NGHI VẤN VỀ CÁI CHẾT CỦA QUÁCH THOẠI - Tác giả: Trịnh Thanh Thủy (Hoa Kỳ)

Leave a Comment

 

(Nhà thơ Quách Thoại)

NGHI VẤN VỀ CÁI CHẾT

CỦA QUÁCH THOẠI

*

Đối với những người đã từng quen biết Quách Thoại và đọc thơ cũng như những bài viết về ông thì ai cũng hiểu ông chết trong nghèo đói, bệnh tật, cô đơn, thất tình, thất chí. Tôi là hậu bối, đọc thơ và các bài viết về cuộc đời, cái chết của ông, lòng chạnh nỗi mến yêu lẫn trong niềm thương cảm. Tuy nhiên, khi đọc nhiều, óc tôi bỗng nảy ra một nghi vấn về cái chết của Quách Thoại.  Sự thật 59 năm trước, ông đã chết như thế nào? 

(Tác giả Trịnh Thu Thủy)

Nhắc đến Quách Thoại, một nhà thơ tài hoa góp mặt với cuộc đời chỉ vỏn vẹn 27 năm, đã là một thời gian ngắn ngủi. Thi sĩ Đỗ Quý Toàn từng có lần gọi Quách Thoại là “một thiên tài của nước tôi.”  khi ông viết trên nhật báo “Báo Đen” tại Sài Gòn năm 1970. Từ ngày Quách Thoại mất đến giờ, đã có nhiều bài viết phân tích và ngợi khen thơ của ông cũng như cái chết của ông đã từng gây nhiều sóng gió trên văn đàn ngày xưa. Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Thế Phong, Viên Linh, Thích Nhất Hạnh, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Mạnh Trinhv.v… đều nhắc nhở đến ông một cách gián tiếp hay trực tiếp.

Tôi tra cứu từng bài viết, tôi thấy hình như thông tin về cái chết của ông trong mỗi bài viết được nhắc đến có nhiều chi tiết mơ hồ và thiếu nhất quán, mỗi người tường thuật một lối khác nhau.

– Trong bài viết “Nhà thơ Quách Thoại” của Lý Hoàng Phong, anh ruột của Quách Thoại, ông viết về cái chết của em mình như sau: “Vài tuần sau, Thoại hấp hối trong bệnh viện nơi một căn phòng bố thí.  Một người bạn trẻ và người anh đến với nó những ngày cuối cùng và chôn cất nó nơi một nghĩa địa xa ngoài đô thành. Thoại nằm xuống lòng đất trong một bộ áo tu trắng với nơi cổ tay một tượng ảnh Đức Mẹ. Những giờ vất vả với cái chết trên giường bệnh, Thoại van xin “Lạy Thượng Đế ban ơn”. Cho đến phút chót, Thoại vẫn kêu gào muốn sống.”

– Thanh Tâm Tuyền đã nhắc đến Quách Thoại trong bài “Thoại ơi! Thoại ơi! Không biết khóc” bằng một lời thú tội.

 “Chúng tôi mang thứ tình bất lực ấy đối với Quách Thoại. Thoại nghèo, Thoại bệnh, Thoại thi sĩ. Chúng tôi chẳng thể thay đổi được những điều ấy ở Thoại. Và tàn ác chúng tôi đã ước mong cái chết của Thoại. Nhật ký của tôi còn ghi ngày 22 tháng 7 năm 1956 những dòng này: “Và chính bây giờ tôi có ý tưởng Thoại nên chết thì hơn. Sống khốn nạn và hắt hủi thì chết còn nhẹ.”…. Chúng tôi bỏ rơi, chúng tôi quên Thoại trong những ngày cuối cùng của đời chàng. Thoại chết bao giờ, ở đâu? Cho đến khi viết những dòng này tôi cũng chẳng hay. Chỉ nghe kể lại sau ba ngày không ăn uống, Thoại đã từ biệt vĩnh viễn cuộc đời trong một bệnh viện Trung hoa ở Chợ lớn. Không một người bạn đưa Thoại tới nơi an nghỉ. Người anh của Thoại, anh Lý Hoàng Phong, lo chôn cất em và giấu [sic] kín tin tức về cái chết ấy. Khi chúng tôi biết thì Thoại đã ngủ yên ở một nghĩa địa nào ngoài Phú Thọ. Có thể anh Lý Hoàng Phong không muốn làm phiền mọi người vì cái chết được ước mong ấy. Có thể đó là ý muốn của Thoại.”

– Thiền sư Thích Nhất Hạnh khi nhắc đến Trụ Vũ và Quách Thoại, ông viết. “Quách Thoại ít lên chùa hơn Trụ Vũ. Và Quách Thoại thể chất ốm yếu hơn Trụ Vũ. Anh bị lao, được đem vào Bệnh viện Bình Dân chữa trị và mất ở đó, tuổi chưa tới ba mươi. Trong những bản thảo của anh, người ta tìm được bài Hoa Thược Dược mà tôi rất thích”

– Viên Linh thì “Cái chết của thi sĩ gây ồn ào trong sinh hoạt văn nghệ, và làm đau lòng thân nhân người thơ non yểu, chắc chắn là thế, tuy rằng khi chuyển linh cữu nhà thơ từ giường bệnh tới nhà xác, chỉ có 2 người lặng lẽ đi theo: trong có một người anh ruột. Báo chí văn nghệ viết nhiều về cái chết của anh, đích xác là ngày 7 tháng 11, 1957; nhưng không rõ có đích xác hay không là anh đã chết đúng như một câu thơ của mình: “Lỡ một ngày mai tôi chết trần truồng không cơm áo…”

Chết trần truồng thì không, anh em nói, song không cơm áo thì cũng gần gần, cũng có thể. Anh có trần truồng thật, nhưng lúc ấy là sau này, khi thi thể anh được dùng cho sinh viên giải phẫu cơ thể thực tập.”

– Nguyễn Đình Tuyến trong bài “Quách Thoại (1927-1957)” kể rằng: “Quách Thoại mất trong bệnh viện Hồng Bàng vì bệnh lao, trong một căn phòng bố thí và trong tình thương của Thượng đế: nhà thơ đã thuận để một bà xơ rửa tội theo phép đạo Công giáo.”

Đoạn viết trong một bài đăng trên blog của nhà văn Thế Phong, Đường Bá Bổn khi giới thiệu đến độc giả bài viết “Quách Thoại với trăng thiếu phụ” của thi sĩ Trần Tuấn Kiệt, đã có một lời dẫn thế này:

 “Lời dẫn… năm 1957, Quách Thoại qua đời, lập tức “Hàn Mặc Tử và Quách Thoại, nhà thơ siêu thoát” của Thế Phong ra mắt, (Đại Nam văn hiến, Saigon xuất bản 1960, tái bản in ty-pô 1965 )- bị phản ứng mãnh liệt. Từ người anh ruột Đoàn Tường, phản đối, em ông ta qua đời, tại nhà thương thí Lao Hồng Bàng (Saigon 5), không phải chỉ có một bà-xơ vuốt mắt. Rồi phu quân nữ  thi sĩ (Vi Khuê), đọc sách xong, cơn nóng bừng bừng bốc hỏa, đỏ mặt, ghen, tức hận… Bây giờ, chàng phu quân của nữ thi sĩ, cũng đã “ra đi” không mang va li theo, chân không đi ba ta…  

Tuy Thoại, mang tiếng, là biên tập viên tạp chí Sáng tạo/Mai Thảo (nhận tiền tài trợ USIS Saigon), nghe tin Thoại qua đời trong nhà thương thí, thì, không tên nào tới  thăm, chu cấp tiền bạc, thuốc thang, kể cả “tên đầu sỏ Mai Thảo mặt ngựa” vẫn chụm đầu hằng đêm tại nhà hàng Văn Cảnh – hít hà cặp má vũ nữ – và anh ruột, là Đoàn Tường, sau này cũng qua đời trong  nghèo túng ở thời bao cấp tại Làng Báo Chí (quận 2 bây giờ) – chết cũng chỉ  mang theo được sự bội bạc đối với bạn bè (Mai Thảo), anh em ruột thịt. (Đoàn Tường- Lý Hoàng Phong).”

Đấy là tất cả những gì tôi gom góp được về cái chết của Quách Thoại qua các bài viết.

Năm 1999, khi mạng lưới Internet mới có, trên một website, tôi tình cờ quen được một bạn thơ lớn tuổi tên Thanh Sơn ở San José. Thanh Sơn nói ông từng biết về Quách Thoại và cái chết của ông. Thanh Sơn đã viết và bỏ trên website ngày đó. Tôi lưu giữ và hôm nay đem đối chiếu lại thì thấy khác với những chi tiết tôi ghi nhận được từ những thân hữu và anh ruột của Quách Thoại ghi lại. Tiện đây xin các bạn đọc nghe Thanh Sơn kể lại một giai thoại về phút cuối đời của một nhà thơ nghèo cơm áo nhưng rất giàu cảm xúc và tình người.

Thanh Sơn kể:

“Ngày nay (1999),  nhắc đến thi sĩ Quách Thoại chắc không mấy người còn nhớ. Có lẽ vì ông ra đi rất sớm. Bởi vì ông mất đã lâu lắm rồi. Có chăng chỉ còn Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên ở Minnesota may ra thỉnh thoảng còn nhắc lại những kỷ niệm về Quách Thoại. Một người, tôi được biết đóng vai chính trong việc liệm chôn ông Quách Thoại là nhà văn Mai Thảo, tác giả “Đêm giã từ Hà Nội” và là chủ nhiệm Sáng Tạo thời đó. Tôi còn nhớ dạo ấy tôi làm việc tại nhà in Hợp Lực tại đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Thỉnh Thoảng tôi vẫn thấy các ông Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Đức Quỳnh, Thanh Tâm Tuyền ghé lại. Khi thì đưa bài in tập san “Đất Đứng” do Mặc Đỗ phụ trách, khi thì chuyện vãn dăm ba câu về thời sự văn nghệ. Quách Thoại đôi lần cũng có đến Hợp Lực để đọc cho mọi người nghe những bài thơ ông vừa viết xong hoặc nói chuyện sinh hoạt văn nghệ mà ông vừa nghe, biết được. Thơ Quách Thoại không được phổ nhạc như của các ông Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê sau này, song kể về mặt tài hoa thì thơ ông cũng linh hoạt và sắc bén vô cùng. Có một lần Quách Thoại đọc cho nghe một bài thơ tả người thiếu nữ từ mái tóc đến phần ngực. Tiếc rằng tác giả không cho in để chúng ta thử nhìn xem Nga của Nguyên Sa và của Quách Thoại khác nhau như thế nào. Dạo ấy Quách Thoại sống tại gầm thang gác của một ngân hàng tư tại đường Hàm Nghi trông sang Nhà Hỏa Xa chợ Bùng Binh Sài Gòn. Ông chưa có gia đình, sống nhờ vào lòng thương yêu của bè bạn và bằng hữu làng văn. Ông lại mang bệnh lao thời kỳ thứ ba, nhưng rượu thì nhất định ông không chừa được. Có lẽ đó là nguồn cảm hứng của ông. Cho nên dù các ông Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp có khuyên can gì đi nữa, ông chỉ ậm ừ cho qua. Nhà văn Mai Thảo dạo ấy đang làm ăn phất, vừa phụ trách tờ Sáng Tạo, lại viết bài cho tờ Điện Ảnh của Quốc Phong, nên đối với các anh em nhà văn túng nghèo thường lui tới thăm hỏi. Như thường lệ, sáng hôm đó Mai Thảo đến rủ Quách Thoại đi điểm tâm. Đến nơi thì người gác dan của ngân hàng cho biết Quách Thoại đã mất đêm qua vì thổ huyết nặng. Mai Thảo vào xem thì thấy, Quách Thoại vẫn còn nằm sấp trên sàn xi măng, trần truồng. Thế là Mai Thảo tức tốc về thông báo anh em Sáng Tạo. Một đám tang nho nhỏ thành hình và thi sĩ Quách Thoại vĩnh viễn trở về lòng đất mẹ. Dường như người làm thơ nào cũng trong hoàn cảnh nghèo và có lẽ vì vậy thơ của các ông đều xuất phát từ một sự rung động sâu xa.

Tôi ghi lại đây chút nhớ nhung còn sót lại để cùng Tóc Dài (một bút hiệu của Trịnh Thanh Thủy) tụng ca những nhà thơ Việt Nam đã sớm từ giã cõi đời.

Thanh Sơn – May-06-1999”

Tôi xin tổng kết những chi tiết cái chết Quách Thoại được thuật lại như sau.

Anh ruột Quách Thoại, Lý Hoàng Phong kể ông chết trong bệnh viện chỉ có ông và một người bạn trẻ đưa ông đi chôn. Thanh Tâm Tuyền nói, không ai biết về cái chết của Quách Thoại ngoại trừ Lý Hoàng Phong đã chôn Quách Thoại và giấu kín không cho ai biết. Nguyễn Đình Tuyến kể, Quách Thoại chết trong bệnh viện Hồng Bàng. Viên Linh thì bảo, thân thể ông được đem cho sinh viên giải phẫu thực tập. Đường Bá Bổn trên blog của Thế Phong viết, sau khi Thế Phong viết về Quách Thoại, không biết ông viết gì mà bị phản ứng mãnh liệt. Anh Quách Thoại, Đoàn Tường (Lý Hoàng Phong) phản đối việc chỉ có một bà xơ vuốt mắt và phu quân nữ thi sĩ Vi Khuê tức giận. Ông Bổn nói, Quách Thoại qua đời tại nhà thương thí mà không người bạn nào tới thăm, giúp đỡ kể cả Mai Thảo. Trong khi ông Thanh Sơn kể, người gác dan ngân hàng nơi Quách Thoại sống ở gầm thang gác ngân hàng phát giác Quách Thoại chết đêm hôm trước vì thổ huyết nặng. Mai Thảo vào xem thì thấy Quách Thoại còn nằm sấp trần truồng trên sàn xi măng.

Dù Quách Thoại đã chết như thế nào, ở bệnh viện hay ở gầm cầu thang, với quần áo hay trần truồng như lời tiên tri trong thơ ông, ông cũng đã an nghỉ đời đời, không còn phải long đong, cơ khổ vì đói nghèo, nghiện ngập và bệnh tật nữa. Câu hỏi tôi thắc mắc và nêu ra cũng chỉ là một nghi vấn không lời giải đáp. Tuy nhiên những gì ông để lại cho hậu thế là một gia tài thơ ca giàu có và thật đẹp đẽ. Tôi xin thắp nén nhang nhân ngày giỗ năm nay của ông./

----------

Tài Liệu tham khảo:

– Nhà thơ Quách Thoại Lý Hoàng Phong

http://www.hocxa.com/VanHoc/NhaThoChetTre/QuachThoai_LyHoangPhong.php

– Thi sĩ Quách Thoại ( 1929- 1957) yêu ai, để có ‘trăng thiếu phụ’ .

http://thang-phai.blogspot.com/2012/11/thi-si-quach-thoai-1929-1957-yeu-ai-e.html

– Thanh Tâm Tuyền về Quách Thoại

http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/11/hinh-nhu-ay-la-tap-tho-duy-nhat-tung-in.html

– QUÁCH THOẠI ( 1927-1957) / bài : Nguyễn Đình Tuyến http://thang-phai.blogspot.com/2012/03/quach-thoai-1927-1957-bai-nguyen-inh.html

 *

California. November 22, 2016

TRỊNH THANH THỦY

Địa chỉ: Nam California, Hoa Kỳ.

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com ngày 03.03.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét