TỪ ‘PHỒN SINH’ TỚI ‘BÓNG ĐÈ’, NGHĨ ĐẾN HIỆN TƯỢNG ĐỘC QUYỀN CHỮ NGHĨA - Tác giả: Hoàng Tuấn Công (Thanh Hóa)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)

TỪ ‘PHỒN SINH’ TỚI ‘BÓNG ĐÈ’,
NGHĨ ĐẾN HIỆN TƯỢNG ĐỘC QUYỀN CHỮ NGHĨA
* 
(Tác giả Hoàng Tuấn Công)
Trong bài “Đỗ Hoàng Diệu nói gì về phim ‘Bóng đè’ trùng với tên tác phẩm của mình?” (Tiền Phong - 24/12/2019), Đỗ Hoàng Diệu cho biết “Tin đấy dập vào mặt tôi còn rát hơn cả tuyết”. 
Lý do cảm giác như bị “dập vào mặt” này, Đỗ Hoàng Diệu cho rằng: “Rõ ràng chỉ nghe tên Bóng đè thôi, nhiều người đã nghĩ ngay, liên tưởng ngay đến truyện của tôi (...) thực tế Bóng đè đã là thương hiệu của Đỗ Hoàng Diệu, như rau má với Thanh Hóa, như cốm với làng Vòng, như thịt chó với Nhật Tân, như nước mắm với Phú Quốc, như Tướng về hưu với Nguyễn Huy Thiệp, như Cánh đồng bất tận với Nguyễn Ngọc Tư…” Đỗ Hoàng Diệu nói “hơi khó tin” đoàn làm phim đã vô tình, bởi “cả một đoàn phim, từ biên kịch, đạo diễn cho tới nhà sản xuất, quay phim, diễn viên, đối ngoại… chẳng lẽ?”.
Cũng trên báo Tiền Phong (24/12/2019), bài “Hồ Anh Thái nói về phim ‘Bóng đè’: Tối kị đặt trùng tên tác phẩm người khác”, tác giả Vi Khanh đã “hỏi ý kiến nhà văn Hồ Anh Thái quanh việc đặt tên phim kỳ quặc này”. Theo đây, Hồ Anh Thái cho rằng, không nên “đặt tên một bộ phim là “Bóng đè” trong bối cảnh đã có truyện “Bóng đè” quá nổi tiếng, của Đỗ Hoàng Diệu”. Bởi “Thứ nhất: Nó trùng tên với một tác phẩm đi trước đã được bảo hộ bản quyền (Thậm chí tôi từng đề nghị bảo hộ tác phẩm là bảo hộ cả tên tác phẩm). Thứ hai: Lặp lại người khác là thứ rất kỵ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật”.
Vậy, có thật “Bóng đè” chỉ có thể là “thương hiệu của Đỗ Hoàng Diệu”? Và người ta có thể “bảo hộ tác phẩm là bảo hộ cả tên tác phẩm” được không?

1- “Bóng đè” là một từ đã có sẵn:
Cách nay ít nhất đã gần trăm năm, “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức-Hà Nội-1931) đã thu thập và giải nghĩa: “bóng đè • Khi ngủ mê hình như có người đè chân tay không cựa được”. 
Sau đó là nhiều cuốn từ điển tiếng Việt thông dụng ấn hành ở cả hai miền Nam-Bắc:
- Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên-Hà Nội, 1967): (bóng đè • Nói người khi ngủ mê có cảm giác khó thở như có vật gì đè lên trên người, làm cho không cựa được”.
- “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức-Sài Gòn, 1970): “bóng đè • trt. Mộc đè, bị chấp-chới và ngạt thở khi đang ngủ: Bị bóng đè”.
- Từ điển tiếng Việt” (Vietlex-2016): “bóng đè • d hiện tượng xảy ra trong khi ngủ, có cảm giác như có gì đè nặng lên người, làm cho khó thở và không cựa quậy được: “Mợ phán hình như bớt bệnh bóng đè rồi thì phải. Đêm đến không thấy rền rĩ lắm nữa.” (Tô Hoài) v.v…
Bởi “bóng đè” là một từ có sẵn trong kho tàng tiếng Việt, nên bất cứ ai cũng có quyền dùng để nói, viết, hay đặt tên cho tác phẩm (bất kể thuộc loại hình nghệ thuật nào), mà không cần quan tâm đến “thương hiệu của Đỗ Hoàng Diệu, như rau má với Thanh Hóa, như cốm với làng Vòng, như thịt chó với Nhật Tân, như nước mắm với Phú Quốc…” ra sao.

2 - Đỗ Hoàng Diệu không phải là người đầu tiên dùng “bóng đè” đặt tên cho tác phẩm:
“Bóng đè” là gì? Theo khoa học, đây là hiện tượng rối loạn giấc ngủ, thường xảy ra với người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, khí huyết, kinh lạc lưu thông kém, hoặc bị ám ảnh bởi sự việc nhìn thấy ban ngày… Còn dân gian lại tin rằng, “bóng đè” là do cây gỗ lâu năm trên rừng thành tinh, quấy phá giấc ngủ của gia chủ, nên “bóng đè” còn được gọi là “mộc đè”, “mộc chận”. Bởi thế, khi dùng gỗ rừng dựng nhà, người ta thường cẩn thận làm lễ “phần sài” (焚柴). Thầy phù thủy đọc thần chú, dùng que hương châm lửa làm tên, lắp vào cung bắn lên cột kèo, xà nhà... trừ “mộc tinh”, ngõ hầu giúp gia chủ không còn bị “con mộc” đè trong giấc ngủ nữa.
Bóng đè” chỉ trạng thái con người cảm thấy như bị đè nén, cưỡng bức, vật lộn trong nửa tỉnh nửa mê của giấc ngủ. Bởi vậy, từ này hay được dùng trong lối nói đùa cợt hàng ngày, hoặc vận dụng vào văn chương để ám chỉ hành vi tình dục, hay cưỡng bức thân xác nào đó. Ví như:
- Trước “Bóng đè” (2005) của Đỗ Hoàng Diệu tới hơn nửa thế kỷ, Tô Hoài đã có truyện ngắn “Bóng đè” (1943) in trong tập “Giăng thề”, có trong “Tuyển tập Tô Hoài” (Nhà Xuất bản Văn học-1987). Năm 2019 “Giăng thề” được Nhà Xuất bản Văn học tái  tái bản, trong đó có truyện ngắn “Bóng đè”. Ngữ liệu mà “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) dẫn: “Mợ phán hình như bớt bệnh bóng đè rồi thì phải. Đêm đến không thấy rền rĩ lắm nữa”, chính là trích trong tác phẩm này[1].
- Trước Tô Hoài, Nguyễn Khuyến (1835-1909) từng có bài thơ “Bóng đè cô đầu”, trong đó có câu: “…Bóng đâu là bóng đè cô/ Bỗng thấy sự nhỏ to thêm thắc mắc…”[2]. 
Như vậy, nếu như “Tướng về hưu”, hay “Cánh đồng bất tận” mang dấu ấn chữ nghĩa của cá nhân, thì “bóng đè” hoàn toàn không phải là sáng tạo riêng có của Đỗ Hoàng Diệu. Nói rõ hơn, “Tướng về hưu” và “Cánh đồng bất tận” bản chất là những cụm từ tự do, được tạo nên và chỉ xuất hiện sau khi có sự nhào nặn, sắp đặt của nhà văn; trong khi “bóng đè” là một từ “có nghĩa hoàn chỉnh và cấu tạo ổn định, dùng để đặt câu” (Từ điển Vietlex). Bởi thế, không thể “thử tưởng tượng bộ phim có tên “Cánh đồng bất tận” mà lại không liên quan đến “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư thì thế nào nhỉ?”, như Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu so sánh.

3 - Không nhất thiết nhà văn cần phải biết, và cần tránh tất cả tên các tác phẩm đã có trước đó:
Cả Đỗ Hoàng Diệu và Hồ Anh Thái đều cho rằng, đoàn làm phim “Bóng đè” không thể không biết tác phẩm “rất nổi tiếng” cùng tên của Đỗ Hoàng Diệu.
Hồ Anh Thái phân tích: “Người làm nghệ thuật đích thực phải là người hiểu biết rộng và sâu, không chỉ lĩnh vực của mình mà cả các lĩnh vực nghệ thuật khác; không chỉ văn chương nghệ thuật mà cả kiến thức văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế... Như vậy khó có thể nói là tôi không biết có tác phẩm mang tên ấy ở ngành nghệ thuật khác”.
Trong khi Đỗ Hoàng Diệu khẳng định: “Dù vô tình hay cố ý, đơn vị làm phim cũng có vấn đề. Nếu vô tình, chứng tỏ anh thiếu hiểu biết, thiếu ngay từ mảng văn hóa nghệ thuật là mảng chính anh đang sống trong đó, làm trong đó, kiếm tiền từ đó, nổi danh từ đó”.
Tác giả “Bóng đè” cảnh báo: “Tôi chưa cầm tiền nhưng đã gần như hứa sẽ để dành “Bóng đè” cho một công ty (…) Mà giả sử tương lai, phim dựa trên truyện “Bóng đè” của tôi được phép, chẳng lẽ lúc đó lại ghi chú: Bóng đè này không phải Bóng đè kia? Đè đi đè lại, bóng người người bóng có mà nổ tanh bành”!
Vậy câu hỏi đặt ra, là khi viết truyện ngắn “Bóng đè”, Đỗ Hoàng Diệu có biết, và dứt khoát cần phải biết trước đó hơn nửa thế kỷ đã có truyện ngắn cùng tên của Tô Hoài hay không? Nếu đòi những người làm phim “Bóng đè” phải biết “tác phẩm mang tên ấy ở ngành nghệ thuật khác”, thì lý do gì lại không buộc chính mình phải biết “tác phẩm mang tên ấy” ở cùng thể loại truyện ngắn? Và khi cho ra đời truyện ngắn cùng tên với truyện ngắn của Tô Hoài, Đỗ Hoàng Diệu có phải chú thích “Bóng đè này không phải Bóng đè kia”? Có cảm thấy “Đè đi đè lại, bóng người người bóng có mà nổ tanh bành” không?

4 - Trùng tên tác phẩm là điều bình thường:
Trong bài phỏng vấn trên báo Tiền Phong, Hồ Anh Thái phàn nàn: “Bên truyền hình thường xuyên lấy tên tác phẩm của người khác: Nắng chiều (tên truyện ngắn của Nguyễn Khải)…”. Và cho rằng: “tên tác phẩm cũng là một thứ bản quyền. Cũng cần phải đăng ký. Cũng không được vi phạm”.
Chúng tôi không biết “bên truyền hình” nào đã lấy tên tác phẩm “Nắng chiều” (2001) của Nguyễn Khải để đặt tên cho phim. Nhưng trước Nguyễn Khải tới gần nửa thế kỷ, đã có nhạc phẩm “Nắng chiều” (1953) rất nổi tiếng của Lê Trọng Nguyễn. Sau đó, năm 1973 nhạc phẩm “Nắng chiều” này xuất hiện trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Mộng Hoàng.
Thêm một vài ví dụ khác, trong muôn vàn các ví dụ:
- Trong cùng một thể loại, đã có bài hát “Làng tôi” (“xanh bóng tre…”) của Văn Cao, còn có “Làng tôi” (“sau luỹ tre mờ xa…”) của Hồ Bắc, “Làng tôi” (“có cây đa cao ngất từng xanh…”) của Chung Quân, rồi lại  “Làng tôi” (“trong bóng tre xanh hàng dừa cao…”) của Lê Việt…Đã có bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh, lại có “Quê hương” của Đỗ Trung Quân; đã có “Chị tôi” của Trần Tiến, lại có cả “Chị tôi” của Trọng Đài…Mỗi bài có chỗ đứng riêng trong lòng công chúng. Không ai kiện cáo, thắc mắc, và có thể kiện cáo thắc mắc được ai.
- Có hai bộ sách cùng tên “Tứ thư” 四書: Một là “Tứ thư” kinh điển của nho gia; một là “Tứ thư” của Diêm Liên Khoa (Châu Hải Đường dịch - Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 2019) viết về thời kì cách mạng “đại nhảy vọt kinh hoàng” của Trung Quốc. Hai cuốn “Tứ thư” trước, sau cách nhau đến cả ngàn năm.  
Vậy, đặt trùng tên tác phẩm người khác” có phải là điều “tối kị” như Hồ Anh Thái khẳng định? Không lẽ những tác giả có tác phẩm trùng tên ấy không phải là “người làm nghệ thuật đích thực”, hoặc những tác phẩm ấy không “quá nổi tiếng”, để khiến người sau phải tránh trùng tên như “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu?

5 - Có nên tự mặc định Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất…”?[4]:
Từ chỗ đề nghị xác lập quyền sở hữu từ ngữ đã đặt tên cho tác phẩm, Nhà văn Hồ Anh Thái còn đề xuất bảo hộ luôn bản quyền “nghệ danh”: “Tôi còn thấy nghệ sĩ thế hệ sau rất đáng trách nếu lấy nghệ danh của người đi trước, ví dụ Phương Thanh, Thanh Hoa, Thu Phương, Thùy Linh... Nghệ danh cũng là một thứ cần được bảo hộ bản quyền”.
Trong khi Đỗ Hoàng Diệu cho rằng: “Nói cho đúng, kho từ vựng tiếng Việt dù bao la song đôi lúc cũng chật chội, chỉ có thể là từ đấy đặt ở đấy mà không thể từ khác. Nhưng từ đó cấm kỵ, từ đó quá quen thuộc, từ đó đã “thuộc về” người khác? Lúc này sáng tạo lên ngôi. Kho từ vựng chưa có thì anh nghĩ ra từ mới, anh chế biến từ những cái có sẵn thành cái mới, chẳng phải sẽ hay hơn, độc đáo hơn”.
Chúng tôi không nghĩ, các “ông hoàng”, “bà hoàng” hiện đại lại có quyền cấm thiên hạ “phạm huý” như các ông hoàng bà chúa thời phong kiến; càng không tin người ta có quyền đăng ký, và được cấp phép vĩnh viễn sở hữu một từ ngữ nào đó trong kho tàng tiếng Việt, hay có một từ nào đó bỗng chốc lại trở thành “cấm kỵ”, “thuộc về người khác”, cho dù từ ngữ ấy gắn với bất kì “thương hiệu”, tên tuổi nào.
Còn nhớ đầu năm 2019, từng có chuyện ầm ĩ trong làng văn, bởi Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tố cáo Nhà thơ Đinh Sĩ Minh đánh cắp từ “phồn sinh” của ông. Cụ thể, Nguyễn Linh Khiếu cho rằng, vào năm 1995, ông là người “tìm ra” từ “phồn sinh”, thế mà đến “năm 2018 vừa rồi, tác giả Đinh Sỹ Minh lấy tên “Phồn sinh” đặt cho một tập thơ của mình”. Kết thúc bài viết này, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi: “giả sử Tống Ứng Tinh hoặc một tác gia cổ đại nào đó “đăng ký độc quyền từ ngữ”, thì chắc hẳn, từ “phồn sinh” chẳng những không “phồn sinh” được, mà còn nằm chết dí trong tác phẩm của họ từ mấy trăm năm trước. Người đời sau đâu còn được quyền “tìm ra”, rồi tạo nên tác phẩm “đáng kể” như Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tự hào?”. Và cho rằng: “Với một tác phẩm văn học, sự đóng góp của nhà văn không chỉ về tư tưởng, cốt truyện, hay hình tượng nghệ thuật…mà còn về mặt ngôn ngữ. Giả sử ai đó là người sáng tạo ra từ “phồn sinh”, thì sự đóng góp “đáng kể” của tác phẩm về mặt ngôn ngữ sẽ phụ thuộc vào việc từ “phồn sinh” có thực sự “phồn sinh” trong đời sống hay không” (báo Người Lao Động-17/3/2019).
Không lẽ văn chương nghệ thuật đang manh nha hiện tượng độc quyền chữ nghĩa, tên tuổi? Người đi trước thành công, thành danh thì tìm cách ngăn chặn, không cho người đi sau sử dụng từ ngữ, tên tuổi giống mình?
--------
Chú thích:
[1] Truyện ngắn “Bóng đè” của Tô Hoài kể về mợ phán Hoằng, con dâu ông bà trưởng Luỹ, có chồng là cậu phán, vào Nam làm việc đã hai năm. Mợ phán ở nhà phụng dưỡng bố mẹ chồng. Bỗng nhiên, “cứ đến nửa đêm là ông trưởng lại nghe tiếng ứ ừ, tiếng lạch cạch, tiếng hấm hứ bên phòng nàng dâu”, rồi sáng mai mợ phán thức dậy với bộ dạng mệt mỏi, đầu tóc bơ phờ. Ông bà lấy làm lo lắng lắm. Hỏi ra, qua lời “kể lể” của mợ phán, bà trưởng Luỹ mới nói với con dâu:
“Thế thì mợ bị bóng đè đấy! Đã mấy đêm rồi?
 - Dạ, ba đêm liền rồi ạ.
Ông cũng đồng tình:
- Ừ, bóng đè đấy”.
Bà trưởng chạy vạy thuốc thang, cúng bái thế nào cô con dâu cũng không khỏi. Cứ nửa đêm mợ lại bị “bóng đè” ứ ừ, hổn hển. Thế rồi, nhân lúc mợ phán đi vắng, ông trưởng mới “vào buồng mợ ngắm nghía mãi” và phát hiện cửa ra vào phòng mợ “giáp ngay chân bức tường hoa thấp, chạy dọc theo hè phố”. Thế rồi, mấy đêm liền ông mới vờ than nóng bức, sai thằng xe khiêng cái chõng lên nằm án ngữ ngay chỗ đầu hè ấy để nằm. Từ đó, nửa đêm ông không còn nghe tiếng cô con dâu bị “bóng đè” cho “rền rĩ” nữa. Nhưng người ta lại thấy mợ phán đêm đêm đèn khuya chiếc bóng “ngồi yên lặng trông ra đường” như ngóng chờ ai, “chốc chốc lại nghe một tiếng thở dài não nuột đến đá cũng phải đổ mồ hôi”.
Truyện “Bóng đè” của Tô Hoài kết thúc bằng lời thắc mắc “Mợ phán buồn gì thế? Mợ khỏi bóng đè rồi kia mà!...”.
Cốt truyện này tuy đơn giản, nhưng nếu được chuyển thể thành phim truyện ai bảo sẽ không kéo dài được nhiều tập hấp dẫn, thú vị?
[2] Lời chú của tác giả sách “Nguyễn Khuyến-Tác phẩm”: “…một hôm Dương Khuê đến chơi nhà Nguyễn Khuyến, Nguyễn Khuyến lại mời đến chơi nhà người anh rể Nguyễn Chính. Nhân đó, ông Chính gọi cô đào Sen đến hát. Cô Sen ngủ ở nhà dưới, bị người chòng ghẹo. Cô Sen kêu lên, Nguyễn Khuyến nghe tiếng hỏi cô Sen thì anh kép chống chế nói là cô ấy bị bóng đè. Nguyễn Khuyến biết ý, làm đùa bài hát này và bảo cô Sen hát ngay lúc đó”. (dẫn theo “Thivien.net)
[3] Cũng cần nói thêm, “nắng chiều”, “nắng sớm”, “nắng mai”, hay “nắng trưa”…đều là những từ ngữ, khái niệm không của riêng ai, không có gì đặc biệt, và xuất hiện rất nhiều trong thơ ca, nhạc hoạ...Nói cách khác, từ ngữ ấy có đặc biệt hay không, là ở tài vận dụng, khai thác của từng người. Bởi thế, tuy cùng tên, nhưng “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn có chỗ đứng hoàn toàn khác với “Nắng chiều” của Nguyễn Khải.
[4] Trích “Hy Mã Lạp Sơn” - Xuân Diệu.



Mời thư giãn với nhạc phẩm THƯƠNG CA TIẾNG VIỆT
của Đức Trí và Hà Quang Minh, qua tiếng hát Mỹ Tâm:
             
*
Thanh Hóa, tháng 12.2019
HOÀNG TUẤN CÔNG
Địa chỉ: Số 6 Hạc Thành, phường Tân Sơn,
thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Email: tuancongthuphong@gmail.com.

.




  ........................................................................................
- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn gửi ngày 10.01.2020
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét