(Nữ sĩ Ngân Giang ; Nguồn ảnh: internet) |
NỮ SĨ NGÂN
GIANG VỚI BÀI THƠ
"TRƯNG
NỮ VƯƠNG",
MỘT HÙNG
TÀI VĂN HỌC BỊ LÃNG QUÊN
Văn học Việt Nam qua mỗi thời kỳ đều xuất hiện
những bậc nữ sĩ kỳ tài. Những người mà tác phẩm của họ là những nét son cho nền
văn học nước nhà, trở thành kinh điển của văn chương Việt Nam. Có thể kể những
bậc nữ sĩ tài hoa như Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương...
Cuối thế kỷ 19, đầu
thế kỷ 20, sự va đập mạnh mẽ giữa hai nền văn hoá Đông - Tây đã làm bùng nổ một
thế hệ văn chương đầy tài năng. Tinh hoa của dân tộc đang thời kỳ phát tiết
mạnh mẽ nhất. Trong số những vì tinh tú đang rực sáng trên bầu trời văn học
nước nhà, có một ngôi sao nữ, đó là nữ sĩ Ngân Giang, một nữ sĩ tài hoa với áng
hùng thi nổi tiếng, gây chấn động văn đàn một thời :
TRƯNG NỮ VƯƠNG
Thù hận đôi lần chau khoé hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim Bằng vượt dặm khơi
Ngang dọc non sông đường kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bão dồn chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai
Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi
Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo thoa ngát mấy trời
Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi. *
*
Ngân Giang (1939)
Nữ sĩ Ngân Giang
tên thật là Đỗ Thị Quế. Bà sinh năm 1916, trong một gia đình danh gia vọng tộc
ở cố đô ngàn năm văn hiến. Tài năng của bà phát lộ rất sớm. Cho dù gần như suốt
cả đời bị ghen ghét, vùi dập tả tơi, bị chụp mũ “uỷ mị”, “tiêu cực”, “tiểu tư
sản”, nữ sĩ Ngân Giang cũng kịp để lại cho đời hơn 4000 bài thơ, một sự nghiệp
đồ sộ. Thơ của bà là đỉnh cao của nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, là dấu son của
nền văn học nước nhà. Trong số đó, Trưng Nữ Vương là tác phẩm nổi tiếng nhất,
đưa tên tuổi nữ sĩ Ngân Giang trở thành một trong những nhà thơ lớn nhất, tài
hoa nhất thời bấy giờ. Bà được người đương thời xưng tụng là “Nữ Hoàng Đường
Thi Việt Nam”.
(Tác giả Lang Trương) |
Bài thơ Trưng Nữ Vương được nữ sĩ Ngân Giang
viết năm 1939, khi bà còn rất trẻ - 23 tuổi. Bài thơ là gạch nối giữa cổ thể và
hiện đại với lớp vỏ ngoài là thể thơ tự do nhưng tinh hoa bên trong lại là một
bài Đường Luật biến thể.
Toàn bộ bài thơ có
20 câu chia làm 5 khổ, có bố cục, niêm luật chặt chẽ. Hai câu đầu và hai câu
cuối là Đề và Kết. 16 câu còn lại là 8 cặp đối Thực, Luận. Nữ sĩ Ngân Giang đã
sử dụng ngôn ngữ điêu luyện tài hoa đến độ rất ít người nhận ra 16 câu thơ mượt
mà ấy lại là 8 cặp đối!
Bài thơ viết về một
người phụ nữ tôn quý nhất của dân tộc Việt Nam: Trưng Vương. Bài thơ mở đầu
bằng đôi câu đề của thể thơ Đường Luật:
Thù hận đôi lần chau khoé hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Khác với người
phương Tây, xem hoa hồng là nữ chúa của muôn hoa; người phương Đông quan niệm
rằng ngôi vị ấy là của hoa hạnh. Trong Hồng
Lâu Mộng (Một trong tứ thư của nho gia xưa), giữa rừng hoa thắm sắc đa
tài nhà họ Giả, chỉ một người được ví với hoa hạnh; người mà nhan sắc, tài năng
và đức hạnh khiến cả quản gia phủ Vinh Quốc Công, “kẻ đanh đá” Phượng Thư
cũng phải kiêng nể. Người đó là Thám Xuân.
Trưng Trắc, con gái
Lạc Hầu, tiểu thư khuê các, đoá hạnh của muôn hoa. Kẻ thù vừa giết mất hôn phu
của bà: con trai Lạc Tướng Chu Diên, Thi Sách:
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi.
Đau khổ không làm
người con gái anh hùng ấy gục ngã. Bà đã kìm nén nỗi đau riêng, để rồi dồn hết
tâm sức cho một mục đích lớn hơn: quét sạch kẻ thù, giành lại giang san, xây
nền độc lập cho dân tộc.
Chỉ với câu mở đầu,
nữ sĩ Ngân Giang đã khắc hoạ hình ảnh rất kiêu hùng của một nữ anh thư, người
đã vượt lên mọi lề thói nhi nữ thường tình. Với Trưng Trắc, “Thù hận” là tình riêng, chỉ làm bà
“đôi lần chau khoé hạnh”. Nợ nước mới
là mục tiêu cao cả nhất mà người phụ nữ kiệt xuất này hướng tới.
Cặp đối đầu tiên
trong khổ thơ đầu tiên là một cặp thực _luận: Một câu Thực, một câu Luận:
Câu thực vẽ nên
hình ảnh rất đẹp về đoàn chiến binh trên lưng ngựa, rời căn cứ khởi nghĩa, dũng
mãnh lao đi trong màn sương sớm. Những hạt sương ban mai bị vó ngựa cuốn lên,
dồn lại như một tấm thảm. Đoàn chiến mã tung vó trên tấm thảm ấy, như bay lên,
lao vút về đồng bằng.
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim Bằng vượt dặm khơi
Câu luận sự vận
dụng điển tích thường thấy trong thơ Đường. Trưng Trắc, thủ lĩnh của cuộc khởi
nghĩa, đoá hoa Hạnh ngày nào bỗng chốc vươn mình trút bỏ vẻ yểu điệu thục nữ,
hoá thành cánh chim Bằng, loài chim của huyền thoại, chúa tể của bầu trời. Cánh
chim Bằng mang hình hài con gái đã gánh cả sơn hà trên lưng, “Gạt gió” lao vút đi, không gì cản
nổi. Cánh chim Bằng ấy còn mang trong mình một “bóng sao rơi”, hôn phu của bà, linh hồn cuộc khởi nghĩa, Lạc Tướng
Thi Sách.
Người xưa thường ví
những bậc chính nhân quân tử, tài cao, chí lớn với chim hồng, chim hộc, loài
chim bay cao và bay xa. Chỉ những ai có chân mạng thiên tử, một mình có thể
xoay chuyển cả Càn Khôn mới được ví với chim Bằng. Trưng Trắc là một người như
vậy.
Khổ thơ thứ hai nêu
bật sự nghiệp anh hùng, hiển hách của Trưng Vương. Bà giành lấy giang san từ tay
kẻ thù, qua những trận chiến:
Ngang dọc non sông đường kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai.
Trong lịch sử quân
sự thế giới, có lẽ chưa từng có một đạo quân nào mà thủ lĩnh của họ, các tướng
lĩnh chỉ huy đều là nữ giới. Dưới trướng Trưng Vương, những chiến tướng oai
hùng nhất, tài ba nhất, khiến quân thù khiếp sợ, đều là phụ nữ. Hàng chục nữ
tướng anh hùng xông pha giữa hòn tên mũi đạn, khiến quân thù vừa trông thấy hiệu
cờ đã khiếp vía vỡ tan. Đó là các nữ tướng Phật Nguyệt, Lệ Chân, Thánh Thiên,
Bát Nàn công chúa... Chỉ trong một tháng, Trưng Vương san phẳng 65 thành trì, 9
quận, thu hồi lãnh thổ cha ông, nước Văn Lang của Quốc Tổ Hùng Vương thuở
trước, đến tận Động Đình Hồ, bờ nam sông Dương Tử. Trưng Vương là vị anh hùng
dân tộc duy nhất làm được điều này. Góp phần làm nên chiến công oanh liệt đó là
các nữ tướng dưới quyền bà.
Nữ sĩ Ngân Giang
rất tài hoa khi viết một cặp Luận rất hay, về các nữ tướng thời Trưng Vương:
Bốn phương gió bão dồn chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai.
Những “đoá hoa mai” anh hùng mang dòng máu Lạc
Việt, trên lưng chiến mã, băng băng trong “gió
bão”, “mưa ngàn”, tung hoành trên
chiến địa. Có bao giờ văn học nước nhà xây dựng được một hình ảnh đẹp mà kiêu
hùng đến thế chưa?
Khổ thơ thứ ba là
lời tâm tình của vị Nữ Vương với vị hôn phu. Bà đã trả xong mối “thù vạn cổ”, mối thù truyền kiếp của dân
tộc, không phải mối thù của riêng mình. Nhưng cũng rất đau xót, trên ngôi cao
chín bệ, Trưng Vương không có người kế vị:
Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai.
Chỉ những người phụ
nữ mới có những cảm nhận rất tinh tế ấy. Nữ sĩ Ngân Giang là một phụ nữ. Tận
trong sâu thắm trái tim nhạy cảm của mình, Bà biết vị Nữ Vương dũng mãnh, đầy
quyền uy, trước chỉ “đôi lần chau khoé
hạnh”; giờ đây đang lặng lẽ khóc đêm đêm:
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.
Những giọt “lệ nến” chảy dài trong đêm ấy không làm
Nữ Vương yếu đuối. Là người đứng đầu quốc gia, nắm giữ vận mệnh dân tộc, Trưng
Vương giấu đi nỗi đau của riêng mình, thống lãnh ba quân, sẵn sàng cho những
cuộc chiến sắp tới, còn khốc liệt hơn:
Lạc Tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Và "thù hận" trong lòng vị Nữ Vương đã
bị kìm nén bấy lâu, giờ là lúc lên tiếng:
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo thoa ngát mấy trời.
Khổ thơ thứ năm,
khổ thơ cuối cùng bắt đầu bằng cặp đối, một câu Thực, một câu Luận, giống khổ
thơ đầu tiên:
Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Trưng Vương đã
thống lãnh một đạo quân vô cùng thiện chiến và thần tốc. Chỉ hơn một tháng, Bà
quét sạch quân thù, thu hồi 65 thành, 9 quận. Tiếng trống đồng vang lên là kẻ
thù kinh tâm tán đởm; tiếng vó ngựa vọng về đủ khiến quân giặc vỡ mật, nát gan.
Cái uy dũng của Trưng Vương đã ám ảnh kẻ thù phương Bắc và dường như in đậm nét
trên vị anh thư khác: Bà Triệu Thị Trinh. Hai trăm năm sau, quân Ngô đã phải
kinh hoàng khi đương đầu với Bà Triệu. Chúng rụng rời khiếp sợ đến
nỗi thốt lên:
Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Bà Vương nan.
(Vung giáo chống hổ
dễ
Đối diện vua bà
khó)
Đạo quân của Trưng
Vương vừa trả nợ nước, vừa trả thù nhà. Đạo quân này dùng cờ tang làm hiệu
lệnh. Thủ lĩnh của họ là một phụ nữ, mặc giáp vàng quấn khăn tang, cưỡi đầu voi
xông trận. Không có hình ảnh nào uy nghi mà lẫm liệt hơn thế. Tấm khăn tang
mang hơi lạnh từ trong cõi lòng người goá phụ lan sang, buốt lạnh đầu thớt voi
chiến. Không là phụ nữ, sẽ không thấu hiểu nỗi lòng goá phụ Trưng Vương.
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.
Câu thơ như cứa vào
tim người đọc. Phía sau bóng dáng can trường, lẫm liệt của một đấng quân vương,
là một người con gái, tuổi xuân phơi phới, chưa kịp nghinh hôn đã trở thành goá
phụ, chưa vu quy và cũng chưa mãn tang chồng!
Cặp câu kết mới là
đỉnh cao của nghệ thuật và tư tưởng. Không là phụ nữ, cho dù văn tài như đại
thi hào Nguyễn Du cũng không viết được như nữ sĩ Ngân Giang:
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi.
Có đến hàng trăm
nhà thơ viết về sự nghiệp anh hùng vũ dũng của Trưng Nữ Vương; nhưng chưa một
ai Nhìn bà dưới hình hài một goá phụ trẻ tuổi như nữ sĩ Ngân Giang. Chỉ những
người phụ nữ mới cảm nhận được nối cô đơn, đau khổ thầm kín của người đồng giới
với mình. Câu thơ lay động tâm can người đọc. Dưới này, giữa điện ngọc huy
hoàng, Trưng Vương một “bóng lẻ loi”;
trên cao kia, Hằng Nga đơn côi ngự giữa ngôi trời. Sự cô đơn bao trùm vũ trụ.
Từ “chếch” gợi lên một cảm giác
chông chênh, hụt hẫng. Một từ rất khó dùng và nữ sĩ Ngân Giang đã dùng rất đắt.
Bài thơ Trưng Nữ
Vương của nữ sĩ Ngân Giang gắn liền với một giai thoại văn học rất đặc biệt. Đó
là vào năm 1969 khi mà tác giả áng hùng thi nổi tiếng đang bị hắt hủi, vùi dập
ở miền bắc, ngày ngày phải ra bờ sông Hồng quét lá khô đổi gạo nuôi đàn con thơ
dại; thì ở miền nam, giữa giảng đường Đại Học Văn Khoa, nhà giáo, nhà thơ Đông
Hồ sang sảng ngâm vang Trưng Nữ Vương,
giảng dạy cho các sinh viên yêu văn học. Đến câu kết, nỗi xúc động trào dâng,
trái tim nhạy cảm của nhà thơ Đông Hồ không chịu nổi khiến ông bật ngã giữa
giảng đường, qua đời ngay sau đó. Ngày 25/03/1969 đã ghi dấu một giai thoại
đẹp, rất bi hùng giữa các thi nhân Việt Nam, là dấu ấn khôn phai trong lòng
người yêu văn học nước nhà.
Bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang
là một tuyệt phẩm văn học, xứng đáng có mặt trong giáo khoa văn. Nếu chọn một
nhà thơ nữ, sau các nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương,
thì người thứ tư xứng đáng góp mặt trong giáo khoa phải là nữ sĩ Ngân Giang.
Xét về nữ tính, Sóng của Xuân
Quỳnh chỉ như một cô bé con lần đầu nghịch thỏi son môi của mẹ; trong khi Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang
đã là một tiểu thư khuê các, lộng lẫy và kiêu sa. Có lẽ người ta chọn Xuân
Quỳnh vì những lý do ngoài văn học.
Nhân ngày Phụ Nữ
Việt Nam 20 tháng 10, tôi viết bài này như một nén tâm nhang kính cẩn dâng lên
hai người phụ nữ tôn quý: Một vị anh hùng dân tộc: Trưng Nữ Vương và một
bậc nữ sĩ tài hoa của văn học thời hiện đại: nữ sĩ Ngân Giang.
Từ trên tiên giới
xa xôi ấy, nữ sĩ Ngân Giang chắc sẽ vui khi biết rằng hậu thế vẫn không quên
bà, vẫn luôn nhớ đến bà, bậc nữ sĩ tài hoa với lòng ngưỡng mộ và kính trọng.
*.
Một ngày
cuối thu, 20/10/2017
LANG TRƯƠNG
Địa chỉ: 931 Nguyễn Lương Bằng, Liên Chiểu,
thành phố Đà Nẵng
Email: truongmanh16752@gmail.com
Điện thoại: 098.907.73.61
……………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn gửi ngày 29.10.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét