VIẾT MUỘN VỀ TỔNG BÍ THƯ LÊ KHẢ PHIÊU - Tác giả: Nguyễn Thế Khoa (Hà Nội)

1 comment

 

VIẾT MUỘN VỀ TỔNG BÍ THƯ

LÊ KHẢ PHIÊU

*

(Tác giả Nguyễn Thế Khoa)

Thế là nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi 90. Cái đáng quý nhất của con người từng 4 năm ngắn ngủi ở vị trí nguyên thủ này là sự giản dị, trung thực, liêm chính, tư tưởng vì dân của người lính cụ Hồ nổi bật ở ông.

Khi ông nằm xuống, một số người đã nhắc đến hai việc nổi cộm thời ông làm Tổng Bí thư.

Thứ nhất là việc ký hiệp định biên giới Việt - Trung làm Mục Nam Quan bị đưa sang đất Trung Quốc và thác Bản Giốc mất hơn 1/2 cho người láng giềng thâm hiểm. Tôi đã đến biên giới Lạng Sơn và thác Bản Giốc, tận mắt hai điều nhục quốc thể này và không ngăn được nỗi uất ức.

Thứ hai là phát biểu lên gân lập trường vỗ mặt tổng thống Mỹ Clinton khi ông này đến thăm Việt Nam sau khi đã có công lớn bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, chấm dứt thời kỳ dài nước ta bị bao vây cô lập. Mặc dù không quên Mỹ từng gây bao tội ác với nước ta, nhưng đông đảo người Việt Nam đều không chịu nổi sự cứng rắn lỗi thời về chính trị và thô thiển đáng trách về ngoại giao trên của ông Phiêu.

Tôi rất nhớ hai sự kiện này. Bởi tôi từng cho đăng trên tạp chí Văn hiến Việt Nam bài thơ của Bùi Minh Quốc viết tại thác Bản Giốc giữa năm 2000 như sau:

Tổ quốc còn đau món nợ Tân Trào

Con nghe buốt dọc biên cương tiếng máu

Tiếng người xưa truyền muôn đời con cháu

Một tấc giang sơn không được để hao mòn

Bài thơ này ngay sau khi đăng đã được anh Vũ Duy Thông, lúc ấy là Vụ trưởng báo chí Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung ương nhắc nhở tôi vì quá trân trọng tinh thần yêu nước của ông anh thời chiến trường Khu 5 đánh Mỹ mà thiếu sự "nhạy cảm cần thiết" về chính trị của một người lãnh đạo cơ quan báo chí.

Và trong chuyến thăm lịch sử Việt Nam của ông Clinton, tạp chí Văn hiến Việt Nam của chúng tôi có in bức ảnh Nguyễn Đình Toán chụp Clinton bên tháp chuông Văn Miếu trên bìa 1 thì bị tướng Nguyễn Chí Trung, thủ trướng cũ thời văn nghệ chống Mỹ khu 5, trợ lý Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, gọi điện hỏi lý do vì sao lại in bìa cái ảnh này. Khi tôi trả lời: Clinton từng là nhân vật phản chiến trong chiến tranh Việt Nam nay sang thăm nước ta ở cương vị nguyên thủ nước Mỹ tỏ ra rất trân trọng truyền thống văn hóa Việt Nam thì bị anh Trung gắt lên: Nó mà phản chiến gì chỉ là một thằng trốn lính hèn nhát, không có gì đáng ca ngợi. May mà ông anh thương là lính khu 5 chống Mỹ của anh nên cho qua, không truy cứu cái "lỗi" mà ông rất khó chịu này.

Trước đó, tôi đã được nghe bài phát biểu của ông Phiêu khi tiếp Clinton và chắc chắn bài viết ngạo ngược này do chính ông anh Nguyễn Chí Trung quá cực đoan của chúng tôi soạn thảo. Tôi buột miệng kêu lên: Khổ cho Tổng bí thư nhà mình rồi.

Dù biết rõ hai cái "phốt" lịch sử lớn ấy của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhưng khi gặp ông tôi đã bị sự giản dị, chân thật của ông chinh phục. Ông không có vẻ quan cách của một nguyên thủ quốc gia mà vẫn mộc mạc, gần gũi như một người chính trị viên, chính ủy trên chiến trường năm xưa. Tôi không thể nghĩ người lính gần 50 năm quân ngũ, vị chỉ huy gần 40 năm trận mạc đã từng chiến thắng trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh giải phóng Cămpuchia, một người vẫn còn "cương" với Mỹ bất chấp họ đã chấp nhận làm bạn với Việt Nam lại có thể sợ hãi nhân nhượng ông bạn láng giềng to xác mà ông biết rõ chưa bao giờ khuất phục nổi nước ta trong các cuộc xâm lược. Chắc phải có một nguyên nhân sâu xa nào đó và ông rất day dứt khi đồng ý cho ký hiệp ước biên giới Việt Trung?...

Tôi nhớ khi chúng tôi qua anh Nguyễn Chí Trung nhờ ông viết thư chào mừng sự ra đời của tạp chí Văn hiến Việt Nam vào tháng 9 năm 2000. Khi biết tên, tôn chỉ mục đích và đây là một tờ báo xã hội hóa, ông tỏ ra rất hào hứng không ngần ngại ký ngay một bức thư ngắn gọn, cô đúc khích lệ tạp chí, trong đó có đoạn: "giữ gìn truyền thống văn hiến chính là bảo đảm sự trường tồn của dân tộc trong độc lập tự do" . Bức thư này đã được in trên trang nhất số đầu tiên của tạp chí Văn hiến Việt Nam. Chúng tôi không bao giờ quên ơn ông vì bức thư quý giá đó nên đã cố gắng vượt khó làm cho tạp chí ngày càng hữu ích hơn để không phụ lòng tin của ông.

Sau này khi về hưu, ông cũng đã tham gia rất nhiều hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn, Phát huy Văn hóa Dân tộc và tạp chí Văn hiến Việt Nam, đã cho cả cháu nội của ông tham gia vào nhóm Xẩm Hà Thành thuộc Trung tâm. Tình yêu văn hóa nghệ thuật của ông Lê Khả Phiêu đã giải thích vì sao Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nghị quyết lịch sử, có tác động lâu dài của Đảng, đã sinh thành thời ông làm Tổng bí thư. Không chỉ thế, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người đã dũng cảm đề nghị bỏ chế độ cố vấn Trung ương Đảng, một chế độ mang dấu vết phong kiến. Ông còn là người đã mở đầu cho chiến dịch chỉnh đốn Đảng, kiên quyết chống tham ô tham nhũng không khoan nhượng trong bộ máy Đảng và chính quyền đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp nối một cách toàn diện, quyết liệt, bền bỉ, sâu rộng, hiệu quả hôm nay. Ông là một trong những vị lãnh đạo cao nhất của Đảng đã thực sự noi gương Bác Hồ về sự liêm khiết. Ngoài ngôi nhà ở số 7/36 phố "nhà binh" Lý Nam Đế, ông không hề có cơ ngơi nào khác. Và khi nằm xuống, ông lại về một nấm trong nghĩa trang Mai Dịch chứ không về xứ Thanh quê hương để có tòa cao dãy rộng như ai.

Nhân vô thập toàn, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có những đóng góp lớn và những sai lầm không nhỏ như các vị khác trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng mà sau này sẽ được lịch sử đánh giá công bằng và lý giải đúng đắn. Ông không có được thiên tài lãnh đạo và sự mẫn cảm, sáng suốt về chính trị như Bác Hồ và Tổng bí thư Lê Duẩn, hai vị lãnh tụ không phải lúc nào Đảng ta cũng may mắn có được. Nhưng ông thực sự kế thừa được những phẩm chất tốt đẹp của thế hệ cộng sản đầu tiên, là một con người giản dị, trung thực, luôn gần dân, hiểu nỗi khổ và khát vọng của nhân dân, luôn gắn bó tha thiết với đồng chí, đồng đội, một lòng một dạ trọn đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Nhân dân ta sẽ nhớ mãi ông về những điều đó...

*.

NGUYỄN THẾ KHOA

Địa chỉ: phường Láng Thượng

quận Đống Đa, Hà Nội.

.

 

 

 

 

 

  ......................................................................................................

- Cập nhật từ email: tahongtruong@yahoo.com.vn ngày 18.01.2021

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  


1 nhận xét:

  1. Xin hỏi ông Nguyễn Thế Khoa trong số những tội đồ bán đất bán biển cho bọn giặc tàu ô có tên họ lê chiêu thống này không? Thật đáng thương cho bọn văn nô tài nếm cứt khen ngon

    Trả lờiXóa