ĐƯỜNG VỀ - MỘT KỶ NIỆM VỚI VĂN CAO - Tác giả: Vũ Thư Hiên (Pháp)

Leave a Comment

 

ĐƯỜNG VỀ -

MỘT KỶ NIỆM VỚI VĂN CAO

*

(Tác giả Vũ Thư Hiên)

Đêm Việt Bắc vào mùa đông rất lạnh. Cái lạnh của rừng nguyên sinh không giống bất cứ cái lạnh nào khác. Trời hanh, khô khốc, mái nứa nổ tí tách.

Đã vận vào người tất tần tật quần áo, đắp cả chăn trấn thủ lẫn chăn sui lên mình rồi, thế mà tôi vẫn run cầm cập.

Không ngủ được thì đốt lửa mà sưởi.

Chỉ cần ra khỏi nhà nhặt cành cây gãy chung quanh lán là có cả đống. Củi nỏ, nhóm dễ. Chẳng mấy chốc lửa đã phừng phừng. Chúng tôi quây vòng chung quanh đống lửa. Mặt chúng tôi bỏng rát, nhưng lưng vẫn lạnh như băng. Từ tán lá rừng già những giọt sương tí tách rơi xuống. Sương rơi xuống lửa than kêu xèo xèo. Xác sương bay lên cuồn cuộn, ẩm và ấm.

Vào một đêm như thế, Văn Cao mơ:

“Về đây có những đồng hương cốm lúa xanh dạt dào. Bao nhiêu năm trong hội ngày mùa. Ngọn lửa chài và con sông trắng. Từng mùa trăng thu lưới trở về. Ôi quê hương yêu dấu của ta! Đường về đây…”

Cuộc kháng chiến chống Pháp không biết bao giờ mới kết thúc. Giặc đến là phải chiến. Không thể không chiến. Ngày về phải là ngày chiến thắng. Chẳng biết bao giờ nó sẽ đến.

Thì cứ mơ thôi.

Ý sáng tác Đường Về đã nảy sinh bên ánh lửa hồng trong một đêm lạnh giữa rừng bạt ngàn.

Tôi thích nỗi nhớ về ngọn lửa chài thấp thoáng xa xa của anh.

Ánh lửa ấy tôi cũng đã thấy, đã bùi ngùi nhớ đến. Nhớ những chiều hôm nắng quái chúng tôi gò mình kéo con thuyền ngược sông Cả. Nhớ tiếng sóng vỗ mạn thuyền đêm đêm ru tôi vào giấc ngủ.

Để viết ra tứ thơ ấy hẳn Văn Cao đã từng say đứ đừ thuốc lào Vĩnh Bảo trong một đêm nào đó, trên một nhà bè nào đó, nhưng còn đủ tỉnh để thấy nó le lói ở nơi xa tít tắp.

Những cảnh ấy rồi chui vào, rồi luồn vào tâm trí, trở thành nỗi nhớ khôn nguôi.

Không hiểu sao ca khúc “Đường Về” này lại mất tăm mất tích.

Viết về đầy đủ và xúc động về nhạc sĩ Văn Cao không ai bằng nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Văn Cao hoàn toàn xứng đáng với những lời ngợi ca.

Văn Cao viết Đường Về ở Đồi Cọ, nằm trong vùng rừng nguyên sinh Thái Nguyên. Đồi Cọ là một cái tên. Nó không đúng bao nhiêu với mấy cây cọ lơ thơ.

Không có đơn đặt hàng nào cho ước mơ về sự giã từ Việt Bắc để trở về với đồng bằng. Không hề có.

Mơ là mơ, thế thôi.

Phạm Văn Khoa, giám đốc “Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh”, tiền thân của ngành điện ảnh Việt Nam, mê tít Đường Về. Anh quyết định đưa nó vào cuốn phim Việt Nam đầu tiên có tiếng “Đại hội Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc 1953.

Để làm ra tiếng cho phim, Hoàng Thái, cán bộ âm thanh, phải đánh vật với những dụng cụ năm cha ba mẹ mua từ vùng địch chiếm. Anh đánh vật với chúng không phải vài ngày mà vài tháng. Từ âm thanh méo xẹo đến âm thanh trung thành là cả một cố gắng vượt sức người. Đêm đêm chúng tôi luôn luôn bị đánh thức bởi những tiếng nổ ùng oàng của chiến trận mà Hoàng Thái tạo ra bằng những dụng cụ chỉ có trời biết là từ cái gì.

Thời bấy giờ không có các giáo sư tiến sĩ. Chỉ có những người mê đắm một công việc nào đó rồi vùi đầu nghiên cứu nó để trở thành chuyên nghiệp. Những nhà quay phim cũng từ những ông thợ ảnh mà nên. Trong tay họ là những máy quay tài tử Paillard Bolex 16mm. Phim chiếu không có tiếng.

Hoàng Thái đã làm ra kỳ công. Anh đã cho vào rìa phim cái đường tiếng mong ước.

Tôi không hiểu vì sao Phạm Văn Khoa lại nhất quyết cho Đường Về vào phim này. Nó là phim tài liệu về một đại hội của những nhân vật tiêu biểu của những cuộc thi đua trong đủ mọi lĩnh vực cơ mà. Nhiệm vụ của họ là làm việc, không phải mơ ước. Lại càng không mơ ước một đường về miền xuôi nọ.

Phạm Văn Khoa muốn màn hợp xướng nhiều bè sẽ do đoàn văn công quân đội thực hiện. Thời ấy Văn công Quân đội là nhất. Nhưng người lĩnh xướng phải là Thương Huyền. Chị là danh ca nổi tiếng. Từ địa điểm của đài Tiếng nói Việt Nam tới Đồi Cọ khá xa, toàn đường rừng, phương tiện di chuyển duy nhất là đôi chân.

Chờ Thương Huyền đến, một dàn đồng ca lôm côm được thành lập gồm các ca sĩ không chuyên, không có cả tham vọng trở thành chuyên, gồm cả chị cấp dưỡng, cả mấy anh thuyết minh đoàn chiếu phim lưu động.

Văn Cao bảo tôi:

- Cậu solo đi.

Solo thì solo.

Thời đầu kháng chiến, tôi từng là cây đơn ca trong một đoàn gọi là tuyên truyền xung phong. Thời ấy những đoàn như thế có nhiều. Cũng như những đại đội độc lập rồi tiểu đoàn tập trung tự hình thành từ những chàng trai cô gái yêu nước, không do một tướng nào ra lệnh. Những đoàn tuyên truyền xung phong như thế tự hình thành, tự lang thang biểu diễn, đến nơi nào nơi ấy dựng rạp, dân nơi ấy nuôi ăn.

Hát hay hay dở không biết, nhưng anh em bảo tôi hát thì tôi hát. Được cái giọng khỏe, tôi hát được ở những bãi rộng. Không âm-li (ampli), không mi-cô (micro), cứ hát váng lên là xong.

Văn công quân đội đã có mặt. Chỉ còn thiếu Thương Huyền. Dàn đồng ca cứ hát đại, cứ ráp đại để Hoàng Thái thu thử. Tôi tiếp tục lĩnh xướng.

Thương Huyền rồi cũng đến. Tiếng hát của chị tuyệt vời. Danh ca cơ mà.

Nhưng sự lạ đã xảy ra.

Khi chọn bản ráp cho Hoàng Thái ghi âm, hai nhạc sĩ Văn Cao và Nguyễn Đức Toàn không chọn bản Thương Huyền hát, mà chọn bản tôi solo:

- Lấy bản này – Văn Cao nói.

Nguyễn Đức Toàn gật:

- Được đấy. Nhạc cảm tốt.

Thế là tiếng hát của tôi vào phim.

Phim còn thì tiếng hát còn.

Chuyện thật mà như bịa.

Có lạ không cơ chứ.

 

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ, của Đặng Xuân Xuyến:

             

*

VŨ THƯ HIÊN

Địa chỉ: thành phố Paris, Cộng hòa Pháp

Email: (đang cập nhất)

Điện thoại: (đang cập nhất)

                                            .                                            .

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ facebook Vũ Thư Hiên ngày 28 tháng 03 năm 2022.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét