ĐỌC “NHỚ HÀ NỘI” Thơ Mạnh Trương - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

Leave a Comment
(Nhà Hát Lớn Hà Nội ; Nguồn ảnh: internet)
ĐỌCNHỚ HÀ NỘI
Thơ Mạnh Trương
*
NHỚ HÀ NỘI

Mưa ngâu rả rích mờ sông Ngân
Mỹ-quốc bầu trời mây kín giăng
Hoa-thịnh-Đốn bùi ngùi một thuở
Hà-Thành đô nhớ tưởng bao lần
Nơi xa xứ lạnh lùng mây nước
Chốn cố hương heo quạnh gió trăng
Phiêu bạc cảnh đời đâu bến đợi
Đêm nằm nhớ xứ lệ khôn ngăn.
*.
MẠNH TRƯƠNG
LỜI BÌNH:
(Tác giả Châu Thạch)
Tôi không sinh ra ở Hà Nội, lớn lên và chưa từng sống ở Hà Nội, nhưng đọc bài thơ “Nhớ Hà Nội’ của Mạnh Trương lòng tôi cũng thấy nhớ Hà Nội. Nỗi nhớ Hà Nội của Mạnh Trương là một nỗi nhớ thật khắc khỏai. Thuở trước khi đất nước còn chiến tranh, biết bao người miền Nam ao ước khi đất nước hòa bình, họ sẽ là người đầu tiên đến Hà Nội như đứa con trở về quê cha đất tổ. Nay quê hương đã thống nhất nhiều năm rồi, nhưng biết bao người còn vì hoàn cảnh riêng tư chưa đến được Hà Nội. Hà Nội trong trái tim của hết thảy người Việt Nam. Xa cách Hà Nội như xa cách người tình si, và gặp gở Hà Nội như tái ngộ người tình si thuở trước. Không thế mà tác giả Mạnh Trương đã nhắc đến mưa ngâu ở câu mở của bài Đường thi hay sao?
                   Mưa ngâu rả rích mờ sông Ngân
                   Mỹ quốc bầu trời mây kín giăng
Người ta thường nhắc đến Mỹ quốc với những xa hoa, với những hoa lệ, không mấy ai nói đến mây giăng bầu trời Mỹ quốc như tác giả Mạnh Trương, và có ai đó giống Mạnh Trương thì người đó ắt hẳn không mang một tâm sự đau buồn thì cũng mang một hoài niệm quê hương như Mạnh Trương vậy. Mưa ngâu là nước mắt tái ngộ giữa Ngưu Lang và Chức Nữ nhưng không mấy ai nghĩ rằng mưa ngâu là nước mắt của niềm vui cả. Bởi vì mối tình Ngưu Lang- Chức Nữ quá cao và quá lớn, quá sâu và quá thảm nên ngày hội ngộ của họ mỗi năm một lần là ngày thế gian thương tình nên cứ nghĩ đến sự  chia ly mà đau xót. Mưa ngâu ở bầu trời Mỹ quốc chắc hẳn làm cho lòng người đau hơn mưa ngâu ở bầu trời nước Việt. Người nhìn mưa ngâu trên đất Mỹ là người đương chia ly chiêm nghiệm giọt nước mắt chia ly, thì làm sao không đau hơn người ở quê nhà gấp bội. Chỉ cần hai câu mở của bài thơ Nhớ Hà Nội có thể làm cho người có tâm hồn nhạy cảm dễ dàng rơi lệ.
   Bước qua hai câu trạng, Mạnh Trương nhắc đến hai thủ đô cách xa ngàn vạn dặm và hai thủ đô ấy mang nỗi buồn, nỗi nhớ của những kẻ yêu nhau:
                            Hoa thịnh Đốn bùi ngùi một thuở
                            Hà Thành Đô nhớ tưởng bao lần
Đây không phải là nỗi buồn, nỗi nhớ của hai thủ đô mà chính là nỗi buồn, nỗi nhớ của con người hiện đang sống trong hai thủ đô đó. Nỗi buồn, nỗi nhớ đó, có thể là của những kẻ yêu nhau, của người trong gia quyến, của tri âm hay là tri kỷ. Bởi vì Hà Nội là thủ đô nước Việt, Hoa thịnh Đốn là thủ đô nước Mỹ, cả hai thành phố đều đại diện cho cả nước mình, cho nên bài thơ có thể nói cho nỗi buồn, nỗi nhớ của toàn bộ người dân có người thân yêu ở bên kia bờ biên giới.
Hai câu luận của bài thơ nói đến mây nước, gió trăng nhưng không đễ nói đến vẽ đẹp nên thơ mà để nói đến nỗi buồn ảm đạm:
                            Nơi xa xứ lạnh lùng mây nước
                            Chốn cố hương hiu quạnh gió trăng
Ta để ý trong bài thơ, nói đến nước Mỹ thì tác giả nói đến mây và nước, nhưng khi nói đến quê nhà thì tác giả lại nói đến gió và trăng. Vì sao vậy? Vì mây và nước không đẹp bằng gió và trăng. Khi nói đến tình yêu người ta thường không dùng mây và nước mà thường hay dùng gió và trăng để thể hiện cái nên thơ và ý vị. Tác giả dùng gió và trăng khi nói đến quê nhà đễ ám chỉ một quê hương nên thơ, ý vị và một thứ tình yêu quê hương si dại, đam mê như thứ tình yêu nam nữ. Trong hai câu thơ nầy, tác giả diễn tả thời tiết của hai miền nhưng thật ra là diễn tả tâm trạng của những con người đương ở hai phương trời cách biệt, nơi xa xứ thì lạnh lùng, chốn quê hương thì hiu quạnh. Ở đây ta thấy nỗi đau lạnh lùng của người xa xứ nặng nề hơn nỗi buồn của người ở quê hương chỉ là hiu quạnh.
Ở hai câu kết của bài thơ là tiếng kêu đau thương của con chim lạc bầy, bơ vơ không chốn nương thân:
                            Phiêu bạc cảnh đời đâu bến đậu
                            Đêm nằm nhớ xứ lệ khôn nguôi
Người ta nói “Xin nhận nơi nầy làm quê hương” có nghĩa là nơi đó không phải là quê hương của bạn và chẳng bao giờ nó là nơi bạn yêu thương với hết cả tấm lòng. Mỹ quốc không bao giờ là quê hương của người có dòng máu da vàng. Chim chỉ thích đậu trên cây, không có cây nó mới bay vào dinh thự. Người chỉ thích sống nơi quê hương, không có quê hương thì hạnh phúc kia chỉ là giả tạo. Hai câu kết của bài thơ nầy ai đọc mà không hiểu, nhưng thật ra làm sao mà hiểu nổi nếu bạn không xa quê hương, không yêu quê hương đến độ đêm nằm nhớ lệ khôn nguôi. “Đêm nằm nhớ lệ không nguôi”. Nhớ là nhớ mẹ nhớ cha, nhớ anh nhớ em, nhớ vợ nhớ con, nhớ người yêu, nhớ bờ tre nhớ bụi cỏ…Mạnh Trương khóc là đúng rồi, tôi đương ở quê nhà cũng muốn khóc thay huống chi là người xa xứ như Mạnh Trương có một mối tình yêu thương quê hương vô bờ bến vậy.
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm HÀ NỘI VÀ TÔI
của Lê Minh qua tiếng hát Ngọc Tân:
*
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.







…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 08.01.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét