CA NHẠC VIỆT NAM THỜI HẬU CHIẾN (1975 - 1985) - Tác giả: Lê Thiên Minh Khoa (Vũng Tàu)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
CA NHẠC VIỆT NAM
THỜI HẬU CHIẾN (1975 - 1985)
*
(Tác giả Lê Thiên Minh Khoa)
Sau Thống nhất, trong nước các dòng nhạc không cách mạng (trừ một số ca khúc thuộc các dòng nhạc: phản chiến, du ca và nhạc sinh hoạt cộng đồng) bị cấm hoàn toàn vì không phù  hợp với chủ trương, các ca sĩ được khuyến khích chuyển sang hát nhạc truyền thống cách mạng (nhạc đỏ). Các dòng nhạc tiến chiến, tình khúc, nhạc vàng... đều coi bị là nhạc vàng và hạn chế lưu hành. Nhạc Cách mạng có sự chuyển biến lớn với sự phát triển mạnh mẻ về nhiều mặt: mở rộng nội dung - đề tài; lực lượng sáng tác đa dạng hơn, phong phú thêm  bởi nhiều thế hệ nhạc sĩ thuộc nhiều dòng nhạc quy tụ lại; công chúng đông đảo hơn; giai điệu cách tân hiện đại hơn;  hoà âm phối khí chuyên nghiệp hơn....
Lực lượng nhạc sĩ rất hùng hậu và đa dạng bởi đất nước thống nhất đã quy tụ lại nhiều nguồn sáng tác: Các nhạc sĩ Việt Nam dân chủ cộng hòa, của Mặt trận giải phóng, các nhạc sĩ du ca, phản chiến, nhạc trẻ… ở miền Nam, rồi nhiều nhạc sĩ thuộc dòng tình khúc và nhạc vàng, sau vài năm đầu “lặng thinh” bắt đầu sáng tác trở lại. Ngoài ra, phải kể thêm sự đóng góp của đông đảo các nhạc sĩ trẻ có thể đã sáng tác trước 1975, nhưng thực sự  trưởng thành, được biết đến trong thời hậu chiến này: Võ Công Anh, Nguyễn Hải, Hoàng Lương, Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên, Trương Minh, Phạm Đăng Khương, Thanh Tùng, An Thuyên, Hoàng Lương, Nguyễn Long, Võ Lê, Võ Công Diên, Trọng Vĩnh, Quang Lộc, Quang Minh, Trọng Vĩnh, Trần Tiến, Nguyễn Tôn Nghiêm, Thập Nhất, Phú Quang, Nguyễn Ngọc Thiện, Giáp Văn Thạch, Trần Tích, v.v… Đề tài sáng tác chủ yếu trong  10 năm của ca khúc thời hậu chiến, là:
- Ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh: Viếng lăng Bác (1976 - thơ Viễn Phương) của Hoàng Hiệp; Bác Hồ một tình yêu bao la (1979), Vầng trăng Ba Đình (1984) củaThuận Yến), v.v…
- Tình yêu quê hương đất nước: Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý); Tình đất đỏ miền Đông của Trần Long Ẩn; Quê Hương (Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân); Đất nước lời ru (Văn Thành Nho); Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng); Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến); Bước tiếp những mùa xuân (1976 - Nguyễn Phú Yên); Nhịp chèo sông Hiếu (Trần Tích); Nha Trang mùa thu lại về (1978- Văn Ký); Nơi đảo xa (1979 - Thế Song); Bài ca không quên, Đất nước (Phạm Minh Tuấn- thơ Tạ Hữu Yên); Việt Nam mãi mãi yêu người (Bùi Công Thuấn); Chiều trên quê hương tôi (Trịnh Công Sơn)… Đặc biệt, Nguyễn Trọng Tạo tìm về chủ đề quê hương để làm đậm tình người với nhiều ca khúc: Làng quan họ quê tôi (phỏng thơ Nguyễn Phan Hách), Chèo thuyền trên sông Bùng, Đường về Thạch Nham, Dừa xanh Hoài Nhơn, Tình ca người trồng cỏ, Màu xanh Hương Sơn, Vầng trăng bến đợi, Tình ca bên một dòng sông, v.v…
- Tình cảm gia đình và tình yêu lứa đôi: Huyền thoại mẹ (Trịnh Công Sơn);  Mẹ (Trần Tích); Người mẹ (Nguyễn Ngọc Thiện); Thuyền và Biển (Phan Huỳnh Điểu); Gửi em chiếc nón bài thơ (Lê Việt Hòa); Tình ca Tây Nguyên, Màu áo trắng và màu tím Huế, Chia tay với chùa Hương, Hát ru (Hoàng Vân); Về một tình yêu (Trần Quang Lộc); Gởi nắng cho em (Phạm Tuyên); Chiều trên bến cảng (Nguyễn Đức Toàn); Gửi lại em, Hương thầm (thơ Phan thị Thanh Nhàn) của  Vũ Hoàng, v.v…
- Công cuộc dựng xây đất nước: Đêm rừng Đắc Min (Nguyễn Đức Trung); Em nông trường, em ra biên giới (Trịnh Công Sơn); Hồ núi Cốc (Phó Đức Phương); Trị An âm vang mùa xuân (Tôn Thất Lập); Tàu anh qua núi (Phan Lạc Hoa); Đêm thành phố đầy sao (Trần Long Ẩn); Người đi xây hồ Kẻ Gỗ  (Nguyễn Văn Tý); Mùa xuân từ những giếng dầu (Phạm Minh Tuấn); Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện); Tình ca Vũng Tàu, Bài ca xây dựng, Bài ca người thợ mỏ (Hoàng Vân), v.v…
- Bảo vệ biên giới Tổ quốc chống xâm lược: Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới của Phạm Tuyên; Khúc hát lính biên phòng của Vũ Hiệp Bình; Tình yêu trên dòng sông quan họ (thơ Đỗ Trung Lai) của Phan Lạc Hoa; Gởi em phía sông Hồng,Màu hoa đỏ của Thuận Yến; Chiều dài biên giới, Chiều biên giới (thơ Lò Ngân Sủn) của Trần Chung; 40 thế kỷ cùng ra trận của Hồng Đăng; Hoa hồng trên điểm tựa, Tổ quốc yêu thương của Hồ Bắc; Biên giới trong trái tim ta của Nguyễn Văn Sanh; Ta là thế hệ thứ tư của Lư Nhất Vũ; Hát mãi khúc quân hành, Bài ca người lính của Diệp Minh Tuyền và Bài ca trên đỉnh Pò Hèn được nhiều người biết đến của Thế Song ca ngợi nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm đã hi sinh tại Quảng Ninh trong Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, v.v…
Cuộc sống mới nẩy sinh những nhu cầu và thẩm mỹ âm nhạc mới, nhất là đối với lớp thanh niên. Và để thỏa mãn điều đó, cuối thời đoạn nầy, nhiều ca khúc nhạc nhẹ ra đời, dù với tên gọi khác đi. Đó là loại nhạc giải trí dễ dàng được đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ tiếp nhận, yêu thích. Đặc điểm của nhạc nhẹ là nội dung, hình thức đơn giản, dễ nhớ. Tính chất âm nhạc thường vui tươi, yêu đời. Nhạc nhẹ dính liền với nhạc thời trang,  khơi nguồn từ các nguồn nhạc dân gian, vận dụng các thể loại nhạc Pop, Ballat, Rock... theo lối cấu trúc âm nhạc cổ điển châu Âu. Nhiều thể loại nhạc nhảy múa, sinh hoạt, hành khúc, những bản Overture nhỏ (khúc mở màn)… cũng được xếp vào loại nhạc nầy.

CA KHÚC CHÍNH TRỊ CUỐI THẬP NIÊN 70
Về sự hình thành của dòng ca khúc nhạc nhẹ Việt Nam không thể không kể đến vai trò to lớn của phong trào ca khúc chính trị - một tên gọi khác của nhạc nhẹ, nhạc trẻ vào những năm cuối thập kỷ 70, đầu những năm 80. Với tính chất gọn nhẹ, năng động, xung kích, ca khúc chính trị thời đoạn nầy ra đời nhằm phục vụ những nhiệm vụ chính trị cấp bách của nhà nước trong “chặng đường đầu tiên” của thời kỳ quá độ. Mặt khác, ca khúc chính trị còn là một loại hình biểu hiện nghệ thuật quần chúng, bắt kịp với nhịp điệu thời đại, thoả mãn một phần nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân, trước hết là sự đòi hỏi của quần chúng về một thứ nghệ thuật “hiện thực hoá cuộc sống”.
Ca khúc chính trị được tập trung sáng tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Những nhạc sĩ trước 1975 như Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Quốc Dũng... và những  nhạc sĩ  trẻ như Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Đức Trung, Vũ Hoàng, Lê Văn Lộc, Nguyễn Văn Sanh, Thế Hiển, Vy Nhật Tảo... với những sáng tác trẻ trung đã gia nhập phong trào Ca khúc chính trị và cũng trưởng thành từ phong trào sáng tác nầy. Nhiều tay đàn, tay trống sừng sỏ của Sài Gòn cũ cũng chỉ hành nghề trong môi trường ca khúc chính trị: Mạnh Tuấn, Huỳnh Hiệp, Lý Được, Thanh Long, Hùng Tao Đàn, Bảo Chấn, Bạch Lý, Mỹ Linh, Huỳnh Háo, Cao Đức, Vũ Văn Tuyên, Trần Tài, Quốc Dũng, Tùng Châu, Sỹ Đan... Nhiều ca sĩ ngày hôm nay vẫn còn nguyên danh tiếng hoặc mới nổi lên ở thời đoạn thị trường hóa âm nhạc (1986 trở đi) đều có thời gắn bó với ca khúc chính trị như: Cẩm Vân, Lệ Thu, Trang Thanh Lan, Lâm Xuân, Bảo Yến, Nhã Phương, Kim Yến, Ngọc Yến, Hồng Vân, Ngọc Điệp, Trang Kim Yến, Chung Tử Lưu, Nguyễn Hưng, Thái Châu, Quang Lý, Tuấn Phong,  Cao Minh, Thế Hiển, v.v.…
Rồi, nhiều nhóm ca khúc chính trị được thành lập, chủ yếu cũng ở thành phố Hồ Chí Minh. Đó là mô hình nhóm đàn - hát như một ban nhạc biên chế nhỏ gồm các thành viên là ca sĩ, nhạc sĩ trẻ, có thể tự sáng tác (“tự biên”) và tự trình bày (“tự diễn”) theo khuynh hướng nội dung các bài hát thể hiện phải có chất thời sự, chính trị cùng ngợi ca tình yêu cuộc sống. Có thể kể ra các nhóm tiêu biểu, gây được ảnh hưởng lớn trong phong trào thanh niên bấy giờ, được sự cổ vũ nhiệt tình của giới trẻ và công chúng, được yêu cầu biểu diễn nhiều nơi: Nhóm Rạng Đông (Nhà văn hóa Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh) gồm Cẩm Vân, Chí Hùng (organ của ban The Black cũ), Hồng Danh, Sĩ Thanh, Bạch Lý, Thanh Long (ban The Blue Jets cũ); nhóm nhạc nữ 30 Tháng 4 gồm Kim Phương, Cẩm Vân, Kim Yến, Bạch Lý, Thúy Quang (organ); nhóm nữ Xí nghiệp dệt số 8 với Tường Vân (tay trống của The Blue Stars cũ) và giọng hát của bốn nữ ca sĩ trẻ; nhóm Nữ Sinco với Hồng Hạnh; các nhóm Phong Lan Trắng, Sao Sáng, Hải Âu, Mây Trắng, Lướt Sóng, Mê Kông, Nắng Hồng, Đại Dương, nhóm Thanh niên xung phong của Nguyễn Đức Trung, Thúy Hồng, Ngọc Bích…, nhóm Ca khúc Đại học Tổng hợp của Hoàng Cao, nhóm Ca nhạc dân tộc Phù Sa với Ngọc Yến, Văn Tài, Ngọc Điệp…, rồi Cửu Long nữ, Sinco nam, Hy Vọng, Dây Leo Xanh, Rạng Đông, Bách Việt, v.v…
Cuối thập niên 70, nhiều nhóm ca khúc chính trị  tham gia Liên hoan ca khúc chính trị tại Liên xô và các nước Đông Âu: Bulgaria, Cộng Hòa Dân Chủ Đức (cũ) và gây được tiếng vang lớn.
Trong thời gian nầy, có 3 sự kiện tạo cảm hứng và đề tài sáng tác cho nhiều nhạc sĩ: Phong trào Thanh  niên xung phong lên đường xây dựng đất nước rồi phục vụ hai cuộc chiến tranh chống xâm lược: cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.
Ca khúc chính trị về đề tài thanh niên xung phong đưa khán giả trở về miền ký ức sau giải phóng và khắc họa hành trình vất vả, khó khăn của thế hệ thanh niên xung phong thời ấy.
Hình ảnh người thanh niên xung phong trong đời sống và đề tài, hình tượng thanh niên xung phong trong ca khúc được yêu thích (trước đó, Cô gái mở đường - 1966 - Xuân Giao viết về thanh niên xung phong vẫn còn vang mãi đến ngày nay) đến nỗi  đã có rất nhiều bài hát của các nhạc sĩ chuyên nghiệp viết về thanh niên xung phong như Phạm Trọng Cầu, Phan Huỳnh Điểu, Lư Nhất Vũ, Trương Quang Lục, Nguyễn Văn Sanh, Trần Xuân Tiến, Vy Nhật Tảo, Phạm Tuyên, Trần Tiến, Tôn Thất Lập, Phạm Minh Tuấn, Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn…Vài ca khúc tiêu biểu của họ:  Hoàng hôn màu lá (Thanh Tùng); Ngày mai anh lên đường (Thanh Trúc); Vinh quang con đường thanh niên xung phong (Trần Long Ẩn);  Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh, nhạc Phạm Minh Tuấn); Tình ca tuổi trẻ (Tôn Thất Lập); Tạm biệt chim én (Trần Tiến); Bài ca thanh niên xung phong (Phạm Trọng Cầu); Bài ca thanh niên xung phong (Hoàng Hiệp); Khúc hát người đi khai hoang (Lư Nhất Vũ); Là thanh niên xung phong (Phan Huỳnh Điểu); Đào kênh (Trần Xuân Tiến); Tâm tình người xung kích thanh niên (Nguyễn Văn Sanh); Một đời người, một rừng cây (Trần Long Ẩn); Con kênh ta đào (Phạm Tuyên phổ thơ Bùi Văn Dung); Tự hào lớp tuổi trẻ tiến công (Trương Quang Lục)… Trong đó, được coi là ca khúc điển hình về thanh niên xung phong cho đến bây giờ có lẽ là Tình ca tuổi trẻ của nhạc sĩ Tôn Thất Lập.
Từ phong trào thanh niên xung phong đã hình thành những nhạc sĩ trẻ trưởng thành qua những sáng tác mới về đề tài thanh niên xung phong như Nguyên Anh (Bài ca kinh tế mới); Nguyễn Đức Trung (Bài ca sinh hoạt, Em như tia nắng mặt trời, Sẽ qua trong mưa); Nguyễn Đức Tập (Tuyến kinh lửa, Dứt điểm), v.v…
Khi hai cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, thanh niên xung phong ra chiến trường, ca khúc về thanh niên xung phong chuyển đề tài: Lúc đất nước cần, người thanh niên xung phong sẵn sàng hy sinh nơi  tuyến lửa để  bảo vệ đất nước. Giai đoạn này, xuất hiện những tác phẩm về người thanh niên xung phong ở biên giới như: Những vết chai cho Tổ quốc, Em đi cầu cây (Lê Văn Lộc); Trăng treo đỉnh đầu (Lê Đức Du phổ thơ Cao Vũ Huy Miên); Em ở nông trường, em ra biên giới (Trịnh Công Sơn); Cô gái thông đường trên biên giới Tây Nam (Nguyễn Nam)… Có những ca khúc viết về họ, huyền thoại người thanh niên xung phong nơi lửa đạn  làm công chúng thực sự xúc động và thành công đến nổi bây giờ nghe lại vẫn còn chảy nước mắt. Không ai đã nghe mà quên được như giai điệu chậm vừa, trầm buồn, sâu lắng, nhẹ nhàng mà gợi sâu hình ảnh, tâm tình của người nữ anh hùng trẻ tuổi trong ca khúc Những bông hoa trên tuyến lửa (Nguyễn Cửu Dũng phổ thơ Đỗ Trung Quân): “Em là người thanh niên xung phong/ Không có súng, chỉ có đôi vai cáng thương, tải đạn…”:
Ở  giữa rừng đâu có gương soi
Làm sao em thấy được vết bầm trên má
Chuyến tải thương về mấy lần trượt ngã
Vì mùa mưa nào chưa dứt ở đây.

Anh bộ đội thương binh vừa tỉnh lại sáng nay
Đã hỏi thăm em  người cáng thương hôm trước
“Cô ấy ngã mấy lần không đếm được
Mà sao không khóc mới lạ lùng”

Chắc anh hiểu rồi em ở tấm lòng                     
Nước mắt chỉ dành cho người ngã xuống         
Nên dù té đau, gai rừng đâm chân buốt
Đâu để vết thương anh rỉ máu hai lần

Em là người thanh niên xung phong
Không có súng, chỉ có đôi vai cáng thương, tải đạn
Giữa tầm đạn thù, tấm lòng dũng cảm
Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công

Tôi thấy rồi em ơi giữa cuộc hành quân
Niềm kiêu hãnh trong mắt em kỳ lạ
Trong chiếc áo bạc màu đôi miếng vá
Cô gái Việt Nam đẹp đến lạ thường

Ôi! Những bông hoa nở giữa chiến trường…
Đề tài thanh niên xung phong hấp dẫn, phong phú và tâm huyết đến mức nhân mừng sinh nhật thanh niên xung phong thành phố tròn 35 tuổi, nhạc sĩ Quỳnh Hợp ra mắt chùm ca khúc viết về thanh niên xung phong nằm trong album mang tên “Cỏ hát” với đúng 35 ca khúc (gồm 2 CD và 1 tập nhạc). “Cỏ hát” là nhạc phổ thơ của các nhà thơ thanh niên xung phong như Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Cao Vũ Huy Nguyên, Đào Công Điện… và nhiều nhà thơ thành danh khác viết về thanh niên xung phong như: Bùi Chí Vinh, Trần Mạnh Hảo, Huỳnh Dũng Nhân… Những ca khúc trong “Cỏ hát” được Quỳnh Hợp biểu cảm nhẹ nhàng, vừa như tự tình vừa như nhắn nhủ, tự nhiên và hồn hậu không đỏm dáng mà giản dị, chân thành được phổ từ những bài thơ có cái đẹp của tình người, tình đồng đội cùng  những tâm tình xa thẳm nay được tung xới, điểm tô sắc màu lung linh: du dương, rộn ràng, thánh thót ngân nga… mang đến cho người nghe những rung cảm bồi hồi, xốn xang...
Ca khúc chính trị cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 đã hoàn thành nhiệm vụ cuả mình là động viên lòng yêu nước của toàn dân, của tuổi trẻ vào công cuộc xây dựng đất nước thời hậu chiến, vào hai cuộc chiến đầu bảo vệ biên giới Tổ quốc và là bước đệm trong quá trình tiếp thu, hình thành, phát triển nền ca nhạc nhẹ chuyên nghiệp đương thời sau đó.
-----------
(Trích trong “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC  VIỆT NAM” - 
nghiên cứu, phê bình - Lê Thiên Minh Khoa, xuất bản năm 2018).

           
Mời thư giãn với nhạc phẩm MỘT ĐỜI NGƯỜI, MỘT RỪNG CÂY
của Trần Long Ẩn, qua tiếng hát Hồng Nhung:
             
*.
LÊ THIÊN MINH KHOA
Địa chỉ: 117, Cách Mạng Tháng 8, phường Long Hương,
thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu.
Email: lethienminhkhoabr@gmail.com
Điện thoại: 0908.274.494




…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 02.10.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét