TIỂU
THUYẾT ‘TRUNG-VIỆT VIỆT-TRUNG’:
LỜI
HIỆU TRIỆU CỦA MỘT DÂN TỘC TRƯỚC ĐẠI HỌA
*
Tôi
tin chắc một điều, ngươì Việt hôm nay miễn là có lương tri thông thường, bất kỳ
ai cũng đều háo hức trước cuốn tiểu thuyết “Trung-Việt Việt-Trung” (1)
và muốn "ngấu nghiến" nó ngay lập tức - chưa cần biết dày mỏng, phải
trái, viết theo kiểu gì, hay dở ra sao. TRUNG - VIỆT VIỆT -TRUNG - những địa
danh được nâng thành khái niệm có nội hàm cả sông máu núi xương ngập "ân
oán giang hồ" này, trong suốt thời gian qua, đúng hơn là suốt mấy ngàn năm
qua, đã từng ám ảnh biết bao triều đại, biết bao thế hệ người Việt, và trong
thời hiện tại, chúng trở thành nỗi đau, nỗi nhục, nỗi căm, sự trăn trở lo toan
nhức nhối của từ vị lãnh đạo tối cao tới người dân đáy cùng xã hội! Tôi muốn
khẳng định ngay: tác giả cuốn tiểu thuyết này (là loại tiểu thuyết gì không mấy
quan trọng) đã đáp ứng được mong mỏi của tất cả những người Việt YÊU NƯỚC không
chỉ nhờ khối tư liệu và thông tin khổng lồ quý báu mà anh dày công thu thập,
nghiền ngẫm qua "nhiều tháng ngày xa quê Việt", mà còn ở lời kêu gọi
thống thiết, lời hiệu triệu của/ cho một Dân tộc đang đứng trước đại họa hiểm
nghèo bậc nhất trong lịch sử: "Đất
Nam biển Việt đang thật sự vào giai đoạn hiểm nguy mà mỗi người dân Việt phải
sáng suốt, can đảm và quyết liệt để cùng chọn lựa sinh tử lộ cho Tổ quốc."
(trg 292)
Cuốn
tiểu thuyết kỳ lạ Trung-Việt
Việt-Trung, xét ở mặt nào đó, chính là một phương thức hữu hiệu cho một
cộng đồng tự nhận thức lại về mình, sau khi đã nâng lên đặt xuống xem xét kỹ
lưỡng những quan hệ Thù - Bạn xưa nay, qua những mối quan hệ bang giao của
nhiều nước- trên một tầm nhìn rộng có bản lĩnh chính trị vững vàng làm chỗ dựa. (Tác giả Nguyễn Anh Tuấn)
Những
suy tư chiêm nghiệm đến ứa lệ máu của nhà văn qua mỗi chất liệu văn học cụ thể
(sự sống, sách báo, lời truyền miệng, thư điện tử...) đã được tổng hợp, nhào
nặn lại, tạo nên một ký ức sáng tạo riêng biệt mang tên Đỗ Quyên. Nhưng điều
đáng nói hơn cả (và đáng quý nhất), khi
"con quay kỳ lạ" của J. P. Satre vận
hành (tức là sự "xuất hiện" của tác phẩm văn học khi có một hoạt
động cụ thể gọi là "sự đọc" theo lối "quay"
theo những vòng tròn xoáy trôn ốc), thì từ lúc đó
chúng sẽ bắt đầu gia nhập vào ký ức chung của cả một dân tộc - dĩ nhiên, chắc
chắn không phải là cái “bản năng siêu ý thức tập thể” mà C. Jung từng nói đến!
Tác phẩm mới nhất của Đỗ Quyên đã góp vào cái kho ký ức chung đó rất nhiều dữ
liệu cần và quý cho hôm nay, nhất là cho lớp trẻ - từ tiếng voi gầm chiến thắng
bọn xâm lược phương Bắc của Hai Bà Trưng tới nỗi đau Gạc Ma chưa biết đến bao
giờ thôi rỉ máu; từ nền tảng triết lý cội nguồn của chủ nghĩa bành trướng Đại
Hán đến lời hịch tướng sĩ thời Trần cùng tiếng thét Sát Thát cho đến nay dường
vẫn còn "lung lay bóng nguyệt"...
Tác
phẩm chỉ có thể được gọi là tiểu thuyết khi có nhân vật và tâm trạng. Nhân vật
chính của tiểu thuyết Trung-Việt
Việt-Trung thực ra chỉ là tác giả. Tâm trạng của của các nhân vật có
thực hay bịa ra trong tiểu thuyết tựu trung chính là của bản thân tác giả,
chính xác hơn là chúng được ánh xạ, được tập trung lại để đổ dồn vào một mình
tác giả.
Đây
không còn dừng lại ở lãnh địa văn chương và những trò chơi của nó, đây còn là
sử ký của một sử gia trung thực và dũng cảm, là những đúc kết xã hội học nghiêm
túc, là những bình luận chính trị đanh thép mà thấu tình đạt lý, là sự bàn luận
chính trực về chiến lược ngoại giao, quân sự, v.v. - rất nhiều đoạn đáng đựơc
trích dẫn trang trọng vào các công trình nghiên cứu lịch sử, nhân văn, văn hóa,
ngôn ngữ hay thậm chí là những văn kiện chính trị, ngoại giao, quân sự chính
thống của Quốc gia - sau khi bóc đi cái vỏ diễu nhại, những râu ria châm biếm,
tự bình luận cho sướng hoặc cảm thán cá nhân!
Những
câu chuyện giả tưởng, những thơ con cóc, thơ nhại, tiếu lâm thời bao cấp, lối
diễn đạt vỉa hè, những cách nói bỡn cợt hay khiêu khích, v.v. đều được Đỗ Quyên
sử dụng một cách tưởng chừng như "vung vít" và "tự nhiên chủ nghĩa"-
song thực ra những "âm binh" đó chưa một lúc nào phản thùng tác giả,
anh luôn làm chủ chúng, và điều này không chỉ làm mềm đi những đoạn văn chính
luận mà còn có tác dụng cực tả cái Thanh Âm của "truờng ca văn xuôi bi-hài-hùng" (trg 7) theo lý thuyết của một
tác giả thời Chiến quốc nước Trung: "Đạo
thanh âm có quan hệ với chính trị" ("cái âm của đời trị an vui vì
nền chính trị của nó hài hòa. Âm đời loạn oán giận vì nền chính trị của nó sai
trái. Âm mất nước ai oán, người dân khốn khổ" (2)
Những
câu chuyện về di rời tổ quốc bất thành, về cái mũi khoan và bom dị bào, về mối
tình tưởng tượng giữa hai nhà văn ở hai quốc gia "vừa là đồng chí vừa là anh em" (đồng thời cũng là giữa kẻ ăn
thịt người với nạn nhân tự coi mình là người điên theo mô tả của văn hào Lỗ
Tấn), rồi những chuyện biểu tình của sinh viên Hồng Kông, v.v, dù tác giả có tự
đánh giá thế nào (anh khoe: một hãng phim Hollywood mua bản quyền chuyển thể
làm phim về chuyện bom dị bào) và các nhà phê bình chuyên nghiệp đáng kính có
đề cao đến đâu, theo thiển ý của tôi, xét cho cùng thì chúng chỉ làm cái cái
nền cho cuộc chiến giả tưởng giữa hai bên Việt - Trung, "một cuộc xung đột vũ trang "bất khả
kháng không phải lỗi từ Đại Việt" - mà cốt lõi là hai văn bản "tự
chế" của tác giả: "Lệnh phát
động chiến tranh đại dương Nam Hải để dạy cho tiểu bá quyền Đại Việt bài học
thứ hai" và "Lời kêu gọi
của Ban lãnh đạo tối cao Đại Việt gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước",
chúng có độ dài ngót 50 trang sách! Ở văn bản gọi là của đầu não Trung Nam Hải
phát ra, tác giả đã lột trần tất cả sự ngạo mạn, thói ngông nghênh coi trời
bằng đĩa cùng dã tâm độc ác của chủ nghĩa bá quyền Đại Hán xuyên táo nhiều thế
kỷ! Còn trong văn bản thứ hai của "phe ta", từ xuất phát điểm của
Pháp lý và Nhân nghĩa truyền thống: "Luôn
thủy chung với mình và với láng giềng, chúng ta mong muốn và thực thi bang giao
bằng hữu, hòa bình với 1,3 tỷ nhân dân Trung... Nhưng chúng ta càng khiêm
nhường, bọn bành trướng Trung càng lấn át, chúng ta càng hữu nghị thì càng bị
chèn lấn" (trg.294, 305), vâng, từ lý lẽ chân thực và đầy cảm xúc đó,
tác giả đã thực sự hóa thân vào hồn thiêng sông núi mấy ngàn năm, khơi gợi một
cách hiệu quả niềm tự hào dân tộc chân chính, thêm một lần đanh thép đòi chủ
quyền Biển Đảo của Đại Việt; tác giả còn nhấn mạnh tới sức mạnh "Vũ khí lòng dân", "Đội quân nhân dân" khi lưỡi gươm
của giặc đã tuốt thẳng chĩa vào sườn Đại Việt... Nhiệt huyết của tác giả hòa
quyện với những biểu tượng kỳ vĩ chống xâm lăng của dân tộc ta, máu xương của
bao lớp người Việt ngàn đời đổ xuống cho Độc Lập - Tự do dân tộc trong giờ phút
này trộn lẫn, và những trang viết không còn phân biệt đâu là lời của Ban lãnh đạo tối cao Đại Việt, đâu là lời thề
trên báng súng của các Anh hùng Liệt sĩ trận Vị Xuyên, đâu là giọt nước mắt của
người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản, đâu là lời kết án của tác giả trước tội
ác "Trời không dung, Đất không tha"
của bọn khát máu Đại Hán... Tất cả tạo nên một bản hợp xướng, một văn bản
"đa thanh" mà trong đó, "tính
chất kêu gọi sống động với tất cả những gì mà anh ta nghĩ đến và nói với"-
như M.Bakhtin từng viết (3).
Có điều, hầu hết những trang viết trên đều mang “tính chân thực của ngôn ngữ”-
và chúng đã vươn tới “tính chân thực của thông báo” trong “quá trình tìm kiếm
chân lý của nghệ thuật” – như nhà ký hiệu học Nga kiệt xuất Iuri Lotman từng
đòi hỏi. (4) Cũng chính “tính
chân thực của thông báo” đó kết hợp với sức mạnh tinh thần của tác giả - cái
sức mạnh cho anh đủ dũng khí tạo ra một bản "truờng ca văn xuôi
bi-hài-hùng" hết sức kịp thời, giúp “TRUNG - VIỆT VIỆT -TRUNG” trở thành
một "bách khoa toàn thư" về mối quan hệ chưa từng có trong lịch sử
nhân loại, quan hệ Việt - Trung, hơn thế, trở thành một lời kêu gọi, một lời
hiệu triệu bi thống thốt lên từ lòng Đất Mẹ ngàn năm: "Đồng bào ơi! Dù ở đâu trên bốn biển năm
châu, dân Việt luôn coi đất Việt trời Nam hình chữ S là quê hương duy nhất.
Người Việt chân chính sẽ không lợi dụng Tổ quốc lâm nguy để chống phá nhau chỉ
vì quyền lợi phe phái, mưu đồ cá nhân... Phải giữ Biển Đông hỡi đồng bào ơi!"
(trg. 307)
Dường như toàn bộ cuốn tiểu thuyết “Trung-Việt Việt-Trung” cố nhằm minh
chứng cho cái điều mà nhà nhân chủng học người Pháp Gustave Le Bon đã từng nói
từ cuối thế kỷ XIX: "Số phận của mỗi
dân tộc nằm trong chính nó, chứ không phải trong những hoàn cảnh bên ngoài. Tất
cả những gì mà người ta có thể đòi hỏi ở một chính phủ là sự biểu hiện của
những tình cảm, ý tưởng của dân tộc mà chính phủ đó được cử ra để cai trị; và
sự tồn tại của nó chính là hình ảnh của một dân tộc" (5). Và đó cũng là mong mỏi, là khát vọng của cả
một dân tộc chịu quá nhiều đau thương bất hạnh hiện đang đứng trước cơ hội sống
còn mà chàng Đỗ Quyên chỉ chưa đầy 4 trang sách đã phải ba lần thốt lên lời kêu
gọi thống thiết: "Đây, thời điểm
quyết định vận mệnh dân tộc Việt!"
___________________________
1. Đỗ Quyên - Trung Việt Việt Trung - Người Việt
Books, 2016
2. Khâu Chấn Thanh, Lý luận văn học nghệ thuật cổ
điển Trung Quốc- Nhà xuất bản văn học, Hà Nội-2001, trg 14
3. Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki - Trần Đình Sử,
Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 1998, trg 245
4. Cấu trúc
văn bản nghệ thuật – Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch, Nhà
xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2004, tr.38.
5. Những quy luật tâm lý về sự tiến hóa của các dân tộc, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội 2015, trg 140
Mời thư giãn với
nhạc phẩm XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ
của Trịnh Lâm Ngân, qua tiếng hát Duy Khánh:
*
Mai An NGUYỄN ANH TUẤN
Địa chỉ: Phố Thái Hà, quận
Đống Đa, Hà Nội
Email: tranthanhban1956@gmail.com
Điện thoại: 091.217.49.47
........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày
05.02.2021
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét