NGUYÊN NGỌC - NHỮNG SUY TƯ Ở TUỔI 'NHÂN SINH THẤT THẬP' - Tác giả: Nguyễn Thế Khoa (Hà Nội)

Leave a Comment

 

NGUYÊN NGỌC - NHỮNG SUY TƯ

Ở TUỔI “NHÂN SINH THẤT THẬP”

*

(Tác giả Nguyễn Thế Khoa)

Nguyên Ngọc tên thật là Nguyễn Văn Báu, sinh ngày 5/9/1932 tại Hội An, Quảng Nam. Người lính cầm bút của xứ sở “chưa mưa đà thấm” này đã nổi tiếng từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, khi chưa đầy 30 tuổi, với các tác phẩm văn xuôi xuất sắc: tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”, truyện vừa “Mạch nước ngầm”, và tập truyện ngắn “Rẻo cao”. Trong kháng chiến chống Mỹ, với bút danh Nguyễn Trung Thành, ông là tác giả của những “Đường chúng ta đi”, “Rừng xà nu”, “Đất Quảng”... từng chấn động một thời.

Năm 2002 này, Nguyên Ngọc bước sang tuổi 70. Nhà văn của những anh hùng ca tiêu biểu của đất nước trong hai cuộc kháng chiến năm xưa dù vẫn tiếp tục cho ra đời những sáng tác xúc động về kháng chiến: “Có một con đường mòn trên biển”, “Cát cháy”, “Tháng Thinh Nông”... nhưng hình như ông đang lặng lẽ hướng tinh lực của mình vào những lĩnh vực khác. Nguyên Ngọc vẫn đọc, đi và viết, với sự sung sức và nhạy bén kỳ lạ. Dù nhà ông ở số 8 Lý Nam Đế - Hà Nội, nhưng ông rất ít khi có mặt ở đó, trừ lúc đau ốm. Khi cần gặp ông, người ta rất khó biết ông đang ở đâu: ở miền Trung, Tây Nguyên hay đồng bằng sông Cửu Long. Ông luôn làm ta bất ngờ trước khả năng tiếp nhận cuộc sống và kiến thức khoa học mới, trước sức đi, sức nghĩ và sức làm việc của ông ở ngưỡng cửa của tuổi “nhân sinh thất thập”. Bây giờ người ta gọi ông là nhà “Tây Nguyên học”, “Quảng Nam học” bởi những hiểu biết phong phú và sâu sắc cùng lòng nhiệt thành của ông đối với hai vùng đất đặc sắc và bí ẩn này của đất nước. Ông chủ biên chuyên san Ngok Linh về văn hoá Tây Nguyên và công trình nghiên cứu văn hoá xứ Quảng. Tiểu luận “Phương Nam trong văn hoá Việt” là một bút ký khoa học giàu sức chinh phục về quá trình mở nước của cha ông và qui luật tiếp biến của văn hoá dân tộc. Những năm gần đây, Nguyên Ngọc đã giới thiệu và dịch hai quyển sách kỳ thú về đất nước và con người Tây Nguyên của Comdominas và Dournes: “Kỳ lạ mỗi ngày” và “Rừng - Đàn bà - Điên loạn” và các công trình quan trọng của các nhà lý luận văn học và cách tân tiểu thuyết nổi tiếng thế giới: Roland Barthes, Jean Paul Satre và Kundera.

Trò chuyện với Nguyên Ngọc bao giờ cũng rất thú vị. Những điều ông nói có thể không phải bao giờ cũng đúng nhưng đều là những điều được ông chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, tâm đắc và bao giờ cũng gợi lên những vấn đề đáng quan tâm suy nghĩ.

Tôi có dịp gặp và trò chuyện với nhà văn Nguyên Ngọc tại nhà riêng ông ở khu tập thể Văn nghệ quân đội - 8 Lý Nam Đế - Hà Nội vào mùa hè 2002. Nguyên Ngọc vừa từ Tây Nguyên trở về và vừa trải qua một cơn ốm nặng. Dù còn rất mệt, ông vẫn sôi nổi trò chuyện cùng tôi. Câu chuyện bắt đầu từ Tây nguyên đến những vấn đề của văn học, văn hoá của cả nước...

- Ai cũng biết Tây Nguyên là mối quan tâm thường trực trong anh từ nhiều năm nay. Anh đã đến Tây Nguyên từ những năm còn rất trẻ và mấy chục năm qua, anh luôn gắn bó với quê hương của “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”... Tây nguyên đang trở thành một vấn đề thời sự...

- Tây Nguyên là một vùng đất quan trọng của Tổ quốc ta. Đồng bào các dân tộc Nam Trường Sơn đến với cộng đồng các dân tộc Việt Nam muộn nhất nhưng lại hết sức thuỷ chung son sắt và có những đóng góp lớn lao trong hai cuộc kháng chiến cứu nước. Khó có thể hình dung được cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là kháng chiến chống Mỹ của đất nước ta mà không có Tây nguyên. Cuộc quyết chiến chiến lược giải phóng miền Nam thống nhất đất nước kết thúc ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn nhưng đã thực sự bắt đầu từ chiến công giải phóng Buôn Ma Thuộc ngày 8/3...Giờ thì chiến tranh đã qua lâu rồi, mấy chục năm rồi. Tây Nguyên đã phát triển, biến đổi rất nhiều, thậm chí theo một số chỉ số nào đó còn phát triển nhanh hơn nhiều vùng khác của đất nước. Đất đỏ Ba dan phì nhiêu và rừng đại ngàn được triệt để khai thác, nửa triệu hécta cây cao su, nửa triệu hécta cà phê đã được trồng, đường sá, thuỷ điện Ialy, đường dây 500 KV, các thành phố thị xã giàu có lên thấy rõ... Nhưng theo tôi để Tây Nguyên phát triển sâu sắc, ổn định và bền vững, cần chú ý hai điều rất cơ bản mà rất tiếc vừa qua có lúc chúng ta đã quên. Thứ nhất, Tây Nguyên là một trong ba vùng dân tộc lớn nhất của nước ta với những đặc điểm của tự nhiên, con người, văn hoá xã hội rất riêng biệt. Thứ hai, phát triển Tây nguyên trước hết là phải vì lợi ích của nhân dân các dân tộc ở đây, người chủ lâu đời của vùng đất này. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên phải thực sự được hưởng trước hết những thành quả mà sự đổi mới phát triển đem lại.

- Có nghĩa là chúng ta chưa thực sự coi trọng yếu tố văn hoá và con người tại chỗ trong đổi mới và phát triển ở Tây Nguyên?

- Đó là một sự thật đáng buồn nhưng không thể không thẳng thắn nhận ra. Do quá vội vã khai thác tài nguyên tưởng chừng vô tận ở đây, người ta đã không chú ý đúng mức đến hai điều cơ bản này. Có thể nói trong sự phát triển chung cũng như trong một số biện pháp cụ thể chúng ta đã thể hiện sự thiếu hiểu biết những đặc điểm của văn hoá và con người của vùng đất này.

- Vậy theo anh, để xây dựng và phát triển Tây Nguyên một cách ổn định, bền vững, chúng ta cần phải hiểu những đặc điểm gì?

- Cần phải hiểu đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, rừng và làng là như thế nào!

- Anh vẫn thường nói văn hoá Tây Nguyên là văn hoá rừng, văn hoá làng. Anh có thể nói rõ hơn?

- Văn hoá - Culture - theo nghĩa gốc của nó là canh tác, là gieo trồng. Thật đúng, phải không? Văn hoá là cái mà con người gieo trồng trên đất đai, trên tự nhiên, là dấu ấn người trên tự nhiên. Có hàng trăm định nghĩa về văn hóa nhưng định nghĩa nào cũng phải có hai yếu tố cơ bản: con người và tự nhiên. Văn hoá chính là kiểu cách con người quan hệ với tự nhiên và từ đó quan hệ với nhau.

Con người Tây Nguyên từ nghìn đời nay đã xây dựng được một nền văn hoá cho phép con người ta sống hài hoà với rừng núi, không gian sinh tồn của họ. Theo tôi đặc điểm lớn nhất bao trùm nhất, “sinh tử” nhất của con người Tây Nguyên là sự gắn bó, không, không chỉ gắn bó mà hoà nhập làm một với rừng. Quan hệ giữa con người với rừng sâu sắc, cơ bản và lại cụ thể , thể hiện trong mọi mặt đời sống, đặc biệt trong các hệ thống luật tục nghiêm khắc. Ví dụ luật tục qui định không được làm rẫy trên đỉnh núi vì đó là nơi Giàng (Trời) ở. Đằng sau cái vỏ tín ngưỡng ấy rõ ràng là ý thức về bảo vệ môi trường. Hay cái luật tục của người Xơ đăng qui định: mỗi năm làng chỉ được bẫy nhiều nhất 30 con gà rừng, nếu quá, sẽ bị Giàng phạt. Giàng chỉ cho ăn chừng ấy. Thực chất đây là nguyên tắc bảo vệ hệ sinh thái. Trong những năm công tác ở Tây Nguyên, có lần tôi tận mắt chứng kiến một phong tục rất đẹp của người Ba Na. Một phụ nữ sinh con bị thiếu sữa. Chị ra gốc cây sung đầu làng lấy rựa chặt nhẹ mấy nhát vào vỏ cây, nhựa sung ứa ra trắng đục. Chị hứng lấy và xoa lên hai bầu vú mình và tin rằng bầu vú sẽ căng lên và cho sữa. Rồi chị lấy một lá thuốc, trân trọng đặt vào chạc cây, nói: “ Ta trả tiền cho người đây”.Người Tây Nguyên không chỉ tin cậy rừng khi sống, khi chết họ cũng hoàn toàn tin cậy người bạn thân thiết này. Nếu người Kinh nói người chết trở về với đất, thì người Tây nguyên nói người chết trở về với rừng, được trả lại cho rừng. Tục “bỏ mả” không chăm sóc người chết nữa vì tin rằng khi trả người chết cho rừng, rừng sẽ tái sinh cho họ.

- Rừng đối với người Tây Nguyên thiêng liêng như vậy, nhưng tại sao người Tây Nguyên lại cứ luôn làm rẫy, phá rừng?

- Thật là một lầm lẫn lớn. Nói người Tây Nguyên làm rẫy là phá rừng là không hiểu gì về Tây Nguyên, thậm chí là vu khống cho đồng bào Tây nguyên. Mấy chục năm qua ai là người tàn phá rừng? Đó là các loại lâm tặc, người đi kinh tế mới, dân di cư tự do, thậm chí là cả những lâm trường, nông trường chứ hoàn toàn không phải đồng bào các dân tộc Tây nguyên. Theo truyền thống thường mỗi gia đình Tây Nguyên đều có khoảng trên dưới 10 cái rẫy. Mỗi cái rẫy họ làm 2, 3 năm, khi nó sắp bạc màu, họ chuyển sang rẫy khác. Đến khi quay vòng trở lại rẫy cũ, ít ra thời gian cũng đã 20, 30 năm, thừa thời gian để đất rừng màu mỡ lại. Đó là phương thức vừa khai thác vừa nuôi dưỡng rừng tốt nhất.

- Nhiều người từng cho rằng đó là phương thức du canh du cư của người Tây Nguyên.

- Đây cũng là một ngộ nhận nguy hiểm. Người Tây nguyên chỉ làm rẫy quay vòng như vậy trong một khoảng rừng nhất định chứ không hề du canh, do đó cũng không du cư. Bạn thử quan sát một dân tộc du canh du cư. Họ sống trong các lều trại cắm lên nhổ xuống dễ dàng. Cừu, ngựa ăn hết cỏ đồng này họ nhổ trại đi cắm đồng cỏ khác. Một dân tộc du canh du cư là một dân tộc không có kiến trúc. Các dân tộc Tây Nguyên thì có hẳn một nền kiến trúc đồ sộ. Nhà Rông Bana, Xơđăng, nhà Dài Êđê với những cây cột một người cao lớn ôm không hết, những đồng giông dài 30 - 40m chẳng phải là những công trình kiến trúc hùng vĩ và bền vững sao? Trong nhà Rông bao giờ cũng có một cái ghế dài có khi cũng vài chục mét. Ghế đó gọi là Kơpang. Đó là chỗ ngồi của dàn cồng chiêng, của khách mời và các người già kể khan (trường Ca). Người Tây Nguyên không bao giờ cư trú tạm bợ sao gọi họ là du cư. Lãnh thổ của làng Tây Nguyên bao giờ cũng ổn định ở một địa điểm thuận lợi cho con người cư trú và canh tác. Người Tây Nguyên chỉ dời làng trong 3 trường hợp sau:

1- Khi nguồn nước bị ô nhiễm.

2- Khi có bệnh dịch chết người hàng loạt.

3- Khi có chiến tranh dịch hoạ.

Hồi chống Pháp ông Núp dời làng là để đánh Tây chứ đâu phải vì tập quán du cư. Rất tiếc là chính nhận định hời hợt cho rằng đồng bào Tây nguyên du canh du cư lại là cơ sở cho chính sách định canh định cư ở Tây nguyên từ nhiều năm nay.

Trong xã hội cổ truyền Tây nguyên và đến nay vẫn còn rất đậm, làng là đơn vị cơ bản và duy nhất. Người Tây Nguyên không biết đến một tổ chức xã hội nào cao hơn làng. Trên làng không còn gì nữa, dưới làng cũng không. Con người Tây Nguyên gắn bó đến mức như hoà tan trong cộng đồng làng. Với họ làng tức là đất nước, tức là Tổ quốc. Cộng đồng làng đói cùng đói, no cùng no. Không bao giờ có chuyện riêng ai chết đói. Có chết thì cùng chết cả làng. Đối với người Tây Nguyên không đau khổ nhục nhã nào lớn hơn bị loại ra ngoài cộng đồng làng. Tôi từng nghe một chuyện thật đau lòng. Có lần, ở một làng Bana, khi săn được một con heo rừng, thịt được chia đều cho mọi người trong làng. Chẳng may, người chia vô tình bỏ sót một thanh niên. Vô cùng đau khổ, cho là mình đã bị loại ra khỏi cộng đồng làng, anh ta ra rừng treo cổ tự vẫn. Điều đáng chú ý là làng chính là chủ sở hữu của rừng. Rừng núi mênh mông thế nhưng đều đã được phân chia rành rẽ cho các làng. Mỗi làng đều có ranh giới cụ thể từ khe núi này, qua suối nước kia đến hốc đá nọ, cây cổ thụ kia. Rừng là sở hữu tập thể của cộng đồng làng được dân làng bảo vệ, được quản lý bằng hội đồng già làng. Do điều kiện địa lý và lịch sử, làng Tây Nguyên đang bảo tồn ngay trong đời sống hiện tại rất nhiều yếu tố đặc sắc của văn hoá cổ Việt.Nhiều nhà khoa học đã tìm thấy những đấu vết sống động của văn hoá Đông Sơn ngay trong đời sống hàng ngày của Tây nguyên hiện nay. Có thể nói đây là bảo tàng sống duy nhất còn lại của văn hoá cổ Việt. Nếu để làng tan rã, con người sẽ bơ vơ, tha hoá, văn hoá Tây Nguyên sẽ suy sụp. Mà cơ sở của làng là rừng, không gian sinh tồn của làng là rừng. Nếu mất rừng, làng Tây Nguyên thực chất sẽ không còn tồn tại. Đáng buồn là trong thực tế nhiều việc làm thiếu ý thức, thiếu thận trọng của ta ở đây đã đưa đến nguy cơ phá vỡ làng, đơn vị tế bào cơ bản nhất của xã hội này.

- Nhưng Tây Nguyên cũng phải phát triển biến đổi để đi lên như bất cứ vùng đất nào của đất nước, phát triển và hoà nhập cùng đất nước. Mà sự phát triển nào cũng đòi hỏi phải phá vỡ cơ cấu cũ, tạo dựng cơ cấu mới. Ví như Tây Nguyên hôm nay không chỉ có làng mà phải có xã, huyện, tỉnh...

- Tôi đồng ý với bạn, Tây Nguyên nhất thiết phải phát triển. Không thể không có Tây Nguyên trong đội hình phát triển chung của đất nước. Ai cũng biết qui luật tồn tại của văn hoá là biến đổi, tiếp nhận và phát triển chứ không đứng im. Nhưng để có thể tiếp nhận, biến đổi tốt, lành mạnh, ổn định, thì truớc hết phải có nội lực văn hoá vững mạnh. Cơ sở của nội lực văn hoá Tây nguyên chính là rừng và làng. Đơn giản, vội vã phá vỡ các cơ sở đó đi, sự biến đổi tất sẽ rối loạn và sẽ bị các lực lượng thù địch lợi dụng.

- Có lẽ, không riêng gì với Tây Nguyên, sự phát triển đổi mới, nếu muốn thực sự thành công phải bắt đầu từ nội lực truyền thống, từ nội lực văn hoá?

- Có lẽ không hề là cường điệu khi nói đất nước mình đang trải qua một cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến đấu để xây dựng và phát triển. Những khó khăn thách thức, theo tôi, là lớn vô cùng. Do hoàn cảnh lịch sử, dân tộc ta có cả một kho tàng kinh nghiện phong phú về chiến tranh, về bảo vệ Tổ quốc nhưng về xây dựng đất nước thì kinh nghiệm chưa nhiều. Trong quá khứ, chúng ta chưa bao giờ có một trăm năm thực sự hoà bình nào cả để yên ổn xây dựng đất nước. Đó là một thiệt thòi, một khoảng trống lớn trong truyền thống dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã làm tốt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Một trong những nguyên nhân quan trọng để chúng ta chiến thắng ngày hôm qua là do chúng ta đã biết tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu của mình, “ biết người biết mình”. Hôm nay trong sự nghiệp xây dựng hoà bình, muốn thắng lợi, ta cũng không thể làm khác, phải biết được cái mạnh của mình, và có lẽ lúc này càng quan trọng hơn là phải biết được cái yếu của mình. Nhận ra cái dở, cái yếu của mình không bao giờ là công việc dễ dàng và hình như ta cũng không giỏi lắm về chuyện này. Dân tộc ta có một lịch sử vĩ đại, có nhiều ưu điểm nổi bật nhưng cũng có không ít nhược điểm, hạn chế. Đảng ta cũng vậy. Muốn đổi mới và phát triển thành công, không những phải bắt đầu từ truyền thống, mà còn phải biết vượt qua truyền thống, biết khắc phục những nhược điểm, hạn chế vốn có ngay trong truyền thống.Nên chăng có một cuộc tự phê bình lớn trong xã hội hiện nay và có lẽ văn học phải đi đầu trong công việc cần thiết này. Nhà văn Lỗ Tấn của Trung Hoa là một bài học lớn cho chúng ta .

- Nếu bây giờ Nhà văn Nguyên Ngọc, với tư cách một nhà văn cộng sản, một chiến sĩ cầm bút, với tư cách một người đã từng lãnh đạo văn nghệ trong chiến tranh và cả trong những năm hoà bình, cần phải tự phê bình, anh sẽ tự phê như thế nào?

- Cuộc đời tôi không bao giờ tách phần sáng tác với việc gọi là làm lãnh đạo. Với tôi, thật tự nhiên, cả hai đều là công tác cách mạng. Tôi viết như thế nào thì tôi lãnh đạo thế ấy. Đó là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của tôi chăng? Bây giờ nhìn lại thấy rõ có lúc mình ấu trĩ, có lúc mình giáo điều, cũ kỹ, có lúc mình cứng nhắc. Mình đã có những cái đúng và cái sai cùng với cái thời của mình. Nhưng mình đã sống hết mình và chân thật, không bao giờ cơ hội. Mình quả thật đã là nhà văn của một thời, thời đất nước chiến tranh, trận mạc. Bước sang thời kỳ mới văn chương đòi hỏi một giọng điệu mới, một cách thể hiện mới. Tôi đã nhiều lần thử thay đổi giọng điệu, cách viết nhưng chẳng dễ gì. Có một nhà văn đã nói rất đúng “Các từ có một trí nhớ ngoan cố và dai dẳng”. Nhiều lúc tôi muốn thử viết như anh Nguyễn Huy Thiệp, nhưng rồi ngồi viết dăm ba câu, lại trở lại giọng của “Đường chúng ta đi”. Mỗi nhà văn có ngôn ngữ nghệ thuật riêng của mình, cả cuộc đời mình đã tạo nên nó như thế, mình đã sống hết mình với nó và trả giá cho nó, nên rất khó có thể thay đổi. Tuy vậy, tôi rất mừng khi được chứng kiến và cổ vũ cho sự xuất hiện những tài năng văn học mới, rất khác thế hệ chúng tôi, những tài năng văn học mà cuộc sống đất nước hôm nay đang cần đến.

- Trong bài viết “Chiến trường những năm tháng sống và viết” cách đây ít năm, anh đã viết: “Một nền văn học là gồm những tác phẩm, ưu tú và chưa thật ưu tú, đã đành. Một nền văn học còn là một kiểu nhà văn. Kiểu nhà văn nào thì tạo ra nền văn học ấy...”. Trong những năm tháng chiến tranh, chúng ta tự hào với một kiểu nhà văn - chiến sĩ, những Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý... Còn bây giờ đất nước đang cần kiểu nhà văn nào?

- Ở bài viết đó, tôi cũng đã viết: “Ở chiến trường, tôi có những người bạn cầm bút đã vượt qua được một cách đẹp đẽ sự thử thách mất còn của nghề cầm bút - nếu có thể gọi công việc cầm bút là một cái “nghề”. Nghề “cầm bút”, trước hết và sau cùng là “nghề” làm người. Và có lẽ, ở chiến trường, hơn ở đâu hết, sự thật đó càng khắc nghiệt. Mà nghĩ cho cùng, chẳng phải chỉ ở chiến trường, ở đâu và bao giờ cũng vậy thôi”.

Văn học trong chiến tranh chủ yếu là văn học tuyên truyền, cổ vũ. Văn học lúc đó nhất thiết phải làm tuyên truyền cổ vũ cho cuộc chiến đấu mất còn của đất nước. Trong nền văn học tuyên truyền ấy, một số nhà văn tài năng đã vượt qua cái ngắn hạn tất yếu của tuyên truyền cổ vũ, làm nên một số tác phẩm để đời. Chính là nhờ lúc bấy giờ, họ thực sự là những nhà văn - chiến sĩ. Họ không phải là những nhà văn đi thực tế. Họ là những người cầm súng thực thụ, trải qua những thử thách sinh tử cùng đồng đội cùng nhân dân. Văn học không phải được viết từ những trang ghi chép. Ghi chép chỉ là một thao tác chuyên môn. Nhà văn viết bằng những trải nghiệm, những kỷ niệm, những trả giá của chính mình. Điều đó có lẽ không chỉ đúng với văn học chiến tranh mà còn đúng với văn học thời bình. Văn học hôm nay cần phải rộng mở hơn, nhân bản hơn, sâu sắc hơn, trí tuệ hơn, đòi hỏi những phương thức tiếp cận và thể hiện mới nhưng mục đích của văn học thì vẫn chẳng bao giờ thay đổi. Đất nước vẫn đang rất cần những nhà văn biết sống hết mình với đất nước, với nhân dân, với đồng loại như vậy bởi vì chúng ta đang trải qua một cuộc chiến đấu, chiến đấu “chống nghèo nàn, lạc hậu”, chiến đấu để “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, chiến đấu để xây dựng một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”. Phẩm chất cần nhất của một nhà văn hôm nay là gì? Là dũng khí phản ánh sự thật, chống lại cái xấu, cái ác, cái giả dối, dám chấp nhận những thiệt thòi hy sinh để bảo vệ điều tốt, bảo vệ người lương thiện, bảo vệ chân lý, đủ sức vượt qua những cám dỗ của lợi danh, tiền bạc...

- Đất nước chúng ta đang bước vào thế kỷ toàn cầu hoá, thế kỷ của giao lưu và hội nhập. Điều làm nhiều người lo lắng là sự đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc hôm nay và trong tương lai. Anh nghĩ sao về điều này?

- Moị dân tộc đều phải lo gìn giữ bản sắc dân tộc của mình. Văn hoá các dân tộc tạo nên sự phong phú của văn hoá thế giới. Nhưng thế nào là giữ gìn bản sắc? Bản sắc văn hoá không phải là cái gì bất biến, khư khư, đứng im. Đứng im, bất biến – trong thế giới biết bao xao động ngày nay – thì cũng sẽ dẫn tới đánh mất cái gọi là bản sắc. Nói theo một cách nào đó, văn hoá cũng tức là tiếp biến văn hoá. Và để tiếp biến văn hoá tốt, lành mạnh, sung sức thì , xin nhắc lại một lần nữa, phải có nội lực mạnh. Có lẽ điều đáng lo nhất hiện nay là phải thật sự lo củng cố nội lực. Đừng lúc thì khăng khăng đóng cửa, lúc thì bảo phải mở cửa. Đóng hay mở không phải là chuyện tuỳ hứng mà được trong thời đại mà thông tin đã làm cho trái đất nhỏ lại như một cái làng này đâu.

Bản sắc văn hoá không chỉ là cái gì cụ thể, không chỉ là cồng chiêng, hay “tom tom chát”... Bản sắc là một kiểu, một cách,một kiểu cách ứng xử. Thế cái kiểu cách văn hoá Việt Nam là gì? Đó chính là khả năng tiếp nhận và tiêu hoá được tất cả những tinh hoa của các nền văn hoá đến từ nơi khác, chắt lọc và hoà nhập vào cái của mình, biến thành của mình, thành kiểu của mình, thành sức mạnh của mình, đó chính là bản lĩnh tiếp biến. Lịch sử đất nước ta đã chứng minh: khi ta biết mở cửa, biết tiếp nhận, tiêu hoá cái hay bên ngoài, thì ta giữ được bản sắc, bảo vệ và phát triển được đất nước, khi ta đóng cửa, khép kín thì mất bản sắc, mất nước, khi nhu, dẻo, mềm thì ta thắng lợi, khi cương quá sẽ thất bại.

Qui luật phát triển của văn hoá là việc gìn giữ luôn luôn đi cùng với sự tiếp nhận, biến đổi. Dân tộc ta từ nghìn xưa đã hiểu rất rõ qui luật này, đã vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo quy luật này....

*.

NGUYỄN THẾ KHOA

Địa chỉ: phường Láng Thượng

quận Đống Đa, Hà Nội.

.

 

 

 

 

 

  ......................................................................................................

- Cập nhật từ email: tahongtruong@yahoo.com.vn ngày 18.01.2021

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

0 comments:

Đăng nhận xét