LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CÁC VÙNG LÃNH THỔ NGA - Tác giả: Khuyết Danh

Leave a Comment

 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CÁC VÙNG

LÃNH THỔ NGA

*

Từ khi lập quốc đến nay, nước Nga luôn là một quốc gia rất kín tiếng nhưng lại vô cùng quyền lực của thế giới. Nếu so sánh với một siêu cường khác của thế giới là Mỹ thì Nga là một đất nước có lịch sử hình thành trước Mỹ nhưng xét trên bình diện văn minh toàn thế giới, Nga vẫn là một quốc gia trẻ nếu so với các nền văn minh lâu đời trên thế giới như Ấn Độ, Ai Cập, Trung Đông Lưỡng Hà hay Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay thế giới đều thừa nhận Nga là một quốc gia vĩ đại.

Bài này viết về quá trình nước Nga sáp nhập các quốc gia khu vực Trung Á. Trung Á trở thành đấu trường cho “cuộc chơi lớn” giữa hai đế quốc Nga và Anh. Chính sự xuất hiện của người Anh trong khu vực đã khiêu khích Nga chinh phục vùng đất này.

Trung Á trải dài từ thảo nguyên Kazakhstan đến Afghanistan và từ biển Caspian đến biên giới Trung Quốc. Khu vực này trở thành vụ bành trướng lãnh thổ lớn cuối cùng của đế quốc Nga trước khi bị sụp đổ năm 1917.

Trong một thời gian dài đế quốc Nga không dám can thiệp vào tình hình khu vực Trung Á. Những vùng lãnh thổ mà ngày nay bao gồm Kazkhstan, Tadjikistan, Turmenistan, Kirghizistan và Uzbekistan, từng được ví là nồi hơi thực sự. Hàng chục bộ lạc và quốc gia nhỏ bé đã tiến hành các cuộc chiến tranh khốc liệt dai dẳng và xung đột đẫm máu chống lại nhau.

Hãn quốc Kokand và Khiva (Khwarezm), cũng như tiểu vương quốc Bukhara (trước năm 1785 là hãn quốc Bukhara) từng là những quốc gia lớn nhất tại Trung Á. Thậm chí vào thế kỷ XVIII, nơi đây vẫn còn phổ biến những quy định phong kiến thời Trung cổ và chế độ nô lệ.

Năm 1714, Sa hoàng Nga Pyotr Đại đế phái đến hãn quốc Khiva đoàn thám hiểm quân sự, với mục đích thăm dò thực lực của những nước láng giềng Trung Á. Đội quân 6 nghìn người được huấn luyện và vũ trang tốt hơn dưới sự chỉ huy của hầu tước Aleksandr Beskovich Cherkassky đã dễ dàng đánh tan quân đội 24 nghìn binh của nhà vua Shergazi. Khi đó, nhà cầm quyền Khiva đã đề xuất ngưng chiến, nhưng sau đó bất ngờ tấn công, tàn sát và bắt binh lính Nga làm tù binh. Thủ cấp của hầu tước Aleksandr Beskovich Cherkassky được gửi tặng nhà vua Bukhara.

Trong thế kỷ XVIII, Nga đã tích cực khai phá thảo nguyên Kazakhstan và tiến đến gần biên giới các quốc gia Trung Á. Những bộ tộc người Cozak đã tình nguyện chuyển sang chịu sự cai trị của Sa hoàng. Họ tìm kiếm ở người Nga sự bảo vệ khỏi những trận tập kích nguy hiểm của người Dzungar láng giềng. Trong khi đó, nhóm bộ tộc người Cozak sinh sống ở khu vực Semirechye, phía Nam Kazakhstan bây giờ, cũng như một phần lãnh thổ phía Tây Trung Quốc và Uzbekistan ngày nay thì vẫn chịu lệ thuộc hãn quốc Kokand về mặt chính trị.

Cùng chung sống khá hòa bình giữa Nga và các quốc gia Trung Á đã chấm dứt vào giữa thế kỷ XIX. Nguyên nhân là do trong khu vực xuất hiện một “đấu thủ” mới nguy hiểm, đó là nước đế quốc Anh. Sau khi củng cố vị thế ở khu vực Hindustan, người Anh đã tích cực tiến về phía Bắc, hòng gia tăng ảnh hưởng của mình lên Afghanistan, Bukhara, Kokand và Khiva. Khi tại các thành phố Trung Á xuất hiện những nhà ngoại giao và nhân viên mật vụ Anh quốc, nước Nga đã quyết định chuẩn bị tấn công phủ đầu. Trung Á trở thành đấu trường, hay còn gọi là “cuộc chơi lớn” giữa hai đế quốc.

Sự bành trướng của Nga sang khu vực Trung Á được lý giải là do nguyên nhân kinh tế. Cuộc nội chiến ở Mỹ nổ ra năm 1861 đã dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn cung bông sợi sang Nga, giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp dệt may của nước này. Trước tình hình đó, đòi hỏi phải nhanh chóng có nguồn cung nguyên liệu ổn định, điều mà hãn quốc Kokand và tiểu vương quốc Bukhara có thể thay thế.

Trên thực tế, các quốc gia Trung Á lúc đó không có cơ hội để đối đầu với quân đội đế chế Nga. Công tác huấn luyện chiến đấu của những nước này vẫn chưa được tốt, trong khi chỉ một phần tư quân lính được trang bị hỏa khí. “Hãn quốc Kokand không có quân đội chính quy. Người Kokand có pháo binh, nhưng đội pháo binh này lại rất non yếu”, nhà sử học nghiên cứu về phương Đông Vladimir Velyzminov Zehnov viết trong những năm 1850.

Ưu thế vượt trội của người Khiva, Bukhara và Kokand trong việc đối đầu với quân Nga được huấn luyện tốt đôi khi không thể hiện được vai trò gì. Ngày 29-6-1865, một đội quân nhỏ (1300 người) dưới sự chỉ huy của tướng Mikhail Chernyaev đã đánh chiếm một trong những thành phố lớn và giàu có nhất của hãn quốc Kokand là Tashkent, được bảo vệ bởi lực lượng 30 nghìn quân. Hai năm sau, thành phố này trở thành trung tâm hành chính của Toàn quyền Turkestan được thành lập tại khu vực Trung Á.

Ngày 14-6-1868, trong trận đánh tại Zerabulak, quân đội 30 nghìn binh của thủ lĩnh Hồi giáo Muzaffar đã bị đội quân 2 nghìn binh của tướng Nga Konstantin Kaufman đánh bại, cuối cùng dẫn đến sự thất bại của tiểu vương quốc Bukhara. Năm 1873, hãn quốc Khiva cũng chịu chung số phận, còn 3 năm sau đó là hãn quốc Kokand.

Một trong những chiến dịch khó khăn nhất đối với quân đội đế quốc Nga trong quá trình xâm chiếm Trung Á là việc chinh phục các bộ tộc người Tekkes, vốn sinh sống trên lãnh thổ của Turkmenistan ngày nay. Riêng trong lúc vây hãm và tấn công pháo đài Geok Tepe vào tháng 1-1881, quân đội Nga đã chịu tổn thất hơn 1000 người. Trong khi đó, trong các trận đánh ác liệt nhất chống lại người Bukhara và Khiva, tổn thất phía Nga chỉ vài chục sinh mạng.

Cùng với việc tự nguyện sáp nhập vào đế quốc Nga của các bộ tộc người Merv năm 1884, cũng như việc quân đội Nga tiến về biên giới Afghanistan lúc đó chịu sự bảo hộ của Anh quốc, thì quá trình chinh phục Trung Á mới kết thúc. Sau khi chính quyền mới lên thay, chế độ nô lệ mới được xóa bỏ và chấm dứt những xung đột kéo dài nhiều thế kỷ tại đây. Tuy nhiên, không phải toàn bộ các lãnh thổ trong khu vực đều được sáp nhập vào đế chế Nga. Tiểu vương quốc Bukhara và hãn quốc Khiva về mặt hình thức vẫn duy trì nền độc lập của mình dưới sự bảo hộ của đế quốc Nga. Điều đó cho phép Nga kiểm soát một cách hiệu quả những vùng đất này, mà không tốn nhiều chi phí. Đến năm 1920, nền độc lập của hai quốc gia này cuối cùng đã bị những người Bolshevik bãi bỏ.

Sự xuất hiện của người Anh tại khu vực Trung Á đã khiêu khích sự bành trướng của đế quốc Nga. Nước Anh đành bất lực đứng nhìn những thành quả của đối thủ địa chính trị của mình. London trải qua cuộc khởi nghĩa lớn Xipay ở Ấn Độ năm 1857-1859, nên không còn sức và nguồn lực để tham gia xung đột công khai với Nga.

Mặc dù Trung Á bị mất đối với người Anh, nhưng họ bảo vệ rất kỹ đường đến Afghanistan và Ấn Độ trước người Nga. Năm 1885, khi giữa quân đội Nga và Afghanistan nổ ra xung đột biên giới trên sông Kushka, thì nước Anh chỉ còn cách một bước nữa là tuyên chiến với Nga. Suốt những năm sau đó, hai bên nhiều lần ngồi vào bàn đàm phán để phân định tầm ảnh hưởng trong khu vực.

“Cuộc chơi lớn” giữa hai đế chế chỉ kết thúc vào năm 1907, sau khi ký kết Hiệp ước Nga-Anh. Hiệp ước này đã chấm dứt việc hình thành khối quân sự-chính trị với sự tham gia của Nga, Anh và Pháp, hay còn gọi là Liên minh ba bên.

*.

TÁC GIẢ (đang cập nhật)

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

 

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ messenger facebook Đoàn Chính Vương ngày 06.06.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét