CỦA KHA TIỆM LY
LÝ NGẠO ĐỜI
Chẳng có bầu mà tự nhiên muốn ói,
Chẳng phải thằng điên sao đột ré lên
cười.
Rượu uống suông, uống một mình quen thói,
Nhức tai nghe con kéc nói tiếng người!
Nhân cách một đời người còn rao bán,
Còn thơ ta muốn bán chẳng ai mua.
Lỡ dạy học trò cái Tâm trong sáng,
Nên vào đời đứa thiệt đứa thua!
Chẳng bằng, bọn tự xưng kẻ sĩ,
Bôi tro, muối mặt riết thành quen
Đứa háo lợi háo danh, đạp chà sĩ khí
Ôm đống bạc tiền bất kể trắng đen.
Đứa mượn chút văn chương lếu láo,
Làm mặt mo che đậy cái tâm hèn!
Thương học trò ta:
Em “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”
Cho đời nầy còn có Lục Vân Tiên.
Lại thương em bút nghiên không thỏa chí,
Gồng gánh lên rừng đốt củi làm than.
Em chờ vận vác cần ra sông Vị.
Em như thầy, vỗ bụng nghênh ngang!
Tìm đỏ mắt không ra người tri kỉ,
Giận bấy nhân gian ta viết Lý Ngạo Đời
Một khúc giang hồ bỏ liều cũng phí
Ngâm vào bầu thỉnh thoảng uống chơi!
*
KHA TIỆM LY
LỜI BÌNH:
Tôi vốn hiền lành, xưa nay bị người bắt nạt nhiều nhưng chỉ chửi ngấm ngầm
chớ không chửi ra miệng bao giờ. Hôm nay đọc “Lý Ngạo Đời” của Kha tiệm
Ly trong lòng tôi sướng quá. Sướng là vì Kha tiệm Ly chửi đời thay tôi mà chửi
hay làm sao. Người ta thường nói “hỗn như
bán cá” (xin lỗi), nhưng tôi thấy Kha ta còn hỗn hơn bán cá nhiều, chửi độc
hơn, hay hơn, dài hơn và cũng có văn hóa hơn. Thật thế, vì dùng thơ mà chửi tất
nhiên phải có văn hóa rồi nhưng thơ của Kha tiệm Ly ngoài cái văn hóa còn văng
ra cái văn chương khiến đọc nghe mà thỏa dạ vô cùng. Có ai vào đề bài thơ mà
non ọe ra ngay đâu. Chỉ có cái anh chàng Kha ngạo đời lại “mửa” ngay ở câu thơ
đầu tiên. Vậy mà khi đọc không ai bịt mũi, lại còn hỉnh to ra thưởng thức cái
mùi chua khó ngửi hơn dấm mới lạ làm sao:
Chẳng có bầu mà tự nhiên muốn ói,
Chẳng phải thằng điên sao đột ré lên
cười.
Rượu uống suông, uống một mình quen thói,
Chẳng phải ói trong thơ, anh ta còn cười ré lên như thằng khùng. Vì
sao thế?. À ra vì anh ta uống rượu một mình buồn chăng?. Chẳng phải thế đâu. Là
vì anh ta uống rượu một mình trong yên lặng đã quen, nhưng tại vì lần nầy bị
con kéc phá đám không cho bình yên ngồi uống, dùng thứ tiếng người của
kéc, thử giả tiếng người của loài vô tri không nhân tính nói ra rả vào
tai. Có thật kéc nói không? Cũng không đâu. Tất nhiên nếu kéc nói thật thì Kha
tiệm Ly có thể thích thú lắng nghe và tán dương khen thưởng chớ mấy khi lại ói ra
đâu. Ói ra là vì ngược lại, là vì người mà nói như kéc đó thôi. Thật ra người
mà nói như kéc được là người có biệt tài giả tiếng loài vật đáng khen,
nhưng “kéc nói tiếng người” là nói
suông, nói những điều người ta bày mà không do lý trí mình suy nghĩ, con tim
mình cảm xúc mà ra, hay chua cay hơn là kéc học làm người! Hóa ra suy cho cùng
Kha Tiệm Ly không chửi kéc nói tiếng người đâu mà chửi “kẻ làm kéc nói tiếng người” đó vậy.
(Tác giả Châu Thạch và phu nhân) |
Đúng thế, trong vế thơ kế tiếp Kha tiệm Ly nói mình ói ra, mình ré lên là
vì cái bọn ấy khiến cho Kha tức tối:
Nhân cách một đời người còn rao bán,
Còn thơ ta muốn bán chẳng ai mua.
Lỡ dạy học trò cái Tâm trong sáng,
Nên vào đời đứa thiệt đứa thua!
Hóa ra Kha nhà ta ganh tỵ với bọn người nói tiếng kéc ở trên. Thật vô lý,
đời nầy người ta bán nhân cách đi thì mới thăng quan tiến chức, mới giàu sang
phú quý, mà người mua nhân cách thì cũng dùng tiền để tô điểm cho mình, bôi son
cho sự nghiệp để vang danh trong thiên hạ. chớ thơ bán thì ai mua làm gì,
vì nó đăng đầy trên hàng trăm trang web, mở mạng thì đọc được ngay đâu cần chi
bỏ tiền ra mua cho hao tốn. Kha tiệm Ly trở thành… “Kha đậu hủ”
rồi! Vì thời bây giờ mà còn không biết tính toán chi ly kinh tế, lại còn lạc
hậu ôm khư khứ cái nhân cách của mình không chịu bán đi như bọn kia. Đã thế Kha
thành “đậu hủ” thật vì còn nghĩ sai. Bọn “kéc nói tiếng người” đâu có nhân cách
mà bán, họ có bán chăng là bán luôn cái giả nhân cách của họ mà thôi. Họ vốn thiệt
thòi hơn Kha vì sinh ra không có nhân cách nhưng họ được trời thương hơn Kha vì
họ đắc thời còn Kha thì mạt vận! Kha còn một cái tội lớn lao, là làm giáo dục
theo kiểu phong kiến xa xưa, đem cái tâm trong sáng ra bảo học trò cứ thế mà ôm
giữ khư khư, khiến cho hậu sinh thừa tự cái gia tài trong như hạt sương ấy tan
ra trong nắng mưa thực tế giữa đời, thua thiệt với người cũng chẳng khác chi
Kha. Cái tâm bây giờ là cái tâm “kinh tế thi trường” khác hẳn xưa. Cái tâm ấy
phải chủ động làm biến đổi xu hướng con người và phải được quảng cáo hằng ngày
láo khoét trên TV để thu về lợi nhuận thật cao. Cho nên cái tâm bây giờ có mấy
người mà giữ được trong sáng như Kha đâu. Trách Kha nhưng mà cũng thương Kha và
khen Kha lắm, vì nhờ những người thủ cựu như Kha làm ngọn hải đăng trên cao
định hướng tìm về cho biết bao con thuyền đang lênh đênh trong cơn giông bão
trôi trên biển đạo lý suy đồi.
Qua vế thơ thứ ba Kha Tiệm Ly say thật rồi. Đã ói ra, đã cười lên the thế
lại còn đập bàn chữi bới lung tung, gọi đến kẻ sĩ, gọi đến người làm văn mà móc
họng người ta:
Chẳng bằng, bọn tự xưng kẻ sĩ,
Bôi tro, muối mặt riết thành quen
Đứa háo lợi háo danh, đạp chà sĩ khí
Ôm đống bạc tiền bất kể trắng đen.
Đứa mượn chút văn chương lếu láo,
Làm mặt mo che đậy cái tâm hèn
Bọn kẻ sĩ ấy chỉ là kẻ sĩ giả, tự bôi tro muối mặt vào thân, còn bạn
kẻ sĩ thật khồng tự bôi tro muối mặt nhưng nói như ở vế thơ sau phải “lên rừng đốt củi làm than”, “Vác cần ra sông Vị” thì cũng bị mưa nắng
làm cho đen thui thủi,mặt mày còn xấu xí hơn bọn kẻ sĩ kia gấp nhiều lần. Có
chăng là bọn kẻ sĩ giả có tiền nên rửa bên ngoài được nhưng bệnh thì thâm vào
tim, gan, phèo, phổi càng ngày càng ô uế thêm ra, còn kẻ sĩ thật thì nhờ nắng
mưa mà giữ gìn cho sức khỏe, tuy bề ngoài nám đen nhưng bên trong mạnh như
trâu, chẳng có vết dơ gì thâm nhập vào tâm can được. Phải nói trong bọn nầy
không có Kha, không có tôi cũng chẳng có vị nào điên mà tự nhận mình xấu xa cả.
Vậy thì Kha chửi ai đây? Đích thị là Kha chửi đổng. Thật tình chê Kha chửi đổng
còn thua xa Chí Phèo. Giá mà Kha gọi cha, gọi ông. gọi ba đời dòng họ nhà nó ra
mà chửi như Chí Phèo chửi thì hay biết mấy. Tuy thế cũng nên châm chước cho
Kha, vì Kha chửi theo kiểu có văn hóa còn Chí Phèo thì chửi theo kiểu vô văn
hóa mà đem ra so bì sao được!
Hết muốn ói, hết cười, hết chửi, bây giờ miệng lưỡi Kha tiên sinh trầm lắng
xuống nghe cũng thấy hơi buồn:
Thương học trò ta:
Em “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”
Cho đời nầy còn có Lục Vân Tiên.
Lại thương em bút nghiên không thỏa chí,
Gồng gánh lên rừng đốt củi làm than.
Em chờ vận vác cần ra sông Vị.
Em như thầy, vỗ bụng nghênh ngang!
"Kiến nghĩa bất vi vô dõng giá”
hiểu nôm na là “Thấy việc nghĩa không làm
thì không phải dũng”. Câu nầy còn đi theo một câu nữa là “Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” hiểu nôm
na là “Gặp người lâm nguy không cứu
thì không phải anh hùng”. Hai câu nầy đoán mò cũng biết của các thầy đồ
ngày xưa dạy học trò làm người anh hùng sống giữa cuộc đời. Người hùng ngày nay
khác xa, đó là “Thấy bia rơi không “cáp
duồn” không dũng/ Chốn đông người không chen lấn không hùng”. Kha tiên sinh
dạy học trò ngược về cái thời “cửa Khổng sân Trình” nên học trò “bút nghiên không thỏa chí”, “lên rừng đốt củi làm than”, “vác cần ra sông Vị” chờ đến suốt đời
cũng chẳng ai dùng là rất đúng, chớ có than van! Nói thì nói thế nhưng suy nghĩ
lại, ngày nay nếu không có các vị Bồ Tát nầy lấy thân mình ra làm chiếc đuốc
soi cho con đường trần gian có thêm chút ánh sáng, thì chiếc xe chở sự suy đồi
sẽ bon bon đưa loài người xuống hố sâu tội lỗi. Họ chỉ như những con đom đóm
bay trong đêm, nhưng đom đóm cũng báo động cho người biết mình đang đi trong
đêm rất cần ánh sáng ban mai.
Rồi thì Kha than van đốt đuốc “tìm đỏ mắt không ra tri kỷ” thật là ngạo đời:
Tìm đỏ mắt không ra người tri kỉ,
Giận bấy nhân gian ta viết Lý Ngạo Đời
Một khúc giang hồ bỏ liều cũng phí
Ngâm vào bầu thỉnh thoảng uống chơi!
Cỡ như Kha tiệm Ly có đầy. Nhưng nghĩ lại cũng đúng, cỡ như Kha tiệm Ly có
đầy nhưng làm thơ ngông như Kha và ngạo đời như Kha thì có một. Châu Thạch cũng
muốn mon men đến xin làm tri kỷ nhưng đọc thơ xong thấy học trò của Kha như
thế, mình mà làm bạn Kha thì chắc trơ xương nên rút êm cho khỏe cái thân già.
Kha giận nhân gian mà viết Lý Ngạo Đời là gãi ngứa cho nhân gian. Vậy mà đúng
thật, đọc Lý Ngạo Đời của Kha, Châu tôi thấy đã ngứa từ môi đến lưỡi, vỗ bụng
kêu phành phạch sướng ơi là sướng. Kha tiên sinh lại dùng khúc giang hồ Lý Ngạo
Đời “Ngâm vào bầu thỉnh thoảng uống chơi” là tốt quá, vì cái Lý nầy nó như con
rắn có nọc, đời sợ vô cùng, nhưng ngâm nó vào rượu thì uống vào bổ xương
bổ cốt. Nọc của rắn nguy hiểm cho bọn đi đêm nhưng đem chữa bệnh cho đời thì
tốt vô song.
Một khúc giang hồ bỏ liều cũng phí
Ngâm vào bầu thỉnh thoảng uống chơi!
“Uống
chơi”, nó toát lên cái ngạo nghễ, cái “ngạo
đời” đến thế là cùng!
Chữ tào lao theo định nghĩa là “Không có gì thiết thực, đúng đắn, chỉ nói
ra cho vui”. Vậy cho nên xin tác giả và bạn đọc xem như Châu Thạch tôi nhảy cỡn
lên vì đọc Lý Ngạo Đời thấy đã quá nên cũng viết tào lao mà thôi. Thật tình xin
lỗi, xin lỗi, xin lỗi nếu tào lao sai phạm điều gì./.
*
CHÂU THẠCH
(Tên thật: Trương Văn
Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.
...................................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 13.08.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại..
0 comments:
Đăng nhận xét