QUẢNG
TRƯỜNG VÀ LỄ ĐÀI
Ngày
2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước
“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” tại Quảng trường Ba Đình. 76 năm đã trôi qua, rất
nhiều bạn trẻ rất muốn biết ai đặt tên quảng trường Ba Đình, ai là người dựng
lễ đài độc lập. Trong lịch sử có những con người mà ở họ “mỗi số phận chứa một phần lịch sử” (E. Evtushenco). Tôi cũng như
nhiều người khác rất mong muốn hiểu về họ cho dù nguồn tư liệu không nhiều.
1.
Bác sĩ Trần Văn Lai (1894 - 1975)
Bác
sĩ Trần Văn Lai là vị Thị trưởng của Hà Nội trong chính phủ Trần Trọng Kim
trong thời khắc chuyển giao chính quyền năm 1945 và cũng chính là người đặt tên
"Quảng trường Ba Đình". Thời gian ông làm Thị trưởng Hà Nội rất ngắn
(từ 20/7 đến 19/8/1945). Tuy nhiên chỉ trong vòng một tháng đó ông đã làm được
rất nhiều việc việc mang ý nghĩa lịch sử mà sau này các thế hệ kế tiếp không
thể làm được. Một trong những việc đó là ông đã cho đổi một loạt tên các đường
phố mang tên Tây trả lại tên cho các anh hùng dân tộc như đường Phan Đình Phùng
(Boulevard Carnot), Trần Hưng Đạo (Boulevard Gambetta), Đinh Tiên Hoàng
(F.Ganier thành). Một số đường phố trở về tên các làng nghề cũ của đất Kinh kỳ
như Hàng Đào (Rue de Lasoire), Hàng Khay (Rue Paul Bert), Hàng Ngang (Rue des
Cantomas)... Đường phố khu trung tâm quanh Bờ Hồ là tên các vị vua có công với
đất nước, xa hơn là các danh tướng, dọc sông Hồng là tên của những vị tướng và
những trận thủy chiến nổi tiếng.
Và
cũng chính vào thời điểm ấy, Thị trưởng Trần Văn Lai đã đặt tên cho một khoảng
đất trống ở Hà Nội là “Quảng trường Ba Đình”, lấy tên căn cứ nghĩa quân Đinh
Công Tráng chống Pháp ở Thanh Hóa. Sau đó chỉ hơn một tháng, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên chính quảng trường này. Cũng có ý kiến
muốn đổi tên Quảng trường Ba Đình thành Quảng trường Độc lập nhưng cụ Hồ không
đồng ý vì cho rằng việc đổi tên mới gây lạ lẫm và phiền toái cho tất cả mọi
người và không cần thiết. Thật là một sự sáng suốt và thật may mắn cho hậu thế
tiếc rằng không phải ai cũng nhận thức được. Lâu nay đi khắp Hà Nội đâu đâu
cũng có các khu nhà toàn tên Tây, các cụ ở quê ra thăm con cháu cứ phải đọc mỏi
cả mồm, tên các đường phố cũng không theo một quy luật nào.
2.
Nguyễn Hữu Đang (1913 -2007).
Ông
Nguyễn Hữu Đang là người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình,
nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt đồng bào 2/9/1945.
Cuối
năm 2007, trong một chuyến về Miền Trung, tôi tình cờ có được cuốn “Phùng Quán còn đây…” trong đó có
đoạn ông viết về Nguyễn Hữu Đang và năm 2019 anh Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà
văn Nguyễn Huy Tưởng - người có nhiều kỷ niệm cùng với Nguyễn Hữu Đang tặng tôi
cuốn sách “Nguyễn Hữu Đang - Trang
viết trang đời” và tôi có cơ hội biết kỹ hơn về cuộc đời ông.
Nguyễn
Hữu Đang gắn liền với nhiều sự kiện chính trị xã hội và có số phận khá đặc
biệt. Ông từng tham gia các hoạt động Thanh niên cách mạng đồng chí hội (bị bắt
tù 1930), Mặt Trận Dân chủ Đông Dương (1937-1939), Hội truyền bá quốc ngữ
(1938-1945), Văn hóa Cứu Quốc (1943-1946). Với trách nhiệm là Trưởng ban tổ
chức buổi lễ, ở tuổi 32, Nguyễn Hữu Đang đã chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại
Quảng trường Ba Đình với sự đóng góp của nhiều người như họa sỹ Lê Văn Đệ, Kiến
trúc sư Ngô Huy Quỳnh…). Tuy công việc rất gấp rút chỉ trong vòng 48 giờ nhưng
Lễ đài Độc lập đã thể hiện là một công trình kiến trúc bảo đảm sự vững chắc, sự
hài hoà với tổng thể. Năm 1958, vì tham gia vụ án “Nhân văn Giai phẩm” ông bị
bắt đi tù 15 năm. Sau khi ra tù ông về sống ẩn dật ở quê Thái Bình. Và năm
1986, sau 28 năm kể từ ngày bị bắt, ông được phục hồi danh dự và năm 1995 được
cấp tiêu chuẩn “lão thành cách mạng”! Nguyễn Hữu Đang đủ sức sống hơn 90 năm
trên cõi đời này, không vợ con, không một tấm huy chương và qua đời năm 2007 ở
tuổi 94.
Cuộc
đời và số phận là những minh chứng của các biến cố thế sự mà không thể không
suy ngẫm
*
MAI
THANH TÂN (Giáo sư, Tiến sĩ)
Địa chỉ: B-P9, tầng 8, Imperia Garden,
Số
145 phố Nguyễn Huy Tưởng,
quận
Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0915.027.045
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com ngày
07.10.2021
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét