SỰ LỰA CHỌN TẤT YẾU - Tác giả: Dương Quốc Việt (Hà Nội)

Leave a Comment

 

SỰ LỰA CHỌN TẤT YẾU

*

Đã đăng trong TPM: Sự lựa chọn tất yếu

và VĐV: Sự lựa chọn tất yếu

 

“Làm thế nào để tạo điều kiện cho mọi nguồn lực của xã hội phát triển, để dành cho được chố đứng vững chắc trên thương trường quốc tế, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, là một vấn đề như đang thu hút hết thảy mọi tâm lực của đất nước, nó lớn hơn và có khả năng nhấn chìm tất cả mọi ước muốn chủ quan, trì trệ chống lại xu thế đó! Rằng đó cũng chính là một thời cơ lớn để thay đổi vị thế của đất nước!”

***

Cậu bảo: Cũng không xa?

- Nước Nga?

- Ờ nước ấy

Và há mồm khoan khoái

Lão ngồi mơ nước Nga

(Lão đầy tớ- thơ Tố Hữu). Người Việt đã từng có cả một thời kỳ dài hướng về nước Nga như thế.

Trở lại với lịch sử nước Nga, vào tháng 11 năm 1825 nhân Nga hoàng Alexander đệ nhất từ trần, một lực lượng cách mạng Nga đã thông qua một tuyên ngôn, tuyên bố lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, hủy bỏ chế độ nông nô, thừa nhận quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật và các quyền tự do dân chủ. Và ngày 14 tháng Chạp năm 1825 tại Saint-Petersburg, họ đã tiến hành khởi nghĩa vũ trang, song cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt nhanh chóng, vì đã không nhận được sự ủng hộ của quảng đại quần chúng.

(Tác giả Dương Quốc Việt)

Đại thi hào Nga Alexander Sergeyevich Pushkin (1799-1837) cho rằng, những nhà cách mạng Tháng Chạp chỉ là những người đã đi làm cách mạng cho những người, mà họ vẫn đang tự bằng lòng với cuộc sống của họ. Ông ví những nhà cách mạng này như những “Người gieo giống tự do trên đồng vắng”, và đó cũng chính là tiêu đề cho một bài thơ nổi tiếng của ông, do nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993) dịch.

Là người gieo giống tự do trên đồng vắng

Tôi ra đi từ sáng sớm tinh mơ

Bàn tay tôi trong trẻo ngây thơ

Gieo mầm sống trên luống cày nô dịch

 

Nhưng tôi chỉ phí thời gian vô ích

Cả tư tưởng và việc làm thiện chí của tôi

Nhân danh thanh bình, cứ gậm cỏ đi thôi!

Tiếng vinh dự không thể làm tỉnh giấc

 

Tự do đâu cho một bầy súc vật?

Chúng chỉ cần cắt xẻo, cạo lông

Đời nối đời, di sản chúng nó chung

Là ách nặng đeo chuông và roi vọt.

Có đúng chăng, nếu có người bảo Pushkin đã chê trách dân Nga thời đó, đã bỏ đi một cơ hội đổi đời, một thời cơ thay đổi đất nước!? Cũng có người bảo, cách mạng Tháng Chạp, là một cuộc cách mạng xa dân. Chẳng sao cả, vì lịch sử Nga vẫn cần có cách mạng Tháng Chạp, như vẫn cần có người con Pushkin vĩ đại, và dân tộc Nga vẫn tự hào, vẫn đủng đỉnh của một người khổng lồ, tự viết những trang lịch sử của riêng mình.

Cách mạng Tân Hợi năm 1911 tuy có thắng lợi ban đầu, đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho tư bản phát triển, nhưng cuối cùng lực lượng cách mạng vẫn không dành được quyến lãnh đạo đất nước. Cũng vĩ đại như nước Nga, người khổng lồ Trung Quốc, tuy có lúc thăng trầm, thậm chí bị đô hộ, nhưng con sư tử dẫu có ngủ, thì những loài khác cũng không thể nuốt nổi con mồi, bởi oai linh và độ lớn của nó.

Lịch sử xã hội, là lịch sử của những dân tộc, với những bước ngoặt làm nên dòng chảy của lịch sử đó. Sự thất bại ngay từ đầu của cách mạng Tháng Chạp, hay không đi được đến cùng của cách mạng Tân Hợi, đã làm cho hai quốc gia Nga-Trung ngả theo một hướng khác hẳn. Hai sư tử Nga-Trung đã bước lên vũ đài thống trị một nửa thế giới, cho đến những thập niên cuối của  thế kỷ XX, để rồi ai đi đường nấy. Đó cũng chính là thời kỳ nhân loại được chứng kiến những kiểu mẫu lãnh tụ mới, như Josef Stalin với chủ nghĩa Stalin, và Mao Trạch Đông với chủ nghĩa Mao.

Sinh sau đẻ muộn hơn, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, với tuyên ngôn Nhân quyền vào ngày 4 tháng 7 năm 1976, đó là một quốc gia đa dạng chủng tộc nhất trên thế giới, do kết quả của những cuộc di dân đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Một đất nước luôn được dẫn dắt bởi những tầng lớp tinh hoa có nguồn gốc dân tộc từ khắp các quốc gia hay châu lục. Miền đất hứa của nhân loại này, có người đã ví như thủ đô của hành tinh, nơi tập hợp những tinh hoa của mọi miền xứ sở. Khỏi phải nhắc lại, quốc gia này đã làm được những gì cho loài người. Ở đó không có lãnh tụ hay chủ nghĩa kiểu như Josef Stalin và Mao Trạch Đông. Ở đó họ bước vào  kinh tế thị trường như một bản tính tự nhiên của con người, tạo gắn kết cao nhất giữa quyền lợi của nhà sản xuất với lợi ích cộng đồng.

Cũng như cuộc đời của mỗi con người, lịch sử của mỗi quốc gia, dường như cũng là một định mệnh. Phải chăng đó là lịch sử của tạo hóa, chứ không phải là lịch sử của tiến hóa? Và con người có thể ngoái lại quá khứ, để hy vọng có thể ngoại suy về định mệnh?

Người ta có thể cho rằng, nếu cách mạng Tháng Chạp của Nga thắng lợi thì sẽ không có cách mạng Vô Sản Nga năm 1917, cũng như vậy, nếu những người của cách mạng Tân Hợi dành được quyền lãnh đạo tuyệt đối Trung Quốc cùng với thể chế của họ, thì chắc sẽ không ra đời nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1949, và thế giới chắc sẽ có nhiều đổi khác.

Nhưng định mệnh của hai nước Nga-Trung đã không như vậy, người Nga và người Trung Quốc đã không lựa chọn như vậy. Dường như ý chí của họ, như muốn được tham gia sáng tạo cùng với tạo hóa cho cái thế giới này, hay cũng có thể tạo hóa cho phép các quốc gia lớn này, được cái quyền tham gia cùng sáng tạo thế giới (!?)

Vì thế, nhân loại trong thế kỷ XX đã được chứng kiến một bức tranh, với hai nửa tương phản của thế giới, một nửa được vẽ  bởi chất màu tự nhiên, nửa còn lại nhuốm màu nhân tạo (!) Một thời kỳ Nga-Trung đã dẫn dắt một nửa nhân loại không hướng theo kinh tế thị trường. Thế giới như đã tồn tại hai nửa chính, một nửa miệt mài nắm bắt và nương theo dòng chảy của tạo hóa, và họ luôn biết và cần tự điều chỉnh, mỗi khi đâu đó, lúc này lúc kia bị gây tắc nghẽn, thậm chí khủng hoảng, nửa còn lại như vẫn muốn mang ý chí chủ quan sắp đặt thế giới thay cho tạo hóa.

“Thuận theo trời thì sống, chống lại trời thì chết” luôn là chân lý phải học của muôn đời. Thế rồi cái gì đến đã đến, kỷ nguyên mới- kỷ nguyên của công nghệ thông tin đã tới. Thông tin và tri thức dường như đã  trở thành kho trời chung của cộng đồng nhân loại, mà mỗi cá nhân đều có thể có quyền sử dụng và đóng góp vào cái kho chung đó. Thời đại những thế hệ, hay những tầng lớp công chúng dễ dàng bị đầu độc về tư tưởng đã qua. Cũng như cái cách “sáng tạo” ra chân lý và sự thật bằng kiểu áp đặt và bịa đặt, hay nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đã trở nên quá lỗi thời. Cơ hội cho mỗi cá nhân, ngày càng lớn, thậm chí sự lệ thuộc của mỗi cá nhân vào thể chế cũng đã ngày càng giảm bớt, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Hai sư tử Nga-Trung cũng đã tỉnh giấc, tuy thể chế vẫn còn mang nhiều dấu vết của một thời đã qua, để hướng về kinh tế thị trường, và người Việt chúng ta cũng vậy. Không sức mạnh nào chống lại được quy luật, bất luận có như thế nào, thì chân lý vẫn phải trả về với cuộc sống.

Tạo hóa sản sinh ra muôn loài, nhưng tạo hóa có cho mỗi loài cái quyền được tồn tại bình đẳng hay không?  Luật “cá lớn nuốt cá bé” cũng là một luật chơi nghiệt ngã của tạo hóa đó thôi(!)

May thay, tạo hóa lại không bao giờ sinh ra chỉ một cá lớn-thành kẻ độc tôn sức mạnh, cũng như tạo hóa không phải chỉ sinh ra một vài cá nhỏ, mà là quần thể cá nhỏ. Do vậy mà cá lớn luôn bị khống chế sức mạnh bởi những cá lớn khác, còn cá nhỏ lại có ưu thế linh hoạt và dễ gắn bó với cộng đồng của mình, ấy là chưa kể tạo hóa đã không giới hạn vũ khí tự vệ cho bất cứ loài nào. Bởi vậy luật chơi “cá lớn nuốt cá bé”, hóa ra cũng chẳng dành ưu thế tuyệt đối cho ai!? Dẫu là cá lớn cũng không thể thắng nổi một quần thể cá nhỏ năng động và biết gắn kết, đó cũng là một định luật cân bằng của tạo hóa.

Vì thế, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cùng với những liên kết giữa các quốc gia như ASEAN hay EU, đã làm cho các quốc gia bình đẳng hơn, việc bảo toàn lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình cũng khả thi hơn.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều đổi khác, đặc biệt là sự chuyển hướng mạnh mẽ của hai nước Nga-Trung, cũng như những bài học đau lòng về kinh tế và những vấn đề khác trong nhiều thập niên của thế kỷ trước, đã thúc đẩy người Việt đến với hội nhập sâu rộng, cùng với chính sách ngoại giao đa phương-hòa bình. Phải chăng sự lựa chọn tất yếu này, đã và sẽ giúp người Việt hiểu rõ mình và thế giới hơn, để có điều kiện thoát khỏi sự kiềm tỏa kìm hãm, trì trệ, cũng như thoát khỏi men say quá khứ chiến thắng nhanh hơn!? 

Sức sống-trường tồn và bản lĩnh của người Việt, đã được tôi luyện trong suốt chiều dài lịch sử giữ nước, giờ cần phải được chuyển hóa và phát huy trong thời đại mới, thời đại của hội nhập-cơ hội-thách thức-cạnh tranh và phát triển. Thời đại mà sự tồn tại phải được đồng nghĩa với sự phát triển, thời đại của xâm lăng kinh tế và văn hóa, chứ không còn chỉ đơn thuần là xâm lược lãnh thổ thô bạo.

Dường người Việt đã và đang bị và được thử thách trong bối cảnh của thời đại mới. Nhưng có lẽ đó cũng chính là sự tự lựa chọn, và bắt buộc phải lựa chọn của chúng ta, trong tiến trình xây dựng và bảo vệ lãnh thổ của mình. Và bây giờ người Việt không thể có một con đường nào khác, ngoài việc phải thẳng tiến bằng chính nội lực của mình, dành cho được những ưu thế trong sân chơi rộng lớn này.

Vì vậy, làm thế nào để tạo điều kiện cho mọi nguồn lực của xã hội phát triển, để dành cho được chố đứng vững chắc trên thương trường quốc tế, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, là một vấn đề như đang thu hút hết thảy mọi tâm lực của đất nước, nó lớn hơn và có khả năng nhấn chìm tất cả mọi ước muốn chủ quan, trì trệ chống lại xu thế đó! Rằng đó cũng chính là một thời cơ lớn để thay đổi vị thế của đất nước!

Mời thư giãn với nhạc phẩm SẮC MÀU

của Trần Tiến, qua tiếng hát Trần Thu Hà:

*

DƯƠNG QUỐC VIỆT

Địa chỉ:  Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,

quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn



 

....................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 26.02.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


0 comments:

Đăng nhận xét