TỤC MỪNG TUỔI NGÀY TẾT VÀ TỤC HÁI LỘC ĐẦU NĂM - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

Leave a Comment

 

TỤC MỪNG TUỔI NGÀY TẾT

VÀ TỤC HÁI LỘC ĐẦU NĂM

 

TỤC MỪNG TUỔI NGÀY TẾT

Tục mừng tuổi ngày Tết du nhập vào nước ta từ bao đời và được người Việt Nam ta gìn giữ như một nét đẹp truyền thống của phong vị ngày Tết Việt.

Theo truyền thuyết của Trung Quốc, có con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con khiến đứa trẻ đang ngủ ngon giấc giật mình khóc thét lên và hôm sau đứa trẻ bị đau đầu, sốt cao,... làm các bậc cha mẹ lo lắng, không dám ngủ để canh phòng bảo vệ con.

Vào Tết năm nọ, có một cặp vợ chồng nọ ngoài 50 tuổi mới sinh được một mụn con trai. Tết năm đấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước đứa trẻ này sẽ gặp tai họa bởi con yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên đứa trẻ để bảo vệ đứa trẻ. Sau khi đứa trẻ ngủ say, hai vợ chồng nhà nọ lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối đứa con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến yêu quái hãi sợ bỏ chạy.

Hai vợ chồng nhà nọ vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người trong làng xã nghe. Thấy việc lấy tiền bọc trong bao giấy đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ mạnh khỏe an lành nên từ đó, cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ, gọi là tiền lì xì cho trẻ để cầu ước ban điều tốt đẹp đến cho trẻ nhỏ và dần dần trở thành tục lì xì mừng tuổi đầu năm.

 

TỤC HÁI LỘC ĐẦU NĂM

Tục hái lộc đầu năm được diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán của người Việt, là phong tục bẻ cành nhỏ của cành các loại cây luôn tươi tốt và nảy lộc quanh năm như cây đa, cây si,...  gọi là cành lộc, mang về treo trước hiên nhà hoặc cắm vào bình hoa để trừ ma quỷ, rước may mắn, phúc lộc về nhà.

Thường thì người ta hay đi chùa (hoặc đền thờ) vào thời khắc giao thừa rồi hái lộc ở nơi thờ tự như đền, chùa, miếu, phủ... bởi theo quan niệm hái lộc ở nơi linh thiêng sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc để cả năm được may mắn, thuận lợi. Nhưng cũng có quan niệm khác cho rằng đồ lễ, cành lộc hay bất cứ đồ gì thuộc của đền, chùa, miếu, phủ... đều chứa nhiều âm khí nên hạn chế mang về nhà, tuyệt đối không đặt lên bàn thờ nhà mình để tránh gây bất lợi cho gia tiên và gia thần. Người viết cho rằng, nếu tin vào tục hái lộc đầu năm thì quý vị bạn đọc nên bẻ cành lộc ở cây rừng, cây đường, cây vườn... không nên bẻ cành lộc ở các nơi thờ tự để tránh phạm luật âm là “phá phách nơi thờ tự” và tránh đem những trường khí âm về làm hỗn loạn gia tiên, gia thần và làm xáo động sự bình an của gia đình.

Tục hái lộc đầu năm bắt nguồn từ truyền thuyết:

Nhân một ngày đầu xuân, khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng bèn cho mời các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền dạy rằng: “Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi”.

Nghe cha phán truyền, các con đều bịn rịn không muốn chia tay mà muốn ở lại cùng cha mẹ, các Lạc Hầu, Lạc Tướng, dân làng chưa biết tấu trình với Vua thế nào thì Hoàng hậu thưa: “Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, tôi nghĩ rằng Nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con… Các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì phương ấy mà đi”.

Nghe phải, Vua lệnh truyền cho các Lạc Hầu, Lạc Tướng và các con về nhà nghỉ. Rồi chọn ngày lành tháng tốt, Vua làm Lễ tế Trời - Đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua và các con chia cho mỗi người một cành lộc và dạy rằng:

“Non ở nhà, già đi ấp

Chẵn lên non, còn lẻ xuống biển”

Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương răn dạy dân làm ăn trên đường đi nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con. Y lệnh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền, Vua cả mừng truyền cho dân làng mở hội để tiễn các con lên đường.

Trải qua mấy nghìn năm, tục xin lộc đầu xuân cầu may trong dân gian đã trở thành nét đậm đà trong văn hóa Tết của người Việt.

-------------

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

Mời thư giãn với nhạc phẩm NGÀY XUÂN THĂM NHAU

của Hoài An, qua tiếng hát Đan Nguyên - Hoàng Thục Linh:

(Trích từ: TÌM HIỂU VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG TRONG DÂN GIAN của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà Xuất bản Thanh Hóa 2007)



0 comments:

Đăng nhận xét