ĐỌC ‘ĐÊM TRĂNG LEO LÊN MÁI CHÙA’ THƠ TRẦN THOẠI NGUYÊN - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

Leave a Comment

ĐỌC ‘ĐÊM TRĂNG LEO LÊN MÁI CHÙA’
THƠ TRẦN THOẠI NGUYÊN
*
ĐÊM TRĂNG LEO LÊN MÁI CHÙA

 Ngồi trong vườn nguyệt lộ
Hôn một màu trăng non
Nghe lòng mình cười rộ
Chạy băng đồi vô ngôn

Ồ.Hồn tràn mộng trắng
Tôi ôm trăng không màu
Tôi ngút xuống biển dạng
Tôi dại khờ mắt nâu

Ngắt một bông trắng lau
Hương thắm giọt máu đào
Đêm bừng lên nguyệt thẹn
Tôi nằm dài xanh xao

Chim về ngủ ôm trăng,
Ngô đồng rơi chánh điện.
Tôi ngồi giữa Phật đàng
Làm thơ như thánh hiện.

Máu ràn rụa tây hiên
Ồ. Máu băng ngực điên!
Tôi tĩnh mịch trang thơ
Hồn bay theo nhang khói

Chim chết giữa điện thờ
Tôi rớt xuống điện thờ.
*
Chùa BẢO LỘC, Thu 1970
TRẦN THOẠI NGUYÊN
LỜI BÌNH:
(Tác giả Châu Thạch)
Trước khi đi vào bài thơ, xin vui lòng đọc những trích đoạn viết về nhà thơ Trần Thoại Nguyên và hoàn cảnh tác giả sáng tác bài thơ:
Năm 1970, khi còn ngồi ở giảng đường đại học Vạn Hạnh, Trần Thoại Nguyên đã có một bài thơ được chọn đăng trong tạp chí Tư Tưởng của đại học này. Đó là bài “Đêm trăng leo lên mái chùa”.
Từ đó, Trần Thoại Nguyên tiếp tục treo mình trên những rung động đỉnh ngọn, như một kiếm tìm sự hiệp thông giữa thi ca và trời đất, dù không nhiều.
Với những bài thơ viết sau thời điểm này, dù dù ở hoàn cảnh hay tâm cảnh nào, họ Trần luôn cho thấy ông không ngừng đạp cánh giữa những hư huyễn thực tại và mộng ảo. Thơ treo ông trên những va động giữa ngã và vô ngã. Giữa kiếm tìm bản thể và sự thất lạc, tựa như đó là một định-mệnh-đôi của một thi sĩ. Một cõi riêng tây mà, đôi khi chính ông cũng thấy được dù chiếc bóng của hình tích mình.”
(Thi sĩ Trần Thoại Nguyên Đời thơ -  Phận  người - Zulu DC)
 Đêm trăng leo lên mái chùa là định mệnh, là cột mốc giữa đời sinh viên lang bạt, bằng một sự kiện hi hữu, Trần Thoại Nguyên trở thành thi sĩ.
Sau khi bị té từ mái chùa xuống đất, đầu rướm máu, Trần Thoại Nguyên xuất hồn viết bài thơ trên giấy của bao thuốc Bastos xanh, bài thơ qua tay người ban đến với Thiền sư Tuệ Sĩ, được chọn đăng trên Tập san TƯ TƯỞNG của Viện Đại Học Vạn Hạnh – Cơ quan ngôn luận, dẫn đạo về tư tưởng, Triết lý, Giáo dục và Văn hóa rất uy tín của Phật Giáo Việt Nam.
Hai mươi tuổi, chàng sinh viên Trần Thoại Nguyên có thơ đăng trên tạp chí TƯ TƯỞNG là một vinh dự lớn. Chỗ đứng của một bài thơ tự khắc xác định đảng cấp của một tác giả. Nhưng với người phê bình, không thể vì “Bứt dây động rừng” mà né tránh những nhận thức của mình với “Đêm trăng leo lên mái chùa”.
Đọc bài thơ, như tác giả thổ lộ với Lý Thừa Nghiệp thì leo lên mái chùa là “định chơi ngông muốn thưởng trăng nơi cõi thượng giới” thưởng trăng cõi thượng giới là cách nói từ vô thức. Thượng giới thuộc về trời cao, vô biên. Khoảng cách độ cao từ mái chùa đến mặt đất, đối với vô biên chỉ là con số không, nghĩa là thưởng trăng dưới đất và trên mái chùa như nhau. Do ý nghĩ sai lầm đó, Trần Thoại Nguyên đem vào trong thơ những từ ngữ triết học và thiền tông, bài thơ trở nên khó hiểu, nó chỉ phù hợp với một số đọc giả tin vào giá trị và uy danh tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh. Bài thơ được đăng ở Tư Tưởng số 16, trang 27, năm 1970. Tên tuổi Trần Thoại Nguyên đứng chung với những tác giả lừng danh như Thích Minh Châu, Thích Nguyên Tánh, Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Kim Định, Trúc Thiên, Lê Tôn Nghiêm, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư ….. tự khắc, chỗ đứng của bài thơ mặc nhiên khẳng định Trần Thoại Nguyên là một Thi Sĩ. Chàng Thi Sĩ hai mươi tuổi từ đó sa đà vào dòng thơ mang tính cách bác học, ý niệm Thiền và hơi hướng Phật giáo chi phối lổn ngổn trong nhiều bài thơ của Trần Thoại Nguyên, nó hướng tâm hồn của thi nhân vào chỗ đứng cao ngất ngưỡng, cần có một số vốn liếng triết học và căn bản Phật học môn phái Thiền tông, mới hoà nhập vào hồn thơ và ý nghĩa của “Đêm trăng leo lên mái chùa”.
Ngồi trong vườn nguyệt lộ
Hôn một màu trăng non.
Nghe lòng mình cười rộ
Chạy băng đồi vô ngôn.
Nguyệt lộ là trăng sáng, sương rơi, là cảnh đẹp thiên nhiên. Vô ngôn trong Thiền tông diễn tả trạng thái tự chứng pháp, tức là thâm mật, là bản trụ của pháp tính. Một khổ thơ rất đẹp, trong vườn sương long lanh ánh trăng, chàng thanh niên ngồi hôn màu trăng non, lòng vui sướng tự chứng cho mình một pháp tính, các khổ thơ tiếp theo diễn đạt thêm.”
 (Thi sĩ Trần Thoại Nguyên Đời thơ -  Phận  người - Zulu DC)
Bây giờ xin hãy đi vào khổ thơ đầu:                     
Ngồi trong vườn nguyệt lộ
Hôn một màu trăng non
Nghe lòng mình cười rộ
Chạy băng đồi vô ngôn
Ngồi trong vườn nguyệt lộ”: Theo định nghĩa của từ điển, nguyệt lộ là trăng và sương. Hát nói của Nguyễn Công Trứ có câu: “Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ, rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà”. Vậy “Ngồi trong vườn  nguyệt lộ” là ngồi trong vườn đầy trăng và sương
Hồn một màu trăng non”: Tâm hồn đắm chìm trong trăng thượng tuần
Nghe lòng mình cười rộ”: Trong lòng cảm thấy hứng khởi bất ngờ, cười lên sảng khoái
Chạy băng đồi vô ngôn”: Chạy băng qua đồi “không lời” là chạy qua ngọn đồi bình tịnh, yên lặng, không tiếng động  dưới trăng.
Khổ thơ nầy cho ta nhận biết diễn biến trong tâm hồn khi tác giả thưởng ngoạn cảnh đẹp của đêm trăng vể khuya. Chỉ vể khuya thì mới có sương rơi.
Như trên ta biết nhà thơ đang ngồi trên nóc chùa trong đêm trăng. Vây “Chạy băng đồi vô ngôn” không phải là thể xác của tác giả chạy, mà chính là linh hồn nhà thơ. Linh hồn nhà thơ đã “chứng pháp” theo như nhận định của ZuLu DC ở trên. Vậy có thể nói ở thời điểm nầy Trần Thoại Nguyên đã ở trạng thái kiến tánh, nghĩa là giác ngô được một điều gì đó, nghĩa là cái tâm đã thực chứng điều cao siêu mầu nhiệm, khiến linh hồn ông vui mừng bay bỗng trong không gian, vào cõi vô ngôn. Điều nầy cũng giống như khi ta đọc một nhà thơ Thiên Chúa giáo đi vào cõi im lặng:
Dáng ngọc lượn về trong giấc êm
Nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm
Đường vào im lặng mê ly quá
Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên

Trăng sao lịm ngủ từ muôn năm
Nhạc hội xuân nào cũng lặng câm
Mà đây sáng quá! Đây sáng quá!
Dào dạt cung êm vạn nguyệt cầm
(Im Lặng – Xuân Ly Băng)
Đọc thơ, ta thấy Trần Thoại Nguyên và Xuân Ly Băng cùng đi vào một cõi. Đó là cõi “hư không vắng lặng, vũ trụ muôn màu, trăng rằm đỉnh núi, hoa hồng nở rộ,  đại dương bát ngát, nhạc trời du duơng, bình minh tỏ rạng, dị thảo kỳ hoa, là cái vui vĩ đại, là cái tịnh như nhiên, là tâm can êm ả, là trí tuệ sáng soi…” Đó là “đồi vô ngôn”, con đường dẫn đến Thiên Đàng của Chúa và Niết Bàn của Phật .
Bây giờ xin mời đọc tiếp khổ thơ thứ hai:
Ồ.Hồn tràn mộng trắng
Tôi ôm trăng không màu
Tôi ngút xuống biển dạng
Tôi dại khờ mắt nâu
Ô. Hồn tràn mộng trắng”: Màu trắng là màu tượng trưng cho sự tinh khiết, sự trong trắng và sự giản dị. Trong ánh sáng, màu trắng là màu của tất cả các màu kết hợp lại mà thành. Vậy “mộng trắng” trên đồi “vô ngôn” nghĩa là không mộng, nghĩa là thật mà như là mộng. Linh hồn tác gỉa đã lọt vào nơi vô nhiểm, nên  giấc mộng ở đây chỉ là sự tinh khôi tuyệt đối của linh hồn. Màu trắng của Phật giáo còn tượng trưng cho “Tín Căn”, là niềm tin đúng chân lý, phát sinh ra những hạnh lành.
Tôi ôm trăng không màu”: “Trăng không màu” bây giờ, chính là trăng màu trắng nằm trong đôi mắt “Tràn mộng trắng” của thi nhân. Vậy nên ánh sáng của  trăng cũng là thứ ánh sáng do đủ màu hợp nhất lại. Trong đời Phật, ta thấy ngài đảng sanh vào đêm trăng, xuất gia vào đêm trăng, thành đạo vào đêm trăng và nhập Niêt Bàn cũng vào đêm trăng. Vậy ánh trăng trong đạo Phật mang ý nghĩa chân lý. có giá trị thẩm mỹ, mang tính giải thoát, nhất là khi Phật chỉ trăng mà nói ý nghĩa rằng: theo ngón tay ta để thấy trăng, như theo lời dạy của ta mà thấy đạo.
Ôm trăng không màu tức là ôm được chân lý trong trẻo vô biên, vắng lặng tinh khôi  của tánh “không” trong giáo lý Phật.
Tôi ngút xuống biến dạng”: Có thể là nhà thơ đã rơi từ mái chùa xuống đất lúc nầy. Sư rơi của Trần Thoại Nguyên lúc nầy như lọt vào một thạch động lưu ly màu sắc. Nhà thơ thấy những sự huyền vi bằng con mắt dại khờ màu nâu của mình.
Tôi dại khờ mắt nâu”: Vậy mắt nâu có ý nghĩa gì trong câu thơ nầy? Mắt nâu có vẽ đẹp độc đáo và riêng biệt. Đó là màu mắt ngây thơ, dịu dàng và dễ tính. Trong dôi mắt nâu, thường ẩn chưa những điều kỳ bí. Đọng trong ánh mắt nâu thứ anh sáng của lý trí, được suy nghiệm nhưng lại dấu kín trong lòng. Hãy đọc vài câu thơ tình yêu về mắt nâu của nhà thơ Du Phong”
“Em đã giấu điều gì vậy, em ơi,
Sau đôi mắt nâu là những lời chưa nói?
Đến bao giờ em trả lời câu hỏi,
Chúng mình là gì đó của đời nhau?

Em giấu điều gì trong đôi mắt nâu?”
(Em Dấu Điều Gì Trong Mắt Nâu)
Đọc khổ thơ thứ hai của bài thơ, ta có thể hình dung linh hồn nhà thơ đang bay qua đồi “Vô Ngôn”, thân thể liền rơi xuống trần. Vậy nhưng khi rơi xuống trần, nhà thơ vẫn chưa tỉnh mộng, giấc thụy du vẫn còn kéo dài qua những khổ thơ như sau:
Ngắt một bông trắng lau
Hương thắm giọt máu đào
Đêm bừng lên nguyệt thẹn
Tôi nằm dài xanh xao
Lúc nầy có lẻ là lúc nhà thơ đã đập đầu xuống đất. Nhà thơ đã ngất đi và linh hồn bước qua một cơn mơ khác. Có lẽ trong khi bất tỉnh, linh hồn nhà thơ vẫn chưa quay lại với  thân thể, nên nhà thơ thấy máu của mình trong bông lau màu trắng, thấy thân thể mình nằm xanh xao, đó là giấc mơ pha trọn giữa mộng và thực.
Hoa cỏ lau là loại hoa có những cánh hoa nhẹ nhàng và mềm mại đung đưa trong gió, tuy nhiên chúng lại là loại hoa có sức sống rất kiên cường và mãnh liệt khi đứng trước sóng to gió lớn. Vậy nên loại hoa này thường tượng trưng cho vẻ đẹp hoang sơ cùng với sức sống mãnh liệt, nó làm biểu tượng cho những kí ức được khắc sâu trong tâm trí của nhiều người.
Tác giả thấy mình ngắt một bông hoa cỏ lau thắm giọt máu đào nhưng vẫn có hương thơm. Điều đó thể hiện ký ức bừng trong linh hồn tác giả ngay giờ phút bị  va đập mạnh. Bông hoa lau thể hiện sự phất phới của kỷ niệm bay về trong bầu trời huyễn mộng mà tác giả đang lơ mơ nửa tỉnh nửa mê. Đêm bây giờ không còn là “nguyệt lộ” mà đã trở thành “nguyệt thẹn” vì cái thân thể “Tôi nằm dài xanh xao” của tác gỉả dưới trăng.
Dẫu thân thể đã “Tôi nằm dài xanh xao” nhưng linh hồn nhà thơ qua một cuộc “chạy băng đồi vô ngôn” đã chứng ngộ được pháp tính, đã an trú trong  niềm khoái lạc của đạo:
Chim về ngủ ôm trăng,
Ngô đồng rơi chánh điện.
Tôi ngồi giữa Phật đàng
Làm thơ như thánh hiện.

Máu ràn rụa tây hiên
Ồ. Máu băng ngực điên!
Tôi tĩnh mịch trang thơ
Hồn bay theo nhang khói
Chim về ngủ trong trăng”: là sự an trú trong thanh tịnh của linh hồn tác giả.
Ngô đồng rơi chánh điện”: Ngô Đồng là một loại cây quý, chim Phượng Hoàng đến đậu, thân cây làm nhạc khí. Câu thơ tượng trưng cho một linh hồn tốt đẹp, quay về đúng nơi bệ thờ cao quý, như chiếc lá Ngô Đồng rơi vào nơi chánh điện.
Đọc cả hai khô thơ trên, cho ta nhận biết sự thanh thoát trong linh hồn tác giả. Tuy “Máu ràng rụa tây hiên/ Ôi. Máu băng ngực diên!” nhưng người thơ vẫn tỉnh tọa “ngồi giữa Phật đàng” để “tỉnh mịch trang thơ”. cho hồn mình “bay theo nhan khoái” là một sư thăng hoa nhẹ bổng, êm đềm.
Cuối cùng nhà thơ ví mình như con chim chết giữa điện thờ:
Chim chết giữa điện thờ
Tôi rớt xuống điện thờ.
Chim là con vật yếu đuối, được chết giữa điện thờ là một vinh dự lớn lao. Trần Thoại Nguyên xem sự rớt của mình như con chim chết giữa điện thơ là một hạnh duyên tốt đẹp, như một cú đánh mạnh vào đầu cúa vị thiền sư trong lúc thiền sinh đang  ngồi viễn mộng, hồn thụy du về một cõi xa xăm. 
Toàn bộ bài thơ “Đêm Trăng Leo Lên Mái Chùa” tác giả nói về trăng. Nhà thơ ngắm trăng, bay qua trăng, rơi trong trăng và ngộ ra điều huyền nhiệm cũng ở trong trăng. Trăng là những điều huyền diệu soi khắp bản thể của muôn vật trong trời đất. Mỗi con người trong linh hồn cũng có một vầng trăng nội tại, nói xa xôi là một vị Phật còn ẩn trong lòng. Bài thơ như nói về vầng trăng ngoại tại, vầng trăng thiên nhiên đã khai sáng, cho linh hồn thấy được vầng trăng nội tại. Khi nhà thơ rơi từ cao xuống, cú va đập làm cho tóe máu cũng chính là lúc hai vầng trăng hòa điệu cùng nhau, tánh Phật trong tâm lóe sáng, hiển hiện khi nhà thơ ví mình như con “Chim chết giữa diện thờ”.
Như nhà thơ ZuLu ĐC đã viết ở trên: “Trần Thoại Nguyên đem vào trong thơ những từ ngữ triết học và thiền tông, bài thơ trở nên khó hiểu, nó chỉ phù hợp với một số đọc giả tin vào giá trị và uy danh tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh”. “Nó hướng tâm hồn của thi nhân vào chỗ đứng cao ngất ngưỡng, cần có một số vốn liếng triết học và căn bản Phật học môn phái Thiền tông, mới hoà nhập vào hồn thơ và ý nghĩa của “Đêm trăng leo lên mái chùa”.
Bởi vậy với trí óc nông cạn của mình, Châu Thạch tôi viết bài nầy vì yêu bài thơ và tác giả bài thơ, nên liều mạng múa rìu qua mắt vạn vạn thợ anh tài.            
Xin cúi đầu nhận những lời phê phán trách chê. Bài viết khi sao lục, chép lại của giả khác, đều dược đóngvào trong ngoặc kép./.
*.
CHÂU THẠCH (Trương Văn Trạn) 
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com





…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 03.05.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét