(Nguồn ảnh: internet) |
VỀ LỆ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN
(Tác giả Trần Mỹ Giống) |
Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) diễn ra có quy mô tổ chức
cấp nhà nước từ vài chục năm gần đây vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm đã thu
hút hàng vạn người về dự. Những người về dự lễ khai ấn không chỉ là dân thường
mà còn có rất đông quan chức các ngành các cấp từ trung ương xuống địa phương.
Ảnh hưởng của khai ấn đền Trần Nam
Định như một phản xạ dây truyền kéo theo nhiều nơi khác cũng tiến hành khai ấn
và bán ấn như đền Trần ở Hưng Hà (Thái Bình), đền Trần Thương (Hà Nam )...
Nhiều nhà chức trách, nhà nghiên cứu trả lời cho
câu hỏi này còn chưa rõ ràng, thiếu thuyết phục.
Một
số tác giả viết bài nhận định lệ khai ấn đền Trần Nam Định diễn ra từ thời
Trần, bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân Nguyên - Mông, vua Trần thiết
triều ở Tức Mặc - Thiên Trường để thưởng công, ban tước. Nếu đúng như vậy thì
không có gì phải bàn cãi, lệ khai ấn là có thật ở thời Trần. Nhưng rất tiếc
những tác giả này lại không đưa ra một chứng cứ nào chứng minh điều nhận định
của mình là xác đáng để bạn đọc tin tưởng. Điều đáng ngờ nhận định này là ở
chỗ: thường thì việc xét công ban thưởng phải diễn ra ở kinh thành, cụ thể thời
Trần là kinh thành Thăng Long, sao lại có chuyện xét công ban thưởng ở Thiên
Trường? Chúng tôi cũng không tìm thấy cuốn sử nào viết nhà Trần, sau khi chiến
thắng Nguyên Mông đã xét công ban thưởng ở Thiên Trường. Như thế, nhận định nêu
trên là không đủ cơ sở thuyết phục.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học Việt Nam)
trong bài “Có hay không tục “Khai ấn đền Trần” đăng trên Internet tại địa
chỉ http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/co-hay-khong-tuc-khai-an-den-tran-c46a358596.html và
nhiều báo điện tử khác, khẳng định: “Không
hề có chuyện nguồn gốc của lễ khai ấn bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân
Nguyên - Mông, vua Trần thiết triều ở Tức Mặc - Thiên Trường để thưởng công,
ban tước như nhiều ý kiến. Việc đó sử chép là diễn ra ở Thăng Long”. Tiến
sĩ Nguyễn Hồng Kiên còn viết một loạt bài “Lễ khai ấn đền Trần - một xuyên tạc lịch sử”
nói rõ trong thư tịch cổ không hề chép gì về cái gọi là “lễ khai ấn đền
Trần”.
Như vậy tác giả này đã phủ nhận hoàn toàn lệ khai ấn đền
Trần.
Trong cuốn sách “Ấn chương Việt Nam”, các ấn bằng gỗ
ở nhiều đền thờ đức thánh Trần được phân loại là ấn tín trong lĩnh vực tôn giáo
tín ngưỡng. Cuối đời lui về Kiếp Bạc, Hưng Đạo vương có tu theo Đạo giáo và sau
khi mất đã hiển thánh cho nên các đền và điện thờ đức thánh Trần và việc hành
nghề đạo sĩ phải có con dấu của đức thánh Trần để đóng trên bùa chú, các bùa -
sớ cho tăng tính linh thiêng. Như vậy, ấn đức Thánh Trần dùng trong sinh hoạt
tôn giáo chứ không có chuyện khai ấn thưởng công ban tước trong chính quyền.
Trong bản thảo bài viết “Tìm hiểu lệ khai ấn...”
của Nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang lúc sinh thời nói rõ có hai loại lễ khai
ấn:
- Một là khai ấn “Sắc mệnh chi bảo” của nhà vua dùng cho
các quan trước và sau kỳ nghỉ tết hàng năm từ 26 tháng Chạp đến 6 tháng Giêng. \
- Hai là khai ấn “Trần miếu tự điển” nghĩa là ấn điển thờ
ở miếu nhà Trần vào Rằm tháng Giêng hàng năm dành cho nhân dân đi lễ đầu năm,
xin tờ điệp có dấu “Trần miếu tự điển” đem về treo ở nhà trừ tà ma, cầu bình an
khỏe mạnh, mọi việc như ý. Một thời gian dài Nam Định đã dùng ấn “Trần miếu tự
điển” trong lễ khai ấn đền Trần.
Tuy nhiên nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang cũng không đưa ra
được cơ sở nào cho bài viết của mình.
Còn các nhà nghiên cứu chuyên ngành ở địa phương nói gì
về lệ khai ấn đền Trần? Tháng 7 năm 2009 diễn ra cuộc hội thảo khoa học “Lễ
khai ấn đầu xuân tại đền Trần Nam Định - giá trị và giải pháp bảo tồn, phát huy
truyền thống văn hóa dân tộc” do Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nam
Định tổ chức. Trong số các bài tham luận của hội thảo, chúng tôi chú ý tới một
vài tham luận đề cập đến tục lệ khai ấn đền Trần của các nhà nghiên cứu địa
phương:
Nhà nghiên cứu Phạm Văn Huyên (trưởng phòng nghiệp vụ ban
quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định, hiện là Phó Giám đốc) với bài tham
luận “Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần với lễ tục khai ấn đầu xuân”
cho biết ý nghĩa ban đầu của lễ tục khai ấn là mở đầu cho ngày làm việc của một
năm mới, song không đưa ra được bằng chứng văn bản tin cậy nào để thuyết phục
rằng thời Trần có lễ tục khai ấn.
Nhà nghiên cứu Trần Đăng Ngọc (phó chủ tịch Hội Khoa học
Lịch sử tỉnh Nam Định, nguyên giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định) trong tham luận
“Lễ
khai ấn ở đền Trần Nam Định” viết: “Theo
các cố lão ở địa phương cũng như truyền thuyết dân gian thì trước đây vào thời
Trần, hằng năm cứ vào ngày 15 tháng chạp cơ quan hành chính các cấp nghỉ ăn
tết, mãi đến rằm tháng giêng năm sau mới trở lại làm việc bình thường. Ngày làm
việc đầu tiên trong năm hết sức quan trọng nên được triều đình tổ chức rất trọng
thể. Các dấu ấn đã niêm phong cất đi nghỉ ăn tết, nay được lấy ra lau chùi sạch
sẽ. Triều đình tổ chức lễ cáo trời đất, sau đó nhà vua sẽ đóng con dấu đầu tiên
để mở đầu cho một năm làm việc và mong cho mọi sự tốt lành...” Nhà
nghiên cứu Trần Đăng Ngọc còn miêu tả quá trình hành lễ khai ấn đền Trần khá
chi tiết. Tuy nhiên, ông cũng không đưa ra được những nguồn tư liệu lịch sử
đáng tin cậy mà chỉ dựa theo lời kể của các cụ cố lão, cao niên hiện nay (như
nêu trên).
Theo ông Nguyễn Văn Thư (Giám đốc bảo tàng tỉnh Nam Định)
và ông Nguyễn Xuân Cao (Chuyên viên Hán Nôm Bảo tàng Nam Định) thì: Lịch sử,
nguồn gốc lễ khai ấn chưa rõ bắt đầu từ thời gian nào, không có sử sách nào ghi
chép mà chỉ tương truyền trong dân gian là có từ thời Trần Thái Tông khi về yết
lễ tại tiên miếu và ban thưởng cho nhân dân.
Như vậy, ý kiến của các nhà nghiên cứu địa phương đều
không đưa ra được tài liệu nào ghi chép về lễ hội này, mà chỉ căn cứ vào ý kiến
của các cụ cao niên hoặc tương truyền trong dân gian. Còn các nhà nghiên cứu
cấp trung ương thì không có mấy ai đề cập trực tiếp đến lệ khai ấn đền Trần,
nếu có thì cũng chung chung và cũng phải thừa nhận là không có cơ sở chắc chắn.
2 - Có hay không lệ khai ấn đền Trần?
Nếu có thì quy mô mục đích của nó ra sao?
Trong khi sưu tầm tài liệu để biên soạn cuốn “1000
năm Thăng Long - Hà Nội, Thiên Trường - Nam Định: Thơ” do Hội Nhà văn
xuất bản năm 2010, chúng tôi có phát hiện bài thơ của Đỗ Hựu có nội dung nói về
lễ khai ấn đền Trần. Theo các tài liệu địa chí và đăng khoa lục thì Đỗ Hựu sinh
năm 1441, không rõ năm mất, quê xã Đại Nhiễm (thời Trần là xã Văn Tập), huyện Ý
Yên nay thuộc xã Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng
Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức 9(1478) đời Lê Thánh Tông,
làm quan đến Lại bộ Tả Thị lang, từng đi sứ nhà Minh và có công chiêu dân khai
hoang vùng đất ven sông Hát. Ông có tác phẩm “Sơn thủy hành ca”. Bài
thơ của ông nói về lệ khai ấn đền Trần mà chúng tôi tìm thấy trong “Nam
châu vịnh tập” như sau:
十 四 夜 觀 開 印 會
曾 聞 昔 日 有 陳 王
即 墨 猶 留 族 祖 堂
萬 頃 栘 來 田 地 廣
康 村 定 宅 孝 和 彰
展 誠 以 祭 前 魚 廟
開 印 惟 祈 後 克 昌
天 下 如 今 誰 對 此
斯 民 斯 邑 望 恩 長
Phiên âm:
THẬP TỨ DẠ
QUAN KHAI ẤN HỘI
Tằng văn tích nhật
hữu Trần vương
Tức Mặc do lưu tộc
tổ đường
Vạn Khoảnh di lai
điền địa quảng
Khang thôn định
trạch hiếu hoà chương
Triển thành dĩ tế
tiền ngự miếu
Khai ấn duy kỳ hậu
khắc xương
Thiên hạ như kim
thùy đối thử
Tư dân tư ấp vọng
ân trường.
Dịch nghĩa:
TỐI MƯỜI
BỐN ĐI THĂM HỘI KHAI ẤN
Từng nghe rằng ngày
trước vua Trần
Ở đất Tức Mặc có
đền thờ tổ
Ban đầu dời tới Vạn
Khoảnh(1) đất đai rộng rãi,
Sang Khang thôn,
lấy sự hiếu với mẹ cha, hoà cùng anh em cư trú.
Từ ấy tỏ lòng thành
kính hằng năm tế tại Ngư miếu;
Và khai ấn để cầu sự
tốt lành cho lớp tương lai(2)
Nay trong thiên hạ,
nơi nào sánh được
Thế là dân làng sở
tại mãi mãi nhờ ơn to lớn.
Dịch thơ:
Từng nghe ngày
trước Trần vương
Tức Mặc còn có tổ
đường nơi đây
Dời về Vạn Khoảnh
đất này
Khang thôn định
trạch thảo ngay hoà hài
Lòng thành tế cá
hôm mai
Khai ấn cầu vọng
lâu dài yên vui
Đến nay đâu sánh ở
đời
Dân thôn mãi mãi
bày lời tạ ơn.
.................
Chú thích:
(1) Vạn Khoảnh: Nhà
Trần vốn gốc ở Chương Châu mang họ Dương, dời đến Yên Tử vẫn thế, về Vạn Khoảnh
vẫn chưa đổi, sau sang Khang Kiện, vì bất hoà nên mới chia ra. Chi họ Dương dời
sang lập làng Dương Xá (nay là xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình) chi ở lại lấy
họ Trần, nay là Tức Mặc - Mỹ Lộc - Nam Định.
(2) Lệ này tương
truyền là lệ vốn có của tộc đảng chốn quê của họ Trần. Thiên hạ không thấy có
lệ ấy.
Theo bài thơ trên của Tiến sĩ Đỗ Hựu ở thế kỷ 15
thì lệ khai ấn đền Trần là lệ vốn có của tộc Trần. Vào thời kỳ tác giả
sống, lễ khai ấn tại tộc miếu của nhà Trần vẫn còn diễn ra. Lệ này tuyệt
nhiên không phải là lệ của nhà nước.
Nhưng tại sao mấy chục năm gần đây lệ khai ấn đền Trần
lại biến thành lệ quốc gia và được tổ chức quy mô toàn quốc? Câu hỏi này đã
được ông Tiến sĩ Nguyên Xuân Năm, nguyên Giám đốc Sở Văn Hóa Thể Thao Nam
Định trả lời rõ ràng trong bài tham luận tại hội thảo Đề án lễ hội
Trần 2012 do Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nam Định và Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch
tổ chức tại thành phố Nam Định ngày 18.7.2012, rằng ông là người có công
nâng cấp lệ khai ấn đền Trần Nam Định từ quy mô địa phương lên quy mô toàn
quốc.
Trong “Hội thảo Đề án lễ hội Trần 2012” (1) từ
ông Tiến sĩ trung ương Nguyễn Chí Bền (Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch) đến ông
Tiến sĩ địa phương Nguyễn Xuân Năm (Nguyên Giám đốc Sở Văn Hóa Thể Thao Du
Lịch Nam Định) đã lấy bài thơ của Tiến sĩ Đỗ Hựu nêu trên làm cơ sở chính bảo
vệ đề án lệ khai ấn đền Trần, chứng minh lệ khai ấn đền Trần là có thật, nhưng
lại lờ tịt đi quy mô, mục đích thực sự của lễ khai ấn mà tác giả Đỗ Hựu nói
trong bài thơ và chú thích...
Bài thơ nêu trên của Tiến sĩ Đỗ Hựu tuy là sáng tác văn
học nhưng những điều phản ánh trong tác phẩm lại là điều tai nghe mắt thấy nên
rất đáng tin. Như vậy, lệ khai ấn thời Trần không phải thời Nguyễn (Minh Mệnh)
hay về sau này mới nghe, mà đã được tương truyền từ thế kỷ 15 mà bài thơ của Đỗ
Hựu là một minh chứng rõ ràng. Theo chúng tôi được biết thì hiện tới thời điểm
này, chưa có một tác giả nào đưa ra được chứng cứ xác thực về lệ khai ấn đền
Trần sớm và thuyết phục hơn bài thơ của Tiến sĩ Đỗ Hựu.
Kết luận:
- Qua bài thơ của Tiến sĩ Đỗ Hựu (TK15) có thể nhận
định Lệ khái ấn đền Trần là có thật.
- Quy mô của Lệ khai ấn đền Trần chỉ trong tộc
Trần, thực hành ở đền Trần. Tuyệt nhiên không phải là lệ quốc gia.
Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch đã có quyết định “trả lệ khai
ấn đền Trần về cho nhà đền”... chứng tỏ bài thơ chúng tôi sưu tầm của Tiến sĩ
Đỗ Hựu là một cơ sở đáng tin cậy. (Mặc dù các quan chức địa phương vẫn giành
quyền khai ấn hàng năm).
---------------------
Chú thích:
(1) Chúng tôi có gửi bài tham luận tham gia cuộc hội thảo này,
nhưng không được mời. Và tư liệu do chúng tôi sưu tầm dịch in trong cuốn sách “1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thiên Trường
- Nam
Định: Thơ” đã được ông Tiến sỹ Bền và ông Tiến sỹ Năm bấu víu vào, trích
dẫn cắt xén theo ý đồ để bảo vệ đề án…
*
TRẦN MỸ GIỐNG
(và DƯƠNG VĂN VƯỢNG)
Địa chỉ: Số nhà 13/ 398, đường Trường Chinh,
phường Vị Xuyên, thành
phố Nam Định.
Email: tranmygiong@yahoo.com.vn
Điện thoại: 0919.811.050
…………………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 25.02.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét