“VÌ CÀNH
NẶNG QUẢ
MÀ CÂY CÚI ĐẦU”
Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu có tham vọng làm một cuốn từ điển
tình yêu bằng thơ, trong đó ghi tất cả các tình huống, trạng thái của tình yêu,
để khi trai gái yêu nhau, gặp điều khó gỡ, mở từ điển tình yêu của Xuân Diệu
ra, tất cả sẽ được giải quyết. Tham vọng ấy đáng yêu. Nhưng tình yêu là một
lĩnh vực quá lớn, quá rộng. Ở một số người là chuyện cả cuộc đời, nên việc ông
thất bại cũng là điều dễ hiểu.
Trần Nhuận Minh không có tham vọng gì. Là một nhà thơ, ông chỉ
viết và viết, thơ in ra, thành công hay thất bại ở ngoài tầm tay. Nhưng Đối
thoại văn chương, một tác phẩm luận về thơ bằng văn xuôi, ông thực hiện với nhà
thơ hải ngoại Nguyễn Đức Tùng, đúng là một cuốn từ điển về thơ. Sách dày 930
trang(1), khổ 14,5 x 20,5 cm, gồm 265 câu hỏi và trả lời, kéo dài trong 9 tháng
(từ tháng Giêng đến tháng Chín). Cảm xúc, đề tài, thơ hay, thơ dở, thơ miền
Nam, thơ miền Bắc, cả thơ và văn nước ngoài có liên quan, vấn đề trẻ, già, mới,
cũ trong thơ; thơ khó hiểu, thơ dễ hiểu vv… tất cả đều được hai ông đề cập đến
một cách thấu đáo. Bạn đọc yêu thơ, những người muốn nhập cuộc thơ đều có thể
lấy đó làm “cẩm nang nghề nghiệp”. Sẽ có người cho tôi quá lời khi nói điều
này, nhưng nếu đọc Đối thoại văn chương, tôi dám chắc các bạn đọc sẽ công nhận
điều tôi nói trên là đúng.
Này nhé, câu 154 - Nguyễn Đức Tùng đặt vấn đề:
“…một nhà thơ mới viết,
hay người ta thường gọi, một nhà thơ trẻ, làm thế nào để biết thơ mình hay hoặc
dở, cũ hay mới?”.
Trần Nhuận Minh: “…người mới viết
thường không tự nhận ra thơ mình dở ở chỗ nào, cũ ở chỗ nào. Các cụ bảo “Vợ
người thì đẹp, văn mình thì hay” là chí lý lắm, trong cách cảm nhận đầy chủ
quan của người sáng tác, nhất là người được gọi là trẻ. Bằng sự học hỏi và khả
nặng tự kiểm soát, cùng với độ chín dần về nghề, anh sẽ tự thấy thơ anh dở ở
chỗ nào, cũ ở chỗ nào. Lúc tự nhận ra cái dở, cái cũ đó, là anh không còn trẻ
nữa...”.
Và: “…thơ trẻ thường đi từ bên ngoài vào. Thơ không trẻ thường
đi từ bên trong ra. Khi anh biết bắt đầu phải đi từ bên trong ra, là lúc anh
không còn trẻ nữa, dù anh vẫn còn rất trẻ… tuổi.”
Nguyễn Đức Tùng: Vậy thế nào là một bài thơ hay, thưa anh?”
Trần Nhuận Minh: “Theo tôi, thơ là sự
tương ứng giữa ý và lời. Lời và ý song song nhau, lời hết ý cũng hết là thơ
trung bình. Lời hết mà ý vẫn còn, các cụ xưa gọi là dư ba, ý tràn ra cả ngoài
lời là thơ hay. Có thơ hay của một nhà, có thơ hay của một thời, có thơ hay của
nhiều thời, lại có thơ hay của tất cả mọi thời.
Thơ hay của tất cả mọi thời là thơ rất hay…”
Hoặc, câu 116. Tự do.
Nguyễn Đức Tùng: Anh đang nói về chuyện có lẽ là lớn nhất trong văn học Việt Nam hôm
nay. Đó là vấn đề tự do sáng tác và tự do xuất bản, mà nói theo báo chí trong
nước là vấn đề “nhạy cảm”.
Riêng anh, một nhà thơ,
anh có thấy mình tự do không?
Trần Nhuận Minh: Có. Hoàn toàn có. Bởi
tự do sáng tác là quyền tối thượng của nhà văn, ngoài chính bản thân nhà văn
ra, không ai tước đoạt được tự do của nhà văn cả. Tước đoạt cũng không được, mà
tước đoạt để làm gì?
Nhưng tôi lại nghĩ rằng, trên đời này, nói cho cùng, chẳng có ai
có tự do tuyệt đối. Anh có theo một tông giáo nào chăng? Hoặc một cái gì tương
tự như tông giáo. Chính cái đó sẽ có những ràng buộc mà anh tự nguyện tuân thủ,
làm anh mất tự do. Rồi nữa, anh nhất thiết sẽ có một đam mê nào đấy. Ví như tôi
là đam mê văn chương, còn người khác có thể là đam mê một a múi leng leng (cô
em xinh đẹp) chẳng hạn. Chính cái đam mê ấy, cũng làm cho chúng ta mất tự do.
Đúng không? Vạn vật cũng thế thôi. Lẽ thường là như vậy mà. Con chim chỉ tự do
khi ở trên trời. Con cá chỉ tự do lúc ở dưới nước. Và con tàu hỏa lừng lững oai
hùng, hét ra lửa, chỉ tự do trên hai thanh đường ray mà người ta đã bắc sẵn cho
nó…
Nếu hiểu tự do là như thế, thì chúng ta đều có tự do và ta tự
kiểm soát nó trong văn minh và pháp luật.
Hoặc nữa, câu 170, thơ thế sự.
Trần Nhuận Minh: “Thơ thế sự là thơ
nói về lẽ đời, sự đời. Nghĩa là thơ hiện thực chủ nghĩa. Lối thơ này cho phép
trình bày những mặt trái của xã hội diễn ra trong đời sống, tác động chủ yếu là
tiêu cực vào các số phận người. Vị thơ của nó chủ yếu là cay đắng, chua chát.
Nói chung, các nhà cầm quyền thì không ưa chuộng, nhưng nhân dân thì yêu
thích.”
Đọc sách, thấy người vấn giỏi, người đáp càng giỏi. Nên dù người
vấn (Nguyễn Đức Tùng) học vấn đầy mình, sống ở Canada, nơi tự do cá nhân được
đề cao, có điều kiện tiếp xúc sớm với các xu hướng văn chương, với các trào lưu
tư tưởng tân kỳ trên thế giới, nhưng những vấn đề ông đặt ra, trong hay ngoài
thơ, mới hay cũ, trong nước hay thế giới, nhìn chung, được người đáp (Trần
Nhuận Minh) làm thỏa mãn.
Sức đọc, sức nghĩ của Trần Nhuận Minh thật đáng nể.
Nói thế không có nghĩa hai tác giả luôn tâm đầu, ý hợp. Cũng có
chỗ cách nhìn nhận, đánh giá của hai ông vênh nhau, và đó thường rơi vào những
tác giả cụ thể (Bùi Giáng), những thi phẩm cụ thể được người đọc bàn ra tán vào
(Ăn mày vào chùa, Chăn trâu đốt lửa) của Đồng Đức Bốn), thì lúc ấy, không ai có
ý định thuyết phục ai, bởi đấy là điều ai cũng biết mình không làm được.
Cái thú vị rút ra từ những “va chạm” đó, theo tôi, là ở tính đa
nghĩa của văn chương, sự phong phú trong cảm thụ văn học nghệ thuật. Cũng vì
thế mà hai câu thơ của Trần Nhuận Minh:
“…Ngôi nhà cũ chật mùi quần áo cũ Tôi đi đây…”
Nguyễn Đức Tùng: “…Cũng hay vì tính hiển hiện của nó. Tức là
hiểu theo nghĩa đen là như thế, đúng hoàn cảnh xảy ra như thế, vẫn thấy hay.
Nhưng khoan đã. Có một cái gì đó làm tôi muốn dừng lại, muốn quay lại để đọc
lại câu thơ ấy một lần nữa, như một người sắp sửa đi xa muốn ngoái nhìn căn nhà
cũ, người đàn bà cũ đứng phơi quần áo bên cửa sổ, niềm tin cũ, bởi vì khi đi xa
rồi, có khi thương nhớ bạc đầu. Nhớ thương mà vẫn đi…”
Trần Nhuận Minh: “…Cám ơn anh đã nhớ
câu thơ của tôi và viết về nó rất “thơ”, có hình ảnh người đàn bà phơi áo bên
cửa sổ. Với cái ý là niềm tin cũ để nhớ thương. Cũng có lý. Thực ra ý của tôi
là ngược lại: đoạn tuyệt. Tôi mượn cái nhà cũ và mùi quần áo cũ (ngột ngạt, rất
khó chịu) để ám chỉ cuộc sống (cuộc sống khốn khó trước 1985) không thể chấp
nhận được nữa rồi. Anh nghĩ thế, tôi rất mừng. Và tôi cho là bài thơ tôi đã
thành công, khi anh đọc nó mà nghĩ về nó khác tôi. “Đổi mới hay là chết”, từng vang lên như một khẩu hiệu vĩ đại của
năm 1986. Tôi đi đây là phải thoát ra ngay khỏi cái ngôi nhà cũ ấy, nó có thể
sập không biết lúc nào. Đã thế, lại chật cái mùi bốc ra của quần áo cũ, rất khó
“ngửi”. Cả ngôi nhà và quần áo, nhất là cái mùi lưu cữu của nó, đều là hình ảnh
tượng trưng.
Rất may là đường đi vẫn còn ở dưới chân mình…”
Cùng với đó, nhiều câu chuyện đời tương đối riêng tư liên quan
đến thơ của Trần Nhuận Minh, kể trong sách, cho ta thấy ông yêu thơ biết chừng
nào. Chẳng hạn chuyện ông đi tìm bài thơ Ngự chế Thiên Nam động chủ đề của Lê
Thánh Tông trên vách đá núi Truyền Đăng viết tháng 2 năm Quang Thuận thứ 9
(tháng 3/1468). Do sự kiện này mà nhân dân sau đó đã đổi tên núi Truyền Đăng
thành núi Bài Thơ.
Sau nhiều năm lặn lội đi tìm không ra. Ông biết, từ năm 1965 -
1966, nhiều gia đình trong thị xã Hồng Gai đã sơ tán ra phía núi sát biển để
tránh bom Mỹ, trong đó có một gia đình đã xây nhà ở trước bài thơ này và làm
bếp với chuồng lợn liền nhau, áp vào chân núi, rồi đổ mái bằng lên trên. Đã 20
năm, bài thơ của vị Hoàng đế anh minh nhất Việt Nam bị “nhốt” trong đó. Khi
phát hiện ra bài thơ (6/1986),
Trần Nhuận Minh mừng quá, xin chủ nhà một chậu nước và khá nhiều
xà phòng bột lau chùi, những chữ thánh hiền mới lờ mờ hiện ra. Lại phải chờ hơn
hai năm nữa, năm 1988, nhân kỷ niệm 520 năm bài thơ của vua Lê được khắc lên
vách núi (1468 - 1988), ông mới đề xuất với tỉnh tổ chức Ngày thơ Quảng Ninh
vào 29/3 hàng năm, và đặt bài thơ của vua Lê ở đầu nguồn, có giá trị khai sinh.
Bây giờ thì chúng ta đều biết, Ngày thơ Việt Nam, một sự kiện
văn hóa quan trọng, nhiều người yêu thích, được Hội Nhà văn Việt Nam và ngành
Văn hóa tổ chức sôi nổi trên cả nước vào dịp tết Nguyên tiêu hàng năm, có tiền
đề từ Ngày thơ Quảng Ninh. Riêng ở Hạ Long, đường Lê Thánh Tông - một con đường
đẹp nhất thành phố, dài hơn 8 km, chạy từ bến phà Hồng Gai cũ, lượn bên chân
núi Bài Thơ di tích và danh thắng, đến tận Cầu Trắng, Cột 8. Nhà thơ Trần Nhuận
Minh chính là người đề xuất tên đường, và sau đó, cũng là người đề xuất xây
dựng Văn Miếu Bài Thơ, có tượng thờ Lê Thánh Tông, một năm sau, có tượng thờ
Thân Nhân Trung (Văn) và Nguyễn Đức Trung (Võ), cũng là đề xuất của ông, để tôn
vinh sự học và người tài (nay là Khu Văn hóa Núi Bài Thơ). Và ông cũng rất sòng
phẳng khi viết trong sách của mình rằng, người đầu tiên đề xuất Ngày thơ Việt
Nam là nhà thơ Vương Trọng ( với bài đăng trên báo Nhân Dân).
Từ những trao qua đổi lại giữa hai ông, chúng ta còn biết thêm
nhiều chuyện “động trời” khác. Như chuyện chiếm đoạt ngôi nhà cũ của đại thi
hào Nguyễn Du để làm nhà trẻ, chuyện khu lăng mộ các vua Trần ở Đông Triều,
Quảng Ninh bị tàn phá đến… hai lần mới xong (từ tư liệu cung cấp của một lãnh
đạo địa phương)… đến ngôi mộ tổ của họ Trần Điền Trì (cũng là cụ tổ trực hệ của
hai anh em nhà thơ Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa), Bá tước, Lễ bộ Thượng thư
- Phó đô Ngự sử Trần Tiến (1709 - 1770), một trong 5 nhà văn viết ký kiệt xuất
nhất của nền văn học trung đại một nghìn năm Việt Nam, người sáng lập thể kí tự
thuật trong văn học Việt Nam từ năm 1764, được học trong sách giáo khoa lớp 10
nâng cao từ nhiều chục năm, cũng bị đào bới, để “triệt phá long mạch” của một dòng họ từng lừng lẫy 200 năm hào kiệt
văn hóa Xứ Đông, ở thời Lê, mà chủ mưu là một quan đầu xã, sau đó bị tù chung
thân, vì một tội hình sự khác và một lãnh đạo dân quân, cầm xà beng phá quách
đập quan, lôi ra cả mớ tóc trắng, dài 200 năm buông trước ngực cụ…, sau đó vì
một vết mổ 9 lần nhiễm trùng, y đã sống 25 năm không có ruột, phải bí mật nhờ
người cúng trộm suốt 31 đêm, đến ngày thứ 35 mới được giải thoát cho bản thân
mình và cho vợ con mình, bằng một cái chết…Vì lẽ đó, mộ cụ và mộ các tiến sĩ
Nho học khác, các tham tụng, thượng thư, công hầu của dòng họ, đã được nhà nước
ta công nhận là Di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia, để bảo vệ bằng pháp luật.
Trần Nhuận Minh ngẫm câu thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung (1230 - 1291) “Phượng
hoàng muốn bay cao thì đừng để mất lòng lũ chim sẻ” là rất chí lí… Ông có câu
thơ: “Không mưa, biển nước vẫn đầy / Vì
cành nặng quả mà cây cúi đầu”, và ông cho rằng, đó là cái cúi đầu, không
chỉ trước cha mẹ, trước những nhà văn hóa lớn, trước các anh hùng, mà cái khó
hơn, chính là “cúi đầu” trước bọn tiểu nhân, bọn “chim sẻ”… Ông dẫn ra bài thơ
4 câu:
“Biết nhường đường cho một
thằng ngu Bạn sẽ chẳng bao giờ phải hối
Hãy vào rừng Côn Sơn mà
nghe gió thổi Đến sông Bạch Đằng mà ngắm trăng lên…”
Để hy vọng tránh những bất hòa trong “nội bộ nhân dân”, có thể dẫn đến những vụ án Lệ Chi viên, mở đường
cho những kẻ xâm lăng tiến vào cửa biển Bạch Đằng…
Thơ Trần Nhuận Minh ở nhiều bài, cứ thăm thẳm một nỗi niềm xa
vắng như thế!...
Đó là chuyện thơ lẫn với chuyện đời, chuyện nay đan cài với
chuyện xưa… Ông kể: Năm 1959 dân làng ông bị đói, cái gì cũng ăn. Ví như lá
sắn, lá sung, củ chuối, gốc rau muống, lá và thân cây đu đủ đều đem luộc, ăn
tất. Làng cứ nháo nhác cả lên. Vì gặp cái gì cũng ăn, rồi uống nước lã, nên cả
làng đi tả, tức là chết vì bệnh tả (người ta báo cáo lên cấp trên vậy) chứ
không phải vì đói, để cấp trên cứu đói, thóc gạo vẫn bội thu cơ mà. Làng xóm
lúc nào cũng hát: “Dân Liên Xô vui hát
trên đồng hoa…”. Nhưng thực ra ở đây là dân đang chết đói… Ông phát hiện ra
một chi tiết đời sống, đọc xong tôi không sao quên được, đó là người chết đói,
cái mồm bao giờ cũng há ra như mồm con cá ngão, không ai có tài khép cái mồm
người chết đói vào được. Bởi chết do tả, sợ lây bệnh, nên ai cũng chôn vội chôn
vàng. Vì thế mà ba năm sau, cô em họ ông Minh gặp chuyện đau lòng, khi sang cát
cho mẹ, mở nắp quan tài ra, cô thấy con dao cau sắc nhọn của mẹ (bà ăn trầu),
cái quai buộc vào dải rút quần, mũi dao cắm chặt vào tấm ván thiên ngang ngực
người chết. Quan tài lúc ấy đóng vội bằng gỗ tạp, rất mềm. Mọi người bật khóc,
nghĩ, sau khi chôn, bà sống lại và bằng cách đó, báo cho con cháu sau này biết…
“Năm ấy, chú Khoa một
tuổi, cũng bị đói rồi lả đi, tôi (Trần Nhuận Minh) lay mãi vẫn bất động. Tôi
kêu lên. Mẹ tôi vừa đi làm đồng về, òa khóc. Anh Luận, hàng xóm liền nhà, dứt
một sợi tóc của Khoa đặt ngang lỗ mũi không thấy sợi tóc lay động, bèn kêu to
lên là thằng cu đã chết rồi. Anh lấy cái chiếu võng, bó Khoa tròn lại, rồi buộc
rất chặt ba nút lạt, pha ra từ một cây tre non, chuẩn bị đem chôn, vì sợ lây,
nhưng mẹ tôi bảo chờ chút đã…”
Cuối cùng Khoa đã được cứu sống như một phép màu…
Và Trần Nhuận Minh cũng vậy, ông đã chết lâm sàng đến 4 tiếng
đồng hồ (từ 22 giờ ngày 5 đến 2 giờ ngày 6/8/2001) trên đường 5, vì một tai nạn
ô tô…
Tôi không nghĩ giản đơn, cứ trải qua gian khổ, người ta sẽ trở
thành người tốt, sống tử tế, biết quý trọng lẽ đời và sự nhân nghĩa. Nhưng với
Trần Nhuận Minh, quả có điều ấy. Thơ ông là sự dằn vặt khôn nguôi vì những nỗi
khổ, niềm đau của kiếp người. Ông viết: “Có
thể sau này khi tôi chết / Những nỗi niềm thành khối vẫn không tan …” và tự
xác nhận: “Không phải niềm vui mà chính
là nỗi khổ / Đã dạy tôi thành người”…, thành nhà thơ. Trần Nhuận Minh như
cái cây đã biết cúi đầu vì chùm quả nặng, đó là 59 tập sách đã được xuất bản,
trong đó có 32 tập thơ, có tập được tái bản hàng chục lần ở trong nước. Thơ ông
cũng được lần lượt dịch ra 14 thứ tiếng, xuất bản và phát hành ở 18 quốc gia
trên thế giới…
Đến đây, có thể có bạn đọc sẽ thắc mắc, Đối thoại văn chương là
sách của hai tác giả, mà sao tôi chỉ nói như thể nó là của riêng Trần Nhuận
Minh? Thì đây, lời trong Thư gửi độc giả, của đồng tác giả Nguyễn Đức Tùng in ở
đầu sách: “…Như bạn thấy, đây là cuộc trò
chuyện giữa hai chúng tôi, bắt đầu từ tháng Giêng và kết thúc vào cuối tháng
Chín năm 2011, về những vấn đề rất khác nhau của thơ và thơ Việt Nam. Tôi mời
các bạn cùng lắng nghe nhà thơ Trần Nhuận Minh, nhân vật trung tâm, cùng với
thơ của anh, thơ của những người khác, và tất cả những hồi ức, trăn trở của
anh, “vì văn chương và xoay quanh văn chương” như anh đã nói.
Tôi hy vọng rằng cuộc
trò chuyện qua nhiều chủ đề văn học, đã diễn ra hào hứng sôi nổi trong gần một
năm, không phải là không có lúc gay cấn, nhưng lý thú, giữa hai chúng tôi, nay
được ghi lại, sẽ trở thành cuộc trò chuyện giữa chính bạn đọc và nhà thơ Trần
Nhuận Minh…”.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
khoa Phong Thủy0
- Các bài viết về
khoa Tướng thuật0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe nhạc phẩm ĐÓN XUÂN của Phạm Đình Chương
qua tiếng hát Chí Thiện, Hoa Hậu Kỳ Duyên, Gia Bảo, Bảo An:
Trần Nhuận Minh giới thiệu
Tác giả: Ngô Xuân Hội
- nguồn email: trannhuanminh44@gmail.com
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét