động đó về bản chất là việc truyền thụ các kỹ năng mưu sinh để loài người tồn tại và phát triển, còn xét về mặt hành động thì đây rõ ràng là một hình thức giáo dục cộng đồng. Dĩ nhiên trong thời đại công xã nguyên thủy, cộng đồng là một gia đình lớn với rất nhiều thế hệ. Vì vậy việc giáo dục cộng đồng thời bấy giờ cũng có thể coi là một hình thức của gia giáo. Trong thị tộc, những người già, những người có kinh nghiệm là những thầy giáo có trách nhiệm truyền thụ kiến thức lại cho các thế hệ trẻ.
Cùng với sự phát triển của xã hội, chế độ mẫu hệ đã dần dần chấm dứt vai trò và xã hội quần hôn cũng đã được thay thế bằng chế độ hôn nhân hẹp (tức là một vợ một chồng hoặc một chồng nhiều vợ) với vai trò làm chủ của những người đàn ông. Từ đây bắt đầu hình thành giai đoạn phụ hệ, nam quyền. Lúc này người cha lại nắm quyền lãnh đạo gia đình, bảo ban con cái và cũng vào thời điểm này thuật ngữ gia giáo mới mang đúng ý nghĩa cơ bản của nó. Trong "Tam tự kinh" có viết: "Dưỡng bất giáo phụ chi quá", tạm dịch là: nuôi con mà không dạy dỗ, đó là lỗi của người cha. Câu này đã khẳng định vai trò của người cha trong việc giáo dục con cái. Không những chỉ có người cha mà trong gia đình vai trò của người lớn tuổi (cả cha lẫn mẹ) cũng đều quan trọng. Trong sách Mạnh Tử, phần Đằng Văn công thượng có viết một đoạn với ý là: lo cho con cái ăn no mặc ấm mà không dạy dỗ chúng thì khác gì cầm thú. Quả thực, nếu cha mẹ chỉ biết lo cho con đủ no đủ ấm mà không dạy cho chúng biết những điều hay lẽ phải, những cách ứng xử tốt đẹp thì chúng chẳng khác gì việc nuôi con của loài hổ báo...
Theo dòng phát triển của xã hội, chữ viết cũng dần dần được hình thành đi từ đơn giản đến phức tạp. Và trong các văn tự cổ có một số từ có thể cung cấp cho chúng ta nhưng thông tin về gia giáo. Ví dụ từ "dục" (nuôi) trong cách viết chữ Hán được ghép lại bởi từ "mỗi" và "lưu" với nghĩa gốc là sinh đẻ và nuôi nấng. Còn từ "giáo" được "Thuyết văn giải tự" chú thích là: người trên làm, người dưới học theo. Chữ giáo được kết hợp bởi từ "Phốc" và từ "hiến" Phốc có nghĩa là roi còn "hiến" là để chỉ đứa con, vì thế chữ giáo được hiểu là đứa con phải chịu sự giáo huấn nghiêm khắc của các bậc bề trên (có khi bằng roi vọt). Còn đối với chữ "Phụ" (cha) thì "Thuyết văn giải tự" giải thích (tạm dịch) là: khuôn phép, bậc gia trưởng trong coi việc dạy dỗ. Từ "phục" bao gồm chữ "thực" và chữ "tượng": thực là từ chỉ cánh tay còn tượng có nghĩa là cây gậy. Tay cầm cây gậy có thể hiểu là người cha tiến hành dạy dỗ con cái. Như vậy, giữa từ "giáo" và từ "phụ" trong nghĩa gốc đều có sự tương đồng với ý nghĩa là dạy dỗ con cái theo khuôn phép. Chúng ta đều biết chữ Hán vốn là chữ tượng hình, vì vậy những từ như "Phụ", "giáo" "dục" đều thể hiện được ý nghĩa qua mặt chữ. Cả ba từ này đều có quan hệ chặt chẽ với khái niệm gia giáo. Trong sách Bạch Hổ Thông, Tam cương lục kỷ cũng đã có một đoạn với đại ý: Thế nào là cha con? Cha là khuôn phép, dùng pháp độ để dạy con. Kết hợp với những điều trên, có thể thấy rằng bản thân chữ "Phụ" đã nói rõ quyền uy của người cha trong việc giáo dục con cái. Nếu so sánh trong từ Hán, chữ "Mẫu" (Mẹ) được viết để biểu thị mối quan hệ huyết thống thì chữ "Phụ" lại thể hiện ở quyền tôn nghiêm.
Chế độ phụ hệ hình thành, quan hệ giữa cha và con được xác lập. Người cha có quyền dạy bảo con cái kể cả việc dùng lời lẽ lẫn vũ lực. Đây cũng có thể được coi là tiêu chí thể hiện phụ quyền. Chúng ta đều biết rằng trong xã hội ngày xưa quyền lực của người cha rất lớn, và những người cha đôi khi đã dùng những hình phạt tàn khốc để dạy dỗ con cái. Đó cũng là đặc trưng buổi ban đầu của gia giáo. Vào thời gian đầu người cha có thể buộc đứa con phải chết mỗi khi đứa con bị tội. Sách Sử ký, phần Lý Tư Liệt truyện đã kể rằng: Phù Tô - con trai Tần Thủy Hoàng đã nói: Cha bảo con chết, con vẫn phải vâng lời. Và tư tưởng về gia giáo nghiêm khắc này vẫn còn tồn tại đến các đời sau. Chúng ta chắc cũng đã từng biết đến câu: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử, tử bất vong bất hiếu" có nghĩa là: vua bảo bề tôi chết mà bề tôi không chết thì không phải là trung. Cha bảo con chết mà con không chết thì là con bất hiếu. Như vậy, có thể thấy rằng từ những buổi ban đầu xác lập chế độ phụ quyền, trong các gia đình đã hình thành gia giáo. Mặc dù thứ gia giáo đó còn rất cứng nhắc và nghiêm khắc song về bản chất nó là nguồn gốc của gia giáo sau này.
Gia giáo nói riêng và giáo dục nói chung đã hình thành và ngày càng chứng minh vai trò của nó trong xã hội. Ngay từ thời Thương- Chu người ta đã tổ chức nuôi dưỡng những người già cả, những người có kinh nghiệm để họ dạy dỗ thanh niên. Như vậy vấn đề giáo dục đã được nhà nước thừa nhận. Mặc dù vào thời đó sự giáo dục chỉ tiến hành ở phạm vi hẹp tức là chỉ có con em tầng lớp quý tộc, quan lại mới được học nhưng cũng đã thể hiện được mối quan tâm của chính quyền. Song thời đại nhà Chu với hình thức thống trị bằng gia tộc (những người họ hàng được phân đất để cai quản) thì vấn đề gia giáo cũng được coi trọng. Lúc này nội dung chủ yếu của gia giáo là các ông quan trong dạy dỗ cho con mình từ tưởng kế thừa quan tước và dạy cho con cách làm quan. Trong giai cấp quý tộc lúc bấy giờ người ta cử hẳn cả những người chuyên trách để dạy dỗ con em của họ. Những người như vậy có thể vừa đảm trách việc thực thi gia giáo vừa đảm nhiệm chức vụ là các vị quan trong triều. Ví dụ: các chức quan như Thái phó, Thái sư, Thái bảo, Thiếu phó, Thiếu sư, Thiếu bảo... là những chức quan gồm cả việc làm quan lẫn việc dạy học cho các vương tôn, công tử. Ngoài các chức quan nam giới ra, trong giai cấp quý tộc người ta thường nuôi những người phụ nữ với tên gọi như bảo mẫu, phó mẫu để phụ trách việc trông coi các công việc hàng ngày và dạy dỗ cho các công tư, tiểu thư những phép tắc sinh hoạt hàng ngày. Và đối với những phụ nữ làm công việc này đòi hỏi phải có các phẩm chất như: rộng rãi, dịu dàng, cung kính, cẩn thận...... Như vậy có thể thấy rằng việc giáo dục cho con cái rất được các gia đình quý tộc quan tâm và giới quý tộc đã làm đủ mọi cách để con cái họ trưởng thành khôn lớn. Nhiều cuốn sách đã được viết ra với không ít nội dung nói về gia giáo. Đặc biệt là những sách viết về sau ngoài việc miêu tả gia giáo trong giai tầng quý tộc còn có một mảng rất lớn nói về ảnh hưởng tính tích cực của gia giáo đã vượt khỏi giới hạn giai cấp và đã trở thành một tài sản chung của toàn xã hội. Cũng từ đó gia giáo mới có điều kiện để thể hiện hết những ưu việt của nó.
Trong các sách đó, bộ sách "Thượng thư" là những ghi chép lịch sử lớn nhất trong xã hội Trung Hoa. Nội dung của nó bao gồm những lời diễn giải, những mệnh lệnh, những tuyên cáo của giai cấp thống trị các triều đại Hạ, Thượng, Chu. Nhiều bài trong cuốn sách này có thể coi như là những lời gia giáo rất hay, trong số đó có những lời răn bảo của Chu Công. Những lời răn của Chu Công bao giờ cũng thể hiện được quan điểm: lấy đức để cai trị, xử án phải nghiêm minh, phải thương dân như con. Chu Công còn đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các quan lại và giai cấp quý tộc trong việc giáo dục con em họ cũng như trách nhiệm của những đứa con đối với lời gia huấn của cha anh mình. Trong cuốn Thượng thư có đoạn viết, tạm dịch là: Những người con mà không tuân thủ những việc cha mình yêu cầu thì sẽ làm cho cha đau lòng. Như thế thì người cha không thể yêu thương chúng mà ngược lại còn nảy sinh ý định ghét bỏ. Kẻ làm em không tuân đạo trời, không nghe lệnh của bậc huynh trưởng thì người anh cũng sẽ không còn thương yêu em nữa.. Người ta không có hiếu, không cung kính cũng đều là do những người cầm quyền chúng ta đắc tội với trời nên không thể giáo hoá được cho dân. Vì thế chúng ta (chỉ giai cấp thống trị) phải tuân theo phép tắc của Văn Vương (vua sáng lập nhà Chu) để cai trị dân chúng. Đối với những kẻ không tuân theo giáo hoá thì phải nghiêm khắc trừng trị.
Trong cuốn "Thượng thư", Chu Công còn khuyên những người quý tộc phải nghe lời di huấn của tổ tiên để làm gương cho con cháu. Cũng ở cuốn sách này có một chương tên là Cố mệnh được coi như là những lời dạy bảo cổ xưa nhất trong việc giáo dục con cái. Trong chương này các nhà viết sách đã ghi lại những lời nói của Chu Thành Vương dạy bảo Chu Khang Vương và các quần thần. Nội dung của các lời giáo huấn này là dạy bảo mọi người phải nói theo truyền thống tốt đẹp của tổ tiên (Chu Văn Vương, Chu Võ Vương) để trị nước an dân...
Bên cạnh cuốn "Thượng thư", trong các sách cổ Trung Hoa còn có cuốn Kinh Thi cũng nổi tiếng không kém. Kinh Thi là tuyển tập thơ ca ghi chép lại những sinh hoạt của xã hội Trung Quốc từ thời Tây Chu đến thời Xuân Thu, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến gia giáo. Trong thiên Đại Nhã, "Ức" là một bài thơ diễn tả lại cảnh một người cha già dặn dò đứa con đã có gia đình của ông những lời ân cần tha thiết. Tạm dịch đoạn đó như sau: Ta nói nhỏ với con chuyện hay dở tốt xấu con chưa biết rõ. Vì vậy không những phải nắm tay con dắt đi mà còn phải nhọc lòng nói cho con nghe, không những trực tiếp chỉ dạy con mà còn phải ghé tai con để cho con nhớ rõ. Nếu cha nói mà con chưa hiểu thì con cũng đã có con nhỏ để bế rồi. Mọi người không sớm biết việc sự nghiệp cũng khó thành.
Đối với việc giáo dục trẻ em, người xưa cũng đã có mối quan tâm đặc biệt. Kinh Thi, chương Tiểu Nhã, bài thơ Tư Can đã cho chúng ta biết giáo dục trẻ em từ khi chúng còn nhỏ. Sách viết (tạm dịch) như sau: Nếu sinh con trai thì cho ngủ trên giường, cho mặc quần áo đẹp, cho chơi đồ chơi tốt. Bé trai có tiếng khóc vang vang thì lớn lên sẽ có sự nghiệp huy hoàng, là việc quân vương sáng ngời. Nếu sinh con gái thì cho ngủ dưới đất, quấn tã lót, chơi đồ chơi xấu, lớn lên sẽ biết học phép tắc lễ nghi giúp việc cơm nước trong nhà khiến cha mẹ an lòng... Rõ ràng bài thơ còn thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ quá nặng song vẫn toát lên được sự quan tâm của người xưa trong việc giáo dục con cái, đặc biệt là đối với nam hoặc nữ giới người ta đã biết áp dụng các phương pháp dạy dỗ khác nhau.
Việc dạy bảo con cái những điều hay lẽ phải được người xưa rất quan tâm, ngay cả những cô gái sắp lấy chồng cũng được dặn dò chu đáo. Sách Nghi Lễ, Sĩ hôn lễ có ghi lại một phong tục cổ xưa về hôn lễ, ở đó có cả những lời nói thể hiện vai trò của gia giáo. Khi nhà trai đến đặt vấn đề thì người cha (hoặc người đàn ông đại diện) của cô gái phải nói những lời khiêm tốn đại loại như: Con gái nhỏ của chúng tôi ngu dốt lại không được dạy bảo tử tế, các ngài không chê mà lại hỏi cưới thì chúng tôi đâu dám chối từ! Và trươc khi cô gái bước lên xe hoa để về nhà chồng người cha còn dặn dò con gái: con hãy cẩn thận, phải sớm tối tuân thủ phép tắc, không được trái lời! Còn bà mẹ cũng nắm tay con dặn dò: Phải cố gắng kính cẩn, cố gắng nghe lời. Sớm tối phải chăm lo đừng bê trễ việc nhà, phải làm cho nhà chồng thấy rằng con gái nhà mình được bảo ban chu đáo! Những lời nói như thế phần nhiều cũng chỉ mang tính nghi thức xã giao nhưng qua đó người ta cũng thể hiện được truyền thống gia giáo của gia đình. Đặc biệt qua nhưng lời nói đó, chúng ta cũng thấy được nội dung gia giáo dạy con tuân theo lễ nghi phép tắc làm trọng còn người mẹ laị tập trung vào dạy con những điều thuộc về bản chất của người phụ nữ. Cũng trong truyền thống ngày xưa, việc xem xét gia cảnh của cô dâu cũng được xem trọng bởi vì xem xét gia cảnh có thể thấy được nền gia giáo mà cô gái hưởng thụ. Trong sách xưa có nói rằng có 5 điều không thể lấy cô gái làm vợ có một điều là: con gái mồ côi mẹ từ bé thì không cưới. Sở dĩ có quan niệm như vậy vì người ta cho rằng đứa con gái mà không có sự dạy dỗ bảo ban của người mẹ thì sẽ không đảm đương được trách nhiệm làm dâu. Cũng vì vậy mà chúng ta có thể liên tưởng đến câu: "lấy vợ xem tông" của người xưa để lại.
Không chỉ trong sách vở, không chỉ trong những tục lệ dân gian mà vấn đề gia giáo còn được lịch sử tái hiện lại rằng những câu chuyện có thật. ở nước Tấn thời chiến quốc có một vị Thượng Khanh là Triệu Giản Tử. Triệu Giản Tử có một cách tuyển chọn người kế tục rất độc đáo. Ông vốn có hai người con tên là Triệu Bá Ngư và Triệu Vô Tuất. Một hôm ông viết vào hai chiếc thẻ tre dòng chữ (tạm dịch) là: Tiết kiệm chi tiêu, với kẻ hiền tài chớ nhờn, với kẻ có tài chớ khinh rồi đưa cho hai đứa con và dặn họ cất kỹ. Ba năm sau ông cho gọi hai người con rồi hỏi họ về chiếc thẻ. Triệu Bá Ngư không nhớ lời cha, chiếc thẻ đã bị mất và nội dung cũng không thể nhớ được. Còn Triệu Vô Tuất thì luôn mang bên người chiếc thẻ và lại giải thích được những lời ghi trong đó. Ý của Triệu Giản Tử là muốn thử xem ai là đứa con biết nghe lời, vì vậy khi thấy hai người con như thế ông vui lòng trao lại sự nghiệp cho Triệu Vô Tuất. Sự thực đã chứng minh rằng cách lựa chọn của Triệu Giản Tử là đúng vì trong sự nghiệp của mình, công minh, luôn theo lẽ phải..... nên đã thu phục được lòng người và đưa họ theo lẽ phải Triệu trở thành một họ lớn và làm cơ sở để hình thành nước Triệu hùng mạnh về sau.
Ở nước Sở có một người tên là Thẩm Chí Lương, ông được vua Sở phong cho tước Diệp Công. Lúc sắp mất ông gọi con cháu lại rồi trăng trối rằng: đừng vì những điều lợi nhỏ mà làm hỏng việc lớn, đừng vì người đánh xe mà ghét Trang hậu, đừng vì người hầu hạ mà ghét bỏ kẻ đại phu....ý của Thẩm Chử Lương muốn dạy cho con cái là chớ nghe những lời tiểu nhân đơm đặt, chớ tham những món lợi nhỏ mà làm hỏng những việc lớn. Và xét về nghĩa rộng đây có thể là một số tiêu chuẩn của các bậc trượng phu trong sự nghiệp trị quốc, bình thiên hạ.
Người ta bảo rằng: con người sắp chết nói lời khôn ngoan. Điều này đã được Thẩm Chử Lương làm minh chứng cụ thể, và có một minh chứng khác cũng không kém phần thú vị: Tôn Thúc Ngao - Tể tướng nước Sở, người giúp Sở Trang Vương xây dựng nghiệp bá, trước khi chết đã gọi các con đến bên giường rồi nói: "Sở Vương nhiều lần phong đất cho ta nhưng ta không nhận. Sau này nhất định nhà vua sẽ phong đất cho các con. Lúc đó các con đừng nhận đất tốt mà hãy chọn lấy đất đai cằn cỗi người dân thưa thớt và tên gọi của nói cũng khó nghe. Xung quanh đó cũng có những mảnh đất tương tự như thế. Nếu Sở Vương cứ nhất quyết bắt các con nhận đất thì các con hãy nhận lấy đất ấy thì sẽ được yên ổn lâu dài". Quả nhiên mọi việc về sau đúng như dự đoán của Tôn Thúc Ngao. Các con ông nhận mảnh đất ấy và sống yên ổn ở đó nhiều thế hệ và tránh được sự nhòm ngó, thị phi của người đời. Như vậy, trước khi chết, Tôn Thúc Ngao đã biết hướng cho con những cách thức để mưu sinh. Ông cũng dạy con biết quý trọng thành quả lao động, biết xây dựng cuộc sống từ những điều kiện khó khăn. Qua đó ông giúp các con tránh được sự nhòm ngó của những kẻ lắm điều. Sự dạy bảo con tuyệt vời của gia giáo.
Giáo dục trong gia đình là một vấn đề cơ bản, nó không chỉ được thể hiện ở trong từng gia đình mà còn được phát triển lên tầm của một học thuyết. Người có công nhất trong việc phát triển và nâng cao vai trò của gia giáo là Khổng Tử - nhà giáo dục, nhà tư tưởng kiệt xuất trong lịch sử Trung Hoa. Thực tế, trong các học thuyết tư tưởng của mình, Khổng Tử không đề cập nhiều đến gia giáo nhưng có thể nói rằng việc xây dựng những đặc điểm cơ bản của gia giáo trong xã hội Trung Hoa có mối liên hệ mật thiết với những ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử và quan niệm luân lý của đạo Nho. Vì vậy mà trong xã hội ngày xưa (sau thời kỳ Khổng Tử) và cả ngày nay, người ta luôn coi gia giáo và các quan niệm luân lý Nho giáo là một thể thống nhất không thể tách rời.
Trong các sách chép về Khổng Tử người ta hay dùng từ "đình huấn" để chỉ khái niệm gia giáo. Vậy đình huấn là gì và có nguồn gốc từ đâu? Để trả lời câu hỏi này, xin hãy quay về một điển tích trong đời của Khổng Tử. Sách Luận Ngữ, phần Quý Thị có chép một câu chuyện xung quanh việc Khổng Tử dạy con. Sách viết (tạm dịch) như sau: Khổng Tử có một học trò là Trần Khanh. Một hôm Trần Khanh hỏi Khổng Lý (con của Khổng Tử) rằng: "Phu tử chỉ Khổng Tử có dạy cho anh điều gì đặc biệt không?" Khổng Lý trả lời: "Hình như là không có. Nhưng có một lần tôi đang ở trong sân thì cha tôi bước vào rồi hỏi tôi đã học Kinh Thi chưa? Tôi nói là chưa thì cha tôi nói: không học Kinh Thi thì biết lấy gì mà nói chuyện. Sau đó tôi học Kinh Thi. Một hôm tôi lại gặp cha, cha hỏi tôi rằng đã học Kinh Lễ chưa? Tôi trả lờ chưa và cha tôi nói: không học Kinh Lễ thì lấy gì mà lập thân? Sau đó tôi bắt đầu học Kinh Lễ. Cha tôi chỉ dạy tôi như vậy thôi". Nghe xong, Trần Khanh rất hài lòng bèn nói với Khổng Lý rằng: "Tôi hỏi một câu mà biết được ba điều: biết phải học Kinh Thi, biết phải học Kinh Lễ và biết rằng Phu Tử chẳng hề có ý riêng tư trong việc dạy con!". Như vậy từ tích này và qua những lời dạy đó người ta gọi việc dạy con của Khổng Tử là "đình huấn". Vì vậy khi nói về gia giáo trong tử tưởng Khổng Tử người ta hay nhắc đến từ này.
Trong vấn đề giáo dục con cái (đình huấn) Khổng Tử chú trọng cho con học Kinh Thi và Kinh Lễ. Thực ra, lúc sinh thời ông coi trò như con nên dạy con cũng như dạy học trò. Khổng Tử dạy con, dạy học trò Kinh Thi vì vậy ông biết Kinh Thi là một tác phẩm lưu truyền rộng và người ta thường vận dụng Kinh Thi trong giao tiếp với nhau. Nếu không thông hiểu Kinh Thi thì khó có thể làm được, bởi vì nếu không hiểu thì sẽ không diễn đạt được ý của mình một cách rõ ràng và cũng không thể biết được ý của người khác nói gì. Do đó mà Khổng Tử dạy con rằng: không học Kinh Thi thì biết lấy gì mà nói chuyện. Trong Kinh Thi cũng có rất nhiều phần nói về dạy dỗ con em và giáo dục mọi người trong việc xử lý quan hệ gia đình. Vì vậy nếu lĩnh hội được Kinh Thi sẽ rất có lợi cho việc tu nhân tề gia, đối nhân xử thế. Khổng Tử lại còn dạy cho con phải học Lễ. Theo tư tưởng Khổng Tử, Lễ là những quy phạm về đẳng cấp trong quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội. Khổng Tử dạy con học Lễ để giúp con co phương tiện để lập thân và thành danh trong xã hội.
Điểm lại những nét cơ bản trong cuộc đời và sự nghiệp của Khổng Tử, ta thấy rằng quan niệm dạy con học Lễ, học Thi có sự tương đồng với các nguyên tắc giáo dục của ông. Trong các sách do ông tự tay chỉnh lý cũng như các tác phẩm do học trò và người đời sau ghi chép lại, ta thấy có rất nhiều ý kiến của ông có liên quan đến gia giáo, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh đến các quan hệ trong luân lý gia đình. Sách Sử Ký, phần Phường ký viết: "Phụ mẫu tại, bất xưng lão, ngôn hiếu bất ngôn tử", tạm dịch là: Cha mẹ còn sống thì không nói cha mẹ đã già, chỉ nói hiếu mà không nói tử. Nói về quan hệ nam nữ, sách Lễ ký, phần Khúc Lễ viết: "Nam nữ bất tạp toạ", tạm dịch là: Nam nữ không được ngồi lẫn lộn. Nói về quan hệ ứng xử, sách Luận Ngữ, phần Học nhi viết (tạm dịch) là: Các đệ tử khi vào nhà phải biết hiếu thuận, ra bên ngoài phải tỏ ra cung kính, cẩn thận lời ăn tiếng nói, yêu thương mọi người. Nói về đạo làm con, sách Lễ ký phần Khúc Lễ viết tạm dịch là: Những kẻ làm con khi đi phải thưa, khi về phải trình, chơi có chừng mực, học theo đạo nghĩa. Nói về những phép tắc trong việc giao tiếp với bạn bè, sách Luận ngữ phần Quý Thị viết (tạm dịch) là: bạn tốt có ba loại, bạn xấu cũng có ba loại. Ba loại bạn tốt là: bạn thẳng thắn, bạn rộng rãi, bạn biết nhiều; ba loại bạn xấu là: bạn hẹp hòi, bạn quá mềm mỏng, bạn quai tà. Còn khi nói về cuộc đời, sách Luận ngữ phần Quý Thị viết (tạm dịch) là: Người quân tử phải cẩn thận ba điều: một là: lúc trẻ khí huyết chưa ổn định thì phải cẩn thận trong chuyện sắc dục; hai là: đến tuổi tráng niên khí huyết mạnh mẽ thì nên cẩn thận chuyện tranh giành; ba là: đến lúc về già khí huyết suy nhược thì phải cẩn thận chuyện quyền lợi....và còn có rất nhiều các câu nói khác liên quan đến vấn đề gia giáo.
Nói tóm lại, việc thực thi gia giáo của Khổng Tử có nội dung cơ bản là tu dưỡng nhân cách, rèn luyện ý chí để thành người. Tư tưởng gia giáo của Khổng Tử trở thành cơ sở cho nền gia giáo về sau. Người ta cho rằng tư tưởng gia giáo của Khổng Tử là sự tổng kết và ổn định tư tưởng giáo dục gia đình từ khi hình thành đến tận thời của ông. Tư tưởng của ông kết hợp với luân lý Nho gia thành một thể thống nhất và là cơ sở cho những nguyên tắc quan trọng nhất của nền gia giáo thời cổ. Như vậy, có thể thấy từ khi hình thành đến khi Khổng Tử tổng kết lần đầu, gia giáo Trung Hoa đã trải qua rất nhiều chặng đường với rất nhiều biểu hiện khác nhau và cũng có khá nhiều thành tựu.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 26.05.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét