TUỔI THƠ SÔI ĐỘNG
Mùa hè đầu tiên sống nơi miền thôn dã tôi đã tìm thấy nhiều thứ
lý thú. Ngoài cáiviệc đi hái chùm chu, chùm chày, chọc phá tổ ong, tôi còn biết
lội ruộng bắt cá lia thia, và trèo cây để bắt chim con hoặc lấy trứng.
Thằng Long con chú tôi từ nhỏ lớn lên ở nơi đây nên nó rành mọi
đường ngang lối dọc. Nó hay dẫn tôi len lỏi trong các vườn hoang hoặc rừng
dương ven biển để lùng tìm ổ chim. Nó giải thích cặn kẽ cho tôi biết thói quen
làm tổ của mỗi loài chim. Nó nói rằng cũng như con người xây nhà, mỗi giống
chim đều có những cách làm ổ khác nhau, và những nơi chốn khác nhau. Ví như
loài chim quành quạch, chim đội mũ hay làm ổ trên các cây ổi, cây nhãn thâm
thấp trong vườn. Ổ của chúng chỉ to bằng cái chén ăn cơm nhưng đan dày và kín.
Giống chim gáy lại ưa làm ổ nơi rừng dương ven biển xa làng mạc.. Chim cu gáy
có hai loại. Một loại lông cánh màu nâu, đầu xám, cổ nhiều vòng cườm, gù rất
hay gọi là cu cườm. Loại thứ hai lông cánh màu hung hung đỏ, đầu xám, cổ không
có vòng cườm mà chỉ có nửa vạch lông đen sau gáy. Tiếng hót ngắn và không du
dương như cu cườm. Đó chính là cu lửa hay còn gọi là chim ngói. Tổ chim cu lớn
hơn tổ chim quành quạch. Nhưng lại sơ sài hơn. Tổ của nó thường được bện bằng
những cộng lá dương (phi lao) hình kim, không dày và cũng không kín kẽ. Trong
các kiểu tổ chim, tôi có ấn tượng và yêu thích nhất là tổ dồng dộc. Một loại
chim có thói quen làm tổ ở những ngọn tre ngoài đồng hoặc ven xóm làng. Tổ được
bện bằng rơm rất dày và có chiều sâu dài cả gang tay, trông như hình một cái
túi vải miệng rộng, đáy thắt. Dù treo lơ lửng trên cao, đong đưa trước gió
nhưng hiếm khi bị rơi.
Những ngày còn ở tạm nhà chú thím Bảy, cứ mỗi buổi trưa thằng
Long lại rủ tôi trốn ngủ đi lùng tìm ổ chim. Ngày đó, dân cư còn thưa thớt, chim
chóc thì nhiều, thế nên ngày nào cũng có trứng mang về. Nhưng chim con hiếm hoi
hơn. Vì hễ gặp những con chim mới nở, có bắt về cũng không nuôi sống được. Muốn
nuôi chim non phải lựa những chú đã dập bao tử, đã ra lông cánh nhưng chưa thể
bay được đem về chăm sóc mới có cơ hội sống sót. Không ai khuyên dạy nhưng
chúng tôi không nỡ bắt những chú chim non mà chẳng đảm bảo được sự sống cho
chúng.
Lấy trứng chim chán, hai đứa lại rủ nhau lội ruộng bắt cá lia
thia. Một loại cá đồng có sắc xanh đen, đuôi và vây đỏ hồng, trông rất đẹp.
Chúng là loại cá hiếu chiến và hung hãn, chỉ cần bỏ hai con đực vào chung một
cái chai là chúng phùng mang, xòe vây, cong mình uy hiếp nhau liền. Dù đối
phương kháng cự hoặc bỏ chạy con kia cũng lao tới tấn công ngay lập tức. Loài
cá này thường sinh sống bên cạnh bờ cỏ trong các rạch nước tù đọng, hoặc bờ ao,
bờ đầm. Muốn bắt chúng chỉ cần dụng cụ là một cái vợt hay một cái rổ tre. Cứ tà
tà men theo bờ mương nhìn thấy nơi nào có đám bọt như bọt xà phòng thì nhẹ
nhàng thả cái vợt xuống cho sâu rồi rê lại đám bọt và nâng lên. Thế nào cũng có
một con hoặc cả cặp lia thia lọt vào vợt. Điều cần chú ý là phải tìm đám bọt
còn mới. Bọt mới có màu trắng hơi đùng đục, còn bọt cũ thì ngả sang màu vàng ố,
chứng tỏ cá đã bỏ ổ. Chúng tôi chỉ lấy cá đực về nuôi cho chúng đá nhau còn cá
mái thả đi.
Một bữa sau khi bắt cá xong, thằng Long dẫn tôi ghé chơi nhà bác
thôn trưởng ở cuối xóm. Cũng không biết là chơi hay trình diện. Bác này khoảng
chừng ba mấy bốn mươi tuổi. Tay trái bị cụt gần đến vai. Trong nhà còn có hai
người phụ nữ, và hai đứa nhỏ, một trai một gái. Bà cụ già lưng còng gần sát
đất. Miệng nhai trầu bỏm bẻm.
Chúng tôi ngồi ngoài hiên, trước của một căn nhà tranh mái chái
ba gian, vách đất nhỏ bé, cất theo kiểu nhà miền Trung. Bác ấy hỏi về những
ngày gia đình tôi sinh sống ở Nha Trang. Tôi thật thà kể hết mọi chuyện tôi
biết. Thằng Long ngồi kế bên nãy giờ lắng tai nghe bỗng bật cười, lên tiếng:
- Bác coi! Anh Tám thật thà ghê! Kiểu này ảnh mà làm liên lạc,
tụi ngụy nó bắt được, chắc sẽ khai hết!
Bác trưởng thôn nháy mắt với nó, như bảo biết rồi. Bị chê là
bụng để ngoài da trước mặt người lạ tôi tự ái, bực mình nhưng cũng im lặng.
Chuyện vãn một hồi, hai đứa từ biệt ra về.
Dọc đường, tôi hỏi thằng Long tại sao không nên ăn nói thật thà.
Nó không đáp mà hỏi lại tôi:
- Anh có biết là em đã từng bị tụi lính ngụy nó chôn sống không?
Tôi trố mắt ngạc nhiên nhìn nó, ngỡ rằng mình nghe nhầm nên hỏi
lại:
- Chôn sống? ... Sao “anh” còn sống đến bây giờ? – Tuy nó là em
họ tôi nhưng lại lớn tuổi và cao hơn cả cái đầu nên tôi ngại gọi nó bằng em.
Nó nghe tôi hỏi vậy, cười hềnh hệch. Đôi mắt nhắm tít lại, hai
vai rung rung liên hồi. Cái thằng có kiểu cười rất khác người. Cười dứt nó nói:
- Anh khờ quá! Nó chỉ chôn đến cổ thôi!
- À! ...
Không đợi tôi hỏi gì tiếp, nó kể:
“Hôm đó, lính ngụy đi càn. Lùa cả xóm ra dông biển để hỏi hầm bí
mật, nơi cán bộ, du kích trốn. Không ai
khai gì. Hỏi gì mọi người cũng đều nói không biết nên tụi nó tức giận bắt đám
đàn bà con gái cởi truồng, đứng xếp một hàng dài bên mép sóng. Còn tụi em thì
bọn chúng đào một cái hố bắt nhảy xuống và lấp đất đến cổ.”
- Đàn ông, thanh niên thì sao?
- Họ chạy trốn từ trước hết cả rồi!
- Rồi sao nữa?
- Bọn lính lùng sục cả ngày mỏi mệt mà không có kết quả gì. Đến
xế chiều sợ bị tập kích, chúng rút về chi khu. Chờ chúng đi hết mọi người đào
cát, cứu tụi em lên.
Tôi bán tín bán nghi về câu chuyện nó kể, nhưng không hỏi gì
thêm. Nó cũng lặng im lầm lũi đi về nhà. Chuyện phụ nữ bị bắt cỡi truồng, hơi
khó kiểm chứng vì ngoài thằng Long tôi không còn nghe ai nhắc đến. Việc hỏi một
phụ nữ về chuyện như thế thật thiếu tế nhị nên cũng không ai làm, Và có lẽ họ
cũng không dám nói thật, nếu có. Nhưng còn chuyện mấy đứa trẻ choai choai ở xã
Phổ Xuân bị chôn sống trong một trận càn thì tôi cũng có nghe nhiều người kể.
Hình như đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam cũng nói đến. Khi đi học, trong một
bài đọc thêm ở cuốn Tập đọc lớp Hai, tôi cũng có đọc được chuyện này. Hôm bị
nạn với thằng Long còn có thêm ba đứa trẻ khác nữa. Năm 1976 tôi gặp một thằng
trong bọn chúng. Thằng này được đưa ra Bắc, cán bộ ngoài đó dùng nó làm vật
chứng sống dẫn đi khắp nơi tuyên truyền về tội ác Thiệu-Kỳ. Biết nó từ Bắc về
tôi tò mò hỏi thăm thiên đường miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa như thế nào. Nó chỉ
cười cười mà không nói gì. Năm 1979, vào Nha Trang đi biển rồi nó vượt biên
luôn. Hiện nay đang sống bên Mỹ. Đã bảo lãnh cả gia đình đứa em sang đoàn tụ
năm 2009.
Tôi kể lại chuyện trên không nhằm mục đích xuyên tạc, tố cáo,
chỉ trích gì ai hoặc bất cứ nhóm người nào mà chỉ là nhắc lại một câu chuyện
buồn của quá khứ chiến tranh đã xảy ra trên quê hương tôi. Nó như một vết sẹo
nhỏ in dấu ấn một thời khói lửa, đầy rẫy những câu chuyện kinh hoàng trên quê
hương tôi. Nó cũng là một phần ít ỏi hiểu biết về cuộc chiến tranh Việt Nam của
tôi trong những ngày thơ ấu.
oOo
Quê tôi nằm sát bờ Biển Đông. Từ nhà ra đến bãi biển khoảng
chừng 500 mét. Có những hôm biển động mạnh, nằm ở nhà nghe tiếng sóng ngã ì ầm,
rõ mồn một. Trong không khí hít thở luôn cảm giác được vị mặn của muối.
Thú vị nhất là vào những đêm mùa hè. Ở miền Trung, đêm mùa hạ,
rất nóng nực, khó ngủ. Bọn trẻ chúng tôi thường chờ trời sụp tối là rủ nhau
cuộn chiếc chiếu cũ đem ra trải trên bãi cát để nằm ngắm trăng, sao. Những đêm
rằm, mười sáu mà nhìn trăng đúng lúc vừa nhô lên khỏi đường chân trời thì thật
là tuyệt. Mặt trăng to, tròn vành vạnh vàng ối như một quả hồng chín khổng lồ
từ từ trồi lên khỏi mặt nước đen ngòm mênh mông. Những tia sáng đầu tiên trải
một vệt dài trên mặt biển lấp lánh, lung linh. Những đám mây hồng như những đóa
mẫu đơn kỳ vĩ dần dần chuyển sang màu trắng sữa. Khi vầng trăng lên cao mọi
người xúm lại tổ chức những trò chơi như kéo co, rượt bắt, bỏ khăn... Cuộc vui
kéo dài mãi đến khuya. Đứa nào cũng thấm mệt mới giải tán đi ngủ.
Những đêm có trăng đã vui, mà không trăng lại càng lý thú hơn.
Chờ lúc trời vừa tối, các anh chị lớn tuổi thường tổ chức “chạy còng”. Đó là
cách gọi trò rượt đuổi để bắt những chú dã tràng bên mép sóng. Chạy còng có hai
cách.
Cách thứ nhất là dùng một cái đèn măng-xông thắp sáng rực. Một
người lớn cầm đèn đi trước, bọn nhóc chúng tôi đi phía sau, chia ra hai bên tả,
hữu như dàn quân đánh lộn. Những chú còng gió to đùng chẳng quản ngày đêm se
cát lấp biển, đột nhiên nhìn thấy đất trời sáng lóa, liền ngừng chân đứng lại
giương đôi mắt ngờ nghệch lên nhìn. Chỉ đợi có thế, bọn trẻ theo sau chạy ào
lên, dùng những bàn tay nhỏ bé vồ lấy chúng. Nhiều con thoát được cố tìm đường
tháo chạy về phía biển. Ngay lập tức vài đứa nhanh nhẹn lao theo túm lấy. Nhiều
lúc vì quá hăng say bị vấp té, hoặc sóng đánh ướt mèm. Tuy vậy hẽ bắt được chú
còng là coi như lập được công trạng rồi, nên vui mừng ra mặt. Còng bắt được vội
vàng bỏ vào thùng thiếc có nắp đậy do một bạn xách theo sau. Đội hình không
ngừng di chuyển theo bề dài của bờ biển.
Cách thứ hai là dùng một mảnh lưới cước mềm, mắt lưới nhỏ, quê
tôi gọi là lưới bén, người miền Tây dùng để đánh bắt cá sông, làm dụng cụ vây
bắt. Tấm lưới giăng ngang, kéo dài từ mép sóng lên phía trên bãi khoảng 2 đến 3
mét. Mỗi đầu do một người cầm mí lưới (đầu phao), còn đáy lưới (đầu chì) thì
thả sát mặt đất. Hai người một trên một dưới cùng kéo tấm lưới chạy về phía
trước, đội hình chênh chếch nhau. Phía mép nước chạy trước vài bước để đón
lỏng. Khi bị kinh động những con còng tháo chạy về phía biển là sa ngay vào
lưới. Hễ chạy được một đoạn thì dừng lại, ụp đầu phao của tấm lưới xuống đất.
Bật đèn pin lên soi bắt những con còng đã dính vào lưới, gỡ chúng ra bỏ vào cái
thùng thiếc. Cứ như thế quy trình lại tiếp tục bắt đầu lại từ đầu. Có hôm ‘trúng
mánh’ có thể bắt được cả một thùng thiếc to.
Cuối buổi chạy còng xong, mọi người quây quần lại đốt một đống
lửa thật lớn để nướng hoặc rang số còng chiến lợi phẩm. Những con còng mập mạp
vừa béo vừa thơm, ăn nóng bên bếp lửa giữa khung cảnh vắng lặng mênh mông chỉ
có ánh sáng sao trời mờ mờ như thời tiền sử, cảm giác cũng thật kỳ thú. Tuổi
thơ của tôi là như vậy, ngập tràn niềm vui và những kỷ niệm gắn bó bên miền
thùy dương sóng xanh cát trắng.
Cuộc sống của những đứa trẻ miền bãi ngang thuở trước vốn vô
cùng gần gũi với mẹ thiên nhiên. Đứa trẻ nào cũng đen nhẻm. Da thịt, tóc tai
thấm mùi biển mặn. Đứa nào trông cũng khỏe mạnh, rắn rỏi.
oOo
Kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha tắc ké, tắc ké là mẹ kỳ
nhông."
Cái câu đồng dao ‘quái dị’ này lũ trẻ con chuyên ‘đi săn kỳ
nhông’ chúng tôi thường hay đọc. Mặc dù chẳng hiểu ý nghĩa nội dung, nhưng
những con vật được nhắc tên, đặc biệt là con nhông (con dông), không đứa nào là
không biết.
Có lẽ chúng tôi không dữ dội về tài học tập hay tài hoàn thành
xuất sắc kế hoạch nhỏ như một số bạn cùng trang lứa ở những miền thôn dã khác;
nhưng còn ‘vui thú điền viên’ thì chẳng thua ai. Ngoài những trò chơi ngu như
lùng bắt tổ chim, chọc phá tổ ong, bọn tôi thường rủ nhau bắt ếch, chạy còng,
đào nhông... Nghĩa là toàn những công việc ‘đổ mồ hôi, sôi nước mắt’. Ban ngày
bọn chúng tôi lang thang dưới nắng gắt, đêm thì dầm sương lạnh, bận rộn với
những thứ trò chơi (hay việc làm?) mà bọn trẻ thị thành chắc hẳn không có mấy
đứa biết được chứ nói gì đến thích.
Hàng năm, qua Tết âm lịch, tiết trời miền Trung bắt đầu ấm áp
dần lên. Đó cũng là lúc lũ chúng tôi mong chóng tới kỳ nghỉ hè. Mấy cái thú vui
như tắm biển, tắm sông, thả diều, đá dế, chọi gà... thì không đứa nào chê chán.
Lễ tổng kết năm học vừa xong cũng là lúc ‘chữ trả cho thầy’ để được thả ga với
những trò chơi miền quê.
Bẫy nhông là thứ một thời khó quên. Con nhông cát thoạt nhìn
cũng hơi giống con rắn mối, nhưng thân hình dẹt hơn, đuôi dài hơn. Chúng thường
đào hang sống trong những cánh rừng phi lao dọc theo bờ biển hoặc trên những
trảng cát hoang vắng. Chỉ cần một nơi khô cằn mà có vài bụi gai lưỡi hùm, gai
kim đàn... là chúng có thể sinh trưởng được. Suốt mùa đông, kỳ nhông trốn dưới
lòng đất, tự ăn đuôi mình để sinh tồn. Mùa xuân đến, chúng mới đào đất chui
lên. Khoảng tháng 4, tháng 5 con nào con nấy đã mập mạp. Đó cũng là lúc bọn trẻ
con chúng tôi được nghỉ hè; và cũng là lúc khởi đầu cho mùa săn kỳ nhông.
Kỳ nhông có thể thay đổi màu da cho phù hợp với cảnh vật xung
quanh. Chúng chạy rất nhanh, chuyển hướng rất linh hoạt lại rất cảnh giác. Vì
thế rượt bắt chúng là điều không thể. Muốn tóm được một con nhông phải truy tầm
đến tận sào huyệt của nó. Hang của chúng thường nằm cạnh các lùm bụi hoặc các
gò mả hoang.
Ai muốn bắt kỳ nhông bằng cách đào hang phải đi từ lúc nửa buổi
chiều. Khi đó mặt trời còn nắng gắt, nhông trốn vào hang tránh nóng. Phải tinh
mắt và biết phân biệt hang mới hang cũ thì mới có thu hoạch. Cần tìm những cái
hang có dấu đất và dấu chân mới, tránh những hang cũ đã bị phế bỏ. Kỳ nhông
chui trốn rất sâu trong lòng đất, nên cần phải có cái que dài thọc vào hang để
đo tầm mà đào. Nhiều con khôn ngoan kiến tạo hang theo hình chữ z nhiều ngõ ngách rất khó lần. Có khi đào sâu
cả mét rồi bị mất dấu, đành bỏ cuộc là chuyện thường.
Cách đơn giản, ít nhọc sức hơn là gài bẫy để bắt kỳ nhông. Chẳng
biết từ đời nào, và do ai sáng tạo ra, ở quê tôi có phổ biến một loại vũ khí
bẫy kỳ nhông vô cùng hữu hiệu. Người ta dùng cái ống nhựa, hoặc khúc tre ngọn
rỗng ruột, to bằng cái ống giang thổi lửa. Đem cưa nó ra từng đoạn ngắn chừng 6
- 7 cm. Lại dùng một mảnh tre cật, già, có sức đàn hồi mạnh và dẻo dai, dài
chừng bốn tấc, chuốt mỏng. Một đầu thanh tre kẹp vào ống nhựa; đầu kia buộc vào
sợi dây nhợ đã có gắn sẵn một lưỡi gà (cái lẫy cò) cũng bằng tre. Trên cái ống
nhựa, phía đối diện với thanh tre, ta dùi một lỗ nhỏ luồn sợi dây nhợ qua và
thắt một cái vòng thòng lọng ở cuối sợi dây. Đặt cái vòng cước nằm sát vào bề
mặt trong của ống nhựa. Gắn cái lưỡi gà vào mép ống để giữ thòng lọng ở yên vị
trí. Lúc này thanh tre cong như một cánh cung. Khi con nhông chui từ hang ra,
liền thò đầu vào thòng lọng, rồi chạm vào lưỡi gà khiến cánh cung bật lên. Thé
là con vật bị siết vào cổ, treo lơ lửng khỏi mặt đất, hết cách thoát thân.
Chiều chiều chúng tôi thường lang thang nơi các trảng vắng, hoặc
rừng phi lao để đặt những cái bẫy như thế. Qua một đêm, đến 10 giờ sáng hôm sau
mới trở lại chỗ cũ thu gom số bẫy kia.
Những con nhông xấu số được buộc thành một xâu chiến lợi phẩm mang về.
Thịt nhông rất thơm ngon, có thể làm được nhiều món để nhậu như
xào sả ớt, cuốn với lá lốt chiên như thịt bò, hoặc nấu cháo... ăn rất bổ dưỡng.
Còn món bằm sả ớt, cuốn với lá ổi non nướng trên than hồng, nếu ai đã từng ăn
một lần chắc chắn sẽ muốn ăn lại lần thứ hai.
Mùa hè, cũng là mùa sôi động nhất của bọn trẻ nhà quê. Ngoài những cái bẫy nhông, chúng tôi còn tạo
ra những cái bẫy vô tiền khoáng hậu khác để bắt những chú chim tí hon.
Muốn làm loại bẫy này phải đi lượm cùi, vỏ, và xơ mít về nạo lấy
mủ quệt lên bề mặt một tấm ván nhỏ. Lớp mủ cây phải đủ dày và dẻo để chân chim
dính vào không thể nhúc nhích. Xong xuôi, bỏ vào chính giữa cái bẫy mấy hạt
lúa, mẩu khoai hoặc gạo trắng. Sau đó, tìm một góc vườn ít người qua lại đặt
“bẫy” lên trên nền đất. Mấy chú chim sâu, chóc quạch (quành quạch), đội mũ
(chào mào)... trông thấy thóc sà xuống ăn. Thế là chân chúng dính ngay vào mủ
mít như bị dán keo Krazy Glue, không thể nào cất cánh bay lên được. Bọn tôi chỉ
việc chạy ngay tới túm lấy, bỏ vào lồng là xong.
oOo
Chùm chu (dủ dẻ), chùm
chày
Ngày xưa sao ghét, ngày
rày sao thương?
Đó là câu đồng dao mà có lẽ đứa trẻ nào ở quê tôi cũng thuộc.
Chùm chu là một loại cây bụi, mọc hoang dã ở những nơi đất khô, cằn
cỗi hoang vu hoặc nơi bờ rào, bờ giậu trong xóm làng. Bụi chùm chu cao chừng
70cm đến 1mét 2, tàn lá xum xuê, rậm rạp, có màu xanh lục rất đậm. Cây bắt đầu
ra hoa vào độ khoảng tháng Giêng âm lịch. Hoa chùm chu màu vàng nhạt. có nhiều
cánh nhỏ, hơi dày, khi nỡ đều, tròn xoe như cái bông vụ, trông thật đẹp. Đặc
biệt hoa có mùi thơm ngào ngạt rất dễ chịu. Lúc nhỏ bọn trẻ nhà quê chúng tôi
thường đi men theo những bờ rào để hái hoa ngửi mùi thơm hoặc dùng nó làm bông
vụ búng thi coi ai làm cho cái hoa của mình quay lâu hơn.
Quả chùm chu kết thành chùm, to nhỏ không đều, khi chín căng
mọng và vàng ươm. Quả có mùi thơm nhẹ dễ chịu lại ngọt thanh nên ai cũng thích
ăn. Khi ăn phải lột vỏ bỏ hột, chỉ thưởng thức lớp cơm trắng ngà, mềm, ứa nước
bên trong. Ăn cả vỏ cũng được nhưng hơi nhám và có vị chát. Chùm chu là loại
cây hoang dã ra trái hầu như quanh năm nhưng không nhiều nên không có ai hái
bán.
Vào khoảng từ giữa cho đến cuối hạ là mùa chùm chu chín rộ ở quê
tôi. Muốn ăn bọn trẻ con chúng tôi phải rủ nhau đi hái. Vì bụi chùm chu mọc ở
những nơi hoang vắng như bãi tha ma, cấm (nơi có nhiều cây cối rậm rạp) hoặc
đồi dốc nên bọn tôi không dám đi hái một mình mà phải rủ dăm ba đứa cùng đi.
Chúng tôi mang theo mỗi đứa một cái cảu (loại rổ nhỏ) lang thang lùng sục trong
bờ rào tìm từng chùm quả dủ dẻ chín vàng để hái. Nhiều hôm phải đi xa làng cả
vài ki-lô-mét. Mỗi lần phát hiện được những chùm quả to, da căng vàng mừng còn
hơn người ta bây giờ trúng số độc đắc. Có nhiều khi vội vàng sơ ý, ham hái quả
mà có đứa bị rắn lục cắn, nguy hiểm vô cùng.
Bên cạnh những quả chùm chu vàng ruộm còn có những quả chùm chày
đỏ mọng trông bắt mắt, thật ngon. Chùm chày cũng là giống cây bụi thấp mọc
hoang dã như chùm chu. Trái cũng chín vào mùa hè nên cũng là thứ bọn trẻ chúng
tôi ưa tìm hái. Trái chùm chày giống như trái đậu que nhưng nhỏ và ngắn hơn,
kết thành chùm. Lúc còn non có màu xanh lục, khi chín đỏ sẫm, mỗi quả như một
que chuỗi hạt cườm trông rất đẹp. Chùm chày cũng có vị ngọt thanh nhưng không
thơm. Ruột cơm của chùm chày mỏng nên không được yêu chuộng bằng chùm chu.
Ngoài chùm chu và chùm chày bọn trẻ con đứa nào cũng thích hái
cho vào miệng những trái ổi sẻ thơm phức tròn tròn như trái mù u. Cái thứ quả
xanh xanh, lúc chín lại ngả sang màu hơi trăng trắng này vừa giòn vừa ngọt, ai
mà chả thích? Mùa hè là thời gian để ổi
chín. Quê tôi những loại ổi to như ổi xá lị thì hiếm chứ còn loại ổi sẽ trái
nhỏ, mọc hoang dại khắp nơi. Vườn nhà tôi có những hai ba cây. Tới mùa trái
chín thơm nức mũi. Nhiều hôm lâu ngày không ra vườn, trái rụng đầy gốc. Có quả chim
khoét một nửa rồi bỏ, phô cái ruột đỏ tươi trông thật bắt mắt.
Muốn ăn ổi đừng để nó chín mềm nhũn mất ngon. Chỉ cần hơi ươn
ươn, chua chua là hái được. Cầm nguyên quả ổi mới hái từ trên cây xuống, lau sơ
qua lớp bụi, rồi cắn vào lớp vỏ bóng mướt, giòn tan. Một mùi thơm nhè nhẹ xông
lên mũi. Đồng thời vị ngòn ngọt chua chua thấm dần vào đầu lưỡi mới tuyệt vời
làm sao. Không nên dùng dao để xẻ ổi, mà cứ cắn ngập răng vào lớp vỏ để thưởng
thức ngay cái hương vị của thứ trái cây hoang dã này thấm vào kẽ răng.
Thỉnh thoảng lũ trẻ lối xóm tinh nghịch rủ nhau đi hái trộm
những trái ổi sẻ vườn nhà tôi để ăn vặt, phá phách cho vui. Nhất quỷ nhì ma thứ
ba học trò mà. Mẹ tôi không đuổi đánh mà còn khuyên bọn chúng leo trèo cẩn
thận, đừng để té gãy tay gãy chân. Bọn trẻ con nhà quê chúng tôi ngày đó không
có nhiều bánh kẹo để ăn như bọn trẻ bây giờ. Thế nên những loại trái cây hoang
dại như chùm chu, chùm chày, và ổi sẻ... là những món ăn tuyệt vời nhất mà
chúng tôi có thể tự tìm hái được. Những thứ quả ngọt của đồng quê ấy, và những
chiều lang thang là những kỷ niệm của một thời thơ ấu sẽ mãi mãi không bao giờ
quên.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Kim Yến đọc truyện
ngắn
"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng
Xuân Xuyến:
*.
TRẦN ĐỨC PHỔ
Địa chỉ: 819 KLEINBURG DR
London, Canada
Email: ducphot946@gmail.com
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.02.2024
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn:
internet.
- Bài viết không thể
hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét