THIỀN LÀ CHẤP NHẬN
Không lạm bàn đến Thiền có tính cách Tôn Giáo,
thì trên căn bản, Thiền hay Zen chỉ là một hình thức tĩnh lặng tâm hồn, để cho
tâm não được giây phút bình an. Nếu tập Thiền mà biết phối hợp với việc điều
dưỡng hơi thở, mang thêm oxygen vào não, từ đó, tế bào não được bồi dưỡng, thì
cơ thể sẽ trẻ hóa và sinh hoạt của cơ thể mạnh mẽ hơn. Hầu hết các tế bào của
con người, sau khi chết đi, lại có tế bào khác sinh ra để thay thế, điển hình
là tế bào da, sau khi chết, biến thành “ghét” bị thải ra đi khi tắm. Riêng tế
bào não, một khi chết đi, sẽ không có tế bào mới thay thế. Cho nên, việc làm trẻ
hóa tế bào não là rất quan trọng. Việc làm đó được gọi là Thiền. Tuy nhiên, việc
tập để trẻ hóa tế bào nào mới chỉ là những bước căn bản của Thiền. Nếu muốn đạt
được cảnh giới thật của Thiền, còn phải thay đổi quan niệm trong sinh hoạt nhất
là sinh hoạt với người chung quanh và với xã hội. Tập Thiền mà chỉ chú trọng đến
bản thân mình sẽ biến thành “Vị Kỷ” và như thế, ý nghĩa của Thiền sẽ không đạt
được. Xem phim chưởng của Tầu, đọc sách võ thuật của Tầu, người ta thấy đa phần
những vị tổ sư võ phái thường đóng cửa - bế quan - tập Thiền để khỏe mạnh rồi
đi đánh lộn, chém giết máu me. Trừ một trường hợp đặc biệt là Tổ Sư Trương Tam
Phong, sau thời gian bế quan, thì lại phát sinh ra một môn võ mới đặc dị có thể
khống chế mọi môn võ khác và cũng để giúp thiên hạ tập luyện để khỏe mạnh. Đó
là Thái Cực Quyền (Tai Chi). Thái Cực Quyền từ những năm ấy đã chu du đi khắp
thế giới và được tập luyện hầu như với mọi người không phân biệt mầu da, tuổi
tác, và dần dần, Thái Cực Quyền đã được coi là phương thuốc cứu người rất hiệu
nghiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác dụng tích cực đó,
lại có người tập Thiền để biến thành “thụ động” thái quá như mấy vị sư Thiếu
Lâm, “đạt” được Thiền rồi thì chấp nhận ngồi cho người đâm chém, giết, đốt, mà
không hề phản ứng! Sự thụ động thái quá này không có lợi cho ai hết, không
những thế, người tập Thiền kiểu thụ động này đã tự hủy hoại cuộc sống mình một
cách vô lý. Tập xong để cho người giết chết thì tập làm gì? Có thể nói, Thiền
thụ động còn có “tội” với nhân loại nữa, vì sự quá thụ động của mình sẽ kích
thích kẻ ác làm thêm điều xấu!
Thiền, thật sự là một phương pháp sống “trung
dung”, không thái quá, bất cập, không vị kỷ nhưng cũng không quá vị tha đến nỗi
hy sinh mạng sống mình mà chẳng ai được lợi.
Vậy, khi nói “Thiền là Chấp Nhận” thì chấp nhận
những gì? Và tới giới hạn nào?
1-Chấp
nhận bản thân:
Trước hết, người tập Thiền phải chấp nhận một
sự thật của thiên nhiên lúc nào cũng hiện diện rõ ràng, minh bạch: Đó là “LUẬT
ĐỐI XỨNG” và “LUẬT BẤT TOÀN”. Không có chi tồn tại mãi mãi, không có chi là
vĩnh cửu (trừ sự Thật này) và hễ trẻ thì phải già, có sống thì có chết, có đẹp
thì sẽ xấu, có lớn lên thì có lúc sẽ thấp xuống, lúc đứng lên hùng dũng thì lúc
nằm xuống cứng khô. Thời trẻ sống phung phá bao nhiêu thì lúc lớn tuổi yếu đuối
và bệnh tật bấy nhiêu. Người đào hoa rồi sẽ có ngày bị họa vì hoa đào. Yêu mãnh
liệt rồi sẽ ghét kinh khủng. Lúc trẻ càng cố tập cho khỏe mạnh bao nhiêu thì
lúc già càng đau nhức bấy nhiêu. Bộ ngực nở nang của của nam lẫn nữ, khi về già
sẽ nhão nhẹt nhiều hơn những người bình thường. Những đường cong của thiếu nữ
lúc trẻ càng hấp dẫn bao nhiêu thì khi già, sẽ là những nét chấm phá nhầm chỗ.
Lên cao bao nhiêu thì khi tụt xuống thảm hại bấy nhiêu…
Do đó, nếu muốn đạt tới cảnh giới của Thiền,
phải biết chấp nhận sự thật này. Khi đang đẹp đẽ và được người ngưỡng mộ mà
không tự kiêu, kênh kiệu, thì lúc mất sắc đẹp, mất công danh, mất vị trí được
người hâm mộ vẫn sống thoải mái, vô tư. Nên nhớ rằng những người đẹp nghiêng
nước nghiêng thành mà cả thế giới từng mê mẩn đã ra đi rất nhiều. Bà Hoàng
Grace Kelly, Audrey Hepburn, Marilyn Monroe, Clark Gable, Alain Delon, Elvis
Presley, Nat Kinh Cole, Frank Sinatra… giờ đây chỉ còn tên gọi. Người đẹp
Brigitte Bardot, xưa kia diễm lệ bao nhiêu bây giờ trông ớn lạnh bấy nhiêu.
Nhìn hình những minh tinh tài tử Việt Nam hiện nay đã về già, chẳng ai có thể
mường tượng ra lúc mắt trong, môi mọng, thân thể diễm kiều mấy thập niên trước.
Vì thế, người tập Thiền không phàn nàn, lo âu,
không chán nản, lúc nào cũng cười mỉm trước mọi diễn biến xẩy ra, ngay cả khi
bệnh tật. Được như vậy, lúc nào tư tưởng cũng trong sáng, rạng rỡ, cho dù nằm
trên giường bệnh viện với những căn bệnh quái ác, người Thiền tập vẫn thấy bình
an tràn ngập tâm hồn, và nếu cứ kiên trì tập mãi, biết đâu lại thoát được tai
nạn? Giả như không thoát được, thì cũng thanh thản mà ra đi, bớt được rất nhiều
đau đớn, kêu gào, oán trách vô ích.
2-Chấp
nhận người chung quanh:
Người thân cận nhất trong đời là vợ chồng. Đã
chấp nhận Luật Bất Toàn, thì những ông chồng phải chấp nhận người vợ càm ràm
suốt ngày, da mặt nhăn nheo, mở miệng nói ra là gắt gỏng, chua cay, trong khi
thân thể thì héo úa, trông rất nản. Mỗi khi nghe thấy nàng lải nhải muốn phát
bực, thì phải cố hình dung thời thanh xuân khi trước, mình từng mê mẩn nhìn tà
áo nàng bay, hoặc nhớ đến lúc vắng nàng một buổi thì nỗi nhớ cồn cào đến gần
phát điên, để yêu vợ trở lại. Mỗi khi nhìn thấy người vợ mặc quần áo lùng thùng
đứng ở bếp, tóc tai nhễ nhại trong một thân thể bèo nhèo thì hãy đưa tư tưởng
về những ngày xưa, khi “nàng” còn mắt ướt đa tình, còn chúm chím duyên dáng,
còn nồng cháy yêu đương, thì sẽ tự nhiên thấy lòng bình thản trở lại và thương
vợ hơn. Với những người làm vợ cũng vậy, khi biết chồng không còn khả năng chăn
gối hoặc khi thấy chồng bước thấp bước cao, nằm ngủ mà ngáy như còi tầu xe lửa,
thì cố nhớ ngày xưa, chàng hào hoa, phong nhã, lịch sự với người yêu, chăm chút
cho vợ từng miếng ăn, để rồi lòng bình thản trở lại mà săn sóc cho chồng nhiều
hơn. Dĩ nhiên, không thể nói chữ “Yêu” như lúc trẻ, mà chỉ cần tôn trọng chữ
“Nghĩa”, chữ “Ơn”, là đủ, và là Thiền.
Được như vậy, thì hạnh phúc không lúc nào rời
xa mình. Nhưng, chữ “nhưng” vô duyên, sự chấp nhận này cũng phải giới hạn trước
khi biến mình thành quá thụ động. Dù là vợ hay chồng cũng phải đặt ra giới hạn,
sao cho sự chấp nhận của mình không đưa mình đến chỗ héo hon, tiều tụy, rồi
chết trong phẫn nộ, buồn tủi. Không thể đưa mặt ra cho chồng đánh hoài cũng
không để vợ mắng mình trước mặt bạn bè. Người tập Thiền chỉ “chấp nhận” chứ
không “nhẫn nhục” quá đáng. Giả như gặp trường hợp đó, thì phải dùng Thiền mà
từ tốn nói chuyện và giải thích cho người phối ngẫu nghe, chắc sẽ có kết quả
tốt. Trường hợp không có kết quả, thì tìm cách giải quyêt khác tùy theo từng
trường hợp, nhưng không bao giờ nổi nóng hay phẫn nộ.
Thực tế, có nhiều người tuy không
tập Thiền bao giờ nhưng đã vượt qua cảnh ngưỡng của Thiền. Một người mẹ có đứa
con bị dị tật, chồng bỏ đi luôn, đã chấp nhận mọi bất hạnh xẩy đến cho mình mà
nuôi con thật hoàn hảo. Đến khi chính thân mẫu mình bị bệnh liệt giường, cũng
vẫn vui vẻ mà nuôi luôn cả mẹ, cả con mình mà không phàn nàn, nhăn nhó. Người
Mẹ đó đã là một Thiền Sư đích thực mà không cần để ý đến chữ Thiền. Một người
cha, sau khi đứa con đầu lòng chào đời được bác sĩ cho biết con mình mắc bệnh
liệt não, bất trị, người mẹ thì muốn bỏ con vào nơi săn sóc đặc biệt rồi cách
ly luôn, nhưng người cha, vì nhìn thấy ánh mắt con mình có điều gì đó thu hút,
đã chấp nhận nuôi con, mặc cho người mẹ khăn gói ra đi. Ông bố ấy đã “địu” con
đi khắp chỗ, chơi với con, đọc sách cho con nghe, dù đứa con chỉ biết nhìn mà
không cử động. Sau khi con lớn được vài tuổi, qua một lần đọc sách cho con
nghe, người cha biết là con thích thể thao, nên đã địu con đi tập thể thao. Hai
cha con cùng chạy, cùng chơi và dần dần, cả hai cha con cùng ghi tên thi chạy
đường trường. Kết quả không ngờ là khi hai cha con tới đích và thắng giải, đứa
con đã bập bẹ nói: “Cám ơn cha!”
Những con người có tâm hồn bao la đó, không cần
ngồi một chỗ, không cần nhắm mắt tĩnh lặng, mà trong lòng họ đã có chữ Thiền vĩ
đại, chữ Chấp Nhận rực rỡ. Họ chính là những Thiền Sư đích thực.
Nhưng, lại “nhưng”, có mấy ai tập Thiền đến
cảnh giới đó, ngay cả người viết bài này…
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe nhạc phẩm MÙA XUÂN CÓ EM
của Lam Phương, qua tiếng hát Quang Nghị:
*.
CHU TẤT TIẾN (sinh năm
1945 tại Hà Nội)
Định cư tại: Quận Cam, California, Hoa Kỳ.
Email:
vietnguyen2016@aol.com.
.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ
email tác giả gửi ngày 08.01.2023.
- Ảnh dùng minh họa cho bài
viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết
không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét