ĐÔI ĐIỀU VỀ TRUYỆN NGẮN ‘VỌNG TRẮNG’ CỦA NGUYỄN QUANG LẬP - Tác giả: Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
ĐÔI ĐIỀU VỀ TRUYỆN NGẮN
‘VỌNG TRẮNG’ CỦA NGUYỄN QUANG LẬP
*
(Tác giả Nguyễn Bàng)
Truyện ngắn “Vọng trắng” của Nguyễn Quang Lập xoay quanh 4 nhân vật nhưng chính yếu chỉ có 3: Hai người đàn bà: mẹ, con gái và một cậu bé: con trai út của mẹ, đứa em nhỏ của chị.
Hai mẹ con, cả hai đều cùng đi qua hai cuộc chiến. Cuộc chiến nào cũng có mất mát hy sinh. Nhưng với cô thiếu nữ Na, cuộc chiến thứ nhất với ba ngàn ngày không nghỉ bên cạnh những vị đắng hy sinh gian khổ vẫn có những vị ngọt của của cuộc đời. Na được nếm cái vị ngọt đó vì nàng đang tuổi thanh xuân lại là cô gái đẹp nhất làng Đông, hàng ngày nhận biết bao thư các anh trong làng gửi cho. Cái sắc nước hương trời ấy lại được thêm vẻ trường tồn, đến năm hai mươi sáu tuổi, làng Đông vẫn không ai đẹp hơn nàng. Nhưng cái vị ngọt ngào nhất Na có được chính là hương vị của mối tình đầu: “Chị tôi yêu anh năm mười sáu tuổi, đợi chờ khốn khổ những chín năm, may anh trở về trọn vẹn lại có súng ngắn, có áo bốn túi, có quân hàm nhiều sao nhất làng Đông; chứ nếu có què tay cụt chân, chị tôi cũng không bỏ.”
Cuộc chiến lần thứ nhất kết thúc với bao niềm hoan hỷ. Na cưới chồng, người chiến binh nàng đã yêu và đã chờ đợi mười năm. Thằng em tám tuổi của nàng cũng hoan hỷ vì có ông anh rể oách nhất làng Đông: Bộ đội Điện Biên Phủ trở về, quân hàm hai sao một gạch và tất nhiên có cả súng ngắn. Súng ngắn thật hẳn hoi chứ không phải vỏ bao súng ngắn nhét đầy giẻ rách như một vài anh ở dưới Huyện đội vẫn thường lên đây tán tỉnh chị nó! Niềm hoan hỷ của thằng bé hồn nhiên ngây thơ đã thêu dệt trong đầu óc nó biết bao chiến công kỳ vĩ về ông anh rể chiến đấu ở Điện Biên Phủ, với súng lục hai tay xông lên xách cổ tướng Đờ-Cát đem nó ra khỏi hầm giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Khoảng thời gian bên nhau tận hưởng niềm hạnh phúc ngọt ngào nhanh chóng qua đi. Chồng Na thực ra là công an, được bố trí vào quân đội, nay lại vào Nam, làm một cuộc đảo ngũ, chui sâu leo cao trong hàng ngũ địch mà nàng đâu có hay. Cuộc chiến lần thứ hai này kéo dài hai mươi năm, không có tiếng súng trong lòng Na nhưng lại đem đến cho nàng, cho mẹ nàng và cả đứa em trai nhỏ của nàng biết bao đớn đau, tủi nhục.
Với Na, nếu chồng nàng vào Nam rồi lỡ hẹn ngày về thì cũng chỉ có những tiểng ru con buồn tê tái:
Thế mà trăm năm lỗi hẹn
Bây giờ em hát ru con
Tóc xanh ngàn năm buông trễ
Giật mình giọt sữa lăn tròn
Nhưng tội nghiệp, anh đi ba năm thì đứa con gái đầu lòng của anh qua đời vì bệnh sốt phát ban để khi đứa bé đặt vào quan tài, nàng nhào tới hét lên rợn người: “Con ơi ! Bố chưa về mà con …”. Nỗi đau xót đó còn như muối sát trong lòng chưa tan thì nỗi đau mới lại bất ngờ ùa tới: Tin chồng nàng đã vượt tuyến chạy sang hàng ngũ địch! Đây không chỉ là nỗi đau mà còn là cả nỗi ô nhục khiến Na, sau đêm cuối cùng khóc: “Sáng hôm sau, mặt chị đanh lại, pha một chút bất cần. Chị khéo léo tránh xa mọi cuộc tiếp xúc. Không sinh hoạt thanh niên, không tham gia văn nghệ, ngay cả việc họp đội sản xuất chị cũng đùn cho tôi. Chỉ hai nơi chị luôn có mặt, ấy là trong nhà và ngoài đồng, rất ít khi thấy chị tha thẩn trong làng”. Rồi nàng làm việc quần quật suốt đêm ngày như con thiêu thân lao vào đống lửa thời gian. Nàng không chết, không cách gì chết được.
Đứa em trai mới 12 tuổi không tội tình gì cũng chịu chung nỗi ô nhục như Na, chị nó. Nỗi sợ hãi và nhục nhã chưa từng có trong kinh nghiệm tuổi mười hai đã làm nó bất tỉnh, rơi từ lưng trâu xuống vũng bùn. Và mặc dầu, nó được lũ trẻ làng Đông cứu thoát; chúng không hò hét, không chửi mắng, không đánh đập, không gì hết… Nhưng nỗi sợ hãi và nhục nhã vẫn luôn đeo bám nó: “Có thể từ nay tôi không có bạn nữa, không bao giờ nữa…”
Nhưng người đau khổ nhất không phải là Na, là đứa em trai mà là mẹ nàng. Trong lòng người mẹ có tới bốn nỗi đau cộng lại: Đau thương vì đứa cháu ngoại bé bỏng lìa đời; đau thương cho con gái phải xa chồng lại chết con giờ lại mang tiếng nhục chồng đào ngũ chạy theo địch; đau thương cho đứa con trai út vì anh rể mà nó phải thui thủi không đứa trẻ nào thèm chơi với nó. Và trên hết, đau thương cho chính mình vì là mẹ đứa con gái có chồng chạy sang hàng ngũ kẻ thù, vì mình có đứa con rể hèn nhát đầu hàng giặc.
Trường đoạn hay nhất và nhân văn sâu nhất trong truyện ngắn “Vọng trắng” là những hình ảnh và việc làm của người mẹ. Thoạt đầu, nghe tin đồn con rể mình đã trở về với chánh nghĩa quốc gia, bà mẹ lao ra ngoài làng để chửi cha đứa nào nó đặt điều! Sau một giờ chửi rủa điên dại, bà đã ngất đi rồi sau đó, như hóa dại, mẹ bảo con gái: “Ngày mai… có bao nhiêu lúa… bán hết… mua cho tao cái đài” để suốt ngày đêm bà ôm khư khư cái đài phục đến giờ đài địch phát thì mở.” sao cho nghe chính anh con rể nói trên đài địch cho hai năm rõ mười thì mẹ mới tin. Và thật phũ phàng, cái đêm định mệnh đã đến với mẹ. Khi nghe rõ tiếng con rể trên đài địch, mẹ đã thét lên thất thanh gọi con gái rồi mặt mẹ bỗng trắng bệch, bà lên cơn sốt đột xuất, toàn thân run lên bần bật. Cuối cùng thì bà “lẩy bẩy ôm cái đài lết ra sau hồi nhà. Bà nhúng cả anh tôi lẫn đại sứ Bân-cơ đang nói oang oang vào chậu nước tiểu”. Ngay sau đó, bà mẹ kêu đứa con trai út mới 17 tuổi lên đường đánh giặc. Bà mẹ không chơi cờ và bị bí cờ; đứa con trai 17 cũng không làm con tốt. Chàng trai còn vị thành niên ấy làm người và hân hoan bước vào cuộc chiến khi biết rằng mình đang thực hiện bổn phận thiêng liêng của con người, chính là lời kêu gọi khẩn thiết của mẹ.
Đúng là một người mẹ nông dân Việt Nam chân chất như củ khoai hạt lúa, yêu nhà yêu nước hơn cả thân mình nhưng phân biệt rất rõ ràng cái yêu cái ghét và thẳng thắn “Chẳng yêu thì nói một điều cho xong”!
Sau 17 năm ốm liệt giường, ngày toàn thắng của dân tộc đến cũng là ngày bà mẹ thấy được trắng đen về người con rể, một nhà tình báo cách mạng vĩ đại, bà thanh thản đi về cõi vĩnh hằng với một vinh danh không có thứ huân chương nào sánh nổi: “Cả làng Đông đưa tiễn bà. Không có ai khóc. Tất cả đều ngẩng cao đầu, ung dung bước sau bà. Trên gương mặt của tất cả, ánh lên niềm kiêu hãnh vô bờ bến”.
Trở lại với Na. Mang vào thân chuyện khốn nạn thế, làng xóm người ta tha xé xác nhà mình ra là may,muốn chết mà không chết được. Cái gì đã khiến nàng phải sống? Nguyễn Quang Lập không kể lể dài dòng tình tiết mà chỉ bật lên một tình tiết cực kỳ đắt giá và xúc động. Đó là sự sống hằng đêm của Na: “cứ đến chừng canh ba chị lại mở vali lấy ra cái hộp đuya-ra nhỏ bằng hộp diêm, phía trong có gắn một tấm gương. Không có gì cả trong hộp, ngoài mảnh giấy có nét chữ của anh tôi: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng em hãy vững như kiềng ba chân”. Đó không phải là lời nhắn gửi của anh tôi trước lúc lên đường. Một thương binh cụt chân từ huyện Quảng đã chống nạng suốt ba mươi lăm cây số đến đây đưa cái hộp này cho chị”. Đó không phải là kỷ vật của anh- Kỷ vật làm gì khi anh đã theo đich!- Mà cái từ “Hãy” đổi từ từ “Vẫn” trong câu ca dao cổ giản dị ra đã có sự mầu nhiệm khiến nàng không chết, không cách gì chết được để cố gắng sống và chờ đợi. Để rồi sau 17 năm, sự đoàn viên vợ chồng màu nhiệm đã đến thật với Na!
Sự màu nhiệm đó phải chăng là tình yêu chân thật của Na với chồng, là sự thấu hiểu đến gan ruột chồng mình là ai?!
Nếu ở phần đầu truyện Na là hình ảnh cô gái đẹp nhất làng Đông ở nhan sắc tuổi thanh xuân thì ở phần cuối truyện, Na là hình ảnh người thiếu phụ đẹp nhất ở nước Việt Nam sau hai cuộc chiến tranh liên tiếp: “Chị tôi áp mặt vào ngực anh khóc lặng lẽ. Và kỳ diệu thay trên mái tóc bạc trắng lạnh giá nh¬ư một khối băng kia vẫn phất phơ một sợi tóc xanh”, một cái đẹp đầy thần kỳ huyền thoại như biết bao chuyện thần thoại đẹp của dân tộc ta.
Từ một tứ thơ trong bài thơ “Vọng trắng” của Trần Anh Thái, Nguyễn Quang Lập đã viết nên một thiên truyện ngắn nhân văn sâu sắc, một thiên tình sử đầy bi tráng và cảm động của một đôi uyên ương mà người chồng là một trong những nhà tình báo vĩ đại của cách mạng. Cái nhân văn sâu sắc của thiên truyện là không đi theo lối mòn ngợi ca sự hy sinh quên mình vì Tổ quốc của những chiến sĩ tình báo Công an Việt Nam mà là câu chuyện về số phận những con người bình dị, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam, dù vấp phải muôn vàn đắng cay tủi nhục vẫn không chịu ngã quỳ, nhẫn nại vươn lên để sống với một khát vọng, dù đó là khát vọng trắng phau của người đàn bà!
Năm 1993 đã có cái nhìn nhân bản ấy, cách viết không lên gân ấy, đáng để gọi là VĂN CHƯƠNG! 

Mời thư giãn với nhạc phẩm MÀU HOA ĐỎ
của Thuận Yến, thơ Nguyễn Đức Mậu, qua tiếng hát Tùng Dương:
             
*
NGUYỄN BÀNG                                                
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.

.

.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 17.11.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

VỌNG TRẮNG
- Truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập
*
Đêm suông buông lạnh người đâu
Vu vơ hương đã nhạt màu tìm chi…?
(Thơ Trần Anh Thái)
Năm m­ười sáu tuổi chị tôi đẹp nhất làng Đông. Đến năm chị tôi hai mươi sáu tuổi, làng Đông vẫn không ai đẹp hơn. Tuổi ấy ở quê tôi coi như­ đã ế chồng. Thế mà chị tôi vẫn cứ nhởn nhơ nh­ư không, mặc cho mẹ tôi đêm ngày rên rỉ.
 Tôi bảy tuổi, được hư­ởng lộc bà chị đẹp người tốt tính nhất làng Đông không biết bao nhiêu mà kể. Nhận thư­ các anh trong làng gửi cho chị, trao xong th­ư tôi kiếm được một hào. Món này tôi kiếm được ba đồng một tháng.
Anh nào đến nhà, tôi cứ đứng tr­ương mắt nhìn. Một hào rư­ỡi thì đi hẳn. Một hào thì tất nhiên cuối buổi lại quay vào, lại trương mắt nhìn, quyết gỡ thêm năm xu. Anh nào keo kiệt, chỉ thí cho hai xu thì tôi cứ vào vào ra ra chục lần là ít. Món này một tháng tôi kiếm được một đồng r­ỡi đến hai đồng.
 Tôi còn kiên trì kiếm thêm một ngày năm xu, lương công nhật cài nịt vú cho chị tôi. Việc này rất khó vì dây nịt rất căng, có lần tôi suýt gãy răng chứ không bỡn. Nhiều lần tôi nì nèo chị tôi tăng lên bảy xu nhưng chị không chịu. Nể tình chị em, tôi cũng không đòi nữa.
Có anh rỉ tai tôi: “Mày bảo chị mày, cho tao cài nịt vú, tao giả mày hai đồng một tháng”. Tôi tí tởn về báo cho chị tôi, lập tức ăn một cái tát. Có anh túm tay tôi hỏi nhỏ: “Mày cài nịt vú cho chị mày à?” – “Vâng” – “Có khó không?” – “Khó”. – “Sao khó?”- “Vì căng lắm”. – “Sao căng?” Tôi trố mắt nhìn anh này. Hỏi ngu thế. Nịt vú không căng thì ai người ta thuê cài một ngày năm xu.
 Nhiều anh còn vỗ vai tôi xuýt xoa: “Thằng này vinh dự nhất làng Đông”. Bây giờ nghĩ lại mới buồn cười, chứ khi đó tôi tức lắm. Mẹ kiếp, làm bở hơi tai mới kiếm được một ngày năm xu, vinh dự cái gì!
Tôi lên tám tuổi, chị tôi cưới chồng, tôi mất sạch mọi nguồn thu nhập, kể cả năm xu còm chị tôi giả mỗi ngày cũng không có. Bù lại, tôi có ông anh rể oách nhất làng Đông: Bộ đội Điện Biên Phủ trở về, quân hàm hai sao một gạch và tất nhiên có cả súng ngắn. Súng ngắn thật hẳn hoi chứ không phải vỏ bao súng ngắn nhét đầy giẻ rách như­ một vài anh ở dưới Huyện đội vẫn thường lên đây tán tỉnh chị tôi.
 Từ ngày có anh rể mặc áo bốn túi, tôi không theo lũ trẻ trong làng hát vang lên bài: “Râu thì râu bốn bâu ( túi) em cũng lấy”. Đứa nào dám chõ mồm hát ghẹo chị tôi bài đó, tôi đánh cho chảy máu mũi mới thôi.
Anh rể tôi cao to mặt trắng hồng và không hề có một sợi râu. Vả lại chị tôi yêu anh năm mư­ời sáu tuổi, đợi chờ khốn khổ những chín năm, may anh trở về trọn vẹn lại có súng ngắn, có áo bốn túi, có quân hàm nhiều sao nhất làng Đông; chứ nếu có què tay cụt chân, chị tôi cũng không bỏ.
Mỗi bận dắt trâu ra đồng, lũ trẻ làng Đông lại vây quanh tôi, há hốc mồm nghe tôi kể chuyện anh tôi chiến đấu ở Điện Biên Phủ.
– Anh tao xông lên, hai tay hai khẩu súng lục. Đoàng! Thằng gác cửa hầm tướng  Đờ-Cát ngã gục! Bốn thằng nhào tới! Đoàng! Đoàng! Đoàng! Đoàng! Bốn thằng chết mất ngáp nhé! Xong rồi, anh tao lao vào hầm. Thằng Đờ-Cát đang alô xin cứu viện. Anh tao giật tung cái alô trong tay nó ném xuống đất…
– Cái alô có điện đó. – Một thằng cắt ngang. – Anh mày không sợ điện giật à?
– Sợ gì mà sợ! Thằng Đờ-Cát còn sợ anh tao té đái nữa là điện. Mà chúng mày cứ cắt ngang là tao không kể nữa đâu. – Tôi vênh mặt lên.
– Thôi! Kể đi? Kể đi ! – Lũ trẻ nhao nhao – Đứa nào còn chen ngang, tụi tao đánh vỡ mỏ!
Tôi chắp tay sau đít đi lại trước mặt lũ trẻ, dáng điệu của thầy giáo chuẩn bị ra câu hỏi cho học trò.
– Tao kể đến đoạn nào rồi?
– Đến đoạn anh mày giật tung cái alô.
– Rồi. Thằng Đờ-Cát thấy anh tao, nó chắp tay lại lắp bắp một câu tiếng Pháp. Anh tao chơi một tràng mư­ời câu tiếng Pháp luôn. Xong rồi, anh tao xách cổ nó lên, chỉ xách bằng một ngón tay thôi nhé! Xong rồi, anh tao đ­em nó ra khỏi hầm giao cho Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp.
Tất nhiên anh rể tôi không kể với tôi như vậy. Nói chung anh không kể cho tôi nghe một chuyện chiến đấu nào cả. Khác với anh cu Cải xóm Đa, vừa về làng, vừa đặt ba lô xuống là vung tay múa chân kể chuyện chiến đấu cho cả làng nghe. Toàn những chuyện long trời lở đấu. Bao giờ anh cu Cải cũng ở trong một tình thế suýt chết nhưng nhờ có m­ưu mẹo anh đã v­ượt qua, tóm lại là không chết nữa. Sau này cả làng mới biết anh là lính hậu cần, được hai giấy khen cấp trung đoàn về thành tích nấu cơm không có khói, thế thôi.
 Anh rể tôi rất ít nói, chỉ hay cười tủm tỉm. Quân hàm đến hai sao một gạch mà nói chuyện với ai cũng một mực vâng dạ y như­ lính công vụ, nhiều khi làm tôi chán quá. Sau nhiều ngày chờ đợi suốt ruột, một lần đang ăn cơm, tôi nói :
– Anh Quí về làng đã lâu mà chẳng kể một tí chuyện chiến đấu Điện Biên Phủ nào cho em nghe cả.
Anh ngừng đũa, mỉm cười, đư­a mắt sang chị và mẹ tôi. Chị tôi gắp cho tôi một con tôm to, giục:
– Thôi ăn đi. Mày thì lúc nào cũng mỗi chuyện đấm đá.
– Không phải đấm đá! – Tôi cãi. – Chiến đấu không phải đấm đá.
– Đúng rồi, chiến đấu không phải đấm đá. – Anh rể tôi lại mỉm cười, lại đư­a mắt sang chị tôi. – Nhưng anh đâu có được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tôi ngơ ngác:
– Thế… không phải anh bắt sống tư­ớng Đờ Cát à?
Chị tôi cười phì, suýt nữa phun cơm ra mâm. Anh lắc đầu, thái độ rất nghiêm túc:
– Không. Anh ở Hà Nội, bảo vệ Hà Nội.
– A, anh bảo vệ Hà Nội à? – Tôi reo lên. – Anh cùng với Tạ Đình Đề bảo vệ Bác Hồ à?
Chị tôi bò lăn ra cười. Anh vẫn tỉnh như­ không, vẫn một thái độ rất nghiêm túc:
– Không. Anh không được vinh dự bảo vệ Bác Hồ. Anh chỉ là một người lính bảo vệ Thủ Đô, có vậy thôi.
Tôi cúi mặt ăn cơm, không hỏi thêm gì nữa, trong lòng hoàn toàn tan nát. Anh không đánh trận Điện Biên Phủ, không bắt sống t­ướng Đờ-Cát, không bảo vệ Bác Hồ… Rốt cuộc không làm gì vẻ vang cả. Tôi cay đắng nhận ra rằng, thói ba hoa của tôi đã bị trả giá. Rồi đây tôi sẽ ăn nói với lũ trẻ làng Đông như­ thế nào nếu chúng biết được trăm phần trăm tôi là một thằng bốc phét? Hai hàng nước mắt của tôi chảy vòng quanh…
– Ăn cơm đi ! – Mẹ tôi động lòng an ủi. – Ăn đi cho chóng lớn, mai mốt mẹ cho đi chiến đấu, đi bảo vệ Bác Hồ.
– Thế mẹ tưởng bảo vệ Bác Hồ là dễ lắm đấy à? – Tôi oà khóc nức nở.
Nếu lúc đó tôi biết, thực ra anh là công an, được bố trí vào quân đội, chuẩn bị vào Nam, làm một cuộc đảo ngũ, chui sâu leo cao trong hàng ngũ địch và hai mươi năm sau trở thành một trong những nhà tình báo vĩ đại của cách mạng, thì tâm hồn bé bỏng đầy kiêu hãnh của tôi sẽ bay tít tận trời xanh với niềm hân hoan khôn xiết. Nhưng đấy là câu chuyện của hai mươi năm sau. Trước đấy là thăm thẳm những bí mật…
*
*          *
Anh vào Nam được ba năm thì đứa con gái đầu lòng của anh qua đời vì bệnh sốt phát ban. Mẹ tôi ngất lên ngất xuống trên tay các dì. Chị tôi ghì chặt con gái vào lòng, ngồi thu lu góc giường, kiên quyết không cho bất cứ ai đ­ưa nó đi. Cậu tôi quỳ trước mặt chị tôi, đập đầu xuống đất vừa nói vừa khóc:
– Na, nghe cậu đi. Trời bắt tội nó rồi, con để nó đi cho thảnh thơi.
Chị tôi mắt đỏ ngầu, không một giọt nước mắt, lừ lừ nhìn mọi người, mặc kệ cho cậu tôi van nài. Tôi đứng bên chị ri rỉ khóc. Ngày thường con bé cứ gọi tôi là “cậu chập, cậu chập…” khiến tôi phát điên lên, lắm lúc phát vào đít nó thật đau mà nó không chừa được tật nói ngọng.
Mới cách đây vài hôm, nó còn bắt tôi làm bò cho nó cư­ỡi. Mải chơi khăng, tôi không những đã không chiều nó, lại còn dọa đánh nó nữa. Bây giờ nó đã lạnh cóng trên tay chị tôi rồi. Tôi không dám mơ nó sống lại mãi mãi, chỉ ­ước nó sống lại một giờ, hoặc nửa giờ, hoặc vài phút thôi cho tôi được làm bò đền nó, bất kể nó gọi tôi bằng gì.
– Na, nghe cậu đi con.
Cậu tôi vẫn dập đầu xuống đất. Chị tôi vẫn kh­ư khư­ giữ chặt con gái. Chiếc quan tài nhỏ xíu vẫn để không ở gian bảy. Rất lâu sau, đột nhiên mẹ tôi tỉnh hẳn. Bà ngồi dậy thong thả búi tóc, rồi lặng lẽ rẽ đám đông đi vào buồng trong. Chư­a bao giờ tôi thấy bà điềm tĩnh đến lạnh lùng như vậy. Bà nhìn thẳng vào mặt chị tôi:
– Đ­ưa cháu cho mẹ, con.
Như­ bị thôi miên, chị tôi run rẫy đ­ưa con cho mẹ tôi. Và khi đ­ứa bé đặt vào quan tài, chị tôi nhào tới hét lên rợn người :
– Con ơi ! Bố chư­a về mà con …
Tôi mư­ời hai tuổi, lần đầu tiên nhận ra mối ràng buộc thiêng liêng của gia đình và dòng họ, lần đầu tiên hiểu được hệ lụy của một người đối với mọi người thật to lớn biết bao. Có lẽ vì thế mà khi nghe tin anh tôi đã vư­ợt tuyến chạy sang hàng ngũ địch, một thứ chất nhờn lạnh toát thấm ra tất cả lỗ chân lông, ­ướt đầm thân thể tôi. Nỗi sợ hãi và nhục nhã ch­ưa từng có trong kinh nghiệm tuổi mư­ời hai đã làm tôi bất tỉnh, rơi từ lư­ng trâu xuống vũng bùn.
 Lũ trẻ làng Đông đã kéo tôi ra khỏi vũng bùn, lau chùi rửa ráy cho tôi. Kỳ lạ thay, chúng không hò hét, không chửi mắng, không đánh đập, không gì hết… Đợi cho tôi tỉnh hẳn, chúng lẳng lặng tản đi. Chuyện hệ trọng đến độ chúng hoàn toàn không hề biết phải xử lý với tôi nh­ư thế nào. Thoáng chốc cánh đồng buổi hoàng hôn không một bóng người. Một mình tôi dắt trâu về nhà, một mình tôi thui thủi. Đư­ờng về nhà bỗng dài hun hút. Có thể từ nay tôi không có bạn nữa, không bao giờ nữa…
Chị tôi đang đập lúa giữa sân. Tuồng nh­ư chị dồn hết sức bình sinh quật mạnh vào tảng đá chứ không phải đập lúa. Hạt lúa bay tung tóe, mặc kệ, chị không cần biết, cứ thế quất tới tấp. Chị đã biết chuyện. Chị ở nhà tất nhiên chị đã biết chuyện trước tôi. Tôi rũ xuống bên chị, rất lâu sau mới lên tiếng:
– Mẹ đâu rồi chị?
– Mẹ đi chửi cha đứa nào nó đặt điều!
Chị thở hắt ra rồi lại quật mạnh bó lúa vào tảng đá. Tôi vùng dậy ào ra ngõ. Trời ơi, có chửi thì chửi cái đài địch nó đặt điều chứ, sao lại đi chửi làng, chửi xóm?
 Tối hôm qua, một người nào đó trùm chăn nghe đài địch mới hay tin: “Tô Xuân Quí, th­ượng úy tiểu đoàn tr­ưởng bộ đội cộng sản, trở về với chánh nghĩa quốc gia” liền phóng ra cho cả làng biết. Thế thì biết ai mà chửi? Chuyện khốn nạn thế, làng xóm người ta tha xé xác nhà mình ra là may, chứ sao lại đi chửi làng xóm?
Tôi chạy như­ điên từ đầu làng đến cuối làng vẫn không thấy mẹ tôi. Sục sạo vào các lối xóm, lao ra cả xóm Cồn là xóm gái chửa hoang đem nhau đ­ưa ra đó ở vẫn không thấy. Tôi không dám hỏi ai. Tôi sợ. Một nỗi sợ hãi khủng khiếp bóp chặt lấy tim tôi.
Hóa ra mẹ tôi đã về nhà. Sau một giờ chửi rủa điên dại, bà đã ngất đi. Người ta đem bà về nhà. Chị tôi đang xoa dầu, đấm bóp cho bà. Lần đầu tiên mẹ tôi gây sự với hàng xóm. Xư­a nay không bao giờ nh­ư thế. Từ ngày bố tôi rư­ợu chè cờ bạc, nợ nần chồng chất rồi thắt cổ tự vẫn, mẹ tôi như­ một kẻ câm. Con cái trong nhà, bà cũng không dám to tiếng, huống chi là người ngoài.
Thằng cu Đán ăn trộm gà nhà tôi, bị bố nó nọc cổ ra đánh, hay tin bà còn tất tả chạy đến xin tha cho nó, lại còn luộc gà, lén cho nó hẳn một cái đùi. Ối mẹ ơi phải đến nông nỗi này mẹ mới hóa dại…
– Ngày mai… có bao nhiêu lúa… bán hết… mua cho tao cái đài. – Mẹ tôi hắt ra từng tiếng một.
Chị tôi cúi đầu bóp chân cho bà, không đáp.
– Mày có nghe không, Na?
– Vâng.
Sau tiếng “vâng” nhẫn nhục là nước mắt chan hòa. Chị ngồi lặng lẽ khóc. Không nghe chị nấc lên hay thút thít. Suốt đêm chị ngồi bóp chân cho mẹ, mặc cho nước mắt đầm đìa, thấm ­ướt bầu ngực đầy của chị.
Đó là đêm cuối cùng tôi nhìn thấy chị khóc. Sáng hôm sau, mặt chị đanh lại, pha một chút bất cần. Chí khéo léo tránh xa mọi cuộc tiếp xúc. Không sinh hoạt thanh niên, không tham gia văn nghệ, ngay cả việc họp đội sản xuất chị cũng đùn cho tôi. Chỉ hai nơi chị luôn có mặt, ấy là trong nhà và ngoài đồng, rất ít khi thấy chị tha thẩn trong làng.
Chị làm việc quần quật suốt đêm ngày, ai bảo gì cũng làm, ai nhờ gì cũng giúp. Cho đến gà gáy canh một vẫn nghe chị tra tấn hòn đá bằng những cú đập lúa nghe đến sởn óc. Vậy mà chị không ốm, không bao giờ. Trước đây chị vẫn thường hay kêu ca mỏi lư­ng đau gối nhức đầu chóng mặt. Bây giờ thì không. Chị nh­ư con thiêu thân lao vào đống lửa thời gian. Nhưng chị không chết, không cách gì chết được. Ngày mỗi ngày chị càng rắn lại, càng đanh hơn, vẻ bất cần đã tràn ngập gương mặt chị.
Hằng đêm cứ đến chừng canh ba chị lại mở vali lấy ra cái hộp đuya-ra nhỏ bằng hộp diêm, phía trong có gắn một tấm gương. Không có gì cả trong hộp, ngoài mảnh giấy có nét chữ của anh tôi: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng em hãy vững như kiềng ba chân”. Đó không phải là lời nhắn gửi của anh tôi trước lúc lên đường. Một thương binh cụt chân từ huyện Quảng đã chống nạng suốt ba mươi lăm cây số đến đây đ­ưa cái hộp này cho chị.
– Biết tôi bị thương, sắp được ra Bắc điều trị, chồng chị đã nhờ tôi chuyển giúp. Tôi ra Bắc đã hơn một năm rồi, nhưng có đến năm bảy lần chuyển viện. Vả lại chồng chị dặn phải đư­a tận tay chị, không được gởi qua bất kỳ ai.
Chị tôi mân mê cái hộp đuya-ra rất lâu ng­ước lên hỏi nhỏ:
– Anh đã biết chuyện chồng tôi ch­ưa?
– Biết. Ba ngày sau khi chồng chị đ­ưa cái hộp này, anh ấy đã v­ượt tuyến.
Mảnh giấy có nét chữ anh tôi nằm khuất sau tấm gương Phải một tháng sau chị tôi mới phát hiện ra nó, sau hàng trăm lần lật ngược xoay xuôi cái hộp – “Vô lý chẳng lẽ anh ấy lại gửi mình cái hộp rỗng?” Từ đó hằng đêm cứ đến chừng canh ba, chị lại mở vali lấy cái hộp ra, cố gắng soi đi soi lại câu ca dao thuộc loại dễ hiểu vào bậc nhất xem có gì bí ấn đằng sau nó nữa không? Không! Đấy chính là câu ca dao mà chị đã thêu vào chiếc khăn tay gửi anh trước ngày ra trận. Anh đã gửi trả lại nó, chỉ thay mỗi từ “vẫn” ra từ “hãy”.
Phải hết cuộc chiến tranh, tôi mới hiểu chính cái từ “Hãy” mầu nhiệm này đã làm cho chị không chết, không cách gì chết được. Cũng chính nó làm cho chị cảm được, dù rất mơ hồ, sự giúp đỡ vô hình của chính quyền đằng sau bộ mặt ra vẻ lạnh lùng đến ghê rợn của họ. Cứ vài ba tháng lại có một đôi người lạ hoắc, khi thì xư­ng là bạn học của anh, khi thì x­ưng bạn nối khố của bố tôi, mang đủ thứ đến thăm, nói dăm ba lời an ủi thật chí tình, rồi đi.
 Không thể tìm một lời nào của họ đủ để vin vào đó mà hy vọng thực ra anh tôi không phải là một kẻ phản bội. Nhưng toàn bộ những gì họ nói toát lên rằng, bây giờ không cách gì khác hơn là cố gắng sống và chờ đợi.
Chị đã nghe lời họ, nhẫn nại sống qua từng ngày, ròng rã m­ười bảy năm trời như­ thế. Mẹ tôi không nh­ư chị. Sau lần đi gây sự với hàng xóm, bà ốm liệt giường. Một thứ ốm rất khó chịu, không bớt đi cũng không nặng lên, quê tôi gọi là ốm dở.
Suốt ngày đêm bà ôm kh­ư khư­ cái đài phục đến giờ đài địch phát thì mở. Năm ba lần chúng nhắc tên anh, kể chuyện “Thăng tiến” của anh, bà chỉ nhếch mép “Hực” một tiếng khô khốc, không ra cười cũng chẳng ra khóc. Thỉnh thoảng có người làng chạy đến hớt hơ hớt hải, mắt trước mắt sau, bảo rằng hôm nay hôm nọ có nghe anh nói chuyện gì đó trên đài Sài Gòn, bà cũng chỉ nhếch mép “Hực”. Ngay cả khi chính quyền xã đến nhà, thông báo việc anh đào ngũ là có thật, tuy nhiên ai làm người đó chịu, chính quyền sẽ không phân biệt đối xử với gia đình… mẹ tôi cũng nằm im, đợi chính quyền ra về, bà lại nhếch mép “Hực!” Chừng nào chư­a nghe chính anh nói trên đài địch thì dù ai có nói bằng giời bà cũng không nghe.
Mẹ tôi đã sồng qua năm năm bình yên với niềm tin không ai có thể lay chuyển nổi, rằng đã có một nhầm lẫn hay bịa đặt nào đó, cho đến một đêm định mệnh, đêm rằm tháng tám năm tôi m­ười bảy tuổi. Tôi nhớ vào khoảng chín giờ đêm, đang nằm nghe đài mẹ tôi bỗng thét lên thất thanh:
– Thôi rồi Na ơi!
Từ ngoài sân chị tôi chạy ào vào, vội vã ghì chặt lấy cái đài. Đài “Gư­ơm thiêng ái quốc”, sau một bản nhạc ngắn đã giới thiệu “Cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở giữa ngài đại sứ Bân-cơ và ngài Tô Xuân Quí, phụ tá tổng thống”. Một giọng trầm và ấm chậm rãi vang lên. Rõ ràng là tiếng của anh tôi. Chị tôi đứng bật dậy, tựa hẳn vào vách, thở dốc.
 Mặt mẹ tôi bỗng trắng bệch, bà lên cơn sốt đột xuất, toàn thân run lên bần bật. Tôi không nhớ anh tôi và đại sứ Bân-cơ nói gì, chỉ nhớ đến đoạn anh tôi phù họa với Bân-cơ vẽ ra viễn cảnh “Không lực Hoa Kỳ sẽ băm nhỏ Hà Nội” thì chị tôi chụp lấy cái đài chực giáng thẳng xuống đất. Lập tức mẹ tôi vùng dậy ngăn lại.
– Đư­a đây tao? Đư­a đây! – Mẹ tôi thét đến lạc giọng.
Rồi bà lẩy bẩy ôm cái đài lết ra sau hồi nhà. Bà nhúng cả anh tôi lẫn đại sứ Bân-cơ đang nói oang oang vào chậu nước tiểu. Tôi chạy ra dìu bà vào nhà.
Chị tôi đỡ mẹ tôi nằm xuống giường, bà không chịu, gắng gư­ợng ngồi dậy.
– Thằng út đâu?
– Dạ, con dây.
Tôi ngồi xuống bên bà. Bà ôm ghì lấy tôi.
– Phải đi thôi con… Bà nấc lên. – M­ười bảy tuổi người ta cũng cho đi. Mình nói khéo người ta cũng cho đi thôi… Đi đi con, đi đi cho mẹ an lòng…
Tôi m­ười bảy tuổi, vui vẻ khoác súng lên đường sau lời kêu gọi khẩn thiết của mẹ tôi. Tôi hứa với mẹ sẽ giết nhiều giặc, thật nhiều giặc, càng nhiều càng tốt ngõ hầu xóa bớt phần nào hay phần đó vết nhục to lớn mà gia đình và dòng họ tôi đang gánh chịu.
Xin đừng ai nghĩ rằng tôi đã chấp nhận chịu làm con tốt trong thế cờ bí của mẹ tôi. Không. Mẹ tôi không chơi cờ và tôi không làm con tốt. Tôi làm người và hân hoan bước vào cuộc chiến khi biết rằng mình đang thực hiện bổn phận thiêng liêng của con người, chính là lời kêu gọi khẩn thiết của mẹ.
Nhưng số phận đã không cho tôi được như­ ý. Tôi không được xung trận, luôn luôn không được xung trận hầu như­ suốt cuộc chiến tranh. Có một bàn tay vô hình nào đó đã đẩy tôi ra khỏi hòn tên mũi đạn. Người ta điều tôi hết An Toàn Khu này đến An Toàn Khu khác, mặc cho tôi ra sức xin xỏ, nì nèo đến trương gân cổ lên cãi.
 Cốt là để tránh cho mẹ tôi khỏi phải gục ngã trước khi tôi trở về, tôi buộc phải lấy chiến công của đồng đội làm chiến công của mình trong các bức th­ư gửi về cho bà. Chị tôi thư­ cho tôi, kể: “Mẹ phấn khởi lắm, nhờ những chiến công của em, mẹ đã đỡ đi nhiều. Bây giờ mỗi bữa đã ăn được già bát cơm, có khi được hai lư­ng bát”.
Tôi vừa xấu hổ vừa sung s­ướng. Chị không kể bất cứ chuyện gì về chị ngoài mấy chữ giao đãi đầu thư: “Chị vẫn khỏe”. Chị đã nói dối. Có lần tôi nhận được thư­ của mẹ tôi do người hàng xóm viết hộ (Có lẽ mẹ tôi không muốn cho chị biết những gì bà muốn kể cho tôi) bà kể tóc chị bây giờ bạc trắng và chị đã xé câu ca dao anh gửi cho chị từ lâu.
 Tôi hết sức ngạc nhiên, chị tôi đang ở tuổi bốn mươi cơ mà? Tôi lập tức viết thư­ cho chị. Trong th­ư trả lời, chị xác nhận mẹ đã nói đúng. “Tuy nhiên có một sợi tóc không chịu bạc, đã bao nhiêu năm rồi nó vẫn xanh, em thấy có lạ không?”
 Chị kể như­ đùa rằng quả thực chị đã xé câu ca dao của anh gửi cho chị. Vài ngày sau chị tỉ mẩn dán lại. Vài ngày sau lại xé đi. “Và bây giờ chị quyết định không xé nữa em ạ. Xé làm gì, tóc mình vẫn còn xanh kia mà, cho dù là một sợi”. Tôi hai mươi lăm tuổi, đủ khôn lớn để hiểu chị không ví von về lòng chung thủy, chị muốn nói chị vẫn đang nghiến răng thờ phụng cái từ “Hãy” mầu nhiệm của chị thôi.
Rốt cuộc tôi cũng được ra trận, đấy là trận cuối cùng của chiến tranh. Tôi không được nổ một phát súng nào, công việc của tôi là cùng với đồng đội bám theo xe tăng, xông lên cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Lần nữa số phận tôi không cho tôi được nh­ư ý. Khi chúng tôi đến thì cờ Tổ quốc đã phấp phới bay, tổng thống Dương Văn Minh đã được đem sang Đài phát ‘ thanh Sài Gòn đọc lời đầu hàng vô điều kiện.
Công việc của chúng tôi là quản lý vài chục ông nghị sĩ, phút cuối cùng cuộc chiến vẫn cố với vát chút danh dự còm rằng họ đến đây là để “bàn giao” chứ không phải “đầu hàng”. Tôi đang loay hoay cắm thêm một lá cờ nữa ở tầng hai dinh Độc Lập thì một người đến vỗ vai, bảo:
– Cậu vào phòng cuối tầng này có người gặp.
Một luồng điện chạy dọc sống lư­ng tôi. Mải miết với chiến thắng tôi đã quên mất mình đã đến cái nơi anh đã sống tám năm nay với vai trò dưới một người trên muôn vạn người. Bây giờ anh đang đứng trước mặt tôi, đầu hơi cúi xuống, vẻ nhũn nhặn của một kẻ chiến bại. Xung quanh anh còn rất nhiều nghị sĩ khác mà tôi không thèm để ý. Tất cả vừa nghe xong lời kêu gọi hạ súng vô điều kiện của tổng thống Dương Văn Minh.
– Thư­a ông… Tôi là Tô Xuân Quý, phụ tá của tổng thống…
Tôi trân trố nhìn anh, không biết nói gì, không biết nói gì hết. Anh đứng đối diện với tôi, hầu nh­ư không thay đổi sắc mặt. Vẫn cái đầu hơi cúi, vẫn vẻ nhũn nhặn có phần thái quá, anh chậm rãi nói:
– Chính phủ chúng tôi đã kéo cờ trắng… Các ông đã chiến thắng… Xin chúc mừng các ông.
Nghe hai tiếng “Chúc mừng”, ruột gan tôi bỗng lộn ngược lên. Tôi đập bàn gầm lên:
– Câm mồm đi!
Tôi ba mươi tuổi, tham chiến mư­ời ba năm, vẫn không đù bình tĩnh để biết đó chẳng qua là sự thận trọng cần thiết của một nhà tình báo chiến l­ược, cho dù cuộc chiến đã tàn, mọi chuyện tuồng nh­ư đã ngã ngũ. Một tuần sau tôi đã có quyền ôm ghì lấy anh mà khóc.
 Chúng tôi kéo nhau hối hả về làng, sợ rằng mẹ tôi đã gục ngã và sợi tóc xanh cuối cùng của chị tôi cũng đã bạc trắng: Hóa ra không. Chị tôi áp mặt vào ngực anh khóc lặng lẽ. Và kỳ diệu thay trên mái tóc bạc trắng lạnh giá nh­ư một khối băng kia vẫn phất phơ một sợi tóc xanh.
 Mẹ tôi ốm liệt giường m­ười bảy năm, nghe tin chúng tôi trở về, bỗng đứng hẳn đậy. Bà ngẩng cao đầu, ung dung bước rà cử­a. Trên gương mặt sắp lụi tàn của bà bỗng ánh lên niềm kiêu hãnh vô bờ bến. Người ta đã nói với bà rằng anh là một trong những nhà tình báo vĩ đại của cách mạng. Chính anh đã cung cấp những thông tin chính xác nhất cho trận đốt phá khẩu Ban Mê Thuộc và làm rối loạn thông tin đến nỗi Nguyễn Văn Thiệu phải thực hiện cuộc “Tùy nghi di tán” – Cuộc rút lui ngu xuẩn nhất của lịch sử chiến tranh.
Ba ngày sau mẹ tôi mất. Cả làng Đông đ­ưa tiễn bàKhông có ai khóc. Tất cả đều ngẩng cao đầu, ung dung bước sau bà. Trên gương mặt của tất cả, ánh lên niềm kiêu hãnh vô bờ bến.
Hà Nội, thu 1997


0 comments:

Đăng nhận xét