PHI TẦN, CUNG NỮ, THỊ NỮ... VÀ CUỘC SỐNG CHỐN HẬU CUNG - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 

PHI TẦN, CUNG NỮ, THỊ NỮ...

VÀ CUỘC SỐNG CHỐN HẬU CUNG 

*

Trần Chí Cường giới thiệu

(Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả)

 

Tác giả: Lê Thái Dũng

SỐ PHẬN ÍT BIẾT VỀ CÁC PHI THẦN,

CUNG NỮ VIỆT BỊ THẢI HỒI

Trừ trường hợp được vua ban hôn hoặc trốn khỏi cung khi có biến loạn, phần lớn những phi tần, cung nữ bị thải hồi đều có kết cục đau buồn.

Lịch sử chính thức ghi nhận hai lần triều đình cho xuất cung số lớn cung nữ. Vào năm Mậu Ngọ (1498), Lê Hiến Tông “thả cung nữ vài trăm người” (Đại Việt sử ký toàn thư). Mãi đến năm Ất Dậu (1825) vì có hạn hán, ngoài lễ cầu mưa, Minh Mạng nghĩ “trong thâm cung, cung nữ nhiều nên khí âm uất tắc mà nên vậy ư? Nay bớt đi, cho ra khỏi cung 100 người, mong giải trừ thiên tai” (Minh Mạng chính yếu).

Được về với đời thường nhưng họ phải sống không như người thường bởi luật lệ hà khắc. Điều 57 trong Hồng Đức thiện chính thư là một quy định như vậy: “Các bầy tôi thờ vua bất trung… dám lấy cung phi cung nữ bị thải ra thì bị thích 3 chữ vào mặt, xử tội đồ làm lính ở tượng phường chịu sai dịch. Phạm đến hậu phi thì bị xử tử”.

Sử sách không nói nhiều đến số phận phi tần, cung nữ bị thải hồi. Tuy nhiên, ghi chép ngắn trong một số tác phẩm thời trung đại, hoặc chuyện kể trong dân gian phần nào cho hay về cuộc đời éo le, bất hạnh của những con người đó.

Lê Tắc trong An Nam chí lược đã kể chuyện về một mỹ nữ gọi là Vạn Xuân, sống đầu thời Trần. Mặc dù chưa kết duyên, nhưng đã có người thương nhớ. Tuy nhiên, vua Trần nghe về sắc đẹp của nàng đã đưa vào cung phong làm Thứ phi. Sống 10 năm trong cung, dù được sủng ái, Vạn Xuân vẫn đau buồn đến nỗi sinh bệnh. Cuối cùng, vua đành cho nàng xuất cung. Trải bao gian khổ, nàng mới nối được duyên xưa nhưng phải giấu tông tích lánh đi xa để sau đó hai người mới được ở bên nhau.

Cuốn Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ có “Chuyện nghiệp oan của Đào thị” kể về danh kỹ họ Đào (Đào thị) người Từ Sơn, lộ Bắc Giang (nay là Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) là người có nhan sắc, hát hay, đàn giỏi. Năm Ất Dậu (1345) đời Trần Dụ Tông, Đào thị được tuyển làm cung nhân, vì có tài thơ văn nên được vua yêu ban tên hiệu là “Ả Hàn Than” (có sách ghi là Đào Thị Hàn Na). Sau khi Trần Dụ Tông mất, Đào thị bị thải ra khỏi cung.

Có tài có sắc, nhưng đại thần, văn nhân đến với nàng chỉ bàn chuyện xướng họa văn thơ chứ không dám có ý khác, thế nhưng Đào thị lại trở thành đối tượng bị đánh ghen của những bà vợ có máu “Hoạn Thư”, trong đó có vợ Hành khiển Ngụy Nhược Chân. Sợ hãi, nàng trốn vào chùa làm sư, rồi phiêu bạt đến Chí Linh (nay thuộc Hải Dương), một thời gian sau thì chết khổ sở, thi hài được chôn tại chùa Lệ Kỳ.

Sống trong cung với danh hiệu Tây Dương phi chưa được bao lâu thì Lê Hiển Tông băng hà, Kiều Liên được giải thoát. Xa quê có mấy tháng, nhưng nay ở địa vị khác nên chẳng có ai to gan lấy lại vợ vua để bị tru di, Kiều Liên buồn chán hướng về cảnh chùa, chăm chỉ tụng kinh, niệm Phật… Tại Chi Lăng (Lạng Sơn) đến nay còn lưu truyền chuyện về cô gái Kiều Liên xinh đẹp, con chúa đất họ Vi.

Bấy giờ ở vùng trên, con trai chúa đất họ Hà sau khi đem lễ vật hỏi cưới, bị Kiều Liên khước từ, lấy làm tức giận bèn thuê người vẽ tranh cô gái Tày xinh đẹp rồi gửi về kinh đô. Triều đình thấy Kiều Liên có nhan sắc bèn cho lính đưa nàng vào cung làm vợ Lê Hiển Tông, khi đó ông vua này gần 70 tuổi.

6 năm sau, tình cờ nàng gặp lại Khau La, chàng trai mồ côi nghèo khổ, hai người trước đây từng có tình ý nhưng phân biệt đẳng cấp đã ngăn cách tình cảm của họ. Ngọn lửa tình yêu thổi bùng trở lại, nhưng vì lo lắng trước luật lệ, hai người đành đưa nhau đi trốn, tương truyền họ vào một hang lớn để tìm đến phương trời hạnh phúc nhưng chỉ thấy đi mà không thấy trở về…

Còn theo giai thoại ven hồ Tây (Hà Nội), vào thời Nguyễn ở làng Châu Yên (nay gần khu vực trường Chu Văn An) có một cô gái nhan sắc khác thường, không cần phấn sáp tô điểm mà da vẫn trắng hồng tự nhiên, môi đỏ như son nên dân làng thường gọi là cô Son.

Bấy giờ quan lại xứ Bắc được lệnh tuyển chọn mỹ nữ đưa về kinh đô Huế, trong số đó có cô Son. Một hôm, cô Son được chọn vào “hầu ngủ” cho vua Minh Mạng, vì bản tính tò mò cô bất chấp lệnh cấm, lén hé dải lụa che mắt để nhìn trộm mặt “con trời”. Vua phát hiện ra, lập tức cô Son bị đuổi về quê với tội danh “đạo khuynh thánh thể, thiết thị long nhan” (Dòm trộm mình thánh, nhìn trộm mặt rồng).

Chưa đến 30 tuổi mà như góa bụa bởi chẳng ai dám kết duyên. Buồn rầu, cô Son lập một am nhỏ bên hồ Tây để thờ Phật, trồng hoa, chờ ngày chấm dứt cuộc đời tàn tạ của mình.

 

 

Tác giả: Mộc Lan

BÍ MẬT ĐỜI SỐNG CUNG PHI TRIỀU NGUYỄN

Triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta – triều Nguyễn kể từ khi bắt đầu và kết thúc chỉ có hơn 100 năm nhưng đã để lại rất nhiều điều bí ẩn về cuộc sống của những con người trong cung cấm mà đời sau đều vô cùng tò mò. Kể từ sau khi vua Bảo Đại thoái vị, đã có rất nhiều câu chuyện được viết về họ, đặc biệt là các phi tần cung nữ đã sống nhiều năm nơi Tử Cấm Thành. Giàu có đấy, nhung lụa đấy nhưng sự gò bó bởi những quy tắc khắt khe thì lúc nào cũng bủa vây lấy họ. Đã có những quy định hà khắc từng được kể ra nhưng chắc chắn chúng chỉ là một phần trong số rất nhiều điều mà các bậc đế vương đã đặt ra và áp dụng trong cung cấm của mình mà thôi.

 

Cuộc sống cung phi như chim trong lồng

Một khi đã bước vào cung cấm thì các cung phi cũng coi như đã tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài vì thậm chí không được về thăm gia đình, trừ trường hợp cha mẹ ốm nặng. Nếu cha mẹ muốn vào gặp con thì cũng chỉ được đứng ở ngoài rèm để nói chuyện chứ không thể nhìn mặt trực tiếp.

Cứ như vậy, cuộc sống của các cung tần mỹ nữ chỉ quanh đi quẩn lại ở trong cung, phía sau bức tường cao 3,5 mét của Tử Cấm Thành. Dù cuộc sống của họ khá nhàn hạ, no đủ nhưng rất buồn chán và cô đơn, hơn hết là phải gắn liền với vua. Những cung phi trẻ tuổi, nếu muốn tham gia các buổi xem kịch, hát múa thì phải đứng sau mành rèm mà quan sát. Các cung phi lớn tuổi hơn nếu không ham thích giải trí thì có thể nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ ở một ngôi chùa nằm trong cung Diên Thọ. Một số trường hợp, khi vua qua đời, các bà hoàng còn phải chuyển tới sống ở lăng vua để trông nom, nhiều năm sau mới được trở về hậu cung.

Nói về hậu cung thì những tưởng các cung phi có thể gặp vua bất cứ lúc nào, nhưng không, tất cả đều phải thông qua thái giám và nữ quan. Đặc biệt hơn, cung phi một khi đã vào đại nội thì không còn được tiếp xúc với đàn ông nữa, thậm chí khi quan ngự y đến khám bệnh cũng chỉ hở mỗi phần cổ tay ra khỏi chiếc rèm để bắt mạch, mà vì sợ làn da hai người sẽ chạm vào nhau nên trên tay cung phi còn phủ thêm một tấm lụa mỏng để che chắn nữa. Trong lúc khám, một bên là thái giám, một bên là bà quản sự sẽ đứng chứng kiến.

Có sách đã viết lại rằng, trong phép Đông y có khám bệnh qua giọng nói, xem mặt nhưng ở đây, cả hai phương pháp đều không thể làm nên người ta nói rằng, các bà trong cung ngày xưa thường hay mất sớm cũng không có gì lấy làm lạ.

 

Những cấm kỵ ngặt nghèo

Đã tuyển vào cung thì các cung phi tất nhiên đều phải có diện mạo ưa nhìn. Tuy nhiên, sống ở Tử Cấm Thành, những quy định ngoại hình, nhan sắc của họ vẫn được nâng lên một tầm khác để phù hợp với cung cấm.

Theo ghi chép lại, các bà trong nội cung mỗi buổi sáng đều mặc áo rộng, chít khăn đến điện Càn Thành chầu thỉnh an vua.

Trang phục của các cung phi tất nhiên phải theo đúng nghi thức như không được mặc đồ màu đen tang tóc, màu trắng chỉ được dùng làm đồ lót, màu vàng dành cho vua. Các cung tần, mỹ nữ thường mặc đồ màu đỏ và màu lục. Riêng Nam Phương Hoàng hậu là người duy nhất được mặc phẩm phục màu vàng cam, tương tự như màu vàng vốn chỉ để dành cho các bậc đế vương.

Tóc của các bậc cung phi sẽ được rẽ ngôi giữa, khi bịt khăn vàng lên đầu thì phải để hai mái hơi thả xuống như hình cánh cung. Móng tay họ phải để dài và nhuộm răng đen.

Về việc giao tiếp thì ở trong cung tuyệt đối không được nói những chữ xấu, gở và thô tục như đau, bệnh, chết, đui què, câm, điếc, phung hủi, máu me… Nếu một cung nhân không may bị ốm cho về nhà dưỡng bệnh, rủi có chết thì cũng chỉ nói là người ấy đã đi xa rồi, không còn ở nhà nữa mà thôi.

Đó là giao tiếp thông thường, còn với vua, các chữ sẽ dùng khác. Chẳng hạn vua có đau thì sẽ nói là ngài se, ngài siết hoặc vi dạng, vi hòa. Vua ngủ là ngự ngơi, vua thức dậy là tánh, vua đi chơi là ngự dạo, vua bài tiết là canh y… Ngoài ra, vô số chữ húy phải kiêng kỵ, nếu lỡ gọi nhầm sẽ mắc tội, nhất là phải kiêng tên vua, hoàng hậu, gia đình hoàng tộc… Vì vậy, các bà mới vào nội, ít nhất là ba tháng đầu, gần như không ai dám hở răng nói một điều gì cả.

 

Sự đố kỵ giữa các cung phi

Từ thời vua Minh Mạng, phi tần được chia thành 9 bậc. Trong đó, Hoàng quý phi là người đứng đầu cũng là vợ chính của vua, nên được hưởng nhiều đặc quyền nhất. Đa phần các cung tần mỹ nữ trong cung triều Nguyễn đều là con của quan đại thần được tiến cung. Nếu cha có phẩm trật cao thì con gái khi vào cung cũng sẽ được ban phẩm trật cao và ngược lại.

Trong cung vua có hàng trăm cung tần mỹ nữ nên những người đã ở lâu nơi đó thường đem lòng ghen tuông, đố kỵ là chuyện không thể tránh khỏi. Còn với những cung phi mới vào thì việc này xảy ra ít hơn. Và trong những lần xảy ra xích mích như vậy, Hoàng quý phi thường nhận được sự thiên vị của vua.

Trên đây chỉ là một phần rất nhỏ về cuộc sống của các cung tần mỹ nữ thời nhà Nguyễn. Còn lại, cuộc sống của họ như thế nào, 24 giờ mỗi ngày ra sao một cách chi tiết thì vẫn mãi là điều còn nằm trong vòng bí mật.

 

 

Tác giả: Vĩnh Khang

KHÁM PHÁ CHUYỆN PHI TẦN HẦU HẠ

CÁC ÔNG VUA NƯỚC VIỆT

Theo sách Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam của tác giả người Pháp Daniel Grandclément, Tử Cấm Thành sẽ trở nên hoang vắng, trống trải, hết cả sinh khí như một tử địa, nếu không có các bà trong chốn hậu cung... Đó là một xã hội phức tạp có đến chín hạng khác nhau, một hệ thống thứ bậc mà mỗi thứ hạng đều xác định rõ vai trò, vị trí, lương bổng khác nhau, không thể không làm nảy sinh trăm nghìn chuyện ghen tuông ganh tị.

Sách Chuyện các bà trong cung nhà Nguyễn ghi: Tại Việt Nam, từ triều Minh Mạng, các bà trong cung được sắp xếp theo cửu giai, giống như cửu phẩm trong ngạch quan lại, gồm: nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tân, tứ giai tân, ngũ giai tiếp dư, lục giai tiếp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân, cửu giai tài nhân. Dưới tài nhân là tài nhân vị nhập giai (những người đang chờ đợi được tuyển vào làm tài nhân), dưới nữa là cung nga, thể nữ (tức là kẻ hầu người hạ) gọi chung là cung nhân.

Đứng đầu các bà phi là Hoàng quý phi (tức vợ chính của vua). Nhà Nguyễn (trừ triều Gia Long và Bảo Đại) không lập Hoàng hậu, các bà phi chỉ được truy phong hoàng hậu lúc chết. Cách xưng hô các bậc từ Tiếp Dư trở lên gọi bằng bà, từ Quý Nhân trở xuống chỉ được gọi bằng chị.

Chỗ ở của các bà vợ vua đều tập trung trong Tử Cấm Thành; các cung, viện của các bà thường được gọi chung là Tam cung lục viện. Ngoài ra, còn có Lục thượng do các nữ quan coi sóc nhằm phục vụ các nhu cầu hàng ngày của vua. Với các bà Vương phi, mỗi bà có cung điện riêng. Ảnh hưởng của mỗi bà tuỳ theo ân sủng của vua hoặc tuỳ theo khả năng hạ sinh cho nhà vua một đứa con trai (gọi là hoàng tử) để có người nối dõi, là có uy thế nhất. Nếu không sinh được con trai thì tương lai màu xám là rõ ràng. 

Sách Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam cũng cho biết, sau các phi được coi như vợ chính thức là các cung tần hoặc là vợ không chính thức. Các bà phi, cung tần đều là con cháu các đại thần trong triều. Khi đến tuổi gả chồng, cha dâng biếu tiến vua. Có một ban tuyển chọn đánh giá tài sắc của mỗi ứng viên. Được nhận vào cung, mỗi cô một buồng. Một viên thái giám quản lý thời khắc biểu của từng người và đề nghị dâng vua.

Cũng có cung nữ xuất thân dân thường. Xã trưởng, hương trưởng chọn các các cô gái đẹp nhất trong làng xã làm danh sách tâu lên. Triều đình sẽ tổ chức chọn lọc theo những tiêu chuẩn nhất định như thi hoa hậu ngày nay, mà phần thưởng là được chung chăn gối với vua trên long sàng.

Theo truyền thống và tục lệ, mỗi đêm, vua chọn một bà trong đám phi tần, mặc dù lượt các bà phi chính thức đến nhanh hơn. Tất cả các bà đó chỉ như người bạn tình ân ái trong chốc lát. Sau khi "thưởng ngoạn" xong, nhà vua lăn ra ngủ một mình, các bà phải rời khỏi long sàng theo thái giám về buồng mình.

Không phải người nào vua cũng biết mặt. Có nhiều cung tần, dù được đưa vào hầu, nhưng vua cũng không cần nhìn dung nhan. Chỉ có viên thái giám là biết rõ tên tuổi cung tần nào tối nay được đưa vào cho nhà vua. Để tránh mưu sát, cung tần phải cởi hết quần áo, choàng người bằng tấm vải đỏ do thái giám đưa cho và viên thái giám ghi rõ tên tuổi cung tần, ghi ngày, thậm chí cả giờ "hầu" vua vào một tấm thẻ tre để kín đáo trên bàn ăn của nhà vua.

Cũng có ông vua yêu cầu nhiều cung tần trong một đêm, hoặc "phục vụ" lần lượt, hoặc cùng một lúc. Vua Minh Mạng mỗi đêm chọn năm cung tần vào hầu, mỗi canh một người, với hy vọng ít nhất ba người sẽ mang thai. Do vậy, danh sách cung tần vào đêm nào được cập nhật trong sổ sách để khi có mang sẽ không nhầm lẫn, nghi hoặc.

Lúc đó, thái giám có nhiệm vụ chuyển danh sách năm cung tần ấy cho Tôn nhơn phủ; phủ này lại chuyển một danh sách khác cho Quốc sử quán. Sau này, khi người nào mãn nguyệt khai hoa, Quốc sử quán có trách nhiệm rà soát, đối chiếu xem thử từ ngày vua "đòi" đến kỳ sinh nở có đúng ngày đúng tháng không.

Có giai thoại rằng, để lựa chọn cung tần vào hầu "chăn gối" cho nhà vua, thái giám đôi khi còn dùng một chiếc xe dê kéo vua ngồi trên, đi qua các buồng cung tần ở, hễ con dê đứng ở cửa buồng nào thì đêm đó cung tần ở buồng đó coi như gặp "số đỏ" và thái giám sẽ đưa vào cho vua. Vì lẽ thế, để được hưởng đặc ân của vua, các cung tần có thói quen làm các bó lá dâu treo trước cửa để lôi kéo dê đứng lại trước buồng mình...

Như vậy, rõ là thâm cung triều Nguyễn là một một xã hội thu nhỏ, nhưng điều dị biệt là trừ thái giám, chỉ có duy nhất một người đàn ông là vua, số còn lại là đàn bà… Với các cung nhân làm các công việc dọn dẹp hầu hạ trong nội cung, thường được gọi là thị tỳ, thị nữ, nhà vua đều có quyền "đêm đầu" đối với họ và cô nào được chọn lên hầu thì coi như có diễm phúc.

Các phi tần không phải ai cũng đẹp vì việc tuyển chọn ở các địa phương không phải lúc nào cũng công bằng. Tuy nhiên, người nào có tài sắc vượt trội, biết chiều chuộng thì thường được nhà vua "vời" đến nhiều lần hơn người khác.

Khi được tuyển vào cung, tất cả nữ giới, dù là phi tần, cung nữ, đều vui vẻ chấp nhận số phận, xem như một vinh dự, cơ may "Trời cho".

 

Từ cuộc sống nội cung "đầy" quy tắc...

Sách Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam có đoạn viết: Quy tắc trên hết trong cuộc sống nội cung là sự dịu dàng, nhỏ nhẹ, bước đi rón rén, không nói to, không dùng những từ nặng nề, trần trụi như ôm, chết, đui, què, máu... Để chỉ thực trạng của vua, họ phải thay bằng những từ nhẹ nhàng hơn, như vua ốm gọi là vua "se mình" hay "ngọc thể bất an"; vua chết gọi là "băng hà"...

Mấy tháng đầu vào cung, các phi tần phải ngậm miệng để khỏi bật lên những tiếng thường dùng trong dân gian và không phạm huý; đồng thời học những mọi phép tắc, luật lệ, cách xử trong cung. Họ còn phải làm quen với nhiều phong tục kỳ lạ như ngày đông chí trong Tử Cấm Thành không được thắp đèn, nổi lửa. Chỉ ở điện Càn Thành nhen lên một lò lửa thật lớn. Đúng giờ quy định, mọi phi tần, cung nữ mang lồng ấp đựng than đến điện Càn Thành để lấy lửa nhóm trong lồng ấp của mình đem về phòng ở, ngụ ý vua ban hơi ấm cho mọi bề tôi, nhất là nữ giới trong hậu cung. 

Trang phục của phi tần, cung nữ chỉ được dùng màu đỏ tía hay màu lục. Màu vàng dành riêng cho vua, hoàng hậu. Màu trắng chỉ dùng cho áo lót trong, trừ màu huyền dùng để nhuộm răng.

Ngoài các thái giám, vua là người đàn ông duy nhất vào các khu ở của phi tần. Bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng không được tiếp xúc với người ngoài, nhất là đàn ông. Chưa kể, họ còn phải chịu đựng nhiều đêm cô đơn. Khi cha mẹ đến thăm, họ phải đứng đằng xa, hoặc trong trường hợp được phép lại gần, cũng chỉ được trò chuyện qua bức màn sáo.

Vì thế, đối với nhiều cô gái mới lớn, ngày lên đường vào cung vẫn là nỗi kinh hoàng khiếp đảm, như là phải chịu đựng một hình phạt. Khi bước qua chiếc cửa ngăn vào hậu cung, cung phi không bao giờ được quay trở lại, không còn tổ ấm, gia đình và cả cuộc sống bình thường... Nếu sau một thời gian bị thải loại vì thất sủng hay do bệnh tật, không đủ sức khỏe, cung phi trở về thường kết thúc cuocj đời của mình bằng cuộc sống tu hành.

Như Vua Tự Đức có 103 bà vợ. Trong số đó, chỉ có một số được vua hạ cố nhiều lắm là hai, ba lần trong cả một đời làm cung phi. Sau khi vua băng hà, đội quân goá phụ đó vẫn phải duy trì quan hệ với người quá cố. Họ sống bên lăng mộ, trông nom dọn dẹp giữ gìn, hương khói trong lăng và không bao giờ tái giá, cũng không được rời khỏi lăng, sống như thế đến hàng chục năm nữa. Gần như suốt cuộc đời, từ khi được tuyển vào cung mới ở độ tuổi 16, 17 cho đến khi vua qua đời, vẫn là cấm cung.

 

... Đến chuyện tranh giành, ganh ghét

Theo sách Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam, nữ giới hoàng cung sống trong nhung lụa, nhàn hạ, nên làm đủ thứ việc chỉ để hầu hạ một người đàn ông duy nhất là vua. Thế nhưng, trong hậu cung lại có đến hàng chục, hàng trăm người nên không tránh khỏi các chuyện tranh giành ảnh hưởng, ghen tị ganh ghét và thậm chí xích mích thù oán nhau, kết bè kết đảng hãm hại nhau.

Sách Kể chuyện các vua Nguyễn ghi: Trong một lần tâm sự với triều thần gốc Pháp là J.B.Chaigneau, vua Gia Long đã kể về những bà vợ: "Khanh sẽ không ngờ rằng, cái gì đợi Trẫm ở kia (vua chỉ về phía hậu cung) khi Trẫm rời khỏi nơi đây. Ở đây, Trẫm rất thoải mái vì được nói chuyện với những người xứng đáng; họ lắng nghe Trẫm, họ hiểu Trẫm và khi cần, họ vâng lệnh Trẫm răm rắp. Còn ở chốn hậu cung, Trẫm gặp phải một lũ qủy sứ thật sự. Chúng cãi vả nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau và sau đó, tất cả chạy đến cầu xin Trẫm phân xử. Nếu làm đúng, Trẫm sẽ luôn luôn khiển trách tất cả. Trẫm không biết ai chịu nhường nhịn ai trong cơn giận dữ".

Sau một lúc im lặng, vua lại tiếp: "Chốc nữa Trẫm sẽ ở giữa một đám yêu phụ làm Trẫm điếc tai, nhức óc". Và rồi để chứng minh những gì phải chịu đựng, hoàng đế Gia Long giả giọng, điệu bộ của phi tần, tức giận hét lớn: "Muôn tâu Bệ hạ, Bệ hạ phân xử, bà đã sỉ nhục thần thiếp, người ta ngược đãi thần thiếp, thần thiếp xin phân xử..."

"Trẫm muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà, vì họ ghê sợ hơn đàn ông", vua Gia Long từng tuyên bố.

Tuy nhiên, đến thời Bảo Đại, nhà vua hay ít nhất các cố vấn của ông đều cảm thấy không mệt mỏi với mưu toan, mánh khóe giành giật, chèn ép nhau giữa các phi tần, cung nữ trong chốn thâm cung. Ông đã tiến hành cuộc cải cách bãi bỏ chế độ cung phi, giải thể nội cung; cho các bà cung phi và thị nữ trở về cuộc sống bình thường; không tuyển cung phi mới; dùng đầy tớ gái hầu hạ các bà thái hậu...

 

 

Tác giả: Lê Công Sơn

HÉ LỘ CHUYỆN PHI TẦN, THỊ NỮ CỦA

VUA TỰ ĐỨC TRONG CUNG ĐÌNH HUẾ

Lâu nay, chuyện "thâm cung bí sử” của nhà vua thường chỉ được biết qua sách sử. Tuy nhiên lần đầu tiên, Charles-Édouard Hocquard - một thầy thuốc quân y kiêm nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp đã hé lộ nhiều chuyện về phi tần, thị nữ của vua Tự Đức.

Nếu nói tới phi tần, thị nữ của nhà vua thì nhiều vô kể. Cuốn sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Omega và NXB Đà Nẵng ấn hành), kể: “Tự Đức có một trăm lẻ tư bà phi tần. Phi tần được chia làm chín bậc, mỗi bậc có một danh xưng khác; họ ăn mặc và hưởng bổng lộc theo quy định của triều đình tùy vào thứ bậc của họ. Bổng lộc này không đáng kể lắm: Hoàng hậu mỗi năm nhận một nghìn xâu tiền, tương đương khoảng 800 franc, cùng hai trăm năm mươi đấu gạo màu, năm mươi đấu gạo trắng và sáu mươi súc lụa để may xiêm y; các bà nhất giai phi thì chỉ có năm trăm xâu tiền, hai trăm lẻ năm đấu gạo màu, bốn mươi lăm đấu gạo trắng và bốn mươi tám súc lụa; các bà cửu giai tài nhân thì chỉ được nhận phần lương bổng ít ỏi gồm năm mươi ba xâu tiền, một trăm tám mươi đấu gạo màu, năm mươi sáu đấu gạo trắng và mười hai súc lụa”.

Đời sống của phi tần, thị nữ trong cung cũng nhiều vấn đề phức tạp chứ không hề đơn giản, tác giả Charles-Édouard Hocquard hé lộ thêm: “Mỗi phi tần đều có quyền đem vào điện một số hầu gái tùy theo cấp bậc của phi tần đó và phải tự bỏ tiền ra trả cho họ. Hoàng hậu có thể có mười hai hầu gái và tài nhân cấp thấp nhất có ba hầu gái. Luật của vương quốc không giới hạn số lượng phụ nữ trong hậu cung nhưng những người hầu gái này phải làm hết mọi việc. Họ lao động dưới sự giám sát của những bà già hơn, các bà này được chia làm sáu bậc. Dưới thời Tự Đức, những nữ giám sát này có đến sáu mươi người. Họ ăn lương triều đình và mặc y phục giống với y phục các phu nhân của quan đại thần; chính họ là người chỉ định thị nữ trong hậu cung mỗi ngày đi phục vụ nhà vua và thái hậu; họ cũng điều hành các nữ công có nhiệm vụ chèo trên long thuyền và canh gác xung quanh những phòng ốc đặc biệt của nhà vua. Nữ công có tới ba trăm người chia thành sáu bậc, họ ở trong một tòa nhà nằm cạnh hậu cung; đồng phục của họ gồm quần dài, váy và khăn đầu màu lục”.

Dân gian thường nói "sướng như vua" cũng có lý do là vì vậy. "Mỗi ngày hoàng thượng được một đội ngũ gồm mười lăm người vợ và ba mươi a hoàn phục vụ; những a hoàn này cầm kiếm gác tất cả lối ra vào tẩm điện. Những người khác thì hầu hạ các việc thường ngày của vua; năm người trong số thị nữ luôn ở cạnh để phục vụ ngài, và mỗi ngày lại đổi một kíp. Vì vậy mà số thị nữ hậu cung lên đến 579 người, lại thêm 455 a hoàn nữa, tất cả đều ăn lương triều đình. Một con số không hề nhỏ", trích từ sách đã dẫn.

Theo Charles-Édouard Hocquard, phi tần của nhà vua được tuyển theo hai cách: hoặc là con gái của quan lại triều đình và những phú hộ muốn được vẻ vang, ân thưởng, đem những cô con gái xinh đẹp nhất dâng lên nhà vua; hoặc con cái của dân thường do hoàng hậu mua về để làm diễn viên nhưng sắc đẹp của họ động lòng nhà vua. Tuy nhiên, kiếp người trong hậu cung cũng thật sự buồn. “Những người phụ nữ này gần như bị cách ly với thế giới bên ngoài, thậm chí không thể trở về nhà cha mẹ đẻ; người mẹ thỉnh thoảng còn được cho phép tới thăm con trong hoàng cung”, tác giả cho biết.

Đó là khi hoàn toàn khỏe mạnh, chứ nếu chẳng may một phi tần của vua nhiễm bệnh nặng thì sẽ bị cách ly trong phòng thuốc của hậu cung để thái y tới khám và đặt dưới sự giám sát của một hoạn quan. Gặp phải căn bệnh vô phương cứu chữa thì có thể bị gửi trả về nhà. Còn trường hợp đột tử, sẽ bị đem xác ra khỏi hoàng thành qua bờ tường nhờ một dây tời. “Không bao giờ được đưa một xác chết qua cánh cổng chỉ dành riêng cho vua chúa. Và kể cả vua chúa cũng không phải là ngoại lệ; khi nhà vua băng hà, quan tài sẽ được đẩy qua một lỗ hổng đục trên tường, sau này sẽ trám lại", Charles-Édouard Hocquard viết.

Điện của Thái hậu, mẹ vua Tự Đức không nằm xa hậu cung là mấy. Thái hậu rất có thế lực nên bà được phục vụ bởi một đội ngũ đặc biệt và mỗi ngày lại có một công chúa cùng ba phi đến vấn an bà. Sách đã dẫn mô tả chi tiết: “Triều đình mỗi năm cấp cho bà mười nghìn xâu tiền, một nghìn đấu gạo; cứ mười năm thì bổng lộc này lại tăng thêm năm nghìn xâu tiền. Tự Đức rất hiếu thảo với mẹ, nhà vua tới thăm thái hậu mỗi ngày, biếu bà vô số quà cáp, trò truyện ân cần và thường xin bà lời khuyên. Thái hậu dành thời gian để dạy dỗ con hát phục vụ cho nhà vua; thỉnh thoảng bà đi dạo cùng nhà vua..."

Khi nhà vua băng hà, phi tần cũng sẽ có hai số phận: Những ai thuộc cấp bậc cao nhất rút về ở trong các cung điện cạnh lăng tẩm nhà vua, và tại nơi đó, dưới sự giám sát của các hoạn quan, họ hy sinh nốt phần đời còn lại để lo hương khói cho người chồng hoàng gia. Còn những người vợ thuộc cấp bậc thấp thì được trả về nhà cho cha mẹ, nhưng dù có xinh đẹp, khéo léo đến đâu họ cũng chỉ có thể tái hôn với thường dân. Do theo quy định thì quan lại bị cấm lấy vợ là phi tần từ hậu cung ra và sự cấm đoán này bắt nguồn từ sự tôn trọng đối với vị vua quá cố, nên cuộc đời các phi tần phần lớn cuối đời đều buồn và cô độc.

 


Mời giải trí với tập phim về HÔN QUÂN LƯU TỬ NGHIỆP:

0 comments:

Đăng nhận xét