BÀI HÁT VỀ CỐ HƯƠNG - BÀI THƠ RẤT HAY
CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU
Tôi không quen biết nhưng
có chút nhân duyên với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Nói vui là "nghiệt
duyên". Vì tôi toàn viết bình loạn, phê phán một số thơ văn mà theo tôi
là khá kỳ cục của ông. Tất nhiên đó là cảm quan cá nhân, tôi vẫn giữ những quan
điểm đó. Nhưng đồng thời tôi cũng thấy ông có gì đó rất phóng khoáng, hiền
lành, mộc mạc. Vẫn là cảm quan của tôi, ông cũng có những bài thơ hay như bài
"Ban mai" chẳng hạn (tôi đã có dịp phân tích, cảm nhận về bài
thơ này).
https://m.facebook.com/groups/1166051727296816/permalink/1235322833703038/?mibextid=Nif5oz
Mới đây, một bài
viết của tác giả Đỗ Hoàng mà tôi đọc được trên mạng, chỉ trích thơ Nguyễn Quang
Thiều rất nặng nề. Nhà thơ Đỗ Hoàng cũng chuyển soạn bài thơ "Bài
hát về cố hương" thành thể thơ khác. Nhưng đọc nguyên bản (thơ
Nguyễn Quang Thiều) không hiểu sao tôi rất xúc động với tâm tình mà nhà
thơ gởi gắm trong đó.
Dưới đây là bài
thơ nguyên tác của Nguyễn Quang Thiều và bài thơ "dịch ra tiếng
Việt" của Đỗ Hoàng.
BÀI HÁT VỀ CỐ
HƯƠNG
Kính dâng làng Chùa
của tôi
Tôi hát bài hát về cố
hương tôi
Khi tất cả đã ngủ say
Dưới những vì sao ướt
đẫm
Và những ngọn gió
hoang mê dại tìm về
Đâu đây có tiếng nói
mê đàn ông bên mái tóc đàn bà
Đâu đây thơm mùi sữa bà
mẹ khe khẽ tràn vào đêm
Đâu đây những bầu vú
con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất
Và đâu đây tiếng ho
người già khúc khắc
Như những trái cây
chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống
Góc vườn khuya cỏ
thức một mình
Tôi hát bài hát về cố
hương tôi
Trong ánh sáng đèn
dầu
Ngọn đèn đó ông bà
tôi để lại
Đẹp và buồn hơn tất
cả những ngọn đèn
Thuở tôi vừa sinh ra
Mẹ đã đặt ngọn đèn
trước mặt tôi
Để tôi nhìn mặt đèn
mà biết buồn, biết yêu và biết khóc
Tôi hát bài hát về cố
hương tôi
Bằng khúc ruột tôi đã
chôn ở đó
Nó không tiêu tan
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại
nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu
mồ dòng họ
Bò qua bãi tha ma
người làng chết đói
Đất đùn lên máu chảy
dòng dòng
Tôi hát, tôi hát bài
ca về cố hương tôi
Trong những chiếc
tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ
nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau là
một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn
– báu vật cố hương tôi./.
*.
1991
NGUYỄN QUANG THIỀU
Bài thơ "Bài
hát về cố hương" đã được nhà thơ Nhikolai Pereiaxlov dịch sang
tiếng Nga. Đỗ Hoàng dịch ra... thơ Việt:
BÀI HÁT VỀ QUÊ HƯƠNG
Tôi hát bài hát về
quê cũ
Khi mọi người đã ngủ
lắt lay!
Dưới vì sao ướt mơ
may
Gió hoang mê dại đắm
say tìm về
Đâu đây tiếng nói mê
giống đực
Bên mái tóc sực nức
đàn bà
Đâu đây mùi sửa thơm
xa
Khẽ khàng lay động
tràn òa vào đêm!
Đâu đây vú tuổi ten
phơi phới
Mười lăm năm vời vợi
nụ hồng
Tiếng ho khục khặc
lão ông
Khô khốc vườn cỏ thức
trông một mình!
Tôi hát bài thắm tính
quê cũ
Ánh đèn dầu hạt đỗ
lắt leo
Ông bà để lại nhăn
nheo
Đẹp buồn hơn cả lửa
đèo chói chang!
Thuở tôi mới ra ràng
trứng nước
Mẹ đặt đèn ở trước
mặt tôi
Để tôi ngước mắt nhìn
đời
Biết buồn, biết khóc,
biết người yêu thương!
Tôi hát mãi bài cố
hương tôi hát
Khúc ruột tôi đã đặt
làm mồ
Nó không tiêu hết đi
mô
Thành con giun đất cứ
bò quẩn quanh
Bò âm thầm dưới thành
vại nước!
Quằn quại bò vườn
tược tổ tiên
Tha ma kẻ đói chết
thiêng
Đất đùn lên máu liên
miên rỏ ròng!
Tôi luôn hát về dòng
quê tổ
Những tiểu sành xếp
chỗ lò nung
Mốt mai tôi sẽ nằm
cùng
Giờ là người, mai con
trùn vất vơ.
Kiếp là chó, tôi mộng
mơ
Giữ canh cái nỗi buồn
bơ làng Chùa!
*.
Hà Nội ngày 8 –-6 - 2021
ĐỖ HOÀNG
So với bài thơ gốc,
tôi thấy bài song thất lục bát của Đỗ Hoàng vô tình đã làm mất đi cảm xúc và
thi tứ rất hay trong "Bài hát về cố hương" của nhà
thơ Nguyễn Quang Thiều. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, đó là mối tình quê da
diết, đằm sâu. Tưởng như nhà thơ đang thao thức trong đêm, lắng nghe từng
hơi thở của quê hương:
Tôi hát bài hát về cố
hương tôi
Khi tất cả đã ngủ say
Trong "cố hương" (không phải "quê hương") có "những vì sao ướt đẫm" khiến tôi
nghĩ tới những giọt nước mắt buồn, lóng lánh như sao. Có "ngọn gió hoang mê dại", có lẽ
đó là khi mà thiên nhiên và con người còn hoang dại, thô sơ, mộc mạc,
chơn chất lắm. Có tình yêu đôi lứa chung một mái nhà "tiếng nói mê đàn ông bên mái tóc đàn bà".
Có tình mẫu tử thiêng liêng "thơm
mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm". Có những cô gái dậy thì xinh
tươi như những chồi non "Đâu đây
những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất".
Tôi trộm nghĩ không biết nếu tác giả thay bằng "bầu ngực" thì có hay hơn không? Có "tiếng ho người già khúc khắc" trong
đêm nghe chạnh lòng cảm thương, gợi lên sự yếu ớt mong manh, cụ già khác nào
quả chín trên cây có thể "tuột xuống
khỏi cành" bất cứ lúc nào. Tác giả còn lắng nghe được tâm sự của cỏ
cây, chúng cũng đang rì rầm thao thức ngoài kia. Cảnh và người quê xưa
thật buồn nhưng rất gần gũi, thân mật, hiền hòa.
Nơi ấy, thời còn
"hoang mê" ấy, tác giả
được sinh ra dưới một ngọn đèn dầu. Chưa có ánh sáng đèn điện như
bây giờ, hẳn không gian tù mù, hiu hắt lắm. Tuy thế, nhà thơ vẫn tri
ân một thời khốn khó "Đẹp và
buồn hơn tất cả những ngọn đèn" vì được mẹ sinh ra để biết buồn,
biết yêu và biết khóc:
Thuở tôi vừa sinh ra
Mẹ đã đặt ngọn đèn
trước mặt tôi
Để tôi nhìn mặt đèn
mà biết buồn, biết yêu và biết khóc.
Tình yêu ấy đi theo
tác giả cùng năm tháng. Thật xúc động cái phút giây khi người ta đã
trưởng thành, đã già đi, bỗng nghĩ tới khúc ruột của mình trong
lòng đất mẹ thuở chôn nhau cắt rốn. Tâm tư ấy hẳn phải vô cùng da
diết khó tả. Khúc ruột đó hẳn đã tiêu tan, nhưng với nhà thơ, nó
không tiêu tan mà thành con giun đất:
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại
nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu
mồ dòng họ
Bò qua bãi tha ma
người làng chết đói
Con giun đất nhỏ
bé nhưng là loài có ích và thân thiện với đất đai, làng quê. Nếu con
giun đất không thể bò đi đâu xa mà mãi gắn bó với mảnh đất nơi mình
sinh ra thì nhà thơ cũng âm thầm son sắt với quê mình. Lời thơ chỉ
gợi không tả nhưng người đọc có thể hiểu được bên những vại nước,
bờ ao là biết bao ký ức thân thuộc. Tác giả nhớ lại còn đau mãi
những đau thương mất mát của dòng họ, của làng Chùa một thời "quằn quại" gieo neo.
Tình yêu quê hương
của tác giả lớn đến nỗi, là niềm thành kính thiết tha, đến nỗi
chết đi nhà thơ xin làm con chó nhỏ canh giữ những báu vật của quê
hương:
Trong những chiếc
tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ
nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau là
một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn
– báu vật cố hương tôi
Sáng tạo bất ngờ!
Người thiết thực thường mong sau khi chết được tái sinh thành người
giàu sang, quyền lực, người thanh tịnh lại mong thành hoa, thành gió,
thành mây, hay vô vi niết bàn.... Còn nhà thơ chỉ mong làm con chó
nhỏ. Chú chó nhỏ ở đây là biểu tượng của sự trung thành. Trung thành
với quê hương xứ sở, làm tôi tớ của quê hương xứ sở. Canh giữ báu
vật của quê hương chính là canh giữ những ký ức buồn mà ấm áp tình nghĩa.
Là gìn giữ, bảo vệ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dòng
họ, của làng nghề, làng thơ như nhà thơ vẫn thường tự hào.
Một tứ thơ hay.
Dường như tác giả Đỗ Hoàng muốn thay thế nó bằng thể thơ khác. Tiếc
thay, nhịp điệu cứng nhắc của song thất, đều đều chỉn chu của lục bát
và nhiều hình ảnh, ngôn từ dường như có pha trộn chút nóng giận của
người dịch đã làm giảm hẳn những cảm xúc đằm sâu, day dứt, lắng
đọng của nguyên tác.
"Khi tất cả đã ngủ say" được dịch
là "đã ngủ lắt lay!".
"những vì sao ướt đẫm" thành "vì sao ướt mơ may"...
Tôi thấy cô gái
trong thơ dịch hơi nhí nhảnh, hiện đại:
Đâu đây vú tuổi ten
phơi phới
Mười lăm năm vời vợi
nụ hồng
Tôi lại hiểu thiếu
nữ trong nguyên tác là thiếu nữ thời xưa (không phải tuổi teen ngày
nay), được Nguyễn Quang Thiều miêu tả dung dị như mầm cây, vậy mà sexy và
trong trẻo hơn nhiều.
Nếu ngọn cỏ được
Nguyễn Quang Thiều diễn tả như con người trầm mặc, bình thản, giàu
nội tâm (Góc vườn khuya cỏ thức một mình) thì cỏ trong vườn của Đỗ Hoàng
khô khan, héo hắt:
Khô khốc vườn cỏ thức
trông một mình!
Khúc ruột thuở
chôn nhau cắt rốn không tiêu tan mà trở thành con giun đất trong nguyên
tác cũng khác với khúc ruột "đặt
làm mồ", bò quẩn quanh trong thơ dịch Đỗ Hoàng. Nếu sự "quẩn quanh" của Đỗ Hoàng là sự
tù túng, bế tắc thì sự "quẩn
quanh" của Nguyễn Quang Thiều là sự quyến luyến, gắn bó.
Câu thơ song thất
của Đỗ Hoàng dưới đây có gì đó hơi bực dọc:
Đâu đây tiếng nói mê
giống đực
Bên mái tóc sực nức
đàn bà
Người đàn ông và
người đàn bà trong thơ Nguyễn Quang Thiều dung dị, dịu dàng chứ không
sỗ sàng, gợi nhục cảm như thơ dịch Đỗ Hoàng.
Ngoài cái gu thẩm
mỹ khác nhau của hai nhà thơ thì tôi thấy thơ Đỗ Hoàng quá lệ thuộc
vần điệu mà xem nhẹ ngữ nghĩa và sắc thái tình cảm trong thơ. Ý
nghĩa của từ "Báu vật"
thật hay mà dịch thành "cái nỗi
buồn bơ"."Nỗi buồn bơ"
là nỗi buồn gì vậy? Ánh đèn dầu "ông bà để lại nhăn nheo" nghĩa là thế nào?
"Lửa đèo chói chang!" sao buồn
được?
Đặc biệt khi đặt
tựa đề "Bài hát về cố hương" hẳn tác giả Nguyễn Quang
Thiều đã có sự cân nhắc. Quê hương trong thơ ông vẫn là Làng Chùa
nhưng bối cảnh là thời đã xa của Tổ tiên và khi ông mới chào đời.
Thuở quê hương còn gieo neo đói nghèo, thuở làng ông chỉ có đèn dầu
leo lét chứ chưa có đèn điện. Vậy dùng từ "cố hương" vừa diễn tả được sắc thái cổ xưa vừa gợi
cảm xúc lắng đọng hơn từ "quê
hương". Thể thơ tự do trong trường hợp này, với giọng trầm, xa
xăm, da diết có lẽ phù hợp hơn vần điệu nhịp nhàng, tươi tắn của song
thất lục bát.
Như vậy, theo tôi
bài thơ BÀI HÁT VỀ CỐ HƯƠNG của Nguyễn Quang Thiều là một bài thơ
hay. Vì định kiến, thiên kiến nặng nề mà có những nhận xét và sửa
đổi thơ ông tùy tiện như vậy có lẽ thiếu công bằng cho ông. Dù ông ấy
không hay biết, tôi vẫn chúc nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhiều sức khỏe
và sáng suốt để chèo lái con thuyền văn học Việt Nam đến bờ bến tươi
sáng hơn.
----------
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Các bài viết về
khoa Phong Thủy0
- Các bài viết về
khoa Tướng thuật0
- Các bài viết về
Kiến thức cuộc sống0
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:
Vũ
Thị Hương Mai giới thiệu
Tác giả: Minh
Nhiên - nguồn: facebook
Ảnh minh
họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét