LUẬT NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VÀ KHOA HỌC - Tác giả: Thái Minh Trung ; Đinh Hoàng Long giới thiệu

Leave a Comment

 


LUẬT NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI SỐNG

XÃ HỘI VÀ KHOA HỌC

 

Nhân quả không phải là một khái niệm tôn giáo mà là một quy luật thiên nhiên ảnh hưởng thế giới nội tâm và thế giới vật chất. Nhân quả còn là một lực gắn liền hai biến cố với nhau qua không gian và thời gian.

 

LUẬT NHÂN QUẢ LÀ MỘT CUỘC CÁCH MẠNG TÂM LINH

Khi con người không hiểu luật nhân quả, con người sống trong sự sợ hãi mê tín mù mờ. Họ giải thích những hiện tượng thiên nhiên qua sự mê tín dị đoan. Thí dụ khi hạn hán mất mùa, họ nghĩ là vì ông thần đất đai giận nên phải hối lộ ông ta bằng cách cúng bái mới có được trời mưa. Mới đầu thì tế lễ bằng con gà không có hiệu quả, rồi đến con bò, đến khi sự cuồng tín lên cao có thể dẫn đến giết một em bé hay một trinh nữ để tế thần như dân tộc Incas đã từng làm. Ngoài ra trong cuộc sống hàng ngày, đi, đứng, làm cái gì quan trọng thì phải coi ngày giờ tốt như vậy để tránh sự sợ hãi của những điều xấu xảy ra bất thần chứ không hẳn là tránh được những điều xấu. Nếu quả thật có như vậy thì thế giới này không có sự đau khổ vì mọi sự đều theo ý muốn của con người. Nếu vị vua nhờ thầy địa lý giỏi nhất nước để xây cung điện nhưng nếu không thương dân, sưu cao thuế nặng, chính sách hà khắc thì ngai vàng khó giữ vững bền lâu vì bị nội loạn. Nói về hành động cá nhân, nếu không nhận thức có luật nhân quả thì không có gì ngăn cản con người làm việc ác miễn sao trốn tránh được cặp mắt của luật pháp là được, cho nên xã hội rất bấp bênh. Nếu vua và dân hiểu được luật nhân quả thì đất nước dễ thanh bình và nhân dân sẽ được hạnh phúc.

Khi Đức Phật giác ngộ thì Ngài nhận ra luật nhân quả là nền tảng của thế giới tâm linh và vật chất. Mọi hiện tượng từ tâm lý đến vật chất đều có những sự liên quan vô hình rất chặt chẽ, đó là luật nhân quả. Luật nhân quả là sợi dây vô hình nối liền hai biến cố xuyên qua thời gian và không gian. Cho nên khi hiểu luật nhân quả, ta có thể thay đổi biến cố đó theo chiều thuận cho ta, thay vì phải lo sợ hối lộ hoặc cầu khẩn một vị thần linh tưởng tượng nào đó phù hộ cho ta hoặc thỏa mãn điều ta mong ước. Sự mê tín cuối cùng sẽ đưa đến sự thất vọng và mặc cảm tội lỗi (ta có tội nặng quá nên vị thần không giúp được).

Luật nhân quả rất đơn giản, nếu muốn có một kết quả tốt thì ta phải tạo nhân lành. Thí dụ như khi ta nuôi dưỡng một ý nghĩ hận thù thì ta không thể vui cười hồn nhiên được. Khi ta gạt gẫm người khác thì tối về ngủ không yên giấc vì sợ bị phát hiện. Khi ta gieo hạt lúa thì không bao giờ được cây cổ thụ. Khi con người bắt đầu hiểu được như vậy thì họ lấy về được một phần sức mạnh của những vị thần linh. Họ bắt đầu làm chủ được tương lai của họ và lấy lại định mệnh của họ từ tay các vị thần. Hiểu và tin được luật nhân quả là một cuộc cách mạng tâm linh (spiritual revolution) vì sự nhận thức đó sẽ phá tan gông cùm của sự mê tín và giúp con người làm chủ được cuộc sống của họ.

 

LUẬT NHÂN QUẢ VÀ KHÁI NIỆM KHÔNG GIAN THỜI GIAN

Khi đi từ thế giới tâm linh qua thế giới vật chất thì sự thể hiện của luật nhân quả thay đổi từ rõ đến mờ. Sự thể nghiệm ở thế giới tâm linh rất nhanh và rõ nhưng khi qua cái màn nặng nề của thế giới vật chất thì luật nhân quả bị loãng ra vì phải trải qua nhiều thời gian mới hiện ra rõ được. Cũng vì thế mà khi con mắt bị vật chất làm mờ rồi rất khó mà nhận thức luật nhân quả. Thí dụ như kẻ trộm thành công một vài lần rất khó nhận thức rằng mình sớm muộn gì sẽ vào tù. Nếu kẻ trộm đó nhận thức rằng mình cần phải thay đổi lòng tham của mình (thế giới tâm lý) thì trong tức khắc có khả năng thay đổi được chiều hướng cuộc sống mình bằng cách học nghề và làm ăn lương thiện. Ngược lại nếu anh ta cứ tiếp tục hành nghề bất lương, lòng tham càng lớn và ăn trộm càng táo bạo hơn, thì một thời gian sau đó anh bị bắt vào tù và sẽ hối hận (thế giới vật chất). Như vậy khi nhận thức ở tâm linh thì chuyển nghiệp rất nhanh, đợi khi nó thể hiện ở cõi vật chất rồi thì cái thời gian thay đổi rất chậm chạp, khó khăn, phức tạp và khổ sở. Với đời sống con người có giới hạn thời gian, sự nhận thức có được khi hoàn cảnh xấu xảy ra đôi lúc quá trễ. Con người có thể không còn đủ thời giờ để cải thiện. Ngoài ra khi họ tiến quá sâu trong hoàn cảnh xấu, trở lại điểm ban đầu rất là gian nan. Thí dụ như anh trộm khi ra tù muốn học lại thì tuổi cao, kiến thức đổi khác nhiều, bạn bè cùng lứa đã có sự nghiệp thành công hết. Anh ta phải khuất phục sự chậm chạp của tuổi cao và lòng mặc cảm để đi học lại. Mặc dù như thế, anh ta sẽ khó mà ngang hàng với các bạn được vì mất khoảng thời gian quá lâu trong tù.

Khi hiểu được luật nhân quả thì câu hỏi có định mệnh hay không là tùy nơi con người. Định mệnh có thật khi ta để lực nhân quả lôi cuốn và thụ động để cái nhân ở tâm lý biến thành cái quả ở thế giới vật chất. Định mệnh không có khi ta chủ động biến chuyển những tư tưởng (nhân) xấu thành tốt và theo đó diễn biến (quả) tốt lành sẽ đến với ta. Đôi lúc cái nhận thức nhân quả ở thế giới vật chất rất khó khăn vì có người làm lành mà sao lại gặp ác, rồi họ đâm ra chán nản và cho rằng không có luật nhân quả. Sở dĩ như vậy vì con mắt phàm không thể nhìn thấu được quá khứ và không hiểu được những khúc mắc của nghiệp. Nhưng nếu có người nào đó giữ được tâm hồn tha thứ buông xả thì mặc dù biến cố xấu đến với họ đó, nhưng cái tác động trên tâm lý tạo sự đau khổ giảm đi rất nhiều. Thì đó chẳng qua là một điều lành trong một biến cố dữ. Hiểu được luật nhân quả ở tâm thì ta nhận thức rõ hơn và ta sẽ thấy sự thay đổi nhanh hơn.

 

NHÂN - DUYÊN - QUẢ

Nghiệp là những biến cố vui buồn xảy ra trong đời người. Nghiệp, dòng sông nhân quả trong cuộc đời con người, rất là phức tạp. Nghiệp không phải đơn giản như một cái máy, ta bấm nút (nhân) thì máy hoạt động (quả). Nghiệp có thể ví như một dòng sông và nhân quả là những phân tử (molecule) nước lưu chuyển, tác động lẫn nhau trong dòng sông đó. Ngoài nhân-quả ra còn yếu tố duyên nữa. Duyên là những yếu tố ở không gian và thời gian giúp nhân trở thành quả hoặc ngược lại ngăn cản hoặc đình trệ sự nối liền của nhân quả, làm giảm sức mạnh của quả. Sự sống đa dạng và sáng tạo là nhờ duyên. Như vậy duyên đóng vai trò điều chỉnh nhân-quả. Thí dụ dễ hiểu là khi ta gieo hạt lúa (nhân) trong đồng ruộng ẩm ướt phì nhiêu (duyên) thi vài tháng ta sẽ có những cộng lúa xanh mượt (quả). Nếu có người lữ hành băng qua sa mạc và làm rơi một hạt lúa thì ngàn năm sau hạt lúa đó vẫn là hạt lúa (nghịch duyên). Nếu hạt lúa đó được gió thổi rơi vào một nơi ẩm ướt trên sa mạc thì hạt lúa sẽ mọc thành cộng lúa nhưng rất yếu ớt vì thiếu phân bón. Như thế ta thấy rằng cùng một nhân, qua nhiều duyên khác nhau sẽ cho ta kết quả khác nhau. Thực tế nhân quả không đơn giản như trên mà hoạt động như một mạng lưới nhện (web).

Một nhân có thể là khởi đầu của một chuỗi phản ứng. Những yếu tố duyên tác động lên chuỗi phản ứng đó để cho ra nhiều kết quả ở nhiều từng lớp khác nhau. Thí dụ: Có một người vì lòng tham (nhân) phá rừng bán gỗ làm lợi nhuận cho riêng mình. Trời mưa, không có rễ cây hút nước (duyên) nên tạo thành lụt (quả), loài chim mất môi sinh (duyên) dời đi nơi khác (quả). Không có chim ăn (duyên) nên sâu bọ lan tràn đồng ruộng (quả). Không có cây hút thán khí (CO2) nên từ đó khí hậu bị ô nhiễm. Một nhân thiếu sáng suốt sẽ gây ra rất nhiều hậu quả tai hại về sau mà ta khó có thể lường trước được.

Giới luật là nhằm biến đổi cái duyên để cho cái nhân tham, sân và si không có cơ hội để biến thành quả dữ (tham - ăn trộm, sân - giết choc, si - đau khổ). Xuất gia là tránh xa những duyên có thể dẫn đến quả dữ và gần gũi với những duyên khuyến khích quả lành được biểu hiện. Tuy nhiên thay đổi duyên ở thế giới vật chất không bền vững lắm. Thí dụ lòng tham tiền có thể biến thành tham chùa mình được đẹp nhất, sân (giận) có thể biến thành bực bội khi đệ tử quên chắp tay xá mình, và si là chấp vào thời gian tụng kinh mà không hiểu ý kinh tạo ra sự tranh chấp hơn thua. Cho nên vào cảnh tịnh mà còn giữ mầm mống tham, sân, si thì cảnh tịnh đó sẽ trở nên cảnh ưu phiền.

Thiền tông chú trọng đến cái duyên ở tâm là tư tưởng. Tham, sân, si mà không có tư tưởng để nuôi dưỡng chúng thì dần dần sẽ tự tiêu mòn. Cho nên giữ giới nơi tâm thì hiệu nghiệm hơn là giữ ở thân hay cảnh. Nếu tâm ta nuôi dưỡng sự bực dọc mà miệng thì tụng kinh thì khó có thể mà ta có được hạnh phúc vì càng tụng kinh, càng mệt mỏi thì sự bực dọc càng nhiều hơn nữa. Một trong những phương pháp thiền là ta nhận thức sự bực bội và từ bi hỷ xả phóng sanh nó ra theo từng hơi thở nhẹ nhàng rồi dần dần sự bực bội đó sẽ tan biến. Đó là một cách “tụng kinh sống” hữu hiệu nhất. Tụng kinh sống là tụng ý (thay vì chữ) kinh trong từng hơi thở, trong lúc đi, đứng, nằm và ngồi. Nói một cách khác, thiền hay tụng kinh sống là khi ta ý thức không tạo cái duyên nuôi dưỡng tham, sân, si trong tâm ta. Nếu ta không nuôi chúng thì tự động chúng sẽ rời bỏ ta. Rồi ta sẽ trở về sống với con người hạnh phúc của ta.

 

NHÂN QUẢ VÀ THIÊN CHÚA GIÁO

Mặc dù Thiên Chúa giáo không đề cập nhân quả một cách trực tiếp nhưng tất cả những câu chuyện trong Thánh kinh đều khuyên răn con chiên hãy củng cố lòng tin Chúa, thương người, giúp đỡ xã hội thì sẽ được cuộc sống hạnh phúc trong vĩnh cửu. Nói một cách khác Chúa khuyên con chiên tạo nhân lành (lòng tin, thương người, tha thứ), tạo duyên lành (xây dựng một xã hội lấy nền tảng là sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau, truyền bá công bằng bác ái cho nhiều người được nhận thức) thì kết quả cuộc sống hạnh phúc sẽ dễ được thực hiện trên thế gian này và nếu tất cả mọi người làm được thì sẽ được hạnh phúc trong vĩnh cửu.

Tuy nhiên có nhiều con chiên quá cuồng tín dùng sức mạnh áp đặt niềm tin lên kẻ khác và kết quả là hận thù và chiến tranh. Điều dễ hiểu là vì cái nhân là tham (muốn cá nhân mình được nhiều phước khi dẫn người khác vào đạo), sân (bực tức khi người ta không theo đạo mình) và si mê (ngạo mạn coi đạo mình trên tất cả các đạo khác) thì kết quả sẽ là chiến tranh và đau khổ. Vấn đề này không hẳn xảy ra ở đạo Thiên Chúa mà còn gặp ở nhiều tôn giáo khác. Đó là vì con người mê lầm không chữa trị cái tham, sân, si nơi chính mình mà muốn thay đổi thế gian. Muốn cái quả khác cái nhân thì không bao giờ có được. Nếu có kẻ nào nói làm được, hẳn là họ tự gạt chính họ, sống trong ảo tưởng u mê. Tôn giáo cũng như thuốc, trị đúng bệnh thì thuốc hay, dù có thuốc quý mà dùng sai bệnh thì thuốc quý có thể thành độc dược. Vì thế không thể nói thuốc này hay hơn thuốc kia được. Đạo Phật có thí dụ ngón tay (phương tiện) chỉ mặt trăng, nếu ta ở nhiều nơi khác nhau thì ngón tay sẽ chỉ nhiều hướng khác nhau, nhưng khi nhìn thấy mặt trăng (cứu cánh) thì chỉ có một.

Tác động trên tâm lý của Thiên Chúa giáo là dùng tình thương người và sự tha thứ tạo cái duyên lành làm giảm bớt ảnh hưởng của hoàn cảnh xấu (quả). Nếu ta tin vào một Thượng Đế công bằng bác ái ở bất cứ mọi nơi và mọi lúc, thì ta giao phó cho Ngài xử phạt những bất công trong cuộc đời ta. Như thế ta không mất ngủ bực tức tìm cách trả thù hay tìm những lời nói đâm thọc xỏ xiên. Với lòng tin đó ta sẵn sàng tha thứ kẻ muốn ám hại ta, tâm ta được an ổn và ta gieo rắc sự an ổn đó cho những người chung quanh ta. Làm được như vậy, mặc dù ta không mở miệng truyền giáo nhưng sẽ có rất nhiều người theo vì họ mến ta. Như thế lời cầu nguyện hữu hiệu nhất phát xuất từ tư tưởng tha thứ thương yêu chớ không phải từ miệng nói tiếng thương yêu trống rỗng. Giáo đường chân thật của một linh mục hay mục sư là sự an ổn của con chiên khi họ cảm nhận được tình thương và sự tha thứ chân tình qua hành động của vị mục sư đó, chớ không phải cái giáo đường bằng ngói, bằng gạch. Cái giáo đường vật chất không bao giờ làm ấm được lòng người. Ta không thể nào gieo rắc sự an lành chung quanh ta nếu ta không có cái nhân của sự an lành đó trong tâm ta. Ta có thể dối chính ta chớ không thể dối với Thượng Đế và luật nhân quả được.

 

NHÂN QUẢ VÀ Y HỌC

Tuy nhân - quả xuất xứ từ Phật giáo nhưng không hạn chế ở phạm vi tôn giáo. Hiểu được nhân quả giúp ta rất nhiều trong việc phòng ngừa bệnh tật. Trong Đông Y có câu người y sĩ giỏi trị bệnh lúc mà bệnh chưa phát triển. Y khoa hiện đại cũng đồng ý với vấn đề ngưà bệnh hơn là chữa bệnh. Cách tốt nhất cho con người về vấn đề sức khỏe và xã hội về vấn đề tài chánh là thay đổi cuộc sống để ngừa bệnh. Muốn ngừa bệnh (quả) ta phải hiểu cho ra lẽ những yếu tố gây ra bệnh (nhân), tìm cách làm suy giảm những nguyên nhân gây ra bệnh, tìm cách không tạo duyên xấu để cho hậu quả bệnh dễ xảy ra và củng cố những duyên lành để ngăn ngừa bệnh. 

Bây giờ ta hiểu nguyên nhân của nhiều chứng bệnh là do vi trùng (bacteria) và vi khuẩn (virus) có kích thước nhỏ hơn vi trùng gây ra. Để làm suy giảm những nguyên nhân tạo ra bệnh, những nhà thuốc sáng chế ra các loại thuốc trụ sinh. Sự ỷ y có thuốc trụ sinh để trị bệnh mà không cần phòng ngừa hoặc dùng thuốc trụ sinh một cách không phân biệt đưa đến sự ra đời của những siêu vi trùng (“super bugs”) có sức kháng trụ sinh. Về phần bệnh nhân phải ráng ăn ở vệ sinh để không tạo cái duyên cho những loại vi trùng xâm chiếm cơ thể họ. Vaccine (chích ngừa) là cách phòng ngừa bệnh bằng cách dùng bộ kháng nhiễm (immune system) để chống lại bệnh. Vaccine là một cách thay đổi duyên làm cơ thể không thuận cho sự phát triển của bệnh. Một cách ngừa bệnh khác nữa là ta ăn ở vệ sinh, tìm cách tránh những nơi dễ gây ra bệnh tật là góp phần vào sự củng cố những duyên không thích hợp cho bệnh phát triển. Thực tế, ta không thể nào diệt trừ được tất cả những nhân tạo bệnh mà cách dễ dàng nhất là biến đổi cái duyên không thuận cho bệnh (quả) phát triển. Con đường trị bệnh bằng cách diệt trừ nhân một cách hoàn toàn rất nguy hiểm vì có thể đưa đến sự mất cân bằng môi sinh và có thể tạo nhiều mối hiểm nguy khác. Thí dụ như khi ta đi du lịch ở những nước khác dễ bệnh tiêu chảy vì ở điều kiện ta sống không có loại vi trùng đó (nhân bị diệt) nên cơ thể ta không có chất miễn nhiễm, dễ sanh ra bệnh. Đứng trên phương diện năng lượng (sức lực, thời gian, tài chánh), dùng duyên để phòng ngừa quả là áp dụng năng lượng một cách hữu hiệu nhất. 

 

NHÂN QUẢ VÀ TÂM LÝ HỌC 

Stress, sự căng thẳng tinh thần, là vấn đề lớn của thời đại. Stress có thể coi như cái cửa mở cho nhiều bệnh tật vào thân thể ta. Những triệu chứng khởi đầu của stress là lo âu, bực bội và mất ngủ. Ngoài ra nhức đầu, buồn nôn, mất ăn, cao máu với nhịp tim đập nhanh cũng có thể là một triệu chứng của stress nữa. Thủa xưa, Đức Phật có cho một thí dụ rất thích hợp với stress ngày nay. Thí dụ rằng có một người bị mũi tên bắn bị thương. Người đó lo âu muốn biết mũi tên này từ đâu tới, ai bắn, lý do nào bắn, rồi lo sợ cho tính mạng, không biết vết thương như thế nào... người đó cứ mãi lo mà quên tìm cách tháo gỡ mũi tên ra. Tính chất của lo âu là nó không bao giờ chịu dừng ở hiện tại mà lại có chiều hướng lẩn quẩn ở quá khứ hoặc tương lai. Chính vì vậy mà sự lo âu ngày càng tăng vì khi tư tưởng lẩn quẩn ở quá khứ và tương lai thì ta sẽ không giải quyết được vấn đề và tình trạng vô định đó tạo nên cái duyên làm cho lo âu càng lớn dần.

Một khoa tâm lý trị liệu (psychotherapy) trị stress là Cognitive behavioral psychotherapy, tạm dịch là tâm lý trị liệu qua nhận thức. Ta nhận thức ta có những tư tưởng sai lầm dẫn đến sự lo âu đau khổ (1), quán xét kỹ càng rằng những tư tưởng đó không có liên hệ ở thực tế (2), sau cùng thay thế vào đó những tư tưởng thích hợp với thực tại hơn (3). Khi nhận thức thích hợp với thực tại thì ta sẽ tìm được biện pháp giải quyết vấn đề một cách hữu hiệu và từ đó nhẹ gánh lo âu.. Thí dụ anh A có triệu chứng hay lo (general anxiety disorder). Khi bị chủ sở phê bình, anh về ngủ không được, liên tưởng đến ngày mai mình sẽ mất việc, không có tiền trả tiền nhà, vợ anh sẽ bực bội bỏ anh (1)... Qua khâu tâm lý trị liệu, anh kiểm duyệt lại thực tế thì không thấy có dấu hiệu nào chủ sở sẽ đuổi anh, chủ anh chỉ muốn anh sửa khuyết điểm nhỏ mà thôi, vợ chồng lúc nào cũng hòa thuận(2)... Khi nhận thức như vậy, anh cảm thấy yên tâm và hiểu rằng mình có phản ứng quá đáng (3). Khi nhìn ở khía cạnh nhân duyên quả, thì khi anh nhận thức rằng cái nhân sai lầm không quan trọng lắm, không để những tư tưởng lo âu thổi phòng sự thật (nghịch duyên), và anh tìm cách học hỏi trau dồi nghề nghiệp thì kết quả sẽ tốt đẹp. Như thế hiểu được nhân quả thì cuộc sống ta sẽ nhẹ gánh lo âu. 

 

Lời Kết:

Nhân quả không phải là một khái niệm tôn giáo (dogma) mà là một quy luật thiên nhiên (natural law) ảnh hưởng thế giới nội tâm và thế giới vật chất. Nhân quả còn là một lực (force) gắn liền hai biến cố với nhau qua không gian và thời gian. 

Ta khó có thể thay đổi nhân ở quá khứ, nhưng điều dễ làm là thay đổi duyên ở hiện tại để quả dữ khó có thể biểu hiện được. Ở thế giới vật chất, duyên lành là bạn tốt, nơi chốn yên tịnh (chùa, tu viện, thiền đường, học đường...) Ở thế giới tâm lý, duyên lành là ý muốn học hỏi, trau dồi trí tuệ, cố giữ lòng nhân từ, bác ái và tha thứ. Gần duyên lành thì quả xấu khó thể hiện hoặc thể hiện một cách yếu ớt hơn. 

Nếu ta còn giữ tâm tham, sân, si làm nhân và nuôi dưỡng những tư tưởng tham, sân, si (ác duyên) thì không bao giờ biến đổi được cuộc sống hay xã hội một cách tốt lành được (quả). Cảnh lúc nào cũng hiện theo tâm. Người mang tâm xấu lên thiên đàng sớm muộn gì cũng biến cảnh thiên đàng thành địa ngục. 

Hiểu được nhân – quả thì ta nắm giữ được chìa khóa mở cửa tự do trong đời ta và giúp ta làm chủ lấy cuộc đời. Không hiểu nhân quả thì ta sẽ sống trong mê tín dị đoan hay trong sự lo âu của cuộc sống vô định, bấp bênh. 

Hiểu được nhân quả giúp ta định hướng dễ dàng và có một hướng đi và một quan niệm sống vững chắc trước mọi hoàn cảnh khó khăn. 

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Đinh Hoàng Long giới thiệu

Tác giả: Thái Minh Trung - nguồn: sưutam

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét