THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP ĐỂ GIA TĂNG ĐỐT LÒ - Tác giả: Bùi Thanh Hiếu (Đức)

Leave a Comment

 


THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP

ĐỂ GIA TĂNG ĐỐT LÒ

Cuộc đốt lò của đảng đang ngày một gia tăng về số lượng cũng như về chức vụ. Nhiều uỷ viên Bộ Chính trị là những vị trí bất khả xâm phạm trước kia, nay đã có người phải vào tù, nhiều người bị kỷ luật cảnh cáo buộc phải làm đơn xin rút.

Số lượng bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh bị bắt tù lên đến hàng chục. Trong khi mới trước đây vài năm chỉ bắt phó chủ tịch một tỉnh đã chấn động dư luận thì đến ngày hôm nay bắt một bí thư, chủ tịch là chuyện bình thường.

Từ khi vụ Việt Á xảy ra, trong dư luận đã có ý kiến cho rằng vụ việc này xuất phát từ thể chế, do chính sách mua bán đấu thầu y tế bất cập và cho rằng việc bắt bớ tràn làn, không xem xét dẫn đến sẽ thiếu cán bộ phục vụ đất nước. Luồng ý kiến này có vẻ lan rộng, đến nay thì ý kiến này gắn đến chuyện phát triểtn kinh tế đất nước. Nhiều người cho rằng việc bắt bớ các quan chức sẽ khiến kinh tế suy giảm, không kích cầu, các nhà đầu tư lo sợ. Thậm chí còn cho rằng tham nhũng cũng kích thích đất nước phát triển vì quan chức có ăn thì họ mới duyệt các dự án đầu tư.

Các quan điểm trên là nguỵ biện, nhằm mục đích bao che cho quan chức sai phạm, xuất phát ý kiến này là từ những doanh nghiệp quen thói làm ăn bất chính, dựa dẫm vào sự tha hoá của cán bộ lãnh đạo để dành được những đặc quyền, đặc lợi trong dự án của mình. Ngoài ra là những tay chân của quan chức đang bị sờ đến. Chúng tuyên truyền việc đốt lò có tác hại ảnh hưởng đến kinh tế để reo nỗi hoang mang trong dư luận, dẫn đến những người chủ trương đốt lò phải e ngại mà chùng tay.

Thực chất đây là thời điểm thích hợp nhất để công cuộc đốt lò phải sâu rộng, đưa nhiều quan chức sai phạm vào tù hơn bất cứ lúc nào. Không cần phải e ngại mất dự án, không có người làm việc.

Bởi bối cảnh thế giới bây giờ đang suy thoái kinh tế toàn cầu, chiến tranh khu vực căng thẳng và tăng cường mức độ. Nguồn cung câù nguyên vật liệu, xăng dầu khó khăn, đội giá. Không phải thời điểm để làm ăn kinh tế, đầu tư phát triển. Nhiều dự án được phê duyệt nhiều năm nhưng không có nguồn vốn để triển khai. Các nước đầu tư dẫn đầu trong năm trước là Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc , Sing và Trung Quốc.

Các nhà đầu tư phương Tây vẫn đứng trong danh sách thấp những nhà đầu tư vào Việt Nam, trong tương lai với chủ trương quan hệ đa phương với tất cả mọi quốc gia, miễn sao có lợi ích kinh tế cho cả hai bên, cùng với việc nâng cao quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Nhật Bản cho thấy chủ trương Việt Nam muốn chú trọng tìm kiếm những nhà đầu tư lớn từ phương Tây là thực tâm.

Các nhà đầu tư châu Á tuy lớn, nhưng nếu nhìn kỹ họ thường tận dụng tâm lý cán bộ lãnh đạo Việt Nam hám lợi, tìm cách hối lộ, đút lót để đạt được những lợi ích. Họ thường chuyển lãi sang công ty mẹ bên nước họ, báo lỗ hay lãi thấp trong các khu công nghiệp của họ ở Việt Nam. Việt Nam ưu ái cho họ nhiều, nhưng đổi lại chỉ giải quyết công ăn việc làm ở mức lương thấp cho người lao động. Trong cách doanh nghiệp của Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc người lao đông Việt Nam bị đối xử bất công, bắt ép tăng giờ làm, chế độ nghỉ ngơi, vệ sinh hà khắc.

Trong tình hình không làm ăn được gì do khách quan diễn biến quốc tế đưa lại, chỉ có những nhà đầu tư châu Á không mấy thiện tâm, lại chờ đón vài năm tình hình kinh tế thế giới khởi sắc để đón đợi những nhà đầu tư lớn từ phương Tây. Thử hỏi có gì thích hợp hơn là xử lý thẳng tay những cán bộ biến chất mạnh mẽ hơn, quyết lệt hơn. Biến việc xử lý cán bộ lãnh đạo có sai phạm thành một thứ văn hoá, một sự tư duy quen thuộc trong ý thức người dân cả nước.

Khi công cuộc đốt lò từ ý chí của người lãnh đạo đảng cao cấp nhất được tiến hành mạnh mẽ và sâu rộng, trở thành một nếp nghĩ, một văn hoá trong toàn dân. Rằng mọi sai phạm đều được xử lý, những ý kiến dư luận bức xúc về quan chức lãnh đạo nào sai phạm đều được đảng quan tâm xem xét. Từ trong đảng đến nhân dân đều cho việc xử lý một lãnh đạo cao cấp sai phạm là chuyện bình thường, không phải do đấu đá hạ bệ nhau, không phải do phe phái vùng miền tiêu diệt nhau.

Điều này giải quyết được hoài nghi về kết quả chống tham nhũng, khi ý kiến cho rằng, khi ông Trọng về hưu thì mọi việc tham nhũng sẽ trở lại như cũ.

Tuy nhiên để ý chí của một người như ông Trọng trở thành văn hoá chống tham nhũng, thành ý thức bình thường trong mỗi người dân. Cần phải tiếp tục phanh phui, xử lý nhiều cán bộ lãnh đạo hơn nữa để rèn ý thức này trong toàn đảng, toàn dân. Cần chú ý là những vùng miền có nhiều uỷ viên trung ương, nhiều cán bộ lãnh đạo chưa bị sờ tới để xem xét kiểm tra, có những cán bộ nào vi phạm phải xử lý làm gương để dập tắt ý kiến cho rằng chống tham nhũng là đấu đá vùng miền. Vụ việc bà chủ tịch hội phụ nữ Hà Tĩnh đi xe công trái quy định, gây bức xúc dư luận nhưng chỉ bị kiểm điểm nhận sai phạm và hứa không tái diễn vi phạm, đồng thời xử phạt lái xe với nhà báo đưa tin là vết nhơ trong xử lý cán bộ, tăng thêm sự hoài nghi về sự bất khả xâm phạm của cán bộ lãnh đạo gốc Hà Tĩnh trong cuộc đốt lò. Nhất là sau vụ Forrmosa ông Võ Kim Cự vẫn là uỷ viên trung ương đảng.

Gia tăng bắt bớ, xử lý quan chức sai phạm tại thời điểm bây giờ không gây khó khăn vì tình hình kinh tế suy thoái khách quan đưa lại. Như một chiếc xe đang chạy băng băng mà thanh trừng mạnh tay có lẽ sẽ ảnh hưởng đến tốc độ, nhưng lúc xe đang dừng hay chạy chậm thì không xử lý những tài xế có vấn đề thì đợi lúc nào xử lý. Xử lý gay gắt ngay để làm gương, để chấn chỉnh những cán bộ lãnh đạo sau này khi tiếp chức, trước tình hình kinh tế khả quan, các nhà đầu tư lớn tìm đến, họ có ý thức làm việc vì nước vì dân.

Cái lớn nhất mà cuộc chống tham nhũng chưa có trong lịch sử đảng CSVN từ khi lãnh đạo đến nay, đó là cần phải mang lại văn hoá chống tham nhũng ăn sâu vào nếp nghĩ mọi giai tầng xã hội. Từ đó hình thành sức mạnh tổng hợp, tạo nên áp lực đấu tranh gay gắt, quyết liệt với quan liêu, tham nhũng. Đây mới là điều cốt lõi, điều giá trị nhất, có tính bền vững nhất. Nếu chùn tay hoặc giảm bớt mức độ chống tham nhũng, xử lý cán bộ bây giờ, tính chất của cuộc chống tham nhũng trở thành tính nhất thời trong giai đoạn nhất thời, để mị dân hay để che đậy cuộc thanh trừng vùng miền, phe cánh.

Trước kia chỉ cần chủ tịch huyện, phó chủ tịch tỉnh, vụ trưởng bị xử lý là dân tình ngỡ ngàng. Vì họ nghĩ cán bộ lãnh đạo giàu có là đương nhiên, tham nhũng là đương nhiên và không bị xử lý cũng là đương nhiên. Giờ khi thấy lãnh đạo cao cấp hơn như bộ trưởng, bí thư tỉnh bị bắt tù phút mốt là chuyện bình thường vì liên quan tham nhũng. Đó là một thành công của cuộc chống tham nhũng trong suy nghĩ người dân và cán bộ đảng.

Rất mong thời gian tới, ông tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam có sức khoẻ và có sự kiên định mạnh mẽ, biến ý chí cá nhân chống tham nhũng của ông hình thành một văn hoá, một ý thức trong toàn đảng, toàn dân.

-------

Nguồn:https://www.facebook.com/nguoibuon.gio.9/posts/pfbid0CSnLsPhpHMELqWCeKWsJsq8VXCVr4JskXuBsgtUvVNLW77ZMZDwhi3vGkhz1SG6Pl

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ HỒN QUÊ:

*.

BÙI THANH HIẾU (Người Buôn Gió)

Quê quán: huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Nơi sinh: Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cư trú tại: thành phố Berlin, Liên bang Đức.

 

  

 

 

.............................................................................................

- Cập nhật nguyên bản từ facebook Bùi Thanh Hiếu ngày 30.03.2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến       

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét