AI ĐÃ TÌM RA “PHỒN SINH”
*:
Trong bài "Nạn đạo thơ: Không dung túng cho
việc vừa ăn cắp vừa la làng" (Hạnh Đỗ - Báo Tiền Phong -
3-3-2019), nhà thơ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Linh Khiếu cho biết ông từng
nhiều lần "bỏ qua" mỗi khi bị đạo thơ, nhưng rồi "phải nếm một
"quả đắng "cho thói xuê xoa này",
nên lần này "phải lên tiếng để tránh
sự ăn cắp trơ trẽn" đó. Cụ thể, vào năm 1995, ông là người "tìm
ra" từ "phồn sinh",
thế mà đến "năm 2018 vừa rồi, tác
giả Đinh Sỹ Minh lấy tên "Phồn sinh" đặt cho một tập thơ của mình":
"… bài thơ "Phù sa sông Hồng"
ông viết năm 1995, khi đó tìm ra từ "phồn sinh" Linh Khiếu rất thích:
"khanh khách nước cười màu mỡ phồn
sinh". Đây cũng là một từ không có trong từ điển. Linh Khiếu cho biết:
"Khi đó tôi đã gặp Viện trưởng Viện
Ngôn ngữ, và cả nhà thơ Hữu Thỉnh để hỏi thì hai người đều khẳng định
"phồn sinh" không có trong từ điển. Sau tôi tìm gặp cả nhà nghiên cứu
Phùng Tấn Đông, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu hỏi trong văn học phía Nam có ai dùng
từ này chưa? Họ trả lời là chưa".
Sau này, lấy cảm hứng "phồn sinh" Linh
Khiếu viết thành trường ca cùng tên vào năm 2002 và được chia sẻ rộng rãi trên
mạng internet. Tập "Phồn sinh" mãi chưa xin được giấy phép cho đến
năm 2018… Thì vào năm 2018 vừa rồi, tác giả Đinh Sỹ Minh lấy tên "Phồn
sinh" đặt cho một tập thơ của mình".
Trên trang lethieunhon.vn, nhà thơ Đinh Sỹ Minh đã
khẳng định tên tập thơ "Phồn sinh" là do nhà thơ Vương
Tâm đặt giúp ông, và nó được lẩy ra từ câu "Chưa thôi mong ngày sỏi đá cũng PHỒN SINH", trong bài thơ
"SỎI" của chính Đinh Sỹ Minh: "Tôi không hề biết ông Nguyễn Linh Khiếu đã có tác phẩm "Phồn
sinh" trước hay sau tôi", nhà thơ Đinh Sỹ Minh nói…
Xin được nói ngay rằng, tôi không quen biết hai nhà
thơ Nguyễn Linh Khiếu và Đinh Sỹ Minh, cũng không có ý định đứng ra phân xử
đúng sai trong chuyện này. Tuy nhiên, nhân tiện có bạn đọc đề nghị cho biết ý
kiến, và xét thấy vấn đề có liên quan đến ngôn ngữ khá thú vị, nên xin có đôi
lời lạm bàn:
1- Đối với một sinh ngữ, quá trình "rơi
rụng", biến nghĩa, thêm nghĩa, du nhập, hoặc sản sinh ra từ ngữ mới luôn
luôn diễn ra. Thông thường, từ lúc xuất hiện đến khi được từ điển thu thập,
giải nghĩa, thì từ mới phải qua một quá trình vận dụng nhất định. Nghĩa là từ
ngữ đi vào đời sống trước, sau đó các nhà biên soạn từ điển mới thu thập, giải
nghĩa, chứ không phải nhà biên soạn "sản xuất", đặt ra từ ngữ rồi
"cung cấp" cho đời sống. Từ điển cũng không phải cái kho chứa đựng
hết tất thảy từ ngữ nói và viết, cũng như không ai có thể đọc hết thiên kinh
vạn quyển trong thiên hạ, dù "thiên hạ" ở đây được hiểu là một đất
nước, vùng miền có giới hạn nào đó…
Bởi vậy, không thể căn cứ vào lời của một vị
"Viện trưởng viện ngôn ngữ", hay một nhà thơ, nhà nghiên cứu nào đó
"khẳng định" từ này, từ kia "không có trong từ điển", không
có trong "văn học phía Nam", hay phía Bắc, rồi tin rằng nó hoàn toàn
mới, hay chưa từng ai dùng trong thực tế.
2- Từ "phồn sinh" có thể "mới"
với nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, chứ không mới với người khác; có thể không có
trong từ điển này, nhưng lại có trong cuốn từ điển khác.
"Hán ngữ đại từ điển" 漢語大詞典 (La Trúc
Phong chủ biên-Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã-1993) giải thích từ "phồn
sinh" như sau: "PHỒN SINH: phồn thực; sinh trưởng, sinh sản; phát
triển nhiều thêm".
- "Hán ngữ đại từ điển" cũng dẫn liệu:
Tống Ứng Tinh (1585~1666), một nhà khoa học đời Minh mạt, trong sách
"Thiên công khai vật", mục "Hồ thỉ" viết về cây hoa (cây
cáng lò, bulo) một loại cây có thể lấy vỏ đốt nhựa làm đuốc, làm keo chế cung
tên, "sản ở Liêu Dương, phía Bắc thì "phồn sinh" (mọc nhiều, sản
sinh nhiều) ở Tuân Hóa, phía Tây thì "phồn sinh" ở quận Lâm Thao, các
vùng như Mân, Quảng, Triết đều có cả."
- Tản văn gia, tiểu thuyết gia Dương Sóc
(1913~1968), trong "Hải thị", viết: "Mùa hoa đào cũng là mùa vạn
vật "phồn sinh" (sinh sôi, nảy nở).
- Nhà văn Lỗ Tấn (1881~1936), trong "Tam nhàn
tập - Cận đại thế giới đoản thiên tiểu thuyết tập-tiểu dẫn", viết:
"Trong hoàn cảnh hiện nay, người ta bận bịu nhiều công việc, không có thời
gian đọc trường thiên. Tự nhiên điều này trở thành một trong những nguyên nhân
quan trọng khiến cho đoản thiên tiểu thuyết "phồn sinh" (phát triển,
thịnh hành)" .
- Kho ngữ liệu mà Trung tâm từ điển học Vietlex
cung cấp cho chúng tôi có ghi nhận từ "phồn sinh": "Sự giao linh
của mùa đã nhú mầm PHỒN SINH trên cây cỏ". (Văn nghệ quân đội. Tác giả: Lê
Ngọc Minh, ngày 1-6-1997.
3. Với một tác phẩm văn học, sự đóng góp quan trọng
của nhà văn không chỉ về tư tưởng, cốt truyện, hay hình tượng nghệ thuật… mà
còn về mặt ngôn ngữ. Giả sử ai đó là người sáng tạo ra từ "phồn
sinh", thì sự đóng góp "đáng kể" của tác phẩm về mặt ngôn ngữ sẽ
phụ thuộc vào việc từ "phồn sinh" có thực sự "phồn sinh"
trong đời sống hay không.
Như vậy, xét về "lý", thì người đầu tiên
nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cần "kiện" về tội "đạo chữ", phải
là tác giả Lê Ngọc Minh, chứ không phải Đinh Sỹ Minh. Hoặc sau Lê Ngọc Minh
(1997) là "kiện" vô số người khác đã dùng từ "phồn sinh".
Tuy nhiên, nếu người ta có thể kiện tụng, "đòi chữ" kiểu này được,
thì con cháu của ông Tống Ứng Tinh bên Tàu lại sẽ là người khởi kiện nhà thơ
Nguyễn Linh Khiếu về tội đã dùng từ "phồn sinh" theo đúng cái nghĩa
mà từ nửa thiên niên kỷ trước cha ông họ đã dùng mới phải.
Giả sử Tống Ứng Tinh hoặc một tác gia cổ đại nào đó
"đăng ký độc quyền từ ngữ", thì chắc hẳn, từ "phồn sinh"
chẳng những không "phồn sinh" được, mà còn nằm chết trong trong tác
phẩm của họ từ mấy trăm năm trước, người đời sau đâu có quyền "tìm
ra", rồi tạo nên tác phẩm "đáng kể" như nhà thơ Nguyễn Linh
Khiếu tự hào?
Mời thư giãn với nhạc phẩm SẮC MÀU
của Trần Tiến, qua tiếng hát Trần Thu Hà:
*.
HOÀNG TUẤN CÔNG
Địa chỉ: Số 6 Hạc Thành, phường Tân Sơn,
thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Email:
tuancongthuphong@gmail.com.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: dinhsyminh0501@gmai.com gửi: 17.03.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
ĐIỂM DANH VÀI VỤ ĐẠO THƠ
Trả lờiXóa1. Hữu Thỉnh
https://dangxuanxuyen.blogspot.com/.../ve-chuyen-ao-tho...
2. Nguyễn Thị Thanh Long
https://www.tienphong.vn/.../lai-xay-ra-vu-dao-tho-van...
3. Phan Thị Huyền Thư
http://dangkynhanhieu.net.vn/phan-huyen-thu-noi-gi-ve...
và:
https://www.tienphong.vn/.../phan-huyen-thu-mot-tuan-hai...
4. Nguyễn Phan Quế Mai
https://vietnamnet.vn/.../van-dan-2015-day-song-vi-dao...
và:
https://thanhnien.vn/.../ong-ngo-xuan-phuc-muon-gap-nha...
5. Nguyễn Việt Chiến
https://ngaynay.vn/tac-gia-nguyen-viet-chien-buc-xuc-vi...
6. Phạm Phương Thảo, Đinh Sỹ Minh
https://dangxuanxuyen.blogspot.com/.../quy-ket-ao-van-au...