(Nguồn ảnh: internet) |
LẠI TRAO ĐỔI
VỚI
CHÂU THẠCH
(Tác giả Phạm Đức Nhì) |
Mọi chuyện tưởng đã qua. Nhưng dưới bài viết Ba Điều Về “Cái Tâm Đặt Ở Đâu?”
của anh Đặng Xuân Xuyến (trên facebook Đặng Xuân Xuyến) anh Châu Thạch có một
bình luận khá dài trong đó có hai ý chính liên quan đến tôi. Phần còn lại anh
giải thích lý do tại sao anh chọn phương cách Bình Thơ “Chỉ Khen - Không Chê”.
Tôi lại phải xin lần lượt trả lời trực tiếp hai ý của anh.
KHÍA CẠNH KỸ
THUẬT CỦA VẤN ĐỀ
Anh Châu Thạch có nhận xét về bài viết Ghi Chép Từ Cuộc Tranh Luận Đầu Xuân
của anh Đặng Xuân Xuyến như sau:
Tôi nghĩ một cuộc tranh luận văn học hay một
giai thoại văn học được ghi lại đầy đủ là một việc làm chính đáng và cần có để
truyền thông đến với mọi người và lưu lại làm tài liệu chớ sao lại cho là xấu
nhỉ. Tôi nghĩ nếu Đặng Xuân Xuyến không làm việc đó thì cũng có một người khác
làm và phải hoan hô họ. Tôi cũng đã từng tổng kết một cuộc tranh luận với đề
tài "Về hay không về".
Tôi đồng ý với anh Châu Thạch việc tổng kết một cuộc tranh luận văn học là
rất hữu ích - và trong một số trường hợp - cần thiết. Nhưng bài Tổng Kết của
anh Đặng Xuân Xuyến có những nét đặc thù như sau:
1/ Tác giả bài viết đứng hẳn về một phía, tập hợp ý kiến một cách có định
hướng nhằm tấn công một người trong khi lẽ ra bài Tổng Kết phải có tính trung
lập.
2/ Được tung ra như một đòn chí tử cuối cùng sau khi đã có lệnh “ngừng
bắn”.
3/ Đưa cả “đội quân ma” vào tham chiến.
Đọc bài viết Ghi Chép Từ Cuộc Tranh Luận Đầu Xuân độc giả không khỏi ái ngại
cho tác giả. Không những có lỗ hổng về lý luận văn học, nhân cách, đạo đức mà
còn để một chỗ hở rất lớn khi đối diện với luật pháp.
Chỉ xét về khía cạnh kỹ thuật của vấn đề, phát biểu của anh Châu Thạch vừa
phiến diện lại vừa nông cạn. Anh chỉ thấy “cái công việc viết tổng kết” chứ chưa
thấy cái “cách viết tổng kết”, khung cảnh, thời gian ra đời của bài tổng kết và
sau cùng là “cái gian ý của người viết tổng kết”.
Anh Châu Thạch kêu gọi mọi người cổ vũ, hoan hô một bài viết như thế chỉ có
thể là một trong hai trường hợp:
1/ Anh không thấy được những nét đặc thù trong bài viết của anh Đặng Xuân
Xuyến - rất khác với một bài tổng kết bình thường.
2/ Anh thấy và biết rõ hết nhưng vì “cái tình của người cầm bút” nên phải
bênh vực tới nơi, tới chốn.
Dù nằm trong trường hợp nào, với tôi, đều cũng rất đáng buồn.
KHÍA CẠNH
VĂN CHƯƠNG
Trong bài Cái Tâm Đặt Ở Đâu? (Phạm Đức Nhì) có đoạn:
Nếu chọn kiểu bình thơ “chỉ khen, không chê” thì quả là “an toàn trên xa
lộ”. Chọn bài thơ của bạn, người quen, trong đó “bắt ra” vài câu hay rồi nương
theo tứ mà tán cho thật khéo, chỗ dở cứ ngoảnh mặt làm ngơ, thì sẽ chẳng sợ mất
lòng – có khi còn được uống cà phê, bia bọt đều đều nữa. Hoặc là “Tôi bình bác
một bài, bác bình lại một bài. Thế là công bằng và cả hai ta cùng “nổi”.
Và anh Châu Thạch đã cho rằng:
Nhà thơ Phạm Đức Nhì kết tội nhưng người bình
thơ “chỉ khen không chê” thật là oan uổng và bất công.
Tôi nghĩ nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm
Đức Nhì viết không chin chắn, vô tình nhục mạ tôi và nhiều cây bút trên văn đàn
hiện nay cũng viết phong cách của tôi. Tôi thay mặt những cây bút ấy phản đối
những lời của Phạm Đức Nhì
Nếu anh Châu Thạch và bạn đọc để ý trạng từ “có khi” sẽ thấy việc “được
uống cà phê, bia bọt đều đều nữa” chỉ là trường hợp cá biệt. Tôi không có ý xúc
phạm đến những nhà bình thơ theo trường phái “chỉ khen - không chê” nên đã
tránh những trạng từ như: luôn luôn, lúc nào cũng, nhiều khi, lắm lúc, thường
khi, thỉnh thoảng … vì sợ bị hiểu lầm là “vơ đũa cả nắm”. “Có khi” có nghĩa là
trong vô số những nhà bình thơ kiểu Châu Thạch chỉ cần một người dính dáng đến
“cà phê, bia bọt” thì nhận xét của tôi vẫn đúng. Trường hợp này có thể không
rơi vào Châu Thạch nhưng thực tế đã xảy ra. Anh Châu Thạch có dám khẳng định là
không có nhà bình thơ nào theo trường phái “chỉ khen - không chê” đã từng dùng
lối bình thơ ấy để được tác giả của bài thơ đối xử ưu đãi với mình hay không?
Tôi chỉ nêu lên một thực tế chứ không kết tội và nhục mạ bất cứ ai.
Anh Châu Thạch đọc đoạn văn trên, để cảm tính thắng lý tính nên đã hiểu
sai, rồi không những hô hoán mà còn thay mặt những người khác hô hoán là bị
nhục mạ. Anh mới chính là người đổ oan cho tôi nhưng tôi quyết định bỏ qua vì
thấy anh chỉ lúng túng, không có ý xấu.
Tôi chỉ trích cách bình thơ này, trước tiên, vì nó dễ dẫn đến tiêu cực, tạo
ảo tưởng thành công, thủ tiêu tinh thần học hỏi, cầu tiến, nhưng bên cạnh đó,
quan trọng hơn, còn có lý do có tính văn chương của nó nữa.
Châu Thạch bình thơ giống như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp hình cho
khách hàng. Ông sắp xếp thế đứng, kiểu ngồi sao cho những khuyết điểm trên cơ
thể khách hàng được che khuất, chỉ có nét đẹp, nét duyên dáng được xuất hiện
trên tấm hình chụp.
Trong một trao đổi trên facebook, Châu Thạch cho rằng, đại ý: “Bài thơ như một cô gái đẹp; tôi muốn phô bày
những nét đẹp của cô cho mọi người thưởng ngoạn. Nếu lỡ cô gái có một đốm tàn
nhang hoặc một nốt ruồi thiếu thẩm mỹ, tôi sẽ lờ đi để người đọc được thưởng
ngoạn vẻ đẹp đó một cách trọn vẹn”. (1)
Như vậy bình thơ kiểu anh Châu Thạch tuy không xạo một cách trắng trợn, xét
cho cùng, cũng là một cách hành xử thiên vị, thiếu trung thực.
Phê bình một bài thơ là vận dụng sự hiểu biết và cảm nhận thơ ca của mình
giúp tác giả và người đọc nhận ra chỗ hay, chỗ dở, rồi tổng hợp lại để xác định
mức độ giá trị nghệ thuật của bài thơ đó. Hoàn thành công việc này một cách
thuyết phục, phê bình còn góp sức thực hiện một nhiệm vụ khác nữa là chỉ đường,
vạch ra hướng đi cho hoạt đông sáng tác thơ ca.
Phê bình kiểu “chỉ khen - không chê” - theo như tên gọi của nó - không nhằm
mục đích, và do đó, không thể giúp tác giả và người đọc nhận ra giá trị nghệ
thuật đích thực của bài thơ nên hoàn toàn thất bại trong cả hai nhiệm vụ chính
của phê bình. Thật ra nó còn không xứng đáng để được gọi là một phương cách phê
bình nữa.
KẾT LUẬN
Với Châu Thạch, tôi vẫn quý mến anh ở tính tình vui vẻ, cởi mở, ngôn ngữ
thơ văn hiền hòa. Anh có tấm lòng sâu nặng với văn chương rất đáng nể phục. Tôi
cũng trọng tài thơ của anh Đặng Xuân Xuyến, đặc biệt là ngôn ngữ thơ mới lạ,
hình thức thơ phóng khoáng, có thể làm bệ phóng cho thơ bay cao, bay xa.
Mỗi một cuộc tranh luận thơ ca ít nhiều thường bật ra một vài vấn đề thực
tiễn của lý thuyết thơ mà ngay cả những người đã qua trường lớp hoặc nghiên cứu
sách vở một cách sâu rộng cũng thấy ngạc nhiên thích thú. Đối với hai anh, tôi
chỉ là kẻ bị tấn công và ra sức tự vệ. Tôi không muốn tranh cãi thêm nữa, nhưng
dĩ nhiên, nếu anh Châu Thạch phản biện, tôi sẵn sàng thù tiếp. Rất mong mọi sự
tốt đẹp đến với hai anh trong tương lai.
-------
Chú thích:
1/ Thơ Khăn Đóng
Áo Dài Và Show Not Tell, PĐN, t-van.net
Mời thư giãn với nhạc phẩm SẮC MÀU
của Trần Tiến, qua tiếng hát Trần Thu Hà:
*
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ: League
City , Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
.
.
……………………………………………………………………………………………………………………………………..………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email
ngày 01.10.2017
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét