DÒNG HOÀI NIỆM DA DIẾT TRONG: 'TIẾNG CHIỀU RƠI' - Tác giả: Nguyên Bình (Bà Rịa)

Leave a Comment

 


DÒNG HOÀI NIỆM DA DIẾT TRONG:

“TIẾNG CHIỀU RƠI”

 

(Tác giả Nguyên Bình)

Tiếng chiều rơi - tập thơ đầu tay của Trần Nguyên đến với tôi khi đất trời Đại Bình vào xuân.Không gian đón tết thật lắng đọng, bình yên. Nắng xuân vàng hươm rải đầy trên đường làng, ngõ xóm. Tiếng chim sâu cũng đón xuân rả rích chuyền cành. Trong một buổi trưa hiền đầu xuân như thế, tôi trải lòng mình cùng từng trang thơ “Tiếng chiều rơi”, để cảm nhận đủ cung bậc cảm xúc của một hồn thơ nhân hậu hướng về quê hương, gia đình, tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa… Có khi chất đầy tâm trạng. Tất cả được chuyển tải thành dòng hoài niệm da diết của người con xa quê nặng tình xứ sở.

Ba mươi năm xa quê, thời gian không dài nhưng cũng đủ để mái đầu xanh điểm bạc, để người con xa quê khi trở lại: “Nghe tiếng chiều rơi bên mái nhà xưa”, mà day dứt, mà ân hận xen lẫn yêu thương chất ngất trong lòng:

“Ba mươi năm sau trở về nghe lạ

Ngày xa quê ray rứt mãi trong lòng”.

Mãi mãi mẹ là nỗi nhớ không nguôi của người con tìm miền cơm áo, rời xa lũy tre làng. Tác giả nhớ dáng mẹ gầy hanh hao:

“Thương sao dáng mẹ hao gầy

Đèn đêm in vách lắt lay chập chờn”.

Anh nhớ cả bàn tay một đời tảo tần, chắt chiu của mẹ. Không chỉ:

Mẹ ngồi khâu mảnh thời gian/ Khâu bao năm tháng, gian nan tảo tần”, mà đôi bàn tay ấy mỗi ngày chất chồng thêm chai sạn, bởi:

“Một đời mẹ vá nỗi đau

Thành niềm dịu ngọt nhiệm màu thiêng liêng

Bao nhiêu giống tố triền miên

Đôi bàn tay mẹ che nghiêng nỗi buồn”

 (Bàn tay của mẹ).

Thế mà, mẹ giờ cánh hạc bay xa, căn nhà xưa chỉ còn là kỉ niệm:

“Con về trăm nhớ ngàn thương

Gói từng kỉ niệm còn vương bóng người

Xếp tàn y cũ ngậm ngùi

Chắt chiu kí ức, ngọt bùi trong con…”

(Nhớ mẹ)

Có thể nói những dòng thơ viết về mẹ của Trần Nguyên xuất phát tận đáy lòng của người con hiếu thảo, nỗi nhớ mẹ thường trực, day dứt không nguôi, nên từng chữ, từng lời, từng câu, réo rắt lòng người thổn thức yêu thương.

Còn tình cha lắng đọng thẳm sâu hơn thế nữa:

“Trong con sâu thẳm nỗi lòng

Và nghe nỗi nhớ mênh mông không cùng

Thái Sơn hùng vĩ bao dung

Tình cha muôn trượng tận cùng ân thâm”.

(Tình cha)

Thuở còn thơ, cha đã dắt tay con tập từng bước đi chập chững. Khi trưởng thành, cha đã “Dắt con qua những đắng cay cuộc đời”. Không thể đếm hết ân sâu nghĩa nặng của đấng sinh thành, nên với con:

“Cha là núi, cha là non

Nghìn năm mãi mãi con còn khắc sâu

Bóng cha lồng lộng trời cao

Con nghe nỗi nhớ dâng trào yêu thương”

(Tình cha)

Cha đã rời cõi tạm từ lâu, mà sao trong con mãi còn:

“Quặn lòng khắc khoải niềm đau

Cha đi biền biệt đông sầu thiên thu

Con tìm trong cõi sa mù

Mây chiều bàng bàng bạc, nắng mờ trùng khơi”

(Tình cha)

Hình ảnh người thầy giáo già chuẩn mực, nhân hậu, bao dung, mãi là mẫu người lý tưởng, để sau này Trần Nguyên nối nghiệp cha, suốt cuộc đời mình nguyện gắn liền với bảng đen, phấn trắng, làm người lái đò đưa lớp lớp thế thệ học trò qua sông. Ta hãy lắng nghe tiếng lòng của anh sẻ chia trong tiết dạy cuối cùng: “…Giờ dạy cuối cùng chiều nay đã kết thúc. Viên phấn trắng gãy gọn giữa những ngón tay khô ráp. Có gì đấy vừa nhẹ nhàng, nhưng lại vừa hụt hẫng, nghe lòng mình mênh mang quá!...”:

“Chầm chậm thôi, chiều ơi xin chậm lại

Cho ta ngồi chút nữa hãy hoàng hôn

Rồi sẽ hết chiều nay nắng chẳng còn

Ta biết rằng, ngày không dài thêm được…”

(Chầm chậm chiều ơi!)

Khi Trần Nguyên rời bục giảng, anh có nhiều thời gian để trở về mái nhà xưa, lùi vào đời sống nội tâm để chiêm nghiệm cuộc đời, gởi ước mơ, khát vọng về một cuộc đời tốt đẹp, không tồn tại giọt sầu:

“Ta về hái ngọn thiên thu

Bước chân ngần ngại mịt mù trong sương

Ta về nhặt những tình thương

Rớt rơi năm tháng trên đường phù vân

Ta về tìm lại mùa xuân

Còn không hay chỉ là phần lao đao

Thế gian nào có phép màu

Biến bao cay đắng, biến sầu thành vui.”

(Hái ngọn thiên thu)

Có khi anh thao thức trắng đêm, đếm ngược thời gian để nhìn nhận lại mình:

“Ra đi từ buổi mưa đầu

Dấu chân vô định chiêm bao giữa ngày

Nhiều đêm đếm hạt mưa gầy

Đâu hay nhật nguyệt đong đầy tháng năm”

(Ta về chợt tỉnh cơn say)

Thời gian như nước chảy qua cầu, bóng câu qua cửa sổ”, đời người chẳng qua là ở trọ trần gian, anh thương thân phận con người và thương cả chính mình:

“Thương ta từ kiếp vô thường

Vần theo con tạo tha phương chốn trần

Một đời rong ruổi phù vân

Thiên thu ngồi lại nghe hồn rưng rưng”.

Có khoảnh khắc anh tìm lại bóng mình hoài niệm quá khứ rất đẹp đã qua:

“Trăm năm tìm lại bóng mình

Nghe trong tiềm thức cuộc tình phôi phai”

(Rong ruỗi phù vân)

Trong cảm xúc đó, anh gởi lòng mình vào từng trang thơ khắc khoải:

“Một đời mải miết phù vân

Mặc cho giông bão bao lần bủa vây

Trăm năm tay trắng hoàn tay

Trầm luân mấy nẻo thân đầy niềm đau”

(Mênh mông sương khói)

Và anh gởi cả lòng mình trong trang thơ bên triền sông sóng vỗ:

“Tiếng thơ vỡ bên triền sông sóng vỗ

Con nước ròng gội hết nỗi ưu tư

Chiều rớt lại mảng màu xanh quá khứ

Khiến lòng ta trầm lắng một hoàng hôn.”

(Thơ và dòng sông)

Làng Đại Bình quê anh từng nổi tiếng là miệt vườn Nam bộ thu nhỏ. Nơi ấy anh được sinh ra và lớn lên,vun đầy kỉ niệm. Tự hào về làng quê, anh nuôi khát vọng về một cuộc đời tốt đẹp, gởi yêu thương theo hoa nở bốn mùa. Trong “Tiếng chiều rơi” từng bước chân mùa đi qua cũng chảy theo dòng hoài niệm. Mùa xuân trong góc nhìn thi sĩ lãng mạn, tin yêu đến không cùng:

“Anh thấy xuân về trong mắt em

Ngàn hoa rạng rỡ nở bên thềm

Màu nắng thanh tân choàng lên tóc

Miên man áo lụa gió dìu êm”

(Xuân về)

Một góc nhìn khác, nhà thơ khát khao được làm hạt nắng vàng rộn vui bước chân con trẻ, được làm cánh én nhỏ bay khắp nơi báo tin xuân trên vạn nẻo đường:

“Ta đã chờ nhau mấy kiếp dường

Xin làm hạt nắng bón yêu thương

Xin làm cánh én mùa xuân chở

Trải khúc tương tư ngập trắng đường…”

(Cánh én mùa xuân)

Nếu mùa xuân tác giả “Trải khúc tương tư ngập trắng đường” thì “Đêm cuối hạ”, cánh phượng hồng cũng không thôi thao thức:

“ Đêm cuối hạ heo may về thức giấc

Bóng mưa buồn, hạ trắng khóc rưng rưng

Đêm giao mùa cánh phượng hồng thao thức

Mùa hoa tàn theo gió thoảng bâng khuâng”.

Mãi mãi, hạ trong dòng hoài niệm của Trần Nguyên là nỗi tiếc nuối không thôi về mùa ve rã cánh:

“Em tiếc hạ đêm ngập ngừng nức nở

Buổi giao mùa ve rã cánh thiên thu

Ngoài khơi xa nghe gió thổi sa mù…”

(Tiếc hạ)

Và kí ức về một mùa thu không về nữa luôn da diết yêu thương trong lòng tác giả:

“Có một mùa thu không về nữa

Tóc xõa chiều nay rối giữa trời

Ngàn hoa rũ lá rơi từng sợi

Nắng cũng phai rồi thương nhớ thương”.

Trong “Tiếng chiều rơi”, mùa lá vàng cũng nối tiếp theo dòng hoài niệm luyến tiếc, bâng khuâng:

“Em giấu mùa thu trong mắt nâu

Sâu thẳm chiều trôi một sắc màu

Sóng bủa hồn anh quay quắt nhớ

Đêm buồn lá rụng dưới trời ngâu”.

(Em giấu mùa thu nơi đâu?)

Có đôi khi “Giọt thu rớt xuống bên đường” cũng chạnh lòng màu nhớ thu phai, gợi nỗi buồn thê thiết:

“Mưa chiều lá đổ sơn khê

Thu phai màu nhớ, lòng thê thiết buồn

Giọt thu rớt xuống bên đường

Cánh hoa thạch thảo còn vương sắc màu”

(Mây trắng về đâu)

Đặc biệt, sống trên miền sông nước, trong kí ức Trần Nguyên, mùa đông quê anh là những cơn mưa trắng đồng, tràn bờ nước chảy, va vào lòng anh cảm xúc đa chiều khắc khoải mùa sang:

“Đông về mưa đổ bên sông

Hình như có sóng giữa lòng… âm ba

Ta ngồi hứng giọt mưa sa

Giọt rơi tâm thức, giọt va vào hồn”

(Nghiêng chiều)

Mùa đông thao thức nỗi buồn thi sĩ, nhưng cũng là cảm hứng để có những câu thơ đậm dấu ấn cho đời. Trần Nguyên không ngoại lệ:

“Nghiêng chiều chợt thấy mùa đông

Tiếng thu vời vợi mênh mông xa vời…”.

Có khi anh thả lòng hòa quyện vào mùa đông chập chờn thao thức:

“Chiều nay sương khói về mau

Ta ngồi nhặt hết nỗi sầu hoàng hôn

Và trong tiếng gió mưa hờn

Tâm tư thao thức chập chờn đêm đông”

(Mênh mông sương khói).

Tiếng chiều rơi” với 80 bài thơ trải dài 140 trang, có những dòng thơ tự sự mộc mạc, chân chất như cốt cách của thầy giáo dạy bộ môn tự nhiên. Nhưng cũng có những bài thơ trữ tình xuất thần in đậm dấu ấn cá nhân gợi nhiều trường liên tưởng. Tôi tin rằng: “Tiếng chiều rơi” rất khẽ khàng, không làm đau một chiếc lá, không làm giật mình một cánh chim, nhưng dòng hoài niệm da diết yêu thương trong tập thơ sẽ chạm lòng người sẻ chia và đồng cảm. Xin mượn những câu thơ trong bài: “Về thôi” khép lại bài viết, để thấy tác giả chọn cách quay về nguồn cội, sống với hồn thơ giản dị vốn có của mình. Chúc Trần Nguyên như cánh chim đại ngàn tự do sải cánh, gởi thêm cho đời những trang viết sáng trong:

“Về thôi trọn kiếp đi hoang

Về thôi để thấy mênh mang phận người

Bao năm dâu bể khóc cười

Thiên thu nhẹ gánh bên trời thiện tâm!”…

(Mạc Ly)

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Hạ Vi0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyên Bình0

- Các bài viết của (về) tác giả Khang Quốc Ngọc0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Đức Tín (Khét)0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Bình Phương0

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ

QUÊ NGHÈO, thơ của Đặng Xuân Xuyến:

 

*.

Khai bút đầu xuân Ất Tỵ 2025

NGUYÊN BÌNH (tên thật Nguyễn Bá Bình)

Địa chỉ: 251/14 Cách Mạng Tháng 8, phường Phước Hiệp

thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Email: nguyenbabinh2006@gmail.com

Điện thoại: 077.519.80.65  

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật nguyên bản từ facebook Tran Nguyen ngày 4 tháng 2-2025.

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét