TAU CHƯỞI - MỘT BÀI THƠ KINH DỊ VÀ KHỐC LIỆT - Tác giả: Thận Nhiên ; Trần Chí Cường giới thiệu

Leave a Comment

 

TAU CHƯỞI - MỘT BÀI THƠ

KINH DỊ VÀ KHỐC LIỆT

*

Trần Chí Cường giới thiệu

Tác giả Thận Nhiên - facebook Thận Nhiên

 (Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả)

 

Tau chưởi

 

Tau tức quá rồi

tau chịu không nổi

tau nghẹn cuống họng

tau lộn ruột lộn gan

tau cũng có chân có tay

tau cũng có đầu có óc

có miệng có mắt

có ông bà

có cha mẹ

có vợ con có ngày sinh tháng đẻ

có bàn thờ tổ tiên một tháng hai lần

rằm mồng một hương khói bông ba hoa quả

tau đầu tắt mặt tối

đổ mồ hôi sôi nước mắt

vẫn đồng không trự nõ có

suốt cả đời ăn tro mò trú

suốt cả đời khố chuối Trần Minh

kêu trời không thấu

tau phải câm miệng hến

không được nói

không được la hét

nghĩ có tức không

tau chưởi

tau phải chưởi

tau chưởi bây

tau chưởi thẳng vào mặt bây

không bóng không gió

không chó không mèo

mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước

giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây

đặng nghe tau chưởi

tau kêu thằng khai canh khai khẩn tam đợi mười đời

cao tằng cố tổ ông nội ông ngoại cha mẹ chú bác cô dì

con cháu thân hơi cật ruột bây tau chưởi

tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống

hết nối dõi tông đường

tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp

tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu

tam giáo đạo sư bây

cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây

hà hơi trún nước miếng cho bây

bây ỉ thế ỉ thần

cậy nhà cao cửa rộng

cậy tiền rương bạc đống

bây ăn tai nói ngược

ăn hô nói thừa

đòn xóc nhọn hai đầu

ngậm máu phun người

bây bứng cây sống trồng cây chết

vu oan giá hoạ

giết người không gươm không dao

đang sống bây giả đò chết

người chết bây dựng đứng cho sống

bây sâu độc thiểm phước

bây thủ đoạn gian manh

bây là rắn

rắn

toàn là rắn

như cú dòm nhà bệnh

đêm bây mò

ngày bây rình

dưới giường

trên bàn thờ

trong xó bếp

bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra

bây mang bí danh

anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường

lúc bây thật lúc bây giả

khi bây ẩn khi bây hiện

lúc người lúc ma

lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét

lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm

lúc như thầy tu vào hạ

lúc như con nít đói bụng đòi ăn

hai con mắt bây đứng tròng

bây bắt hết mọi người trước khi chết phải hô

cha mẹ bây ông nội ông ngoại bây tiên sư cố tổ bây

sống dai đời đời kiếp kiếp

phải quỳ gối cúi đầu

nghe bây nói không được cãi

phải suốt đời làm người có tội

vạn đợi đội ơn bây

đứa nào không nghe bây hớt mỏ chôn sống

thằng nào không sợ bây vằm mặt thủ tiêu

bây làm cho mọi người tránh nhau

bây làm cho mọi người thấy nhau nhổ nước miếng

đồ phản động

đồ chống đối

đồ không đá bàn thờ tổ tiên

đồ không biết đốt chùa thiêu Phật

thượng tổ cô bà bây

mụ cô tam đợi mười đời bây

tau xanh xương mét máu

thân tàn ma dại

rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch

mả ông bà cố tổ bây kết hết à

tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm

bây ăn chi mà ăn đoản hậu

ăn quá dã man

bây ăn tươi nuốt sống

mà miệng không dính máu

người chết bây cũng không chừa

năm năm mười năm hai mươi năm

xương chân xương tay sọ dừa vải liệm`

bây nhai bây khới bây mút

cả húp cả chan bây còn kêu van xót ruột

bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương

khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng

để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho

cha mẹ cố tổ bây

hỡi cô hồn các đảng

hỡi âm binh bộ hạ

hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió

trong am trong miếu giữa chợ giữa đường

đầu sông cuối bãi

móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó

cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi

bây giết người như thế

bây phải chết như thế

ác lai thì ác báo

tau chưởi ngày chưởi đêm

mới bét con mắt ra tau chưởi

chập choạng chạng vạng tau chưởi

nửa đêm gà gáy tau chưởi

giữa trưa đứng bóng tau chưởi

bây có là thiền thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi

mười hai nhánh họ bây

cao tằng cố tổ bây

tiên sư cha bây

tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén

xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng

tau chửi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ

mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm

tau chưởi cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc

đoạ xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu

tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điên tàn

đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ

bốc đất mà ăn xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra

cũng phải tránh xa

tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn

sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn

chết không được mà sống cũng không được

tau chưởi cho dứt nọc dòng giống của bây cho bây chết sạch hết

không bà không con

không phúng không điếu

không tưởng không niệm

không mồ không mả

tuyệt tự vô dư

tau chưởi cho bây chết hết

chết sạch hết

không còn một con

không còn một thằng

không còn một mống

chết tiệt hết

hết đời bây!

*

29 tháng 6 năm 1997

TRẦN VÀNG SAO

Sáng nay tình cờ tôi đọc bài thơ trên đây, và nghĩ rằng có lẽ trong văn học VN (và thế giới?!) chưa từng có một bài thơ nào kinh dị, khốc liệt như bài thơ này. Điều gì làm cho tâm hồn con người - thi sĩ - phải đau đớn, quằn quại, căm hận, phẫn nộ đến vậy?

Theo cách phát âm giọng địa phương, từ “chửi” được tác giả viết thành “chưởi”.

Bài thơ này đánh bại nguyên cả nền thi ca chửi Mỹ Ngụy của tuyên huấn Hà Nội. Nó qua mặt tất cả các thi sĩ gạo cội chuyên nghiệp như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Quang Vũ… Các thi sĩ miền Bắc chửi Mỹ Ngụy để ăn lương, lên chức, lấy điểm với đảng. Trần Vàng Sao chửi đảng thì chỉ có ăn đòn.

So sánh giữa bài thơ “Tau chưởi” với bài chửi “mất gà” được truyền bá trong dân gian thì tôi thấy có điểm khác biệt. Mất gà là bài chửi có vần, với mục đích biểu diễn sự chanh chua, ngoa ngoắc, trong khi "Tau chưởi" là bài thơ mang nội dung đầy đau đớn và phẫn nộ.

Bài thơ “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình” làm cho Trần Vàng Sao nổi tiếng, nhưng theo tôi, bài “Tau chưởi” là bài đáng kể nhất trong sự nghiệp văn chương của ông.

Về mặt ngôn ngữ, Trần Vàng Sao lật đổ quan niệm duy mỹ lâu nay trong thơ Việt, nhưng điều khác biệt đáng kể là ông không sử dụng đến những từ tục tỉu như nhiều nhà thơ đương thời đang dùng. Ông ác miệng, cực kỳ ác miệng, nhưng không tục tỉu.

Chửi là 1 trong 2 hành vi của kẻ yếu, của người thấp cổ bé miệng mà có chữ (nhà văn, nhà thơ chẳng hạn), nhưng không có cách gì để tự vệ, để phản ứng trước kẻ mạnh. Họ không thể phản ứng bằng hành động, bằng bạo lực, nên họ chọn cách phát ngôn bằng lời nói hay chữ viết. Hành vi còn lại sau chửi là đặt, viết những chuyện tiếu lâm đen mà chúng ta thường đọc, hay nghe kể. Tôi chưa từng gặp Trần Vàng Sao, nhưng tôi mơ hồ nghĩ rằng với cái tâm tính bộc trực và tâm hồn mẫn cảm của mình, ông chỉ có thể bày tỏ cảm xúc bằng cách chửi thẳng chứ không thể dùng ẩn dụ né tránh, nói kiểu móc họng, sâu xa, thâm thúy như nhiều người khác. Điển hình là bài thơ “Tau chưởi” này. Bài thơ nói thẳng, nói thật cảm xúc và suy nghĩ của một con người bị vùi dập, bị đàn áp thô bạo đến chỗ tàn tệ nhất.

Ban đầu, tôi suýt hiểu nhầm rằng bài thơ như phát ngôn của một con người vì quá đau đớn, phẫn uất mà đứng ở chỗ mấp mé sự điên loạn, nhưng khi tôi đọc kỹ lại thì thấy không phải vậy. Bài thơ có một cấu trúc chặt chẽ, diễn đạt một tiến trình tâm lý rất lớp lang.

Từ dòng đầu của bài thơ, ông chưa chửi, mà ông nói. Ông bình tĩnh nói thiệt hơn về nỗi ấm ức vì phải câm nín trước sự tàn độc, bất công và dối trá cho tới khi chịu không nổi nữa:

“tau phải câm miệng hến

không được nói

không được la hét

nghĩ có tức không”

Từ đó, sự phẫn nộ kết tụ rồi bùng vỡ dữ dội thành tiếng gào thét. Ông quyết định phải chửi, nhưng không chửi vòng vo vông khống, ông chửi thẳng, không chỉ chửi thẳng, ông còn kêu đối tượng, thậm chí cả dòng họ thân tộc của chúng ra để nghe ông chửi. Ông không chỉ chửi, ông vừa chửi vừa kể tội chúng, và sau cùng, ông nguyền rủa, những lời nguyền rủa vô cùng độc địa.

Tôi tự hỏi, với một cảm xúc khốc liệt như thế, trong thơ, thì cái thiện ở đâu, cái đẹp ở đâu? Tính nhân văn ở đâu? Lương tri con người ở đâu?

Hay khi đặt những tiêu chí có vẻ cao đẹp đó ra cho thơ, của một tâm hồn bị tổn thương đến tận cùng như Trần Vàng Sao, thì chúng ta đang bắt đầu cho một sự dối trá khác?

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyên ngắn:

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

0 comments:

Đăng nhận xét