Về bài PHẢN BIỆN CỦA NHÀ PHÊ BÌNH CHÂU THẠCH - Tác giả: Lê Thiên Minh Khoa (Vũng Tàu)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
Về bài PHẢN BIỆN CỦA
NHÀ PHÊ BÌNH CHÂU THẠCH
- với  ông Phạm Đức Nhì về bài BÌNH THƠ KHÔNG BÀN THI PHÁP -
*
(Tác giả Lê Thiên Minh Khoa)
                          ------------
        Thân gửi anh Châu Thạch!
Sáng nay đọc bài anh Phản Biện bài Bình thơ không bàn thi pháp của Phạm Đức Nhì. Em đồng ý hoàn toàn về lập luận của anh, và thấy không cần phải nói thêm gì với ông Phạm Đức Nhì nữa. Thực ra, bài viết của ông Phạm Đức Nhì có nhiều "lỗ hổng" lắm. Chỉ nói với anh về vài "lỗ hổng" của ông ta:
1. Thi pháp là một thuật ngữ của một của một ngành học mới - thi pháp học, một chuyên ngành hẹp của lý luận văn học (và cả Mỹ học). Là thuật ngữ thì nó có nghĩa khái niệm được chuyên ngành qui ước, không thể tự hiểu tự định nghĩa theo ý hạn hẹp chủ quan mình như ông Phạm Đức Nhì đã phát biểu: "“Thi pháp (poetics) là phương pháp, quy tắc làm thơ - sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ) nối kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp và cảm xúc của thi sĩ đến độc giả.” Cách hiểu của ông Phạm Đức Nhì có nhiều cái sai:
- Trước hết, không nên chiết tự từ (vì đã có sẵn nghĩa qui ước của thuật ngữ do môn học quy định) mà hiểu đơn giản: thi là thơ; pháp là phép, rồi suy ra: thi pháp là quy tắc làm thơ... Thực ra, thi pháp ngày nay được người có học trong ngành văn chương hiểu như GS-TS Trần Đình Sử, nhà khoa học hàng đầu về Thi pháp học Việt Nam trích dẫn định nghĩa của Viacheslav Ivanov: “Thi pháp học là khoa học về cấu tạo của tác phẩm văn học và hệ thống các phương tiện thẩm mỹ được sử dụng trong đó". Hiểu như vậy thì Thi pháp (poetics) không chỉ là phương pháp, quy tắc làm thơ mà rộng hơn nữa. Bởi vậy, ngoài kiểu nói: thi pháp Truyện Kiều..., thi pháp thơ Tố Hữu..., người ta còn nói: Thi pháp truyện ngắn, thi pháp tiểu thuyết, thi pháp kịch nữa.
- Hơn nữa, thi pháp không chỉ là "sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ) nối kết các con chữ thành một thế trận" chỉ gồm các yếu tố thuần hình thức, như ông Phạm Đức Nhì định nghĩa mà thi pháp còn là "khoa học về cấu tạo của tác phẩm văn học và hệ thống các phương tiện thẩm mỹ được sử dụng trong đó". Chỉ nói riêng về từ "cấu tạo": Cấu tạo bao hàm cả yếu tố nội dung; ý, tứ, nghĩa... chứ không chỉ là thủ pháp nghệ thuật thơ ca hoặc "sử dụng vần, nhịp điệu (đúng ra là tính nhạc của thơ bao gồm cả 4 yếu tố: âm thanh, vần, nhịp_ tức tiết tấu)...
2. Lại nữa, ông Phạm Đức Nhì viết: "Dòng chảy của tứ thơ: Bài thơ gồm 6 đoạn, mỗi đoạn 4 câu diễn tả một ý riêng biệt; từ đoạn trước sang đoạn sau không bắt vần nên tứ thơ đứt đoạn, phân tán, không có dòng chảy". Như thế, rõ ràng là: ông Phạm Đức Nhì Nhì chưa nắm rõ về khái niệm 'tứ thơ". Cũng đúng thôi, vì "Tứ thơ là một khái niệm có vẻ rất khái quát và trừu tượng nên rất khó diễn giải"... “Tứ thơ” được hiểu như là một phương thức nào đó để tổ chức liên kết các ý trong bài thơ và hệ thống các ý đó với “tình” của nhà thơ và biểu hiện chúng bằng yếu tố ngôn ngữ (từ). Cả ba yếu tố đó tổng hòa trong một thể thống nhất gọi là bài thơ - tác phẩm. Như thế, chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được vận dụng hết công suất để xây dựng tứ thơ mà giới chuyên ngành gọi là “cấu tứ”. Chính tứ thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ, là yếu tố không thể thiếu của một bài thơ, nhất là thơ hiện đại". (Lê Thiên Minh Khoa - Lại Nghĩ Về Thơ - tuần báo Văn Nghệ số 5, 03.02.2018). Như thế, tứ thơ không phải do vần mà có như ông Phạm Đức Nhì đã tưởng và viết: "từ đoạn trước sang đoạn sau không bắt vần nên tứ thơ đứt đoạn, phân tán, không có dòng chảy". Hơn nữa, trong thơ hiện đại, thơ hậu hiện đại, thơ văn xuôi... có những bài không vần (chứ chưa nói "không bắt vần") mà tứ thơ vẫn liên tục, liền mạch. Thơ không vần thì lấy đâu vần mà bắt, và như vậy là không có tứ thơ và không phải thơ sao? ...
Vài dòng cùng anh. Chúc anh vui khỏe.
Thân quý.


Mời thư giãn với nhạc phẩm CÁT BỤI CUỘC ĐỜI
của Hà Sơn, qua tiếng hát Châu Thanh và Lê Sang:
*
Vũng Tàu, 03/04/2018
LÊ THIÊN MINH KHOA
Địa chỉ: 117, Cách Mạng Tháng 8, phường Long Hương,
thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu.
Email: lethienminhkhoabr@gmail.com
Điện thoại: 0908.274.494


.






…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email truongvantran@hotmail.com gửi ngày 03.04.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét