CÓ
PHẢI “TRÀNG GIANG” CỦA HUY CẬN
LÀ CON SÔNG KHÔNG
CÓ NƯỚC?
*
(Tác giả Trần Mạnh Hảo) |
Báo
“Nông Nghiệp Việt Nam” số 149, thứ hai ngày 28-7-2003 có in bài “BÀI THƠ TRÀNG
GIANG ĐÃ BỊ XUYÊN TẠC NHƯ THẾ NÀO?” của tác giả Lê Quang Hưng, đáp lại bài
chúng tôi phê bình Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Sử “Cần hiểu đúng bài thơ Tràng
Giang” in trên “Nông Nghiệp Việt Nam” 25-6-2003 và in trên báo “Gia đình & Xã
Hội” cuối tuần số 74, ngày 21-6-2003.
Chúng tôi tôn trọng
tình cảm tôn sư trọng đạo của ông Lê Quang Hưng, thấy thầy mình là Giáo sư,
Tiến sĩ Trần Đình Sử bị phê bình vì chưa hiểu nổi bài thơ “Tràng Giang”, bèn cả
giận mà xông vào bênh thầy, không cần biết ất giáp ai đúng, ai sai gì, mắng kẻ
dám phê bình thầy mình là “xuyên tạc” là một từ nặng nề dùng để chỉ hành vi phi
đạo đức có thể bị truy tố tội hình sự. “Xuyên tạc” nghĩa từ điển như sau: “Xuyên
tạc: Bóp méo, làm cho sai khác sự thật nhằm mục đích xấu: xuyên tạc tình hình,
luận điệu xuyên tạc” (Đại từ điển Tiếng Việt trang 1879 - Nhà Xuất bản Văn Hóa
thông tin-1999). Xin ông Hưng dù yêu thầy mình đến mức nào đi nữa thì khi phản
phê bình cũng phải tôn trọng sự thật khách quan. Với cái “tít” bài quá sức nặng
“đô” cảm tính, chủ quan, thiếu tinh thần khoa học, ông Lê Quang Hưng không hề
đếm xỉa gì đến những cái sai của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Sử, cắt xén ý kiến
chúng tôi khỏi văn cảnh của văn bản phê bình, tách ý “phê” của chúng tôi ra
khỏi cái căn nguyên “sai” của ông Sử, rồi với thái độ cả giận mất không mà lên
án chúng tôi không thể hiểu nổi nỗi buồn Huy Cận.
Chúng tôi xin nhắc
lại những cái sai của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Sử trong bài đã dẫn, những
điều ông Lê Quang Hưng không hề nhắc tới, ví như ông Sử bảo: “Huy Cận một mình
đối diện với cảnh vô tình”, “Tràng Giang” là “cái đẹp thiếu tình người”, “Một
thế giới không liên hệ”, “hờ hững, mất hết liên lạc giữa các sự vật”, “Mọi vật
thì vẫn có, nhưng không vật nào có ý tìm nhau, đến với nhau, cần đến nhau”, “Cô
liêu là vắng vẻ”, “nắng xuống, trời lên không chỉ gợi ra khung cảnh nắng chiều
mà bản thân hai hướng lên xuống như không ăn nhập với nhau”, “đặt bên nhau
những yếu tố không có gì là buồn để tạo nên một cảnh buồn”, “thuyền và nước chỉ
song so sai đúng ng với nhau chứ không gắn bó gì với nhau”... Toàn bộ cảnh vật
trong “Tràng Giang” đều đẫm tình người, đẫm hồn bơ vơ Huy Cận mà ông Sử bảo
chúng là “CẢNH VÔ TÌNH”, là “CÁI ĐẸP THIẾU TÌNH NGƯỜI” thì đó là gì nếu không
phải là sự “MÙ THƠ” của Trần Đình Sử? Chúng tôi luôn bám sát những cái sai trên
của ông Sử để phân tích, kết luận. Còn ông Lê Quang Hưng hoàn toàn tách những ý
kiến của chúng tôi ra khỏi “văn bản sai” của ông Sử để bắt bẻ, quy kết là một
thái độ phi khoa học. Trong bài viết của mình, ông Hưng đã ba lần “thao tác”
một chiều như vậy.
Về câu thơ Huy Cận:
“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả” ông Hưng cho rằng phải ngắt thành nhịp như
sau mới đúng: “Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả” mới đúng. Ông Hưng viết như
sau: “Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe có giáo viên giảng rằng thuyền về thì nước lại
(tiếp, thêm) sầu bởi phải chia ly. Nghĩa là những người này lầm câu thơ ngắt
nhịp 2/5 và “nước” là chủ thể của “sầu”. Viết như thế này, chứng tỏ ông Hưng
chưa đọc bài bình giảng “Tràng Giang” của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Sử. Trong
bài viết phản bác chúng tôi có tên là “xuyên tạc kia”, ông Hưng cho rằng ông Sử
đúng tất, còn “ông Hảo” sai tất. Thì đây, xin ông Hưng tiếp nhận cái đúng của
ông Sử, khi ông Sử viết ngược lại với ông Hưng như sau: “Thuyền đi với dòng để
rồi chia li với dòng. Câu thơ thứ ba đã nói tới sự chia li: Thuyền về, nước lại
sầu trăm ngả. Nước buồn như không biết trôi về đâu”. Vậy thì trong việc thẩm
câu thơ này ngược nhau đến 180 độ giữa ông Sử và ông Hưng, ai sai, ai đúng đây?
Ở chỗ này, bộc lộ mâu thuẫn trong lập luận của ông Hưng, lúc ông bảo ông Sử
đúng tất, lúc lại phê cách hiểu của ông Sử là sai vì ông Sử đã cho “nước” là “chủ
thể sầu”. Xin hãy đọc lời bình câu thơ “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả” của
ông Lê Quang Hưng bác cách hiểu của cả ông Sử và “ông Hảo” như sau: “Không gian
chia thành trăm ngả, mênh mông tứ bề như ngả nào cũng ngấm đậm nỗi sầu. Đây là
trăm ngả sầu chứ không phải nước lại sầu ...”
Trong lời bình trên
của ông Hưng có một sự phát hiện khá thú vị, đây có thể là một phát hiện mới về
bài thơ “Tràng Giang” chăng ? Rằng cứ trong ý tứ ông Hưng mà suy thì “Tràng
Giang” của Huy Cận là con sông không còn một tẹo nước, nghĩa là sông chết, sông
không có nước. Theo “Đại từ điển Tiếng Việt” đã dẫn, trang 1456, định nghĩa
sông như sau: “Dòng nước tự nhiên tương đối lớn, chảy thường xuên trên mặt đất,
thuyền bè đi lại được”. Ở lời bình trên, ông Hưng cho rằng “trăm ngả sầu chứ
không phải nước lại sầu”. Thưa ông Hưng trăm ngả ở đây chính là trăm ngả sông
đấy. Mà theo ông trăm ngả đều sầu, chỉ nước không sầu mà thôi thì đây đúng là
dòng sông không có nước rồi còn gì. Sông tức là nước như định nghĩa của từ
điển, mà ông cho rằng trăm ngả đều sầu, chỉ nước không sầu mà thôi, thì đây có
phải là phát hiện về “Tràng Giang” là con sông chết hay do căn bệnh mù thơ của
ông Hưng mà ra thì xin bạn đọc phán xét .,.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CUỒNG YÊU:
*.
TRẦN MẠNH
HẢO
Địa chỉ: 21/22 Xuân Thủy, phường Thảo Điền,
quận 2, Thủ
Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Email: cokhicon@gmail.com
Điện thoại: 091 841 00 42
.............................................................................................................
- Cập nhật từ email: tahongtruong@yahoo.com.vn, ngày 25.07.2021.
- Ảnh dùng
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét