(Nguồn ảnh: Internet) |
MẪU NGƯỜI:
MỆNH TUẦN THÂN TRIỆT
Trong 118 vì sao của khoa Tử Vi có hai sao được xem là đặc biệt nhất. Đó là
sao Tuần và Triệt. Tuần - Triệt an theo năm sinh và hàng can của năm sinh, và
đặc biệt là vị trí của Tuần - Triệt nằm giữa ranh giới của hai cung chứ không
tọa thủ trong một cung nào như các sao khác. Điểm đặc biệt thứ hai là vị trí
đắc hãm và hành của chúng. Đây cũng là một vấn đề tranh cãi rất nhiều. Có người
cho rằng Tuần thuộc hành hỏa và Triệt hành kim. Cũng có người cho rằng Tuần và
Triệt đều hành thủy. Một số khác lại cho rằng Tuần và Triệt không có hành cố
định, đóng ở cung nào thì mang hành của cung đó. Như vậy, lập luận này sẽ đưa
đến kết qủa là Tuần - Triệt có lúc chỉ có một hành trong trường hợp chúng đóng
giữa hai cung Thân và Dậu đều thuộc hành kim. Nhưng giả sử Tuần - Triệt đóng
giữa hai cung Ngọ và Mùi thì thì Tuần - Triệt phải mang hai hành Hỏa của cung
Ngọ và Thổ của cung Mùi. Xét cho cùng, điều này xem ra không hợp lý lắm. Khi
nói về ngũ hành, ví dụ như nói về hành của một hướng, như Đông Nam thì chúng ta
nói là Mộc đới Hỏa, hoặc hành của Phượng Các là Mộc đới Thổ chứ không thấy ai
nói vừa mang hành Mộc và mang hành Thổ. Chữ “đới” ở đây có nghĩa là “nghiêng
về” hay “thiên về” Trong cuốn tử vi Ảo Bí, tác giả Việt Viêm Tử cho rằng Triệt
có hành Kim đới Thủy và Tuần có hành Hỏa đới Mộc. Về những vị trí đắc hãm của
Tuần - Triệt thì cũng có người cho rằng Tuần - Triệt chỉ đắc địa ở Tỵ Ngọ và
Thân Dậu, còn những vị trí khác đều hãm địa. Nhưng điều này cũng không hợp lý
vì chúng ta biết Triệt không đóng ở Tỵ Ngọ.
Và cũng theo quan điểm này thì nếu Tuần - Triệt đắc địa sẽ không tác hại,
còn nếu hãm địa thì sẽ tác hại. Đây là điều không hợp lý thứ hai. Sau khi nói
đến ý nghĩa của hai sao Tuần - Triệt dưới đây, chúng ta sẽ thấy bản chất của
Tuần - Triệt là như thế nào. Tóm lại, người viết đồng ý với quan điểm của Thái
Thứ Lang, tác giả của cuốn Tử Vi Đẩu Số Tân Biên, “hai sao Tuần - Triệt không
có những vị trí đắc địa hay hãm địa và cũng không thuộc một hành nào trong ngũ
hành.” Đầu tiên chúng ta thấy rằng, chỉ với cái tên của hai sao này cũng đã nói
lên rất nhiều ý nghĩa. Tuần có nghĩa là tuần tiểu, tuần phòng, canh giữ, vây
hãm. Triệt là chặc đứt, phá tan, tiêu tán, làm mất hết. Từ đó, hai sao Tuần -
Triệt vừa đóng vai trò vừa chính vừa tà, vừa thiện vừa ác đối với các sao trong
cung mà chúng trấn đóng. Khi nói đến ảnh hưởng của Tuần - Triệt, có hai quan
điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng Tuần - Triệt làm đảo ngược ý nghĩa tốt xấu của
tất cả những sao trong hai cung mà chúng đóng. Ví dụ: một sao đắc địa gặp Tuần
- Triệt thì những đặc tính tốt đẹp của sao này bị mất đi và trở nên hãm. Ngược
lại nếu sao hãm địa gặp Tuần - Triệt thì lại trở nên tốt đẹp giống như đắc địa.
Như vậy thì uy lực của Tuần - Triệt qúa lớn vì Tuần - Triệt không phải chỉ ảnh
hưởng lên 1 sao mà chúng ảnh hưởng lên tất cả các sao mà chúng trấn đóng. Quan
điểm đảo ngược này chúng ta thấy trong một vài trường hợp đặc biệt. Ví dụ: Liêm
Tham ở Tỵ, Hợi rất xấu, nhưng nếu gặp Tuần - Triệt thì trở nên tốt đẹp, và được
gọi là phản vi kỳ cách, đổi xấu thành tốt.
Quan điểm thứ hai thì cho rằng Tuần - Triệt không hề đảo ngược ý nghĩa của
các sao trong vòng ảnh hưởng của chúng, mà chỉ giảm bớt những đặc tính tốt xấu
của các sao. Theo thiển ý của người viết, quan điểm này xem ra có phần hợp lý
hơn. Tỉ lệ chiết giảm của Triệt tuy rất cao nhưng cũng chưa đếm mức độ 100% để
có thể thay đổi hẳn bản chất của một sao nào đó. Hơn nữa, cũng có trường hợp
những sao đắc địa mà gặp Tuần - Triệt thì lại càng tốt hơn chứ không hề bị đảo
ngược, như trường hợp Cự Cơ ở hai cung Tí Ngọ (Thạch Trung Ẩn Ngọc) là ngọc còn
ẩn trong đá, nếu gặp Tuần - Triệt phá vỡ cho ngọc lộ ra bên ngoài thì càng đúng
cách.
Khi nói về mẫu người Mệnh Tuần Thân Triệt hay Mệnh Triệt Thân Tuần, Thái
Thứ Lang đã gián tiếp xác định mức độ ảnh hưởng của Tuần - Triệt nói chung.
Theo Thái Thứ Lang, người Mệnh Tuần Thân Triệt cần có Cơ Nguyệt Đồng Lương đắc
địa thủ mệnh thì cuộc đời về già mới được xứng ý toại lòng. Như vậy chúng ta có
thể ghi nhận một điều, đối với Tuần, thà có chính tinh đắc địa để chấp nhận mức
độ tốt bị giảm bớt còn hơn là gặp chính tinh hãm địa rồi trông chờ Tuần làm cho
tốt đẹp. Đối với người Mệnh Triệt Thân Tuần thì Thái Thứ Lang cho rằng, Mệnh
cần phải Vô Chính Diệu thì lúc về già mới được xứng ý toại lòng. Như vậy chúng
ta thấy rằng, ảnh hưởng của của Tirệt mạnh mẽ hơn Tuần nhiều, cho nên cung Mệnh
thà không có chính tinh vẫn còn tốt hơn có chính tinh, dù đắc hay hãm địa. Trên
thực tế chúng ta thấy hai sao Tuần - Triệt không có uy lực để thay trắng đổi
đen một cách hoàn toàn, chẳng hạn, một người có Thái Dương đắc địa thủ Mệnh gặp
Tuần - Triệt thì bản tính của người này không thể trở thành giống bản tính của
người có Địa Kiếp thủ Mệnh được. Nói một cách khác, Tuần - Triệt chỉ ảnh hưởng
mạnh mẽ trên lãnh vực công danh, sự nghiệp của đương số chứ không triệt tiêu
được bản chất lương thiện của một Thái Dương vốn đã đắc địa. Ngoài ra, ảnh
hưởng của Tuần - Triệt ở mức độ nào còn tùy thuộc vào ý nghĩa của mỗi sao, hay
ý nghĩa của một cách do nhiều sao hợp lại, chứ không hoàn toàn giống nhau.
Chẳng hạn như sao Thiên Hình, Thiên Mã, Thiên Tướng, Tướng Quân…dù đắc hay
hãm cũng tối kỵ Tuần - Triệt hơn các sao khác bởi vì kiếm gãy, ngựa què, tướng
mất đầu…thì tất nhiên là vô dụng. Tương tự, Thất Sát ở Dần thân là người anh hùng
một mình một kiếm, nhất hô bá ứng, nhưng gặp Triệt lại trở thành anh hùng gãy
kiếm. Tuy vậy, cũng có những trường hợp đặc biệt, ví dụ như hai sao Cự Cơ ở Tí
Ngọ như chúng ta đã nói ở trên. Vì ý nghĩa của cách Thạch Trung Ẩn Ngọc cho nên
Tuần - Triệt lại rất cần thiết.
Khi bàn về ảnh hưởng của Tuần - Triệt tới các sao, tác giả Đặng Xuân Xuyến
viết: “Sự ảnh hưởng của Tuần, Triệt tới
các tinh đẩu cũng không giống nhau. Thường thì các chính tinh bị ảnh hưởng mạnh
hơn các phụ tinh khi gặp Tuần - Triệt, trong đó Sát - Phá - Liêm - Tham bị ảnh
hưởng mạnh nhất
Về tính chất thì hung sát bại tinh (như Sát,
Phá, Liêm, Tham, Không, Kiếp, Kình, Đà, Hỏa Linh, Kiếp Sát, Thiên Không, Kiếp
Sát...), tài tinh (Vũ Khúc, Thiên Phủ, Lộc Tồn, Hóa Lộc), quí tinh, quyền tinh (Thiên
Tướng, Hóa Quyền, Quốc Ấn...), đào hoa tinh hay dâm tinh (Hồng, Đào, Riêu,
Thai...) bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn các tinh đẩu khác như phúc thiện tinh (Quang
Quí, Quan Phúc...), trợ tinh (Tả Hữu)...lục bại tinh (Song Hao, Tang Hổ, Khốc
Hư)
Xét về phương diện Ngũ hành thì nhìn chung
hành Kim, Hỏa và Mộc bị ảnh hưởng nặng nhất, hành Mộc bị ảnh hưởng của Triệt
hơn Tuần (vì Triệt (Kim) khắc Mộc trong khi đó Mộc sinh (Tuần) Hỏa) và hành Kim
chịu ảnh hưởng của Tuần hơn Triệt (vì Tuần (Hỏa )khắc Kim trong khi đó Triệt
(Kim) và Kim đồng hành), hành Thủy ít bị ảnh hưởng hơn (vì Triệt (Kim) sinh
Thủy và Thủy khắc (Hỏa) Tuần), hành Thổ bị ảnh hưởng ít nhất (vì Tuần (Hỏa)
sinh Thổ và Thổ sinh (Kim) Triệt).” - (Tử Vi Kiến Giải - Đặng Xuân Xuyến ; Nhà
xuất bản Thanh Hóa ; 2009)
Chúng ta vừa nói đến ảnh hưởng của Tuần - Triệt trên các sao, còn ảnh hưởng
của Tuần - Triệt trên các cung thì như thế nào? Có phải sự ảnh hưởng của Tuần -
Triệt trên hai cung mà chúng trấn đóng đều như nhau? Điều này chúng ta cũng có
hai quan điểm:
1. Ảnh hưởng của Tuần - Triệt trên mỗi cung nặng hay nhẹ còn tùy thuộc
đương số là Dương Nam, Âm Nữ hay là Âm Nam, Dương Nữ. Nói một cách khác là theo
chiều của vòng đại hạn của mỗi lá số. Ví dụ: Lá số có vòng đại hạn đi theo
chiều thuận, có nghĩa là từ cung Mệnh rồi qua Phụ Mẫu, Phúc Đức v.v… Và nếu
Triệt đóng giữa cung Mệnh và cung Huynh Đệ, như vậy chúng ta nói là Triệt chặn
đầu cung Huynh Đệ và vuốt đuôi cung Mệnh. Khi nói Triệt chặn đầu một cung nào
thì ảnh hưởng của Triệt ở cung đó sẽ mạnh hơn đối với cung mà Triệt vuốt đuôi,
và tỉ lệ ảnh hưởng được xác định cũng theo nguyên tắc Âm Dương:
Dương hành tam thất (3/7) Âm quy nhị bát (2/8) Như vậy, nếu theo chiều
thuận của vòng đại hạn thì cung nào bị Tuần - Triệt chận đầu sẽ chịu ảnh hưởng
7 phần, nếu đi ngược sẽ chịu ảnh hưởng 8 phần và tương tự các cung xung chiếu
hay tam hợp chiếu với các cung có Tuần - Triệt đóng cũng chịu ảnh hưởng nặng
nhẹ theo nguyên tắc này.
2. Ảnh hưởng của Tuần - Triệt phân phối đều trên hai cung mà chúng trấn
đóng chứ không có cung nào nặng hơn cung nào như ý nghĩa của quan điểm thứ
nhất. Người viết đồng ý với quan điểm thứ hai vì chúng ta thấy rằng ảnh hưởng
của Tuần - Triệt chỉ khác nhau trên các cung có chính tinh mà thôi. Thường
những cung có chính tinh không nên gặp Tuần - Triệt. Trái lại, những cung nào Vô
Chính Diệu thì lại rất cần có Tuần - Triệt. Trong trường hợp này Tuần - Triệt
đóng vai trò của một người giám hộ để bảo vệ cho một gia đình không có gia chủ.
Từ đó, chúng ta rút ra một hệ luận là ảnh hưởng của Tuần - Triệt đối với chính
tinh có tầm quan trọng hơn đối với các phụ tinh. Ngoài ra, Tuần - Triệt đôi lúc
còn đóng hai vai trò khác nhau, một thiện, một ác. Chẳng hạn nếu ba cung tam
hợp, gọi là tam phương, bị nhiều sát tinh thủ hay hợp chiếu mà được Triệt đóng
thì mọi sự hung hiểm cũng giảm đi rất nhiều.
Ngược lại, bốn cung Mệnh, tài Quan, Di, gọi là Tứ Chính, dù có đắc cách tới
đâu nhưng đã gặp Tuần thì cũng xem như bị phá hết: “Tam phương vô sát hạnh nhất
Triệt nhi khả bằng. Tứ chính giao phù kỵ, nhất không chi trực phá.” Và trên đây
chúng ta mới nói đến vùng ảnh hưởng của Tuần - Triệt, còn thời gian ảnh hưởng
của hai sao này thì như thế nào? Thường có người cho rằng Triệt ảnh hưởng 30
năm đầu của cuộc đời, Tuần ảnh hưởng 30 năm sau của cuộc đời. Theo thiển ý của
cá nhân, Triệt ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong khoảng tiền vận, rồi từ yếu dần ở
trung vận và hậu vận. Ảnh hưởng của Tuần thì không có khoảng thời gian nào mạnh
hay yếu, cứ ở mức trung bình, đều đặn và bền bỉ từ tiền vận cho đến hậu vận.
Trường hợp cung Mệnh có Triệt thì ảnh hưởng của Triệt sẽ như thế nào? Cung Mệnh
cũng như các cung khác thông thường có đủ sao xấu và tốt xen lẫn nhau. Có sao
đắc địa, có sao hãm địa. Đối với những sao tốt đắc địa thủ Mệnh, đương số sẽ
gặp sự bất lợi vì Triệt sẽ làm giảm bớt những ý nghĩa tốt đẹp của các sao này.
Sự bất lợi sẽ xảy ra trong thời ky tiền vận của đương số, và sau đó, khi uy lực
của Triệt yếu dần thì sự tốt đẹp của các sao tốt sẽ được phục hồi ở một mức độ
nào đó mà thôi chứ không thể nào được 100% như trường hợp không bị Triệt.
Ngược lại, trong khoảng tiền vận thì đương số lại được một lợi điểm là, giả
sử, nếu có những hung tinh hay sát tinh thủ mệnh, thì nhờ ảnh hưởng của Triệt
mà đương số tránh được phần nào những điều không tốt do các hung sát tinh gây
nên. Nhưng từ trung vận trở lên, khi Triệt yếu dần, không còn đủ uy lực để trói
buộc hung sát tinh nữa, và sự tốt xấu lúc đó chỉ còn tùy thuộc vào công lực của
các sao tốt và sao xấu, bên nào mạnh thì chế ngự được bên đó.
Nói chung, Triệt đóng tại Mệnh thì tiền vận (từ lúc sinh ra cho đến 32 tuổi
đối với người Thủy Nhị Cục, 33 với Mộc Tam Cục, 34 với Kim tứ Cục, …) Thường bị
lao đao lận đận và dễ gặp hoàn cảnh mồ côi sớm (trường hợp Triệt đóng giữa hai
cung Mệnh và Phụ Mẫu )
Trường hợp Triệt đóng tại cung Thân thì ảnh hưởng của Triệt không có gì
đáng kể vì uy lực của Triệt mất dần trong khoảng trung vận và hậu vận, có thể
xem Triệt như một áng mây, gây rắc rối trở ngại cho đương số những lúc khởi sự
một việc gì mới mà thôi.
Trường hợp cung Mệnh có Tuần đóng thì tất cả những gì tốt đẹp do các sao
tốt mang đến, cũng như những hung họa do hung sát tinh gây ra cho đương số đều
giảm xuống ở mức trung bình, và muốn biết cuộc đời của đương số thế nào trong
khoảng tiền vận thì chúng ta phải đặt cả tốt và xấu lên bàn cân.
Bàn về ảnh hưởng của Tuần - Triệt khi án ngữ Mệnh, Thân, tác giả Đặng Xuân
Xuyến trong cuốn Tử Vi kiến giải viết: “Tuần
- Triệt đóng tại Mệnh thì thuở nhỏ cực khổ gian nan (nhưng nếu gặp chính tinh
lạc hãm thì sẽ đỡ hơn), Tuần - Triệt đóng tại Thân (cung an Thân) thì khi lập
nghiệp sẽ gặp khó khăn ban đầu, nhưng nếu chặn đuôi thì đỡ hơn. Thân Mệnh đồng
cung gặp Tuần - Triệt đương đầu thì nếu trước 30 tuổi đã có sự nghiệp thì tất
sự nghiệp đó bị gãy đổ rồi mới bắt đầu lại trong giai đoạn lập thân.
Nhìn chung khi Tuần - Triệt đóng tại Mệnh
(Thân) thì đương số là người chật vật trong cuộc sống (hoàn cảnh sống không may
mắn, công lao được hưởng không xứng đáng...), hoặc lúc sinh ra mình cha mẹ
thường làm ăn vất vả, nghèo hèn (nhất là lá số có Tuần - Triệt liên cung tại
Mệnh - Phụ Mẫu). Đồng thời đây cũng là mẫu người lười biếng, kém thông minh,
yếm thế, thiếu tự tin, không có ý chí vươn lên trong cuộc sống... nếu không
được nhiều cát tinh, văn tinh hội chiếu về Mệnh (Thân) hóa giải.”
Thường người ta cho rằng Mệnh ứng với tiền vận, nhưng thật ra Mệnh vẫn là
cái gốc của đời người, cho nên sau tiền vận, Mệnh vẫn còn ảnh hưởng ở mức độ
nhẹ. Như vậy, khi Tuần đóng ở Mệnh, thì sau khoảng thời gian của tiền vận những
mức độ tốt hay xấu của cung Mệnh do Tuần chi phối vẫn còn âm hưởng. Nếu Tuần
đóng tại cung Thân thì vấn đề tốt hay xấu cũng tương tự như trên. Nếu có khắc
thì trong trường hợp này là Tuần chỉ chi phối trong khoảng thời gian trung vận
và hậu vận mà thôi. Nếu cả Tuần và Triệt cùng đóng ở cung Mệnh hay cung Thân
thì thế nào? Điều này cũng có hai ý kiến khác nhau.
1.
Một số cho rằng khi Tuần - Triệt gặp nhau thì
sẽ tự hoá giải cho nhau và hai cung đó xem như không có mặt của Tuần - Triệt
nữa. Điều này xét ra không hợp lý lắm bởi vì khoa Tử vi không có những sao nào
cùng nhóm lại triệt tiêu nhau. Những sao cùng nhóm luôn hỗ trợ cho nhau, tốt
thì tốt thêm, xấu thì xấu hơn. Chẳng hạn như Nhật Nguyệt gặp Xương Khúc, hay
hủy hại nặng nề khi Không Kiếp gặp thêm Hỏa Linh. Chỉ có những sao khác nhóm
mới khắc chế nhau như Thiên Hình khắc chế và làm giảm đi sự lẳng lơ của Đào
Hoa.
2. Mệnh có cả Tuần - Triệt như một nhà tù có hai ông cai ngục. Ông chính là
Triệt, ông phụ là Tuần. Hết khoảng thời gian của tiền vận khi Triệt về hưu thì
cũng còn ông Tuần cai quản, chứ không hề nhà giam được bỏ ngỏ. Sau hết, trường
hợp chúng ta muốn nói ở đây là những lá số có Tuần đóng ở Mệnh và Triệt đóng ở
Thân mà chúng ta thường nghe là mẫu người Mệnh Tuần Thân Triệt, hay trường hợp
Mệnh Triệt Thân Tuần, thì cuộc dời của hai mẫu người này như thế nào? Để có câu
trả lời, cách tốt nhất là chúng ta để lên bàn cân từng phần một rồi cộng trừ
các số thành với nhau để có đáp số cuối cùng. Mệnh có Tuần đóng, nếu Mệnh tốt
thì mức độ chiết giảm do Tuần gây ra tương đối nhẹ nhàng, còn nếu cung Mệnh xấu,
thì sự cứu vãn của Tuần cũng không được bao nhiêu. Những hung sát tinh cũng như
những đúa con phá gia chi tử trong một gia đình bất hạnh. Họa chăng chỉ có
người cha là triệt còn đủ uy lực để chế ngự, chứ còn mẹ Tuần thì không đủ sức.
Qua trung vận và hậu vận thì ứng vào cung Thân. Nếu cung Thân tốt mà có
Triệt đóng thì cũng không gây ảnh hưởng gì đáng kể, có chăng chỉ là những trở
ngại gây rắc rối lúc ban đầu mà thôi. Trường hợp nếu cung Thân xấu thì Triệt ở
đây cũng như người nộm dùng để dọa chim chứ không có năng lực gì đáng kể. Như
vậy, nếu người Mệnh Tuần Thân Triệt mà có cung Thân tốt đẹp thì về già cuộc đời
cũng đạt được nhiều mãn nguyện. Trường hợp đối với những người Mệnh Triệt Thân
Tuần thì cũng tương tự. Mức độ tốt xấu của cung Mệnh sẽ bị chiết giảm nhiều
hơn, và sự ảnh hưởng này chỉ xảy ra trong khoảng tiền vận mà thôi. Rồi từ đó
cho đến hết cuộc đời, ảnh hưởng của sự tốt xấu trên cung Thân chỉ ở mức độ ôn
hoà. Như vậy đối với mẫu người Mệnh Triệt Thân Tuần thì thời gian thử thách
nhất là thời thanh xuân, sau đó, nếu cung Thân tốt đẹp thì cuộc đời tương đối
cũng được bình ổn. Tuy nhiên, người Mệnh Tuần Thân Triệt, hay Mệnh Triệt Thân
Tuần cũng có những trường hợp đặc biệt như, nếu cung Mệnh hay cung Thân Vô Chính
Diệu mà có Tuần hay Triệt đóng thì tốt hơn là không có Tuần - Triệt. Hoặc là
cung Mệnh vừa có cả Tuần lẫn Triệt vừa thêm hai sao Thiên Không và Địa Không,
tùy theo có bao nhiêu sao KHÔNG, chúng ta gọi là cách Mệnh Vô Chính Diệu đắc
nhị không, tam không hay tứ không, đều là những cách hoạch phát.
Hoặc là nếu Tuần - Triệt đóng tại Mệnh hay Thân mà hai cung này Vô Chính Diệu
lại được Nhật Nguyệt hợp chiếu thì cũng rất tốt đẹp. Tóm lại, Tuần - Triệt là
hai sao đặc biệt nhất trong 118 sao của khoa Tử Vi, và cũng đã trở thành đề tài
tranh luận rất nhiều. Nhưng tốt nhất là tùy theo kinh nghiệm thực tiễn mà mỗi
người tự chọn cho mình một quan điểm riêng. Dù sao, khi nói đến Tuần - Triệt,
chúng ta đều thấy ảnh hưởng tốt xấu của hai sao này trên một lá số nào đó không
phải là điều đơn giản. Giống như một người bị bệnh phải uống thuốc, như người
bị chứng đau nhức phải uống thuốc giảm đau. Nhưng khi uống thuốc giảm đau nhiều
thì lại sinh ra chứng đau bao tử, uống thuốc chữa bệnh đau bao tử nhiều thì lại
sinh ra chứng bất lực.. Ảnh hưởng của Tuần - Triệt cũng tương tự như vậy, giúp
ta bên này thì phá bên kia, và có lẽ cái thâm sâu của khoa Tử Vi là ở chổ đó.
*
ĐÀO ANH DŨNG (tổng hợp)
Địa chỉ: Thị tứ Phùng Hưng, xã Phùng Hưng,
huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Email: anhdungdao131@yahoo.com.vn
...................................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 09.06.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại..
0 comments:
Đăng nhận xét