RẮN TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN - Tác giả: Trần Trọng Trí ; Đinh Như Quang giới thiệu

Leave a Comment

 


RẮN TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN

 

Người làm lịch (Âm lịch) thời xưa đã dựa vào mối quan hệ họ hàng để sắp xếp thứ tự 12 con giáp, trong đó có 2 cặp đi liền với nhau: Dần - Mão và Thìn - Tỵ. Nhưng trong hai cặp đó thì lại chỉ có cặp Thìn - Tỵ là ngôn ngữ giao tiếp được nhắc đến luôn: rồng rắn.

Từ ghép rồng rắn để chỉ một hình thức dài dòng, lộn xộn, không nhất quán "đầu rồng đuôi rắn" được phổ biến trong trò chơi "rồng rồng, rắn rắn" của trẻ em.

Năm rồng qua rồi, năm rắn đến. Chuyện rắn trong văn hóa dân gian cũng nhiều. Trong vè 12 con giáp có câu:

Tuổi Tỵ rắn ở bọng cây

Nằm khoanh trong bọng có hay chuyện gì

Nói về đặc điểm của loài rắn và cũng ám chỉ tính cách, hành động của con người có những câu: "Thẳng như rắn bò", "Thao láo như mắt rắn ráo", "Oai oái như rắn bắt nhái", "Bạnh cổ như cổ hổ mang", "Len lét như rắn mùng năm"... hoặc nói kẻ hay bịa đặt, ba hoa quá sự thật "vẽ rắn thêm chân"... hoặc lấy hình ảnh con rắn để nói đến tâm địa con người: "hang hùm miệng rắn", "miệng hùm nọc rắn", "ấp rắn trong lòng", "khẩu Phật tâm xà", "khẩu xà tâm Phật", "rắn đổ nọc chỗ lươn"... Đối với những kẻ "khôn nhà dại chợ", phản bội gia đình, tổ quốc đã có hành vi "cõng rắn cắn gà nhà"...

Rắn có hàng trăm loại nhưng chia ra làm 2 loại chính: rắn có nọc độc và rắn không có nọc độc. Có bài vè trong dân gian kể một số tên rắn:

Mái gầm, chàm quạp, hổ lác, hổ hèo

Ri cốc, liu điu, ri voi, hổ lửa

Hổ hành, hổ ngựa, rắn ráo, rắn râu

Quỷ khóc thần sầu: hổ mang, hổ sậy

 

Thấy đà run rẩy: cạp nia, cạp nong

Lặn lội dưới sông: là con rắn nước

Rắn rồng, rắn lục, ri cá, rắn trung

Nghe đến hãi hùng: hổ mây, hổ bướm

 

Ớn đà quá ớn... chẳng dám kể thêm...

Khi gặp rắn độc cắn, cỡ như rắn hổ, thì phải tìm thầy thuốc rắn "sư hổ mang" để cứu, nhưng từ ghép này lâu ngày đã biến nghĩa chỉ những kẻ tu hành ăn thịt chó, làm những việc xấu xa, ác độc không chừa!

Rắn có nọc độc có thể giết người trong khoảnh khắc: "Mái gầm tại lỗ (chỗ), rắn hổ về nhà".

Dù gặp rắn độc hay rắn không độc, dân ta đều không ưa, phải dùng gậy gộc để đập rắn "đánh rắn phải đánh bằng đầu" để không bị rắn cắn, cho nên "rắn khôn dấu đầu" là vây. Trong một đoàn quân mất chủ tướng giống như "rắn mất đầu".

Rắn thì độc nhưng thịt rắn là món ăn đặc sản dân gian thích khẩu cho các bợm nhậu:

Cần chi cá lóc, cá trê

Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều

Rắn cũng đi vào chuyện tình trao đổi giữa trai gái trong lễ hội, ngày mùa. Họ có dịp hò hát đối đáp với nhau để tìm bạn trăm năm:

Con rắn hổ mây nằm cây thục địa

Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên

Phận em là gái thuyền quyên

Ai mà đối đặng kết nguyền phu thê

Thế rồi cô gái cất giọng đố:

Con gì có cánh không bay?

Con gì không cẳng chạy bay năm rừng?

Và chàng trai lẹ làng đáp:

Con gà có cánh không bay

Con rắn không cẳng chạy bay năm rừng

Hoặc câu đố và đáp cũng tương tự, bên gái đố:

Con gì không chân đi năm rừng, bảy rú?

Con gì không vú nuôi chín, mười con?

Và bên trai đáp:

Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú

Con gà không vú nuôi chín, mười con

Có cô gái chân quê thì thực tế hơn, không văn hoa bóng bẩy, nghĩa bóng nghĩa gió, mà đi ngay vào đề:

Anh vẽ rồng rắn làm chi?

Cho em mệt trí nghĩ suy đêm ngày!

Nói đi, nói đại, sợ gì?

Em đây hiểu được, tình này em trao!

Trong thuật ngữ dân gian đề cập đến Rắn bằng những thành ngữ, điển tích... có rất nhiều, không sao kể hết. Nhân năm Tỵ, biểu tượng con Rắn, xin sưu tầm, kê cứu những câu mang tính khái quát, phổ biến rộng rãi để bạn đọc thưởng thức trong dịp xuân về, nhằm nâng cao kiến thức phổ thông.

Cõng rắn cắn gà nhà: Nhằm chê trách kẻ phản bội, vô liêm sỉ, quên mất cội nguồn, đồng nghĩa với câu "rước voi giày mả tổ". Qua lịch sử Việt Nam, ta được biết vua Lê Chiêu Thống cầu viện quân Tàu xâm lược nước ta.

Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra: ám chỉ mối quan hệ xử thế của kẻ độc ác như rắn rết không thể chung sống với nhau được, nhất là cóc. nhái là đối tượng luôn bị chúng rình mò để ăn thịt. Do vậy qui luật sống trong xã hội ai cũng tránh người hung ác, hiểm độc như rắn rết.

Vẽ rồng vẽ rắn: Nhằm chế riễu kẻ vô tích sự, chẳng làm nên việc gì mà còn bày vẽ lãng phí; tốn công sức, tiền của, lại còn phản tác dụng.

Vẽ rắn thêm chân: Tương đương với câu "vẽ rồng vẽ rắn" dùng chỉ những việc làm không cần thiết, thừa thải phản tác dụng. Truyền rằng xưa kia có mở cuộc thi vẽ rắn. Ai vẽ xong trước sẽ được trọng thưởng, có anh chàng nọ chỉ thoáng qua là đã vẽ xong. Nhìn thấy người bạn hắn còn đang hí hoáy, sẵn rảnh tay, anh vẽ thêm chân cho rắn. Chẳng may, kết quả bị phê phán nặng, vì rắn làm gì có chân, nên chẳng những không được thưởng mà còn bị phạt. Do đó mới có câu: "Vẽ rắn thêm chân. vẽ rông thêm mắt", chỉ những việc làm không hiệu quả còn bị hại.

Rắn mất đầu: ám chỉ người lãnh đạo đã mất, thì bộ phận bên dưới không làm được gì nữa. Ví như tướng lãnh ra trận bị thương, binh sĩ hoảng loạn không ai chỉ huy, tựa hồ cơ thể con rắn bị mất cái đầu, không hoạt động nữa được.

Miệng hùm rắn độc: Nhằm chỉ nơi hiểm nguy độc địa, ai đến đó sẽ bị phân thây, tan xương nát thịt không thể sống sót trở về được.

Hùm tha rắn cắn: Tương ứng với câu "Quan tha ma bắt" người mà bị hùm chê trở về nhà thì sớm muộn gì cũng bị rắn cắn. Ví như thanh niên bệnh hoạn thiếu sức khỏe không được trúng tuyển quân sự, ở nhà bệnh dây dưa kéo dài cũng chết.

Khẩu Phật tâm xà: Nhằm ám chỉ kẻ đạo đức giả, miệng nói thương người, lòng dạ ác hiểm, hãm hại kẻ khác.

Khẩu xà tâm Phật: Nhằm chỉ kẻ ngoài miệng bốp chát nóng nảy chửi bới lung tung, nhưng bản chất bao dung, lòng dạ thẳng ngay, nhân đức.

* Xà cung thạch hổ: Nhằm chỉ những kẻ hay nghi ngờ, thấy cây cung nghĩ là rắn độc, thấy hòn đá ngờ là cọp dữ, tất cả sự thật đều không tin tưởng, hoài nghi quàng xiên.

Áp rắn vào ngực: Đồng nghĩa với câu "nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà", ám chỉ sự lầm lẫn trước việc thiếu cảnh giác, đem rắn là loài độc hại áp vào ngực, có ngày bị nó cắn mạng vong.

Đánh rắn đánh đằng đầu: Nhằm chỉ con người biết sử dụng đòn chí mạng đối với kẻ hung ác như ta đánh rắn phải đánh đúng chỗ, trúng huyệt để khỏi bị báo thù.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe nhạc phẩm XUÂN ĐÃ VỀ

của Minh Kỳ, qua tiếng hát Minh Hằng:

Đinh Như Quang giới thiệu

Tác giả: Trần Trọng Trí - nguồn: aotrang.com

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét