MẸ TÔI VÀ TÔI
Mẹ tôi là người đàn bà “dữ đòn”. Theo sự định nghĩa của các cụ xưa,
thì người “dữ đòn” là người hay đánh con mạnh tay, và thường là người Cha, và
đôi khi là người Thầy dậy học trong gia đình. Thế nhưng, trong hoàn cảnh của
tôi, Mẹ tôi chính là người “dữ đòn”, vì Thầy tôi đã mất sớm, không có dịp đánh
lũ con nít chúng tôi nhiều, mặc dầu Thầy tôi rất nghiêm khắc. Hồi ấy, gia đình
tôi giầu lắm, có thể nói là giầu nứt đố, đổ vách, vì Thầy Mẹ tôi may mắn có
được một mỏ vàng ngay trên ruộng của mình. (Chuyện về ruộng vàng đã được kể
trong cuốn tiểu thuyết “Chuyện Tình Lá Me”, nên bây giờ không viết
nữa.) Vì thế mà Thầy Me tôi bị lên án là địa chủ, bị gán cho một cái
bản án là “nợ máu với nhân dân”, mặc dù Thầy Me tôi có thể nói là người tốt
nhất trong vùng, Thầy Me tôi đã từng cưu mang rất nhiều người không nhà, không
cửa, biến họ thành “người làm” trong nhà và trả lương hậu hĩ, không một chút
nào phân biêt đối xử với những họ hàng khác, do đó, mà đồng loạt, những người
làm của nhà tôi đều gọi Bố tôi là “Thầy” và gọi Mẹ tôi là “Me” y như anh chị em
chúng tôi. Khi nạn đói năm Ất Dậu xẩy ra, mỗi buổi sáng, mẹ tôi kêu người nhà
nấu mấy nồi cơm khổng lồ để trước cổng nhà, để ai muốn ăn thì cứ việc đến lấy
thoải mái. Biết là thế nào cũng đến lượt mình, nên những người đói luôn bình
tĩnh chờ đợi để được xúc vào bát của mình mà không dành giật gì cả. Những ai
không còn dự tính gì thì cứ nằm ngủ trước cổng nhà tôi, đợi ăn, còn những người
khác thì đến ăn, gói ghém cho mình đủ vài ngày, rồi lại lên đường, do đó mà đặc
biệt ở làng tôi, ít người chết đói, không giống như những làng khác, người chết
nằm la liệt khắp các bụi tre, bờ ruộng.
Đến khi Việt Minh chiếm lĩnh được làng tôi, thì chúng kéo nguyên
một đại đội cả trăm người vào nhà tôi ở. Mới đầu thì chúng đặt tên cho mẹ tôi
những cái tên khá kêu, như “Mẹ Chiến Sĩ”, “Mẹ Vẻ Vang” để ăn ở thoải mái, giết
gà vịt, trâu, bò thả cửa. Rồi khi thấy không moi thêm được nữa, thì chúng trở
mặt, đấu tố Thầy Mẹ tôi ngay trong nhà, chửi Thầy Mẹ tôi là “đồ địa chỉ khát
máu”, rồi tính đưa Thầy Mẹ tôi ra đình làng để cắt cổ. Sợ quá, Thầy Mẹ tôi cùng
cả nhà trốn đi, về Hà Nội. Theo lời Mẹ tôi kể, thì khi đi trốn, Thầy tôi và anh
chị lớn của tôi thì đi trên đường, hễ nghe tiếng súng “tắc cù” thì lại nằm rạp
xuống, rồi bò trườn đi. Hai chị kế tôi thì được một người làm gánh trên đòn
gánh, mỗi chị tôi môt bên, còn tôi thì được mẹ tôi địu chặt phía lưng, một tay
chống gậy, một tay vòng ra sau ôm đầu tôi, để bảo vệ cái đầu của tôi, vì đã có
vài đứa trẻ cũng được mẹ cõng đi mà trúng đạn chết, có đứa bị bay mất đầu mà
người mẹ không hay biết gì.
Trở lại việc Mẹ tôi “dữ đòn”. Tôi nhớ lần bị đòn đầu tiên và cũng
là lần đau nhất là sau khi chúng tôi di cư vào Nam, Mẹ tôi, với tính tần tảo
của bà, đã nhờ Dì tôi là người từng ở Nam từ năm 1945, thuê ngay được một căn
nhà có gác gỗ ở Khánh Hội. Nhà ở ngay trên khối sình sát bờ sông Khánh Hội. Từ
mặt đường tráng nhựa đi vào nhà tôi là bước ngay lên cây cầu gỗ, có những chân
chống bằng mấy thân cây, rồi bước vào nhà cũng là sàn gỗ, ngay góc nhà là nhà
vệ sinh. Thật ra đó là cái cầu tiêu có môt cánh cửa khép hờ, bên trong trống
trơn, chỉ có một cái lỗ vuông. Người đi vệ sinh chỉ việc ngồi xuống và thả bom,
không cần dội nước. Lớp sình này, cứ khi thủy triều lên thì bớt hôi, nhưng khi
nước rút, thì hôi “tàn canh, gió lạnh”, nhìn xuống thì thấy đủ hỉ nộ ái ố ở
trên đời bầy ra đó, và đàn chuột cống to bằng bắp tay người lớn leo lên leo
xuống. Hồi đó, tôi không biết mẹ tôi tần tảo ra sao mà vẫn nuôi nổi lũ chúng
tôi bốn đứa. Anh lớn tôi thì làm Sĩ Quan ở Long Xuyên, chị lớn tôi thì làm ở
Quan Thuế, có một phòng ở do Sở cấp ngay tại cái bin-đinh của Sở ở
sát bờ sông Saigon. Khu Khánh Hội nơi chúng tôi ở là khu lao động, anh thì làm
giầy, người thì bán cá, chú nọ chạy tắc xi, bà kia bán xôi… nên suốt ngày ầm ĩ,
đánh nhau phun máu đầu. Ngày nào mà không thấy cãi lộn, đục nhau, không có máu
me thì ngày đó chắc là ngày Tết. Con nít ở đây đa số là mất dậy không thể tả,
vì thế mà tôi bị oan, cái oan đầu đời làm cho tôi về sau ác cảm với Cảnh sát vô
cùng.
Hôm ấy, tôi mới đẽo xong cái súng cao su, tính đi vòng vòng bắn
chim đậu trên những tàng cây rậm rạp gần nhà thương Khánh Hội. Đang lớ ngớ nhìn
lên cây, chưa bắn một phát nào, thì gặp ngay ông Cảnh sát mặc áo trắng, tiến
lại cười vui vẻ:
- Nè, con tính đi bắn chim, phải hôn? Lại đây, lại đây, chú chỉ
cho con chỗ có nhiều chim lắm.
Rồi ông thân mật nắm vai tôi kéo đi. Tôi líu ríu theo sau. Bất
ngờ, khi vừa tới cửa nhà thương, ông trở mặt, bóp cổ tôi, rồi lôi tôi xềnh xệch
vào trong đến phòng bác sĩ đang khám bệnh, và nói oang oang:
- Bác sĩ ơi! Thằng chó đẻ này nó hôm qua bắn bể cửa kính nhà
thương của bác sĩ đó!
Ông bác sĩ cũng mặc “bờ lu” trắng nhìn tôi một giây rồi phán:
- Bắt nó quỳ đấy cho tôi.
Thế là ông cảnh sát ấn vai tôi rất mạnh:
- Mày quỳ xuống đây nghe cha nội. Đù má quân láu cá!
Tôi ngơ ngác chẳng biết gì, phải quỳ xuống trước mặt ông bác sĩ và
những bệnh nhân khác, nước mắt lặng lẽ chảy tràn trên mặt. Lúc đó, đột nhiên
trong tôi sự hận thù loài người, đặc biệt là ông cảnh sát kia lên tới cực điểm,
tôi chỉ muốn hút máu, cắn cổ loài người như phim Dracula mà tôi đã nghe kể. Một
lúc sau, mẹ tôi nghe hàng xóm báo cáo, tất tả chạy đến, chụp lấy tay tôi, lôi
tôi đứng dậy, và nói với ông Lương Y Như Từ Mẫu kia:
- Để tôi về tôi dậy nó!
Rồi bà hầm hầm lôi tôi đi, vừa đi vừa tát tôi dúi dụi. Tôi ú ớ,
chẳng thốt lên được lời nào. Trong tôi, tất cả chỉ là căm hận, giận dữ đến nỗi
tôi thành câm luôn. Vừa vào đến cửa, mẹ tôi đẩy tôi nằm sấp trên giường, chiếc
giường bệnh của nhà thương, mà không hiểu sao, mẹ tôi lại có được thành giường
ngủ. Rồi mẹ rút luôn cái cọc giường bằng sắt, cái cọc to bằng ngón tay cái, đầu
nhọn, để mắc mùng, cứ thế mà quật tôi nhừ tử. Nhừ tử thật, vì thân thể thằng bé
hơn 10 tuổi thì mỏng manh, mà chịu biết bao nhiêu cú quật nặng như thế, thì
không chết cũng là may. Sau trận đòn, tôi lịm luôn, chẳng biết trời đất là gì,
mê man mấy ngày đêm. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi là óc tôi lúc đó chỉ
là những hình kỷ hà học, lúc tròn lúc vuông cứ nhào lộn trong đầu với những ánh
sáng le lói đâu đó. Khi tỉnh dậy, tôi nghe ai than thở với ai đó:
- Tội nghiệp! Thằng bé đã bắt chuồn chuồn rồi! Tưởng chết!
Hồi trước, các cụ tin là khi một người sắp chết thì ngón tay co
quắp, giật giật giống như bắt chuồn chuồn vậy. Và như thế là tôi đã cải tử hoàn
sinh, chắc là ý Chúa chưa muốn cho tôi chết. Sau đó, mẹ tôi hối hận. Bà nấu
cháo gà non, trong bụng gà nhét một cục sâm to tổ bố, nấu cho đến khi con gà
nhừ nát, thì bà đút cho tôi ăn.
Tôi không giận mẹ tôi, mà chỉ giận loài người độc ác, ăn không nói
có. Với mẹ tôi, tôi không có một lời oán trách, vẫn đi theo bà như con chó con,
tuy từ đó, vẫn ăn đòn no hơn ăn cơm và ăn đòn mãi cho đến sau khi thi rớt Tú
Tài, bị đòn nặng. Hồi đó, các anh chị tôi ở xa hết, chỉ còn mình tôi ở nhà với
mẹ, nên mọi giận dữ, mẹ tôi đổ vào tôi hết. Hôm đó, không biết lỗi gì, mẹ tôi “dặn”
tôi là sáng mai tôi sẽ bị đòn. Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm, cởi trần ra, vác
cái ghế đẩu không có lưng ra giữa nhà, chờ mẹ tôi đi lễ 5 giờ sáng về, rồi tỉnh
bơ nói: “Me đánh đi!” Khi tiếng roi vừa đến, tôi đếm: “một”, “hai”, “ba”… Mẹ
tôi như điên lên trước sự thách thức của tôi, quật vun vút, mới đầu vào lưng
rồi sau lên ót… cho nên chỉ chừng chục cái là tôi lăn ra bất tỉnh. Tỉnh dậy,
thấy mẹ tôi lại đang nấu cháo gà cho tôi ăn. Nhưng tối hôm đó, tôi hận quá, đã
leo lên nóc nhà tính nhẩy xuống, tự tử chết đi cho rồi, nhưng rồi lại muốn trả
thù đời bằng cách nghiến răng, học thâu đêm suốt sáng để thi đậu Tú Tài. Sau đó
môt thời gian, tôi bỏ nhà đi bụi đời luôn. Tôi sống đời giang hồ, đói rách,
phải cướp giật ngoài đường để kiếm ổ bánh mì bỏ bụng, đôi khi đói cả 3 ngày
không có môt hột cơm nào trong bụng, tôi ngất xỉu ngoài đường, được bà con cho
cái gì uống, tỉnh lại, tiếp tục lang thang dưới nắng. Tối đến, thì ngủ dưới gầm
xe đò, hay tại các mái hiên nhà. Thỉnh thoảng, làm mặt lì, tạt vào thăm các ông
bạn của anh lớn tôi, kiếm ăn. Mấy ông bạn anh tôi là cứu tinh của tôi. Vừa thấy
tôi ló mặt đến là hỏi: “Tiến đấy hả? Vào đây, uống cà phê với anh” Hoặc: “Ăn
cơm chưa? Đi xi nê với anh nhé!” Rồi lẳng lặng dúi vào túi tôi vài trăm bạc. Có
ông họa sĩ, ít nói, thấy tôi bước vào thì chẳng nói gì, chỉ hất hàm ra hiệu cho
tôi theo ra quán cà phê, rồi móc túi ra môt nắm tiền, nói: “Em cầm lấy cái
này!” Một ông anh họ tôi, dậy học, cũng rách, nhưng tốt như một ông Thánh, chỉ
có thể đưa tôi ra chợ, cho ăn cháo trắng với hột vịt, rồi cởi đồng hồ, áo vét
ra, đưa cho tôi: “Mày lấy cái này đi cầm đi! Cũng được vài bữa! Tao có tiền thì
tao chuộc, không thì thôi!”. Đói rách mãi hơn 1 năm cho đến khi một anh họ khác
là một ông Hiệu trưởng, đưa tôi ra tỉnh, dậy học, từ đó, đời tôi hết “đọi”.
Một điều mà tôi phải nói là trong tôi, luôn luôn có một mâu thuẫn,
xung đột giữa tình thương Mẹ của tôi và sự hậm hực bởi những lần bị đánh đau đã
hình thành trong tôi từ bé, khiến tôi không thích biểu lộ tình cảm thương mẹ
bằng lời nói, mà chỉ bằng hành động. Những năm 15, 16 tuổi, tôi vẫn theo mẹ tôi
đi công chuyện, nhưng tôi không bao giờ có thể nói lời nhẹ nhàng với bà. Mẹ con
đi bên nhau, ăn hàng, ăn chợ nhưng cứ im lìm như thóc. Đến khi trưởng thành,
tôi không thích ở gần bà, vì cứ ở gần bà vài ngày là thế nào mẹ con cũng nặng
nhẹ với nhau, và tôi lại bỏ đi, nhưng lòng tôi luôn hướng về bà, và lo lắng cho
bà từng chuyện nhỏ. Khi bà làm ăn thất bại, phải mua nhà ở Xóm Mới, Gò Vấp, để
trồng rau, nuôi lợn, bà gọi tôi về. Tôi chỉ ở với bà có một thời gian là lại
lẳng lặng bỏ đi. Hôm ấy, môt buổi sáng lạnh, tôi lặng lẽ gói túi hành trang
nhỏ, khẽ khàng đóng cửa và bước đi, vừa đi vừa khóc nức nở. Tôi thương mẹ tôi,
thân già môt mình, vất vả sớm hôm, nhưng chân tôi vẫn bước đi, đi mãi…
Thật sự, tôi thương mẹ tôi vô cùng mà không thích biểu lộ. Có lẽ
trong đầu tôi, kỷ niệm yêu dấu với bà nặng hơn kỷ niệm bị đòn và tuy còn là con
nít, nhưng tôi sớm hiểu hoàn cảnh của mẹ tôi, khi Thầy tôi mất, mẹ tôi mới có
hơn 30 tuổi, trắng tay, mà phải tần tảo nuôi sáu đứa con, với xã hội xấu nhiều
hơn tốt, mẹ tôi bất đắc dĩ phải biến thành đàn ông, phải thay Thầy tôi làm Bố
chúng tôi, vì thế mẹ tôi khô cạn tình cảm là phải. Tôi vẫn nhớ, mỗi
khi mẹ tôi đi buôn chuyến xa, mẹ tôi lại dẫn thằng út là tôi đi theo. Hồi đó,
phương tiện chuyên chở không văn minh, đường xá đầy ổ gà, mìn do Việt Minh gài
đầy khắp nơi, nên lúc thì mẹ tôi cho tôi đi xe “ca”, loại xe đò bây giờ, ghế
gỗ, nhúng yếu nên nẩy người lên như trái banh, lúc khác lại đi tầu thủy, đôi
khi đi thuyền “đinh”, loại thuyền buồm sơn đen như thuyền hải tặc. Thuyền có
một mui dài, tất cả mọi người đi thuyền đều dồn cả vào trong lòng mui, nơi có
treo một ngọn đèn dầu lạc đong đưa theo từng đợt sóng đập vào đáy thuyền. Tuổi
trẻ của tôi trôi theo những con đường như thế, cũng bập bềnh, cũng xóc lên xóc
xuống như mẹ tôi, người phụ nữ trẻ phải bương chải kiếm sống cho lũ con. Trên
hết tất cả, tôi nợ mẹ tôi cái hồn thơ văn. Khi còn 5,6 tuổi, theo mẹ đi buôn
chuyến, mẹ tôi luôn bảo tôi đọc truyện cho mẹ nghe. Mẹ tôi mua cả chồng sách Tự
Lực Văn Đoàn mang theo và bất cứ lúc nào mẹ tôi không làm việc, không suy nghĩ
thì mẹ bảo tôi đọc một vài chương sách. Hết Đoạn Tuyệt, thì Đôi Bạn, rồi Gánh
hàng hoa… hầu như mọi tác giả của Tự Lực Văn Đoàn tôi đã đọc hết, và vì thế văn
chương đã thấm vào hồn tôi từ bé. Mẹ tôi lại là người thuộc thơ nhiều vô kể.
Nếu tôi không đọc truyện, thì mẹ tôi lại ngâm thơ cho tôi nghe, từ Đoạn Trường
Tân Thanh, Cung Oán Ngâm Khúc, nhiều nhất là Gia Huấn Ca và những bài thơ vịnh
các Thánh như Thánh A Lê Xù (?), Gương Phúc, Gương Tội… Cứ thế mà ý thơ, bài
văn mà mẹ tôi trao cho hồi nhỏ đã dần biến thành máu thịt của tôi, để đến sau
này, mỗi khi tôi chợt nẩy ra một ý nào đó, là tôi viết ngay, viết liên tục,
không ngừng nghỉ, bất kể sáng trưa chiều tối, và không bao giờ viết nháp. “Nghĩ
sao, viết vậy, người ơi!” Bởi vậy mà trong tôi luôn có mâu thuẫn, thương Mẹ thì
thương hơn tất cả các anh chị, nhưng gần mẹ thì chỉ ba, bẩy, hăm mốt ngày là
phải rời xa.
Hồi đó, tôi làm việc ở Vũng Tầu với anh tôi đang ngon trớn, thì mẹ
tôi đùng đùng dọn nhà lên Vũng Tầu ở với hai anh em tôi. Chiều ấy, khi đi làm
về, tôi tá hỏa tam tinh khi thấy ở đâu ra mà quá nhiều đồ đạc lủng củng đầy
cửa! Nhìn vào trong, tôi thấy mẹ tôi ngồi đó với bạn của anh tôi, đang nói
chuyện. Mẹ tôi nhìn tôi, không giải thích nhiều, chỉ nói vắn tắt: “Me dọn lên
đây ở với con, chứ ở Xóm Mới không sống nổi.” Thế là xong. Chấm dứt những ngày
độc thân huy hoàng, tối nào cũng vui chơi. Nếu không ra bãi trước, vừa nằm vừa
nhậu, thì cũng ở nhà hàng với mấy cô bạn gái, hoặc kéo nhau đi nhẩy đầm, đôi
khi hứng chí thì vào bar, cùng với thằng bạn ca sĩ, leo lên sân khấu, hát chí
chóe vài bài, để khỏi trả tiền cà phê hay rượu. Để đến khuya, say sưa rồi thì
ba thằng khoác vai nhau, chân nam đá chân siêu, vừa đi vừa hát nhảm…
Với sự Mẹ tôi lên ở như thế, anh em tôi chẳng biết nói sao, đành
chấp nhận ở chung với Mẹ, nhưng chỉ vài tháng là tôi đánh bài chuồn về Saigon.
Về đến thủ đô, tôi kiếm nhà và việc làm xong, nhưng vì nhớ Mẹ, nên mỗi cuối
tuần lại phóng xe Honda lên Vũng Tầu thăm mẹ, và cũng nhân tiện ghé thăm mấy
bạn bè cũ. Chiều Chủ Nhật lại phóng về để thứ Hai đi làm. Cứ thế, cho đến khi
Mẹ tôi chán Vũng Tầu, bà lại đi mua nhà và vườn ở Long Khánh và tôi, cách
khoảng 2, 3 tuần cũng phải chạy lên thăm bà và xem bà có cần gì thì tôi làm
phụ. Điều muốn nói, là mỗi khi lái xe ra khỏi cửa nhà bà, ngoái lại thấy bà
đứng cô đơn ở đó, tôi lại khóc. Nước mắt cứ tràn ra ướt cả áo. Tôi hận tôi là
không bao giờ tôi có thể nói một câu ngọt ngào với mẹ. Tình cảm của tôi không
nói bằng lời. Khi nghe tin mẹ tôi bệnh, các anh chị tôi không ai muốn về thăm,
tôi phóng xe lên từng nhà, quát mấy anh chị tôi ầm ĩ, có khi giở máu du đãng
năm xưa, văng tục luôn: “Đ.M. Đứa nào không về thăm mẹ, đéo phải anh em tôi.”
Rồi tôi gầm lên với mấy đứa cháu: “Từ giờ, đứa nào gọi tao bằng chú, tao đánh
chết mẹ!” làm mấy đứa cháu ngơ ngác, không ngờ ông chú lại .. mất dậy đến thế!
Một lần, khi lên thăm bà, nghe Mẹ tôi kể chuyện có ông cậu họ, dám
nói hỗn với Mẹ tôi. Tôi hỏi thăm kỹ địa chỉ, đường đi nước bước tới nhà ông cậu
cũng ở Long Khánh, rồi cuối tuần sau, tôi nhét vào bụng khẩu Colt 45, phóng
Vespa lên tìm nhà ông cậu này. Đến nơi, mấy bà trong nhà thấy bộ mặt hầm hầm
của tôi là chạy ra dang tay không cho tôi vào nhà, đồng thời gào ra phía sau
cho ông cậu tôi chạy biến. Tôi móc súng ra tính rượt theo ông cậu, nhưng mấy bà
già trong nhà ôm lấy tay tôi, nỉ non, can gián. Có người còn chạy đi kêu cả Cha
Xứ tới. Không thể làm gì hơn, tôi vẩy súng vào mấy người đó và nói: “Lần này
tôi tha cho ông ấy, lần sau ông mà còn hỗn với mẹ tôi, là tôi cho ông về chầu
Chúa sớm!” Rồi tôi đùng đùng ra về.
Cứ thế mà tình Mẹ con trôi nổi như sóng. Sau 1975, tôi đi tù, bà
lên Bảo Lộc trồng cà phê. Một hôm, có mấy tên công an tới, gọi mẹ tôi ra hậm
họe:
- Nhà bà này có con làm lính ngụy phải không?
Mẹ tôi tỉnh bơ nói:
- Làm gì có? Tôi đẻ ra lính ngụy hồi nào?
Mấy tên kia sừng sộ:
- Chúng tôi nghe báo cáo nhà bà có con làm lính ngụy mà!
Mẹ tôi vẫn thủng thẳng nói:
- Tôi không có mả đẻ ra lính ngụy. Tôi chỉ đẻ ra 3 thằng con đều
là Sĩ Quan Cộng Hòa thôi. Mà mấy thằng con tôi đi tù cả rồi. Bây giờ các anh có
muốn bắt tôi đi tù với con tôi, thì tôi cám ơn.
Thế là mấy tên cớm kia lủi thủi bỏ đi.
Sau khi tôi ra tù, là chuẩn bị vượt biên liền. Nghe tin, mẹ tôi
xuống Saigon gặp tôi. Đưa cho mẹ tôi mấy gói quần áo và lương khô, tôi nhờ mẹ
tôi mang theo ra Vũng Tầu, còn vợ chồng tôi và hai đứa con đi tay không. Đến
Vũng Tầu, mẹ tôi đi theo cùng nằm ém với tôi hai, ba chỗ, nhưng rồi vụ vượt
biên bị bể, chúng tôi bị dầm mưa ngoài biển,ướt như chuột lột, phải trở về
Saigon ngay, vì không có chỗ mà ở lại. Cả nhà đứng xớ rớ ở trạm xe đò Vũng
Tầu-Saigon, không biết làm sao mà mua vé được vì hàng người rồng rắn đứng trước
mà đa số là bộ đội, cán bộ. Mẹ tôi nói gọn: “Để tao.” Rồi mẹ tôi xông lên
trước. Một tên bộ đội đứng trong hàng, thấy mẹ tôi không xếp hàng mà lại xông
lên trước, thì giơ tay ra gạt:
- Cái bà này! Đi ra sau!
Mẹ tôi trừng mắt nhìn nó:
- Mày có câm cái mồm mày đi không! Mày dám nói với mẹ mày như thế
hả?
Tên bộ đội ngớ người, tưởng đây là .. mẹ cán bộ, nên im re. Mẹ tôi
tiến thẳng tới quầy, nơi đó, có môt tên cán bộ đeo túi xách đứng sẵn. Thấy Mẹ
tôi sấn tới, tên này quát lên:
- Bà già! Hàng lối đâu mà lên đây?
Đưa tay chỉ thẳng vào mặt hắn, mẹ tôi quát còn to hơn nó:
- Mày im cái mồm mày đi! Biết thân biết phận thì tránh ra cho bà.
Liệu mà giữ cái hồn mày đấy! Nghe chửa!
Trước tiếng sư tử hống của bà, tên cán bộ sững sờ, không nói thêm
môt lời nào nữa, đứng xích ra môt bên cho mẹ tôi lên đưa tiền mua vé. Cô gái
ngồi sau quầy vé, hấp tấp xé luôn 5 cái vé cho bà. Thế là chúng tôi về Saigon
bình an, không ai hỏi giấy, chỉ có tay lơ xe, thấy vợ chồng chúng tôi ướt nhèm,
thì cười:
- Đi vượt biên không lọt hả?
Tôi chỉ nhích miệng, không trả lời.
Mẹ tôi là thế đấy! Bà thương con cháu, nhưng cũng như tôi: Không
bao giờ nói lời dịu dàng với nhau. Cho đến khi bà sang Mỹ năm 1984, còn tôi qua
diện H.O.1, năm 1990, tôi cũng không thể ở với bà quá 2 tháng. Ngay từ ngày đầu
tiên, tôi đã dự định trả hiếu với bà bằng cách hy sinh lời mời hấp dẫn của anh
tôi ở miền Bắc California, cho chúng tôi chỗ ở và một cửa hàng ăn đang cần
người quản lý, mà thuyết phục vợ con cố gắng ở chung với Mẹ, bất chấp sự xung
đột ngấm ngầm giữa hai mẹ con đã có từ lâu. Nhưng rồi, như phần số đã định. Chỉ
2 tháng sau là bắt đầu có sự va chạm, nên bà tự đi tìm phòng để “share”, với lý
do là để gần nhà thờ. Rồi 4 năm sau, một hôm bà gọi điện cho tôi: “Me thấy đau
bụng quá, con sang xem!” Tôi vội lái xe chạy qua, và chở bà đi khám bác sĩ để
biết rằng Mẹ bị ung thư gan, giai đoạn cuối, phải đưa bà vào bệnh viện Hope ở
Fountain Valley. Một chiều tôi đi làm về, vào thăm Mẹ, thì mẹ tôi chỉ tay vào
cô y tá người Việt, nói: “Cô này hành me quá, quăng quật lung tung và lúc nào
cũng hậm hực như muốn ăn tươi nuốt sống me.” Tôi nổi cơn du đãng, quay qua, chỉ
vào mặt cô y tá, quạt cho một trận, và nói: “Cô tưởng mẹ tôi chỉ có một mình
nên cô bắt nạt bà già phải không? Nếu cô không làm tròn bổn phận của một y tá,
tôi chỉ cần 1 cú điện thoại là đời cô tàn như hoa héo ngay. Biết không?” Cô kia
sợ quá, líu ríu nói lời xin lỗi rồi dọt. Sau đó, thấy không thể để mẹ ở cô đơn
trong bệnh viện, không có ai săn sóc thường xuyên, tôi gợi ý đưa mẹ về Việt
Nam, nơi có hàng chục đứa cháu hầu hạ cụ. Mẹ tôi đồng ý. Ngày ra phi trường, Mẹ
tôi vui vẻ và tươi hơn mọi ngày vì nghĩ đến rất nhiều con cháu đang chờ mình
về. Khi tiếng loa gọi người đi vào phòng cách ly, Mẹ tôi lụm cụm bước đi, không
ngoảnh lại. Tôi đứng sững nhìn theo hình bóng thân yêu ấy và chợt gào lớn lên:
“ME ƠI!” Tiếng gọi của tôi vang trong phi trường âm u vài giây rồi
lặng đi trong những giọt nước mắt rơi xuống ướt đẫm áo.
Rồi tôi liên tục gọi điện về Việt Nam để biết tình hình của mẹ.
Đến một ngày, đang làm việc, chợt linh tính báo có điều gì bất ổn, tôi bồn chồn
đứng ngồi không yên, và bất chấp đang giờ làm, tôi gọi ngay cho bà chị ở Việt
Nam và nói ngay: “Me mất rồi, hả chị?” Và đúng như thế, hồn mẹ tôi đã bay từ
Việt Nam qua Mỹ gõ nhẹ vào tim tôi, chỉ vài phút trước lúc tôi gọi về nhà, hỏi
thăm.
Đêm ấy, đang ngủ, đột nhiên có tiếng nói bên tai: “ME VỀ!”, làm
tôi vùng dậy, cả người lạnh toát đi như bị dội nước đá. Hình như trong bóng
tối, Mẹ tôi đứng đó, nhìn tôi, không nói… cũng như xưa, lâu lắm rồi Mẹ con
không trao đổi lời gì âu yếm với nhau.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
CHU TẤT TIẾN (sinh năm 1945 tại Hà Nội)
Định cư tại: Quận Cam, California, Hoa Kỳ.
Email: vietnguyen2016@aol.com.
,
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 19.07.2023.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét