GHI CHÉP VỀ ÔNG NGUYỄN BÁ THANH CÓ NHIỀU SAI TRÁI VÀ ĐẦY CHẤT VĂN NÔ - Tác giả: Đỗ Hoàng (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nhà văn Thái Bá Lợi)
GHI CHÉP VỀ ÔNG NGUYỄN BÁ THANH
CÓ NHIỀU SAI TRÁI VÀ ĐẦY CHẤT VĂN NÔ
*
Nguyễn Bá Thanh là một nhân vật nổi bật của Đà Nẵng đầu thế kỷ XXI. Ông có công làm cho Đà Năng vốn là một thành phố đứng thứ hai miền Nam trước đây càng tiến nhanh tiến mạnh, đáng để cho nhiều nhà quản lý, lãnh đạo, tỉnh thành khác học tập. Ghi chép về ông Nguyễn Bá Thanh của nhà văn Thái Bá Lợi cũng phần nào tô đậm chân dung của ông Thanh lên rạng rỡ.
Tuy nhiên trong ghi chép của Thái Bá Lợi có nhiều nhận định, đánh giá không đúng, nhiều chi tiết tình tiết làm hại ông Thanh!
Nhân vật đồng thời cùng trưởng thành từ chánh phó chủ nhiệm hợp tác xã với ông Thanh ở Thừa Thiên - Huế có Nguyễn Văn Mễ. Thời còn tỉnh Bình Trị Thiên, ông Mễ là phó chủ nhiệm hợp tác xã Thuỷ Dương - ngọn cờ nông nghiệp của Bình Trị Thiên, không khác gì Hợp tác xã Đại Phong của Quảng Bình trước đây. Sau chia tỉnh ông Mễ ở Thừa Thiên - Huế lên dần đến chức Chủ tịch tỉnh
Hai ông tài ngang nhau, đều am hiểu nông dân, học cái tốt của nông
(Tác giả Đỗ Hoàng)
dân tiên tiến nhưng cũng thấm đầy chất của anh nông dân: láu cá vặt, khôn ranh ruộng vườn. Thế sao một anh thành rồng bay lên trời, còn một anh thì làm con giun đất vô danh tiểu tốt? Cái chính là một anh ở đầu con rồng vàng, còn anh thì ở cuối đuôi con giun đất. Huế là đất của “mệ” - đất chỉ thích hưởng lạc, ăn sẵn, đất của tau hí (cho tao). Còn Đà Nẵng là đất làm ăn. Từ trước thời Pháp thuộc Cửa Hàn (tên của Đà Nẵng cũ) đã là một thương cảng lớn nhất miền Trung rồi. Chỉ một thơi gian ngắn chưa đầy trên dưới mười năm (1975 - 1990) Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, còn từ xưa đến nay nó là một đơn vị trực thuộc Trung ương. Điều ấy rất thuận lợi cho sự phát triển của Đà Nẵng mà Huế và nhiều nơi không có. Nhất là thời Mỹ - ngụy, Mỹ đã xây dựng Đà Nẵng thành thành phố đứng thứ hai miền Nam sau Sài Gòn
Ngay từ thời còn chung tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Nam - Đà Nẵng đã là đơn vị làm ăn năng động nhất miền Trung. Cán bộ chủ chốt Quảng Nam - Đà Năng dám làm dám chịu. Những nhân vật Hoàng Minh Thắng - Bí thư tỉnh uỷ, Nguyễn Văn Hùng Chủ tịch tỉnh thập niên đầu 80 là những con người có tầm nhìn, quả cảm, dám lên án cách làm quốc doanh trì trệ. Trong bối cảnh cả nước, năm 80, thiếu gạo nhưng Quảng Nam - Đà Nẵng cán bộ, nhân dân vẫn có đời sống ổn định và đi lên.
Năm 1981, hôi nghị báo chí miền Trung họp ở Thanh Hóa 6 người một chai bia nhưng họp ở Đà Nẵng thì bia uống thoải mái! Tôi nhớ trong hội nghị báo chí miền Trung tại Đà Nẵng, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Hùng đã lên nói chuyện trước các nhà báo, phê phán sự trì trệ của thương nghiệp quốc doanh. Ông nói: “Thương nghiệp nhà nước có lầu cao, cửa rộng, nhiều mặt tiền, khu phố chính mà làm ăn thua lỗ. Trong khi bà bán bún ngồi ké bên cửa hàng quốc doanh thì lãi, vừa đóng thuế vừa nuôi cả gia đình. Nên thưởng huân chương cho bà ta!
Đầu thập kỷ 90, Quảng Nam - Đà Nẵng đã cho xé rào để các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc doanh. Năm 1993, tôi là phóng viên báo Lao động - Xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo Đoàn kiểm tra doanh nghiệp sử dụng lao động của Bộ vào Đà Nẵng thị sát. Trong các doanh nghiệp đến trình Bộ và Sở Lao động tỉnh có vợ chồng doanh nghiệp Thái Bá Lợi (nhà văn Thái Bá Lợi) xin giảm thuế vì sử dụng nhiều lao động chính sách. Đà Nẵng đã sống khỏe, vạm vỡ từ thời Cửa Hàn đến hôm ấy, sao nhà văn Thái Bá Lợi lại viết - Thành phố hồi sinh từ đêm mưa rừng vào mùa mưa năm 1994 (!) (trang 5 cột 1 - Nhà văn & Tác phẩm số 11/2015). Đà Nẵng đã chết lần nào đâu mà về sống trở lại? Một nhận định hết sức sai trái. Cuộc gặp mặt và bàn luận đêm mưa rừng ấy giữa Bí thư tỉnh ủy Mai Thúc Luân và giám đốc Sở Nông nghiệp Nguyễn Bá Thanh chính xác là - Thành phố đột biến từ đêm mưa rừng.
Đoạn viết kém nhất trong ghi chép này là đoạn viết về người mẹ Nguyễn Bá Thanh. Người mẹ của Nguyễn Bá Thanh đã mờ mờ, chung chung, không có gì đặc sắc lại vu oan giá họa cho người khác, nhất là người làm y đức? Có thật ông thầy lang ở xã tên là BQ, mà mẹ Nguyễn Bá Thanh nhiều lần nhờ đến chích thuốc cho con gái ốm thập tử nhất sinh mà ông ta không đến? Bằng chứng ở đâu? Ông Thanh kể hay ông Thái Bá Lợi nghe lỏm? Tôi đồ rằng ngay y tá của ÍS hay của Hit le họ cũng đến tiêm thuốc cho người ốm!
Thái Bá Lợi sống quá nửa đời trong vùng miền Nam sau giải phóng (1975 đến nay) sao anh lại viết “nghe nói” nhỉ? “Không biết cái chủ trương cứ làm cho bất cứ người đàn bà nào có chồng tập kết ra Bắc có bầu là chiến tích của người “quốc gia” do ai phát kiến ra, nghe nói chủ trương này có sự tham gia của trung tâm điều hành Cục tình báo trung ương Mỹ mà dân gian gọi nôm na là “Chương trình ghẹo gái của CIA
40 năm rồi, anh thừa thời gian để thẩm tra, kết luận, mắc chi còn nghe nói. Biết bao người, bao đoàn Mỹ - đoàn Việt đi qua, đi về thừa kiểm chứng việc này. Anh phải chỉ ra tài liệu nào, sách nào, nếu anh không chỉ ra được tức là anh vu cáo! Nếu anh phịa ra anh là loại văn nô!
Đoạn tiếp theo sau “Các quan chức chính quyền, nhất là các sỹ quan Sài Gòn trẻ đẹp được khuyến khích xô vào tán tỉnh, lừa lọc cưỡng ép hoặc dùng bất cứ kế sách nào để các cô, các chị có chồng theo cách mạng bụng to dần lên, khi những người phụ nữ này đã mạng bụng bầu rồi nó sẽ làm lung lạc những người chồng ngoài Bắc hay đã nhảy núi…Cách đánh ấy của địch gây cho cách mạng những tổn thất sâu sắc…” (trg 3 cột một- Nhà văn & Tác phẩm số 11)
Cũng như ý trên, anh đã đủ thời gian để lấy trong các tài liệu của chính quyền Sài Gòn làm dẫn chứng để thuyết phục người đọc.! Còn không anh mắc tội vu cáo và kẻ văn nô! Chính quyền Sài Gòn đã là nấm mồ 40 năm rồi, nhưng không nên “trăm xấu ngàn xa đổ cha ăn mày”
Lính quèn Sài Gòn tiền lương đủ nuôi một vợ 5 con, sỹ quan Sài Gòn bét nhất cũng đi xe rep, ly rượu có tay người đẹp nâng mới uống. Con chính thức đẻ ra lương bằng lương sỹ quan của bố, mắc chi họ đi làm những điều tệ hại khác. Chắc cũng có một vài trường hợp nhưng không nhiều.
Khi ở miền Bắc chưa vào sống miền Nam, tôi cũng nghe những điều như Thái Bá Lợi viết. Chắc cũng có phần sự thật nào đó, nhưng nói có sách mách có chứng. Tôi thú thực cũng chưa đọc được tài liệu nào nói đến việc này nên tôi có quyền hoài nghi. Tôi sống ở miền Nam tôi mục kích nhiều trường hợp không như Thái Bá Lợi viết. Năm 1977, dự trại viết Hội văn nghệ Bình Trị Thiên tại Thủy Xuân, ở trong nhà Sư trưởng Phan Tử Lăng (bố bà Cầm vợ ông Kiệt), tôi hỏi chi vợ Phan Tử Lăng những điều được nghe như Thái Bá Lợi kể. (Phan Tử Lăng đánh Điện Biên Phủ ở lại miền Bắc, bà vợ ở lại miền Nam nuôi hai con nhỏ.)
Bà Lăng nói: “Sỹ quan sang trọng, các cô giáo, hoa hậu mười tám đôi mươi, người ta chưa để mắt, ai để mắt đến các bà già!”
Cái chết của người chị làm bà mẹ trẻ suy sụp, bà thương con gái bứt tóc đến nỗi đầu không còn tóc, như một người cạo đầu…Bà còn là mục tiêu ham muốn của đám sỹ quan trẻ vì bà có nhan sắc Người già trong thôn dặn dò mẹ anh:”Chúng nó thèm cô như yêu tinh thèm Tam Tạng” (trg 7 cột 1 – tạp chí Nhà văn & Tác phẩm)
Một người đàn bà bị trọc đầu mà sỹ quan trẻ đẹp Sài Gòn thèm như yêu tinh thèm Tam Tạng là viết sáo! Viết sao mà giả mà dối thế, nói thật là quá thối!
Đoạn ghi chép “Thời đi học” của Nguyễn Bá Thanh cũng là một đoạn rất kém, có phần phản cảm, bôi nhọ chân dung Nguyễn Bá Thanh. Đành rằng thói thường đi học để sau này có cuộc sống sung sướng hơn, có chữ nghĩa hơn người. Một người như Nguyễn Bá Thanh đi học để sướng hơn thằng không đi học, nếu làm sỹ quan thì được lính đấm lưng là không phải.
Bá Thanh đang nghĩ hay là ở nhà làm nông với mẹ rồi vào du kích.” Một bữa mẹ gọi anh lại.
- Mẹ hỏi con thằng có học có sướng hơn thằng không học không?
Bá Thanh chưa kịp trả lời, bà nói tiếp:
- Con có thấy đám lính đánh bạc trong nhà ta không. Chú sỹ quan đánh bạc có lính hầu pha cà phê, tối mắc màn cho nằm, có người xoa bóp đấm lưng vì chú ấy có đi học. Có học mới chỉ huy được…(trg 8 cột một – tác phẩm đã dẫn)
Một người mẹ mưu cầu thực dụng như thế tất sẽ tạo ra thằng con đi học để thỏa mãn nhu cầu thực dụng của mình! “Nịnh Thanh lại hại hơn mười chưởi Thanh!”
Rồi vì chiến tranh, ta địch cài răng lược, vì có bố tập kết nên cậu học trò Bá Thanh phải tham gia phong trào thiếu niên giải phóng, rải truyền đơn, trà trộn vào địch ăn cắp vũ khí…cuối cùng bỏ học chạy vào Sài Gòn thoát thân, rồi liên lạc với cha tìm cách ra Bắc.
Tuổi thơ Nguyễn Bá Thanh có thật như thế cũng đừng nên đưa vào bài, mà có đưa thì viết khéo hơn. Không thì người đọc hôm nay nghĩ Bá Thanh cũng như nhiều thiếu niên trên thế giới hôm nay bị bọn IS sử dụng để bạo loạn, khủng bố!
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thành làm bao nhiêu việc cho thành phố, toàn là những việc ích quốc lợi dân mà trong bài viết vẻn vẹn chỉ hiện lên mấy mẩu lờ mờ như: mở đường Quâng Trung, treo ngang băng rôn, biểu ngữ và thay cầu thủ bóng đá để đội Đà Nẵng đá thắng đối phương(!)
Xin tham khảo bài viết của Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng:
10 năm Đà Nẵng xây dựng và phát triển: Vận dụng sáng tạo, phù hợp các cơ chế, chính sách, tạo sự phát triển đột phá
Sự phát triển của Đà Nẵng trong 10 năm qua gắn liền với ba sự kiện lớn xuất phát từ những chủ trương đúng đắn của Trung ương, đó là: tách Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1997, Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 cấp quốc gia năm 2003 và thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là những dấu mốc lịch sử đặc biệt, là căn cứ quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống và tạo sự đột phá phát triển của thành phố Đà Nẵng.
Trong quá trình phát triển, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã đúc kết và nhận thức sâu sắc bài học kinh nghiệm về sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận sâu rộng toàn xã hội. Từng đồng chí lãnh đạo thành phố đến các cấp, các ngành, cá nhân cán bộ, đảng viên luôn suy nghĩ, trăn trở để mọi chủ trương, chính sách và giải pháp đưa ra phải xuất phát từ quyền lợi của người dân và từ sự phát triển của thành phố. Cái gì có lợi cho dân, bảo đảm cho người dân thực sự có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, việc gì tạo điều kiện cho thành phố đi nhanh vào văn minh, hiện đại thì làm, khó đến mấy cũng kiên quyết làm, còn ngược lại thì dứt khoát từ bỏ.
Chính từ nhận thức đó và bám sát Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố đã nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và có nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn để phát huy tối đa nội lực. Chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng” đã mang lại hiệu quả tích cực và là kinh nghiệm chung cho cả nước. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố giai đoạn 2003-2013 ước đạt 45.933,8 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất 27.189,3 tỷ đồng, chiếm 59,2% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố; ngoài ra, huy động ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội, xây dựng Bệnh viện Ung thư, Quỹ vì người nghèo, Quỹ pháo hoa... Đặc biệt, hưởng ứng chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng chục ngàn mét vuông đất để triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Công tác đền bù, giải toả, tái định cư ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 100.000 hộ dân, nhưng đã không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người, số trường hợp bị cưỡng chế ít. Đây là thành công lớn trong công tác vận động quần chúng và là bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển thành phố.
Nhằm tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thu hút các nguồn lực đầu tư vào thành phố, công tác cải cách hành chính đã được thực hiện quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Ba năm liền từ 2005 đến 2007 thành phố đứng thứ nhì và ba năm liên tiếp 2008 đến 2010 vươn lên dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thành phố đã tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các thành phần kinh tế. Ước đến cuối năm 2013, thành phố có khoảng 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động, gấp 7,7 lần năm 2003; tổng vốn đăng ký đạt 65.182 tỷ đồng. Thu hút được 264 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư đạt 4,1 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 1,66 tỷ USD, đạt 40,5% so với tổng vốn đăng ký; tiếp nhận 29 dự án ODA với tổng vốn đầu tư khoảng 775,8 triệu USD, trong đó vốn ODA đạt 595,9 triệu USD, chiếm 76,8% tổng vốn, tiêu biểu như: dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, phát triển bền vững, nâng cấp hệ thống tín hiệu giao thông; phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; phát triển đô thị thân thiện với môi trường và khí hậu... Nguồn vốn phi chính phủ (NGO) ước đạt trên 1.482 tỷ đồng, hỗ trợ tích cực cho phát triển bền vững và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.
Hợp tác liên kết với các địa phương về phát triển mạng lưới giao thông liên tỉnh, du lịch, giáo dục, y tế được tăng cường. Giai đoạn 2003-2013, nhiều sự kiện quan trọng được tổ chức thành công tại Đà Nẵng, tạo ấn tượng tốt đẹp cho các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế, góp phần quảng bá, khẳng định vị trí, vai trò của thành phố, như Cuộc họp liên chính phủ Việt Nam-Thái Lan (2004), các hội nghị Bộ trưởng trong khuôn khổ năm APEC Việt Nam (2006), Tuần lễ EWEC (2007), Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (2009), Kỳ họp lần 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) (2009), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (2010), Hội chợ quốc tế EWEC (2012)…
Hoạt động thu hút đầu tư khởi sắc, sản xuất kinh doanh phát triển thuận lợi đã góp phần tích cực vào tăng thu ngân sách, tạo nguồn lực to lớn và động lực mới để phát triển nhanh thành phố trong giai đoạn 2003-2013. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 89.744 tỷ đồng, tăng 13,3%/năm; trong đó, thu nội địa 64.384 tỷ đồng, tăng 17,1%/năm, thu thuế xuất nhập khẩu 19.566 tỷ đồng, tăng 4,3%/năm. Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 84.294 tỷ đồng, tăng 17,6%/năm. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 78.304 tỷ đồng, tăng 21,2%/năm; trong đó, chi đầu tư phát triển 50.921 tỷ đồng, tăng 21,2%/năm, chi thường xuyên 21.342 tỷ đồng, tăng 22%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội ước đạt 169,1 ngàn tỷ đồng, tăng 19,6%/năm, năm 2013 ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 6 lần so với năm 2003.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để mọi người, mọi nhà ở Đà Nẵng đều có cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc, còn rất nhiều việc trăn trở, phải làm, đòi hỏi toàn Đảng bộ, chính quyền, mọi tổ chức, mỗi cán bộ, công chức phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Nguyễn Đức Hoàng
Văn phòng Thành ủy
Bài ghi chép của Thái Bá Lợi thua một bài tổng kết của Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng.
Nói cho hết thì Nguyễn Bá Thánh được Thái Bá Lợi biểu dương một việc làm tử tế là cho căn hộ một em bé ung thư 10 tuổi sắp chết. Việc làm tử tế này thì một nhà giàu quận Hải Châu, quận Liên Chiểu, quận Sơn Trà đều có thể làm được. Bí thư Thành ủy phải làm hàng vạn việc tử tế chứ. Việc tử tế có tầm quy mô lớn. Ai chỉ đi làm một trường hợp, còn hàng triệu trường hợp khác thì sao? Không xứng tầm một Bí thư của một thành phố trực thuộc Trung ương!
Trong đời thì thừa ra một người làm việc tử tế, mà trong bộ máy quản lý nhà nước thì thiếu một ông quan có tầm nhìn, tấm lòng để cứu hàng triệu người.
Ý định của nhà văn Thái Bá Lợi viết ca ngợi Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh là rất tốt. Nguyễn Bá Thanh xứng đáng được ca ngợi, xứng đáng được nhân dân Đà Nẵng và cả nước tôn vinh. Nhưng viết và lập luận khiên cưỡng, nhiều chỗ sai trái đậm chất văn nô như Thái Bá Lợi thì thật “yêu nhau chẳng bõ bằng mười phụ nhau!”
*
Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 2015
ĐỖ HOÀNG
Quê quán: Cao Vân, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.
Email: donguyenhn@yahoo.com
Điện thoại: 0913369652










…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 04.06.2016
- Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.      

0 comments:

Đăng nhận xét