NHÌN LẠI 2 BẢN
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
*
Trong lịch sử tranh
đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được
các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày
11/3/1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai vào ngày 2/9/1945 bởi Hồ Chí
Minh, Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng cả hai lần,
đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết hay chỉ được
học bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết, hay không được
học bản tuyên ngôn của Vua Bảo Đại ngày 11/3/1945, ngót sáu tháng trước
đó. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn. Bài này nhằm bổ
khuyết cho tình trạng thiếu sót đó, đồng thời phân tích nội dung và ý nghĩa của
từng bản.
Bài này được
trích đăng một phần từ tác phẩm Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới: Bảo
Đại-Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam, ngày 9/3/1945-30/8/1945 của
tác giả, do Nhà xuất bản Amazon in và phát hành, thể theo lời yêu
cầu của một số quý vị độc giả, vì lý do này hay lý do khác, không
có cuốn sách này trong tay, muốn biết rõ hơn và đầy đủ hơn về hai
bản tuyên ngôn quan trọng này, liên hệ tới định mạng và lịch sử đầy
đau thương, máu xương và nước mắt của dân tộc Việt Nam.
TUYÊN NGÔN CỦA HOÀNG
ĐẾ BẢO ĐẠI
Hoàn cảnh được công bố
Bản Tuyên Ngôn Độc
Lập của Hoàng Đế Bảo Đại được công bố ngày 11 tháng 3 năm 1945, hai ngày sau
khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương và sau một thời gian dài hơn bốn năm, từ
cuối tháng 9 năm 1940, sau khi quân Nhật vào phần đất này của Đông Nam Á, gần
năm tháng trước khi Nhật Bản đầu hàng và Thế Chiến Thứ Hai kết thúc. Trong thời
gian này Việt Nam bị sống dưới sự cai trị của cả người Pháp, từ sau khi Hòa Ước
1884 được ký kết, lẫn người Nhật, từ ngày 22 tháng 9 năm 1940, với một hậu quả
khủng khiếp là Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu.
Hoàn cảnh này đã làm
cho không chỉ riêng những người Cộng Sản, vốn chủ trương đánh đổ chế độ quân
chủ để "cướp chính quyền" (chữ của chính người Cộng Sản) để từ đó
thực thi cách mạng vô sản mà luôn cả những người không những không có cảm tình
với chế độ quân chủ đương thời mà còn chủ trương lật đổ chế độ này để thay thế
bằng một chế độ dân chủ, không nhìn nhận giá trị đích thực của bản tuyên ngôn
này. Lý do là vì Bảo Đại luôn bị coi như một ông vua bù nhìn, trước kia trong
tay người Pháp và lúc đó trong tay người Nhật. Theo họ trước kia người Pháp bảo
sao, ông làm vậy và sau đảo chính 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật bảo ông tuyên
bố độc lập thì ông tuyên bố độc lập, thế thôi. Người ta chỉ hiểu hay được học
đơn giản như vậy.
Nền độc lập mà Bảo
Đại tuyên bố, theo họ chỉ là do người Nhật ban cho và bản tuyên ngôn của ông
chẳng có một giá trị gì trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của người Việt.
Thực chất của nó chỉ là "sự tuyên bố công khai việc thay thầy đổi chủ của
triều đình Bảo Đại" [i] không hơn không kém. Sự thực không đơn giản như
vậy. Người Nhật có lý do làm đảo chính lật đổ người Pháp và Bảo Đại có lý do
phải chấp nhận yêu cầu của người Nhật tuyên bố Việt Nam độc lập. Lý do của Bảo
Đại đã được ông giải thích khi tiếp kiến Trần Trọng Kim và cố gắng thuyết phục
ông này chấp nhận làm thủ tướng đầu tiên của chính phủ Nam Triều độc lập.
Nguyên văn câu nói của Bảo Đại được Trần Trọng Kim kể lại như sau:
- Trước kia nước Pháp
giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh
đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ thượng
thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập
chính phủ để đối phó mọi việc. [ii]
Người ta cần phải nhớ
là hơn mười năm trước đó, sau khi du học từ Pháp về tới Huế được hai ngày, ngày
tháng 10 tháng 9 năm 1932, Bảo Đại đã ra Dụ số 1 tuyên bố chấp chính và khẳng
định chế độ quân chủ của Nam Triều hủy bỏ Quy Ước 6 tháng 11 năm 1925 do Hội
Đồng Phụ Chính, đứng đầu là Tôn Thất Hân, ký với Toàn Quyền Đông Dương thời ông
còn nhỏ tuổi và đang du học bên Pháp, tước bỏ hầu hết các quyền hành còn lại
của nhà vua trừ các quyền có tính cách nghi lễ, ân xá, sắc phong, tế lễ…kèm
theo nhiều dụ khác nhằm thực hiện những cải cách qui mô trong nền hành chánh
của chính phủ Nam Triều, nhưng đã bị người Pháp ngăn cản và bị thất bại. Đảo
chính ngày 9 tháng 3 năm 1945 và lời yêu cầu tuyên bố độc lập của người Nhật dù
gì đi chăng nữa cũng là điều vị hoàng đế còn trẻ tuổi này từ lâu mong đợi.
Ngoài ra, theo nhận định và giải thích nhằm thúc đẩy Trần Trọng Kim "chịu
khó" lập chính phủ mới. Ông nói:
- Trước kia người
mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng
phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo
mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta.
Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước. [iii]
Hai tiếng "cơ
hội" Bảo Đại dùng ở đây cho ta thấy ông từ lâu mong có dịp này. Đồng thời
ông cũng hiểu rằng nền độc lập mà ông tuyên cáo chưa phải độc lập hẳn. Chưa
hết, tuyên bố rồi ông còn có nhu cầu phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập và
nhất là để tránh không cho người Nhật "lập cách cai trị theo thể lệ nhà
binh rất hại cho nước ta". Một sự e ngại chỉ có những người có kiến thức
về lịch sử và chính trị học mới biết được.
Ngoài ra những tiếng
"rất có hại cho nước ta" cũng cho người ta thấy đối tượng của hành
động tuyên cáo độc lập của ông không phải là ngôi vua mà là đất nước Việt Nam
và dân tộc Việt Nam, đất nước của ông và thần dân của ông. Cái nhìn và quan
điểm này cũng như sự hiểu biết của ông về tình hình thế giới và thế thất bại
của người Nhật về sau đã được ông nói rõ trong hồi ký của ông. Riêng đối với
người Nhật, ông đã không tin tưởng ở họ cũng như chiêu bài Đại Đông Á của họ.
Nói cách khác, Bảo Đại ở vị thế phải chấp nhận nhập cuộc dù ông hiểu rõ sự phức
tạp của vấn đề. Phần khác như ông cũng nói tới trong hồi ký của ông: "Độc
lập là ước mơ của tất cả mọi người Việt Nam thời đó".
Nội dung bản Tuyên ngôn
Đây là một bản văn
tương đối ngắn so với những bản văn cùng loại, nhằm ba mục tiêu chính yếu là
hủy bỏ một hòa ước Triều Đình Huế trước kia đã ký với nước Pháp, tuyên bố Việt
Nam độc lập, đứng vào khối Đại Đông Á trong chương trình phát triển chung, đồng
thời bày tỏ sự tin tưởng vào "lòng thành" của nước Nhật với nguyên
văn như sau:
Cứ tình hình chung
trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày
này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.
Nước Việt Nam sẽ gắng
sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn
chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.
Vậy Chính Phủ Việt
Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước
Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên. [iv]
Bản Tuyên Bố được đề
ngày 11 tháng Ba năm 1945 tức ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20, được Bảo
Đại ký tên với sáu thượng thư phó thự. Sáu vị thượng thư gồm có: Phạm Quỳnh,
bộ Lại; Hồ Đắc Khải, bộ Hộ; Ưng Úy, bộ Lễ; Bùi Bằng Đoàn, bộ Hình; Trần Thanh
Đạt, bộ Học; và Trương Như Định, bộ Công. Theo Bảo Đại đây là lần đầu tiên
trong lịch sử một văn kiện được ký bởi nhà vua và tất cả các nhân vật quan
trọng nhất trong triều đình. [v]
Đọc bản Tuyên Ngôn
Độc Lập này của Bảo Đại, người ta cần chú ý tới những chi tiết sau đây:
Thứ nhất:
Gọi là tuyên ngôn nhưng thực sự đây chỉ là một văn kiện hủy bỏ một điều ước đã
được ký kết trước đó vì do tình hình biến chuyển, một trong hai phía đã không
tôn trọng được những gì mình đã ký kết hay không thực thi được những gì mình đã
ký kết trong một sinh hoạt quốc tế. Điều ước bị hủy bỏ ở đây là Hòa Ước Giáp
Thân được ký kết giữa Triều Đình Huế và người Pháp ngày 6 tháng 6 năm 1884, đặc
biệt hai điều khoản của hòa ước này là điều khoản thứ nhất, theo đó Việt Nam
công nhận và chấp nhận Quyền Bảo Hộ của nước Pháp và điều khoản thứ mười lăm,
theo đó nước Pháp cam kết bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của các xứ do vua Việt
Nam cai trị và bảo vệ nhà vua chống lại những sự xâm nhập từ bên ngoài và những
cuộc nổi loạn từ bên trong. [vi]
Sự hủy bỏ này phải
được hiểu là do người Pháp bất lực không bảo vệ được Việt Nam trước sự bành
trướng của quân đội Nhật và cuối cùng là chính người Pháp đã bị người Nhật lật
đổ trong cuộc Đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945. Sự hủy bỏ này cũng có tính
cách đơn phương từ phía Bảo Đại với tư cách là người kế vị chính thống của
Triều Đình Nhà Nguyễn căn cứ vào những gì đã xảy ra vào thời điểm này.
Điểm cần được lưu ý ở
đây là từ ngữ hòa ước trong văn kiện này được dùng theo số ít, trong tiếng
Việt, không có chữ "các" hay "những" đi kèm và trong tiếng
Pháp không có chữ "s" theo sau để biểu lộ số nhiều. Điều này có nghĩa
là bản tuyên cáo này chỉ hủy bỏ hòa ước bảo hộ tức Hòa Ước Giáp Thân 1884 mà
thôi thay vì hủy bỏ tất cả các hòa ước đã được ký kết trước đó. Đó là các Hòa
Ước Nhâm Tuất 1862 và Hòa Ước Giáp Tuất 1874 liên hệ tới xứ Nam Kỳ theo đó xứ
này đã bị nhường dứt cho người Pháp và trở thành thuộc địa của họ, không còn
thuộc quyền cai trị của Vua và Triều Đình Huế nữa. Vấn đề thâu hồi xứ Nam Kỳ do
đó chưa được giải quyết ngay nhưng đã trở thành mối bận tâm và một phần hành
quan trọng của chính Bảo Đại ngay từ buổi nhà vua tiếp kiến Đại Sứ Nhật
Yokoyama và của Chính Phủ Trần Trọng Kim trong gần suốt thời gian chính phủ này
tồn tại. Xứ Nam Kỳ chỉ được người Nhật trao trả trong những ngày cuối của chính
phủ này và chỉ chính thức trở về với lãnh thổ quốc gia Việt Nam ngót năm năm
sau, vào giữa tháng 6 năm 1949, và do Bảo Đại với tư cách Quốc Trưởng tiếp nhận
từ tay người Pháp. Đây cũng là một sự kiện ít người biết đến.
Thứ hai:
"Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc
lập…giúp cho cuộc thịnh vượng chung." Câu này xác định phương thức hoạt
động nhằm thực hiện tư cách độc lập (tự phát triển như một quốc gia độc lập
không phụ thuộc vào nước ngoài, mà ta phải hiểu ngầm là trong đó có cả Nhật
Bản, cho xứng đáng một quốc gia độc lập) và thế đứng của Việt Nam trên trường
quốc tế (tự coi mình là một phần tử của Khối Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho
cuộc thịnh vượng chung). Nên để tới khẩu hiệu Châu Á của Người Á do người Nhật
đưa ra trong thời gian này, một khẩu hiệu hàm chứa sự độc lập của các nước Á
Châu lúc đó còn là thuộc địa của các đế quốc Âu Châu. Đây cũng là một cách nói
trước một cách khéo léo để ngăn chặn trước sự can thiệp vào nội tình Việt Nam
của người Nhật.
Thứ ba:
"Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc…".
Câu này nhằm buộc chặt lời hứa của người Nhật bằng cách nhấn mạnh vào sự trung
thành với những gì họ đã nói, với quan niệm trung thành như một truyền thống
chung của các dân tộc Á Đông.
Thứ tư:
"quyết chí hợp tác với nước Nhật đem hết tài sản trong nước để cho đạt
được mục đích như trên". Mục đích như trên là mục đích gì? Phải hiểu mục
đích này bao gồm hai phần là "tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc
lập" và "giúp cho cuộc thịnh vượng chung" như là một phần tử
của khối Đại Đông Á chứ không phải cho Đế Quốc Nhật Bản.
Thứ năm: Vì
bản tuyên ngôn của Hoàng Đế Bảo Đại được ban hành vào lúc Việt Nam "chưa
phải độc lập hẳn" theo Vua Bảo Đại, nên có tác giả cho rằng nó "không
thể coi là có giá trị pháp lý quốc tế gì". [vii] Nhận định này cần phải
được xét lại nếu ngưòi ta nghĩ tới trường hợp của Bản tuyên Ngôn Độc Lập của
Hoa Kỳ. Bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được công bố ngày 4 tháng 7 năm 1776.
Lúc đó Hoa Kỳ chưa độc lập chút nào, chứ chưa nói là chưa độc lập hẳn. Chính
quyền thuộc địa của người Anh và quân đội Anh vẫn còn đó. Dân chúng 13 thuộc
địa của xứ này còn phải chiến đấu thêm hơn bảy năm nữa, mãi đến năm 1783 Thỏa
Ước Paris mới được ký kết, bảy năm, xin nhắc lại (từ ngày 4 tháng 7 năm 1776
đến ngày 3 tháng 9 năm 1783, sau Chiến Thắng Yorktown) và Hoa Kỳ mới được người
Anh công nhận là một quốc gia độc lập thực sự. Còn nếu so sánh tình trạng độc
lập của Việt Nam vào lúc Hoàng Đế Bảo Đại công bố bản tuyên ngôn của ông, với
tình trạng độc lập của Việt Nam vào ngày 2 tháng 9, 1945, lúc Chủ Tịch Hồ Chí
Minh đọc bản tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, mọi chuyện vẫn y
nguyên, người Pháp vẫn chưa công nhận mà phải đợi đến ngày 8 tháng 3 năm 1949
với Hiệp Định Élysée, hay muộn hơn nữa, với Hiệp Định 4 tháng 6 năm 1954.
Có điều một bản tuyên
ngôn hay một lời tuyên bố chỉ là một bản tuyên ngôn, một lời tuyên bố mà thôi.
Nó chỉ là để người viết hay người nói ra nó bày tỏ quan điểm, chủ trương và ý
chí của mình. Nó hoàn toàn chủ quan. Còn giá trị của nó tới đâu là tùy ở nội
dung của nó và luận cứ của các đương sự dưới nhãn quan của người đọc. Luận cứ
của Vua Bảo Đại là vì người Pháp bất lực không bảo vệ được Việt Nam trước sức
bành trướng của người Nhật hồi đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, theo đúng như
Hòa Ước Bảo Hộ, 6 tháng 6 năm 1884, quy định, nên hòa ước này bị kể như đã
không được người Pháp thi hành, do đó không còn hiệu lực nữa và đương nhiên bị
hủy bỏ. Luận cứ này đã được các nhà ngoại giao, luật học hay sử gia dùng, để cho
rằng chế độ bảo hộ của người Pháp ở Bắc Kỳ và ở Trung Kỳ đã chấm dứt ngay từ
ngày 22 tháng 9 năm 1940 chứ không phải đợi đến mãi ngày 9 tháng 3 năm 1945 hay
sau này. Xứ Nam Kỳ là một ngoại lệ, không bị chi phối bởi những sự kiện này.
Thứ sáu:
Nội dung của bản tuyên ngôn của Vua Bảo Đại không hề chứa đựng lời lẽ lên án,
mạt sát hay thù hận người Pháp hay tuyệt giao với nước Pháp, từ đó một cánh cửa
được để mở cho các cuộc gặp gỡ ngoại giao để điều đình về sau này, từ đó hai
dân tộc ó thể trở thành bạn và hợp tác với nhau về lâu, về dài.
Nói cách khác và tóm
tắt lại, đây là một bản văn tuy ngắn ngủi, cô đọng nhưng rất quan trọng vì nó
vừa mang tính cách pháp lý, có liên hệ tới nhiều văn kiện ngoại giao khác đã
được hình thành trước đó, vừa biểu lộ chủ trương của một quốc gia được trao trả
độc lập trong một hoàn cảnh không nhận không được, vô cùng tế nhị và phức tạp,
vào lúc tình hình thế giới biến chuyển quá nhanh và hoàn toàn bất lợi cho quân
đội và quốc gia đảm nhận sự trao trả nền độc lập này. Mỗi điều nói ra, mỗi chữ
được viết đều đòi hỏi người soạn thảo phải vô cùng thận trọng và ước tính kỹ
càng.
Ai là tác giả của bản tuyên ngôn này?
Người được nói đến
nhiều nhất là Phạm Quỳnh, lúc đó đang giữ chức thượng thư bộ lại. Điều này có
nhiều phần đúng nếu người ta để ý tới khả năng nghị luận và viết văn, viết báo
kèm theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của một học giả, một người làm báo, và sau
đó là một ngự tiền văn phòng tổng lý của nhà vua cũng như thượng thư bộ lại lúc
đó. Nó cũng được Phạm Khắc Hòe, đương thời là ngự tiền văn phòng tổng lý của
Vua Bảo Đại, trong hồi ký của ông này xác nhận. [viii] Tuy nhiên theo Nguyễn Kỳ
Nam, trong hồi ký của nhà báo này, thì trong một cuộc tình cờ gặp Phạm Quỳnh
trên Cầu Trường Tiền Huế và được hỏi về bản tuyên này, Phạm Quỳnh đã bác bỏ và
cho biết bản văn này là do Đại Sứ Yokoyama đưa cho ông ngày 11 tháng 3 yêu cầu
các vị thượng thư ký tên. [ix] Chuyện này có thể đúng và có thể sai, nhưng sai
thì hợp lý hơn vì vào lúc được Nguyễn Kỳ Nam hỏi, Phạm Quỳnh không còn giữ chức
vụ gì nữa nên phủ nhận những gì thuộc quá khứ liên hệ tới mình; ngoài ra nếu sự
thực là như vậy, Phạm Khắc Hoè có thể cũng biết và nói ra, trong khi những gì
viên Tổng Lý Văn Phòng này kể lại có vẻ đủ chi tiết hợp lý hơn, kể cả chuyện
hai thượng thư Hồ Đắc Khải và Trương Như Đính khen "Cụ Lại giỏi
thật!". Phạm Khắc Hoè ghi là sau khi Phạm Quỳnh trình bày lý do của buổi
họp của Cơ Mật Viện
"Bảo Đại hỏi ai
có ý kiến gì không? Thì mọi người đều hoan nghênh việc tuyên bố độc lập và
Bùi Bằng Đoàn nói thêm là trong bản tuyên bố cần nói rõ việc xóa bỏ các hìệp
ước đã ký kết với Pháp. Phạm Quỳnh mỉm cười và nói ông ta đã không quên việc
đó, rồi với vẻ mặt hớn hở tự đắc, ông ta thò tay vào túi áo rút ra hai tờ giấy
và nói tiếp: "Tâu Hoàng đế! để cho gọn việc, chúng tôi đã trộm phép dự
thảo một bản tuyên bố, xin Hoàng đế cho phép tuyên đọc". Phạm Quỳnh trịnh
trọng đọc bản quốc văn rồi bản dịch Hán văn. Bản dự thảo có ba ý kiến chính:
Một là tuyên bố Việt Nam độc lập; hai là xóa bỏ các hiệp ước đã ký với Pháp; ba
là Chính phủ Việt Nam độc lập sẽ hợp tác thân thiện với Chính phủ Đại Nhật Bản
để cùng nhau xây dựng khối thịnh vượng chung Đại Đông Á.
Phạm Quỳnh đọc xong,
Hồ Đắc Khải và Trương Như Đính tấm tắc khen "Cụ Lại giỏi thật!". Còn
không ai có ý kiến gì thêm bớt cả. Bảo Đại bảo Phạm Quỳnh đưa bản thảo cho tôi
làm mọi việc cần thiết để trong mười lăm phút có văn bản đưa vào ký. [x]
Điều đáng tiếc là cho
tới nay người ta không rõ những bản văn chính này nằm ở đâu, còn hay đã mất?
BẢN TUYÊN NGÔN CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM
THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA HỒ CHÍ MINH
Hoàn cảnh được công bố
Bản tuyên ngôn này đã
được Hồ Chí Minh một mình soạn thảo, một mình đứng tên và đọc tại Quảng Trường
Ba Đình ở Hà Nội vào buổi chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, ngót sáu tháng sau
bản tuyên ngôn của Bảo Đại, hơn hai tuần lễ sau khi Nhật Bản đầu hàng, mười ba
ngày sau khi Việt Minh cướp được chính quyền ở Hà Nội và hai ngày sau khi Bảo
Đại chính thức thoái vị. Sau này nó đã được Chính Quyền Cộng Sản chính thức phổ
biến như tác phẩm mà ông là tác giả.
Điển hình là cuốn
Tuyên Ngôn Độc Lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do Nhà Xuất bản Sự Thật ấn
hành năm 1976, với lời giới thiệu của Phạm Văn Đồng và lời chú dẫn của nhà xuất
Bản, có ghi rõ là "do Hồ Chủ tịch thảo ra và đọc trước cuộc mít-tinh của
hơn 50 vạn đồng bào tại Quảng trường Ba-đình (Hà Nội)". Trong Tổng Tập Văn
Học Việt Nam, tập 36 [xi], dày 923 trang, dành riêng cho Hồ Chí Minh, và Hồ Chí
Minh - Écrits (1920-1969) [xii] cũng đều in bản tuyên ngôn này như tác phẩm
riêng của Hồ Chí Minh.
Vì được công bố sau
bản tuyên ngôn của Bảo Đại, sau khi người Nhật đã đầu hàng cũng như chế độ bảo
hộ của người Pháp đã bị người Nhật lật đổ trước đó, bản tuyên ngôn này đã bị
nhiều người cho là thừa, không cần thiết, chưa kể tới sự kiện là chính phủ mới do
Hồ Chí Minh thành lập là kế vị chính phủ Nam Triều do Bảo Đại thoái vị nhường
cho, dựa theo chiếu thoái vị của Bảo Đại. Chiếu này đã được chính Hồ Chí Minh
và chính phủ mới của ông chấp nhận với những điều kiện đã được Hoàng Đế Bảo Đại
liệt kê rõ ràng. Chính Phủ Lâm Thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong
những điều kiện này đương nhiên kế tục những gì Hoàng Đế Bảo Đại và Chính Phủ
Trần Trọng Kim đã làm trước đó, trong đó có Bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 11
tháng 3 năm 1945.
Lập luận như vậy là
hoàn toàn hợp lý đứng trên phương diện công pháp quốc tế. Một lập luận đơn giản
và hoàn toàn dễ hiểu. Câu hỏi được đặt ra là Hồ Chí Minh, và những cộng sự viên
của ông, khi đưa ra bản tuyên ngôn của ông tại Quảng trường Ba Đình có biết là
trước đó Bảo Đại đã làm công việc này rồi hay không? Và biết như vậy tại sao
ông lại còn làm lại việc đó một lần nữa?
Cho câu hỏi thứ nhất,
câu trả lời là chắc chắn có; Hồ Chí Minh chắc chắn phải biết là Bảo Đại trước
đó đã tuyên cáo hủy bỏ hòa ước bảo hộ 1884 rồi. Nhưng ông vẫn làm lại công việc
này vì ông có nhu cầu phải làm. Những nhu cầu đó là những nhu cầu gì? Thứ nhất
là vì từ lâu toàn dân ai nấy đều khao khát được thấy nước nhà độc lập, đúng như
Bảo Đại đã viết trong hồi ký của ông, độc lập là ước mơ của mọi người dân Việt
[xiii], cũng như nó được phản ảnh ở khắp nước ngay trước và sau ngày 2 tháng 9
năm 1945. Nói tới độc lập vào lúc đó là gõ đúng tần số của bất cứ một người dân
Việt Nam nào, từ đó qui công lao và đem lại thanh thế cho người chính thức
công bố ra điều đó.
Thứ hai là cho tới
ngày 2 tháng 9 năm 1945, cái tên Hồ Chí Minh hoàn toàn xa lạ ở trong nước cũng
như ở ngoài nước. Võ Nguyên Giáp, một trong những cộng sự viên thân cận nhất và
có uy thế nhất của Hồ Chí Minh trong thời gian này, đã viết trong hồi ký của
mình rằng: "Ba tiếng HỒ CHÍ MINH không bao lâu đã vang đi khắp thế giới
với những truyền thuyết mà người ta thường dành cho các bậc vĩ nhân. Nhưng vào
ngày hôm ấy, cái tên mới của Bác vẫn còn mới lạ với nhiều đồng bào. Số người
biết Bác chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc khi đó không nhiều." [xiv]
Ngay vua Bảo Đại ngày
23 tháng 8 năm 1945, khi nhận được điện tín của của các ông Nguyễn Xiển,
Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon-Tum và Hồ Hữu Tường nhân danh Ủy Ban Nhân Dân
Cách Mạng, yêu cầu nhà vua thoái vị nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Chính
Phủ Nhân Dân Cách Mạng với chủ tịch là "Cụ Hồ Chí Minh" đã không biết
Hồ Chí Minh là ai. Còn Phạm Khắc Hòe, người được Việt Minh gài vào cạnh nhà vua
cũng không biết nốt, phải chạy đi hỏi Tôn Quang Phiệt, một đảng viên Cộng Sản,
rồi Đào Duy Anh, nhưng Tôn Quang Phiệt đi vắng và Đào Duy Anh lục lọi, truy tìm
các tài liệu, sách vở ông có nhưng cũng không ra tên này. Cuối cùng Vũ Văn
Hiền, ở Bắc về mới xác nhận Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc.[xv]
Tuyên bố Việt Nam độc
lập đối với Hồ Chí Minh vào thời điểm này, do đó là cách tự giới thiệu mình tốt
nhất và hữu hiệu nhất với toàn thể đồng bào và để được nhìn và được chấp nhận
như là lãnh tụ đầu tiên đã mang lại được độc lập cho tổ quốc và cho toàn dân
Việt Nam, một nhu cầu tối cần thiết, dầu rằng nền độc lập này hoàn toàn không
phải do ông hay do Mặt Trận Việt Minh tạo ra mà là do những biến cố khác của
lịch sử, trong đó quan trọng nhất là Đảo Chính ngày 9 tháng 3 năm 1945, trong
đó người Nhật đã loại bỏ người Pháp, kèm theo là bản Tuyên Ngôn Độc Lập của
Hoàng Đế Bảo Đại nói trên, và cuối cùng là sự bại trận sau đó của người Nhật.
Chúng ta cũng cần để
ý là đối với đa số người Việt Nam thời đó, ngày 2 tháng 9 là Ngày Độc Lập, đúng
như Nguyễn Hữu Đang, người được Hồ Chí Minh chỉ định tổ chức ngày này, gọi, qua
các văn thư chính thức ông đã gửi cho các cơ quan liên hệ, trong đó có thư gửi
cho Thị Trưởng Hà Nội [xvi] và theo bìa in bản tuyên ngôn, bản đầu tiên năm
1945, do Chủ Tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Hồ Chí Minh đọc trong Ngày Độc
Lập" [xvii].
Nhưng đối với Hồ Chí
Minh ngày 2 tháng 9 còn có một ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Đó là "ngày
khép lại cuộc Cách mạng tháng Tám, và khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng
hòa", theo lời ông nói với Nguyễn Hữu Đang, "Chú phải nhớ…[xviii] Tại
sao vậy? Tại vì Hồ Chí Minh phải làm chuyện này trước khi quân Đồng Minh kéo vô
Việt Nam, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, nhằm đặt họ trước một sự đã rồi, không thể
đảo ngược được. Sự kiện vua Bảo Đại thoái vị được nhắc tới và câu "Toàn
dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân
Pháp" là nhằm vào mục tiêu này.
Một lý do khác cũng
được người ta nhắc tới là cho mãi đến ngày 2 tháng 9 năm 1945 nền độc lập của
Việt Nam vẫn chưa có gì gọi là hoàn toàn, chưa được quốc tế chính thức công
nhận hay nếu công nhận là qua Vua Bảo Đại, người lãnh đạo hợp pháp chứ không
phải với Hồ Chí Minh, một nhân vật vô danh, hoàn toàn xa lạ, nhất là đối với
người Pháp. Vấn đề tuy nhiên còn cần phải được xét lại. Cuối cùng thì những lý
do liên hệ tới nhu cầu của cá nhân Hồ Chí Minh và Việt Minh Cộng Sản vẫn là
chính.
Nguyên văn bản Tuyên Ngôn
Hỡi đồng bào cả nước,
"Tất cả mọi
người đều sinh ra có quyền bình đẳng, Tạo hóa cho họ những quyền không ai có
thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và
quyền mưu cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong
bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là
tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng dân tộc nào cũng có
quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn nhân
quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
"Người ta sinh
ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng
về quyền lợi".
Đó là những lẽ phải
không ai chối cãi được.
Thế mà hơn tám mươi
năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp
đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và
chính nghĩa.
Về chính trị, chúng
tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những
luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản
việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù
nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi
của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu.
Chúng ràng buộc dư
luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc
phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc
lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ
xác, tiêu điều.
Chúng cướp không
ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền
in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng
trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cầy và dân buôn, trở nên bần
cùng.
Chúng không cho các
nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn
nhẫn.
Mùa thu năm 1940,
phát-xít Nhật đến xâm lăng Đông-dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn
thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai
tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ nghèo nàn. Kết quả là
cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng-Trị đến Bắc-Kỳ hơn hai triệu đồng bào
ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm
nay, Nhật tước khi giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc
đầu hàng. Thế mà chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại,
trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày 9 tháng 3
biết bao lần Việt minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực
dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt minh nữa.
Thậm chí đến khi thua
chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số tù chính trị ở Yên-bái và Cao-bằng.
Tuy vậy, đối với
người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc
biến động ngày 9 tháng 3, Việt minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua bên
thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp chạy ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính
mạng và tài sản cho họ.
Sự thật là từ đầu mùa
thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải là thuộc địa
của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành
chính quyền lập nên nước Việt-nam dân chủ cộng hòa.
Sự thật thì dân ta đã
lấy lại nước Việt-nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
Pháp chạy, Nhật hàng,
vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm
năm nay để gây dựng nên nước Việt-nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân
chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.
Bởi thế cho nên,
chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt-nam mới, đại biểu cho toàn dân
Việt-nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những
hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt-nam, xóa bỏ hết mọi đặc quyền của Pháp trên
đất nước Việt-nam.
Toàn dân Việt-nam, trên
dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Chúng tôi tin rằng
các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội
nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập
của dân Việt-nam.
Một dân tộc đã gan
góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng
về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân
tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên,
chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng
tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt-nam có
quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn
thể dân tộc Việt-nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của
cải để giữ vững tự do, độc lập ấy.
(Nhà Xuất Bản Sự
Thật, Hà Nội, 1976)
Phân tích Nội dung
Bản Tuyên Ngôn Độc
lập của Hồ Chí Minh, vì được phổ biến rộng rãi và hầu như được coi là duy nhất
gắn liền với ngày 2 tháng 9, ngày Quốc Khánh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, rồi
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nên đã được nhiều người đọc, phân tích và
tìm hiểu. Trong phần này người viết chỉ nêu lên những gì ít được mọi người nhắc
đến hay để ý đến mà thôi.
Trong khi Tuyên Cáo
của Hoàng Đế Bảo Đại đơn giản chỉ là một bản văn thuần túy pháp lý nhằm hủy bỏ
hòa ước bảo hộ mà triều đình Huế đã ký trước đó, căn cứ vào sự bất lực của
người Pháp, vì người Pháp đã không giữ được cam kết ghi trong điều khoản thứ
nhất và điều khoản thứ mười lăm của hòa ước này, mà không nhằm vào một đối
tượng quần chúng hay quốc tế nào, thì bản Tuyên Ngôn của Hồ Chí Minh nhằm vào
toàn thể người Việt qua lời mở đầu "Hỡi đồng bào cả nước…". Tuy nhiên
ở những đoạn cuối Hồ Chí Minh lại nhắm vào các nước Đồng Minh. Điều này phải
tinh ý người ta mới nhận ra được.
Về tư cách, Bảo Đại
nhân danh Hoàng Đế Việt Nam, người đứng đầu của một quốc gia độc lập đã tồn tại
từ trước khi người Pháp xâm lăng và là người kế thừa chính thống của các vua
chúa Nhà Nguyễn, thì Hồ Chí Minh đã nhân danh "Lâm Thời Chính Phủ của nước
Việt Nam mới". Mới là vì đến ngày đó chính phủ này mới chính thức được ra
mắt trước quốc dân. Lời văn do đó phản ảnh hai tư cách của bản chất của hai con
người khác nhau. Một người là hoàng đế kế thừa chính thống của một triều đại đã
trị vì một quốc gia từ hơn non bốn trăm năm trước, dù cho là chỉ còn hư vị;
người kia là lãnh tụ của một phong trào cách mạng vừa chủ trương chống Pháp,
vừa chủ trương chống Nhật và lật đổ chế độ quân chủ để giành chính quyền. Văn
phong trong bản tuyên ngôn của Bảo Đại là văn phong bình thường của người cầm
quyền; còn văn phong của Hồ Chí Minh mang tính cách kêu gọi và ở một mức độ nào
đó có tính cách bình dân, kể lể dài dòng và nhất là xách động.
Mở đầu cho bản tuyên
ngôn, Hồ Chí Minh đã trích dẫn một số câu trong phần đầu của Bản Tuyên Ngôn Độc
Lập của người Mỹ và một câu trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của
Cách Mạng Pháp. Sự trích dẫn này, vào lúc mà sự hiểu biết của quần chúng Việt
Nam còn thấp kém, đặc biệt là về lịch sử Hoa Kỳ và thế giới, chắc chắn không
nhằm vào quần chúng người Việt mà nhằm vào người Mỹ và người Pháp.
Lý do là Hồ Chí Minh
như là một đảng viên Cộng Sản Quốc Tế chắc chắn đã hiểu hơn ai hết là người Mỹ
vào thời điểm này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chính trường ở Á
Châu, trong đó có Việt Nam. Được nguời Mỹ công nhận là coi như làm chủ được
chính quyền. Hiểu được như vậy, ngay từ khi còn ở chiến khu Hồ Chí Minh đã tìm
cách tiếp xúc và cộng tác với người Mỹ của cơ quan OSS từ hồi còn ở chiến khu,
và đã yêu cầu họ cung cấp cho ông một bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ, đồng
thời nói về lịch sử nước Mỹ như là một cách để chinh phục cảm tình của họ.
Đó chính là lý do tại
sao ngày 29 tháng 8 năm 1945, hai ngày trước khi Hồ Chí Minh tuyên đọc Bản
Tuyên Ngôn Độc Lập của ông, lúc 10 giờ 30 sáng, ông đã cho xe tới chở
Archemedes L. A. Patti, trưởng nhóm tình báo OSS mới tới Hà Nội không lâu tới
gặp ông. Mục đích của cuộc gặp mặt theo Hồ Chí Minh không phải là để bàn về
chuyện người Tàu mà là để nói về những gì ông đã làm vài ngày trước đó (buổi
họp ngày 27/8 về Chính Phủ Lâm Thời) và ít ngày sau đó (ngày 2 tháng 9 đã được
chọn là Ngày Độc Lập, Hồ Chí Minh sẽ tuyên bố Việt Nam độc lập và giới thiệu
thành phần chính phủ lâm thời) với Patti như là người đầu tiên được biết. Quan
trọng hơn hết ở đây là Hồ Chí Minh đã cho Patti coi bản nháp của bản Tuyên Ngôn
Độc Lập của ông bằng tiếng Việt mà Patti không đọc được và chỉ hiểu sơ sơ qua
lời một thông ngôn…[xix]
Vì chỉ nhằm mục tiêu
lôi cuốn sự chú ý và cảm tình của người Mỹ, Hồ Chí Minh đã không đi xa hơn nữa
và rất có thể ông cũng không hiểu rõ hơn hay cố tình không hiểu sự khác biệt
trong quá trình giành độc lập của mười ba thuộc địa của người Mỹ vào cuối thế
kỷ XVIII và của nước Việt Nam thời năm 1945. Vì vậy ông đã áp dụng quan điểm của
người Mỹ về quyền bình đẳng, quyền được sống tự do và mưu cầu hạnh phúc của
mọi-người-như-là-những-cá-nhân riêng lẻ theo đúng như tinh thần của bản Tuyên
Ngôn Độc Lập của người Mỹ vào trường hợp chung của cả nước Việt
Nam-như-một-quốc-gia đòi quyền độc lập một cách gượng ép hay ít ra là suy luận
theo quan điểm chủ quan của ông với dụng ý riêng của ông. Cũng vậy, với những
gì ông trích dẫn từ bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách Mạng Pháp.
Phần kế tiếp, Hồ Chí
Minh lên án người Pháp và người Nhật, đồng thời ông kể công cho Việt Minh:
"Trước ngày mồng 9 tháng 3, đã bao lần Việt minh kêu gọi người Pháp liên
minh để chống Nhật…", sau đó "đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua
biên thùy, lại cứu nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng
và tài sản cho họ" và kết luận rằng "Sự thật là dân ta đã lấy lại
nước Việt-nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp". Điều này như người
viết đã nói ở trên là không đúng sự thật.
Sự thật là Chính Phủ
Bảo Đại - Trần Trọng Kim đã lấy lại được toàn thể nước Việt Nam từ Bắc chí Nam,
bao gồm luôn cả xứ Nam Ký từ trong tay người Nhật, trước khi người Nhật đầu
hàng và Việt Minh đã cướp chính quyền từ trong tay của chính phủ Bảo Đại -Trần
Trọng Kim trong những ngày 17 và 19 tháng 8 năm 1945 sau đó, sau khi Nhật đã
đầu hàng, nói cách khác sau ngày 15 tháng 8 năm 1945. Lý do là vì Việt Minh
"đã có đường riêng của họ rồi", nói theo Phan Anh, Bộ Trưởng Thanh
Niên trong Chính Phủ Trần Trọng Kim và sau này là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong
Chính Phủ Liên Hiệp của Hồ Chí Minh. [xx] Trong những đoạn này Hồ Chí Minh đã
dùng các từ ngữ ta hay "dân ta" hay "đất nước ta", nhưng
mục đích không nhằm vào người Việt Nam mà vào người Pháp. Ông đã kể công với
người Pháp, giữ một cánh cửa mở, phòng ngừa họ trở lại.
Phần cuối cùng của
bản văn, từ "Bởi thế cho nên…" cho đến hết, lời văn cho người ta thấy
Hồ Chí Minh không hướng về người Việt mà về cả thế giới. Trong phần này ông
xưng là "chúng tôi, Lâm thời Chính phủ, đại biểu cho toàn dân Việt -nam
" để tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, kêu gọi các nước Đồng Minh
công nhận quyền độc lập của dân Việt-nam… Phần này Hồ Chí Minh thay vì nói về
quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của
mọi-người-như-những-cá-nhân do Tạo Hóa ban cho, những quyền phải hiểu là tự nhiên
ai cũng có, đã nói về quyền hưởng tự do và độc lập. Đây là một lập luận có tính
cách cưỡng ép, hoàn toàn không đúng với tinh thần của bản Tuyên Ngôn Độc Lập
của Người Mỹ và nhất là của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách
mạng Pháp mà danh xưng của nó đã nói lên một cách rõ ràng: Nhân Quyền và Dân
Quyền, không thể hiểu sai được.
Độc lập của một dân
tộc không phải luôn luôn đồng nghĩa với tự do, dân quyền và nhân quyền của mỗi
một cá nhân người dân như một thành phần của dân tộc ấy. Không những thế, thay
vì coi những quyền này là do Tạo Hóa ban cho, Hồ Chí Minh lại lý luận là vì dân
tộc Việt Nam là "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám
mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy
năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc ấy phải được độc lập!".
Lý luận như vậy người
ta phải hiểu, theo Hồ Chí Minh, rằng những dân tộc không gan góc chống lại
những thế lực đè nén, áp bức mình và không gan góc đứng về phe Đồng Minh, chống
phát-xít là không đáng được tự do, độc lập. Cũng vậy, với các quyền độc lập, tự
do và mưu cầu hạnh phúc của con người như là những cá nhân trong xã hội. Chính
vì vậy Luật Sư Trần Thanh Hiệp, khi được Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn ngày 2
tháng 9 năm 2007, đã có lý khi ông gọi bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh này là
"một bản tuyên ngôn phi nhân quyền" [xxi] dù cho là nó đã được chính
tác giả của nó trích và soạn thảo theo tinh thần của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của
người Mỹ và bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của người Pháp. Nhưng dù nói
thế này hay thế khác sự kiện này đã phản ảnh chủ trương giai đoạn của những
người Cộng Sản Việt Nam mà Hồ Chí Minh ở đây là một trường hợp điển hình.
Về thời gian soạn
thảo, nhiều người cho rằng Hồ Chí Minh chỉ có ít ngày sau khi ông từ chiến khu
của Việt Minh về Hà Nội, trong khi ông còn phải bận rộn với nhiều vấn đề cấp
bách khác. Điều này không đúng vì trước đó từ lâu, như đã nói ở trên, khi tiếp
xúc với một sĩ quan người Mỹ, ông nhờ người này kiếm cho ông một bản tuyên ngôn
độc lập của người Mỹ rồi. [xxii]
Nói cách khác, Hồ Chí
Minh đã nghĩ tới và đã thai nghén bản tuyên ngôn của ông từ lâu chứ không phải
chỉ ít ngày trước ngày 2 tháng 9 năm 1945. Do đó những gì ông nói tới, những từ
ngữ ông dùng đều được cân nhắc kỹ càng và đều có dụng ý riêng với những mục
tiêu riêng mà chỉ sau này phải phân tích kỹ, đối chiếu kỹ và có thể sau này khi
mọi việc liên hệ đã xảy ra rồi, người ta mới có thể hiểu được. Điều đáng tiếc
là khi thực thi những gì ông đã trích dẫn và đề cao trong bản tuyên ngôn của
ông, Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông và sau này những người nối nghiệp ông
trong Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ thực thi những gì ông đã suy rộng ra theo lối
suy luận loại suy (độc lập của dân tộc) mà làm ngược lại những gì đích thực về
nhân quyền và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của từng cá nhân con người, theo
đúng nguyên bản của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của người Mỹ cũng như bản Tuyên Ngôn
Nhân Quyền và Dân Quyền của ngưòi Pháp.
Nói cách khác, Hồ Chí
Minh và các đồng chí của ông trong đó có Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn
Đồng, cũng như hậu duệ của các ông, thay vì đi theo con đường tự do, dân chủ
của các nhà lãnh đạo của cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, trong đó có Washington,
Jefferson, dựa theo đúng tinh thần của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của họ mà các ông
đã trích dẫn phần mở đầu, đã theo con đường của Lê Nin, Xít Ta Lin và Mao Trạch
Đông. Hậu quả là 67 năm sau, Bà Hillary Clinton, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, đã phải
công khai nhắc người đồng nhiệm của Bà ở Việt Nam và luôn cả các ông Nguyễn Tấn
Dũng, Thủ Tướng Chính Phủ và Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt
Nam về vấn đề dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Người ta không hiểu là khi làm
công việc nhắc nhở này, Bà Clinton có biết rằng 67 năm trước Hồ Chí Minh đã đọc
bản Tuyên Ngôn Độc Lập của ông với phần trích dẫn về nhân quyền từ bản Tuyên
Ngôn Độc Lập của nước Mỹ hay không? Người viết tin là có. Cũng vậy, với Đại Sứ
David Shear khi ông này tới thăm Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế và Đại Lão Hòa Thượng
Thích Quảng Độ ở Saigon.
Nhưng dù có hay
không, khi trích dẫn những tài liệu này, Hồ Chí Minh và từ đó Đảng Cộng sản
Việt Nam cũng đã mắc một món nợ tinh thần với cả hai dân tộc Mỹ và Pháp và nhân
ngày 2 tháng 9 năm 2018 này, những ai quan tâm đến vấn đề nhân quyền và dân
quyền ở Việt Nam hiện tại, nhất là người Mỹ và người Pháp, nên nhắc nhở những
người đang nắm vai trò lãnh đạo ở quốc gia này phải tôn trọng và thực thi những
gì Hồ Chí Minh, người đã khai sáng nên chế độ của họ cần phải "thật
thà" như ông thường khuyên mọi người, đặc biệt là các "cháu ngoan"
của ông, coi như một giá trị đạo đức, coi trọng những lý tưởng mà người sáng
lập ra Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã viện dẫn từ hai bản Tuyên Ngôn Độc lập
của Hoa Kỳ và Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp, coi như một hình
thức trả nợ mà bình thường mọi người đều phải làm, nếu không muốn mang tiếng là
lừa đảo.
Về điểm này, tuy
nhiên, người ta cũng cần phải dè dặt vì bản Tuyên Ngôn Độc Lập Ngày 2 tháng 9
Năm 1945 sau đó đã bị sửa lại nhiều lần cũng giống như bức thư gửi Hồ Chí Minh
gửi cho các học sinh nhân lễ khai trường đầu tiên khi nước Việt Nam mới được
độc lập cùng năm mà người viết bài này đã phải học thuộc lòng, cho đến giờ này
hãy còn nhớ từng chữ. Người ta không biết những chi tiết nào đã bị sửa nhưng
theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thành từ Hà Nội, trong bài viết nhan đề "Trong
Lịch Sử Nước Ta Đã Có Hai Hay Ba Bản Tuyên Ngôn Độc Lập" đăng trong Nghiên
Cứu Lịch Sử, Số 1 (278), (I- II), 1995, "lại có nhiều dị bản, sai nhau đến
22 từ, được sửa đi sửa lại nhiều lần từ sau ngày 2-9-1945 đến năm 1973 thì thật
không thể hiểu nổi." [xxiii]
1945 - 2018. Bảy
mươi ba năm đã trôi qua. Đã đến lúc người ta phải trả lại lịch sử
những gì gọi là sự thực của nó khi tìm hiểu hai bản tuyên ngôn này,
đồng thời trả tất cả những món nợ mà vì bất cứ lý do gì những
người đi trước đã mắc phải, nhất là nợ chính đồng bào mình.
Một điều khác vô
cùng quan trọng độc giả cũng nên để ý khi tìm hiểu hai bản tuyên ngôn
này là mục tiêu tối hậu của những người Cộng Sản không phải là độc
lập cho quốc gia, đất nước và dân tộc Việt Nam mà là cách mạng quốc
tế vô sản và xã hội chủ nghĩa theo quan niệm riêng của họ, như người
ta đã thấy ngay từ những năm đầu của thập niên 1950 với sự thúc đẩy
của Nga Xô và Trung Cộng. Tranh đấu cho nền độc lập của quốc gia chỉ
là một chiêu bài, một phương tiện họ dùng để đạt mục tiêu tối hậu
này. Những gì Hồ Chí Minh nói trong bản tuyên ngôn của ông do đó chỉ
nhằm mục tiêu xách động quần chúng nhất thời, sau đó không còn được
chính ông và hậu duệ của ông tôn trọng, chưa nói là làm ngược lại,
trong đó có những gì ông nặng nề lên án người Pháp.
*
PHẠM
CAO DƯƠNG
Khởi
sự viết năm 2012, sửa lại Mùa Khai Trường năm 2018
___________
(*) Tác
giả, Giáo sư Tiến sỹ Sử học, Cựu Giáo sư các trường Đại học Việt Nam Cộng Hòa
trước năm 1975. Sau 1975, ông là Giáo sư chuyên về Văn hóa và Lịch sử Việt Nam
tại một số Đại học Mỹ, trước khi nghỉ hưu.
[i]
Dương Trung Quốc. Việt Nam: Những Sự Kiện Lịch Sử (1919-1945). Hà Nội: Nhà
Xuất Bản Giáo Dục, 2002, tr. 288.
[ii]
Lệ Thần Trần Trọng Kim. Một Cơn Gió Bụi (Kiến Văn Lục). Saigon: Nhà
Xuất Bản Vinh Sơn, 1969, tr. 49.
[iii]
-nt-, tr. 51.
[iv]
Dương Trung Quốc. Việt Nam, đã dẫn, tr.388; Nguyễn Vỹ. Tuấn,
Chàng Trai Nước Việt (Chứng Tích Thòi Đại Từ 1900 đến 1970), Quyển II.
Saigon,1970. Fort Smith, AR tái bản tại Hoa Kỳ, tr. 512. S. M. Bao Dai. Le
Dragon d’Annam. Paris: Plon, 1990. tr. 104; Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam,
Hồi Ký Chánh Trị 1913-1997. Los Alamitos, CA: Nguyễn Phước Tộc Xuất Bản,
1990, tr. 162; Cameron, Alan W. Vietnam Crisis.A Documentary History, Vol.
I, 1940-1956. Ithaca, NY: Cornell University Press, 1971. tr. 31-32; Hai
bản tiếng Việt in trong tác phẩm của Dương Trung Quốc và tác phẩm của Nguyễn Vỹ
hơi khác nhau về ngôn từ nhưng hoàn toàn giống nhau về nội dung. David G. Marr
trong Vietnam 1945, The Quest for Power (Berkeley: University of
California Press, 1995), trang 71 có nói tới bản tiếng Việt và tiếng Pháp ở văn
khố Pháp và bản đăng trên tờ Dân Báo, ngày 12 tháng 3. Vũ Ngự Chiêu cũng
nói tới tờ Tin Mới, nhưng nhất thời nguời viết bài này chưa đến được
các nơi cần đến để tìm kiếm.
[v]
S.M. Bao Dai, Le dragon d’Annam, đã dẫn, tr. 104.
[vi]
Taboulet, Georges. La teste Francaise en Indochine, histoire par les extes
de la France en Indochine des origins à 1914, tome II. Paris,
Adrien-Maisonneuve, 1956. Tr. 809-812; Phan Khoang, Việt Nam Pháp Thuộc
Sử, 1884-1945. Saigon, 1961, Tái Bản ở Hoa Kỳ, tr. 322-328.
[vii]
Phạm Hồng Tung, "Trao Đổi về Một Số Ý Kiến Liên Quan Đến Lịch Sử Nội Các
Trần Trọng Kim và Cách Mạng Tháng Tám" trong Nghiên Cứu Lịch
Sử, Số 8 (424), 2011, tr. 55.
[viii]
Phạm Khắc Hoè. Từ Triều Đình Huế Đến Chiến Khu Việt Bắc. Huế: Thuận Hóa,
1987, tr. 16.
[ix]
Nguyễn Kỳ Nam, Hồi Ký "1925-1964". Saigon, 1964, tr.
168-169.
[x]
Phạm Khắc Hoè, Từ Triều Đình Huế…, đã dẫn, tr. 16-17.
[xi]
Giáo Sư Viện Sĩ Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Lữ Huy Nguyên sưu tầm biên soạn. Hà
Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1980, tr. 812 - 823.
[xii]
Hà Nội: Éditions en Langues Étrangères, 1971, tr. 51.
[xiii]
S.M. Bao Dai. Le Dragon…, tr. 103.
[xiv]
Võ Nguyên Giáp. "Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên", trong Tổng
Tập Hồi Ký. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, 2006. Tr. 255.
[xv]
Phạm Khắc Hoè. Từ Triều Đình Huế…., tr. 76.
[xvi]
Phùng Quán. Ba Phút Sự Thật.Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Văn Nghệ,
2006, tr. 114-115.
[xvii]
Hồ Chí Minh.Tuyên Ngôn Độc Lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Hà Nội: Nhà Xuất
Bản Sự Thật, 1976, tr. 13. Nguyễn Khánh Toàn và Lữ Huy Nguyên, Tổng Tập Văn Học
Việt Nam, Tập 36. Hà Nội, 1980, tr. 812-823.
[xviii]
-nt-, tr. 134.
[xix]
Patti, Archimedes L.A. Why Vietnam? Prelude to America’s
Albatoss. Berkeley; University of California Press, 1980, tr. 223.
[xx]
Thụy Khuê, Nói Chuyện Với Hoàng Xuân Hãn Và Tạ Trọng
Hiệp. California: Văn Nghệ, 2002, tr. 180-181.
[xxi]
Trần Thanh Hiệp và Trương Giang. "Một Bản Tuyên Ngôn Phi Nhân Quyền",
trên Nhật Báo Người Việt, số 7940, ngày Thứ Hai, 3 tháng 9 năm 2007.
[xxii]
Sĩ quan này là Trung Úy Dan Phelan, người đã nhảy dù xuống gặp Hồ Chí Minh
trong chiến khu của ông này. Xin xem: Fenn, Charles, Ho Chi Minh, A
Bibliographical Introduction, New York: Scribner’s Sons, 1973, tr. 81-82;
Duiker, William J. Ho Chi Minh. New York: Hyperion, 2000, tr. 301; Against
Japan. Lawrence, Kansas: University of Kansas, 2006, tr. 243-244; bản dịch
tiếng Việt của Lương Lê Giang nhan đề OSS và Hồ Chí Minh, Đồng Minh Bất
Ngờ Trong Cuộc Chiến Chống Phát Xít Nhật. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Thế Giới,
2007, tr. 367-368. Xin để ý: trong nhan đề tiếng Việt người dịch đã thêm hai
chữ Phát Xít vào danh xưng Nhật.
[xxiii]
Số 1 (278), (I- II), 1995, tr. 186. Vì Sao Giới Trẻ Mỹ Nay Thích Chủ Nghĩa Xã
Hội?
22-8-2018
https://baotiengdan.com/2018/08/22/73-nam-nhin-lai-hai-ban-tuyen-ngon-doc-lap-thay-vi-mot/
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Bài thơ “Vấn
Thoại” của Hồ Chí Minh và quan hệ giữa tòa và bị canl
- Hồ Chí Minh và
người Mỹ trong cách mạng tháng 8l
- Đọc lại bài thơ
“Cảnh Khuya” của Hồ Chí Minhl
- Đêm Nay Bác Không
Ngủ” và 10 bài cảm nhận mẫul
- Phân tích một số
bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minhl
- Về một quãng thời
gian trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minhl
- Lời Cụ Hồ ca ngợi
vua Gia Long bị cắt bỏl
- Hồ Chí Minh, Hồ
Tập Chương và còn gì nữa?l
- Những con số
“duyên nợ” của các danh nhânl
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
Mời nghe QUỐC CA VIỆT NAM của Văn Cao
do Tốp ca Đài Tiếng Nói Việt Nam thể hiện:
Trần Chí Cường giới thiệu
Tác giả: Phạm
Cao Dương - nguồn: geocities.ws
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả..
0 comments:
Đăng nhận xét