SÁCH TẶNG... TÌM VỀ ĐỒNG NÁT - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 

SÁCH TẶNG

TÌM VỀ ĐỒNG NÁT

*

Đặng Xuân Xuyến giới thiệu

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

 

Tác giả: Hồ Anh Thái

SUY NGẪM VỀ SỐ PHẬN

NHỮNG CUỐN SÁCH

1.

Có lần Yên Ba cho tôi xem một cuốn sách anh mới tìm được trong hiệu sách cũ. Anh là người sưu tầm sách cũ, là bạn của những hiệu sách cũ, khi ta cần mua sách gì không còn ở hiệu sách thì anh có thể tìm giúp trong những hiệu sách cũ anh hay lui tới.

Nhưng cuốn sách này không phải là sách cũ thông thường. Trong ấy vẫn còn dòng chữ tác giả ghi tặng “chú LC”, một nhà báo đã về hưu. Rồi vài năm sau, nhà báo Mạnh Cường lang thang trên mạng, lôi xuống ảnh chụp trang sách có chữ ký tặng của tác giả cho “chị ĐT”, một nhà báo ở Sài Gòn.

Người chụp cái trang ấy từ một cuốn sách cũ viết thêm vài dòng bình luận trên mạng: chỉ một việc đơn giản và có văn hóa mà cũng không làm được: trước khi thải bỏ cuốn sách, hãy xé cái trang có dòng ghi tặng đi.

Yên Ba chỉ vì hay lui tới các hiệu sách cũ mà còn mua được những cuốn có chữ ký của những Nguyễn Tuân, Ma Văn Kháng… hoặc của các đấng bậc này tặng cho những đấng bậc khác.

Nghĩ lại thì thấy cũng bình thường. Sản phẩm không cần đến nữa thì bỏ. Và người bình luận trên mạng kia cũng có lý: thải bỏ là chuyện bình thường, chỉ cần hủy cái trang có lời ghi tặng kia đi. Tủi cho người tặng, chán cho người được tặng, bơ vơ cho cuốn sách.

2. 

Tôi muốn kể lại lần nữa chuyện nhà thơ George Evans. Anh ở San Francisco miền tây nước Mỹ, đi cùng chúng tôi một chuyến sang chơi miền đông. Trong một buổi dạ tiệc ở Boston, chúng tôi được một nhà thơ tặng tập thơ mới của bà.

Tan tiệc, cả bọn kéo nhau đi bộ về qua mấy dãy phố, đến một góc đường, George ném toẹt tập thơ vào thùng rác. Tôi sững người ớ lên một tiếng. George cười phá lên: Trước sau gì nó chẳng vào đấy. Một lúc sau anh bảo trong khi mọi người trò chuyện, anh đã kịp lướt qua tập thơ, một thứ thơ sặc mùi kinh viện của một bà giáo sư tập tọng làm thơ.

Ngay cả người mê sách, ngay cả con mọt sách bookworm thì lâu lâu cũng phải dọn dẹp lại giá sách của mình một lần. Có cuốn sách mấy năm trước còn cần thì mấy năm sau đã không cần đến nữa. Không cần thì giữ lại làm gì cho chật nhà. Bỏ. Nó sẽ vào quang gánh của bà đồng nát đi qua trước cửa. Bà đồng nát có thể gánh nó đến một hiệu sách cũ nào đó. Bà đồng nát cũng có thể bán nó cho một bà hàng xôi hàng bánh. Người viết văn hầu như ai cũng có lần mua một gói xôi ngô xôi xéo hoặc miếng cơm nắm cái bánh bao, bọc bằng lá chuối có lót trang sách của ai đó, thậm chí là trang báo có cái ảnh của chính mình loang lổ vết mỡ.

Ở Mỹ có một tập quán khá tiện lợi. Một số mặt hàng mua về, không dùng đến, một cái áo chẳng hạn, sau mấy tháng ta có thể mang trả lại cửa hàng, nếu còn nguyên cái nhãn mác thương mại. Sách cũng vậy, mua về, sau một thời gian nếu vẫn còn mới, có thể đem trả lại hiệu sách.

Không sử dụng thì có quyền trả, đơn giản vậy thôi, thậm chí sách đã trót đọc rồi, nhưng thấy không cần nữa thì trả vẫn được. Nếu sách không còn mới để trả cho hiệu sách thì có thể đưa nó đến hiệu sách cũ, bán theo giá thỏa thuận. Trong khu vực trường đại học luôn có những hiệu sách cũ, người ta dùng một khái niệm là used book, sách đã qua sử dụng. Sách đã dùng này thường rất rẻ, nhiều cuốn trông vẫn như mới ấn hành. Những con mọt sách như tôi thường là bộ mặt quen thuộc ở những hiệu sách đã qua sử dụng như thế. Người ta bỏ đi thì mình rước về. Người không cần thì bỏ. Người cần thì tìm mua. Ở giữa họ có một kẻ trung gian là cái hiệu sách cũ. Rất tự nhiên thôi.

3. 

Rồi chính tôi cũng phải làm cái việc buông bỏ. Nhà đã dành một phòng riêng khoảng mười hai mét vuông cho sách. Giá sách chạy hết ba bức tường, giá sách kê ở giữa nhà, chỉ trừ lại lối đi giữa những giá sách theo kiểu thư viện. Không đủ chỗ cho hàng nghìn cuốn sách. Đấy là sách đã bị mất nhiều sau mấy lần chuyển nhà.

Vài ba năm lại phải ngồi lọc ra. Lại phát hiện ra những cuốn bấy lâu mình không đọc lại và sẽ không đọc lại. Bỏ. Không quẳng cho bà đồng nát mà cho người nhà mang đến cơ quan, bỏ vào thư viện của cơ quan. Mình không cần nhưng có người cần.

Tôi cứ muốn phản biện trước việc có những người đã bỏ sách đi mà không xé cái trang có chữ ký tác giả. Nhà họ chật, không có chỗ chứa sách, một ngày nào đó vợ con họ phải xử lý đống sách không dùng đến. Vợ con chỉ biết quẳng sách ra cho đồng nát mà chẳng có ý nghĩ phải kiểm tra những trang sách bên trong, cũng chẳng có khái niệm xé hay không xé cái trang có chữ ký thì khác nhau ở chỗ nào. Thế là cuốn sách đã bị bỏ đi mà người được tặng cũng không hề biết. Họ mang lỗi mà các công dân mạng bình luận là lỗi văn hóa.

Tôi cũng không dám chắc một mai khi mình không còn ở trên đời, những cuốn sách mình được bạn bè đồng nghiệp ghi tặng sẽ không phải vào gánh đồng nát hoặc ra vỉa hè. Tôi cũng không dám chắc những người thải sách sẽ biết xử lý cái trang có tên tôi được ghi tặng. Phải nói thật là nghĩ đến như vậy thì tôi cũng không còn nhiều cảm hứng khi cầm cuốn sách bạn bè tặng. Nhiều khi không chờ họ tặng mà tiện qua hiệu sách, tôi mua đọc, đọc xong thì tùy theo, sách hay giữ lại, sách không hay thì cho thư viện cơ quan luôn. Không lưu giữ.

Một cuộc đời không cần gì nhiều, kể cả tiền bạc, tài sản, đất đai. Đất thì khi sống có người sở hữu vài ba miếng đất vài ba cái nhà, rốt cục chỉ cần vài mét khối nếu như mai táng, thậm chí chỉ một cái lọ tro nếu như hỏa táng. Sách cũng vậy, một đời có thể đọc thiên kinh vạn quyển, nhưng đích thực cần cho mình cũng chẳng nhiều. Bàn tay ta nắm được bao nhiêu chiếc lá, thì chỉ bấy nhiêu là đủ cho mình.

Đến thời có sách điện tử và chiếc máy đọc sách, cả vạn cuốn sách có thể lưu lại trong máy tính gọn nhẹ, không lo ẩm mốc mối mọt, tôi lại càng quyết tâm không ham hố giữ sách như trước. Càng thêm tuổi tác, lại càng quyết tâm phải buông bỏ. Buông bỏ nhiều thứ. Đến những gì quý nhất là cha mẹ con cái gia đình mà sẽ có lúc phải chia tay phải rời bỏ, cứ lần lượt mà mất dần, chẳng níu giữ lại được. Nữa là tài sản, sao lại nghĩ cách phải khư khư giữ lấy, tìm mọi cách để có bằng được, rồi tìm cách níu giữ.

Không phải là bỏ, mà buông bỏ. Không phải là xả, mà buông xả. Nghĩ được như vậy thì trước bất cứ cái gì đội nón ra đi, lòng ta vẫn thản nhiên trầm tĩnh.

Nghĩ được đến đấy thì tôi cũng biết kiềm chế cái tính tặng sách của mình. Ngày trước nhà văn ưa hài hước Vũ Bão (1931-2006), bạn vong niên của tôi, vẫn nói một câu: viết báo thì được tiền, viết văn thì mất tiền. Ý của ông là viết báo được nhuận bút, nhuận bút cao, nếu in ở tờ báo phát hành số lượng lớn, mà hiếm khi tác giả phải mua tờ báo tặng bạn bè. Còn viết văn thì sách in ra số lượng thấp hơn in báo nhiều lần, nhuận bút vì thế cũng ít, nhưng sách thì phải tặng. Có khi phải mua đến vài ba trăm bản để tặng, phải bù tiền chứ nhuận bút chẳng đủ.

Ấy thế, người phải tặng sách lại nhiều. Bạn đồng nghiệp đã đành. Bạn ở những ngành nghề khác, phải tặng như một cử chỉ được vui thì phải chia vui. Rồi còn những thành phần phải hiếu hỉ: hàng xóm láng giềng, thầy cô giáo của con của cháu, bác sĩ chữa bệnh cho cả nhà, có khi lại còn thêm những ông sếp. Không dám chắc thành phần hiếu hỉ có đọc hay không, nhưng tặng sách lúc ấy là một cử chỉ thiện chí, tỏ ý hàm ơn hoặc đơn giản là tôi không quên anh. Ai dám chắc trong thành phần hiếu hỉ ấy không có những cuốn sách ngày mai còn nguyên mùi giấy mới mực mới và chữ ký tác giả không ra gánh đồng nát.

Tặng hay không tặng. Tặng cho ai thì đúng đối tượng. Câu hỏi muôn đời của người viết sách. Câu hỏi khó trả lời của nhà văn. Câu hỏi đúng theo kiểu to be or not to be, tồn tại hay không tồn tại. Theo quan niệm của bác Tô Hoài, sách mình cần thì hãy mua lấy một cuốn, rồi mang đến đưa cho đồng nghiệp ký, như vậy lịch sự hơn. Chắc chắn lịch sự hơn cái người cứ gặp nhà văn là đòi tặng sách, không tặng thì thôi, không mua. Dạo trước, lâu lâu gặp nhà văn Tô Hoài, tôi vẫn thường mang theo mấy cuốn sách của bác để bác ký vào. Nhưng rồi vẫn thường trực cái ý nghĩ: cháu không bao giờ bỏ sách của bác, nhưng cháu không dám chắc là cuốn sách bác ký lưu niệm sẽ không bao giờ bị ra hiệu sách cũ.

Đấy là tính vô thường của đời sống. Một khi ngay cả cái thân xác ta, ta đã dặn dò đem hỏa táng mà con cháu cứ đem chôn, thì làm sao ta quyết định được số phận những gì ta để lại đằng sau.

Vậy đã trở lại cái chân lý giản dị muôn đời, là buông bỏ, không từ bỏ mà là buông bỏ. Cái gì không cần thiết, hãy buông. Cái gì cần thiết mà đến một lúc nào đó cũng chẳng giữ được nguyên lành, hãy ý thức được quy luật và hãy buông.  Người mà ta yêu mến, một ngày nào đó cũng ra đi, ta chẳng giữ được, hãy biết trước như vậy mà thanh thản, không níu giữ khóc lóc.

Mà thôi, ngay cả cái trang sách có ghi tên mình kia, tự tay mình không xé bỏ thì một ngày nào đó nó nghênh ngang phơi lộ trước mắt ai đó, cũng chẳng có gì phải băn khoăn ngại ngùng nữa. Thản nhiên đi và hỉ xả đi.

-----------

Nguồn: hvtc.edu.vn

 

Tác giả: Đinh Phương

NHÀ VĂN LÀM GÌ KHI THẤY THỦ BÚT

CỦA MÌNH TRONG ĐỐNG ĐỒNG NÁT

Dòng đề tặng vẫn còn thơm mùi mực, sách còn nguyên nhiều trang chưa dọc. Thế là thoáng buồn, rút ví mua lại cuốn sách của mình cất công đưa tặng đem về.

Trong mảng chơi sách, thì chơi thủ bút cũng là một thú chơi kì phu, mệt mỏi và tốn kém. Bởi đa số những thủ bút hiếm đều của nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình đã về với cát bụi từ đời nảo đời nào. Chưa kể, có người chỉ vỏn vẹn ba chục cái xuân xanh đã lìa trần thì sự tìm còn vất vả, gian nan gấp vạn.

Nhưng trong bài viết này tôi không nói đến sự hạn hẹp của một thú chơi và sự khó khăn của nó. Tôi chỉ muốn nói đến khi gặp thủ bút của một cuốn sách bình thường, ra đời gần đây thì nhà văn, người đọc sẽ ứng xử với nó ra sao.

 

Nhà văn gặp thủ bút chính mình

Không hiếm nhà văn khi lang thang hiệu sách cũ vô tình gặp đứa con tinh thần của mình kí tặng trân trọng một người bạn thân thiết bị đem ra bán với giá vài nghìn đồng. Dòng đề tặng vẫn còn thơm mùi mực, sách còn nguyên nhiều trang chưa đọc. Thế là thoáng buồn, rút ví mua lại cuốn sách của mình cất công đưa tặng đem về.

Hôm sau, gặp người được tặng có gì đấy như căm ghét. Trong lòng giữ một sự ấm ức, khó chịu, muốn hỏi ngay tại sao ông/ bà, anh/ chị lại làm thế với cuốn sách tâm huyết của tôi. Hay muốn vứt đi thì vứt chỗ nào kín kín, xé trang kí tặng đi có được không. Và rồi từ đó trong cuộc sống đối xử với nhau cũng có phần khang khác.

Đồng thời, cái quyển sách tặng quay trở về nhà người viết, ngự trên giá sách như trêu ngươi. Cái trang được tặng đầy đủ tên người, ngày tháng với nét chữ bay bướm cứ uốn lượn, lởn vởn trong đầu cả tháng mới phai.

Từ đó, mỗi lần nhà văn ra sách đều cân nhắc rất kĩ việc tặng người này, không tặng người kia. Hoặc tặng sách thôi chứ không kí tá gì, để tránh cảm giác xót xa khi gặp đứa con tinh thần của mình được bán cân.

Tính sơ sơ trong một nghìn cuốn bình thường in ra thì chỉ có vài chục, nhiều lắm đến gần trăm người có thủ bút kí tặng của tác giả, dịch giả.

Với bản thân nhà văn, khi tặng ai cuốn sách đều mong họ đọc, chia sẻ với nhau dăm ba điều thì tốt. Ở thời hiện đại thì chụp cái ảnh với thiếu nữ, hoa đẹp, cà phê cà pháo quăng lên Facebook quảng cáo càng tốt.

Nhưng rốt lại, bỏ qua phù phiếm bên ngoài thì nhà văn vẫn muốn người ta đọc tác phẩm của mình một cách nghiêm túc. Đọc xong, giữ sách đấy, dù cũng biết sách tặng nhiều, chưa kể mua mới cứ dồn ứ lên, một ngày phình quá cỡ sẽ phải “toang”.

Nhưng khi bắt gặp sách mình tặng ở hàng đồng nát, sách báo cũ vẫn thấy nhoi nhói.

Cái tâm trạng đối lập biết người ta không thể giữ sách mình mãi, cũng như mình không thể giữ hết sách được tặng cứ quanh quẩn. Trách hay không trách, làm thế nào với cuốn sách tặng của mình đang bị bán rẻ rúm kia. Mua lại cũng được, bỏ qua cũng được.

Xong nếu để tránh mệt mỏi, khôn ngoan hơn thì nhà văn nên nhẹ nhàng bỏ qua. Mua lại là mua vào phiền phức, ngày ngày nhìn thấy.

Bởi ở đây cần hiểu, bản chất con đường của sách vở vốn là một vòng tròn của tích trữ rồi thất tán, rồi lại tích trữ, thất tán… đến khi quyển sách bị hủy làm bột giấy thì mới xong một đời sách.

 

Người đọc gặp thủ bút nhà văn

Với người đọc bình thường khi mua sách báo cũ vô tình gặp thủ bút nhà văn là một may mắn hiếm có. Bởi nhà văn nhà thơ ở xứ ta được coi sống ở một cõi khác, xa xăm lắm.

Ở Quảng Ninh, chủ một quán cho thuê truyện mừng như bắt được vàng khi tôi mang cho chị một quyển sách có thủ bút nhà văn Dương Hướng kí tặng. Ở cùng trong một thành phố, nhưng chị chưa bao giờ nghĩ đến việc gặp, chứ đừng nói có chữ kí tặng của nhà văn nổi tiếng.

Người chính là cha đẻ của tiểu thuyết Bến không chồng, được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, bên cạnh Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường.

Những thủ bút do vô tình lang thang sách cũ mua được thường chỉ hên xui, được chăng hay chớ, lúc có lúc không. Giờ chữ kí của nhà văn, dịch giả đến với độc giả theo nhiều con đường hơn. Thứ nhất là trên các bản đặc biệt, bìa cứng, đánh số có chữ kí do nhà sách làm, với số lượng vài chục đến vài trăm bản.

Thứ hai là tại các buổi giới thiệu, kí tặng sách nhân dịp cuốn sách mới ra hay được tái bản lần thứ bao nhiêu đó. Thứ ba, các trang bán sách trên Facebook cũng đánh hơi được thị trường người mua tiềm năng này lên rất chủ động trong việc đi xin chữ kí tác giả. Không phải chỉ kí tên vào là xong, mà còn đề tặng tên của chính người đặt mua, thế thứ hỏi độc giả nào không thích.

Một độc giả ở tận mũi Cà Mau hay địa đầu Móng Cái có trong tủ sách của mình một cuốn sách của chính tác giả yêu mến, trên cuốn sách mới ra còn thơm đẫm mùi mực in thì còn gì bằng.

Thứ tư là các trang bán sách cũ cũng thu gom, lựa chọn những đầu sách có thủ bút, chữ kí về bán, giá tiền xê dịch tùy thuộc vào mức độ nổi tiếng của nhà văn, kí ít hay kí nhiều, còn sống hay đã chết.

Nhiều khi nhìn vào số sách cũ bán trong một buổi, có cùng đề tặng một người, vậy là biết sách thuộc sở hữu của một nhà văn nào đó đã xong nhiệm vụ nằm trong tủ, giờ nó đang quay lại đời sống phong trần của mình.

Tôi đã từng chứng kiến được vài trường hợp như vậy với những thủ bút đề tặng nhà văn Phùng Quán, nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, hay gần nhất là Nguyễn Trí Trung, nhà văn được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

 

Nhà văn với thủ bút nhà văn

Nhà văn, nhà thơ, dịch giả tặng nhau sách, quý thật, vì đều ở trong một quỹ đạo chữ nghĩa, phải thương lấy nhau. Nhưng được tặng nhiều quá, tích lại mãi không được, nhà chật, cơ quan hết chỗ để thì phải làm sao.

Nhiều nhà văn quan niệm sách được tặng phải trân trọng, gìn giữ đến lúc thân mình không lo được nữa mới đành buông xuôi sách ra. Những nhà văn này khi gặp phải sách mình bị bán trên vỉa hè, mạng xã hội rất dễ nổi cáu, sẵn sàng tát nước đổ đi với nhà văn được tặng kia. Tình bạn bao năm phút chốc tan biến, đổ sông đổ bể hết.

Cạnh đó, là cánh nhà văn trẻ hơn quan niệm sách để luân chuyển, chia sẻ, đọc xong thì để cho người khác cùng đọc, thế mới là sách sống, không nằm một chỗ thì thành sách chết. Nên đều đặn, họ đóng thùng cẩn thận, đâu là văn xuôi, đâu là thơ, đâu là sách thiếu nhi đem gửi những trường học, thư viện vùng cao còn khó khăn. Nhiều nhà văn thì tặng những quỹ văn hóa đọc của các bạn trẻ thường xuyên kêu gọi trên mạng xã hội.

Người có nhà dưới quê rộng thì mang sách đó về quê, đóng giá làm tủ sách, phân loại từng giá: Sách của chính nhà văn, sách được đồng nghiệp tặng, văn học nước ngoài, văn học Việt Nam, triết học, nghiên cứu phê bình, bổ sung cả truyện tranh, truyện cổ tích, làm thành một thư viện nho nhỏ cho trẻ em nơi mình sinh ra, lớn lên ngày ngày đến đọc, mượn về.

Thủ thư nhiều khi chính là bố mẹ, cũng coi như tạo công ăn việc làm cho người thân, để nhà cửa có người ra người vào trò chuyện đỡ buồn. Sâu xa hơn là để lũ trẻ được tiếp cận sớm với sách, mong chúng cũng có được cái mầm chữ nghĩa như mình từng có ngày xưa…

-----------

Nguồn: vanvn.vn

 

Tác giả: Phạm Xuân Nguyên

NÊN BUỒN HAY NÊN TIẾC

Ngày tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) năm 2022 này một người cháu văn chương vừa từ SG ra HN sáng nay mang cho tôi một món quà bất ngờ.

Đó là cuốn sách in ba tiểu thuyết của Milan Kundera do tôi dịch in năm 1999 mà tôi đề tặng nhà văn Phạm Thị Hoài đầu năm 2002, đúng ngày Rằm Nhâm Ngọ, cách nay đúng 20 năm.

Người đưa lại cuốn sách kể là cháu thấy nó trong một cuộc trưng bày sách cũ và đã phải bỏ ra một khoản tiền “khá chát” để mua lại nó mang về cho bác Nguyên khi thấy có lời đề tặng này.

Cuốn sách còn như mới nguyên. Bản thân tôi còn không giữ được bản nào của lần in này. Hiện bản tôi có là mượn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ mua năm 2000 mà chị cứ đòi tôi phải trả.

Nhận được cuốn sách dịch Milan Kundera đề tặng Phạm Thị Hoài tôi không biết nên buồn hay nên tiếc. Trên giá sách của tôi vẫn giữ những cuốn sách Hoài tặng vào những năm tháng ấy,

Thôi thì thôi vậy. Người được tặng không nhận thì may sách vẫn về lại được người tặng. Cám ơn cháu Son Tu Hong.

Tôi đã suy nghĩ mãi việc có nên đưa chuyện này lên facebook không, khi sách được đưa cho tôi từ đầu giờ sáng nay khi khách xuống sân bay. Và đến giờ đêm nay thì tôi quyết định đưa lên.

-----------

Nguồn: Facebook Phạm Xuân Nguyên

 

Tác giả: Phạm Thị Hoài

BUỒN ƠI, NHẸ THÔI

Bạn vừa công bố một nỗi buồn. Xen chút dỗi hờn, khi gặp lại một tác phẩm bạn dịch, bản đề tặng tôi, từ hàng sách cũ. Về chuyện này, có lẽ chỉ cần nói rằng gần hai mươi năm nay tôi xa Việt Nam là đủ. Tôi đã không tính đến kịch bản bị cấm cửa ở quê hương. Ở nơi ấy tôi không còn và không còn là một hiện hữu vật chất nào nữa. Những thứ tưởng như chết mang theo còn buông bỏ, huống hồ đồ đạc sách vở và cả những kỷ vật vô giá dù vô danh. Bạn ạ, có những mất mát không thể đong đếm bằng nỗi buồn.

Tôi không thuộc trường phái tắm táp liếm láp những mất mát. Con xúc xắc gieo vào tôi đủ ngửa ra những mặt hào phóng để chốn lưu vong không biến thành nhà tù của dĩ vãng, nơi người ta mãi múc từ ao ký ức này đổ sang vũng hoài niệm kia, tát qua tát lại cho đến khi tất cả đều khô kiệt. Tiếng Việt mắc cạn ở đó, chưa đủ chết để hóa kiếp tử ngữ cho bảo tàng, không đủ sống để làm một sinh ngữ cho sáng tạo – một ngôn ngữ sống dở chết dở, như tình trạng của nhiều người viết buộc phải xa xứ. Họ có thể đổi đời, no ấm hơn, chắc chắn là an toàn hơn, về căn bản là tự do hơn, chưa kể con cái được hưởng một nền giáo dục tiến bộ hơn và bản thân về già được lắp răng giả chất lượng hơn. Nếu không cọ xát với ngôn ngữ ở quốc gia đang sống, có lẽ họ cũng hài lòng với vốn liếng tiếng Việt mang theo, yên ổn trong đó như trong hầm trú, nơi cố thủ cuối cùng của cái mà họ định nghĩa là hồn Việt.

Song lưu vong trước hết là một đứt gãy ngôn ngữ không thể hoặc rất khó bù đắp. Tiếng Việt của tôi ở đây là một sinh thể yếu thế, thiếu dưỡng khí, suy giảm trí nhớ, trầm lặng, bị động, cô độc, hàng ngày bị tiếng Đức thách thức và thường trực đối diện nguy cơ xơ cứng, xói mòn, cổ hủ và bảo thủ, bệnh thoái hóa tất yếu của một ngôn ngữ ở ngoại biên. Sức sống tự nhiên của một cộng đồng ngôn ngữ trăm triệu thành viên, tôi buộc phải hấp thụ gián tiếp. Việc ấy vất vả, nhưng khi biết cái giá phải trả cho một từ có thể mất, một thanh điệu có thể quên, một cái tên có thể bỏ đi để chẳng bao giờ làm ơn quay về, khi nhúng tiếng mẹ đẻ vào chiếc vạc dầu của ngôn ngữ toàn cầu, khi nhìn chữ rụng xuống để không còn mọc lên trên một thổ nhưỡng khác, tôi thấy quan hệ giữa mình và tiếng Việt nghiêm ngặt hơn nhưng cũng tự do hơn. Một quan hệ định mệnh tự nguyện. Nó không đòi tôi phụng sự vô điều kiện. Tôi không đòi nó đảm bảo vô tận chuỗi cung ứng. Hai bên đều trở nên khiêm nhường và tương kính, thay phiên phục vụ lẫn nhau; tôi là công cụ trong tay nó và nó là công cụ trong tay tôi; tôi sở hữu nó và nó sở hữu tôi. Nếu không lưu vong, có lẽ tôi đã phạm nhiều khinh suất hơn trong ứng xử với tiếng Việt. Ngôn ngữ không phải là một tập hợp có tổng bằng không, cái được chẳng hoàn trả cái mất, song ngay cả cái tổn thất lớn nhất cho một người viết là bị đánh bật khỏi môi trường ngôn ngữ ấy của tôi cũng nhẹ thôi, so với nhiều bi kịch khác.  

Thời làm thư viện sách xuất bản tại miền Nam trước 1975 cho Tủ sách talawas, tôi đã gặp những chữ ký và dòng đề tặng mà bình thường chỉ là thủ bút đáng sưu tập của những nhân vật danh tiếng. Song hành trình lưu lạc của những ấn bản ấy kể về số phận cay đắng của bao người cầm bút, đồng nghiệp của tôi, ở nửa kia đất nước. Họ chết trong tù, tan nát trong giông bão hậu chiến, vùi thây dưới lòng biển, cô đơn tàn tạ trong một tồn tại xa lạ nơi xứ người. Joseph Brodsky hình dung lưu vong là cú ném vọt một nhà văn qua đêm đến chỗ mà bình thường mất cả đời may ra mới tới: đến sự cô đơn tuyệt đối, nơi chỉ còn mình và con chữ, không ai và điều gì có thể xen vào giữa. Song thực tế tầm thường hơn nhiều. Trước khi đủ bản lĩnh để hưởng thụ vụ tăng tốc tuyệt diệu đó, phần lớn các tác giả lưu vong đã tê liệt vì bị tước đoạt điều kiện thiết thực để có thể theo đuổi nghề văn: tên tuổi và độc giả. Họ bị ném vọt qua đêm đến chỗ vô danh để viết vào một chốn vô tăm tích. Cô đơn là người thầy tốt và người bạn tồi.

Mới đây trên eBay tôi thấy ấn bản vở kịch Eine Königin Esther năm 1918 của Max Brod với dòng “Für Heinrich Mann mit verehrenden Grüßen” (“Trân trọng đề tặng Heinrich Mann”), giá bán 680 Euro. Người tặng và người được tặng, cả hai từng bỏ lại tất cả để đào thoát khỏi đất nước không dung họ và chẳng bao giờ gặp lại quê hương nữa. Heinrich Mann ra đi với một chiếc va-li nhỏ, Max Brod với chiếc cặp đựng bản thảo nhiều tác phẩm chưa xuất bản của Franz Kafka, trong đó có tiểu thuyết Vụ án. Thời viết luận văn tốt nghiệp đại học, tôi được làm việc với Phông Lưu trữ Heinrich Mann tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật Berlin. Tủ sách riêng của ông chỉ còn rất ít, phần lớn đã thất lạc hoặc rải rác khắp các nẻo đường lưu vong. Dù sao ông vẫn còn khá may mắn. Walter Benjamin – từng coi đời mình về chi tiết là thành công, về tổng thể là thất bại – bất hạnh hơn. Ông chạy sang Paris khi đế chế Quốc xã ở Đức hiện hình. Một phần tủ sách của ông bỏ lại ở Berlin được bạn bè giữ giúp, lúc đầu tại nhà của Bertolt Brecht lưu vong ở Đan Mạch, sau chuyển được sang Pháp. Khi Paris thất thủ, ông chạy trốn một lần nữa, mang theo duy nhất một cặp xách với bản thảo tác phẩm mà ông cho là quan trọng nhất của mình. Trong cơn tuyệt vọng vì cầm chắc sẽ bị trục xuất trở lại nước Pháp của chính quyền Vichy, ông quyên sinh. Bản thảo cuối cùng trong chiếc cặp xách ấy biến mất, cũng như toàn bộ tủ sách 3000 cuốn trong căn hộ bị Gestapo lục soát của ông ở Paris.

Tôi chỉ thấy biết ơn và cả ngưỡng mộ những tiệm sách cũ đã âm thầm cất giấu để một phần nhỏ tác phẩm của văn học miền Nam trước 1975 vẫn còn lại ở đó. Như một phản kháng lặng lẽ, một lần nữa của những Guy Montag trong Fahrenheit 451. Phần lớn đã làm mồi cho những chiến dịch thu hồi, cấm lưu hành, bài trừ, “quét sạch nọc độc” văn hóa văn nghệ “phản động, đồi trụy, bất hợp pháp”. Sau này những ấn bản ấy được bán chui, giá “khá chát“ - để dùng lại lời của bạn - song tôi thấy hoàn toàn xứng đáng. Các nhà buôn sách cũ không bán cân giấy lộn. Đam mê sách và tình yêu lợi nhuận của họ – cái nào quyết định, không quan trọng – là bộ lọc sáng suốt hơn hẳn sự thẩm định của phần lớn giới nghiên cứu và phê bình chủ lưu. Thị trường tỉnh táo hơn những yêu ghét dỗi hờn và đáng tin hơn những tiêu chuẩn đạo đức thường đầu lưỡi và những tiêu chí văn hóa thường bất nhất của chúng ta. Tủ sách của Kafka được cô em út trông nom cho đến khi bà bị dồn vào trại tập trung và cuối cùng bị giết ở Auschwitz. Tưởng đã vĩnh viễn thất lạc, cho đến khi được một nguồn ẩn danh, rất có thể là một hậu duệ Quốc xã hay một kẻ trộm am hiểu văn chương, bán cho một tiệm sách cũ ở Munich và tiệm này lại đem bán cho Đại học Wuppertal. Giới nghiên cứu Kafka ăn mừng. Viện Lưu trữ Văn học Đức ở Marbach cũng ăn mừng khi mua được bản thảo viết tay cuốn Vụ án của ông, giá 2 triệu dollar. Kafka giao bản thảo ấy cho người bạn thân Max Brod để đốt; Max Brod không đốt mà xuất bản, rồi tặng lại cho Esther Hoffe, thư ký và người tình của mình. Bà đem bán. Giá rất “chát”. Ở thế giới bên kia, tôi tin là cả Kafka lẫn Max Brod đều chẳng buồn tiếc gì hết. Họ không phải những bạo chúa xây lăng tẩm hoành tráng để chôn sống những cuốn sách yêu dấu theo mình.

Vậy nếu phải buồn, chúng ta nên thực lòng buồn, nhẹ thôi, vì những ấn bản có thủ bút đáng nâng niu của mình chỉ được bán với cái giá không đủ mơn trớn lòng sĩ diện. Không nhiều thì ít, văn nghệ sĩ là chủng loại tồn tại nhờ khai thác lòng tự ái của bản thân. Song cái Tôi lưu vong dường như biết tiết chế và tự khoanh vùng hơn. Biết rằng phần lớn các cuộc đời lưu vong không phải những con lắc chao đảo mà là những quỹ đạo một chiều, theo hình dung của nhà thơ lưu vong không ngừng chất vấn trạng thái lưu vong, vẫn Joseph Brodsky. Lần này ông không nói quá. Ông không trở về Nga khi Liên Sô đã sụp đổ: người ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông, dù đó là sông Volga, hai lần trong cùng một vùng biển, dù đó là Biển Đen. Người ta thay đổi, tách ra, rời xa và bỏ lại chính mình, để một lúc nào đó trở thành một vật thể tự do, một phi thuyền trong khoảng không, lúc đầu còn bị trọng lực ở nơi xuất phát níu kéo, nhưng rồi sẽ tiến vào một trường hấp dẫn khác, với những lực hút chưa hề biết đến ở bên ngoài.

Tôi không thể đem theo gì nhiều trong khoang chứa bé nhỏ của cái phi thuyền đó. Vì thế xin bạn đừng làm theo Bernard Shaw. Gặp ở hàng sách cũ một ấn bản cuốn sách của mình với lời đề tặng một người bạn, ông mua lại, viết thêm: “Một lần nữa trân trọng đề tặng“, rồi đem gửi cho người bạn ấy.

---------

Nguồn: blog của phạm thị hoài

 

Tác giả: Phạm Xuân Nguyên

TÔI LẠI BUỒN

Khi tôi đưa lên facebook cuốn sách in năm 1999 ba tiểu thuyết của Milan Kundera do tôi dịch mà tôi đề tặng nhà văn Phạm Thị Hoài năm 2002 bị bán sách cũ tôi đã cảm thán một sự buồn. Mới đây Hoài có bài viết nhan đề “Buồn ơi, nhẹ thôi” (nghe như nhại Francois Sagan) nói thân phận lưu vong của mình mang theo tiếng Việt mẹ đẻ đã mệt, nói chi còn mang được sách vở.

Hôm nay người bạn trẻ (nói trẻ nhưng cũng đã hơn bốn mươi) ở Sài Gòn đã mua lại cuốn sách tôi tặng Phạm Thị Hoài ấy, lại gửi tiếp cho tôi một cuốn nữa mà bạn đó mua lại được từ hàng sách cũ với lời nhắn “Lại cuốn nữa trôi nổi ạ”. Đó là tập sách viết của tôi nhan đề “Nhà văn như Thị Nở” in năm 2014 với lời ghi tôi ghi tặng “Sách của anh Đặng Hiển” vào đúng năm ra sách.

Anh Đặng Hiển sinh năm 1939, học khoá I khoa Ngữ Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) từ năm 1956. Sau này anh dạy văn phổ thông, viết thơ và viết phê bình ở Hà Tây. Anh đã mất năm 2020.

Tôi biết anh Đặng Hiển khi Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây sáp nhập vào Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội theo sự sáp nhập tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội năm 2008. Anh có tặng tôi vài cuốn sách của anh và tôi vẫn giữ. (Tiếc là để bộn bề trên giá sách nên chưa lục lại được để chụp đưa lên đây.)

Dẫu anh Đặng Hiển không lưu vong như chị Phạm Thị Hoài thì việc thấy lại cuốn sách tặng của mình như thế này vẫn làm tôi lại buồn.

Khi đọc bài Hoài tôi có ghi lại một ý nghĩ bất chợt của mình: “Tôi sẽ xé trang có lời bạn đề tặng tôi nếu như tôi không thể mang được cuốn sách bạn tặng tôi khi xa nước, để tránh cho bạn một nỗi buồn thấy sách mình tặng bị đem bán sách cũ. Bạn thấy đó là nỗi buồn hơi nhẹ. Tôi thì không.

Có lẽ, những ai biết mình không thể mang theo sách được tặng thì đều nên xé trang đề tặng đi. Phòng khi sách bị trôi nổi sa vào hàng sách cũ thì không làm xấu mặt mình và mặt người tặng sách mình.

Dễ thôi mà, chỉ là đơn giản một động tác xé cái trang đầu sách.

-----------

Nguồn: Facebook Phạm Xuân Nguyên

 

Tác giả: Tạ Duy Anh

SÁCH QUÝ VÀ BẠN VĂN

Mỗi lần in được một cuốn sách, việc đầu tiên của tác giả là kí tặng bạn bè. Chuyện này đã thành một thứ...văn hóa, gọi là văn hóa tặng sách.

Vò đầu bứt tóc viết ra, không ít tai họa tiềm ẩn từ khi mực nhả khỏi đầu bút, vì thế khoe với bạn bè, muốn họ đọc, xem ra cũng là một việc dễ thương.

Nhưng sự đời thường oái oăm ngoài mọi hình dung.

Chuyện một nhà thơ nổi tiếng kể chuyện một nhà văn nổi tiếng mỗi lần nhận sách tặng liền đưa cho gia nhân ném thẳng vào chuồng lợn, chắc nhiều người đã đọc, xin không nhắc lại

Tôi chỉ kể vài chuyện mình chứng kiến, hoặc ít nhiều trong cuộc.

 

Chuyện thứ nhất

Một cô bạn từ Mỹ về, nhờ tôi giúp để cô in một tập truyện ngắn, "chỉ để tặng". Sách quý phải đến tay những người theo cô là đáng mặt. Và rất may, dịp đó có một cuộc hội thảo văn học, kéo theo khoảng 20 các loại "nhà" thuộc hàng khủng long trong con mắt cô. Lập tức cô bạn nhờ tôi giới thiệu cho cô được đến...tặng sách! Tôi muốn gàn cô lắm, nhưng nhìn vẻ mặt háo hức của cô, tôi không nỡ. Nhưng tôi bảo cô phải tự đến, thích ai cứ việc tặng. Tối ấy cô nhắn tin đã tặng được gần trăm cuốn. Cô bảo về Mỹ cô sẽ đọc các phản hồi, bởi bất cứ ai nhận sách từ tay cô (kèm một nụ cười mê hồn) đều reo lên: sách quý, sách quý, hơn cả vàng. Có vị còn áp lên mũi hà hít.

Cô bạn tôi vui đến nỗi nhắn thêm cả một câu lãng mạn mà chả may vợ tôi đọc được sẽ khó mà không nghi ngờ chúng tôi có...gì với nhau.

Nửa năm sau, từ Mỹ, cô nhắn rằng: chả ai cho cô một câu phản hồi, dù cô đã ghi email.

Tôi chẳng biết trả lời cô thế nào. Chả lẽ lại nhẫn tâm nói thật rằng không ai cầm theo cuốn sách cô tặng khi ra về với đầy ắp một bụng bia, rượu vang và dồi lợn cắp nách! May có ai cầm thì họ cũng dùng kê đít khi ngồi với bạn gái. Tôi không hề bịa, bởi chính một anh bạn tôi, khi tôi hỏi, cứ ngớ ra lúc lâu mới bảo: nhớ rồi, cô bé từ Mỹ về. Anh mang máng nhớ đã để lại sách trên bàn, bị bia làm ướt và nhân viên dọn đi lúc nào đó không biết.

 

Chuyện thứ nhì

 

Một nhà thơ đã chết, lần ấy vượt mưa gió, đầu ráo áo ướt đến khom người sát đất, xoa tay, miệng nhỏn nhoẻn tặng một ông nhà giáo kiêm viết phê bình (cũng đã chết) cuốn thơ anh vừa xúc trộm thóc của vợ đem bán để in vài trăm bản- là chính anh kể thế. Tất cả diễn ra ngay trước mặt tôi. Nhận sách xong, ông giáo kiêm phê bình gia hà hít một hồi thứ quý hiếm, cảm ơn rối rít và bảo mình sẽ đọc, thơ của cậu mình phải đọc.

Giờ không biết dưới mồ ông nhà thơ kia có còn muốn xin cao nhân "vài chữ vàng" như ông giáo đã hứa, hay đã kịp phì cười nhạo mình? May chỉ có thần linh biết. Còn tôi người trần mắt thịt nên chỉ kể chuyện trần gian. Ấy là chỉ sau khi ông nhà thơ xúc trộm thóc vợ, vẫn khom lưng đi giật lùi trở ra độ mươi phút, thì có một ông cũng văn chương từ đâu đến, kèm theo gói thịt vịt quay. Thật tiện cho ông giáo vốn thích đánh chén, vì có ngay cuốn thơ xé ra để trải xuống thay mâm.

 

Chuyện thứ ba

Một nhà văn thuộc loại đàn anh, lần ấy ghé tôi trước khi đi dự một hội thảo cuốn tiểu thuyết của bạn tôi. Ông khiến tôi suýt rớt nước mắt vì cảm động khi bảo lâu không gặp tôi nên có dịp ông phải ghé thăm. Chưa tàn ấm trà thì ông như buột nhớ ra, hỏi "À, chú đã đọc cuốn của thằng S chưa (là cuốn mà ông tham gia hội thảo). Tôi bảo em đọc kĩ là khác. Rồi sau đó, bằng tài năng của một nhà văn đàn anh, ông khiến tôi tuồn tuột nói một thôi về cuốn sách, cả ưu và nhược, cả kết cấu, giọng kể và nghệ thuật xây dựng nhân vật...Ông nghe xong vỗ đùi: chú thẩm tinh thật, có mấy chỗ tôi còn chưa kịp nghĩ đến.

Vài hôm sau, trong bài tường thuật hội thảo, phần phát biểu của ông nhà văn đàn anh (được chua thêm mấy câu búa bổ về tầm vóc, khả năng viết và đọc) là y nguyên những gì tôi nói với ông, với sự chế biến chút ít.

 

Nhưng chưa hết

Trong một buổi trà đàm, vẫn những lời ấy, gần nguyên văn, ông khiến một nhà văn đàn em khác chỉ còn cách chạy ngay đi mua chai rượu ngon nhất đãi ông, bởi đã "phát hiện" giúp tác giả những điều độc đáo, sâu sắc mà khi viết anh ta không nghĩ đến.

Tưởng chỉ tôi gặp những chuyện tương tự. Mới đây nhà văn Vũ Xuân Tửu kể lại chuyện cũng đáng cười ra nước mắt, về chuyện tặng sách quý cho bạn văn (xin xem ảnh).

Tôi không có tài cán gì, nhưng nhờ nghề biên tập, tôi có khả năng đọc từ những bài rì-viu mỗi khi ai đó được tặng sách quý và nhận ra người viết có đọc sách tặng hay không, đọc cẩn thận hay theo kiểu lướt ván, hay chộp một đoạn để trích, hay nhảy một phát từ chương đầu đến chương cuối, thậm chí là mấy dòng cuối.

Nhưng tác giả thì tin lắm vào tình văn, có thể nhẩy cẫng lên, hát vang cả địa cầu như lên cơn cực sướng!

Vì luôn là SÁCH QUÝ, được trang trọng ví như rượu quý, thậm chí như bia đá, càng để lâu càng quý, nên đa số sẽ nâng niu "để dành" .

Cho đến khi nó lặng lẽ bò ra hàng sách cũ.

Và nếu được thế, vẫn còn là may. Bởi như thế vẫn còn hy vọng có thân phận, so với những cuốn sách nằm vĩnh cửu trên giá gỗ hoặc lẫn trong những bãi rác khổng lồ

-----------

Nguồn: Facebook Lao Ta

 

Tác giả: Nguyễn Thông

CHUYỆN VỀ CUỐN SÁCH VE CHAI

Mấy hôm rồi, đầu tiên ông Phạm Xuân Nguyên có chút than thở về việc cuốn sách tặng bị hồi cố, sau đó bác nhà văn Tạ Duy Anh cũng biên nhời bàn thêm. Vụ này kể ra cũng khó nói. Nhà cháu chỉ nhân đây kể lại chuyện số phận long đong của một cuốn sách, như một lời gửi đến bác Nguyên rằng chả nên lấy làm buồn, bác ạ.

Nhớ lần đến chơi nhà ông bạn gàn Cao Tự Thanh. Chỗ trọ 2 gian của y trên giời dưới sách. Là kẻ mê sách nhưng lâu nay ít đọc, phần bận cuộc mưu sinh, phần nhiễm phải cái thói cứ động một tí là lụy vi tính, internet nên đã lâu tôi chẳng mấy khi cầm cuốn sách nào được đến mươi phút (nhưng vừa rồi với sách của Phan Thúy Hà thì khác, những cuốn Gia đình, Đừng kể tên tôi, Những ghi chép của các anh, Qua khỏi dốc là nhà... thì cứ phải đọc một mạch - câu này vừa biên thêm). Đang tâm thái ấy, trong lúc ký giả Xuân Ba và Cao tiên sinh đang say sưa đàm đạo, bất chợt nhìn lên giá sách tôi rút một cuốn cũ kỹ khổ bằng bàn tay, giấy ố vàng, bốn góc bìa nát nham nhở. Lật vài trang thấy toàn chữ Hán viết đủ kiểu chân, triện, lệ, hành, thảo kèm theo những bức tranh vẽ theo phong cách thủy mặc cực đẹp. Chủ nhà đang say với bạn tri kỷ, thấy tôi cầm cuốn sách quý của mình dáng điệu thờ ơ bất cẩn liền hắng giọng “mày có biết đang cầm cái gì trên tay không?”. Biết hỏi kẻ sở học nông cạn như tôi kể bằng thừa, lão hàn nho giảng giải: xét tuổi, hai cuốn này (thì ra còn một cuốn nữa tôi không để ý) dễ đã hơn trăm năm, còn chủ nhân đích thực của nó, là ai biết không, Phạm Quỳnh đ.â.ấ.y (y dài giọng)!

Tôi lật giở, ừ nhỉ, trên mỗi trang bìa sau bằng loại giấy na ná giấy xi măng vẫn nguyên chữ ký chân phương giản dị của cụ Thượng Chi, màu mực tím, đậm và rõ. Nét chữ mềm mại, kiểu chữ đặc trưng thế hệ Tây học những năm trước cách mạng không lẫn vào đâu được. Nhẩm tính chỉ từ hồi cụ chủ bút báo Nam Phong ký xác nhận quyền sở hữu của mình vào cuốn sách đến nay chí ít phải bảy tám chục năm, vậy sao thứ mực tím tôi chắc là mực Parker kia phóng qua ngòi bút sắt cứ như vừa mới thấm khô, dễ làm ta tưởng tượng người ký dòng chữ ấy mới nhấc ngọn bút khỏi trang giấy bản rồi khoan thai bước đâu đó nhẩm mấy câu thơ trong sách mà khen cái sự tuyệt hảo của người xưa.

Lại nhớ lứa chúng tôi sinh ra sau hòa bình lập lại hồi học cấp 3 được các thầy giảng về cuộc tranh luận quanh truyện Kiều, cũng chỉ được học duy nhất bài "Luận về chánh học cùng tà thuyết" của cụ Ngô Đức Kế, tranh luận với cụ Phạm Quỳnh, chứ có thấy trước tác của cụ Phạm đầu đuôi nó thế nào, nghe thì tạm hiểu rằng “chánh học” đương nhiên thuộc về cụ nghè Ngô - nhà nho yêu nước, còn “tà thuyết” ắt phải là Phạm Quỳnh - người làm quan đến chức Thượng thư bộ Học, rồi sau đó bộ Lại của "triều đình tay sai phản động". Sau này khi cuộc sống đã cởi mở, tìm hiểu những khúc nhôi chưa tỏ về con người lịch sử này ta biết ông bị kết thúc số phận cá nhân thật bi đát và lịch sử xứ ta kể từ sau cách mạng chưa hề công bằng với ông.

Mấy lần lão nhà văn Thái Vũ ghé tòa soạn Thanh Niên chơi, tôi lân la hỏi được ông lão kể lại, dù làm quan chức trọng quyền cao tột bậc nhưng sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) cụ Phạm về ở ẩn tại biệt thự Hoa Đường bên sông đào Phủ Cam (Huế) và trong cơn sục sôi cách mạng đánh Pháp đuổi Nhật hạ bệ Nam triều, ngày 23.8.1945 cựu Lại bộ thượng thư Phạm Quỳnh bị một nhóm thanh niên Việt Minh đến nhà “mời” đi, cùng lúc là cả cha con ông Ngô Đình Khôi (Tổng đốc Quảng Nam, anh ruột ông Ngô Đình Diệm), kể từ đó họ mãi mãi không trở về.

Lại nói về bộ sách quý. Biết tôi mù chữ Hán, ông bạn họ Cao giảng giải bộ này gồm 6 cuốn (Cao tiên sinh mới có 4 cuốn đóng gộp thành 2 tập, còn vì sao thiếu 2 cuốn tôi sẽ nói sau) tên gọi Thi họa phảng (Thuyền thi họa), thứ tự các cuốn từ 1 đến 6 theo chủ đề là: Sơn thủy, Nhân vật, Hoa điểu, Thảo tùng, Mai lan trúc cúc, Phiến phổ. Khổ sách nhỏ, 17x10cm, giống loại sách thiếu nhi khá phổ biến của Nhà xuất bản Kim Đồng, giấy bản mịn, do một Nhà xuất bản nào đó của Trung Quốc ấn hành không thấy đề tên nhưng ghi rõ năm xuất bản Quang Tự Mậu Tý, nếu cứ chiếu theo đời vua Quang Tự nhà Thanh thì vào năm 1888. Tính đến Mậu Tý 2008 vậy bộ sách này đã thọ ngoại bách tuế, chính xác là 120 tuổi (còn giờ năm 2022 thì 134 tuổi).

Tôi săm soi lật kỹ thấy phía dưới chữ ký mềm mại của cụ Thượng Chi còn có con dấu tròn son đỏ, ghi rõ: phía trên Quốc gia Việt Nam, phía dưới Trung Phần trong vòng tròn bao bọc, chính giữa là hai chữ đậm hơn: Văn Hóa. Tôi thắc mắc, Cao tiên sinh giải thích chỉ có dưới trào Ngô Đình Diệm mới dùng danh từ Trung Phần để chỉ miền trung Việt Nam. Đây có lẽ là con dấu của một cơ quan lưu trữ hoặc thư viện nào đó hồi Ngô Đình Cẩn thay mặt chính quyền họ Ngô cai trị xứ Huế. Phải chăng sau cơn gia biến tang thương ngày 23.8 ở biệt thự Hoa Đường, gia đình cụ Phạm thượng thư phút chốc nát tan mỗi người mỗi ngả, đến thân mạng còn không giữ được nói chi sách vở.

Nhà văn Thái Vũ kể sau này có hỏi ông Phan Hàm (khi ấy là thanh niên tiền tuyến của Việt Minh, về sau lên đến cấp tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam) người trực tiếp chỉ huy việc bắt Phạm Quỳnh, ông Hàm cho biết đã khám xét khá kỹ căn biệt thự, kể cả những tủ sách. Vậy thì những cuốn sách mà chủ nhân từng vẩy bút đặt lên chữ ký mực tím Parker tươi rói bắt đầu chặng đường lưu lạc từ đây chăng? Khi Ngô Đình Cẩn làm lãnh chúa Trung phần, ông ta từng cho sưu tầm thu gom nhiều di sản văn hóa cổ, trong đó có các tác phẩm Hán Nôm quý hiếm để nhà nước quản lý, lưu trữ, vì thế mới có con dấu tròn Văn Hóa ấy.

Nhưng tại sao sách quý lại lưu lạc đến nhà bạn tôi? Hàn nho Cao Tự Thanh thuật lại rằng giữa năm 1975 y đang học năm thứ ba ngành Hán Nôm khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì miền Nam giải phóng, nôn nóng quá bèn bỏ dở chừng vào ngay Sài Gòn (chuyện này tôi biết bởi tôi cùng khóa với y, chỉ khác ngành học). Một trưa cuối năm trong túi chỉ có 300 đồng tiền chế độ cũ đủ để ăn sáng vài bữa, đang lang thang thì gặp bà cụ quẩy gánh ve chai đi về chợ sách cũ Đặng Thị Nhu (Q.1) gần chợ Bến Thành. Thấy trong đống lộn xộn sách cũ sách mới hai quyển bìa đã cũ nát, lật giở biết là quý thư bèn quyết mua bằng được. Bà cụ đòi 300 đồng, chàng sinh viên nghèo năn nỉ, rốt cục dứt giá hai trăm. Đem về đọc kỹ mới tá hỏa tam tinh vì bộ sách những 6 cuốn, đóng thành 3 tập, nhớn nha nhớn nhác thế nào chỉ thấy hai, mất toi một tập gồm 2 cuốn Sơn thủy và Nhân vật. Tiếc đứt ruột nhưng giờ bà cụ ve chai ấy biết tìm nơi đâu. Ra chợ Đặng Thị Nhu bao lần dò la nhưng cả người lẫn sách vẫn bặt âm vô tín. Thôi thì cái duyên nhiều khi nó cứ dở dang vậy, ngay cả mối duyên với sách. Bù lại bằng chút an ủi, phát hiện ra chủ nhân của 2 tập sách gần trăm tuổi kia (tính đến thời điểm đó) chính là Thượng Chi Phạm Quỳnh.

Tôi thắc mắc sao biết đó chữ ký của cụ Phạm, ông chủ sách đương thời trợn mắt “tao từng nghiên cứu bao nhiêu sách Hán Nôm cái xứ này, có cả sách của Phạm Quỳnh, chữ ký ấy lẫn đi đâu được”. Nói đến đây, Cao tiên sinh với tay lên đầu ghế lấy chiếc áo sơ mi mặc vào nghiêm chỉnh, tôi thấy lạ thắc mắc sao không cởi trần cho mát, y trừng mắt “đọc sách phải đàng hoàng”, sau đó giở cuốn Thảo tùng ra, chỉ vào trang trái vẽ hai cây trúc quân tử cứng cáp phong sương, trang phải kèm hai câu viết theo lối chữ triện, đọc sang sảng “kiên phối tùng bách/ kính lăng sương tuyết” (bền ngang tùng bách/ cứng khinh tuyết sương) rồi cười khà khà: chúng mày thấy chưa, người đọc những cuốn sách ấy chẳng phải kẻ tầm thường.

Đời sách, tôi nghĩ, cũng như con người có khi phải trải qua bao dâu bể, số phận thăng trầm. Như cuốn sách cổ này.

-----------

Nguồn: Facebook Nguyễn Thông


 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

0 comments:

Đăng nhận xét