VỀ CHỦ ĐỀ TÍNH DỤC TRONG
TIỂU THUYẾT CỦA
GABRIEL
GARCIA MARQUEZ
VÀ MARIO VARGAS LLOSA
*
Vũ Thị Hương Mai giới thiệu
Tác giả Lê Ngọc Phương, Nguồn: binhluanvanhoc
(Cập
nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả)
Gabriel Garcia Marquez và Mario
Vargas Llosa. Họ là một cặp đôi nhà văn làm hao tốn nhiều giấy mực của giới
nghiên cứu bởi vì mối quan hệ thuộc về văn học và ngoài văn học của hai ông.
Marquez và Llosa từng là đôi bạn thân đồng điệu và gắn bó với nhau sâu sắc, thế
rồi họ lai rời xa nhau trong 30 năm thù hằn. Những nét tương đồng và những sự
mâu thuẫn đến đối nghịch ở con người và văn chương họ cho thấy rõ tính thống
nhất bền vững của nền văn học một giai đoạn rực rỡ
Vào
cuối thập niên 50, Jorge Amado - nhà văn nổi tiếng nhất của Brazil, được tôn
xưng là bậc hiền nhân đã cho xuất bản Gabriela, Nhành quế và hoa
đinh hương. Cuốn
này khi ra mắt công chúng đã bị nhiều người cho là “quá hoa mỹ kỳ cục, quá dâm
dục, quá nhiều truyền thống dân gian” [1].
Tác
phẩm là một câu chuyện tình đầy đam mê cho đến chữ cuối cùng của quyển sách,
giữa cô gái Gabriela nồng nhiệt, xinh đẹp, cơ thể tỏa ra mùi quế và hoa đinh
hương với Nacib Saad, chủ một quán rượu phát đạt. Khi Nacib ra chợ nô lệ tìm
đầu bếp mới, anh đã gặp nàng Gabriela. Chuyện tình kì lạ mà cũng rất chân thật
của họ đã bắt đầu, mang hương vị lạ lùng, đậm đà và quyến rũ như vị đặc sánh
của cacao ở vùng Brazil. Đó là những con người ồn ã, ham muốn vật chất, lúc tầm
thường lúc cao quý, nhưng trên hết họ đã “yêu” nhau đầy bản năng. Chính điều đó
mà bên cạnh những lời khen, nhà văn hồn hậu của Mỹ Latinh bị chỉ trích nặng nề
vì nặng tính “dâm dục”.
Trường
hợp này cũng rơi vào không ít nhà văn ở đỉnh điểm của giai đoạn thịnh vượng từ
thập niên 1960 đến 1980, tiêu biểu là hai tác giả được mệnh danh là “hai con sư
tử của trào lưu Latin American Boom” (trào lưu Bùng nổ): Gabriel Garcia Marquez
và Mario Vargas Llosa. Họ là một cặp đôi nhà văn làm hao tốn nhiều giấy mực của
giới nghiên cứu bởi vì mối quan hệ thuộc về văn học và ngoài văn học của hai
ông. Marquez và Llosa từng là đôi bạn than đồng điệu và gắn bó với nhau sâu
sắc, thế rồi họ lai rời xa nhau trong 30 năm thù hằn. Những nét tương đồng và
những sự mâu thuẫn đến đối nghịch ở con người và văn chương họ cho thấy rõ tính
thống nhất bền vững của nền văn học một giai đoạn rực rỡ. Trường hợp này khiến
ta liên tưởng đến cặp đôi Sartre và Camus của văn học Pháp. Nếu thiếu một trong
hai người, sẽ thật khó có một trào lưu hiện sinh Pháp độc đáo như ta biết hiện
nay.
Marquez
và Llosa đã mang về cho châu lục Mỹ Latinh hai giải Nobel văn học năm 1982 và
năm 2010. Đến từ hai quốc gia khác nhau nhưng Marquez và Llosa có những chủ đề
và cấu trúc nghệ thuật giao thoa nhau rõ nét. Một trong nét tương đồng đặc biệt
giữa họ trên trang viết là chủ đề tính dục – thông thường là những trường hợp
tính dục lệch chuẩn, luôn gắn với nỗi cô đơn định mệnh mang đặc trưng của khu
vực văn học đầy bản sắc. Tiểu thuyết của Marquez và Llosa từng bị hoài nghi là
“truyện khiêu dâm” bởi những chi tiết về tình yêu thể xác với màu sắc hoang dã.
William Boyd, đạo diễn chuyển thể cuốn Dì Julia và nhà văn quèn của Llosa thành
phim điện ảnh nhận xét: “Vargas Llosa liên tục thiết lập các hình ảnh tình dục
và quan hệ tình cảm giữa nam và nữ”. Trước đó, khi viết tiểu thuyết Căn nhà
xanh (The
Green House, 1966), ông đã mạnh mẽ miêu tả một nhà thổ giữa rừng như là “một tổ
chức trung tâm trong đời sống Mỹ Latinh” [2]. Marquez cũng mang ám ảnh này khi
viết về chủ đề tính dục lệch chuẩn trở đi trở lại trong Trăm năm cô đơn, Tình
yêu thời thổ tả, Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi…
Dễ
dàng thấy, tiểu thuyết Mỹ Latinh xuất hiện rất nhiều cảnh tính dục, tần số cao
và miêu tả hết sức “chân thực”, đến độ nhắc đến Mỹ Latinh, người ta nghĩ ngay
đến một nền văn học nồng nàn dục tính. Không ít nhà nghiên cứu đã “yên tâm”
nhận định đây chính là đặc trưng của văn học Mỹ Latinh.
Trong
bài viết “Về những cảnh tình dục trong tiểu thuyết Mỹ Latinh”, nhà nghiên cứu
người Nga Inna Terteryan nhận xét: “Tất cả những cảnh tình dục đó, tất cả những
cái mà chúng ta quen gọi là khiêu dâm đó, ở trong tiểu thuyết Mỹ Latinh đều gắn
với cốt truyện, mà tuyệt nhiên không phải gắn một cách sơ sài, do đó không thể
dễ dàng vứt chúng đi được” [3]. Ông khẳng định thêm: “Nếu coi khiêu dâm trong
tiểu thuyết Mỹ Latinh như là sự nhượng bộ thị hiếu thị dân hay như “phong vị lạ
nhiệt đới”, chúng ta sẽ có nguy cơ bỏ rơi mất đặc trưng của toàn bộ cấu trúc
nghệ thuật”.[4].
Vấn đề
tính dục ở đây cần được xem xét một cách nghiêm túc như là một trong những đặc
trưng quan trọng dẫn đến cấu trúc nghệ thuật. Đồng quan điểm với Inna
Terteryan, chúng tôi cho rằng tính dục trong tiểu thuyết Marquez và Llosa như
một thành tố quan trọng của cấu trúc tiểu thuyết, đặc biệt là các biểu hiện của
tình dục lệch chuẩn (loạn luân, nội hôn, đồng tính, lệch tuổi, tình dục với
thú…), những hành động thể hiện rõ nhất nỗi cô đơn và cũng là thứ đẩy nhân vật
dấn sâu vào những sa lầy “nghiệp chướng”.
Đầu
tiên cần nhìn nhận tiểu thuyết Mỹ Latinh phản ánh những biểu hiện tình dục có
vẻ “mang nặng tính thú vật”, nhưng chúng không bao giờ được phản ánh như là
những đam mê thú vật, cũng không bao giờ được phản ánh như là tình yêu, theo
quan điểm của Inna Terteryan. Hành vi tình dục của các nhân vật tiểu thuyết Mỹ
Latinh có mối liên hệ sâu sắc với hành vi của họ trong tất cả các lĩnh vực đời
sống khác. “Trong các nền văn học châu Âu người ta luôn muốn cao nhã hóa sự đam
mê tình dục, phổ cho nó một nội dung tinh thần, do đó đưa nó gần lại với tình
yêu. Trong tiểu thuyết Mỹ Latinh, “sex” không được tinh thần hóa, thậm chí cũng
không được cảm xúc hóa, và không được xích gần lại với tình yêu theo cách hiểu
của châu Âu. Nhưng đồng thời nó cũng không bao giờ bị phản ánh như là thứ bản
năng thuần túy thú vật, như là một cái gì chỉ có tính thô bỉ, nhơ bẩn, đáng xấu
hổ. Tình dục luôn luôn được gắn với hệ thống đánh giá – không phải là sự đánh
giá đạo đức trực tiếp, mà với sự đánh giá ngầm ẩn và phức tạp hơn, thêm nữa
không chỉ đánh giá các nhân vật, mà còn cả các hiện tượng, các lực lượng xã
hội, các sự kiện” [5].
Nếu ở
truyền thống phương Đông, tính dục thường gắn với phương diện đạo đức và tình
yêu, biểu hiện một cách kín đáo sâu xa, ở phương Tây tính dục gắn với sự tự do
tận hưởng, nó được cảm xúc hóa, trải nghiệm hóa thì ở Mỹ Latinh, tính dục đậm
chất đời thường, hiển nhiên như ăn và ngủ, mang triết lý sống rất riêng – triết
lý của “những con bò cái”. Mỹ Latinh quan niệm tình dục là nhu cầu bình thường
của đời sống, nó không bị/ được đánh giá bởi bất cứ tiêu chí ngoại tại nào.
Trên sắc thái này, diễn ngôn tính dục đã khu biệt bản sắc tiểu thuyết Mỹ Latinh
trên bản đồ văn học thế giới.
Ở tiểu
thuyết của Marquez và Llosa, ta thấy sự xuất hiện của đời tư tác giả lên chính
nhân vật của họ, có thể gọi là yếu tố “tự truyện”, cũng có thể gọi là một biểu
hiện của thủ pháp “siêu hư cấu”. Tác phẩm của Marquez và Llosa có sự đan cài và
tưởng tượng lại từ những kinh nghiệm cá nhân tác giả, có thể được đọc theo hai
cách. Một cách đọc sẽ xem xét những dữ liệu tiểu sử như là nguồn gốc hư cấu
tiểu thuyết của Marquez và Llosa. Một cách đọc khác là tập trung vào câu
chuyện, cách kể hơn là người kể.
Nhân
vật chính trong Tình yêu thời thổ tả và Hồi ức về những
cô gái điếm buồn của tôi mang dáng dấp của chính tác giả Marquez trong tự truyện Sống để kể lại. Nhân vật F. Ariza và
tôi trong Hồi ức…, cũng như nhân vật tôi trong Sống để kể lại đều là những gã trai u buồn, cô đơn, si
tình, nhưng đầy phóng túng, đam mê trong tình dục. Trong Sống để kể lại, Marquez kể về mình là
chàng trai sinh viên học ngành Luật ngang tàng, bỏ học để theo văn, làm báo,
hút thuốc và trốn nghĩa vụ. Đặc biệt, ông viết: “Tôi thường hay đến
Barranquilla và Cartagena de Indias, hai địa điểm ăn chơi bên bờ biển Caribe,
để tiêu khiển và đốt đời mình trong thuốc lá, rượu mạnh cùng những cô gái làng
chơi gợi cảm” [6]. Trong Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Marquez từng
viết: “Tôi không bao giờ ngủ với bất cứ người đàn bà nào mà không trả tiền, kể
cả với một số ít vốn không phải là gái chuyên nghiệp thì cũng cố thuyết phục
họ, bằng vũ lực, là phải nhận tiền dù chỉ để vứt vào sọt rác” [7]. Trong Tình
yêu thời thổ tả cũng vậy, để lấp đầy những đêm trống trải cô đơn, F. Ariza đã
ngủ với biết bao cô gái, trong đó, các cô gái điếm làng chơi là đối tượng không
thể thiếu được. Những cô gái điếm biểu trưng cho năng lực tình dục mạnh mẽ,
những kỹ xảo làm hài lòng và thỏa mãn quyền uy của nam giới. Hơn hết, với những
cô gái làng chơi không đòi hỏi tình yêu, sự lịch thiệp, sự hồi đáp. Họ cho phép
người đàn ông bộc lộ bản thân một cách nguyên thủy nhất và tự do nhất.
Trong Hồi ức về những
cô gái điếm buồn của tôi, nhân vật nhà báo đã viết: “cho đến năm năm mươi tuổi, tôi đã ăn nằm
với năm trăm mười bốn người phụ nữ ít nhất một lần” [8]. Trong Tình yêu thời
thổ tả, suốt
51 năm, 9 tháng và 4 ngày chia lìa với Daza, F. Ariza đã trải qua 620 cuộc tình
thay thế, cuộc tình nào cũng đậm màu sắc tình dục. Trong Sống để kể lại, Marquez không thống kê
cụ thể số lượng cuộc tình của mình, hoặc vì ông đã già, không thể nhớ hết, hoặc
ở tự truyện này, Marquez tự trách nhiệm với những gì thuộc về cá nhân mình, nên
không thể hé lộ những con số cụ thể. Tự truyện là thể loại khó có thể chơi trò
chơi “mặt nạ tác giả” như trong sáng tạo tiểu thuyết. Tuy vậy, không khó để
nhận ra, Marquez đã đưa đặc tính “đa bạn tình” và nỗi ám ảnh với các cô gái
điếm vào nhân vật tôi trong tự truyện. Tính cách phóng túng trong tình yêu,
tình dục này của Marquez đã chịu ảnh hưởng từ cha ông và ông ngoại của ông: họ
từng là những người đàn ông hào hoa, phong trần trên tình trường. Như vậy, tình
dục trong các tiểu thuyết của Marquez thường gắn với hình ảnh những cô gái
điếm.
Mặt
khác, sáng tác của Marquez đậm màu sắc tính dục gắn với nhiều dạng thức tình
yêu, nhiều đối tượng tính dục khác trên các tiểu thuyết của ông. Có thể đó là
tình yêu giữa nam nữ trẻ trung, có thể là tình yêu khi về già, tình yêu với cô
gái điếm, với người phụ nữ bỏ chồng, bị chồng chê hoặc bị góa chồng. Những đối
tượng tình dục với nhiều chủng người: người phụ nữ da trắng, người phụ nữ da
đen hoặc cô gái lai da nâu (loại này xuất hiện nhiều nhất, bởi các cô gái lai
thường đầy tính bản năng phồn thực)… Có những tình yêu thuần khiết, cũng có
những tình yêu bạo dâm, loạn luân. Có những tình yêu trong hôn nhân, cũng có
những cuộc ngoại tình. Có những tình yêu chân thực, và cũng có những bóng dáng
na ná của tình yêu…
Xét
riêng trong Trăm năm cô đơn, số phận của các nhân vật đều bị chi phối
bởi tính dục lệch chuẩn. Sự hình thành và diệt vong của làng Macondo cũng chính
vì lý do đó. Khởi đầu là cuộc hôn nhân của José Arcadio Buendía và Úrsula
Iguarán đã có tính chất loạn luân, cái vòng luẩn quẩn này tiếp tục lặp lại, và
kết thúc làng Macondo khi Aureliano Babilonia lấy nhầm cô của mình là Amaranta Úrsula
rồi đẻ ra đứa con có cái đuôi lợn báo hiệu ngày tận thế. Như vậy, nỗi sợ hãi
lớn nhất của con người làng Macondo là nỗi sợ loạn luân, nhưng càng sợ thì họ
càng không nén được khao khát mãnh liệt, cuối cùng chính họ luôn lặp lại bi
kịch này như một định mệnh không trốn thoát. Các nhân vật trong gia đình
Buendía đều có sự lệch lạc trong hành vi tính dục.
Loạn
luân là hành vi tính dục cơ bản và phổ biến nhất trong Trăm năm cô đơn, nằm ở nhiều mối quan hệ
khác nhau: ví dụ, con trai yêu mẹ ruột, cháu tư thông với cô ruột, em tư thông
với chị dâu, anh trai tư thông với em dâu, anh em nuôi lấy nhau… Loạn luân là
tình trạng kéo dài suốt lịch sử trăm năm ở làng Macondo. Cái đuôi lợn chính là
biểu tượng cho dục vọng lầm lạc và tội lỗi không thể chuộc lại của dòng
Buendia. Ngôi làng này sinh thành và diệt vong cũng bởi đây. Cho nên, mệnh đề
rất cơ bản ở đây: nếu không có loạn luân, tất yếu sẽ không có tiểu thuyết Trăm năm cô đơn. Loạn luân đã là thứ
kiến tạo nên cấu trúc tác phẩm (từ chủ đề, motif, nhân vật, chi tiết nghệ thuật
đến văn phong…).
Xét
riêng ở từng nhân vật, tất cả hành động tính dục đều dẫn đến số mệnh của họ với
những nhân quả rõ rệt. Nhân vật sống hay chết đều liên quan đến điều này.
Remedios Người đẹp không có ham muốn tính dục, không thuộc về đời sống hôn nhân
bình thường nên nàng đã bay về trời, để lại bao nhiêu chàng trai si mê nàng
phải chết. Meme Buendía chết già trong tu viện vì bị ngăn trở tình yêu và nỗi
đam mê tính dục với Mauricio Babilonia – anh chàng thợ máy. Aureliano Segundo
luôn chộn rộn bởi những đam mê làm tình, không phải với vợ anh ta mà là với
tình nhân Petra Cotes, và càng làm tình thì gia súc càng sinh sôi, càng phát
đạt. Chính anh ta phát biểu câu “danh ngôn” bất hủ của cuốn tiểu thuyết: “Hỡi
những con bò cái hẫy dạng háng ra, kẻo cuộc đời ngắn ngủi lắm”. Câu nói này là
biểu hiện đầy tính hiện sinh của đời sống phồn thực, nhiều bản năng nguyên thủy
trong chuyện ăn, ngủ, phung phí xài tiền của Aureliano Segundo. Sống chính là
hưởng những niềm hoan lạc bình thường của cuộc sống.
Sẽ
không ngoa khi nói tất cả các nhân vật trong Trăm năm cô đơn, hoặc vì tính dục mà khắc kỷ, hoặc vì tính
dục mà phóng túng, vượt ra khỏi những giới hạn thông thường. Rất nhiều nhân vật
có biểu hiện “lệch lạc” trong ẩn ức tính dục, ví dụ chứng nghiện ăn đất, mút
ngón tay như một kiểu thủ dâm, mặc cảm thiến hoạn, thích tự ngắm thân thể của
mình… Tất cả những hành động này gắn chặt với đời sống của nhân vật, tạo nên
quy luật nhân – quả, đẩy họ đến số phận bi kịch của nỗi cô đơn truyền kiếp.
Tình
dục là một phần quan trọng đối với con người đến nỗi chúng ta không thể né
tránh nó. Tiểu thuyết của Llosa tiếp tục phản ánh những “lệch chuẩn” đó trong
nỗi đau sâu xa. Dù không xuyên suốt và to lớn ngang bằng với chủ đề chính trị
xã hội trong tiểu thuyết của Llosa, nhưng vấn đề tính dục lại thường trực ở
từng nhân vật của ông và biểu hiện như một yếu tố mãnh liệt của sự sống. Chủ đề
này dĩ nhiên đóng vai chính trong các tiểu thuyết được mệnh danh là “tiểu
thuyết ái tình” của Llosa như Dì Julia và nhà văn quèn, Các trò tinh nghịch của
cô bé hư hay Lời ca tụng người mẹ kế, nhưng chủ đề này cũng chiếm chỗ không nhỏ
trong các tác phẩm vốn thuộc về những đề tài xã hội “nghiêm trang” hơn
như Trò chuyện trong quán La Catedral hay Bữa tiệc của loài dê, Đường tới thiên đàng… Sự ám ảnh về tình yêu
và tình dục đi liền với ý tưởng cốt lõi của Mario Vargas Llosa: sức sống của
bản năng nơi cá nhân bị quay cuồng giữa lịch sử và chống chọi với những hoàn
cảnh tối tăm.
Chủ đề
này trong sáng tác của Mario Vargas Llosa có nhiều điểm tương đồng với Marquez
và các nhà văn Mỹ Latinh thế hệ Bùng nổ: trang viết nồng nàn dục tính, nhiệt
thành, hành vi “yêu” ít khi toan tính hay lo ngại dư luận, đạo đức, những cảnh
bạo lực, giằng co, mâu thuẫn và cả sự mùi mẫn trong cốt truyện tình yêu. Mỗi
câu chuyện mà Mario Vargas Llosa khắc họa thường là những cuộc tình chênh lệch
về một phương diện nào đó, hoặc gặp nhiều trắc trở và rào cản xã hội. Trong
tiểu thuyết của Llosa, các yếu tố tình dục đậm nét, nhưng không trơ trẽn, không
tách khỏi cốt truyện. Ngược lại, chúng luôn được nhìn dưới góc độ của những
phản ứng xã hội.
Nhân
vật trong tiểu thuyết Mario Vargas Llosa hoặc mượn tình yêu, tình dục để kêu
đòi sự tự do, thể hiện sự phản kháng cá nhân, hoặc sử dụng tình dục như một
công cụ đại diện cho quyền lực. Trong cuốn tiểu thuyết về chế độ độc tài Bữa tiệc của
loài dê,
Llosa dựng nên hình ảnh Truijilo là đại diện của chế độ độc tài châu Mỹ Latinh.
Trujillo đã sử dụng sex không phải chỉ vì khoái lạc, mà còn như một cách thức
thể hiện quyền lực. Trujillo là chân dung được Llosa khắc họa khác với các nhà
độc tài khác, bởi quyền lực của ông ta không chỉ trên chiến trường mà là trên
giường của tất cả những người phụ nữ dưới tay ông. Trujillo lên giường với vợ
của rất nhiều cộng sự và cấp dưới của mình. Đối với ông ta, tình dục là một
biểu hiện, một công cụ của quyền lực.
Về
phương diện tình dục lệch chuẩn, không chỉ các tiểu thuyết Marquez mới đậm đặc
dục tính nguyên thủy cuốn Cuộc trò chuyện trong quán La Catedral của Losa cũng
vậy. Nó đầy các cảnh và các môtíp tình dục, kể cả những cảnh có tính bệnh hoạn
và có vẻ phản tự nhiên. Cuốn tiểu thuyết này là một câu chuyện lịch sử rộng
lớn, chen vào những góc bí ẩn của từng cá nhân. Ông chỉ ra sự vận hành cơ chế
của một nền độc tài khủng bố điển hình ở Mỹ Latinh ở bề nỗi lẫn bề sâu. Trong
số các nhân vật chính, kẻ đứng đầu cơ quan an ninh Caio Bermudes, mà dân chúng
gọi là “Caio Dermo” luôn đam mê tình dục và các cảnh tình dục trong tiểu thuyết
đều gắn với ngôi nhà của nhân vật này. Caio Bermudes luôn bày đủ mọi trò bẩn thỉu
về tính dục để che giấu chứng liệt dương của mình. Ngược lại Caio Bermudes là
Ambrosio, người có số phận nhiều kịch tính nhất của thiên truyện, lại lao vào
những cuộc tình với nhiều loại phụ nữ để che giấu đi sự bất lực trong địa vị xã
hội của tầng lớp mình. Bất lực trên giường và bất lực trên thang địa vị xã hội
là những cực đối lập nhau, che giấu và chống đỡ cho nhau. Chủ đề tình dục giữ
một ý nghĩa quan trọng trong tiểu thuyết của Mario Vargas Llosa, hoặc nó là
phương diện biểu hiện kiêu hãnh của chế độ độc tài, hoặc là sự kháng cự lại chế
độ ấy.
Trong
bài luận Về những cảnh tình dục trong tiểu thuyết Mỹ La tinh, Inna Terteryan
phân tích, đặc trưng tính dục này đã tạo ra nguyên lý phản đề trên tiểu thuyết
của Llosa: “Người đọc được giáo dục theo truyền thống văn học châu Âu tất sẽ có
ý muốn đánh giá tất cả những cái đó như là “biểu hiện sự suy đồi của tầng lớp
chóp bu” như Caio Bermudes. Nhưng sự thực không hoàn toàn như vậy, bởi vì tác
giả có thái độ đồng cảm đối với phần đông những người tham gia vào cuộc truy
hoan, thậm chí còn đặt vào giữa họ một nhân vật hấp dẫn nhất của cuốn tiểu
thuyết. Trên thực tế, “tất cả những cảnh miêu tả đó có một “tiêu điểm” chung –
sự bất lực giới tính của Caio Bermudes, kẻ đã cố bày ra đủ trò bẩn thỉu để khắc
phục chứng liệt dương của mình. Dần dần tất cả các đường dây cốt truyện của tác
phẩm đều gắn vào đây: bất luận thế nào vai trò của nhân vật trong tấn kịch
chung đều bị ràng buộc với thái độ của nhân vật đối với chuẩn mực giới tính tự
nhiên. Sự phá vỡ, sự phản bội lại chuẩn mực tự nhiên đều đi kèm với sự sai
lệch, méo mó vị trí xã hội-đạo đức của nhân vật [9].
Tất
nhiên, trong cấu trúc tự sự nghệ thuật, hình tượng nhân vật không bị phân ra
thành các phần đối xứng nhau, mà những cặp tính cách này ẩn vào nhau. Trong sự
bất lực của Caio Bermudes ta thấy sự mạnh mẽ đàn ông của Ambrocio và ngược lại.
Mỗi hành vi tính dục đều gắn với một nội tâm bí ẩn của nhân vật, gắn theo các
cặp nghịch lý khác: thành công và thất bại, khao khát và kiềm nén, sự sống tràn
sinh lực – sự bất hạnh của từng cá nhân. Tuân theo định mệnh, buông xả bản thân
và để cho “con sóng tình” của số phận đẩy đưa, choàng phủ lên cuộc đời họ.
Những chi tiết tính dục gắn chặt với cấu trúc tư tưởng và nghệ thuật của tác
phẩm.
Đặc
biệt Llosa thành công khi tạo nên các mối quan hệ không hề rõ ràng, khó gọi
thành tên, ẩn sâu bên trong là những sự thật rất khó tin. Các nhân vật
trong Trò chuyện trong quán La Catedral bị vướng mắc trong khuynh hướng tình dục
không tự nhiên, sống trong một cuộc đời hai mặt vô cùng khác nhau. Don Fermin
với Ambrosio là quan hệ chủ tớ, nhưng thực chất họ là tình nhân, những kẻ quan
hệ đồng tính. Queta với Nàng thơ là chị em tốt, là bạn bè thân thiết, nhưng
cũng là một cặp đồng tính nữ. Ngoài ra còn có những mối quan hệ lấp lửng rất
đáng ngờ khác. Chẳng hạn giữa Cayo và hai người phụ nữ khác trong tác phẩm.
Việc nhấn nhá mô tả những mối quan hệ không rõ ràng, không gọi thành tên khiến
người đọc cảm thấy Peru không-bình-thường trong các mối quan hệ giữa người với
người. Sự nghi ngờ về mối quan hệ thực sự giữa các nhân vật đến cuối tác phẩm
vẫn không được giải đáp.
Mario
Vargas Llosa cũng viết nhiều về những mỗi quan hệ cùng dòng tộc và lệch pha về
tuổi tác. Trong tiểu thuyết Lời ca tụng người dì ghẻ hay Dì Julia
và nhà văn quèn (Ở Việt Nam dịch là Dì Hulia và nhà văn quèn) mối quan hệ trung tâm
là đứa con và người mẹ kế, đứa cháu và người dì, dù không cùng huyết thống
nhưng thuộc diện “đáng can ngăn”. Trong Dì Julia và nhà quèn, cốt truyện được kể song
song giữa hai tuyến nhân vật chính. Tuyến thứ nhất là mối quan hệ giữa nhà văn
tập sự trẻ tuổi (Marito) với người thợ viết cần cù, khéo tay (Camacho). Tuyến
thứ hai là mối tình giữa Mario và người dì Julia của anh. Tuyến thứ hai (mối
tình) luôn giàu tính kịch và giàu hành động hơn tuyến thứ nhất, bởi vì bản thân
mối quan hệ này có nhiều sự éo le: Julia đã 32 tuổi trong khi Marito mới 18.
Julia có họ hàng với Marito và anh phải gọi Julia bằng dì (vốn là vợ người chú
của Marito). Hơn nữa, Julia từng có một đời chồng, trong khi Marito còn quá
trẻ, chưa từng trải qua một cuộc tình. Định kiến xã hội và những giáo lý đạo
đức đã nhiều lần không chấp nhận việc họ đến với nhau, thế nhưng, cả hai vẫn
kết hôn và sống với nhau được bảy năm hạnh phúc. Sau khi ly hôn, Marito tiếp
tục lấy người bà con của mình: cô em họ xinh đẹp, trẻ trung. Những sự kiện này
chính là lấy “nguyên mẫu” chân dung của Mario Vargas Llosa trong đời thực.
Llosa cưới vợ là người dì trong họ, lớn hơn ông 15 tuổi. Quan hệ này bị họ hàng
và người đời dèm pha. Báo giới từng đánh giá đây là “hành động sốc nổi và vô luân”
của Mario Vargas Llosa. Nhưng ông vẫn bất chấp tất cả với sự lựa chọn riêng của
mình.
Trong
tiểu thuyết này, ngoài mối tình chênh lệch giữa Marito và Julia, còn có những
câu chuyện nhỏ thật ám ảnh. Trong đó, một nhánh truyện kể về mối tình giữa hai
anh em ruột thịt. Họ yêu nhau bằng tình yêu của nam nữ, bằng tình cảm vợ chồng.
Vì sợ bị gia đình và xã hội lên án mà họ đã tìm cách che giấu, cô em gái xinh
đẹp, đầy tài năng đã chấp nhận lấy người con trai thô kệch đã theo đuổi cô bao
lâu nay, để che mắt cái thai với anh trai đang ngày một lớn lên. Thế nhưng, sự
việc bị đổ vỡ ngay trong ngày cưới, chú rể đã vô tình biết được sự việc động
trời. Câu chuyện đau khổ và nhục nhã đã bị bỏ lửng lơ ở chỗ chú rể Antunex Tóc
Hung với đôi mắt đục ngầu trân trối trong nhà tắm khi phát hiện ra sự thật. Còn
Risa, người anh trai và cũng là cha của bào thai thì khóc ròng rã và không
thiết sự sống.
Toàn
thể tác phẩm này là thiên tiểu thuyết của tình yêu lệch chuẩn. Chủ đề này đã
dẫn đến giọng kể trữ tình và cay đắng, kết cấu vừa đóng vừa mở, những tình tiết
bỏ ngỏ lửng lơ chờ đợi sự đánh giá của độc giả.
Ngoài
tiểu thuyết Dì Julia và nhà văn quèn, Mario Vargas Llosa còn
nổi tiếng với những tiểu thuyết “ái tình” Lời ca tụng người mẹ kế. Nhiều nhà nghiên cứu
ngờ rằng, motif loạn luân mẹ - con trong tác phẩm này ít nhiều gợi nhắc đến chủ
đề quen thuộc của Marquez trong Trăm năm cô đơn. Trong một bài phỏng vấn, Llosa khẳng định
rằng, cùng một mối bận tâm về mối quan hệ loạn luân, nhưng tiểu thuyết của ông
không phải là kiểu Hiện thực huyền ảo của Marquez. Tiểu thuyết của ông gần với
cuộc đời thực hơn là huyền thoại. Phong cách của Llosa trong tác phẩm này rất
ít chất thơ và lãng mạn, nó đánh đố người đọc với một lời giải đáp độc đáo nằm
ở cuối truyện. Nhân vật trong tiểu thuyết của Llosa cũng không có tính dị
thường hoặc không đẩy lên đến mức kỳ quái, gây ấn tượng sâu đậm nơi người đọc
như trường hợp của Marquez. Cái đẹp trong tiểu thuyết của Llosa gắn với đời
thường, gắn với cái ác, gắn với những lựa chọn, những nổi loạn kháng cự và rồi
thất bại, của một con người cá nhân.
Tuy
vậy, ta vẫn thấy những điểm giao nhau giữa hai tác giả lớn nhất trong trào lưu
này: họ bận tâm đến những cuộc tình đầy bản năng, những nhục dục lưu giữ nhiều
màu sắc nguyên thủy. Giống với tiểu thuyết Marquez, nhân vật của Llosa luôn bị
nỗi ám ảnh về tội loạn luân đày con người vào cõi hỗn mang. Các tác phẩm của
Llosa toát lên không khí bi kịch của những mối quan hệ quẩn quanh đóng kín. Ông
đã luôn nhìn thấy kết thúc của những cuộc tình này khi mà nó còn trong trứng
nước. Thái độ của Marquez và Mario Vargas Llosa là gì? Qua văn bản, chúng tôi
cho rằng đó là một thái độ có tính hai mặt: không cổ vũ, khuyến khích nhưng
cũng không lên án một cách khắc nghiệt. Nói cách khác, đó là cảm giác chấp nhận
vừa thích vừa sợ. Cả hai nhà văn đều hiểu rõ những ẩn ức sâu kín mà thiêng
liêng của những tình yêu, tính dục bị ngăn cấm. Trang viết của họ mong đợi một
sự tái sinh mới cho những con người đã mang lời nguyền của tình yêu và số phận.
Cần
nói thêm, nhân vật trong sáng tác của Marquez và Llosa thường bị ám ảnh bởi mặc
cảm Oedipe với hình ảnh người mẹ – người phụ nữ đầu tiên của đứa con trai.
Người mẹ khơi gợi tình mẫu tử chở che và cả những ham muốn, tò mò về tình dục
của đứa con suốt những năm tháng trẻ thơ cho đến khi trưởng thành. Trong tác
phẩm Trăm năm cô đơn, Thành phố và lũ chó, Dì Julia và nhà văn quèn đều có những nhân
vật nữ – người mẹ, lọt vào tiềm thức tình yêu và tình dục của đứa con trai. Tuy
nhiên, khác với nền văn chương nơi mà mặc cảm Oedipe xuất phát (gắn với phương
diện đạo đức và nỗi băn khoăn “tồn tại hay không tồn tại”), nhân vật của
Marquez và Llosa đã vượt qua lằn ranh của những biên giới đó, họ đã không còn
bận tâm với những tín điều đạo đức và tôn giáo. Họ sống với tinh thần đánh cược
và chấp nhận: “Nếu mình đẻ ra kì đà thì chúng mình sẽ nuôi kì đà” [10]. Sa lầy
vào những khát vọng nguyên thủy, họ đã thực hiện và trả giá cho hành động của
mình.
Trong
trường hợp của Llosa, điều này xuất phát từ dấu ấn của tuổi thơ: đối lập với
cảm giác khao khát tình thương và dục vọng ở mẹ là nỗi sợ hãi và chán ghét đến
cực độ của đứa con đối với bố và cả những người đàn ông đến gần mẹ. Hình ảnh
người bố và người tình của mẹ trong tác phẩm của Mario Vargas Llosa luôn cay
độc, khô khan và khắc nghiệt. Đứa con lớn lên trong sự chống đối ngầm với người
bố – thực chất là chống đối với thế giới nam quyền đầy bạo lực. Đó đều là biến
thể của những cá nhân giãy giụa trước tình thế ngột ngạt của chính gia đình
mình. Chủ đề này ở Llosa đi từ “cấu trúc tâm trí” của tuổi thơ cá nhân và cả
một nền văn chương gắn với “mặc cảm khải huyền” về sự diệt vong.
Vì sao
tiểu thuyết Mỹ Latinh giai đoạn Bùng nổ đậm đặc dục tính? Nhiều người đã giải
thích dựa trên nền văn hóa đậm tính Carnaval của vùng biển Caribbe và Nam Mỹ.
Khu vực này mang khí hậu nhiệt đới xích đạo, kết hợp gió mùa từ biển; cơ địa
sinh học và tư duy thẩm mỹ cư dân sớm hình thành một nét đẹp mạnh mẽ hoang dã
bản địa kết hợp từ tính chất kiêu sa, cao nhã của châu Âu và nồng nàn bản năng
của châu Phi. Họ sống một cuộc đời đầy tính hiện sinh bởi lẽ “cuộc đời quá ư
ngắn ngủi”.
Không
giống với tính chất thanh nhã của Âu châu văn minh, cũng khác với tính dục
phóng khoáng của châu Phi hoang dã thần bí, tính dục Nam Mỹ có những hiện tượng
lệch chuẩn: ngoại tình, loạn luân, tình yêu cùng giới… thấm đẫm đời sống Kyto
giáo, mang đầy đủ dấu ấn nguyên thủy, lẫn dấu ấn của một xã hội hiện đại. Với
một châu Mỹ Latinh đang hiện đại hóa nhanh chóng dưới lực đẩy lịch sử – văn hóa
lưỡng nguyên thì vấn đề tính dục cũng trở nên phức hợp vô cùng, đứng giữa lý
trí và bản năng, giữa tôn giáo và thế tục. Nói cách khác, những cảnh tính dục
trong tiểu thuyết Mỹ Latinh là cuộc xung đột giữa phức cảm khắc kỷ và phóng
túng, giữa đặc trưng Tây Ban Nha và bản địa, giữa sự tuân phục và chống đối với
cái hiện đại. Từ đó, nó tạo nên tính phản đề thường thấy trong tiểu thuyết Mỹ
Latinh.
Hơn
nữa, khao khát tình dục ở đây thường gắn với cảm thức cô đơn. Cô đơn đẩy các
nhân vật đến cánh cửa tính dục, ham muốn làm tình với bất cứ đối tượng nào, kể
cả là gái điếm hay người bà con ruột thịt của mình. Họ vừa muốn được chạy trốn
vừa muốn được ở lại mãi mãi trong cái im lặng đầy thất vọng của nỗi cô đơn đáng
sợ, kết quả là tính dục đẩy nhân vật vào cô đơn thẳm sâu hơn, cùng cực hơn.
Tiêu biểu nhất là hành trình chạy vào tính dục trốn nỗi cô đơn của dòng họ
Buendia từ quan hệ trong hôn nhân đến ngoài giá thú xoay quanh các mối tình của
Jose Arcadio (với người giúp việc, Pila Ternera, cô gái Digan), của đại tá
Aureliano Buendya với 17 cô gái, Arcadio và Aureliano với Pilar Ternera; của
Arcadio Segundo và Aureliano Segundo với Petras Cotes; cùng một loạt các mối
quan hệ loạn luân khác…
Nhân
vật trong tác phẩm Marquez một mặt luôn có khát vọng tình dục, mặt khác luôn
luôn cảm thấy cô đơn. Tâm thức này chi phối toàn bộ tác phẩm của ông khiến nhân
vật ở mọi tác phẩm sẽ gặp nhau ở điểm chung: cô đơn lặp đi lặp lại như một vòng
tròn định mệnh vĩnh viễn bất chấp sự cố gắng vượt thoát của họ. Thành công lớn
của Marquez, như Lê Huy Bắc từng nhận xét, là tạo nên một “thế giới nhân vật
đều phải luôn đối đầu với cái cô đơn. Chưa bao giờ trong lịch sử văn học thế
giới, chúng ta lại gặp nhiều con người, nhiều kiểu dạng cô đơn như ở đây […].
G. Marquez đặt nhân vật của mình đối diện với cái cô đơn và kiểm tra thái độ
của nhân vật mình với cái cô đơn đó” [11].
Như
vậy, chủ đề về tính dục gắn chặt với tư tưởng và cấu trúc của tiểu thuyết. Các
yếu tố từ cốt truyện, tình tiết, biểu tượng đến ngôn ngữ, văn phong đều bị chi
phối từ chủ đề này. Lấy một ví dụ trong Thành phố và lũ chó, Mario Vargas Llosa
đã viết về đời sống tinh thần và tính dục ở tuổi mới lớn trong ngôi trường quân
sự với một loạt các biểu hiện nổi loạn: họ thử qua tình dục đồng giới, tình dục
với những con thú vật như gà mái, chó cái, đồng thời không thiếu những cuộc bạo
dâm, hiếp dâm và gây nên tội ác. Các nhân vật của Mario Vargas Llosa dùng đời
sống tình dục như một cách cựa quậy đòi quyền dân chủ và phản ứng lại xã hội.
Tác phẩm gắn với những hình ảnh “tục tĩu” và nhiều từ lóng thông dụng, chẳng
hạn: “chúng đang mơ tưởng đến bộ phim nọ, chúng vẫn còn nhìn thấy bao nhiêu là
đàn bà chỉ mặc quần trong, bao nhiêu là đùi vế, bao nhiêu là bụng…” [12], “Vì
chuyện cứt đái gì mà mày khóc thế hả?” [13], “mày mà rót ít sữa là chúng tao
thiến dái mày đó” [14], “hơi nhiều đấy, mẹ kiếp”… “Thằng Trăn chỉ đéo được con
chó cái thôi… Cái thằng vừa đi vừa đéo ấy. Chỉ là chuyện mà thôi, chúng mày ạ,
tao nghĩ tới không thôi cũng đã cửng lên rồi…” Ngôn từ đời thường và đậm đặc từ
ngữ dục tính tô đậm “một thế giới đực”, “một cuốn sách đậm mùi đực tính”. Đây là
một ví dụ cho thấy khám phá của Llosa về chính trị kết hợp trong bản năng tính
dục của con người, viết với cấu trúc chặt chẽ về nhân vật, giọng điệu, văn
phong tương ứng.
Trong
khi kể, tả, các nhà văn Mỹ Latinh tỉnh táo và dửng dưng, chống lại sự dịch chuyển
cảm xúc. Họ không bàn luận và đánh giá bằng thang đo đạo đức hay thẩm mỹ. Họ
chấp nhận như điều đó như chấp nhận “thực tại thứ ba” của châu lục mình. Họ có
thể có niềm tin về tính dục, nhưng đó là niềm tin: “Không một việc làm nào với
nhau ở trên giường là vô đạo đức nếu nó góp phần gợi nhớ đến tình yêu”
(Marquez). Bắt nguồn từ những “nghiệp chướng” mang tính cách văn hóa của Mỹ
Latinh, tiểu thuyết trào lưu Boom đã đẩy lên thành cấu trúc nghệ thuật hoàn
chỉnh và gắn bó nhau sâu sắc.
Về
thành quả của tiểu thuyết mới Mỹ Latinh, nói như nhà phê bình văn chương Chile
J. Loveluck trong tham luận Sự khủng hoảng và đổi mới của tiểu thuyết Mỹ
Latinh: sự đổi mới của văn xuôi vùng đất này biểu hiện trên hai lĩnh vực: những
chủ đề chưa từng được đề cập đến và theo đó là kỹ thuật và cơ cấu tự sự mới lạ
[15]. Người ta nhìn thấy trong tiểu thuyết giai đoạn những “hiện thực ngoại
cỡ”, những vấn đề thiết yếu liên quan đến vận mệnh dân tộc và số phận con
người. Những chủ đề lớn lao, phức tạp luôn đan lồng vào trong tính cách, số
phận từng cá nhân nhỏ lẻ, đi sâu vào đời sống nội tâm, lặn xuống những tầng vỉa
nhân sinh lẫn vô thức của con người.
Mỹ
Latinh là vùng đất chứa đựng hầu hết những hệ ý thức tư tưởng của nhân loại,
nền văn hóa lai đậm nét đã hình thành ở người dân mỗi khu vực những đặc tính
khác nhau. Nhìn chung ở họ là sự ít bảo thủ, nhạy bén, khí chất nồng nàn mãnh
liệt đến độ bạo liệt. Đôi khi trong họ là sự kết hợp của những đối cực: chẳng
hạn vừa “hiện sinh” vừa lưu luyến quá khứ, vừa nhiệt thành lại vừa “cô đơn”,
vừa hâm mộ khoa học lại vừa sùng tín đạo Thiên chúa. Ở những nhà văn như
Marquez và Llosa, con người họ là một khối đầy nghịch lý. Họ luôn hướng đến cái
đẹp và sự hoàn mỹ, nhưng cả hai đều không ít lần bị hấp dẫn bởi sự bất toàn, sự
khiếm khuyết như là một gương mặt khác của cái đẹp, cái ác, tội lỗi như một
“siêu đạo đức”. Tính cách phức hợp, nhiều đối cực của khu vực này cộng hưởng
với tâm lý sáng tạo đặc biệt của nhà văn đã đẩy họ lựa chọn một con đường nghệ
thuật tương ứng: trần thuật trong tính phản đề tương ứng, khám phá những chủ đề
độc đáo bằng những thủ pháp trần thuật mới mẻ. Tính dục và nỗi cô đơn huyền
thoại trở thành một trong những đặc trưng của tiểu thuyết Marquez và Llosa,
rộng hơn là tiểu thuyết Mỹ Latinh thời thịnh vượng.
—————
[1] Hà Vinh, Vương Trí Nhàn biên
soạn (2006), Có những nhà văn như thế, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, trang 265
[2] Vũ Thị Huế, “Mario Vargas
Llosa: Cuộc đời trong văn bản”, Báo Văn Nghệ số 14/2015,
nguồn: http://www.viebooks.com/Author/PostsDetails/309?idAuthor=1086-Mario-Vargas-Llosa cập
nhật 12/11/2015
[3] [4] [5] Inna Terteryan, “Về
những cảnh tình dục trong tiểu thuyết Mỹ Latinh”,
nguồn: http://vietbao.vn/Van-hoa/Ve-nhung-canh-tinh-duc-trong-tieu-thuyet-My-La-tinh/20561161/103/ cập
nhật 17/04/2006
[6] Gabriel Garcia Marquez
(2007), Sống để kể lại, Lê Xuân Quỳnh dịch, NXB Tổng hợp TPHCM, trang 13
[7], [8] Gabriel Garcia Marquez
(2007), Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Lê Xuân Quỳnh dịch, NXB
Tổng hợp TPHCM, trang 18
[9] Inna Terteryan, “Về những cảnh
tình dục trong tiểu thuyết Mỹ Latinh”,
nguồn: http://vietbao.vn/Van-hoa/Ve-nhung-canh-tinh-duc-trong-tieu-thuyet-My-La-tinh/20561161/103/ cập
nhật 17/04/2006
[10] Gabriel Garcia Marquez (2003,
2011), Trăm năm cô đơn, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn học, trang 46
[11] Lê Huy Bắc (2009), Chủ
nghĩa Hiện thực huyền ảo và Gabriel Garcia Marquez, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà
Nội, trang 218, 219
[12] Mario Vargas Llosa
(2011), Trò chuyện trong quán La Catedral, Phạm Văn dịch, NXB Nhã Nam,
trang 25
[13] Mario Vargas Llosa (2013), Thành
phố và lũ chó, Lê Xuân Quỳnh dịch, NXB Nhã Nam, trang 36
[14] Mario Vargas Llosa
(2013), Thành phố và lũ chó, Lê Xuân Quỳnh dịch, NXB Nhã Nam, trang 58
[15] Nhiều tác giả (1999), Văn học
Mỹ Latin, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện thông tin khoa
học xã hội Hà Nội, trang 129
[*] ThS. Lê Ngọc Phương, khoa Văn
học và Ngôn ngữ, ĐHKHXH&NV, TPHCM
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CÔ SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
0 comments:
Đăng nhận xét