VÀI LỜI CUỐI VỀ CHẾ LAN VIÊN - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

Leave a Comment

 

VÀI LỜI CUỐI VỀ

CHẾ LAN VIÊN

*

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

Chế Lan Viên là một nhà thơ mà người yêu kẻ ghét ngang nhau. Những người căm ghét Chế coi ông là hung thần chuyên đánh anh em để lập công dâng đảng. Phe thù Chế Lan Viên chính là phe đổi mới theo ông Nguyễn Văn Linh cởi trói cho văn nghệ và trí thức. (Ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã công khai thừa nhận đảng trói văn nghệ sĩ và trí thức khá lâu rồi, nay ta làm cách mạng cởi trói).

Sau khi đảng thấy cởi trói cho các nhà văn là hớ, là lợi bất cập hại, liền trói đám cầm bút lại cho dễ quản lý. Chế Lan Viên đã thực hiện lệnh của đảng mà gây chiến với Nguyên Ngọc và Hoàng Ngọc Hiến bằng đao pháp tưng bừng khói lửa trên báo Văn Nghệ. Tất nhiên, kẻ chiến thắng là người của đảng. Mối thù của phe đổi mới với Chế Lan Viên rất lớn, đến nỗi vì con người Chế mà họ toan phủ nhận tài thơ của ông. Chỉ sau khi Chế Lan Viên mất, ba tập thơ di cảo khổng lồ của ông được nhà văn Vũ Thị Thường (là vợ) công bố, trưng ra một Chế Lan Viên khác, một Chế Lan Viên phản Chế Lan Viên, một Chế Lan Viên dùng thơ để phản biện chính trị, để nói toẹt ra rằng ông đã bị lừa (bài “Bánh Vẽ”), ông đã có tội với nhân dân (bài “Trừ đi”- các ông Cộng vào thì Chế ta Trừ đi), ông đã đi nhầm đường…

Sự nhận thức lại rất quyết liệt này của Chế Lan Viên mà ông gọi là “Lộn trái”, là đảo chiều, là phản nhận thức, phản siêu hình, phản đề, rất đúng với nguyên lý của phép biện chứng Mác-xít, tôn trọng và đề cao yếu tố đối lập, yếu tố phản đề, phản biện trong nhận thức luận: “Mọi sự vật đều được cấu thành bởi các mặt đối lập thống nhất”. Không có sự tham gia của đối lập trong nhận thức, trong mọi hoạt động xã hội, được coi như là phản Mác-xít! Sau khi ba tập di cảo thơ ra đời, hầu như phe đổi mới đã nhận thức lại về Chế Lan Viên; rằng hóa ra Chế mới là tổ sư đổi mới; rằng Chế chỉ giả vờ yêu đảng để yên thân mà viết di cảo thơ, lật lại con đường ông đã bị đi chứ không phải được đi…

Trong đời mình, Chế Lan Viên đã đánh nhiều người nhưng đã cứu nhiều người. Cuối năm 1974, trong rừng miền Đông Nam Bộ, nhà thơ Thanh Thảo có in bài thơ “Người lính nói về thế hệ mình” trong báo Văn Nghệ Giải Phóng do nhà văn Anh Đức làm tổng biên tập. Sau khi báo ra, ông Trần Bạch Đằng đọc bài thơ này của Thanh Thảo, liền nổi trận lôi đình, quy kết bài thơ phản động, nối giáo cho giặc. Thanh Thảo nguy to, có thể bị bỏ tù ngay trong rừng vì một ông “Tố Hữu con” là anh Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) phán như thế. May quá, giữa Hà Nội, Chế Lan Viên đọc bài thơ này của Thanh Thảo và thấy bài thơ rất tốt, sao lại “giết nó”? Chế bèn tìm được chùm thơ khá hay của Thanh Thảo gồm ngót chục bài, liền in tất tần tật trên tạp chí “Tác Phẩm mới” cứu Thanh Thảo thoát án tù trong rừng Nam Bộ.

Năm 1982, trong trại viết văn ở Vũng Tàu do Hội nhà văn VN tổ chức, chúng tôi (Trần Mạnh Hảo) có viết bài thơ: “Cho một nhà văn nằm xuống” nhân việc nhà văn Nguyên Hồng mất. Ngay lập tức bài thơ lọt tới tay ông Hà Xuân Trường và ông Hoàng Tùng (ông Hà Xuân Trường là ủy viên trung ương đảng, trưởng ban văn hóa văn nghệ trung ương, ông Hoàng Tùng là ủy viên trung ương đảng, trong ban bí thư trung ương đảng) tuyên bố phải bỏ tù tên phản động số một Trần Mạnh Hảo ngay trong cuộc họp giao ban và đưa tin lên báo; rằng ngày xưa đảng trao súng cho tên Hảo đi đánh Mỹ, nay hắn dám dùng súng của đảng bắn vào đảng. Trần Mạnh Hảo tôi biết chắc chắn mình sẽ ở tù.

Chế Lan Viên là người đầu tiên cứu chúng tôi bằng cách gọi điện đi khắp nơi cho các ông to. Ông còn viết thư tay cho ông Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Tố Hữu (đưa thư cho chúng tôi đi gửi bưu điện) nói đừng bắt thằng Trần Mạnh Hảo, sẽ rất không tốt về chính trị, rằng đảng sẽ bị mang tiếng xấu là đàn áp quá mức nhà văn chỉ vì một bài thơ bất mãn ấm ớ…Ông viết cả thư cho Hoàng Phủ Ngọc Tường nhờ gọi đi các nơi cứu thằng Trần Mạnh Hảo. Trong thư viết cho Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông dùng hai câu thơ của Đỗ Phủ thương Lý Bạch, khi Lý Bạch bị vua bắt đeo gông, đầy đi Qúy Châu để nói về Trần Mạnh Hảo đang lâm nguy: “Thế nhân giai dục sát/ Ngô ý độc liên tài” (mọi người đều muốn giết/ Riêng lòng ta thương tài). Chúng tôi còn giữ lá thư của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rất kỹ về việc này. (Việc chúng tôi thoát án tù năm 1982 còn do được nhiều “quý nhơn phù trợ” ví như nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà báo Thép Mới, ông Võ Văn Kiệt và ông Võ Trần Chí “hai ông Nam Kỳ này là Ủy viên Bộ Chính trị từng là Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh”…)…Vâng, Chế Lan Viên đích thị quê CHOA là người Quảng Trị, nơi “Những đồi tranh ăn độc gió Lào”.

*.

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: Số nhà 220/22 phố Hồ Văn Huê,

quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn

Email: hungdimy@yahoo.com

 

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com, ngày 27.03.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

0 comments:

Đăng nhận xét