VẾT SẸO CHIẾN TRANH
Tôi không có cái may
mắn như nhà văn Thanh Tịnh. Dĩ nhiên, nhiều người khác cũng đã có một ngày đầu
tiên đến trường dễ thương và ngọt ngào như ông nhà văn đã diễn tả trong cuốn
Quê Mẹ. Nói ra ít ai dám tin, nhưng ngày đầu tiên vào lớp Vỡ Lòng là một ngày
kinh hãi nhất suốt quãng đời thơ bé của tôi. Câu chuyện nho nhỏ tôi sắp kể ra
đây là do sự cố chiến tranh gây ra, chứ không phải lỗi lầm của ai.
Bài văn vần tôi phải học thuộc lòng ngay từ buổi học đầu tiên
chính là bài “Trâu Ơi Ta Bảo Trâu Này.” Với tôi, đây là một bài ca dao khó
quên. Khó quên không phải vì tôi là con nhà nông nên yêu quý con trâu, cái cày
mà do buổi học đã để lại vết tích hằn
sâu trong đời.
oOo
Năm tôi lên bảy, mẹ cùng một bà láng giềng, mỗi người dẫn theo
cậu con trai cưng đến lớp của một ông thầy già xin cho con vào học. Ngôi trường
là căn nhà mái tôn nóng hầm hập trên bãi cát trống hơi xa làng chài nơi tôi
đang ở. Đón tiếp chúng tôi là ông thầy giáo già. Mái tóc đã ngả màu sương, phía
sau ót có cái búi to tướng. Đôi mắt với những tia nhìn sáng quắc, lạnh băng sau
mục kỉnh. Ông mặc chiếc áo dài màu trắng, cái quần dài đến mắt cá chân cũng
cùng màu trắng toát. Dáng người ốm và cao, lưng hơi rùa, nhưng trông ông có vẻ
nhanh nhẹn và nghiêm trang.
Sau khi nói chuyện với thầy xong, hai bà mẹ ra về. Còn lại hai
đứa nhỏ bơ vơ, ngơ ngác, khép nép rướn người dõi theo phía sau lưng mẹ. Ông
thầy già tháo đôi mắt kiếng xuống nhìn chăm chăm hai đứa một lần nữa, rồi ra
hiệu bảo vào lớp. Lớp học gồm hai dãy bàn ghế kê song song trên nền cát trắng
phau. Bọn tôi được xếp cho ngồi bàn thứ ba, dãy ghế phía trái từ ngoài cửa bước
vào.
Tôi không nhớ bài giảng đầu tiên là gì, chỉ nhớ cuối buổi thầy
bảo cả lớp đọc bài “Trâu ơi!” được chép rất chân phương ngay ngắn trên tấm bảng
bằng gỗ sơn đen. Sau khi học trò đã đọc đôi ba lần, thầy bắt đầu xóa mỗi câu
một chữ, và cứ thế cho đọc đến lúc cả lớp thuộc lòng. Trên cái bảng đen be bé
bấy giờ chỉ còn cái đầu đề và những chữ đầu câu, cùng với những vệt phấn loang
lổ, ngoằn ngoèo tạo ra bởi miếng giẻ lau. Lúc này mới đến hồi gay cấn. Thầy bắt
đầu chia ra cho mỗi dãy bàn đọc riêng, theo nhịp gõ thước lốc cốc vào tấm bảng
đen.
Phía dãy bàn bên phải đọc trước. Họ đọc vanh vách. Những tiếng
trẻ thơ cố lấy sức gào lên sang sảng mỗi lần thầy gõ nhịp rồi dần dần hạ thấp
xuống vì đuối hơi, nghe cũng vui vui, ngồ ngộ. Họ đọc xong, thầy giáo gật gù,
vừa khoát tay vừa bảo các bạn ấy có thể ra về. Đứa nào đứa nấy chỉ chờ có thế
hớn hở quơ lấy mấy cuốn vở trên bàn, rồi lao phóc ra cửa.
Đến lượt chúng tôi. Thầy giáo vừa gõ nhịp xong, mọi người cũng
cố hết sức gào lên:
Trâu ơi ta bảo trâu
này:
Trâu ra ngoài ruộng
trâu cày với ta.
Cấy cày giữ nghiệp nông
gia,
Đến đây thì cả bọn ú ớ... rồi nín bặt. Thầy giáo gõ bồm bộp liên
hồi, không theo nhịp điệu thong thả như lúc nãy. Âm thanh chát chúa phát ra từ
cái bảng gỗ càng làm cả đám hoang mang. Mỗi lần thầy gõ như vậy tôi lại giật
thót cả mình, ngoan ngoãn ngồi khoanh tay lặng im. Đôi mắt mở to trừng trừng
nhìn vào tấm bảng chờ mong những con chữ hiện ra. Thầy đi đi lại lại trước lớp
một lát rồi cho chúng tôi tiếp tục đọc. Hễ đến đoạn nào ngập ngừng, loạc choạc,
thầy nhắc cho nọi người. Sau hai lần như thế, thầy gõ thước làm nhịp để chúng
tôi tự đọc. Nhưng âm thanh vang lên rời rạc, yếu ớt!
Bấy giờ ông thầy già mặt mũi đỏ gay. Cầm cây thước dứ dứ trước
mặt lũ chúng tôi, giọng ông rít lên :
- Lũ dốt! Chúng mày nghe đây! Đứa nào không đọc thuộc bài thì ở
lại, đọc đến chừng nào thuộc mới được về! ... Nào, bắt đầu từ bàn thứ nhất.
Đứng lên!
Những đứa khác sau một hồi vật lộn khó khăn với trí nhớ cũng đã
thuộc lòng nên ra về hết, chỉ còn lại hai đứa học trò mới là chúng tôi ngồi lại
nơi bàn. Ngoài cửa sổ, trời bắt đầu tối dần. Tôi và đứa bạn đứng ngồi nhấp
nhổm, hai mắt đỏ hoe, cứ chốc chốc lại nhìn ra cửa lớp mong được thấy bóng mẹ
xuất hiện. Càng hoảng loạn, cả hai càng không nhớ được câu nào. Ông thầy già
nét mặt hầm hầm, hết gỡ kiếng ra lau lại đập thước xuống bàn. Đến lúc này bọn
tôi không còn kiềm chế được nữa khóc rống lên, mặc cho thầy giáo la hét. Không
làm gì được chúng tôi ông lắc đầu, bước ra cửa bỏ về. Trước khi đi, không quên
đóng cánh cửa tôn, và vặn khóa phía ngoài, nhốt bọn tôi trong lớp. Hai đứa
điếng cả hồn, phát run, miệng kêu gào không ngớt. Mỗi đứa một chân đạp liên tục
vào cánh cửa kêu rầm rầm, nhưng vẫn không ai đến mở. Khóc chán, đạp cửa chán
bọn tôi ngồi bệt xuống nền cát vưa lấy tay áo quyệt nước mắt, vừa không ngừng
thút thít.
Trời tối hẳn. Vừa đói, vừa khát, không còn hy vọng có ai đi
ngang qua để cầu cứu, cả hai ngồi im chờ mong ông thầy quay trở lại. Không biết
là chúng tôi ngồi như pho tượng được bao lâu, Trong bụng cứ phập phồng lo lắng đêm nay phải ngủ
lại nơi chốn khủng khiếp này. Trong lúc bối rối chẳng còn biết làm cách gì để
thoát thân, may sao cánh cửa bật mở! Ông giáo và cả hai bà mẹ xuất hiện cùng
một lúc ngay phía bên ngoài. Chúng tôi vội vàng đứng bật dậy, chạy ra ôm chầm
lấy mẹ khóc rống lên. Xóm chài đã lên đèn.
Chiều hôm sau, dù mẹ có dụ dỗ, la hét đến khản cả cổ chúng tôi
cũng nhất quyết không đến lớp nữa. Hai bà đành chịu thua, tìm ngôi trường khác.
Sau này mới vỡ lẽ ra, lớp của ông thầy già là lớp Một, chứ không
phải lớp Vỡ Lòng. Thấy tụi tôi đã bảy tuổi nên thầy cứ tưởng đã học xong i tờ
bèn cho vào lớp Một. Thầy đâu biết chúng tôi mới lần đầu tiên đến trường.
Từ mùa hè năm 1971 đến giữa năm 1972 gia đình tôi xẩy ra nhiều
biến cố. Trước tiên là cha tôi mất. Chị
Hai bị thương suýt chết. Chiến sự lan tràn, cả nhà phải di tản. Sự việc đau
lòng trở thành vết sẹo nhức buốt lâu lành trong tâm khảm tôi là sự ra đi vĩnh
viễn của người cha kính yêu.
Cha tôi dáng người tầm thước, cơ bắp săn chắc như dây thừng.
Nước da màu đồng hun, dãi dầu nắng gió. Từ thuở còn rất trẻ cha đã bắt đầu làm
nghề đánh cá, theo nghiệp của gia đình. Ông bà nội sinh được bảy người con. Bác
Hai lớn nhất mất khi còn bé. Rồi đến cô Ba. Cha tôi xếp thứ Bốn (theo cách gọi
của người miền tôi), nhưng là con trai trưởng trong nhà nên bỏ học sớm để phụ
giúp gia đình nuôi đàn em dại.
Khi lớn lên, lập gia đình ra ở riêng cha cũng không được chia
của cải gì nhiều, chỉ là một mảnh vườn nhỏ, và một chiếc ghe con con. Với nghị
lực và sự cần cù, chịu khó nên đếm năm ông mất sản nghiệp của gia đình đã khá
hơn. Cha tôi lúc đó làm chủ một chiếc tàu đánh cá chạy bằng máy dầu hẳn hoi chứ
không phải là ghe bầu chạy buồm như thời ông tôi. Cùng với chiếc tàu là ba đầu
lưới đánh cá. Mỗi loại hai mươi tấm. Trong đó gồm có lưới chuồn; lưới ba; và
lưới cảng. Cha là một thủy thủ và là một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm biển
khơi.
Kỷ niệm sâu sắc nhất mà tôi còn nhớ về cha là Người đã tập bơi
cho hai anh em. Gia đình tôi sinh sống ở Sa Huỳnh, nơi đây có cửa biển tốt, vả
lại được quân đội Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ nghiêm ngặt, nên ít bị du kích cộng
sản quấy phá.
Một buổi chiều mùa hè, cha dẫn hai anh em ra biển cho ngồi vào
cái thúng (mủng) chai lớn, do cha bơi chèo ra chiếc tàu đang thả neo ngoài xa.
Mặt biển rộng mênh mông, nước trong xanh, nhìn thấy cả những con cá chai, con
cúm núm bò nơi đáy cát. Gió nhẹ nhưng biển cũng gợn lên những con sóng nhấp
nhô. Ánh nắng buổi chiều màu mật ong rót xuống chiếc dầm bơi loang loáng nước
cứ lấp la lấp lánh như những đồng tiền vàng. Trong bờ, một bầy trẻ con đang
tắm, cạnh chúng vài người lớn vừa trông chừng vừa cào nghêu, cào ốc.
Khi đến cạnh chiếc tàu, Cha lấy dây thừng trong mủng cột vào
thành tàu. Xong, ông lần lượt ôm hai anh em thả ùm xuống biển. Tôi chưa kịp kêu
lên thì đã chìm xuống nước. Hoảng hồn thất kinh, tôi đưa tay quẫy chân đạp tứ
tung cố gắng ngoi lên đớp lấy không khí. Một ngọn sóng nâng tôi lên, rồi hạ tôi
xuống làm tôi uống một ngụm nước mặn chát, sặc sụa. Đó là lần đầu tiên trong
đời tôi nuốt vào bụng một ngụm nước biển. Thất thanh, tôi kêu lên “cha...
cha...” Ông vẫn bơi gần đấy nhưng không đưa tay cho tôi vịn, mà bảo tôi nằm
soãi người ra dùng tay chân khoát nước cho mạnh. Tôi cố gắng tạo tư thế nằm
ngang người trên mặt nước nhưng không được, cứ quẫy đập tứ tung. Càng đạp đôi
chân càng nặng nề và càng chìm dần. Lúc sắp chìm hẳn người tôi được nâng lên.
Tôi ngước mặt lên hớp lấy hớp để vài ngụm không khí. Qua cơn hoảng loạn, mới
biết bàn tay của cha đang đặt dưới bụng tôi, nâng lên, nên tôi mới thoát chết.
Thằng em đang điu vai bên kia của ông. Nó nằm dài trên mặt biển. Một tay quào
quào vào trong nước, đôi chân không ngừng đạp mạnh ra phía sau. Cha vẫn với tư
thế bơi đứng như vậy tập cho anh em tôi một đoạn xa. Sau đó cùng nhau lên tàu
ngồi phơi nắng.
Cha là người ít nói và rất hiền lành, chưa bao giờ Người đánh
đập anh em tôi roi nào. Tính hiền lành, thật thà của ông đã nổi tiếng cả một
vùng. Chưa bao giờ ông cãi vã sinh sự với đồng nghiệp hay bạn bè lối xóm. Có lẽ
cũng vì thế mà các chị gái tôi đều dễ lấy chồng và đều sống hạnh phúc dù không
giàu có gì. Con gái nhờ đức cha mà. Ông không bao giờ uống rượu nhưng nghiện
thuốc lá rất nặng. Mỗi ngày hút hết hai mươi điếu Rồng xanh. Đó là tất cả những
gì tôi còn nhớ được về cha.
Năm 1971 Cha mất vì loạt đạn ngớ ngẩn của một anh lính hay dân
vệ gì đó bắn lúc còn đang ngái ngủ sau khi đổi ca gác. Tôi nghe bạn của cha kể
lại với mẹ như vầy:
Lúc ấy vào khoảng ba giờ sáng, Cha tôi xách chiếc đèn măng xông
cùng năm người bạn chài lên cảng cá Sa Huỳnh để đi biển. Tàu đậu ở bến cảng bán
cá chiều hôm trước. Dạo đó Sa Huỳnh chiến sự rất căng thẳng, cộng quân thường
đánh phá. Người dân đi đêm phải mang đèn thật sáng để lính canh dễ dàng nhận
biết. Đoàn người của cha làm đúng theo quy định. Thế nhưng tên lính gác vừa mới
thay ca trên chòi canh bến cảng nhìn thấy ánh đèn và bóng người di chuyển lại
tưởng là cộng quân xâm nhập nên bắn xối xả một loạt súng liên thanh vào nhóm
người vô tội. Ngay loạt đạn đầu cha tôi đã bị đạn xuyên qua yết hầu, mất ngay
tại chỗ. Một người bạn khác của ông bị bắn gãy chân trái. Đến nhà thương, bác
sĩ phải cưa chân bỏ thì mới bảo toàn được tính mạng. Sau loạt đạn đó tên lính
bắn tiếp loạt đạn thứ hai, những người còn lại tháo chạy ra biển, trầm mình
dưới nước mới thoát nạn kiếp.
Lúc nghe tin dữ cả nhà bàng hoàng, chết điếng. Mẹ tôi bỏ cả ăn
uống, thức trắng bên quan tài cha tôi suốt mấy ngày đêm. Sau đó dù một thân một
mình đường sá khó đi, bà vẫn nhất quyết đem thi thể cha tôi về chôn cất tử tế ở
quê nhà. Các chị lớn còn ở cả trong Sài Gòn mãi đến tháng sau mới hay tin mà về
chịu tang.
Sa Huỳnh. Những ngày đầu mùa hè năm 1972, tình hình chiến sự
càng lúc càng nghiêm trọng. Đêm đêm đại bác của quân Việt cộng bắn phá đều đều
vào vùng Quốc gia. Nhiều quả rơi vào khu dân cư. Các gia đình lo kiên cố lại
hầm trú ẩn trong nhà, xung quanh và trên nóc hầm chất chồng những bao cát hoặc
bất cứ thứ vật liệu gì có thể che chắn được mảnh pháo. Đã có nhiều người bị thương
vong vì những quả đạn của Liên-xô, Trung cộng. Chị Hai bị một mảnh pháo ghim
vào sau lưng, chỗ bả vai, Máu chảy giàn giụa. Mẹ tôi hối hả đưa chị đến nhà
thương. Sau khi được băng bó và chụp quang tuyến X, biết mảnh đạn không chạm
đến phổi bác sĩ cho về nhà ngay ngày hôm sau.
Lo lắng tình hình có thể khốc liệt, tồi tệ hơn nữa, mẹ vội vàng
thu xếp cho mấy chị cùng đi với tôi vào Nha Trang nương nhờ gia đình ông chú.
Mẹ với em trai tôi tạm thời ở lại, đợi bán căn nhà và những vật dụng linh tinh
khác rồi vào sau. Đường bộ không thể đi được, mấy chị em chỉ còn cách đi bằng đường
biển. Nhưng tuyến đường này cũng nguy hiểm thập phần.
Buổi chiều hôm đó, mỗi người chúng tôi mang theo một túi quần
áo, lặng lẽ xuống bãi biển Châu Me đe lên thúng chai ra chiếc tàu đang đậu
ngoài khơi. Mẹ và em trai tôi đi theo đưa tiễn. Giữa thời buổi loạn ly, cuộc
chia tay nào cũng tiềm ẩn sự bất an, khó lường.
Khi cả gia đình đến nơi tập trung đã quá nửa buổi chiều. Bãi
biển đông nghịt người. Hầu hết là đàn bà và con nít. Tiếng gọi nhau, tiếng kêu
la hỗn loạn. Ngoài khơi xa, thấp thoáng hai ba chiếc tàu đang thả neo, trông
chúng be bé như những cái mo cau bồng bềnh trên mặt nước. Sóng biển khá lớn vì
trời bắt đầu ra giông. Đám người di tản chờ một lát lâu mới có mấy cái thúng từ
ngoài biển bơi vào. Nhiều người xuống thúng và bắt đầu rời bãi. Ngay lúc đó một
vài tiếng súng tiểu liên nổ râm ran. Những lằn đạn lửa đỏ lòe bay vèo vèo trên
mặt biển. Mọi người nhốn nháo. Có tiếng quát tháo, tiếng khóc thét của trẻ con.
Những chiếc thúng hối hả chèo nhanh ra khơi, chồm lên hụp xuống trước những con
sóng dữ tung bọt trắng xóa. Tiếng súng không ngừng nổ đôm đốp.
Chị em tôi đi chuyến thúng gần chót. Lúc này bầu trời đầy mây
đen. Gió thổi mạnh, sóng đập vào bờ ầm ào, càng lúc càng lớn hơn. Những lằn đạn
chẳng biết của phía nào không ngừng bay veo véo trên mặt biển xám xịt. Ông anh
rể tôi ra sức chèo kịch liệt. Cái thúng chai bé xíu phải chuyên chở đến năm con
người vừa lớn vừa nhỏ nên muốn chìm. Nước mấp mé vành thúng. Trời đổ mưa. Mấy bà
chị, người niệm Phật, người niệm Quán thế âm Bồ tát mà giọng run run. Miệng
niệm tay không ngừng tác nước cho cái thúng đỡ khẳm.
Tôi đưa mắt nhìn vào bờ, mỗi khi có con sóng trồi lên thoáng
thấy hai cái bóng của mẹ và em tôi đang đứng trong bờ nhìn ra, đưa tay vẫy vẫy.
Chiếc thúng trồi lên hụp xuống mấy lần nữa thì không còn nhìn thấy gì. Trời tối
sầm, mưa như trút nước. Nước mưa lẫn nước mắt chảy ướt đẫm mấy khuôn mặt chị em
tôi.
Cái thúng mỏng manh cuối cùng an toàn cập vào chiếc tàu đón
khách, không có một vết đạn nào găm vào vành. Anh rể giúp tôi leo lên tàu. Lúc
này, tiếng súng cũng đã im lặng. Bầu trời đêm tối mịt, và trận mưa giông giống
như một bức màn đen kỳ bí bao bọc, che giấu cho con tàu. Tôi tin rằng hôm đó
thoát được kiếp nạn là nhờ sự linh thiêng phù hộ của cha tôi.
Lênh đênh trên biển không biết bao nhiêu ngày đêm, tôi say sóng
ói mửa tới mật xanh mật vàng, không ăn gì được, chỉ uống mỗi nước lạnh cầm hơi.
Người đuối sức, mệt lả, ngủ li bì. Khi chị tôi đánh thức, tôi tỉnh dậy tàu đã
thả neo nơi Cầu Xóm Bóng, Nha Trang. Lúc đó là vào ban đêm. Những ngọn đèn trên
cầu bật sáng choang. Tôi ngước mắt nhìn và reo lên:
- Ô, chị ơi... coi mấy ông sao kìa, to và gần quá!
Chị tôi bật cười khanh khách:
- Khờ quá! Bóng đèn đấy!
Tôi cãi:
- Đèn làm gì mà sáng thế?
- Đèn điện đó em!
Sau khi tạm tá túc ở nhà chú thím tôi được nửa tháng vẫn không
nghe tin tức gì của mẹ và em trai tôi, chị Hai sốt ruột định trở về Sa Huỳnh
đưa họ vào. Chị tính sáng hôm sau sẽ lên đường thì ngay chiều hôm đó mẹ và em
tôi vào đến nơi. Cả gia đình lại được đoàn tụ, ai cũng vui mừng khôn xiết, dẫu rằng
nhà cửa đã tiêu tan, cuộc sống đang trong cảnh ăn nhờ ở đậu.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện
ngắn
“CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng
Xuân Xuyến:
*.
TRẦN ĐỨC PHỔ
Địa chỉ: 819 KLEINBURG DR
London, Canada
Email: ducphot946@gmail.com
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.02.2024
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn:
internet.
- Bài viết không thể
hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét