NGUYỄN TRÃI -
Bậc thầy của các bộ
môn khoa học
Thầy Nguyễn Trãi (1380 - 1442), còn gọi là Ức Trai tiên sinh, là con của ông
Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái (con gái của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán).
Chuyện xưa kể rằng, khi Nguyễn
Phi Khanh dạy học trong dinh của quan Tư đồ, ông và bà Trần Thị Thái đã yêu
nhau. Nguyễn Trãi chính là giọt máu đầu lòng của mối tình trong sáng đó. Nguyễn
Trãi sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của người thân, đặc biệt là
của Trần Nguyên Đán. Đứa cháu ngoại - kết quả của mối tình vụng trộm không
những không bị ghẻ lạnh mà còn rất được cưng chiều. Mỗi lần đi đâu ông cũng đưa
cháu đi cùng, vì vậy mà Nguyễn Trãi đã sớm được tiếp xúc với cuộc sống, sớm
biết cách quan sát và nhìn nhận thế giới xung quanh. Khi Trần Nguyên Đán cáo
quan về ở ẩn tại núi Côn Sơn, Nguyễn Trãi cũng được đi theo cùng. Sống ở Côn
Sơn, ngoài những lúc dạo chơi ngắm cảnh, Trần Nguyên Đán thường dành thời gian
và tâm huyết dạy dỗ Nguyễn Trãi và gửi gắm vào đứa cháu thân yêu rất nhiều hy
vọng. Và lòng kiên trì của Trần Nguyên Đán ngày càng được báo đáp, Nguyễn Trãi
sớm tỏ ra là một cậu bé rất thông minh, ham học hỏi. Nguyễn Trãi dần dần học từ "Tam tự kinh" rồi đến "Tứ thư", "Ngũ Kinh"... Năm lên
8 tuổi, Nguyễn Trãi đã có trình độ hiểu biết sách vở ngang với một khoá sinh
hạng khá. Sau khi dạy phần chữ nghĩa, Trần Nguyên Đán lại dạy cho cháu biết
nguồn gốc tổ tiên để khơi gợi lòng tự hào dân tộc, ông lại dạy cho cháu biết
cuộc sống lam lũ của người dân lao động để hướng cho cháu tư tưởng yêu lao
động, biết thương dân... Những lời dạy dỗ tâm huyết của ông ngoại đã ăn sâu vào
tâm can Nguyễn Trãi, đó chính là cơ sở để sau này ông phát triển tài năng xuất
chúng của mình.
Năm 1388, bà Trần Thị Thái qua
đời, hai năm sau Trần Nguyên Đán cũng nhắm mắt xuôi tay, lúc đó Nguyễn Trãi mới
lên 10 tuổi. Ông ngoại mất, Nguyễn Trãi lại trở về sống với Nguyễn Phi Khanh.
Dưới sự chăm sóc dạy dỗ chu đáo
của người cha, người thầy nổi tiếng lại vốn có sẵn thiên tư nên tài năng của
Nguyễn Trãi ngày càng nở rộ. Ông chăm chỉ đèn sách đợi đến khoa thi. Ít lâu sau
ông thi đỗ cử nhân. Năm 1400 ông đồ Thái học sinh và được Hồ Quý Ly bổ làm
quan. Sau đó, giặc Minh sang xâm lược, Nguyễn Phi Khanh bị bắt sang Trung Quốc.
Nguyễn Trãi đã theo cha lên tận biên giới. Sau khi được cha dạy bảo, ông quyết
tâm quay trở về để cứu nước, cứu nhà. Tuy nhiên khi vừa về đến thành Đông Quan
thì ông bị bắt và bị giam lỏng. Trong thời gian bị giam lỏng ở thành Đông Quan,
Nguyễn Trãi đã xin phép mở lớp dạy học vừa để kiếm sống vừa tìm cách dò la tin
tức. Học trò là nơi để Nguyễn Trãi gieo mầm yêu nước, là nơi để ông thể hiện tư
tưởng "Lấy đại nghĩa
để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo". Dần dần, những người
học trò đã bị cảm hoá và trở thành tai mắt của ông trong việc dò la tin tức.
Nhờ học trò mà ông biết được những manh mối về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của Trần Nguyên Hãn (cháu nội Trần Nguyên Đán, anh
em con cô, con cậu với Nguyễn Trãi), Nguyễn Trãi đã trốn khỏi thành Đông Quan
rồi bí mật tìm đường vào Thanh Hoá phò tá Lê Lợi.
Tham gia cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn, Nguyễn Trãi đã có dịp thể hiện tài năng xuất chúng của mình. Ông dâng "Bình Ngô sách" để giúp Lê Lợi xác định phương
hướng của cuộc đấu tranh. Ông kiên trì vận dụng chiến thuật công tâm (đánh vào
lòng người) để chiến thắng kẻ thù. Khi lập đại bản doanh tại Bồ Đề, Lê Lợi giao
cho Nguyễn Trãi ngồi ở tầng lầu thứ hai để quan sát tình hình quân địch. Lê Lợi
lại cử ông làm Tuyên phụng đại phu (người phát ngôn) của nghĩa quân. Chính
Nguyễn Trãi đã thay mặt Lê Lợi viết các bức thư gửi cho tướng tá nhà Minh.
Những bức thư ấy được tập hợp lại trong cuốn "Quân trung từ mệnh tập". Qua các bức
thư đó thấy được Nguyễn Trãi có một tầm nhìn rộng, biết địch, biết ta; thấy
được trình độ lập luận sắc sảo của ông. Khi chiến tranh kết thúc ông lại soạn "Cáo bình Ngô" để bố cáo thắng lợi và cũng để
khẳng định sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam . "Bình Ngô đại cáo" trở thành một áng "thiên cổ hùng văn",
một bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trong văn học cũng như trong Lịch sử Việt Nam . Nhà Lê xây
dựng đất nước, ông trở thành khai quốc công thần, được phong quan tước. Không
phụ sự tín nhiệm của triều đình, ông lại hăng say góp sức mình vào sự phát
triển đất nước trên nhiều lĩnh vực như: Phát triển văn hoá; chế định triều
nghi, lễ nhạc; đổi mới việc học hành thi cử.... Công cao, chức lớn, nhưng
Nguyễn Trãi chỉ một lòng vì nước vì dân nên bị bọn gian thần ghen ghét. Chúng
đã nhiều lần hãm hại ông. Năm 1434, nhân vụ án Lệ Chi Viên, bọn chúng ghép cho
ông tội đồng mưu giết vua rồi ra lệnh tru di tam tộc. Mãi đến năm 1464, vua Lê
Thánh Tông mới xuống chiếu giải oan cho ông. Cuối cùng, lịch sử cũng đã công
bằng khi trả lại cho Nguyễn Trãi tất cả danh tiết mà ông đã bị bọn gian thần
tước mất.
Trong cuộc đời Nguyễn Trãi, bên
cạnh tư cách là một nhà chính trị, ông còn là một nhà văn hoá lớn, nhà tư tưởng
lớn của thời đại. Bản Bình Ngô đại cáo khẳng định nền độc lập dân tộc, nêu cao
truyền thống bất khuất của đân tộc Việt Nam và làm sáng tỏ tư tưởng "đem đại nghĩa để thắng
hung tàn" ông cũng là người
đầu tiên nhắc đến "dân đen, con
đỏ" một cách thiết tha
cảm động như vậy trong lịch sử văn học và tư tưởng Việt Nam. Tư tưởng vì nhân
dân đó còn được thể hiện ở khá nhiều bài thơ trong tập "Quốc âm thi tập". Đây được
coi là tập thơ Nôm cổ nhất nước ta. Ngoài ra ông còn làm nhiều thơ bằng chữ Hán
tập hợp trong "Ức Trai thi tập". Nói chung
dù là thơ Nôm hay thơ chữ Hán đều thể hiện được hồn thơ lai láng, tư tưởng cao
đẹp, lối hành văn điêu luyện... Cuộc đời Nguyễn Trãi ngay từ khi còn sống đã là
tấm gương sáng cho người đời soi vào và theo thời gian lòng ngưỡng mộ của nhân
dân đối với Ức Trai tiên sinh càng lớn. Năm 1980 ông được công nhận là danh
nhân văn hoá Thế giới. Đó là một sự tôn vinh xứng đáng đối với ông.
Nguyễn Trãi nổi danh là một nhà
chính trị, nhà quân sự, nhà văn hoá lớn nhưng ít ai biết được rằng ông còn là
một nhà giáo dục đại tài, một thầy giáo đa năng. Có thể tóm gọn con người thầy
giáo của ông trong một số đặc điểm sau:
* Nguyễn Trãi - người thầy của cải cách
Giống như nhiều nhà khoa bảng
khác, Nguyễn Trãi được các triều vua giao việc phụ trách đào tạo, bồi dưỡng
nhân tài. Ngay từ khi còn làm quan cho nhà Hồ, ông đã bắt đầu việc dạy học, học
trò của ông có người làm quan to trong triều. Sang triều Lê ông được giao việc
tổ chức và chấm thi. Ông còn được giao phụ trách Tri tam quán sự, nghĩa là phụ
trách ba cơ quan chuyên về giảng dạy, học tập (Nho lâm quán, Sùng văn quán, Tu
thư quán). Ông đã cùng với các học giả khác tổ chức in sao lại các sách
vở kinh điển của Nho gia để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập. Ông cũng chủ
trương xem xét lại các cách thức khảo hạch, các quy tắc thi cử... Như vậy, có
thể thấy tuy không phụ trách hay lập hẳn một trường lớp cụ thể nào nhưng ông là
người thầy của toàn bộ nền giáo dục triều Lê. Những tư tưởng cải cách của ông
đề xướng và áp dụng đã tạo điều kiện đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam phát triển
thêm một bước.
* Nguyễn Trãi - người thầy dạy lễ nhạc
Nhà Lê lập quốc năm 1428, ít
lâu sau vua Lê Thái Tổ giao cho ông nghiên cứu về lễ nhạc. Người ta không biết
rõ về khả năng thực hành âm nhạc của ông ra sao nhưng về quan điểm tư tưởng, về
lễ nhạc thì ông có những nhận thức rất đúng trên cơ sở tư tưởng vì dân của ông.
Nguyễn Trãi cho rằng gốc của nhạc là ở tâm tình của người dân, vì vậy khi được
giao nhiệm vụ nghiên cứu lễ nhạc ông đã viết một bài biểu để dâng vua. Trong
bài biểu đó, Nguyễn Trãi đã phân tích rõ: "Kể
ra, thời loạn thì chuộng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ
nhạc. Song nhạc mà không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không
truyền được. Lòng dân chuộng hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của
nhạc. Thần vâng lệnh làm nhạc không dám không hết lòng hết sức nhưng vì học
thuật nông cạn nên sợ rằng thanh luật khó mà được hài hoà. Xin bệ hạ hãy thương
yêu muôn dân, để các nơi thôn cùng ngõ vắng không một tiếng hờn giận oán sầu,
đó mới là cái gốc của nhạc".
Về quan niệm là như thế còn về
mặt tổ chức thực hiện ông cũng rất quan tâm chú ý. Nhạc Việt Nam bao gồm các bộ
thổi, bộ gõ, bộ kéo trong hệ thống bát âm. Các nhạc khí của bộ gõ như chiêng,
trống, chuông, khánh... được chú trọng ở chiến trận cũng như trong triều đình.
Trong số đó Nguyễn Trãi đặc biệt chú ý đến khánh đá. Sách lễ ký có nói: "Cứ gõ kêu khánh đá lên mà nghe là có thể hiểu thấu lòng kẻ sĩ".
Nguyễn Trãi ý thức được điều đó và ông cũng nói rằng: "Dùng nhạc không phải để chơi vui mà là để uốn nắn lòng người".
Vì vậy ông đã vẽ sơ đồ về hệ thống khánh đá rồi xin vua cho treo ở điện Hội Anh
để làm gốc cho âm nhạc, thế nhưng việc này không được nhà vua chấp thuận.
Bên cạnh vấn đề nhạc, Nguyễn
Trãi cũng rất quan tâm tới vấn đề lễ. Lễ là việc sắp đặt các nghi thức, hình
thức biểu diễn trong các ngày lễ ở triều đình, tôn miếu, hội hè... Sắp đặt, cải
cách lễ là phải lo chế tạo cờ biểu, võng lọng đàn sáo cùng với huấn luyện đàn
hát nhảy múa. Để nói rõ hơn về vấn đề này, Nguyễn Trãi đã viết cuốn "Giao tự đại lễ". Ở trong
triều ông được giao làm việc cùng với một hoạn quan tên là Lương Đăng. Lương
Đăng không được học hành cẩn thận nhưng vì có đọc một số sách lễ nhạc nhà Minh
nên chủ trương mô phỏng nhà Minh. Nguyễn Trãi không chấp nhận điều này nên từ
chức về quê. Vua Lê Thái Tông không những không giữ ông lại mà còn thuận theo ý
kiến của Lương Đăng. Lúc bấy giờ có nhiều vị quan chính trực lên tiếng ủng hộ
Nguyễn Trãi nhưng không thay đổi được tình thế. Như vậy, Nguyễn Trãi mặc dù có
những cải cách về lễ nhạc nhưng cuối cùng sở nguyện của ông không thành.
* Nguyễn Trãi - người thầy giáo đạo đức, luân lý
Đạo đức học, luân lý học là
những thành phần quan trọng trong toàn bộ nền giáo dục. Các nhà Nho đạo cao đức
cả ở Việt Nam
đều rất quan tâm đến vấn đề này, họ đã viết ra nhiều sách gia giáo, gia huấn để
dạy dỗ con cháu. Những người không soạn sách thì lại làm thơ, viết văn để định
hướng cho việc học tập, tu dưỡng. Nguyễn Trãi cũng vậy, ông không viết sách về
đạo đức học nhưng lại làm thơ răn dạy đạo đức, đặc biệt là 56 bài thơ dưới tựa
đề "Bảo kính cảnh giới".
Điều đặc biệt là mặc dầu có
mượn một số từ ngữ trong luân lý Nho gia nhưng về tinh thần đạo đức cơ bản và
đa số lời lẽ thể hiện thì Nguyễn Trãi lại dùng của văn hoá Việt Nam . Có thể coi
Nguyễn Trãi người phát ngôn của quần chúng lao động Việt Nam về nội dung
giáo dục, về những phép ứng xử trong cuộc sống thường ngày... Ông nhắc nhủ mọi
người nên biết tôn trọng lao động, biết tiết kiệm, biết quý trọng tình nghĩa
con người... Đối với việc học tập ông cũng có quan điểm rõ ràng. Ông cho rằng
đi học là để phục vụ việc đời, phục vụ cuộc sống và cũng chính là phục vụ nhân
dân. Vì vậy khi học phải biết dựa vào dân, khi học xong cũng phải mưu quyền lợi
cho dân. Có như vậy kẻ sỹ mới có thể trở thành người có nhân, có trí, có dũng,
có đức. Rõ ràng quan điểm của Nguyễn Trãi cũng chính là nội dung dạy làm người
của dân tộc Việt Nam .
Hơn ai hết, Nguyễn Trãi hiểu rất rõ và đã nêu cao đạo đức nhân dân làm nội dung
cơ bản của giáo dục... không chỉ có răn dạy mà trong cuộc sống thường ngày
Nguyễn Trãi cũng rất gương mẫu như những gì ông dạy dỗ mọi người. Ông luôn quan
niệm lời nói phải đi đôi với việc làm, lời nói việc làm không được mâu thuẫn
với nhau. Quan điểm của ông, hành động của ông đều khiến cho nhân dân kính phục
và ngưỡng mộ. Có thể nói ông đã thành công trong vấn đề giáo dục đạo đức cho
nhân dân.
* Nguyễn Trãi - bậc thầy của những bộ môn khoa học
Ngoài những lĩnh vực đã đề cập
ở trên, Nguyễn Trãi còn là một người thầy trên nhiều khía cạnh khác. Ông là tác
giả cuốn "Dư địa chí" - cuốn sách đầu tiên của nước
ta ghi chép tình hình địa lý thiên nhiên, nhân văn và kinh tế Việt Nam từ thủơ sơ
khai cho đến đầu thế kỷ XV. Quả thực cuốn sách này đã đem lại một vị trí xứng
đáng cho Nguyễn Trãi trong giới khoa học. Lúc bấy giờ đã có nhiều học giả đứng
ra chú thích, bình phẩm và những năm gần đây cuốn sách này đã được dịch ra để
làm tư liệu tham khảo cho các nhà khoa học... Nhìn chung, có thể khẳng định
được sự đóng góp của Nguyễn Trãi với tư cách là một người mở đầu xuất sắc. Ông
là người đầu tiên tổng kết lịch sử Việt Nam , khẳng định bản sắc dân tộc,
nêu cao tư tưởng chính nghĩa của dân tộc thông qua Bình Ngô đại cáo. Ông là người mở
đầu cho dòng văn chính luận Việt Nam qua cuốn "Quân trung từ mệnh tập". Ông cũng là
người tiên phong trong việc giáo dục đạo đức gắn với tư tưởng nhân dân, là
người đầu tiên phát biểu rõ các quan điểm về lễ nhạc... Nói tóm lại, Nguyễn
Trãi xứng đáng là bậc thầy, là nhà giáo dục Việt Nam tiêu biểu cả trong học thuật
lẫn trong cuộc sống hàng ngày.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.
.
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của
tác giả gửi qua email ngày 24.07.2015
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét